Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Archive by date

Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 03: THE HIGH PRIESTESS

item-thumbnail
Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.


Phần 03: LA PAPESSE 
(The High Priestess)



Nữ  tư tế là lá bài số hai trong số 22 Arcana chính của bài Tarot. Hình ảnh của bà đối lập với lá bài số I - Ảo thuật gia. Nếu Ảo thuật gia là một người đàn ông trẻ tuổi đang đứng với những động tác chủ động thì Nữ tư tế lại là một phụ nữ đứng tuổi, ngồi bất động với cuốn sách trên tay cực kì huyền bí. 

Nữ tư tế mặc một chiếc váy dài màu đỏ với hai sợ dây vàng vắt chéo qua thân, phủ lên chiếc váy dài đó là tấm áo choàng xanh dương với cổ áo và móc áo màu vàng. Trên đầu bà đội một chiếc khăn choàng màu trắng phủ xuống vai và chiếc mũ ba vòng màu vàng – mũ thường đội của các Đức Giáo hoàng. Phía sau đầu bà là tấm trướng rủ xuống màu da người được xếp nếp khá nổi bật ; hai bàn tay đang cầm một quyền sách mở rộng, chữ trên đó không hề bị che phủ mà vẫn nhìn thấy được.

Nữ tư tế hiện lên như một bí ẩn sâu sắc khiến người ta nhìn vào khó mà lý giải được. Chiếc váy đỏ dài với đường vân chéo màu vàng nổi bật thấp thoáng phía sau tà áo choàng xanh chính là tri thức bí ẩn cực kì to lớn mà nữ tư tế này muốn ẩn giấu qua lớp áo xanh lam mang đến sự tinh khiết và che đậy thánh linh.

Chiếc khăn choàng màu trắng trên đầu của vị nữ tư tế này khiến ta liên tưởng tới sự kiên định của những nữ tu làm ngơ với sự trần tục. Khăn đội đầu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các tín đồ đạo Hồi. Màu khăn trắng là màu rất hay gặp bởi lẽ người ta nói rằng nhà Tiên Tri ưa thích màu này, màu trắng là màu của Thiên Đường hay như đã đề cập trong màu trắng của chiếc gậy chàng Khờ, đó cũng là màu của Thần Khải, của thiên ân, là màu sắc tượng trưng cho sự Hiền minh và thông tuệ. Chiếc mũ ba vòng mà nữ tư tế đội cũng là một ý nghĩa biểu tượng lớn lao khi mà nó cũng chính là hình ảnh từ mũ đội đầu của Đức Giáo hoàng trong Thiên Chúa giáo. Mũ ba vòng từng xuất hiện trên đầu của những vị thần Ba Tư cổ đại như Altis, Mithra... 

Khi trở thành mũ đội đầu của Giáo hoàng thì tầng thứ ba của vành mũ miện được che kín bằng một chỏm mũ trên đó có một dấu thánh gia tượng trưng cho quyền lực Giáo hoàng ở trên các Giám mục. Vào cuối thời Trung cổ, Tòa Thánh Vatican chấp nhận kiểu mũ ba vòng này thì đó là tượng trưng cho ba mặt vương quyền của vị đứng đầu Giáo hội lúc đó : vương quyền tinh thần đối với các linh hồn, vương quyền thế tục đối với các Nhà nước xuất thân từ Đế chế La Mã, vương quyền siêu đẳng đối với mọi vua chúa trên mặt đất. Tuy nhiên một số nhà bình giải khác cho rằng chiếc mũ đó là biểu tượng của ba đức tính  « đối thần » (vertus theologales),  và các đức tính đối với Giáo hoàng phải đạt tới mức á thần bởi vì về nguyên tắc, vị giáo chủ này luôn sống trong trạng thái thánh thiện: đức tin, hy vọng và lòng nhân từ. 

Như vậy, xét trong trường hợp của Nữ tư tế, có lẽ hình ảnh của bà cũng chính là đại diện cho những điều tốt đẹp mang ý nghĩa của đấng hiền minh, ổn định. Là một tư tế, bà cũng là người phụ nữ đang chờ đợi những quy tắc của đạo lý, của thiên chức, là tri thức đối lập với quyền lực. 

Còn về cuốn sách trên tay của Người, sẽ hơi nhàm chán nếu tiếp tục nói rằng sách là biểu tượng của tri thức. Đó là ý nghĩa tất nhiên khi mà cả phương Đông lẫn phương Tây cùng chung niềm tin như vậy. Tuy nhiên cuốn sách ở đây được mở, với những nét chữ không hề mờ mà hiện lên rõ ràng, như vậy, Nữ tư tế sẵn sàng chia sẻ tri thức của mình. Thế nhưng đó không phải là một tri thức dễ dàng thu nhận. Bởi lẽ sách không chỉ đơn thuần là tri thức chung chung, nếu hiểu cao hơn thêm một tầng nghĩa nữa, sách còn là biểu hiện cho vũ trụ. « Vũ trụ là một cuốn sách mênh mông » là lời của Mohyddin ibn Arabi viết hay như Hội Rose – Croix ( Hoa Hồng Thập tự) thời Trung Cổ có từ « Liber Mundi » có nghĩa là « Sách Thế giới », những cuốn sách Đời được đề cập trong Khải Huyền thì ở trung tâm Thiên Đường, ở đó nó được đồng nhất với cây Đời của Thượng giới...

