Death- Bàn về Cái chết trong Tarot và Đời


[Death - the last sleep? No, it is the final awakening]
Cái chết - giấc ngủ cuối cùng? Không, đó là sự thức tỉnh cuối cùng.
{Walter Scott}

Death – nghĩa là cái chết- và với tarot , Death không chỉ là cái chết. Đó là cả một câu chuyện kì diệu mà tôi từng biết. Hình ảnh của Death xuất hiện trong các bộ bài phần lớn là hình ảnh của cái chết, của những bộ xương khô, hay thậm chí là một vị thần chết với khuôn mặt xương trắng biến dạng, trên tay là lưỡi hái sắc lẹm- biểu tượng đáng sợ và thường gặp của cái chết, khiến bao người kinh hãi. Death- lá bài số 13 dường như là lá bài gây nhiều tranh cãi, hiểu lầm, và đáng sợ nhất trong một bộ tarot.

The Death. Ảnh: Nam Giang


[Death - the last sleep? No, it is the final awakening]
Cái chết - giấc ngủ cuối cùng? Không, đó là sự thức tỉnh cuối cùng.
{Walter Scott}


Sinh- Lão- Bệnh- Tử: Vòng quay số phận số phận ngàn đời của loài người. Từ một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã cất tiếng khóc kiêu hãnh chào cuộc đời- Đó là Sinh. Mầm non sẽ có ngày trở thành một gốc tre già vững chải, con người cũng vậy: đứa trẻ từ từ sẽ lớn, thành người thanh niên, trung niên và cuối cùng là một vị bô lão- đó là quá trình từ sinh thành lão của con người. Bệnh thì sinh ra đã có mầm bệnh, gặp ngày trái gió trở trời hay ăn uống lạ miệng sẽ gặp bệnh, cái bệnh nó theo con người ta suốt cả đời từ sinh đến lão, chỉ có chết đi mới thoát khỏi Bệnh. Tử là nấc cuối cùng trong cuộc đời của con người. Thường con người chỉ sợ chết, nhưng chết lại là giai đoạn nhanh chóng nhất của bốn thời kỳ.

Lá bài số 13 trong bộ Ẩn chính của bộ bài tarot , mang tên Death- nghĩa là cái chết. Thông thường, cái chết được định nghĩa như là một sự chấm dứt các hoạt động sống( không thể phục hồi được) của một cơ thể. Người ta chia cái chết ra thành chết lâm sàng(Tim ngừng đập, ngừng thở, mất tri giác . . . ) và chết thật( khi các mô không còn hoạt động nữa và bắt đầu quá trình phân hủy tử thi). Trong cuộc sống, cái chết là một dấu chấm vô cùng đặc biệt, là chấm dứt, chấm hết, dứt bỏ hoàn toàn mọi sự việc mà người đó đang thực hiện. Giải thưởng Nobel danh giá cũng không trao cho những người đã qua đời. “Chết là hết”- chỉ là cách lý giải theo khoa học. Thế nhưng theo từng tôn giáo, cái chết lại nhận được những sự đón nhận khác nhau:

Trong Giáo lí Đạo Phật, cái chết gắn liền với Luật Nhân quả, quá trình đầu thai chuyển kiếp, các mối nhân duyên tiền kiếp và hậu kiếp. Nhà sư Thích Thiền Tâm từng nói rằng: “Thực ra chữ “chết” là nguyên nhâyn giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyển giữa mỗi đời, khi xả bỏ thân này, lại thọ nhận một thân khác mà thôi”. Theo Giáo lí đạo Phật, sau cái chết phần hồn sẽ rời khỏi thân tạm, được Đầu trâu Mặt ngựa là tay sai đắc lực của Diêm Vương dẫn về chốn âm ti để xét những việc làm thiện và ác, từ đó sẽ hưởng lượng và trừng phạt tùy theo những nghiệp mà ta đã làm khi còn sống. Từ sự phán xét ấy sẽ được đầu thai thành một kiếp khác hoặc phải chịu những hình phạt khổ đau ở 18 tầng địa ngục. Con người sẽ được sinh vào một trong các cõi trời là nhờ vào những thiện nghiệp được tích lũy ở những kiếp làm người trước đây.

Đối với Thiên Chúa giáo, Cái chết được xem như là một sự giải thoát đối với kiếp tạm, và là hồi chuông reo giờ phán xét đã đến đối với những tín đồ phạm tội. Nơi đến của những linh hồn sau khi chết hoặc là Thiên đường, hoặc là Địa ngục. Sau sự phục sinh và phán xử cuối cùng (Lá Judgement), những người ác sẽ bị ném vào lò lửa, chịu đau đớn về thể xác và sống trong chốn địa ngục nơi quỷ Satan ngự trị, mãi mãi, còn những tín đồ ngoan đạo sẽ được sống trong vòng tay hạnh phúc của Chúa vĩnh viễn. Sự trừng phạt là không thay đổi đối với những kẻ bất tín dù ở những mức độ khác nhau, họ sẽ phải chịu sự dày vò vĩnh viễn trong chốn địa ngục tăm tối.

