Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Archive by date

Mật Mã Bài Tarot: Lá The Empress - Lá Nữ Hoàng (P4)

item-thumbnail
“I am the glorious night sky, and I am the earth beneath your feet. I am the Mother of all, my name is given freely. You may call me Danu, Mother, Empress, yes, but you may also know me as your creatrix self. Life pours bountifully from my womb to bring beauty, support, and nourishment to all. Be in no rush to reveal all at once! Be free and let life its own pace. You are a child growning within my womb. I will support you and bring you all sustenance, that you may bring the same to others.”

--- Emily Carding ---


Hình tượng người mẹ từ lâu đã khắc sâu, bám riết vào nền văn minh nhân loại.Ở bất kỳ tín ngưỡng, tôn giáo nào ta cũng có thể bắt gặp sự xuất hiện của bà trong vai trò các vị nữ thần. Từ thần đất mẹ Gaia vĩ đại, thần mùa màng Demeter, thần tình yêu và sắc đẹp Venus của La Mã cổ đại;qua thần Isis – mẹ của thần mặt trời Horus của Ai Cập huyền bí đến Đức Mẹ Đồng Trinh Maria của Thiên Chúa giáo.Có sự hóa thân như vậy, âu cũng là thường tình, bởi lẽ mỗi con người dù trong thời đại nào cũng đều được sinh ra từ mẹ, gắn bó với mẹ.Người mẹ trở thành mẫu hình thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người. Và Tarot - công cụ tiên tri ghi lại những điều huyền diệu, cao siêu nhất song cũng gần gũi, đời thường nhất – đã đưa hình ảnh người mẹ vào lá bài thứ 4 trong bộ ẩn chính với tên gọi The Empress – Nữ Hoàng.

Với xuất phát điểm đó, The Empress thể hiện đầy đủ các tố chất của người mẹ.Nổi bật lên trên hết là tình yêu thương.Đấy không phải là thứ tình cảm cháy cuồng nhiệt, mãnh liệt mà thay vào đó là sự yên bình, dịu êm, được vun đắp và xây dựng qua từng tháng ngày che chở, bảo bọc. Nhẹ nhàng, dung dị nhưng không gì sánh được, tựa như tình yêu của mẹ dành cho con! Bên cạnh đó, lá bài còn đại diện cho sự mang thai và sinh nở của người phụ nữ. Ngoài ra, nó còn tượng trưng cho thiên nhiên cũng như sự sung túc, trù phú mà thiên nhiên mang lại cho con người.


Xét về tính nữ, trong bộ ẩn chính – Major Arcana, có 2 lá bài thể hiện phẩm chất này rõ nét nhất đó là The High Priestess và The Empress.Nếu như The High Priestess là hiện thân cho những mặt sâu xa, huyền ảo của nữ giới – mặt thuộc về bóng tối, huyền bí, mặt bị ẩn giấu.Nàng kết nối với mặt trinh trắng của Đức Mẹ Maria Đồng Trinh, mặt con gái trong trắng của Shekinah. Thì The Empresslại tồn tại ở những bình diện dễ tiếp cận hơn, nhân hậu hơn của nguyên mẫu nữ.Bà là biểu tượng cho tình mẫu tử, cảm xúc và tính dục. Như vậy, The High Priestess là tượng trưng cho mặt tinh thần, trực giác sâu thẳm còn The Empress thì thuần về cảm xúc tự nhiên.

The Empress – Nữ Hoàng được Pamela Smith phác họa trong bộ Rider Waite là lá bài giàu biểu tượng với màu sắc phong phú.Điểm chính của lá bài Tarot này không gì khác hơn chính là vị Nữ Hoàng – một người phụ nữ hoàn hảo với mái tóc vàng óng ả, gương mặt tràn ngập tình yêu thương. Bà đội chiếc vương miện được kết từ 12 ngôi sao 6 cánh, đeo chuỗi hạt có 7 viên ngọc trai.Y phục của bà có màu trắng được điểm xuyết với hình ảnh những trái lựu. Một tay bà giơ cao chiếc quyền trượng tay còn lại đặt nhẹ nhàng bên dưới. Bà đang ngồi trên ngai vàng lót hai chiếc gối tựa, mang màu đỏ và cam. Bên dưới, là chiếc khiên được khắc biểu tượng của nữ thần tình yêu và sắc đẹp Venus. Xung quanh bà là khung cảnh thiên nhiên bao la, trù phú.Phía trước là cánh đồng lúa mì nặng trĩu hạt.Đằng sau là khu rừng xanh tươi cùng dòng sông trong lành.Tất cả nổi bật lên trên nền trời vàng rực một sắc màu.



Cũng giống như The High Priestess, The Empress xuất hiện trong cùng tư thế. Nhưng khác với cách ngồi nghiêm trang, nhìn trực diện của người Nữ Tư Tế, vị Nữ Hoàng có vẻ mềm mại, thanh thoát, uyển chuyển hơn trên chiếc ngai của mình. Điều này nói lên vị trí xã hội của The Empress song cũng không quá xa vời, cách biệt.Trong hình, bà đang xoay người về hướng Đông – hướng mặt trời mọc,tượng trưng cho những ý thức ở tầm cao hơn.Trên tay bà là chiếc quyền trượng đại diện cho quyền lực của bản thân. Cách cầm chiếc quyền trượng giơ lên cao, tay kia hướng về phía mặt đất, theo tôi, có phần nào tương tự với The Magician, nó thể hiện sự tiếp nhận năng lượng từ bên trên đồng thời kết nối với mặt đất bên dưới.

Bên cạnh hình ảnh chi tiết, sắc nét là bảng màu được pha trộn một cách hài hòa, cân đối. Nhìn vào lá bài, ta có thể thấy ngay sự hòa quyện của màu vàng tươi, màu đỏ, màu cam, màu xanh lá cây và màu trắng tinh khôi.Mỗi màu mang đến một ý nghĩa, thêm vào nội dung của lá bài nhiều sắc thái khác nhau. Màu vàng trên mái tóc và nền trời đại diện cho nguồn năng lượng tỏa sáng, nuôi dưỡng sự sống của mặt trời.Chiếc gối màu đỏ hiện thân cho sự lộng lẫy, xa hoa. Chiếc gối còn lại có màu cam – màu của chakra thứ 2, nó là màu chuyển đổi từ đỏ sang vàng và ngược lại – tượng trưng cho sự cân bằng giữa những ham muốn thể xác và tinh thần, mối quan hệ giữa tính dục và cảm xúc.Rừng cây xanh tươi ở phía sau lại thể hiện cho thiên nhiên và trái đất.Còn màu trắng trên y phục của vị Nữ Hoàng lại nói về tinh thần.Điều này đề cập đến sự hài hòa giữa tinh thần bên trong và thế giới thực tại bên ngoài của The Empress.


Trong bộ ẩn chính – Major Arcana, The Empress – Nữ Hoàng được gán với con số 3.Trong tác phẩm “A Dictionary of Symbols”, J.E. Cirlot đã định nghĩa số 3 là con số “tượng trưng cho sự tổng hợp tâm linh và là công thức cho sự sáng tạo của mỗi thế giới”.Điều này bắt nguồn từ phép tính cơ bản 1 + 2 = 3. Trong Tarot, số 1 được gán với The Magician – đại diện cho tính nam; số 2 lại gắn liền với The High Priestess – tượng trưng cho tính nữ. Số 3 xuất hiện từ sự kết hợp của 1 và 2, nó biểu thị cho sự tổng hợp và dung hòa; tạo nên sự thống nhất không thể chia rẽ, tách rời giữa sự sống và cái chết, giữa ánh sáng và bóng tối. Nó mang nguyên mẫu The Magician chủ động, biểu trưng cho năng lượng cuộc sống đến với nguyên mẫu The High Priestess bản năng, đại diện cho những khả năng phát triển tương lai; đúc kết, tạo ra The Empress. Nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, nhà văn người Mỹ - Carl Sagan – đã chứng minh rằng, sự sống trên trái đất bắt đầu khi một tia sét đánh xuống biển nguyên thủy. Đặt lý thuyết của ông vào Tarot, một lần nữa, ta thấy sự xuất hiện của thế giới, vạn vật tự nhiên tồn tại trong lá số 3 – The Empress, có cội nguồn từ tia sét của lá số 1 – The Magician đánh xuống nước của lá số 2 – The High Priestess. Mặt khác, mẫu tự con số 3 trong cách viết La – tinh có hình dáng như dạ con của người phụ nữ, là mạch của sự tạo thành, sáng tạo – nơi đứa trẻ được tạo ra do sự hợp nhất của cha và mẹ.



Ngoài ra, số 3 còn “đại diện cho giải pháp của cuộc tranh chắp đặt để bởi nhị nguyên”.Quả thực như vậy, nếu như ở số 2 ta thấy được sự mâu thuẫn giữa các mặt đối lập thì ở số 3 lại cho thấy giải pháp của chúng.Nhìn vào thực tế đời sống, ta nhận thấy rằng trong các trường hợp làm việc nhóm, người ta luôn có xu hướng hình thành nhóm với số lượng tối thiểu là 3 người để thông qua đó có thể đạt được ý kiến chiếm đa số, từ đó có thể đề ra phương hướng hành động thực tiễn.