Như vậy, mặc dù trí tuệ của Nữ tư tế có thể truyền giao lại nhưng cũng rất khó khăn cho người thụ pháp hiểu hết được ý nghĩa đó. Dường như Nữ tư tế nhằm thúc đẩy những tiềm năng vô thức và tiềm ẩn trong chính con người chúng ta đang chờ bộc lộ qua chính những tri thức bí truyền của bà. 

Ghi Chú:


Thần Khải ( Thiên Khải): Trong tôn giáo, có nghĩa là sự truyền thụ bằng cách siêu nhiên những chân lý thần thánh mà trí tuệ con người không sao hiểu nổi. Trong triết học, được hiểu là sự hội đạt chân lý một cách siêu cảm tính và siêu lý tính, trong trạng thái thông tuệ đặc biệt.

Thiên ân (thánh ân): là ơn đức của Chúa đối với con người. Trong mỗi tôn giáo đều có những đặc thù riêng nhưng nhìn chung đó là sự giúp đỡ từng người trong công cuộc tự hoàn thiện tinh thần, truyền cho con người những sức mạnh vô hình và tha tội cho những kẻ biết hối cải.

Hoa hồng Thập tự ( Rose –Croix): là một hội kín khá nổi tiếng, thành lập từ thế kỉ XVII ở Đức của dòng Ki tô phái hữu. Họ nghiên cứu về triết học và các lĩnh vực tâm linh, tinh thần. Họ có quan hệ chặt chẽ với đạo Tin lành hơn là so với Công giáo. Hiện nay, trong xã hội hiện đại, hội này vẫn đang tiếp tục tồn tại và là đối tượng nghiên cứu cho nhiều chuyên ngành có liên quan.
Đọc tiếp »

Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 02: THE MAGICIAN

item-thumbnail
Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.




Phần 02: LE BATELEUR 
(The Magician)

Người mở đầu cho các Arcana chính là một ảo thuật gia, hay một người làm xiếc. Con số Một mà anh ta nắm giữ cũng phần nào thể hiện ý nghĩa của lá bài này. Tại sao vị Ảo thuật gia này lại nắm giữ con số Một của cuộc hành trình. Số Một là con số đầu tiên, cũng là con số Bản nguyên của vạn vật. Không cần nói, ta cũng biết rằng, ý nghĩa của con số Một chính là sự bắt đầu, sự xuất phát nhưng đồng thời cũng là một biểu tượng của Trí tuệ tỏa sáng, của cái tồn tại và là bản thể tri thức nâng con người lên một cấp độ cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc Ảo thuật gia là người nắm giữ những tri thức quan trọng, là người tư vấn trên bình diện tâm lý hay bói toán.

Ảo thuật gia đội một chiếc mũ rộng vành với nền vàng, vành xanh lá viền đỏ. Thân người mặc chiếc áo bó sát với hai màu xanh lam và đỏ xen kẽ rất chỉnh, phần lưng eo thắt một chiếc thắt lưng màu vàng, giống với lá bài Chàng Khờ; chân trái của nhà Ảo thuật đi giày đỏ, tất xanh, chân phải thì đi giày xanh, tất đỏ; hai bàn chân đặt vuông góc với nhau; ống tay áo cầm một chiếc gậy nhỏ - ý nghĩa tiến hóa tất yếu của vật chất giơ lên trời màu xanh lam, tay còn lại cầm đồng tiền thì ống tay áo màu đỏ - tinh thần thâm nhập vào vật chất. 

Với diện mạo như vậy, nhìn sơ qua tưởng chừng như một sự tương phản rất buồn cười thế nhưng Ảo thuật gia tựa như sự phân đôi của những màu sắc đối lập mang những ý nghĩa của bản nguyên đối lập. Không giống chiếc áo của Chàng Khờ với những tông màu thống nhất và chủ đạo là màu đỏ của trí tuệ. Cả người Ảo thuật gia là sự hài hòa giữa màu xanh – tinh thần, nữ tính và màu đỏ - quyền năng, nam tính. Sự xen kẽ màu sắc trên trang phục ám chỉ sự cân bằng cũng như khả năng chế ngự tính hai mặt của nhà Ảo thuật cũng như tri thức luôn được che giấu kín đáo nhưng vẫn thể hiện ra phần nào đó cái khôn ngoan vừa phải, tạo nên sự cuốn hút của chàng đối với con người, khiến người ta tò mò về những gì chàng làm hay những ý nghĩa mà chàng ta mang lại.  

