Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Archive by date

Ý Nghĩa Những Bộ Số Trong Tarot

item-thumbnail


Lời dẫn: Bài này do cộng tác viên Hoàng Hiền thực hiện. Mục đích của nó là giải thích ý tưởng của bộ số 78 (số lượng lá bài của Tarot), 22 (số lượng ẩn chính) và các bộ số liên quan đến Tarot. Bài này tương đối hoàn chỉnh về lượng kiến thức cũng như sự sâu sắc trong phân tích được dẫn chứng xuyên suốt bài. 

Phân đoạn và mục được phân chia lại theo yêu cầu bài viết này, nhằm làm rõ ý tưởng của bài. Một lần nữa, gửi lời cảm ơn đến Hoàng Hiền đã thực hiện một bài phân tích quang trọng trong Tarot.

Ý Nghĩa Các Bộ Số Trong Tarot


1. Giới Thiệu Chung

Bài Tarot xuất hiết ít nhất cũng phải từ trước thế kỉ XIV, từ đó đến nay, trước sự gặp gỡ của các nền văn hóa, bộ bài này đã có từng bước thay đổi và phát triển. Có khoảng trên dưới 40 bộ bài đã được liệt kê tên và rất nhiều bộ vô danh, khuyết danh hoặc đã tuyệt tích khác nữa. Nhìn chung, cơ cấu của một bộ bài Tarot gồm có 78 lá bài, chia làm 2 phần: 22 lá Arcana chính (Major Arcana) và 56 lá Arcana phụ (Minor Arcana), một số bộ bài không có đủ từng đó lá hoặc bị mất, thiếu do quãng thời gian rất lâu. 

2. Ý Nghĩa của Bộ Số 78 và 12

Thứ nhất, ta sẽ giải thích ý nghĩa của những con số biểu tượng trong bộ bài Tarot. Không nói quá khi khẳng định rằng, triết học Pythagore có ảnh hưởng không nhỏ với việc hình thành nên số lượng của những lá bài và những con số đó phần nào cũng mang những ý nghĩa biểu tượng hết sức đặc trưng.

Đầu tiên là ở tổng số 78 lá bài, con số 78 thực chất mang 1 ý nghĩa đặc biệt bởi lẽ nó là tổng của 12 con số đầu tiên, từ 1 đến 12. Con số 12 còn được biết đên là con số thần thánh với rất nhiều biểu tượng gắn liền với nó: 12 cung hoàng đạo (cả phương Tây và phương Đông), 12 thánh Tông đồ (Thiên Chúa giáo), 12 con trai của Jacob (Israel) tượng trưng cho 12 dân tộc Do Thái (Do Thái giáo), số lượng hiệp sĩ bàn tròn của vua Arthur cũng là 12 người ( thần thoại Celtes)…

Con số 12 với tầm quan trọng của mình được đánh giá là con số của trạng thái phức hợp, con số của sự kén chọn, con số hành động… Những bội số của 12 đều xuất hiện trong những câu chuyện của các dân tộc, Kinh Thánh, Khải Huyền… Tóm lại với ý nghĩa Hoàn Vũ của mình, con số 12 từ xưa tới nay đều tượng trưng cho một chu kì hoàn tất và đối nghịch với con số 21 (giải thích phía sau). Vậy tổng của 12 con số cũng mang một ý nghĩa linh thiêng tương tự, nó chính là “ý nghĩa bí mật của mười hai con số đó”. Nói một cách bí hiểm, toàn bộ các lá bài thực chất là một cuồn sách bằng hình, ẩn chứa những con số cùng với bản thể của chúng cấu tạo cả vũ trụ vật chất lẫn tư duy của con người. 

3. Ý Nghĩa của Bộ Số 21; 3 và 7

Con số của các Arcana chính bao gồm 22 lá, trong đó có 21 lá được đánh số La Mã từ I đến XXI và một lá không được đánh số, đó là lá Le Fol (hay Le Mat). Thứ nhất, ta phải phân tích con số 21 trước. Số 21 bằng 3 nhân với 7 mà trong đó, hai con số này đại diện cho sự hoàn thiện của con người.

Số 3 tượng trưng cho các bộ phận cấu thành nên con người hoàn chỉnh là: tinh thần, linh hồn và thể xác. Trong khi đó con số 7 tượng trưng cho sự hoàn thiện năng động, tượng trưng cho một chu kì hoàn hảo và sự đổi mới tích cực như bảy ngày trong tuần, bảy vị Tổng lãnh Thiên thần (Thiên Chúa giáo), bảy cánh cổng thành Thebes, bảy dây của đàn Lira, bảy người con trai và con gái của Niobe (Thần Thoại Hy Lạp), bảy hành tinh, bảy kì quan thế giới, bảy ngôi sao của chòm Bắc Đẩu… Con số 7 là con số của người toàn hảo, là sự tiến hóa tích cực.