Không chỉ dừng lại ở đó, số 3 còn là con số mang nhiều nét huyền bí bởi lẽ nó hình thành một vành bán nguyệt gồm: sinh ra, thiên đỉnh và hạ giáng. Về hình học, nó biểu lộ cho 3 đỉnh, 3 góc, 3 cạnh của một hình tam giác – biểu tượng gắn kết với hình ảnh của 4 nguyên tố lửa, khí, nước, đất. Đồng thời, nó còn liên hệ với cõi trời và Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sau hết, trong Tarot, chúng ta thường sử dụng trải bài 3 lá như một trải bài vạn năng, từ freestyle đến việc tượng trưng cho quá khứ - hiện tại – tương lai, thể xác – trí tuệ và tinh thần v.v… ( Trong Đạo Đức Kinh cũng có câu : Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật. 道 生 一, 一 生 二, 二 生 三, 三 生 萬 物.)


Ở The Empress, số 3 được gán vào không chỉ qua con số được đánh phía trên. Mà ta dễ dàng tìm thấy nó qua sự kết nối với ngôi sao 6 cánh, 9 viên ngọc trai và vương miệng 12 ngôi sao được vẽ chi tiết, tỉ mỉ trong lá bài.

Như đã nói trên, The Empress là lá bài giàu biểu tượng, mang đến ý nghĩa sâu xa, đặc sắc. Đó là các biểu tượng từ nhỏ đến lớn, từ trên xuống dưới, từ đơn giản đến phức tạp. Bao gồm: chiếc vương miệng, chuỗi ngọc trai, y phục, chiếc ngai vàng, tấm khiên, đồng cỏ lúa mì và dòng sông trong lành.

Chiếc vương miệng của vị Nữ Hoàng được kết từ 12 ngôi sao 6 cánh, tượng trưng cho 12 tháng trong 1 năm – chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời, 12 cung hoàng đạo. Trong đó, ngôi sao 6 cánh mang ý nghĩa hơn nhiều so với việc đóng vai trò biểu tượng của người Do Thái. Theo Rachel Pollack, trong tác phẩm “Seventy – Eight Degrees of Wisdom”, bà đã phát biểu rằng, ngôi sao ấy là sự kết hợp của hai hình tam giác: một hướng lên trên tượng trưng cho lửa, một hướng xuống dưới tượng trưng cho nước. Song, dưới góc nhìn riêng của bản thân mình, tôi lại thấy trong ngôi sao 6 cánh ấy, ngoài lửa và nước, nó còn bao hàm biểu tượng của khí và đất. Như vậy, cũng như các lá bài trước đó, trong The Empress cũng hội tụ đầy đủ 4 nguyên tố cổ xưa: lửa, khí, đất và nước.Chiếc vòng cổ của bà được tạo nên từ 7 viên ngọc trai đại diện cho 7 hành tinh.Nói ngắn gọn, vị Nữ Hoàng đã dùng vũ trụ làm trang sức cho chính mình. Trong bà, tồn tại bầu trời của 12 cung hoàng đạo, sự kết hợp của 4 nguyên tố và sự vận hành của 7 hành tinh. Hay nói đúng hơn, bà là người mẹ vĩ đại, trong bà tồn tại tất cả và bà vận hành mọi quy luật cơ bản của sự sống.


Trên y phục của The Empress, ta lại bắt gặp hình ảnh quả lựu.Với sự xuất hiện này, quả lựu tượng trưng cho sự phong phú, màu mỡ, tươi tốt, sự rộng lượng và khả năng kết hợp.Trong nhiều nền văn hóa, lựu còn là thứ quả đại diện cho sự kết duyên, khả năng sinh sản và tình yêu. Từ hình ảnh trong thực tiễn, với lớp da giòn, bên trong ngọt ngào, lựu không chỉ thể hiện cho niềm hạnh phúc mà nó còn biểu thị cho sự đam mê cũng như xa hoa và sang trọng. Đồng thời, nó cũng là một biểu tượng mạnh mẽ cho tính nữ và tình dục.Nó chính là thông điệp mời gọi chúng ta hãy khai thác sự phong phú, tươi đẹp của cuộc sống và dấu hiệu cho sự hiệp thông với thần thánh và mọi người xung quanh. Bằng việc liên kết với hình ảnh quả lựu, nội dung, ý nghĩa của The Empress như có phần rõ nét, sâu sắc hơn, nhấn mạnh những điểm chính yếu, nổi bật của lá bài.


Vị Nữ Hoàng ngồi trên chiếc vương tọa.Đấy là chỗ ngồi chính thức của vua chúa trong các buổi lễ, nghi thức. Hình ảnh chiếc ngai xuất hiện ở lá The Empress càng nhấn mạnh thêm địa vị, quyền lực của bà trong thế giới của bộ ẩn chính cũng như trong thế giới, xã hội thực tiễn.

Bên dưới chiếc ngai vàng ấy, là tấm khiên có khắc biểu tượng của thần tình yêu và sắc đẹp Venus, biểu tượng của sao Kim – chúng ta sẽ đề cập đến sự liên kết giữa hành tinh này và lá The Empress bên dưới. Riêng về chiếc khiên, bằng hình ảnh này, lá bài tuân thủ theo một phương châm: “From love I do come, from love I do go”, tạm dịch “Từ tình yêu tôi đến, từ tình yêu tôi đi”. Và chiếc khiên ấy chính là minh chứng cho niềm tin của bà ta.Vị Nữ Hoàng cũng như mọi người đều biết, khi chúng ta cùng bước vào lá chắn của tình yêu thương, chúng ta luôn luôn được bảo vệ. Và do đó, khi chúng ta phát triển bản thân bằng động lực của tình yêu, không có bất kì điều gì đáng sợ trên thế giới này cả. Như vậy, The Empress bảo vệ mọi thứ bằng tình yêu thương của bà. Với bà, tình yêu thương đã trở thành tấm khiên vững chắc bao bọc, bảo vệ và che chở!


Phía trước vị Nữ Hoàng là cánh đồng lúa mì nặng trĩu hạt.Trong Thiên Chúa giáo, lúa mì chính là biểu tượng cho tình yêu và lòng nhân ái.Ngoài ra, nó còn là dấu hiệu tổng quát cho sự dinh dưỡng. Trong lá bài, cánh đồng lúa mì đã đến mùa thu hoạch, điều đó phần nào tôn vinh sự nuôi dưỡng, chăm sóc của vị Nữ Hoàng. Bà đã cung cấp tất cả những yếu tố tốt đẹp nhất để có một vụ mùa xum xuê, tươi tốt. Bên cạnh đó, với hình ảnh lúa mì, lá The Empress còn đem đến cho chúng ta một bài học. Đó là, cũng như lúa mì phải trải qua một quá trình gieo trồng, phát triển rồi mới đến ngày gặt hái. Do đó, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng cần phải biết chăm lo, trải qua một thời gian dài nuôi dưỡng thì mới có thể có kết quả tốt đẹp. Sự vội vã, hấp tấp chỉ mang lại những điều không mong muốn.

Ở đây, bất giác, tôi liên tưởng đến sự mang thai và nuôi dưỡng của người mẹ. Một đứa trẻ từ khi chỉ mới là một hợp tử, rồi dần dần hình thành và phát triển phải trải qua một quá trình kéo dài 9 tháng 10 ngày.Trong giai đoạn đó, người mẹ phải chịu biết bao vất vả, khổ nhọc mang nặng đẻ đau.Để rồi sau khi chào đời, người mẹ vẫn tiếp tục chăm bẵm, quan tâm, săn sóc từng ngày cho đến khi đứa trẻ ấy có thể tự đứng vững trong cuộc đời. Thật là thiêng liêng và cao cả làm sao!

Trong bộ ẩn chính – Major Arcana, tồn tại 4 dòng sông tượng trưng cho 4 dòng sông trong vườn địa đàng Eden. Các dòng sông ấy xuất hiện trong các lá The Empress, The Emperor, The Chariot và Death.Ở lá The Empress, dòng sông nằm phía sau bà, chảy qua khu rừng xanh thẳm và đổ xuống một thác nước. Ngoài ra, trong Kinh Thánh cũng có đoạn viết mô tả về dòng sông này: “The serpent vomites water from his mouth; like a river, after the woman, to sweep her away in the current, but the earth came to her rescue; it opened its mouth and swallowed the river” tạm dịch “Nước chảy ra từ miệng con mãng xà; như một dòng sông, ập đến từ phía sau người phụ nữ hòng cuốn trôi nàng ta, nhưng mặt đất đã đến giải cứu cho nàng, nó há miệng và nuốt chửng dòng sông ấy”.

Bên cạnh đó, hình ảnh thác nước trong lá bài còn thể hiện cho sự chuyển động, cảm xúc và sự phong phú. Điều này cho thấy vị Nữ Hoàng có khả năng gợi mở nguồn lực của bản thân và cho nó chảy trôi tự do theo dòng sông. Đồng thời, hình tượng thác nước còn gợi nhắc cho chúng ta sự yên tĩnh, êm đềm có thể đi kèm với những dấu hiệu cực đoan sắp tới.Vì thế, ngoài quan tâm đến những điều mình yêu thương, chúng ta cần phải lưu ý đến những thế lực thù ghét và muốn phá hủy sự tốt đẹp đó.