Cũng là một trong hiếm những lá bài trên trang phục thể hiện đầy đủ các phụ kiện như thắt lưng, giày và mũ. Đôi giày và chiếc thắt lưng đều có chung kiến giải như lá bài Chàng Khờ. Tuy nhiên điều đặc biệt, đôi giày của chàng ta không cùng màu, một bên xanh, mộ bên đỏ tựa đôi tất mà chàng đang mang. Ý nghĩa biểu tượng của đôi giày màu này như nói đến sự sở hữu song toàn cả về tinh thần lẫn trí tuệ của Ảo thuật gia mà nếu so sánh với biểu tượng của phương Đông dễ khiến ta nhớ đến vòng tròn âm dương với 2 màu đen và trắng. Có thể nói trang phục của của nhà Ảo thuật nói lên sự cân bằng giữa hai thái cực và của cả thế giới. Tuy nhiên, chiếc mũ rộng vành mà Ảo thuật gia đội mang là đặc trưng của giới buôn bán và sự giao thương. Trong thời cổ đại, loại mũ này không hề xuất hiện mà là đặc trưng của vị thần bảo hộ các thương nhân cũng là vị thần của lừa đảo và trộm cướp – Hermes. Thần Hermes không còn chỉ nguyên nhất là vị thần trong Thần thoại Hy Lạp mà sang đến thời trung cổ, trí thông minh cũng như tài biến hóa của vị thần này đã được các nhà giả kim học tôn sùng và gọi là Hermes 3 lần vĩ đại ( Hermes Trismegistus1). Như vậy, trong cái tốt có cái xấu, bên trong sự khôn ngoan trí tuệ của Ảo thuật gia cũng ẩn chứa những gian ngoa, xảo trá.

Hình ảnh của Ảo thuật gia cũng là bức ẩn chứa rất nhiều biểu tượng của lý luận giả kim thuật thời trung cổ. Chiếc bàn ba chân phía trước nhà ảo thuật chính là điển hình của chiếc bàn sử dụng bởi các giả kim thuật gia bởi lẽ đó là chiếc bàn thể hiện cho 3 nguyên tố trụ cột cho thế giới vật chất theo lý thuyết của thuật giả kim: lưu huỳnh, muối và thủy ngân. Trên chiếc bàn đó cũng là đầy đủ những hình ảnh của 4 bộ Arcana phụ: Gậy (Wands) trên tay màu xanh, Cốc (Cups) trên mặt bàn, Gươm (Swords) được thu nhỏ thành hình ảnh con dao trên mặt bàn, Tiền (Coins) chính là đồng tiền vàng trên tay màu đỏ. Là lá bài mở đầu, Ảo thuật gia thể hiện rất rõ sự liên kết giữa bảy mươi tám lá bài với nhau, cho dù là Arcana chính hay phụ thì chúng phải kết hợp với nhau mới đưa ra kết quả chính xác, rõ ràng và cụ thể.

Cây gậy nhỏ trên tay có ống tay áo màu xanh đang giương lên trời giống với hình ảnh của cây đũa thần nhiều quyền năng trong truyền thuyết. Chiếc đũa thần đó là công cụ ma thuật mạnh nhất, gợi nhớ tới những phù thủy hay những pháp sư; đó cũng là công cụ mà những nhà ảo thuật vẫn thường dùng để thể hiện khả năng thần bí của mình. Đó cũng có thể là hình ảnh giản lược của chiếc gậy rắn thần của thần Hermes, chiếc gậy được ban tặng bởi thần Mặt trời Apollon. Cây gậy là hiện thân của vị thần sứ giả này và đồng thời cũng là sự cân bằng mâu thuẫn tốt – xấu giữa hai dòng vũ trụ xoắn xuýt vào nhau. Giống như đang định làm hành động phù phép bởi cánh tay của tinh thần, chiếc gậy nhiệm màu đó như thể sự tiến hóa của vật chất dưới bàn tay của nhà Ảo thuật khôn ngoan này.

Tay còn lại cầm một đồng tiền vàng hướng xuống đất. Theo như lý luận của giả kim thuật, vàng được coi là loại vật chất vĩnh cửu, là đại diện của sự bất tử và thần thánh. Mục đích luyện chì thành vàng của các nhà giả kim hàm nghĩa biến đổi người thành thần. Đồng tiền trên cánh tay trí tuệ của Ảo thuật gia như thể là kết quả của quá trình phù phép và anh ta đang đưa ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Dường như sức mạnh của cây gậy tinh thần đã làm biến đổi đi yếu tố vật chất và đồng tiền vàng này chính là kết quả của việc tinh thần thâm nhập, hòa hợp cùng vật chất.

Nhà ảo thuật là người mở đầu cho trò chơi, một thuật sĩ chính hiệu và cũng là một nhà giả kim tài ba. Anh ta là người tư vấn, biểu tượng cho sức mạnh sáng tạo, cái nghị lực và sự khéo léo nhưng cũng ẩn chứa cả sự lừa đảo và dối trá. Anh là tính hai mặt của vật chất và cũng che đậy cả sự khôn ngoan sâu sắc về những tri thức huyền bí thiết yếu đối với con người xa lạ như chúng ta, gợi nên sự tò mò trong mỗi con người.
Đọc tiếp »
Trang chủ