Như vậy, dưới sự hợp thành của hai con số đậm tính biểu tượng: số 3 và số 7, con số 21 của các lá Arcana chính được đánh số cũng mang ý nghĩa tương tự. Con số 21 trong Kinh Thánh tượng trưng cho sự toàn bích, hoàn mĩ, là con số của Đức Khôn ngoan. Vì con số 21 là sự sắp xếp trái ngược với con số 12 thần thánh, nên tiến sĩ Rene Allendy đã suy ra một loạt biểu tượng phản đề: Với số 12, yếu tố phân hóa (2) xuất hiện trong cái nhất thống vũ trụ (1) để tổ chức nó theo những bình diện đa dạng và những tương quan chuẩn mực, trong khi ấy số 21 chúng ta thấy tính cá thể (1) nảy sinh từ sự phân hóa vũ trụ (2), tức là cái hoàn toàn ngược lại; với 12, cái nhị nguyên tổ chức cái đơn nhất; với 21, cái đơn nhất tự tổ chức trong cái nhị nguyên. Một cặp đối lập khác hình thành từ tính chẵn và lẻ của hai số này: Mười hai là số chắn, đây là trạng thái cân bằng do sự tổ chức hài hòa trong các chu trình bất tận (3x4); Hai mốt là con số lẻ: đây là nỗ lực đầy năng động của cá thể, được hun đúc trong đấu tranh giữa các mặt đối lập và bao hàm con đường luôn luôn mới của chu trình tiến hóa (3x7). Vậy, con số 21 tượng trưng cho con người tập trung vào đối tượng của mình, một con số mang tính trách nhiệm. Chính lẽ đó đã khiến nhiều dân tộc chọn 21 tuổi là tuổi trưởng thành cho đàn ông.

Xét trong 21 lá bài Tarot, con số 21 chính là sự ám chỉ việc hoàn thành chu trình thụ pháp, đạt đến sự hài hòa, hoàn hảo, đồng thời cũn là sự tự chủ giữa trong sáng và tiêu cực, giữa cái thiện và cái ác… Với hai mốt lá đồng nghĩa với sự hoàn mĩ, viên mãn, và mục đích nhất định đạt được.

4. Ý Nghĩa của Bộ Số 22

Tuy nhiên, một sự thật là, không phải chỉ có 21 lá bài trong số các Arcana chính mà còn một lá nữa biến tổng số Arcana chính thành 22 lá. Vậy tại sao lại là con số 22 trong khi sự hoàn mĩ được thể hiện ở con số 21?

Người ta cho rằng, con số 22 trùng với số chữ cái trong bảng chữ Hebrew của người Do Thái cổ, bảng chữ đó trong học thuyết Kabble (Kabala) có ý nghĩa của tổng thể Hoàn Vũ. Trong “Nguyên văn tạo thư” (Sefer Yetzirah), nền tảng của huyền học Do Thái, Chương hai mục hai có viết: “Hai mươi hai chữ cái: chứng giám chúng, tạo ra chúng, cân nhắc, chuyển hóa và biến đổi chúng, và với chúng miêu tả linh hồn của tất cả đã được định hình, và tất cả sẽ được hình thành trong tương lai.”. Chính vì lẽ thêm một vào số hai mươi mốt (sự hoàn hảo), mà con số hai mươi hai biểu hiện cho bản thể trong tính đa dạng và trong tính lịch sử của nó, là con số mang ý nghĩa tổng hòa thể hiện cho toàn bộ những thứ hiện hữu trên thế giới cũng như sự bí ẩn của vị lai. Con số 22 xuất hiện rất trong cấu trúc những quyển kinh của nhiều dân tộc như: Sách Thánh Avesta gồm 22 chương, mỗi tập kinh cầu nguyện là 22 bài. Sách Khải Huyền được cho là của thánh Jean cũng bao gồm 22 chương. Vậy con số 22 của các Arcana chính dường như không chỉ thêm phần sinh động mà còn mở ra một ý nghĩa khác: đó chính là sự che phủ của tri thức, khi đi đến tận cùng của thế giới. Kết thúc của chu trình hoàn hảo (21), chúng ta lại quay trở về với sự hư vô, khiêm tốn nhìn nhận lại và hướng về phía trước.

5. Ý Nghĩa của Bộ Số 56 và 52

Có lẽ ít người biết rằng, nguồn gốc của bộ bài Tây 52 lá ngày nay chính được bắt nguồn từ 56 lá bài Arcana phụ của bộ bài Tarot.