Trong hệ thống chữ Hebrew, The Empress được gắn liền với mẫu tự “daleth”. Mẫu tự “daleph”, có mẫu tự Hy Lạp tương ứng là “delta”, hình tam giác – là danh từ chỉ cánh cửa, cái cổng hoặc cửa lều và tượng trưng cho dạ con nơi sự sống được ấp ủ và sinh ra. Điều này rất phù hợp với ý nghĩa của lá bài! Bởi lẽ, người mẹ chính là cánh cửa của sự sống. Mỗi người muốn bước vào cuộc sống này đều phải đi qua cánh cửa ấy. Đồng thời, trong những luồng tư tưởng khác, lá bài The Empress hàm nghĩa là chiếc cổng hoặc cửa lớn mở ra con đường đi vào vườn của Venus. 


Xét về hệ thống chiêm tinh học, lá bài The Empress tượng trưng cho sao Kim. Hành tinh của tình yêu và sắc đẹp, có ký hiệu tương tự như chiếc gương cầm taycủa phụ nữ - ký hiệu này được khắc trên chiếc khiên đặt dưới chân Nữ Hoàng. Nó tượng trưng cho sự hấp dẫn, lãng mạn và sự sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh đó, lá bài The Empress gắn liền với nguyên tố thứ 4 – nguyên tố đất.

Tóm lại, The Empress đại diện cho tính nữ, tình mẫu tự, tình yêu thương, sự sinh nở, vẻ đẹp, tự nhiên và sự sung túc. Song bên cạnh đó, lá bài ngược tượng trưng cho sự chăm bẵm quá mức, phụ thuộc vào người khác, cản trở tính sáng tạo. Đôi khi cũng có thể ngụ ý đến khả năng vô sinh hay một sự mang thai ngoài ý muốn!

Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Tarot chú giải – Phùng Lâm – Thư viện Tarot Huyền Bí
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· Website: www.tarotteaching.com
Thảo Nguyễn , thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo.
Đọc tiếp »

Trải Bài 5 Lá với Rider Waite Tarot: Tâm Tư Người Cũ

item-thumbnail


CASE 28/6/2014: Trải bài tự do, chuỗi hình ảnh bắt đầu từ trái sang phải. Trải bài do Tuệ Minh đăng trên Tarot Huyền Bí.

Câu hỏi: "Em vừa rút bài free style ... 5 lá. Câu hỏi là "Người đó đang cảm thấy như thế nào, đang suy nghĩ gì?". Đây là một câu hỏi quan trọng nên em đăng lên đây nhờ các anh chị có nhiều kinh nghiệm và xem giỏi giải bài giúp em cho chắc ạ."
Trải: Six of Swords - Five of Cups - Eight of Cups (ngược) - Six of Pentacles - Queen of Wands
Bổ sung của người hỏi: Đây là chuyện xảy ra sau một vụ cãi nhau, giọt nước làm tràn ly.  Chú thích tác giả: Trong bài giải, "chủ thể" là từ dùng để ám chỉ nhân vật "người đó".
  
Trải bài 5 lá. Ảnh: Tuệ Minh

Trải bài có thứ tự từ trái sang phải: Six of Swords, Five of Cups, Eight of Cups ngược, Six of Pentacles, Queen of Wands.

Bắt đầu từ Six of Swords, Earned Success (tên của Golden Dawn) lấy Six of Swords là ngọn nguồn trong tâm lý của người kia, cũng là hậu quả sau cuộc cãi nhau. Six of Swords trong vấn đề mối quan hệ mang dòng năng lượng của Mercury trong Virgo mang đặc trưng của một quyết định giảm thiệt hại đến mức nhỏ nhất có thể, rõ ràng thực tế nhưng lại thiếu tính sâu sắc do dù quan sát kĩ lưỡng đến mức nào cũng chỉ bám vào bề ngoài của sự việc, tưởng rằng tình cảm một thoáng có thể dứt được mà không nhìn vào toàn cảnh. Không hiểu rõ được toàn cảnh vấn đề, lại càng hiểu sai về bản thân mình. Riêng trong chuyện tình cảm, Six of Swords là một lối đi thông minh (chấm dứt mối quan hệ) nhưng chắc chắn chỉ trấn an được chủ thể trong một thời gian ngắn. Vậy nên mới nói người được nhắc đến trong quẻ bài quả thật đã đưa ra quyết định quá vội vàng, đề cao bản thân mình còn cái cốt lõi là tình cảm lại không rõ bản thân nặng nhẹ ra sao. Nhìn lá bài giống như một sự chạy trốn nhanh gọn nhẹ, không màng đến việc tĩnh tâm đối diện với những cơn sóng dồn dập của cảm xúc cứ liên tục phát sinh từ những tầng sâu kín nhất trong tâm hồn. Chính vì vậy Mercury trong Virgo có lẽ là sự chăm chút, giải quyết tạm thời, bao bọc vấn đề trong một vẻ bề ngoài tạm ổn còn cội rễ của chấn động không hề được đả động tới - chắc chắn sau này còn tiếp tục xảy đến cho đến khi chủ thể không còn trốn chạy được bản thân mình nữa.

Xuất hiện Five of Cups, Loss in Pleasure (tên của Golden Dawn) là Mars trong Gemini, sự xung đột của cặp sinh đôi cũng đồng thời là sự xung đột của những cái ta muốn và những cái ta cần để rồi dẫn đến bi kịch cao hơn của bản thân: Liệu thành công vừa rồi (Earned Success) có thật là thành công hay ta đã đánh đổi một thứ quan trọng hơn thế nữa. Những chấn động tiếp tục xảy đến phá tan ngộ nhận về bản lĩnh cá nhân, về cái tôi để vỡ ra sự thật: Tình cảm vẫn còn quá sâu nặng, thứ hai là bản thân không hề mạnh mẽ như đã tưởng, có khi lại còn tự đạp đổ hạnh phúc của mình mà không biết. Đây là thời điểm của sự đau khổ, băn khoăn không biết mình đã làm đúng hay làm sai, giải pháp vừa rồi là giải pháp trong phút nhất thời vì chủ thể không còn nghĩ được gì xa hơn ngoài bỏ chạy. Hậu quả của lối giải pháp “hở chỗ này vá chỗ kia” đã xuất hiện trong sự ngán ngẩm với yếu đuối của chính bản thân chủ thể: Chủ thể không thể phủ nhận tình cảm của mình dành cho người trải bài, dù có tự đấu tranh rằng mình đúng và người yêu mình có lỗi trước.

Tuy nhiên, trong các lá Five of cups của hệ thống Rider Waite thường sử dụng một motif chung là mất 3 còn 2. Ba cốc là niềm vui hào nhoáng, còn hai cốc tượng trưng cho một tình cảm bền bỉ hơn – một sức mạnh nhỏ nhoi gọi là niềm hi vọng tiếp thêm nghị lực của nhân vật. Nhưng thật đáng tiếc, trong trường hợp này, đặt vào cả trải bài, hai cốc tượng trưng cho niềm tin của chủ thể vào chính quyết định của anh ta, dường như mọi vấn đề từ đầu chủ thể đã tin rằng chỉ xoay quanh có anh ta mà thôi. Tuy có thể nhận ra tình cảm vẫn còn, cái đáng buồn nhất với chủ thể vẫn là chính cái tôi đã bị tổn thương – cho dù thế nào lý trí của anh ta vẫn sẽ xung đột với sự giác ngộ về tình cảm kia mà nói rằng: Bạn đã tổn thương anh ta về bằng cách không chấp nhận nổi anh ta. Tuy chủ thể có hướng về quá khứ, nhưng anh ta sợ sẽ phải thỏa hiệp một lần nữa, sợ rằng sẽ đánh mất chính bản thân mình. Tôi cũng đoán rằng, có thể, bạn là người được anh ta nhường nhịn nhất từ trước đến giờ nên chủ thể mới có thái độ bi kịch hóa vấn đề lên như thế.

Do nối tiếp Six of Swords và Five of Cups là Eight of Cups, Abandon Success, nhưng ngược - chịu ảnh hưởng của Saturn trong Libra ở lãnh vực mối quan hệ, nên có thể thấy tình trạng của chủ thể dần trở nên kích động hơn, quyết tâm giành quyền lợi, quyết tâm vượt ra khỏi sự hoang mang, mất tự chủ của Saturn mà không hề hay biết rằng mình vẫn đang để cho tâm ma chi phối nhiều đến cách nhìn nhận vấn đề. Chủ thể trải nghiệm sự giằng xé giữa hai thái cực trong lá Five of Cups đến cao độ rồi quyết định dứt áo ra đi thật sự và hoàn thiện cho quyết định ở Six of Swords. Minh triết của trái tim bị gạt qua một bên để cho lý luận sau lấn át: Yêu một người không thể chấp nhận mình sẽ chỉ đau khổ. Eight of Cups ngược là sự duy lý bịt tai ra đi tiếp tục chạy trốn dù trong lòng cũng ngẫm ra là không ổn. Trong giai đoạn này, cảm xúc từ đáy nước, ám ảnh về bản thân từ sâu trong lòng hay chính là chấn động trong lá Six of Swords mà tôi từng nói tiếp tục được kích động của Saturn để tiếp tục trồi lên rõ rệt hơn nhưng anh ta đã thẳng tay dối lòng trước khi nó hiện nguyên hình. Tưởng mình làm chủ, nhưng thực chất chưa bao giờ làm chủ. Chủ thể có mặc cảm về bản thân quá mạnh, rắc rối vốn do tâm người này bất ổn chứ không phải nội cái mối quan hệ.

