[Trích Đăng Hamvas Besla] Tinh Thần của The Fool

Dẫn: Đây là trích dẫn đoạn 8-9 trong tiểu luận triết học của Hamvas Besla, viết về tinh thần của lá the fool. Bài mang tính triết học, nên hơi khó hiểu. Tuy vậy, biết đâu sẽ cần cho ai đó, cho nên trích đăng lại để lưu trữ.



8.

Chúng ta có những ký ức không quên về Ai cập cổ. Hai mươi hai bức hình; cái ngày nay người ta dùng làm hai mươi hai con bài, hai mươi mốt tấm ảnh đánh dấu bằng chữ và con số từ một đến hai mươi mốt. Hai mươi hai tấm ảnh, con bài Tarot, thể hiện hai mươi hai mức độ nhập định của Ai cập cổ.
Những bức hình như: vua (quyền lực - vaulting ambition), bánh xe (bánh xe của số phận), sự may mắn (vòng quay tròn), nạn nhân, sự vượt ngưỡng (thần chết). Bức hình cuối cùng trong tập bài không chữ và con số là anh hề.

Anh hề, đúng vậy, không chữ và không số, phù hợp với một anh hề chính cống, thứ tự sau cùng, như một kẻ đứng ngoài cuộc chơi, kẻ không được tính đến, kẻ cần phải nhắc đến vì cảm hứng của cái toàn bộ, bởi chàng ta có mặt tại đây, không thể phủ nhận. Đấy là Arlequin-anh hề. Vẫn còn là tử tế, khi nhắc đến chàng ta. Ở Ai cập người ta vẫn còn coi trọng.

Tri thức về nhập định là linh hồn người khi đã đi hết con đường của tất cả các vương quốc có thể của số phận, sẽ cập bến không số, không chữ, sẽ đến một điểm ngoài cuộc chơi, chỉ còn gắn bó với toàn thể vì có thể cười lên tất cả.

Đấy là kẻ mà toàn bộ sự hiện hữu là midsummer madness- cơn điên giữa mùa hè. Có thể đây là một trò riễu cợt ác. Nhưng mọi giá kẻ này xử sự bằng một sự thiếu tôn trọng bất hủ và đủ khả năng để lật tẩy các nhà vua, để sàm sỡ với họ. Khi Stavrogin đang nói chuyện với vị tướng, bỗng đứng lên, đến gần và không báo trước, cắn ngay vào tai vị tướng.

Khi người ta nói với Arlequin-anh hề những điều thông thái ghê gớm, chàng ta rung chuông đính trên đỉnh mũ, và khi người ta hỏi, mi muốn gì để ta cho, chàng ta trả lời, tránh ra đừng che mất bóng nắng.

9.

Không chỉ những kẻ nhập định Ai cập nhắc nhở đến tri thức của Arlequin - anh hề. Phúc Âm gọi Arlequin - anh hề là một linh hồn nghèo. Phúc thay ai có linh hồn nghèo khó.

Tại sao anh hề lại đứng ở đỉnh cao nhập định của quân bài Tarot? Tại sao chàng ta không có ký hiệu, con số và chữ? Tại sao chàng ta đứng ngoài cuộc chơi mà vẫn, vẫn… tại sao vẫn mạnh nhất, mạnh nhất, hơn cả vua, hơn cả số phận hay thần chết?

Bởi vì mức độ điên của sự nhập định, mức độ thứ hai mươi hai, chỉ có Con Người đạt nổi, kẻ không bao giờ sợ hãi nữa. Không sợ: bị chết đói, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục, bị chê cười, hay bị hành hạ, bị khóa trái tù ngục hay bị đánh vỡ đầu. Trong anh hề không có chút kính cẩn nào với hệ thống khen thưởng hoặc ban phát tiền bạc. Anh hề không sợ sự chửi mắng và những giấc mộng, không sợ những thí nghiệm, những áp phích những súng đã nạp đạn, không sợ sẽ chết sớm hơn thời gian phải chết.

Mức độ cao nhất của nhập định- Tarot là anh hề, kẻ không bao giờ sợ hãi bởi bất cứ cái gì nữa. Và Arlequin- anh hề không sợ vì, như Powys viết, đứa trẻ Pantagruel thưởng thức cảm hứng ngất ngây của đời sống không sợ sệt và không ngượng ngùng, và không cho người khác làm phiền nó đang thưởng thức. Những đứa trẻ Mealosaurus như thế không có nhu cầu đến cái gọi là khoa học và sự thông thái.

