Tản Mạn Về Nghiệp (Karma) - (P1)

I. Nghiệp (Karma)

Đầu tiên cho Yết được xin lỗi cả nhà về bài viết hôm trước. Bài viết trước yết có nhắc đến khái niệm Karma của phương tây. Thực ra đến bây giờ khi nghiên cứu lại thì thấy mình nhầm, thực chất karma không phân biệt theo cách hiểu của cả hai bên huyền học. Cái được cho là Karma của phương Tây thực chất chỉ là một phần trong khái niệm Karma nói chung được cả thế giới chấp nhận. Nhìn đi nhìn lại thì Karma là một khái niệm huyền học phương tây đi mượn nên khó có thể phát sinh dị bản được. Dù thế nào thì karma cũng là một thứ rất hay. Karma được chia thành có hai loại: 

A. Karma do bản thân gây ra

Loại karma này được trình bày rất rõ ràng và kĩ lưỡng trong bài viết của anh Phil Ngo về Lục đạo luân hồi đồ. Loại karma này thực ra xuất phát từ bên trong chúng ta, do bản thân ta tạo nên, do vướng mắc phải mười hai duyên mà bị kéo vào vòng xoáy luân hồi. Tâm của bánh xe luân hồi cũng chính là tâm của chúng ta. Tâm chúng ta chi phối mọi hành động mà tạo nên karma. Tâm chúng ta được biểu tượng bằng hình ảnh ba con vật là gà ( đại diện cho tham lam ), heo ( đại diện cho si ngốc ), rắn ( đại diện cho sân hận ). Việc phân tích về nó thì có lẽ cả nhà nên tự nghiên cứu về bài viết của anh Phil Ngo sẽ hiểu được tường tận hơn. (http://www.tarothuyenbi.info/2011/02/luc-ao-luan-hoi-o-va-tarot.html)

Karma. Ảnh: Internet
B. Karma do thời điểm cuộc sống gây nên

Loại karma này nếu xét thực chất thì cũng là do bản thân như loại trên nhưng về thời điểm xuất hiện của nó thì khác. Loại karma này chắc chắn ai cũng sẽ phải gặp nó chứ không thể tự mình quyết định tạo ra hay không như loại karma bên trên. Nếu hiểu nôm na thì nó chính là việc giống như bất kỳ học sinh nào cũng phải đi thi đại học đó. Rất kinh khủng, đáng sợ nhưng ai cũng phải gặp. Chúng ta sẽ phải đối mặt với “bài kiểm tra” do các hành tinh tạo nên. Nó yêu cầu chúng ta phải lớn lên sau quãng thời gian chưa xảy ra “ bài kiểm tra ” đó. Chính vì tính phổ quát này nên các phái đạo thuật cũng như các khoa đoán mệnh có thể chỉ ta cách tránh nó hoặc chuyển nó cho người khác. Đó là nguyên nhân của đạo thuật. Nó giúp mang số mệnh con người chống lại một phần quy luật của trời đất, tránh khỏi những tai ương trên đường đời. Và cũng vì thế mà các hình thức như bùa phép, hình nhân thế mạng, bla bla bla ra đời hay việc dự đoán các nơi, các lĩnh vực có thể xảy nguy hiểm mà các khoa đoán mệnh đoán ra để tránh. Và loại karma này trong ngôn ngữ chiêm tinh học, người ta gọi nó là vận hạn. Khổng tử cũng từng có câu: “ tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh”. Câu này đã ám chỉ quá rõ ràng về từng giai đoạn biến cố lớn chúng ta sẽ phải đối mặt trong đời người. Đoạn đầu là tam thập nhi lập là điển hình của mỗi người đều sẽ dính vào vận hạn của Thổ tinh vào giai đoạn thổ tinh hồi vị cũng như chiron thực tế sẽ ở vị trí đối góc với chiron trong bản đồ sao của bạn. Đây là giai đoạn mà mọi người thấu hiểu rõ ràng về sự trưởng thành và thời gian. Bất kì ai sau khi trải qua nó sẽ đều phải thốt lên một câu: “ Mình già thật rồi ”. Hay như những người dính vận của Thủy tinh nghịch hành, khi dính phải loại vận hạn này, trí tuệ của họ sẽ bỗng chốc bị “ ngu ” đột xuất. Nếu ai đó tinh ý thì sẽ nhận ra, tất cả những gì chạy nghịch trong chiêm tinh sẽ đều sẽ phải hướng vào trong bản thân nội tại để tìm câu trả lời. Vậy những hành tinh mang tính bên trong như Hải Vương Tinh hay Chiron thì sao? Tác dụng nghịch hành của nó là gì? Những hành tinh đó khi nghịch hành thì năng lượng của nó sẽ tăng lên nhiều lần hơn so với khi thuận hành. Thủy tinh nghịch hành sẽ làm chúng ta khó tiếp thu được kiến thức bên ngoài và thay vào đó, chúng ta sẽ phải cảm nhận lại mọi kiến thức bên trong chúng ta, sắp xếp lại chúng và phát triển chúng. Nó là chiêm nghiệm lại và tự ngộ ra điều gì đó mà chúng ta đã vô tình bỏ quên.