Các lá Six of Pentacles và Queen of Wands ở các giai đoạn sau là các pha trung hòa và ổn định của xung đột trong lòng chủ thể. Hay nói chính xác hơn, là cách chủ thể đang nỗ lực để trở về trạng thái bình thường. Six of Pentacles, Material Success trong mối quan hệ tương đương với Moon trong Sagittarius, riêng trong trường hợp của trải bài này, là cách đối mặt với những bất an từ Saturn trong Libra bằng cách thả rông chúng ra ngoài qua các hình thức bộc lộ gián tiếp nhưng lại từ chối đối mặt và chấp nhận như một người trưởng thành trong chuyện tình cảm. Sự cô đơn về tinh thần, tự chống chọi, tuy bề ngoài thản nhiên như không; nhu cầu thiếu thốn tình cảm cũng như khẳng định lại bản thân được dồn vào những mối quan hệ xã giao với những con người anh ta từng rất ít quan tâm tới, các hoạt động mà trước kia anh ta không mấy hứng thú.

Kết thúc trải bài là Queen of Wands, lĩnh vực tình cảm – Mercury trong Libra, sự tỉnh táo sau khi đã đánh bóng lại giá trị bản thân và đề phòng bất cứ ai tiếp cận quá gần mình. Tuy có cả một đám bâu người xung quanh nhưng anh ta không thật sự chia sẻ cảm xúc của mình với ai cả. Vỏ bọc từ Six of Pentacles ngày càng trở nên hoàn hảo giống một lớp bê tông cốt thép vừa bảo vệ chủ thể khỏi sụp đổ vừa là sự chèn ép ngột ngạt với tất cả mọi sự yếu đuối trong lòng mình. Bắt đầu từ Six of Swords, kết thúc bằng Queen of Wands, tuy muốn giữ cho bài viết khách quan nhưng thật sự tôi buộc phải đặt câu hỏi ngoài lề là liệu chính chủ thể đã tự cho bản thân anh ta một cơ hội sống thoải mái với con người đầy khuyết điểm, đầy yếu đuối bên trong mình chưa? Và sự dứt khoát từ bỏ này liệu có thật sự đáng không?

Hạ Du, thành viên Tarot Huyền Bí, thành viên Mật Hội Tarot. Bài viết mang quan điểm của tác giả. Bài viết xuất phát từ góc nhìn cá nhân, rất mong các phản hồi trái chiều, đa chiều để bổ sung kiến thức học thuật.

Đọc tiếp »

Bộ Ảnh: Đá Quý Thanh Tẩy

item-thumbnail
Đá thanh tẩy được sử dụng nhiều trong Tarot. Tuy nhiên, ít người xem nó như một loại trang sức. Bộ ảnh này trình bày hình ảnh đá thanh tẩy ở mặt khác của nó: bộ đá trang sức. Hình ảnh bao gồm các loại đá thanh tẩy khác nhau: thạch anh trắng, thạch anh vàng, thạch anh ám khói, thạch anh tím, thạch anh đen, peridot, topaz ...




Tác giả bộ ảnh: Phillippe NGO, tác giả Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp, và đồng thời là một người sưu tập đá quý và khoáng.
Đọc tiếp »

Trải Bài Kết Quả Thi cùng Vampire Tarot: Trong Tốt Có Xấu, Trong Xấu Có Tốt

item-thumbnail
Trong thời gian gần đây, một lượng lớn câu hỏi gửi về Tarot Huyền bí nhằm giải đáp kết quả thi. Tôi thật sự cực lực phản đối chuyện này, nhất là khi mục tiêu chỉ là để biết kết quả thỏa mãn tính tò mò còn bao nhiêu vướng mắc tiềm ẩn trong quá trình học tập, thể hiện trong kết quả, thì hầu như chỉ là chuyện phụ. Kết quả một khắc không đảm bảo cho người ta yên tâm trong suốt con đường học vấn, ngược lại tốt hay xấu đều chứa đựng sơ hở hay tiềm năng phát triển trong tương lai, và chặng đường dài vẫn là quan trọng nhất. Chưa kể về sau những thói quen tư duy và làm việc cứ mỗi ngày một ăn sâu dần đến lúc không sửa được nữa thì sẽ gây ra hậu quả to lớn hơn nhiều.

Mượn chút nhắn nhủ của anh Phillipe Ngo, administrator của Hội: "Cơ trời xấu nhưng hành việc tốt, xấu đổi thành tốt. Cơ trời tốt mà hành việc xấu, tốt đổi thành xấu." 

CASE 27/6/2014 - Trải bài của Alice Selwyn đăng trên Tarot Huyền Bí.
"Anh em thí chủ gần xa, giúp em một chút ạ.
Số là em rút 1 trải freestyle về chuyện thi cử (đã xong, đang chờ kết quả) vả rút được ba lá này. Các anh/chị có thể giúp em giải được không ạ?
1. Ace of Grails (Cups)
2. 5 of Scepters (Wands)
3. Daughter of Scepters (Page of Wands)"

Trải Bài Ba Lá cùng Vampire Tarot. Ảnh: Alice Selwyn.

Đầu tiên là Ace of Cups. Ace of Cups là Root of Waters, ảnh hưởng bền bỉ, kéo dài nhưng loãng, không xác định được phương hướng, không tập trung được vào cốt lõi của vấn đề. Vì kết quả bài thi là phản ánh cả quá trình học tập nên anh dự đoán là thời gian ôn thi của em, em nhồi nhét sự học quá nhiều đến nỗi căng thẳng, đầu óc bão hòa. Đến lúc thi cái cần thiết thì không nhớ, nhớ mang máng, nhưng cái không cần thiết thì cứ xuất hiện trong đầu. Trong bài viết, đặc biệt là văn, hoặc nếu như em thi Văn, thì bài viết của em khá lan man, không đi vào được trọng tâm vấn đề mà chỉ nhớ nửa chừng rồi tận dụng mà viết tất cả vào bài. Các môn khác em làm bài cũng không tự tin lắm, viết đáp số nhưng không chắc chắn cách làm sẽ đạt điểm tối đa. Anh đoán là em gặp khá nhiều trở ngại với môn Toán, một môn đòi khúc triết cao mà lúc đó tâm lý của em không ổn định. Anh cũng đoán là bài tính toán của em cách trình bày không tốt, có thể ra đáp số nhưng có khả năng sẽ bị căn vặn về các chi tiết nhỏ.

Tuy nhiên, may cho em là có Five of Wands, tức là Sun trong Gemini đã ổn định lại sự bất ổn trong tâm lý của em bằng lòng quyết tâm sống sót. Nói cách khác, bản năng sống đã điều khiển hành động của em trong sự đỉnh cao của hoảng loạn và chết ngất của lí trí. Ngay sau khi em đã không còn lo nghĩ nhiều về sự đúng sai của trí nhớ và xác định không bỏ cuộc vì em chưa muốn chết, em có khả năng ứng biến xoay xở, phát huy điểm tích cực của nước là dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, quay lại làm chủ tình hình dù đầu óc vẫn còn mờ mịt. Nếu như bình thường em sẽ không giải được vì quá rối rắm giữa đủ thứ lý thuyết em nhồi vào đầu, bây giờ em chỉ lôi cái cần thiết ra (một cách rât vô thức) thôi. Vượt qua được tâm lý sợ hãi khi thấy đề hình như khang khác so với những gì em đã học, trí nhớ của em dần trở lại, bài làm ổn định hơn. 

Kết hợp với Page of Wands. Page of Wands được ăn cả ngã về không, nhưng do giải quyết được bất an ở lá Five of Wands để hành động theo trực giác anh sẽ nói là em đã làm được kì tích, kết quả của em thực ra nằm ở sự liều hơn là sự học vừa qua, cho thấy nếu tâm lý em thoải mái ngay từ đầu thì đã tốt hơn rồi, cơ mà dù sao em đã sinh tồn được rồi, điểm của em đủ để sống đó. Cái này gọi là bí quá làm liều mà hóa kì tích, nhưng mà thực sự trong năm qua quá trình học hành của em không ổn một tí nào cả. Việc thánh nhân đãi kẻ khù khờ này quả thật xảy ra rất hiếm hoi, nên trong thời gian học cấp ba sắp tới thật sự em nên chấn chỉnh lại hoàn toàn đi.

Hạ Du, thành viên Tarot Huyền Bí, thành viên Mật Hội Tarot. Bài viết mang quan điểm của tác giả.
Đọc tiếp »

Trải Bài Ba Lá cùng Royo Dark Tarot - Người Ấy Đang Thế Nào ?

item-thumbnail

Trải bài được bạn Mèo Lười Ngủ Ngày đăng trên nhóm Tarot Huyền Bí.
"Chào mọi người, em mới rút bài cho một người bạn, hỏi về tình cảm của một cô gái dành cho anh ấy, mà gia đình, em gái cô ấy phản đối hai người yêu nhau. Mọi người giúp em xem tình cảm của cô gái này cho anh bạn kia thế nào được k ạ? Hai người chưa chính thức yêu nhau,gặp nhiều ngăn cản."
Ba lá rút ra được là: 6 of Cups - 8 of Cups - 7 of Pentacles. Bộ bài sử dụng Royo Dark Tarot.