Các Arcana phụ được chia thành 4 nhóm gồm: Gậy (Wands), Cốc (Cups), Gươm (Swords) và Tiền (Coins). Trong mỗi bộ gồm có 14 lá, có 10 lá được đánh số từ Một (Ace) đến Mười, bốn quân còn lại bao gồm: Vua (King), Hậu (Queen), Kị sĩ (Knight) và Đầy tớ (Jack). Ở bộ bài 52 lá, quân bài Knight biến mất, bộ Gậy trở thành bộ Rô, bộ Cốc thành bộ Cơ, bộ Gươm thành bộ Pích và bộ Tiền thành bộ Nhép. Và như đã nói ở trên, bốn bộ này tượng trưng cho bốn nguyên tố của sự sống.

Không hẳn như thuyết ngũ hành của phương Đông, phương Tây thịnh hành thuyết bốn nguyên tố trong đó bao gồm lửa, nước, không khí và đất.

- Bộ Gậy, đó là Lửa hành động, điểm xuất phát tất yếu của mọi diễn tiến, là sự hăng hái nhiệt tình; hình ảnh này có lẽ được kế thừa chiếc đũa thần, cây vương trượng thống trị của người đàn ông, là người Cha.

- Bộ Cốc, đó là Nước, là cái nối liền tạo vật với thánh thần, là cuộc sống tâm lý, nhưng còn là cái cốc bói toán, là thụ cảm nữ giới nhạy cảm – đa cảm, là người Mẹ. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng tới chiếc Chén Thánh Graal trong truyền thuyết Châu Âu cổ, chứa đựng máu của Đấng Cứu Thế.

- Bộ Gươm, đó là Khí, là tinh thần thấm nhuần vào vật chất và tạo hình nó, để rồi sẽ làm nên cái phức hợp con người, là trí tuệ và triết học. Thanh kiếm gắn liền với tính thống nhất và dũng cảm, với những điều thần thánh nhất. Những anh hùng thần thoại đều hầu như gắn liền với một thanh kiếm thần nào đó như thanh Gram (Thần thoại Bắc Âu), thanh Excalibur của vua Athur (Thần thoại Celtes), … Những lá bài này gắn bó một cách tượng trưng với tính sáng suốt của trí tuệ và với sự chết.

- Bộ Tiền, đó là Đất, tượng trưng cho tính vật chất của nguyên tố này. Sự đi xuống lòng đất khởi đầu cho mọi công cuộc thụ pháp và đem lại cho con người chỗ dựa của cái thế giới, nơi nó được xếp đặt. Hoặc đó cũng là hình ảnh cái đĩa hình sao năm cánh (the pentagram) trong văn hóa Kabbala, tỏa sáng trong bóng tối, biểu tượng của sự thật, niềm tin và hi vọng, dấu hiệu ủng hộ của ý chí, vật chất tích tụ hành động tinh thần, một sự tổng hợp đưa tam phân trở về đơn nhất, Tam vị nhất thể.


6. Kết Luận

Hệ thống biểu tượng trong bài Tarot là sự giao hòa, tổng hợp của nhiều nền văn minh mà đặc trưng nhất trong đó là sức ảnh hưởng của văn hóa Kabbale (Kabala) , Ai Cập, Do Thái, Ấn Độ, Hội Tam Điểm, Kinh Koran, Kinh Thánh, Italia, Pháp, Gypsy , Hebrew  ... với các khái niệm như Cuộc du ngoạn của Chàng Khờ, Biểu đồ Kabbale, Sơ đồ khối không gian tinh thần… Bản thân tôi cũng không thể nào nắm hết được những kiến thức đó, chỉ có thể sử dụng sự góp nhặt cá nhân để phần nào làm rõ những ảnh hưởng của các văn hóa đó trong biểu tượng trên các lá bài Tarot thể hiện. 

Ghi Chú:

Trường phái Pythagore là một trong những học thuyết tôn giáo – triết học và là một phong trào chính trị -xã hội ở Hy Lạp cổ vào thế kỉ VI – IV TCN. Học thuyết này coi trọng các con số, coi đó là bản nguyên của vạn vật và quy luật toán học là cơ sở của cấu tạo thế giới. Đặc biệt là 12 con số đầu tiên được coi là thuộc tính thần thánh.

Réne Félix Allendy (1889-1942) là một tiến sĩ vi lượng đồng căn và nhà phân tâm học Pháp, là một trong những người sáng lập ra ngành Phân tâm học xã hội ở Pháp (SPP).

Thụ pháp: nghĩa gốc là từ teleutai nghĩa là “làm chết” tuy nhiên, ta hiểu theo nghĩa bóng tức là bước vào một thế giới khác, làm biến đổi con người cũ sau khi được tiếp nhận sự thiêng liêng. Cái chết theo nghĩa ở đây là sự biến hóa trong quá trình tái sinh bởi lẽ người ta cho rằng sau cái chết, con người ta sẽ đạt được những tri thức thông tuệ. Trong Ki tô giáo, đó có thể là sự khổ hạnh liên tiếp thông qua thử thách.
Hoàng Hiền, đại học KHXH&NV, đại học quốc gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Sài Gòn.
Đọc tiếp »

Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 07: THE LOVERS

item-thumbnail

Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.


