Tản mạn về phim Sherlock Holmes: A Game of Shadows


Cách đây không lâu, bạn tôi Lusman (admin Tarot Vietnam) có gửi cho tôi trailer của bộ phim Sherlock Holmes: A Game of Shadows (Phần II), vì trong phim có xuất hiện bài Tarot ở vài phân đoạn. Phim này hiện vẫn đang chiếu trong các rạp ở Việt Nam, và cũng là chủ đề khá hot. Vì vậy, tôi tản mạn vài dòng giới thiệu về bộ Tarot được nói đến trong phim cũng như vài kiến thức lặt vặt liên quan.

Phim xuất chiếu vào ngày 16/12/2011 tại Mỹ. Phim được đạo diễn bởi Guy Ritchie, sản xuất bởi Joel Silver, Lionel Wigram, Susan Downey, và Dan Lin. Đây là phần II của series phim Sherlock Holmes, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Sir Arthur Conan Doyle. Tác giả kịch bản của phim là hai vợ chồng Kieran Mulroney và Michele Mulroney. Phim lấy cảm hứng từ tác phẩm cuối của  Conan Doyle  "The Final Problem" (Phi Vụ Cuối Cùng), với cái chết của Holmes và Moraety dưới thác nước. Phía dưới là đoạn trailer của phim: chú ý phút 30.



Phân cảnh xuất hiện bài tarot là khi Holmes tìm đến thầy bói người Gypsy tên Simza (do Noomi Rapace thủ vai) để thông báo về lá thư của anh trai cô. Anh trai cô đã đi theo người đứng đầu tổ chức đen. Holme tìm đến để cảnh báo và tìm kiếm người anh trai của Simza. Trong phân cảnh này, Simza lại không phải là người rút bài và bói, mà chính Holmes rút và lý giải về lá thư và về thân thế của cô. Đoạn hội thoại có thể nói là hơi khó hiểu, không rõ là nói về vấn đề chính xác gì, vì căn bản không có câu hỏi hay nghi vấn ở đây. Hình ảnh lá bài xuất hiện khá đột ngột và kịch tính. Hình bên dưới là các lá bài lấy từ bộ phim.




Điểm thú vị thứ nhất là bộ này được sử dụng bởi một Gypsy. Tôi khá hứng thú với cách biên kịch này vì đa số các phim rất ít khi thể hiện mô tiếp người Gypsy một cách rõ nét như phim này. Từ cách ăn mặc, cách gọi chuyện đến các biến cố, và phần nào cả tính cách nữa, đều toát lên vẻ gypsy đầy đủ. Phần nhiều người Gypsy sống du mục, và chủ yếu làm khuân vát và các việc lặt vặt. Ít có người gypsy nào có học vị cao. Hầu hết truyền thống tarot đều gáng cho người Gypsy như là hậu duệ huyền học của Hellenistic địa trung hải, dù điều này không thể chứng mình rõ ràng. Hình ảnh người gypsy hành nghề bói toán có lẽ rất xa xưa và hiển nhiên là họ dùng lá bài làm bói toán không phải quá mới mẻ. Nhưng lá bài họ dùng là bộ Gypsy Card mà ngày nay ít khi thấy nhắc đến. Gypsy Card là bộ bài gồm 40 hay 48 lá bài có các biểu tượng hình học đơn giản. Đến thế kỷ 19 và 20 thì hầu như họ đều dùng bộ bài 32 lá hoặc 52 lá kiểu bài tây. Các giải đoán của họ còn tìm thấy trong hệ thống giải nghĩa của Lenormand và hệ thống Sybille de Paris của nhà in Grimmaud. Phía dưới là hình ảnh các Gypsy bói toán được ghi lại bởi các họa sĩ.