Trải bài ba lá với Royo Dark Tarot. Ảnh: Mèo Lười Ngủ Ngày

Sau đây là bài giải của mình:
1 – 6 of Cups (Tình cảm hiện tại)
Tương ứng với Sun trong Gemini trong vấn đề tình cảm (thay đổi X nan hoa so với gốc)
6 of Cups cho thấy được tình cảm hiện tại của cô gái. Cô gái hoàn toàn nhận thức được tình cảm của mình hiện đang như thế nào (rất bất ổn). Với những yếu tố của Gemini mang lại. Ngay khi gặp phải sự phản đối thì cô gái cũng có những hành động để bảo vệ tình cảm của mình, cố gắng thuyết phục gia đình. Nhưng dường như đang ẩn giấu sự bất ổn trong suy nghĩ của cô. Có vẻ như cô nhận thức được vấn đề gặp phải không hề dễ dàng và đã có sự xao động nhất định. Cô sợ rằng mình sẽ không đủ sức thuyết phục gia đình và có thể sẽ phải chấp nhận nghe theo. Những cố gắng của cô ấy sẽ không đem lại kết quả. 

2 – 8 of Cups (Tình trạng thực tế)
Tương ứng Saturn trong Libra trong vấn đề tình cảm (thay đổi X nan hoa so với gốc).
Với 6oC cho ta thấy được tình cảm của cô gái này thì 8oC lại đang thể hiện những gì thực tế diễn ra với mối quan hệ. Saturn thể hiện những vấn đề hiện thực nhưng đồng thời cũng sẽ khó đoán biết được kết quả (sự phản đối từ gia đình). Việc xuất hiện một cung lãnh đạo như Libra cho thấy hiện tại cô gái vẫn kiên quyết bảo vệ tình cảm của mình, nhưng cũng đem lại sự gấp gáp trong mọi hành động. Cô muốn vấn đề được giải quyết nhanh chóng trong khi để giải quyết việc này sẽ không hề dễ dàng. Thêm vào đó cô lại bị chi phối rất mạnh bởi gia đình. Nên sự kiên định của cô trong vấn đề này sẽ khó mà giữ vững lâu được.

3 – 7 of Pentacles (kết quả)
Tương ứng Saturn trong Sagittarius trong vấn đề tình cảm (thay đổi X nam hoa so với gốc).
Với 7oP nằm ở vị trí kết quả. Sagittarius lại có tính chất bất ổn và lun thực hiện một cách nhanh chóng. Vấn đề này sắp có kết quả và có thể sẽ không được khả quan cho lắm. Sự thể hiện của 2 lá phía trên đã có thể đoán được khả năng của kết quả nên mình sẽ không phân tích sâu lá này nữa. Nhưng nếu người con trai vẫn muốn kiên quyết đến cùng thì mình nghĩ bạn cần lưu ý hai vấn đề chính là:
- Luôn cần có sự trao đổi giữa cả hai bạn. (Việc này sẽ giúp cho bạn hiểu được những gì cô gái đang nghĩ và bạn sẽ phải biết bạn cần làm gì để giúp cô ấy). 
- Cần có sự chắc chắn về mục tiêu cả 2 muốn hướng tới là gì. Đặc biệt là cô gái (mục tiêu là kết quả mà hai người muốn đạt được).

Kim Phong, thành viên Tarot Huyền Bí, thành viên Mật Hội Tarot. Bài viết mang quan điểm riêng của tác giả.
Đọc tiếp »

Mật Mã Bài Tarot: Lá The High Priestess - Lá Nữ Tư Tế (P3)

item-thumbnail
“I am the guardian of the lake, and I am the waters. I am the reflection of the hidden moon, and I am lies beneath. I rest upon the pages of the great book, between the setting sun and rising moon. My name is secrect and its power lies beyond the veil. If you would learn to read your own reflection in my waters, then perchance you may start to glean some wisdom from my book.”
--- Emily Carding --- 

Người phụ nữ trong thế giới tâm linh. Ảnh: Internet
Quay ngược thời gian, trở về những năm cuối thế kỷ 13, trong bối cảnh Châu Âu chịu sự thống trị của Giáo Hội Ki Tô giáo, đấy là một xã hội nam quyền nơi nam giới nắm giữ những vai trò chính yếu. Ấy thế mà tại Ý, một nhóm người được gọi là Guglielmite tin rằng người sáng lập của họ, Guglielma Of Bohemia, mất vào năm 1281, sẽ sống phục sinh lại vào năm 1300 – năm được xem là bắt đầu kỷ nguyên mới. Họ đi tiên phong bằng cách tìm kiếm và tôn một người phụ nữ tên Mafreda Visconti làm nữ giáo hoàng đầu tiên. Giáo Hội đã đặt dấu chấm hết giáo phái này bằng cách đưa Mafreda lên dàn hỏa vào đúng năm 1300. Song, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, vài trăm năm ngọn lửa lại bắt đầu cháy bừng trở lại, cũng nhà Visconti đã đặt vẽ bộ Tarot đầu tiên như ta biết. Trong những lá chính không tên, không số đó xuất hiện một bức hình người phụ nữ mà những bộ bài sau gọi là Nữ Đại Tư Tế, lá bài thứ 3 trong bộ ẩn chính – Major Arcana. ( Trong các Coven, mật hội của Phù Thủy thì theo cấu trúc thường đứng đầu là Nữ Cao Nhân, là một cách gọi khác của Nữ Đại Tư Tế, sau đó mới đến các Đại Trưởng Lão rồi các cấp thấp hơn). 

Xuất hiện ngay sau The Magician, The High Priestess là hình ảnh đối lập với ngài. Nếu như vị Pháp Sư đại diện cho tính nam, hành động, ý thức, là mạch dẫn giữa những điều thiêng liêng bên trên và thế giới thực tại bên dưới; thì Nữ Tư Tế lại hiện thân cho tính nữ, sự chiêm nghiệm, tiềm thức, là cầu nối giữa cái nội tại bên trong và cuộc sống bên ngoài con người! 

The High Priestess trong Maryel Tarot. Ảnh: Internet
Tồn tại song song cùng The Magician, The High Priestess cũng hàm chứa một hệ thống biểu tượng phong phú từ đơn giản đến phức tạp, đem đến cho lá bài nhiều tầng ý nghĩa đặc trưng, sâu sắc, không thể lầm lẫn!

Bàn về mặt hình ảnh, ở đây, tôi sẽ sử dụng lá The High Priestess, trong bộ Rider Waite của A.E. Waite và Pamela Smith. Bởi lẽ, đây là bản nguyên cho nhiều bộ bài khác sau này.

Thoáng nhìn qua lá bài, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là khung cảnh đền thờ trang nghiêm.Chính giữa, nổi bật lên trên hết là vị Nữ Tư Tế - nàng ngồi đấy, nhìn trực diện về phía chúng ta, gương mặt ẩn hiện nhiều điều khó đoán.Phục trang của nàng, từ trên xuống dưới, đều chứa nhiều chi tiết đáng để phân tích.Để mô tả điều đó, Waite đã viết: “She has the lunar crescent at het feet, a horned diadem on her head, with a globe in the middle place, and a large solar cross on her breast”, tạm dịch “Nàng có mặt trăng lưỡi liềm ở dưới chân, đội một chiếc vương miệng sừng cùng với quả địa cầu ở giữa, trên ngực nàng là cây Thánh Giá mặt trời to lớn.” Với hình ảnh này, The High Priestess trở thành hiện thân của cả 3 yếu tố: mặt trời, mặt trăng và trái đất.Có thể nói, Waite đã vô cùng tâm đắc với hình ảnh người nữ tu trong y phục hòa lẫn 2 màu trắng xanh này, nàng đã không ít lần xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Điển hình như, trong quyển “Alchemists through the Ages” của Waite, trang 36, có câu: “The woman of the future will be clothed with the sun and luna shall be beneath her feet. The blue mantle typifies the mystical sea.” Trên tay nàng, là cuộn kinh Torah được cuộn tròn lại, nằm khuất một phần bên dưới vạt áo. Nàng ngồi trước một tấm mành trướng, trên đó là biểu tượng những trái lựu được sắp xếp theo thứ tự cây sự sống – Tree of Life.Hai bên tả hữu, là hai cây cột lớn – pillars, có màu sắc tương phản nhau.Một trong số chúng màu đen với chữ “B” màu trắng, còn cây cột còn lại màu trắng với chữ “J” màu đen.Nhưng tất cả vẫn chưa dừng lại ở đó, nếu nhìn ra xa hơn, đằng sau The High Priesstess, ta có thể nhận thấy một khung cảnh trải dài vô tận của nước và trời, tạo nên độ sâu cả về hình ảnh lẫn nội dung của lá bài. Thật là một bức họa tuyệt vời của Pamela Smith!