Phần 07: L'AMOUREUX
(The Lovers)

Sự lựa chọn đầu tiên của con người chính là lá bài Chàng đa tình này đồng thời cũng là lá bài Arcana chính thứ sáu của bộ bài Tarot. Rất nhiều người lầm tưởng cho rằng, lá bài Chàng Đa tình nói về tiên đoán về tình yêu nhưng thực chất là không phải. Nó chỉ nhằm hướng tới sự lựa chọn giữa tốt và xấu của con người khi mà những mâu thuẫn đó chưa chưa hẳn đã xung đột, bộc lộ trực tiếp.

Nắm giữ số VI trong số các Arcana chính của Tarot, con số này cũng phần nào biểu thị cho cái ý nghĩa mà Chàng Đa tình đang mang. Theo Rene Andlley, số sáu chủ yếu chỉ sự đối ứng giữa vật thụ tạo và Đấng Sáng tạo trong một sự cân bằng không xác định. Con số này nghiêng về điều thiện nhưng cũng có thể nghiêng về điều ác. Hình ảnh con số sáu được biểu diễn qua ngôi sao sáu cánh, cấu thành từ hai hình tam giác đảo ngược. Nó giống với dấu ấn của vua Salomon  hay cái khiên của vua David; là sự kết hợp hai cái đối lập giữa cái bản thể và cái phản chiếu của nó. Trong Ki tô giáo, nó là bản chất thần thánh kết hợp cùng bản chất tầm thương của con người tạo nên con số trung gian, hay sự thử thách giữa thiện và ác. [1.43, 802] Như vậy, cũng giống như ý nghĩa mà con số sáu nắm giữ, Chàng Đa tình đang phải đứng trước sự thử thách lựa chọn giữa hai mặt tốt và xấu, đặt chàng vào sự đối nghịch và khát vọng khắc phục chúng bằng sự hòa hợp.

Chàng trai mặc chiếc áo ngắn với sọc dọc ba màu đỏ, xanh lam và vàng, hai cánh tay áo và thắt lưng cũng màu vàng. Hai người phụ nữ đứng cạnh hai bên: người đàn bà với mái tóc màu vàng, trẻ trung, xinh đẹp mặc chiếc váy dài màu lam viền đỏ, chìa tay trái về phía ngực chàng trai, bàn tay phải úp sấp xuống. Bên trái chàng Đa tình, một người phụ nữ đứng tuổi hơn, mái tóc xanh dương, đầu đội vương miện, mũi hơi dài, nghiêm nghị. Bà ta mặc một chiếc váy dài màu đỏ, ống tay áo rộng màu lam, tay trái đặt lên vai chàng trai, tay còn lại buông xuôi và ngửa lên. Phía trên, là thiên thần Cupid với đôi cánh lam giữa hình mặt trời với những tia lam, vàng, đỏ đang hướng cây cung và mũi tên màu trắng nhằm vào người thanh niên.

Ta có thể nhận thấy chiếc áo hòa hợp giữa ba màu đỏ, lam, vàng xen kẽ nhau thể hiện cho sự trần tục của chàng Đa tình. Chàng ta là người đầu tiên và cũng là người duy nhất trong bộ 22 lá Arcana lớn mặc áo kẻ sọc như vậy. Những màu sắc xét trên bình diện tâm lý tạo nên hoang mang cho cả người nhìn lẫn nhân vật ở đây. Sự xen kẽ đó nhìn vào đã thấy được có điều hỗn độn trong tư duy, tình cảm, tinh thần cũng như trí tuệ của người mặc chiếc áo đó. Ba màu sắc độc lập với nhau, cạnh tranh với nhau, thiếu đi sự hòa hợp, sáng suốt... khiến cho không một bản thể nào của tinh thần, tâm hồn và thể xác được thể hiện đầy đủ, không một ý chí, tri thức hay sức mạnh nào của chàng trai có thể được phô bày ra mà chỉ là một sự mung lung, lưỡng lự. Màu sắc của trang phục cũng chính là cách thể hiện tâm lý của nhân vật được miêu tả.