Phúc thay cho những linh hồn nghèo khó, những kẻ hạnh phúc vì nghèo khó nhưng lại có nhu cầu khao khát tinh thần, thứ tinh thần trực tiếp và trong sạch, chứ không phải khoa học và sự thông thái. Thứ mà họ sống từ đó, cho họ sức mạnh từ đó: sự tươi tỉnh, sáng sủa, vui tươi, khỏe khoắn, say mê.

Tinh thần không phải là triết học và các lý thuyết. Tinh thần không phải là tri thức và sự thông thái. Tinh thần là sự thanh bạch của thế gian, được biểu hiện như sự vô tư, không sợ hãi, như lòng tin cậy, tình yêu thương, như sự hồn nhiên của đứa trẻ.

Nếu ai muốn nhìn thấy sự nghèo khó trong tinh thần, hay nói đúng hơn muốn nhìn thấy một con người sống trong nhu cầu tinh thần lành mạnh, hãy chiêm ngưỡng Velazquez Pablillos de Valladolid, hoặc Don Juan d’ Austria, hoặc đứa bé Hallecas, hoặc Geografus. Rất xứng đáng để chiêm ngưỡng.

Trên khuôn mặt này sẽ nhận ra anh hề của vua Lear và toàn bộ các anh hề của Shakespeare, bao gồm đến tận Touchstone, sẽ thấy Pantagruel, Diogenes, Till Ulenspiegel, Hodzsa Nasreddin, thậm chí sẽ nhận ra sự điên rồ của Romeo và Hămlet, sẽ thấy Timon ở Athen và sẽ hiểu ra logic nghịch lý của sự tồn tại, và sẽ hiểu luôn tại sao những kẻ sống trong nhu cầu tinh thần lành mạnh lại hạnh phúc.

Nếu có một kẻ đã đạt được đến nỗi hết sợ, hay nói đúng hơn, một kẻ chẳng bao giờ có thể giật mình vì bất kỳ điều gì, kẻ đó một mình y đã tự hạnh phúc.

Tự do tuyệt vời! Vô tư tuyệt vời! Không run rẩy và lo âu, không hoảng sợ từ bất kỳ bạo lực hoặc vũ khí nào. Nhưng chưa hết. Arlequin - anh hề không sợ hãi, ngoài ra luôn luôn sống trong một nhu cầu tinh thần, và từ một cội nguồn bí ẩn liên tục nhận được nỗi vô tư, lòng tin cậy, cùng sự tươi tỉnh và hồn nhiên, hay nói cách khác nhận được tinh thần.

Một con người như vậy đối với sự điên rồ quyền lực quả là hoàn toàn vô dụng. Kẻ đó có nói bất kỳ câu gì và làm bất kỳ điều gì cũng chỉ gây ra một vụ bê bối; như những điều Hămlet và Romeo và Timon, Pantagruel, Touchstone và Till Ulenspiegel đã làm. Đưa ai nấy vào tình huống khó xử.

Làm gì với anh hề bây giờ? Khinh bỉ? Chàng ta cười. Đánh đập? Chàng ta cười. Tống vào nhà tù? Chàng ta cười. Chàng ta không sợ. Chàng ta không thi hành những chuẩn mực cuộc chơi. Những lúc đó cần phải run sợ mới hợp lý? Chàng ta đứng bên ngoài cuộc chơi, không chữ, không số đánh dấu.
Không ngang ngửa dao động, bởi chàng ta đã quẳng hết thứ bấu víu. Đã hoàn toàn trao mình cho sự không chắn chắn, bởi theo logic nghịch lý của sự tồn tại thì đứng trên những nguyên tắc vững như bàn thạch cũng thế.

Con người chỉ là quyền lực khi nó chả là cái gì. Một vị trí đáng nguyền rủa. Tất nhiên, không phải đối với Arlequin - anh hề, mà đối với thế gian. Thật là khủng khiếp sống như vậy, nếu một kẻ trong bất cứ khoảnh khắc nào cũng có thể đứng lên, không vì lý do gì ngoạm vào tai ngài hội đồng một cái. Thậm chí tai ngài giáo chủ cũng thế mà thôi.

Thật khủng khiếp cái nghịch lý phép thuật này của sự tồn tại. Kẻ điên - anh hề. Giống như là thằng ngu, ít nhất điều này thể hiện trên nét mặt kẻ điên-anh hề. Đây là kẻ nghèo khó trong tinh thần. Nhưng luôn luôn cười, luôn luôn vô tư và thiên đường là của chàng ta.

Nguồn: Dân Luận
DMCA.com Protection Status
Bài viết "[Trích Đăng Hamvas Besla] Tinh Thần của The Fool" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