The High Priestess trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Internet
Khác với tư thế chủ động của 2 lá bài trước, The Fool sắp thực hiện cú nhảy định mệnh, The Magician đang làm phép thuật. The High Priestess lại tự đặt vào trạng thái bị động – nàng đang ngồi trong không gian trầm lặng, hai bên là hai cây cột to lớn.Hai cây cột này gợi nhắc đến đền thờ Isis, đền thờ của Do Thái Giáo cổ ở Jerusalem lẫn đền thờ của vua Solomon. Từ thời xa xưa, chúng đã đại diện cho chiếc cổng từ thế giới này sang thế giới kia. Ở đây, thể hiện cho thế giới bên ngoài mà chúng ta ý thức được với thế giới tiềm thức bên trong của tâm trí. Bức màn che giữa cái ý thức và tiềm thức ấy thể hiện trạng thái ngủ mê và tỉnh thức, bên trong và bên ngoài con người, hai khía cạnh – hai mặt đối lập nhưng không thể tách rời lẫn nhau.Bằng cách để vị nữ tư tế ngồi ở đấy, nàng như hóa thân thành cánh cổng, cầu nối dẫn dắt chúng ta trong cuộc hành trình tìm vào bên trong của mỗi người.Nàng cho chúng ta không gian và thời gian để tự suy nghĩ, tự chiêm nghiệm để nhận ra cái nội tại sâu xa.Vì thế, tuy là trạng thái tĩnh nhưng điều đó không làm mất đi ý nghĩa của lá bài. Hay nói đúng hơn, chính tư thế ấy đã góp phần làm rõ vai trò và bài học mà The High Priestess mang lại!

Như vậy, cùng với vị Pháp Sư – người nối giữa những điều bên trên và bên dưới, vị Nữ Tư Tế xuất hiện, dẫn lối cho cái bên trong và bên ngoài. Góp phần tạo nên một hệ quy chiếu mà tại đó, con người tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống!

Ảnh: Internet
Trong bộ ẩn chính – major arcana, The High Priestess được đánh số 2. Qua tác phẩm “A Dictionary of Symbols”, J.E. Cirlot đã định nghĩa đấy là con số đại diện cho hồi thanh, phản ánh, tranh chấp, đối trọng hoặc nghịch vị; là sự tịch lặng nhất thời của các lực lượng trong thế cân bằng; nó cũng tương ứng với sự trôi chảy của thời gian – cái tuyến đi từ sau ra trước. Nó cũng tượng trưng cho hạt nhân đầu tiên của vật chất, của tự nhiên trong đối lập với tạo hóa, của mặt trăng đối với mặt trời.Số 2 còn hiện thân cho sự lưỡng tính của vạn vật, nhị nguyên; móc khoen kết nối giữa cái bất tử và cái tử hoặc cái bất biến thiên và cái biến thiên.Hay nói đơn giản hơn, đây là con số đại diện cho tính hai mặt, tính đối ngẫu, sự lựa chọn, sự kết hợp và sự cộng tác. 

Để dễ hình dung hơn, ta xem xét đến tính hình tượng của 2 cây cột – pillars trong lá bài. Sự xuất hiện và cách sắp đặt của chúng, trước hết đã gợi cho chúng ta về hình ảnh con số II của người La Mã. Về màu sắc, hai cây cột này có màu tương phản: trắng, đen. Trên chiếc cột đen là chữ “B” – “Boaz”, tượng trưng cho sự thụ động và những điều bí ẩn; trong khi cột màu trắng mang chữ “J” – “Jachin” biểu trưng cho chủ động và sự ý thức.Bằng cách đặt 2 cây cột này bên cạnh nhau, Waite đã nêu lên tính đối ngẫu giữa nam và nữ, âm và dương, tích cực và tiêu cực, vật chất và tâm linh. 

Bên cạnh đó, như chúng ta dễ dàng nhận thấy, chữ “B” trên cây cột đen có màu trắng; và ngược lại, chữ “J” trên cây cột trắng lại có màu đen.Nó làm ta liên tưởng đến những chấm tròn trong biểu tượng âm – dương của người phương Đông. Điều đó mang ý nghĩa, sự phân cực âu cũng chỉ là ảo ảnh, trong cực này luôn ẩn chứa cực kia( Sự thống nhất các mặt đối lập). Chúng cùng hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình.Đấy không phải là hai yếu tố riêng rẽ, tách biệt mà là hai mặt của một vấn đề. Đối lập nhưng không hề phủ định hay loại trừ, mà ngược lại bổ sung và hoàn thiện ý nghĩa cho nhau! 

Xét về hệ thống biểu tượng, ngoài 2 cây cột “Boaz” và “Jachin”, lá The High Priestess còn hàm chứ nhiều chi tiết mang nội dung sâu sắc. Đấy là chiếc vương miệng sừng, Thánh Giá mặt trời, vầng trăng lưỡi liềm, cuốn kinh Torah, tấm màn trướng cùng thế giới rộng lớn bao la của nước và trời phía sau tấm màn ấy. 

Như đã nói trên, giữa chiếc vương miệng sừng đó,theo Waite chính là quả địa cầu – đại diện cho đất mẹ. Song, bên cạnh đấy, nó cũng gợi ra nhiều liên tưởng khác.Trước nhất, đó là hình ảnh của vị nữ thần Ai Cập Isis – mẹ của thần mặt trời Horus - là vị nữ thần đại diện cho trí tuệ và sự tiên tri.Bà cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nên lá bài The High Priestess.Ban đầu, từ khi hình thành, lá bài được gọi tên là “The Papess”, nó được giữ nguyên như vậy cho đến thế kỷ 18 khi Bá tước Gebelin, người tin rằng Tarot bắt nguồn từ tôn giáo thờ thần Isis của Ai Cập cổ, đã đổi tên nó thành The High Priestess – Nữ Tư Tế như ngày nay. Và khi xây dựng lên hình tượng vị nữ tu cho bộ Tarot của mình, Waite đã lấy ý tưởng trực tiếp từ trang phục tượng trưng của vị nữ tư tế Isis này. Mặt khác, chiếc vương miệng còn đại diện cho 3 giai đoạn của mặt trăng – một chu kỳ hoàn thiện, được lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử của trái đất.Ngoài ra, trăng cũng chính là một trong những tác nhân chủ yếu tác động và mang đến ý nghĩa cho lá bài, mà ta sẽ đề cập đến trong phần sau. 

Về chiếc Thánh Giá mặt trời trên ngực áo vị nữ tu. Điều đầu tiên cần xác định rõ, đó là biểu tượng này không hề liên quan đến Thiên Chúa giáo. Mà thay vào đấy, nó tượng trưng cho sự hợp nhất của 4 yếu tố, ví dụ như 4 mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông; 4 hướng chính: đông, tây, nam, bắc cũng như 4 nguyên tố cổ xưa: lửa, khí, nước, đất, và 4 vị thánh viết bốn cuốn Phúc Âm. Riêng trong Tarot, đây có thể là sự hội tụ của 4 món bảo vật linh thiêng: Wand, Sword , Cup và Pentacle. Như vậy, một lần nữa, hình ảnh bộ Tarot lại xuất hiện trong lá bài. Ở đây, nó không còn ở trạng thái chênh vênh như ở The Fool, cũng không bày biện ra phía trước như The Magician mà lại được đặt trên ngực – gần tim, mang đến thông điệp: hãy vứt bỏ những thứ bên ngoài để hướng vào những thứ sâu thẳm bên trong để lắng nghe tự thân của mình. Để tìm lại vườn Địa Đàng đã mất. 

Vầng trăng lưỡi liềm dưới chân The High Priestess, theo Thiên Chúa giáo, chính là hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh Mary – một biểu tượng ngàn đời cho tình yêu và lòng từ bi. 

Cuốn kinh Torah trong tay vị Nữ Tư Tế là hình tượng của bộ luật Do Thái, bộ Ngũ thư của Moses – The Five Books of Moses. Đấy là 5 quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hebrew, bao gồm: Sách Bereishit בראשית, Sách Shemot שמות, Sách Vayikra ויקרא, Sách Bemidbar במדבר và Sách Devarim דברי. Như vậy, The High Priestess nắm giữ trong tay sự thông thái của nhân loại. Song bằng việc cuộn cuốn kinh ấy lại, để nó lẩn khuất dưới vạt áo dài, vị Nữ Tư Tế cho thấy: kiến thức tưởng chừng cao xa thực tế nằm gần với chúng ta hơn so với chúng ta thường nghĩ, song chỉ có những người thật sự thông minh, am tường mới có thể đọc và hiểu thấu nội dung của chúng. 

Kinh Thánh. Ảnh: Internet
Tấm mành trướng phía sau The High Priestess, được điểm xuyết bằng những quả lựu.Chúng là hiện thân của 10 Sephiroth trên cây sự sống – Tree Of Life. Quả lựu chính là bằng chứng về miền đất hứa trên chuyến hành trình của Moses. Nó là biểu hiện của sự sùng tín và tiên tri. Bên cạnh đó, quả lựu còn được biết đến như loại trái có hạt không đổi 613 – con số thần thánh của người Do Thái, tương ứng với 613 Mitzvot, điều răn của Chúa trời trích từ sách Torah.Và vị Nữ Tư Tế xuất hiện trong lá bài, ngồi giữa tấm màn, trở thành cầu nối giữa các sephiroth lại với nhau. Như vậy, nàng trở thành con đường dẫn dắt chúng ta trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự sống. 