Death – nghĩa là cái chết- và với tarot , Death không chỉ là cái chết. Đó là cả một câu chuyện kì diệu mà tôi từng biết. Hình ảnh của Death xuất hiện trong các bộ bài phần lớn là hình ảnh của cái chết, của những bộ xương khô, hay thậm chí là một vị thần chết với khuôn mặt xương trắng biến dạng, trên tay là lưỡi hái sắc lẹm- biểu tượng đáng sợ và thường gặp của cái chết, khiến bao người kinh hãi. Death- lá bài số 13 dường như là lá bài gây nhiều tranh cãi, hiểu lầm, và đáng sợ nhất trong một bộ tarot.

The Death đầu tiên mà tôi gặp, là lá bài The Death trong bộ Deviant Moon. Hình ảnh hai mẹ con tử thi quái vật đang đứng bên một bờ biển tăm tối, tràn đầy vết dầu loang và những âm khí vô cùng đáng sợ. Hình ảnh ấy đơn giản chỉ gợi cho tôi cảm giác chết chóc, kinh sợ, và nghĩ ngay đến nghĩa trang- hay thậm chí là địa ngục. Đứa con đang vòi vĩnh, đòi mẹ nó để chui lại vào trong tử cung nằm ngược- nơi nó đã được nuôi sống thành một hình hài. Dường như cái thời chưa thành hình cũng chưa đáng sợ bằng cái nơi bẩn thỉu, chết chóc ở đây. Nhưng mà, xác chết mẹ không cho đứa con chui lại nơi nó đã thành hình. Một đứa con khác chuẩn bị chào đời, đến với cái thế giới mà anh nó đang cố gắng rời bỏ. Xác chết mẹ sẵn sàng đạp chết đứa con đã lớn, để chào đón sự ra đời của một đứa khác. Đúng vậy, The Death đồng nghĩa với sự chết chóc, thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, mà tiếp sau cái chết đấy chính là sự thanh lọc, và tái sinh. Và tất nhiên, cá thể xuất hiện sau quá trình thanh tẩy và chọn lọc, thì ít nhiều sẽ hoàn thiện hơn so với trước đó. Đây là lá bài mà tôi tâm đắc nhất, và ngộ ra một chân lí, một cội nguồn mà có lẽ đã lãng quên trong cuộc sống. Đó chính là quá trình tái sinh: sự sống bắt đầu nảy mầm sau một cái chết cũng như một con đường mới lại mở ra sau khi rời khỏi một con đường, và một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Deviant Moon là một bộ tarot ẩn chứa nhiều điều đặc biệt, và Death là một trong những điều đặc biệt ấy. Là một lá bài không tên duy nhất trong bộ ẩn chính, Death được nhận diện bởi hình ảnh ghê sợ của hai mẹ con xác chết với làn da nâu tái, không có biểu thị của linh hồn sống. Thậm chí, Death còn đặc biệt bởi sự thể hiện cái chết khác với truyền thống, không phải là vị thần chết với cái lưỡi hái sắc lẹm, vậy mà vẫn làm người ta rùng mình mỗi khi chạm đến lá bài này.

Khác hẳn với vẻ mặt đáng sợ của bộ xương thần chết trong đa số các bộ tarot, trái ngược với không khí ảm đạm đáng sợ như nghĩa trang trong bộ Deviant Moon. Lá bài Death trong bộ Shadowscape là một bầu không khí tươi sáng, huy hoàng cùng với sự xuất hiện của loài Chim vua- Phượng hoàng lửa. Hình ảnh một con phượng hoàng lửa- một trong Tứ linh của Trung Quốc- và một biểu tượng bất tử trong văn hóa phương Tây, đã xuất hiện một cách đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh trên chính ngai vàng của mình, và trong một giai đoạn cũng hết sức đặc biệt. Đó là giây phút đặc biệt nhất của Loài chim vua, giai đoạn cái chết và sự hồi sinh cùng đến. Giữa ngọn lửa hừng hựng cháy sáng, với nhiệt độ có thể thiêu đốt xương thành tro, Phượng Hoàng lửa cất tiếng kêu thê lương cuối cùng trước khi xương cốt tan thành cát bụi. Thế nhưng đầu vẫn ngẩng cao, tiếng kêu dần trở nên mạnh mẽ, kiêu hãnh vì nó biết rằng chỉ một lát, một diện mạo mới, một linh hồn mới sẽ tái sinh từ đống tro tàn. Và rồi ngọn lửa sau khi thiêu đốt mọi thứ, lại dần trở về với hiện trạng ban đầu là một đốm nóng nho nhỏ. Điều kì diệu xuất phát từ đồng tro tàn kia, một linh hồn mạnh mẽ của loài chim vua đã trỗi dậy và hồi sinh. “Phượng hoàng lửa hồi sinh từ tro tàn”.