"The Fortune Teller" (1841) của họa sĩ Mikhail Ivanovich Skotti

Bộ bài dùng ở trong bộ phim này là thuộc nhóm Tarot de Marseille. Tôi nhận ra ngay đây là bộ Tarot phiên bản của Osward Wirth năm 1889. O.Wirth: tên đầy đủ Joseph Paul Oswald Wirth sinh năm1860 mất năm 1943, nhà huyền học, thành viên hội kín thập tự hoa hồng (Ordre kabbalistique de la Rose-Croix), học trò và thư ký của Stanislas de Guaita, sáng lập viên của hội kín cùng với Joséphin Péladan. Các tác phẩn để lại của ông đều trở thành kinh điển: Le Symbolisme hermétique dans ses rapports avec l'alchimie et la Franc-maçonnerie, Le Symbolisme astrologique, và đặc biệt là Le Tarot des imagiers du Moyen Âge. Chính trong tác phẩm này, nay đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong suốt thế kỷ 20 tại Pháp, và trở thành chuẩn mực của mọi tham chiếu đến Tarot. 


Bộ bài được thực hiện cùng với Guaita, giáo chủ của Thập Tự Hoa Hồng. Đặc điểm của bộ này là sự kết hợp của chữ Hebrew được vẽ chung với lá bài (ngoài ra còn có Tarot Papus cũng tương tự). Hình ảnh của bộ bài tuân thủ khá tốt mô típ của bộ Marseille nhưng với hình ảnh trao chuốt hơn. Một cải cách của ông trong thời kỳ này là thay đổi ở lá The Magician, trong đó các biểu tượng giả kim được thay bằng 4 đầu hình kiếm, ly, tiền, gậy; và hình thức này đã được A.E.Waite tiếp thu trong bộ Waite của ông. Bộ Tarot Wirth ra đời năm 1889 (gần 20 năm trước khi bộ Waite ra đời) chỉ gồm 22 lá Major Arcana. Sau đó được A.G.Muller vẽ thêm cho đủ 78 lá. Bộ gốc xuất bản 1889 chỉ gồm 100 bộ, hiện còn giữ được khoảng 10 bộ, trong đó có một bộ của nhà sưu tập người Nhật (là bản tham chiếu trên Internet hiện nay). Bộ của AGM hiện chỉ xuất bản một lần duy nhất 1976, và không tái bản một lần nào cho đến nay. Hiện tôi đã sưu tập được một bộ của AGM sản xuất năm 1976 ở Switzerland. Hình dưới đây là bộ Tarot Wirth mà tôi sưu tập được, bố trí theo như trong phim.


Bộ Tarot Wirth phiên bản AGM năm 1976

Trong phim, bốn lá bài được rút ra bao gồm: The Temperance, The Fool,  The Love, The Devil. Hãy coi đoạn hội thoại giữa 2 người Shelock Homes (Sh) và người đàn bà bói toán Gypsy (Gp). Bản hội thoại này là tôi ghi lại từ bộ phim trình chiếu có phụ đề tiếng Việt, vì vậy độ chính xác có hạn nhất định. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tin tưởng đươc ở bản dịch này:


Sh: Ah, tôi suy nghĩ về ...
Gp: Hãy nói cho tôi biết khi ngài sẵn sàng 
Sh: Thực ra tôi thích làm người phán hơn ... về tương lai của cô. 
[Rút lá The Temperance ra] 
Sh: Tính tình. Sống nội tâm. Tới đây sẽ có nhiều biến động. Một quý cô, người gần đây đã bắt đầu tìm kiếm niềm an ủi bằng rượu mạnh. Điều an ủi ? Tại sao ? Muốn nhìn thấy không ? 
Gp: Một sự xấu hổ của chàng ngốc ? 
Sh: Oh Vâng, thằng ngốc. 
[Rút lá The Fool ra] 
Sh: Một người đi sai đường do không có kiến thức. 
Gp: Không tệ, nhưng tôi phải làm cho anh suy nghĩ. Anh phải nhìn thấy nó trong mắt của anh. 
[Rút lá The Lovers] 
Sh: Để tôi xem thêm. Sự thật hiển nhiên. Cho thấy một liên minh mạnh mẽ. Nhưng từ ai ? Một người anh trai và một cô em gái, có lẽ thế ? Và tôi thấy một cái tên ah, Rene. 
Gp: Anh muốn gì ? 
[Rút lá The Devil] 
Sh: Ma quỷ. 
Gp: Tại sao lại tham gia trò chơi này ?...
Giờ ta xem xét cách lý luận của Shelock Holmes, so sánh nó với chú giải của Wirth. Hình ảnh lá The Tempence, một thiên thần cầm hai vại nước nóng-lạnh đổ nước qua lại. Wirth lý giải trong sách của mình như sau "nature instable et changement" (kém ổn định và hay thay đổi),"sensible aux influences exterieures" (bị ảnh hưởng bởi biến động bên ngoài), "Mouvement incessant" (bị biến đổi không ngừng). Đây có thể là lý do để Holmes lý luận: sống nội tâm. Tới đây sẽ có nhiều biến động. Hình ảnh bình nước và cô gái trong lá bài có thể là nguyên nhân để Holmes phán đoán rằng "Một quý cô, người gần đây đã bắt đầu tìm kiếm niềm an ủi bằng rượu mạnh". Một sự liên kết vừa mang nghĩa ý tưởng, vừa mang nghĩa thực của hình ảnh trên lá bài. 