Hai sự lựa chọn của Chàng Đa tình là hai người phụ nữ mà ta có thể nhận ra ngay lập tức sự đối lập tựa như hai mâu thuẫn trong một chỉnh thể. Cùng là giới nữ thế nhưng một người tóc vàng, trẻ trung, xinh đẹp, giản đơn, thể hiện tình cảm nồng nàn và chủ động; người còn lại tóc xanh, già dặn, nghiêm nghị, tình cảm một cách lý trí và thụ động. Thế nhưng gương mặt chàng ta lại đang quay về phía người phụ nữ già nua kia tựa như phân vân. Rõ ràng người phụ nữ đứng tuổi với vẻ vương giả kia đại diện cho sự chuẩn mực, cho truyền thống, đức tin và những gì thuộc về đức hạnh trong khi người phụ nữ trẻ tuổi xinh đẹp tượng trưng cho những điều mới lạ, tươi tràn sức sống, đầy ma lực quyến rũ, những cám dỗ khó vượt qua. Người phụ nữ của đức hạnh, lý trí dường như không đủ sức hấp dẫn như người con gái của cám dỗ, tình cảm thế nhưng chàng Đa tình lại quay mặt về hướng bà mà lưỡng lự bởi lẽ chàng ta vẫn đang đấu tranh với những xung đột nội tâm của mình, vẫn đang cố gắng hướng tới những giá trị của trí tuệ, của tâm hồn mặc dù bị dục tính nổi lên hòng khống chế.

Lúc này đây, mũi tên của thần Cupid trên cao chính là sự chỉ đường cho quyết định của chàng. Mũi tên là biểu tượng cho sự năng động, quyết đoán, là đường véc tơ của ánh sáng trí tuệ soi đường. Người xạ thủ hiện lên trong nhiều thần thoại, gắn với những trí tuệ khôn ngoan nhất tựa như thần Apollon của người Hy Lạp, Nhân mã Chiron của người La Mã - biểu tượng cung Xạ thủ trong 12 cung Hoàng Đạo, các vị tiên dòng giống Elf trong thần thoại Bắc Âu cũng không chỉ thông tuệ mà còn rất giỏi sử dụng cung tên... và thần Cupid ở đây, với đôi cánh màu xanh lam của sự thoát tục, hướng mũi tên trắng của sự Hiền minh, của Thiên Khải, chỉ ra con đường đúng đắn cho chàng Đa tình đi tới, là lối thoát duy nhất cho chàng ta khỏi sự mâu thuẫn của lý trí và cám dỗ.

Trong ý nghĩa lựa chọn cá nhân đầu tiên mà 22 lá Arcana chính thể hiện, chàng Đa tình đã khách thể hóa mâu thuẫn trong lòng thành hai cá thể riêng biệt, độc lập với bản thân. Chính điều đó mang đến sự tổng hợp có tính xây dựng, ta không thể phủ định cách giải quyết đó là phép biện chứng cơ bản sơ khai của ý thức. Đây cũng chính là bài học tượng trưng cho hình ảnh của Chàng Đa tình, của cái tình cảm mà trước nó thường xuyên đặt ra và quyết định mọi sự lựa chọn của chúng ta.

Đọc tiếp »

Hiệu Đính Phương Pháp Celtic Cổ của A.E.Waite

item-thumbnail


Tiểu Dẫn: Bài này là bản hiệu đính từ bài dịch của Thanatos CK, một cộng tác viên của trang Tarot Mystery. Đây là phương pháp khá cổ điển và nhiều người biết, nhưng qua thời gian gần đây, tôi thấy rõ là khá nhiều bạn sử dụng sai hoặc hiểu nhầm ý của phương pháp này. Một điều nguy hiểm khác là hầu hết các sách hướng dẫn ngày nay mặc nhiên coi phương pháp này như là ai cũng biết và họ giới thiệu vắn tắt lại trong các tác phẩm của họ, để rồi sau đó, người dùng ở Việt Nam (vốn không quen thuộc với phương pháp này) đọc và thực hiện một cách sơ sót. Do đó, mục tiêu của bài này là hiệu đính lại phương pháp này một cách chính xác từ A.E.Waite trong The Pictoral Key To Tarot, tác phẩm đã quảng bá phương pháp này. Bản hiệu đính này được biên một cách thoát nghĩa từ cách hiểu của tôi, nhằm làm sáng rõ những ẩn ngữ trong lời nói của Waite, mà trong đa số trường hợp bị diễn dịch một cách sai lầm.

Một lần nữa cảm ơn Thanatos CK vì bản dịch ban đầu, và cảm ơn chính tôi vì những nỗ lực vượt qua sự lười nhác và ích kỷ, để có sự cống hiến trong một cuộc sống tạm bợ mà sự bất tử của linh hồn mới là mục tiêu cuối cùng ...