Cái Chế trong một tài liệu cổ
Cái chết và sự sống như là hai mặt hình và số của một đồng tiền. Muốn tìm hiểu cái chết, chẳng có gì hay hơn là ta hãy đi tìm hiểu sự sống. Cái chết được tính bằng khắc, và khi hơi thở ngưng lại thì cái chết đã diễn ra. Cái chết nó đến và đi còn nhanh hơn cả một hơi thở. Dù là giai cấp nào, giàu hay nghèo, đứng trước cái chết ai cũng như nhau. Có chăng khác nhau ở đây là ở cách người ta đón nhận. Có cái chết nhẹ nhưng lông hồng, và cũng có cái chết nặng tựa Thái Sơn. Một con người vẫn còn vướng nợ trần quá nhiều, cả đời chăm nhặt từng chút, đến lúc cơ ngơi đã đã thịnh vượng, chưa được hưởng bao nhiêu thì lại từ trần quá sớm. Lại kể đến một người còn vợ còn con nhỏ, sắp xếp chưa ổn thỏa thì lại phải qua đời. Hai trường hợp trên, ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, lại trăn trở về những tâm nguyện chưa được hoàn thành, chết khó lòng thanh thản được. Lại bàn về những con người sống cả đời vất vả, đi được hết cả chặng đường Sinh- Lão- Bệnh- Tử, về già mọi việc đã sắp xếp chu đáo, nhắm mắt xuôi tay nhẹ nhàng tựa như chìm vào giấc ngủ. Người ta bảo rằng: Cái chết nó đến từ quá khứ, cũng là một phần của Nghiệp báo. Có người chết khi còn trẻ sơ sinh, có người chết khi đang độ tuổi trẻ trung sung sức, có người đã về già rồi nhắm mắt theo đúng quy luật muôn thuở. Cái chết chỉ đến một lần, nhưng cách mà nó tìm đến với chúng ta thì nhiều vô kể. Và cách mà con người đón nhận cái chết đến cũng là nhiều vô số.

Lá bài Death trong Tarot đã đưa tôi đến với những ý nghĩa triết lí sâu xa của Cái chết. Cái chết đôi khi đừng xét chúng theo nghĩa Nhắm mắt xuôi tay. Khi chia tay, bạn đã từng chết lặng người khi bỗng dưng mất đi một người ta đã từng dành hết trái tim để yêu. Một lúc nào đó, một người bạn thân thuộc lừa dối bạn và đã đánh mất đi lòng tin của bạn, đó cũng là một sự chêt- chết trong tâm hồn. Tarot đã bảo với tôi rằng: Death diễn tả một sự kiện trọng đại, mang tính quyết định, thậm chí là phải dừng tất cả những thứ xa hoa, hão huyền đầy mơ mộngthậm chí là phải dừng tất cả những thứ xa hoa, hão huyền đầy mơ mộng, và ngay sau đó, có thể sẽ lại bắt đầu bằng con số 0, và một cánh cửa khác lại mở ra, bạn đã sống lại rồi đấy. Death là lời khuyên đanh thép, là nguồn động lực cho những con người còn chìm đắm trong hư vô, lụy trong quá khứ.

Sẽ là một thiếu sót thật lớn nếu chỉ xem Tarot như là một công cụ bói bài đơn thuần. Thật ra có rất nhiều bộ tarot khác nhau, và tất nhiên những lá bài cũng chứa đựng những hình ảnh và cách thức truyền đạt rất khác nhau. Mỗi lá bài là một câu chuyện, một triết lí sống mà bất cứ ai cũng cần được biết đến. Tôi đã ngộ ra được những chân lí sâu xa từ lá bài Death: Cái chết không chỉ đơn thuần là nhắm mắt xuôi tay, sau cái chết đó không chỉ là mồ hoang huyệt lạnh, là hết, mà đó chỉ mới là chuỗi ngày bắt đầu của một cuộc sống mới, đầy niềm tin và sức sống. Hãy hiểu Death theo cách của bạn, và hãy để hiểu rõ cội nguồn và ý nghĩa của từ “The Death”. Hãy sống thật sự như một người đang sống, có linh hồn và lương tri, đừng để tâm hồn chết đi, xác thân vật vã.

Cuộc đời là sa mạc, cuộc đời cô độc, cái chết đưa chúng ta trở về với nhân loại. 
[Life is the desert, life the solitude, death joins us to the great majority.]

[Edward Young]
 Nam Giang, thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết tham dự giải Best Tarot Writer tháng 06.2016. Bài viết mang quan điểm của tác giả.

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Death- Bàn về Cái chết trong Tarot và Đời " có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