Nhìn chung lại thì Karma chính là một dạng nợ nần mà chúng ta phải trả. Loại nợ này sẽ bám đuổi chúng ta, gắn liền với bản đồ sao của bản thân cho đến khi chúng ta học được hoặc giải quyết được chúng. Vì sao lại thế? Vì đơn giản chúng ta là những chỉnh thể hài hòa với vũ trụ. Vũ trụ vận hành với nguyên lý của sự cân bằng hay cách gọi khác chính là thuyết nhị nguyên. Mọi thứ bên trong nó đều có hai mặt. Sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập sẽ tạo nên một thế cân bằng. Chúng ta tạo ra karma tức là làm lệch đi cân bằng vũ trụ nên theo cơ chế thì sẽ cần phải có một động lực nào đó tác động ngược trở lại để đẩy ngược nó trở lại trạng thái cân bằng. Điều này có thể hiểu nôm na chính là định luật II Newton về lực với ý nghĩa kiểu như khi ta tác động một lực vào vật thì sẽ có một phản lực tác động ngược trở lại. Cảm giác khi chúng ta hứng chịu karma là sự căng thẳng, sự khó chịu hay tức giận vì những thứ oái oăm, những tình trạng xấu xảy đến với chúng ta. Nếu ai như có ai từng hỏi câu: tại sao tôi lại yêu một đứa tồi như anh cơ chứ? Hay tại sao người đó lại làm đau mình? Tại sao cha mẹ lại bỏ rơi con như thế? Đó chính là những biểu hiện rõ nét nhất của Karma. Và tất nhiên khi rơi vào tình trạng đó, có rất nhiều cách để thoát ra. Nhiều người thiền định để nhận thấy bản chất của nó, nhiều người cố gắng sửa chữa nó theo các cách khác nhau, hay có những người chạy trốn và bỏ mặc nó. Dù làm gì đi nữa thì nó vẫn sẽ đeo bám bạn cho đến khi bạn hiểu được ý nghĩa đằng sau nỗi đau đó, tại sao nó lại đến với bạn. 

II.Liên hệ với chiêm tinh

Mỗi chúng ta được sinh ra đều phải thở. Tất nhiên chúng ta ai cũng cần phải thở mới sống được. Hơi thở đầu tiên sau khi chui ra khỏi bụng mẹ chính là thứ quan trọng quyết định cuộc sống của mỗi người. Nó mang năng lượng của cả hệ mặt trời đóng băng lại và đặt vào bên trong mỗi chúng ta. Và vì thế, trong mỗi chúng ta là một tiểu vũ trụ vào thời điểm chúng ta sinh ra. Chúng ta sống và sử dụng nguồn năng lượng từ hơi thở đầu tiên đó cho đến cuối đời. Dân gian xưa có thể vì thế mà có câu nói: “ cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Ngày xưa yết có đọc được một câu nói rất hay: “ cái gì có quy luật thì đều có thể dự đoán”. Như vậy cuộc sống, hệ mặt trời cũng như vũ trụ có quy luật nên chúng cũng là những thứ ta có thể dự đoán. Và chiêm tinh học ra đời. Và chúng ta nhờ vào chiêm tinh học và thời điểm chúng ta sinh ra để hiểu bản thân và dự đoán số phận trong quá khứ và tương lai của bản thân chúng ta. Và tất nhiên, cũng vì quy luật nên chúng ta biết được karma mà bản thân mang bên trong mình là gì, bài học mà chúng ta phải học từ thất bại ở kiếp trước. Mỗi con người đều phải va chạm với rất nhiều người trong xã hội nên chúng ta sẽ có một cuốn sổ nợ khá dầy. Và cái hệ thống nợ được tính bằng đơn vị sổ đó đã được mã hóa trong từng thời kỳ đối với cuộc sống của mình nên sẽ bạn yên tâm là sẽ được trả dần dần cho hết nợ. 