1. Bản hiệu đính:

Phương pháp bói  Celtic cổ

Đây là phương thức bói toán là phù hợp nhất dành cho các câu hỏi xác định rõ ràng. Người bói đầu tiên chọn một lá bài đại diện cho người hoặc vấn đề đang hỏi. Lá bài này được gọi là Thẻ Significator. Nếu một người hỏi muốn biết điều gì đó liên quan đến bản thân thì nên lấy một lá bài đại diện mô tả tương ứng cá nhân người hỏi. Lá Knight  đại diện cho một người đàn ông bốn mươi tuổi trở lên; lá King cho bất kỳ người đàn ông nhỏ tuổi đó, lá Queen cho một người phụ nữ hơn bốn mươi tuổi, và lá Page cho  phụ nữ trong độ tuổi ít hơn.

Bốn lá Mặt trong Wands đại diện cho những người rất công bằng, với tóc vàng hoặc nâu vàng, nước da đẹp và đôi mắt xanh. Những lá Mặt trong Cups biểu tượng cho người với tóc màu nâu sáng hoặc màu đục và đôi mắt xám hoặc xanh. Những lá Mặt trong Swords đại diện cho những người có đôi mắt màu hạt dẻ hoặc màu xám, mái tóc màu nâu sẫm và làn da xỉn màu. Cuối cùng, những lá Mặt trong Pentacles là người có mái tóc màu nâu sẫm hoặc đen, đôi mắt đen và làn da tái xám hoặc sẫm màu. Những sự phân chia này chủ yếu để bạn có sự phân biệt trong trường hợp kém rõ ràng. Bạn có thể lựa chon dựa vào tính khí nếu đó là một người mà bạn đã biết, ví dụ như một người thâm hiểm nhưng năng động nên đại diện bằng một lá Sword tốt hơn là lá Pentacle. Mặt khác, một người lười biếng và thờ ơ nên đại diện là một lá Cup chứ không phải là lá Wands.

Sẽ rất thuận lợi nếu lấy lá Significator tương ứng cho vấn đề đang được hỏi, Trump hoặc Mặt nên được lựa chọn để đại diện cho một ý nghĩa tương ứng nào đó với vấn đề. Hãy giả định câu hỏi là: Tôi có nên khởi kiện? Thì trong trường hợp này, lấy lá Trump số 11 (The Justice) làm Significator là rất thích hợp. Vì lá này có tham chiếu đến các vấn đề pháp lý. Nhưng nếu câu hỏi là: Tôi có được thành công trong vụ kiện hay không? Thì một trong những lá Mặt nên được lựa chọn làm Significator [vì nó liên quan đến bản thân người kiện]. Sau đó,  các quy trình bói toán được tiếp tục để xác định các tiến trình và kết quả của các bên liên quan.

Sau khi lựa chọn các Significator, đặt ngửa nó lên trên mặt bàn,. Sau đó, xáo bài và tráo phần còn lại của bộ bài ba lần, giữ các lá bài úp xuống.

Lật lá bài đầu tiên của bộ bài, phủ lên lá Signification, và nói rằng: Lá này phủ lên trên nó. Thẻ này cho phép báo hiệu tầm ảnh hưởng mà nó tác động đến người hoặc vấn đề được hỏi nói chung, và bầu không khí của nó đang bao trùm tất cả những vấn đề khác liên quan.

Lật lá thứ hai và đặt chéo nó lên trên lá đầu tiên, nói rằng: Lá này cản trở nó. Nó cho thấy bản chất của những trở ngại trong vấn đề này. Nếu nó là một lá thuận lợi, các lực lượng đối lập sẽ không nghiêm trọng, hoặc nó có thể chỉ ra rằng điều tốt nào đó trong chính nó  sẽ không được tạo ra kết quả tốt trong các mối liên hệ mà nó có.

Lật lá thứ ba; đặt phía trên của Significator, và nói: Lá này đặt lên đỉnh nó. Nó đại diện cho hoặc là mục đích của người hỏi hay lý tưởng của vấn đề này; hoặc là điều tốt nhất có thể đạt được trong các trường hợp, nhưng sẽ không xảy ra trên thực tế.

Lật lá thứ tư, đặt nó phía dưới Significator, và nói: Lá này bên dưới nó. Nó chỉ ra nền tảng cơ sở của vấn đề, điều đang là thực tế và là cái mà Significator dựa vào để thực hiện.

Lật lá thứ năm; đặt nó ngược hướng mà lá Signification nhìn, và nói: Lá này phía sau nó. Nó chỉ ra các ảnh hưởng đã qua, hay nó sẽ đi qua ngay bây giờ.

NB - Nếu Significator là một Trump hoặc bất kỳ  nào đó mà không xác định được chủ thể quay mặt ở phía nào,người bói phải quyết định vị trí đối mặt.

Lật lá thứ sáu và đặt nó ở bên mà lá Signification đang nhìn, và nói: Lá này phía trước nó. Nó chỉ cho thấy các ảnh hưởng sẽ tác động đến hành động và sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Các lá bài được sắp xếp theo hình của một cây thánh giá, Significator – được che bởi lá bài đầu tiên và trở thành trung tâm.