Xuyên suốt quá trình, từ đầu đến đây, ta đã thấy vị Nữ Tư Tế, tấm màn trướng, cùng hai chiếc cột xuất hiện như cánh cổng nối liền giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, giữa ý thức và tiềm thức. Chúng ta chỉ mới nhìn thấy từ phía trước, vậy còn phía sau nàng là gì?Liệu rằng chúng ta có được thâm nhập vào cái thế giới phía sau ấy không?Như cũng đã nói đến ở trên, hình ảnh ẩn hiện phía sau đó chính là một vùng bao la trời và nước.Nước là biểu trưng cho sự vô thức và sự thật bị che dấu trong đó.Nước tĩnh lặng nhưng những bí mật lại nằm trong lòng sâu thẳm tối tăm nhất của nó.Cũng giống như chúng ta, phần lớn thời gian, tiềm thức hỗn loạn vẫn còn ẩn dưới lớp ý thức điềm tĩnh. Và chúng ta, muốn xâm nhập vào thế giới phía sau tấm màn kia, tức là khuấy động tiềm thức của bản thân thì phải trải qua một thời gian dài trải nghiệm, du hành qua suốt 22 lá ẩn chính để rồi sau đó suy ngẫm và tự cảm nhận lấy thế giới nội tại bên trong mình. 

The High Priestess. Ảnh: Internet
Là lá thứ 3 trong bộ ẩn chính, The High Priestess được gắn với mẫu tự Hebrew “Gimel”.“Gimel” trong tiếng Do Thái có nhiều hàm nghĩa riêng biệt.Đầu tiên, nó thể hiện cho hình ảnh một người giàu có đang cố chạy sau bố thí cho một người nghèo. Bên cạnh đó, từ “Gimel” có xuất phát nghĩa từ gemul, có nghĩa là gia ân bao gồm cả phần thưởng lẫn hình phạt, mà theo Torah, cả hai điều ấy đều dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn để thông linh cùng Thiên Chúa. Sự gia ân này tùy thuộc vào sự thiện, ác. Ở đây, sự gia ân của vị Nữ Tư Tế chính là tri thức. Ngoài ra, “Gimel” còn có nghĩa là con lạc đà, con vật duy nhất có thể chứa nước bên trong mình và băng qua sa mạc nắng nóng khốc liệt. Với ý nghĩa này, The High Priestess trở thành người dẫn đường, vừa là người thử thách chúng ta bằng cuộc hành trình khắc nghiệt từ thế giới này sang thế giới khác. 

Xét về chiêm tinh học, lá bài này là hiện thân của mặt trăng. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời xuống trái đất, tượng trưng cho sự phản chiếu và hấp thụ. Nó là biểu trưng cho vòng tuần hoàn, chu kỳ, những sự thay đổi tự nhiên – điều này có thể thấy qua biểu tượng chiếc vương miệng của vị Nữ Tư Tế. Ngoài ra, nó còn là đại diện cho tính nữ, trực giác, cảm xúc sâu xa và lòng trắc ẩn. 

Mặt trăng và giá trị tâm linh. Ảnh: Internet
Song bên cạnh đó, trăng cũng đại diện cho những điều bí ẩn, tăm tối trong cuộc sống.Dưới ánh trăng, những thứ được chiếu rõ vào ban ngày trở nên mờ ảo hơn bao giờ hết.Có những khía cạnh trở nên lung linh, huyền ảo hơn nhưng cũng không ít điều gây ra sợ hãi trong cuộc sống của chúng ta.Mặt khác, như chúng ta đều biết, trăng luôn có một nửa mặt tối không bao giờ hướng về phía trái đất. Điều đó phần nào làm tăng thêm sự bí ẩn, huyền bí của mặt trăng cũng như lá bài.

Do được gán với mặt trăng nên The High Priestess gắn liền với nguyên tố nước – nguyên tố đại diện cho xúc cảm và tâm linh. Điều đó được thể hiện qua màu sắc chủ đạo của lá bài – màu xanh. 

Tóm lại, The High Priestess là một lá bài mang tính nữ, đại diện cho sự tiên tri, trực giác, tâm linh, tiềm thức, sự rút lui vào thế giới ở trong để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Nàng chính là cầu nối giữa ý thức bên ngoài với tiềm thức nội tại. Song, bên cạnh đó, vị Nữ Tư Tế còn là hiện thân cho những điều bí ẩn, sự yếu đuối, thụ động và đôi khi phản ánh nỗi sợ hãi cuộc đời! 

The High Priestess trong Thoth Tarot. Ảnh: Internet
Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Học biểu tượng trong Bộ Waite Tarot - Phần 03: THE HIGH PRIESTESS, www.tarothuyenbi.info, Ngô Hồ Anh Khôi
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)

Thảo Nguyễn, thành viên của Tarot Huyền Bí. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả. 
Đọc tiếp »

Mật Mã Bài Tarot: Lá The Magician - Lá Pháp Sư (P2)

item-thumbnail
“I hold the balance between two worlds. I am the fire of the burning sun, I am the cool, dark waters of the deepest ocean. I am the roots and branches of the greatest tree, reaching deep into the realms of Annwn and high to the heavens. Do not fear the fall, for I have come to you on Mercury’s Wings, to show you that you too can fly.
I have the power to change myself, for all that I need is within me. Through changing myself, I change the world.
Do you hear my words? They come from within you. My voice is the gate way throungh which you may find your inner power. I am the Magician, and I am Magick.”
--- Emily Carding ---

Ba lá Pháp Sư trong Thoth Tarot. Ảnh: Internet.
Xuất hiện sau The Fool ngây thơ, khờ dại là một The Magician – Pháp Sư đầy quyền năng, uy lực và tràn đầy sức mạnh. Nếu như The Fool có nghĩa là không gì cả thì The Magician lại là tất cả. Quả thực như vậy, xuyên suốt hệ thống ẩn chính – major arcana, dường như không có lá bài nào mang nhiều hình ảnh biểu tượng và chứa đựng năng lượng cao đến thế! Vị pháp sư trong The Magician nắm giữ trong tay muôn vàn quy luật của vạn vật tự nhiên, ngài làm chủ không gian và thời gian. Với ngài, không gì là bất khả, ngài nhào nặng, biến hóa mọi thứ theo ý định của bản thân; điều khiển, sử dụng chúng cho những mục đích riêng của mình.

Emerault Table. Ảnh: Internet.
Ở The Magician ta bắt gặp câu thành ngữ quen thuộc “As above. So below”. Đây là câu nói được rút gọn từ một khái niệm được đề cập trong “The Emerald Tablet” (Bản Bích Ngọc) của Hermes Trismegistus: “That which is Below corresponds to that which is Above, and that which is Above, corresponds to that which is Below, to accomplish the miracles of the One Thing.” Có nghĩa là: “Cái gì ở Dưới tương ứng với cái gì ở Trên, và cái gì ởTrên tương ứng với cái gì ở Dưới, để đạt tới những phép nhiệm màu của Nhất Thể”. Hoặc theo một cách dịch khác: “Vũ trụ này được tạo dựng theo một cơ cấu chung. Trên dưới như nhau, để cho thấy điều huyền diệu này tất cả là một”.Quay trở lại vấn đề, tại sao The Magician lại gắn liền với câu thành ngữ này? Khía cạnh nào ở ngài thể hiện điều đó, phải chăng ngài chính là mạch dẫn giữa những điều thần bí, mầu nhiệm bên trên và thế giới thực tại bên dưới?Tất cả những điều ấy được thể hiện rõ nét qua hình ảnh và hệ thống biểu tượng của lá bài.

The Magician trong Maryel Tarot. Ảnh: Internet.
Hóa thân vào các bộ bài khác nhau, The Magician có nhiều nét riêng biệt mang đậm phong cách của tác giả và họa sĩ. Song, tựu chung, những lá bài ấy phần nhiều đều mô phỏng theo nguyên bản của Waite, do Pamela Smith phác họa. Trung tâm của lá bài nổi bật lên hình ảnh vị pháp sư, một tay cầm đũa phép giơ lên trời, tay kia chỉ xuống đất. Gương mặt ngài thể hiện sự tập trung cao độ. Phía bên trên là biểu tượng vô cực – infinity.Ngài mặc chiếc áo chùng màu trắng, bên ngoài choàng chiếc áo đỏ tươi. Trước mặt ngài là chiếc bàn đặt 4 bảo vật linh thiên: gậy, kiếm, cốc và pentacle – đây cũng chính là các biểu tượng xuất hiện trong bộ ẩn phụ minor arcana. Xung quanh là những đóa hoa hồng và hoa lily đang nở rộ sắc màu. Tất cả hòa lẫn, tạo nên bầu không khí tĩnh lặng, nghiêm trang nhưng không hề căng thẳng. Tại đó, chỉ có The Magician – ngài đang thực hiện một nghi thức, một phép thuật, thay đổi thế giới hay tạo ra thế giới!