Karma. Ảnh: Internet
Quay lại với chủ đề chính, cảm giác của chúng ta khi gặp phải karma là cảm giác căng thẳng, phiền phức và khó chịu. Trong bản đồ sao thì những thứ mang lại cảm giác trên là vuông góc (90 độ), đối góc (180 độ), các thứ có liên quan đến Saturn, sự phân bố quá lệch của các hành tinh trong tứ góc cung hoặc các bán cầu, tính nghịch hành của một vài hành tinh bla bla bla. Còn vai trò của các cung địa bàn (cái mà mọi người vẫn gọi là nhà 1, nhà 2,… trên bản đồ sao) là nơi chúng ta có thể nhận ra được karma đang ẩn nấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nơi nó là nơi mang lại những cảm giác như căng thẳng, khó chịu, phiền phức,… cho chúng ta khi phải đối mặt cũng như khi trốn tránh. Và trên thực tế, mọi người vẫn thường hay gặp karma về tình yêu ( cung 5), công việc ( cung 10), sức khỏe ( cung 6), nợ nần ( cung 8),…. Vuông góc ám chỉ về một thử thách chúng ta phải vượt qua, là bài học mà chúng ta đã thất bại từ kiếp trước. Và tất nhiên, theo lý thuyết thì chúng ta có thể coi nó là một khoản nợ từ kiếp trước. Nếu tinh tế, bạn sẽ nhận ra, thử thách này chính là thử thách giữa những cung hoàng đạo cùng mode nhưng khác nguyên tố. Đối góc ám chỉ về một mục tiêu không thực tế, sự chia cách, mâu thuẫn, một sự giằng xé giữa hai hành tinh với nhau hay xét trong một mối quan hệ thì nó gián tiếp tạo nên kẻ thù, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên nỗi đau thể xác hoặc tinh thần cho bạn. Đây chính là sự mâu thuẫn về năng lượng hoàng đạo giữa các cung hoàng đạo đối đỉnh với nhau được thể hiện qua các hành tinh. Mọi người có thể tìm hiểu cụ thể về tính năng của các góc chiếu này qua bài viết giải mã góc chiếu của bác ad bên chòi chiêm tinh. (xem ở đây). 

Và nếu xét về karma, chúng ta sử dụng hai loại góc chiếu này là chủ yếu. Đó là đối góc và vuông góc. Tất nhiên là các trường hợp ngoại lệ như các góc chiếu liên quan đến Thổ tinh nó cũng mang ý nghĩa tương đương như hai loại góc chiếu bên trên. Xét về góc chiếu thì còn một giả thuyết mặc dù chưa kiểm chứng nhưng Yết thấy cũng khá thuyết phục. Đó là tác dụng của đối xứng phản gương dọc. Hãy lấy bản đồ sao của bạn ra. Sau đó lấy trục AC – DC làm trục đối xứng. Các hành tinh nằm trong các cung đối xứng nhau qua trục AC – DC sẽ cũng có tác dụng tương đương như đối góc. Ví dụ cặp Thiên Bình vs Xử Nữ, cặp Bọ Cạp vs Sư Tử, cặp Nhân Mã vs Cự Giải,… Nhưng ở đây có 2 nhược điểm khiến nó không được tin tưởng về sức truyền tải thông tin về karma đó là về orb ( sai số cho phép ) và sức ảnh hưởng. Đối xứng phản gương dọc có sức ảnh hưởng yếu hơn đối góc và có sai số là 1 độ. Tính chất của nó không mạnh và sai số khá nhỏ. Chỉ có những góc chiếu mạnh mới có orb lớn và max của orb hình như là 8 độ. Ví dụ trùng tụ, vuông góc, đối góc,… Nhiều người bây giờ chắc đang thắc mắc, nếu họ có karma về vợ chồng thì sao? Như vậy là karma có thể do 2 người tạo nên? Chẳng phải bên trên nói rằng karma do bản thân gây ra sao? Chúng ta nên hiểu rằng mối quan hệ vợ chồng có chứa karma thực chất cũng chỉ là của riêng bạn. Nói cách khác đi, mối quan hệ đó chỉ có tác dụng như môi trường để bạn nhận ra bài học mà bạn phải học, món nợ mà bạn phải trả. Có một hành tinh được mệnh danh là Lord of Karma. Đó chính là Thổ tinh. Mọi người có thể lục lại bài liên hệ giữa Thổ tinh và lá The World trong tarot của Yết để xem về nguyên do tại sao người ta lại gán nó với cái tên Lord of Karma. Điều cuối của phần Karma do bản thân này xin được phép nhấn mạnh: KHÔNG CHỈ MỘT MÌNH THỔ TINH MỚI ĐỀ CẬP TỚI KARMA. 