Bốn lá tiếp theo được lật lên liên tiếp và đặt trên cùng một dòng, ở phía bên tay phải của thập tự giá.

Lá đầu tiên trong số này, hoặc lá thứ bảy, biểu thị chính bản thân người hỏi, tức là lá Significator - cho dù lá này đang đại diện cho người hay vật. Nó chỉ ra vị trí hay thái độ của lá này trong các mối quan hệ.

Lá thứ tám biểu thị ngôi nhà của nó, tức là ám chỉ về môi trường xung quanh và các xu hướng chung mà nó tác động đến điều được hỏi. Ví dụ như, vị trí của vấn đề được hỏi trong cuộc sống, những ảnh hưởng của bạn bè thân cận, và vv.

Lá thứ chín ám chỉ những hy vọng hay lo ngại trong vấn đề được hỏi.

Lá thứ mười là những gì sẽ đến, kết quả cuối cùng, đỉnh cao tạo ra bởi các ảnh hưởng đã được chỉ ra bởi các lá khác đã được lật trước nó.

Ở lá bài cuối cùng này, người bói nên đặc biệt tập trung các khả năng trực giác và trí nhớ của mình cùng sự tôn kính và tuân thủ các ý nghĩa thiêng liêng chính thức đi kèm theo từng lá bài. Lá bài này sẽ thể hiện tất cả những điều gì mà bạn đã tiên đoán từ những lá bài trước trên bàn, bao gồm cả chính lá Significator và những lá liên quan, không ngoại trừ những chỉ dẫn sáng suốt ở tầng nghĩa ý nghĩa cao hơn, những ý tưởng như thể rơi xuống như tia lửa từ thiên đường nếu lá bài phục vụ cho lời tiên tri từ bề trên, và thường là lá ẩn chính Major.

Quy trình đã được hoàn thành, nhưng nếu cuối cùng có tính chất không rõ ràng, không có quyết định cuối cùng được suy ra, hoặc lá bài cuối xuất hiện không đủ để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc, thì tốt nhất nên làm lại từ đầu, trong trường hợp này lá thứ mười được coi như Significator, thay vì trước đây. Bộ bài phải được xào và tráo ba lần và 10 thẻ đầu tiên được đặt ra như trước. Bằng cách này, có thể được thu được sự giải thích chi tiết hơn về "Điều gì sẽ đến" .

Nếu trong bói toán, nếu lá bài thứ mười là một lá Mặt, nó chỉ ra rằng chủ thể của bói toán cuối cùng rơi vào tay của một người được đại diện bằng thẻ đó, và kết thúc của nó phụ thuộc chủ yếu vào anh ta. Trong trường hợp này, cũng rất hữu ích nếu dùng lá Mặt này thay thế lá Significator cũ và thực hiện lại nghi thức, ta sẽ khám phá ra bản chất của các ảnh hưởng của nó trong vấn đề được hỏi này là gì và những vấn đề nó sẽ mang lại điều gì.

Phương pháp này có thể thu lại kết quả tốt trong một thời gian tương đối ngắn. Phương pháp này như một món quà cho nhà bói bài, vì nó cung cấp những cái nhìn sâu sắc có thể tìềm ẩn hay phát triển thêm và điều thuận lợi nhất của trài bài này là cách bói đơn giản cho dù câu hỏi vô cùng phức tạp. 

Tôi viết thêm ở đây một sơ đồ của cách trải bài trong hình thức bói toán này. Ở trải bài này, lá Significator ở đây phải  được đối mặt về bên trái.




2. Bình Luận 


Trải bài này được xác định là dành cho các câu hỏi trong thời gian ngắn, tức là dành cho các sự kiện dưới 1 năm. Điều thuận lợi nhất mà trải bài này cho phép đó là sự phân nhỏ các thành phần trong một vấn đề lớn thành các chủ thể nhỏ và khá toàn diện. Hiếm có trải bài nào đầy đủ và hợp lý hơn. Lá Significator đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ trải bài, và dường như, ông dùng nó để thay thế lá Synthese trong các kiểu trải bài cổ hơn ra đời trước nó và được sử dụng rộng rãi vào thời bấy giờ (điển hình như các trải bài nguyên tố 4 lá, hoặc các trải bài có lá tổng hợp). Theo những gì tôi biết, trải bài này có lẽ là trải bài đầu tiên cho phép lấy lá Significator. 