Ở lá thứ hai, The Fool, ta thấy có cả 2 lý luận của cô Gypsy và của cả Holmes. Gypsy lý luận rằng "Một sự xấu hổ của chàng ngốc", còn Holmes thì "Một người đi sai đường do không có kiến thức". Wirth lý luận ở lá này như sau: "Aveugle entraine à sa perte" (mù quáng dẫn đến sai lầm), "incapacite de reconnaitre des torts" (không có khả năng nhận ra thiệt hại). Điều này hoàn toàn trùng khớp với ý tưởng của Holmes hơn là lý giải của Gypsy. Lý luận như thế này khá thông dụng và thống nhất trong cả các lý giải của Waite hay Crowley. 


Ở lá thứ ba, The Lovers. Lá này Holmes đã lý giải là "một liên minh mạnh mẽ". Lý luận này hoàn toàn khác với Wirth. Ngay cả các lý luận của Waite hay Crowley cũng không có chú giải nào liên quan đến khái niệm "liên minh". Có lẽ đây là sáng tạo riêng của nhà biên kịch Mulroney, đã biến đổi ý nghĩa từ tình yêu thành liên minh. Cá nhân tôi lại thích sự suy diễn này: bản thân tình yêu (trong trường hợp này là hôn nhân) là một liên minh. Điểm thú vị nữa là ta thường quên mất ý nghĩa hôn nhân trong lá bài. Hình ảnh thông thường của lá bài là 3 người: một nam, một nữ thành cặp và một chủ hôn (Giám mục) và thiên thần tình yêu; vậy lá này nên có tên là "hôn nhân" chứ không phải "tình yêu" vì đã thực hiện xong nghi lễ thành hôn. Kế nữa, ý nghĩa chữ liên minh này đã thoát ra khỏi toàn toàn ý nghĩa của chữ  "tình yêu" nhưng vẫn đảm bảo tính logic trong hình ảnh lá bài. Thật là sự sáng tạo thú vị. 


Ở lá cuối cùng, The Devil, ý nghĩa cơ bản không mấy thay đổi: ma quỷ. Tôi nói thêm về lá bài đặc biệt này. Lá bài này được thiết kế với hình ảnh con quỷ với 2 dòng chữ ở 2 bên cánh tay: "Solve" và "Coagula". Đây là 2 khái niệm thần học và giả kim đặc biệt. Khái niệm này gần giống trùng khớp với khái niệm Âm Dương của châu Á. Khái niệm này được nhắc đến trong sách "Magnum Opus". Solve là Trời, Coagula là đất, hoặc Solve là mặt trời, Coagula là mặt trăng. Sự kết hợp giữa các yếu tố đối lập là nền tảng cơ bản của thuật giả kim. Sự kết hợp này còn là nền tảng lý luận trong nhiều nghệ thuật hắc ám đáng sợ như: ghép linh hồn vào búp bê (búp bê ma); tạo thây ma (xác sống) ... Hình bên dưới là những hình ảnh cổ về Solve và Coagula.




Cuối cùng, là loạt ảnh của bộ Tarot Wirth mà không nhiều thành viên tarot ở Việt Nam biết đến, dù nó khá nổi tiếng ở Châu Âu.























DMCA.com Protection Status
Bài viết "Tản mạn về phim Sherlock Holmes: A Game of Shadows" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