Phần trên chủ yếu là về Karma do bản thân gây ra. Karma do thời điểm cuộc sống gây nên lại là một loại khác và loại này yết đã trình bày trong bài viết về Thổ tinh và The World lần trước. Nó chính là những vận hạn chúng ta sẽ gặp. Trong chiêm tinh vận hạn, các hành tinh thực tại tạo góc chiếu với chính hành tinh đó trong bản đồ sao chính là vận hạn. Các góc chiếu khi xem xét là vuông góc, đối góc và trùng tụ. Tất nhiên là có trường hợp ngoại lệ với các góc chiếu liên quan đến Thổ Tinh cũng mang ý nghĩa tương đương. Ngoài ra còn có vận hạn của từng hành tinh thực tại đi vào trong từng cung địa bàn trong bản đồ sao của bạn sẽ mang đến những ý nghĩa đặc biệt riêng. Ngoài ra còn có một vài loại khác như các tác động của các hành tinh thực tại với nhau sẽ tổ hợp năng lượng lại và mang ý nghĩa và tác động khác nhau đến chúng ta. Ngoài ra cũng xin chia sẻ thêm về phần vận hạn thủy tinh nghịch hành đối với một số người. Hãy lục lại trong lịch thiên văn thời bạn sinh ra. Nếu bạn không sinh vào thời mercury nghịch hành thì hãy xem bạn sinh trước thời khắc nghịch hành bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu năm sau, bạn sẽ gặp vận Thủy Tinh nghịch hành. Giả sử sau khi bạn sinh 5 ngày thì xảy ra Thủy Tinh nghịch hành. Như vậy sau 5 năm, bạn sẽ gặp vận thủy tinh nghịch hành. Cách tính này cũng đúng với các hành tinh có thể nghịch hành. Như thế có nghĩa là chỉ có mặt trời và mặt trăng của chúng ta là không nghịch hành thôi. Ngoài ra thì tác động của các góc chiếu trong chiêm tinh học với Thổ tinh thực tế với thổ tinh trong bản đồ sao của bạn sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Điều đặc biệt nhất là những giai đoạn có góc chiếu căng thẳng giữa Thổ Tinh thực tế và Thổ tinh bên trong bạn. Phần này Yết sẽ trình bày sau trong một dịp khác. Phần chiêm tinh học vận hạn này cả nhà nên tự tham khảo vì chính bản thân yết cũng chưa tìm hiểu hết về các loại vận hạn nên phần Karma do thời điểm cuộc sống xin phép được dừng ở đây.

Vậy cảm giác sau khi chúng ta trả được món nợ này là gì? Tất nhiên, sau khi trả được một món nợ, ta sẽ thấy bình yên trong tâm hồn. Đó là vì bạn đã thiết lập lại trạng thái cân bằng bên trong bản thân mình. Tất nhiên là cái thứ karma của kiếp trước vẫn ở trong tâm hồn bạn vì bên trong bạn vẫn còn tồn tại năng lượng vũ trụ thời điểm bạn sinh ra và nó là bất biến đối với bạn. Nhưng giờ đây, bạn biết rằng bạn đã có chìa khóa để hóa giải đó, để nó ngủ yên bên trong bạn. Như đã nói ở trên, nếu muốn thử xem khả năng xoay xở của bản thân đến đâu thì trò chơi “ karma ” là sự lựa chọn không tồi. 

Phần sau Yết sẽ trình bày về một vài thu nhặt của bản thân về tính karma trong một vài nhân tố trong chiêm tinh học.

Tiểu Yết Yết, thành viên Tarot Huyền Bí, thành viên Mật Hội Tarot, một người nghiên cứu về Tarot tại Hà Nội. Bài viết mang quan điểm của tác giả. 
Lời của ban biên tập: có nhiều luận điểm giải thích trong bài viết khá đơn thuần và chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, bài viết tương đối rõ ràng về quan điểm và có ví dụ rất xác đáng cụ thể trong chiêm tinh.  
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Tản Mạn Về Nghiệp (Karma) - (P1)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