Hình thức lấy lá Mặt để đại diện cho người được hỏi có thể hơi kỳ cục, chẳng hạn như ở Việt Nam, sẽ rất hiếm có người tóc vàng hay mắt xanh, vì vậy cũng sẽ hạn chế phần nào các sự lựa chọn. Khác với lá Synthese được lấy ngẫu nhiên từ trải bài, lá Significator được lấy có chủ đích. Vì vậy, việc lựa chọn lá này trở nên một vấn đề đáng bàn cãi và có ảnh hưởng lớn đến kết quả trải bài, một điều mà tôi cho rằng khá chủ quan.


Điều tôi chú ý ở trải bài này chỉnh là sự trải bài kế tục. Đây là kiểu trải bài duy nhất theo tôi biết ngoài kiểu trải bài Roue de fortune có kiểu kế tục này. Khi một trải bài không hoàn chỉnh thì việc xếp bài kế tục là một điều cần thiết và hợp lý, hơn là thực hiện lại từ đầu (như chưa có gì sảy ra) là một kiểu toan tính kỳ dị. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các kiểu trải bài khác, thậm chí đôi khi cổ hơn, vẫn khiến cho người bói bối rối vì sự rời rạc trong phân tích khi các câu hỏi được lập lại. Kiểu kế thừa này, như một yếu tố cầu nối khiến cho các trải bài trở nên liền mạch nhau trong trường hợp có nhiều hơn một lần trải bài cho các chủ đề phức tạp.


Điểm thú vị kế tiếp cho trải bài này, là hướng nhìn các lá Mặt. Một sự xắp xếp đáng ngạc nhiên trong việc bố trí các hướng nhìn trong bộ Waite. Chỉ có thể dùng từ TUYỆT VỜI cho cách xắp xếp hay ho này. Nếu nghiên cứu sâu hơn về tỉ lệ ánh nhìn trong bộ Waite, ta sẽ nhận thấy một sự xắp xếp vô cùng hợp lý và huyền diệu mà tôi có lẽ sẽ bàn trong một bài khác. Nó đáng được nhắc đến vì sự tỉ mỉ và chính xác trong công việc của nhà huyền học Waite, một nhà nghiên cứu thuật giả kim. Như mọi nhà giả kim khác, sự chính xác và cân đối đến từng chi tiết của lá bài thể hiện sự nghiên túc trong hoạt động nghiên cứu của ông.


Sau đây tôi sẽ chỉ ra những lỗi thường gặp khi sử dụng trải bài này, mà những newbie thường hay mắc phải. 


- Quên chọn lá Significator: hầu hết mọi người bỏ qua lá bài này khi đọc lướt qua các hướng dẫn trải bài của các bộ bài khác. Mặc khác, vì sự chồng nhau giữa lá này và lá số 1 nên các hình ảnh trải bài hầu như đều vẽ thiếu lá này. Cho dù trải bài này có 10 lá thì sự thật nó có đến 11 lá vì gồm cả lá Significator (dù cho lá này chọn chứ không lấy ngẫu nhiên).

- Lá Significator phải đặt ngửa chứ không phải sấp.
- Xào bài và cắt bài 3 lần. 3 lần chứ không phải "nam 7, nữ 9" hay bất kỳ con số nào khác ! 
- Chỉ tráo bài sau khi chọn được lá Significator.
- Người lật bài là người bói chứ không phải người hỏi !
- Các lá từ 1 đến 6 được lật lần lượt, còn các lá từ 7 đến 10 được lật 1 lượt duy nhất.
- Lá 5 và 6 có vị trí tùy thuộc vào ánh nhìn của lá Significator chứ không phải là vị trí cố định như hầu hết các hướng dẫn trên mạng ! - Nhất là các trang bói online !
- Khi lá số 10 được hiện ra, mà người bói không thể rút được kết luận nào, hoặc nói cách khác, người bói không hề thấy gì về câu trả lời thì lá này được dùng là Significator cho trải bài sau, chứ không phải thực hiện lại từ đầu !
- Lá số 2 nằm ngang nên sẽ không có xem ngược nghĩa được. Đây là kẽ hở mà Waite đã không hề giải thích gì hơn về điều này. Dù vậy, có thể coi nghĩa tiêu cực của lá bài như là nghĩa chính thức của vị trí này. 

3. Kết Luận


Hãy đọc kỷ trước khi sử dụng các trải bài và hãy nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện trải bài cho ai đó, vì bạn đang góp phần vào tương lai của người khác. Tuy là một trải bài cổ điển, nhưng điều đó không có nghĩa là trải bài đơn giản và có thể thực hiện bừa bãi. 

Trải bài này có liên quan đến nhiều nguồn gốc, trong đó có Kabbalah, mà tôi đã có dịp viết trong một bài trước - nếu có thể, hãy tìm đọc nó để hiểu hơn về trải bài này. 


Philippe Ngo, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot ở Pháp.
Đọc tiếp »
Trang chủ