The Magician. Ảnh: Internet
The Magician của chúng ta là vậy đấy! Nếu như trong The Fool, Chàng Khờ được đưa vào hành động cụ thể, mạnh mẽ, dứt khoát pha lẫn một chút điên rồ - thực hiện cú nhảy định mệnh vào thế giới. Thì ở đây, vị Pháp Sưlại đặt mình trong cái dáng dứng vô cùng đặc biệt, đơn giản mà hàm ý sâu sắc! Một tay ngài cầm đũa phép giơ cao lên trời, như thể đang tiếp nhận thiên ý, những lời thì thầm, phán truyền của các đấng bề trên. Rồi thông qua cơ thể vững chãi của mình, ngài truyền chúng xuống thế gian hiện hữu bằng cái chỉ tay xuống đất, nhẹ nhàng mà rắn chắc, cương quyết. Và khi làm công việc thiêng liêng ấy, ngài tự hóa mình thành chiếc cầu nối giữa trên và dưới, giữa trời và đất, hợp thức hóa câu thành ngữ mà chúng ta đã nhắc đến: “As above. So below”. 

Song, The Magician chỉ là một lá bài, người ta biết đến nó qua Tarot. Vậy ngoài đời thực thì sao? Liệu có mối liên kết nào đặc biệt như thế? Những người hoài nghi hay những nhà theo chủ nghĩa duy vật sẽ nói với tôi rằng, thế giới này chẳng có pháp sư hay phù thủy, phải chăng cái mà các tác giả tạo ra chỉ đơn thuần là một sự ngẫu nhiên hay một sự gán ghép gượng ép? Xin thưa là không! Nếu nhìn rộng ra thế giới bên ngoài, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của The Magician ở những con người bình thường, những việc làm giản đơn. Trong buổi lễ ngày Chúa nhật, các vị linh mục vẫn xem mình là một kênh truyền dẫn của Chúa trời. Họ thay mặt Chúa đọc Kinh Thánh, làm phép, chuyển sức mạnh tối cao vào bánh mì và rượu rồi ban phát Thánh Thể cho đàn chiên của Thiên Chúa. Hiện thực hơn là hình ảnh của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ. Đấy là những người dạt dào năng lượng, họ luôn tìm kiếm, nắm bắt những luồng tư tưởng để rồi thông qua đôi tay của mình họ tạo nên các tác phẩm đặc sắc – những thế giới riêng, nhỏ bé song có sức tồn tại mãnh liệt, lay động trái tim hàng triệu người. Hoặc đơn giản nhất, gần gũi nhất đấy chính là bản thân chúng ta. Hãy nhớ lại những lúc ta phấn khích, vui sướng, ý tưởng tràn ngập khắp cơ thể. Ta trò chuyện, tác động đến mọi người và môi trường xung quanh, niềm vui lây lan khắp mọi nơi, ta thay đổi một phần nhỏ của cuộc sống khi tự biến mình thành một mạch dẫn.Riêng về phần mình, là một người tìm hiểu và sử dụng Tarot. Tôi xem mỗi bộ bài là một minh chứng rõ nét cho câu thành ngữ “As above. So below”. Bởi lẽ, 78 khung ảnh đa màu, đa sắc ấy là sự phản chiếu, tập hợp của muôn vàn kiến thức từ cổ chí kim, nổi bật nhất là mối quan hệ chặt chẽ với chiêm tinh học. 7 hành tinh, 12 cung hoàng đạo kết hợp, xoay vần trong những lá bài, tạo nên những nét nghĩa riêng biệt, không thể hòa lẫn.

The Magician. Ảnh: Internet
Trong tác phẩm “Seventy – Eight Degrees of Wisdom”, Rachell Pollack lại ví von vị Pháp Sư với hình ảnh hết sức đặc biệt – cột thu lôi. Nếu đã học hay đọc qua vật lý cơ bản, chắc hẳn ai cũng biết, cột thu lôicung cấp một đường dẫn với điện trở thấp dẫn xuống mặt đất, có thể tạo ra dòng điện khi bị sét đánh. Nếu bị sét đánh, hệ thống sẽ thu lấy tia sét và truyền năng lượng vào lòng đất. Song, không chỉ dừng lại ở chỗ giải nghĩa bình thường. Bằng việc so sánh ấy, tác giả đã gợi lên một tầng nghĩa khác của The Magician. Cây cột thu lôi kia sẽ ra sao nếu không có tia sét ấy? Nếu chất lượng của chúng không chịu nổi luồng điện của tia sét hay việc dẫn truyền bị tắc nghẽn thì sẽ ra sao? Quả thực, nếu vị Pháp Sư không tiếp cận được nguồn tri thức ở cấp độ cao hơn thì ông ta sẽ trở nên một người vô dụng trong thế giới chúng ta. Song, nếu tiếp nhận nhưng không thể chịu đựng được hay truyền đạt chúng ra bên ngoài thì kết quả chỉ có thể hủy hoại bản thân mình, đôi khi còn thiêu rụi và phá hủy mọi thứ xung quanh. Tựa như vị linh mục sẽ trở thành người bình thường khi không rao giảng vào các ngày Chúa Nhật. Các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ sẽ phát điên khi ông ấy hay bà ấy không truyền tải được ý tưởng thành tác phẩm. Hay cảm giác bức bối mà bạn phải gánh chịu khi niềm vui, sức sống ngập tràn cơ thể nhưng không có ai để chia sẻ, không có việc gì để làm!

Như vậy, nếu nghĩa xuôi của The Magician là hành động, sự truyền dẫn năng lượng; đại diện cho sức mạnh tinh thần, cái ý chí thống nhất và hướng đến mục tiêu. Thì nghĩa ngược của lá bài lại cho thấy sự tắc nghẽn, trì trệ; lạm dụng sức mạnh; sự bất an về tinh thần, các ảo giác và nỗi sợ hãi.

Xuất hiện sau The Fool – số 0, The Magician được gắn liền với số 1 – con số khởi nguyên, bắt đầu cho tất cả các số còn lại. Trong tác phẩm “A Dictionary of Symbols” của J.E. Cirlot có đoạn viết “con số 1 là tượng trưng cho hữu thể và là sự vén mở cho con người về yếu tố tâm linh. Nó là nguyên lí hoạt động, khi vỡ thành phần mảnh, làm nảy sinh bội số”. Bên cạnh đó, “nó cũng đại diện cho sự nhất nguyên tâm linh – là nền tảng chung giữa vạn vật”. Quả thực như vậy, nếu như The Fool không là gì cả, chàng bước vào thế giới bằng cú nhảy định mệnh, là sự bắt đầu từ cái hư vô thì The Magician lại khác, ngài là điểm khởi đầu cho thế giới thực tại, cho hành trình tâm linh. Nói cách khác, The Magician chính là nền tảng mà từ đó mỗi người xây dựng lên thế giới của riêng mình.

Cũng theo J.E. Cirlot, số 1 “được đồng nhất với Trung tâm huyền học, Điểm bức xạ và Quyền năng tối thượng”. Hay trong phong thủy, người ta coi đấy là con số của các vị thần thánh, của hoành đồ, được biểu hiện như con trai của trời. Số 1 tượng trưng cho cái đỉnh tối thượng, đỉnh núi cao – độc nhất trời. Như vậy, việc gán cho The Magician con số 1 lại một lần nữa khẳng định vị thế độc tôn, sức mạnh, quyền năng và uy lực của ngài. Song, đôi khi nó cũng nhắc đến một khía cạnh khác, đấy là cái tôi quá lớn, có phần tự cao và ngạo mạn của The Magician!

Xét về hệ thống biểu tượng của lá bài, The Magician là một tập hợp nhiều biểu tượng mang ý nghĩa và sắc thái khác nhau. Từ nét mặt, cách cầm gậy phép của vị Pháp Sư, đến các món bảo vật linh thiêng cùng khu vườn hoa nở rộ dưới chân ngài.

The Magician trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Internet.
Hình ảnh cây gậy phép xuất hiện từ lá đầu tiên của bộ ẩn chính và lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt 22 lá còn lại. Trong The Fool, Chàng Khờ dùng cây gậy ấy một cách vô thức – để treo túi! Chàng tựa nhẹ cây gậy lên vai, mắt lơ đễnh hướng về bầu trời như thể không quan tâm đến sự hiện diện của nó. Còn với The Magician, ngài nhận thức được sức mạnh của cây gậy ấy, đưa nó vào thế giới thực và dùng nó để tạo nên phép màu, biến đổi không gian, thời gian, thay đổi và tạo ra thế giới. Sự trân trọng của ngài được thể hiện qua cách cầm tay vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ, cương quyết. Tay ngài hướng chiếc gậy thẳng lên trời cao, thu nhận những điều màu nhiệm của bề trên. Gương mặt lộ rõ sự tập trung cao độ. Ngài ý thức được tầm quan trọng của việc mình đã, đang và sẽ thực hiện. Và cũng vì thế, màu sắc của chiếc gậy chuyển từ đen sang trắng, tức năng lượng của nó không còn ở dạng tiềm năng nữa mà đã được sử dụng, phóng thích ra bên ngoài có mục tiêu và ý nghĩa!

Bốn món bảo vật: gậy, kiếm, cốc và pentacle hiện diện trong The Magician là các biểu tượng đại diện cho 4 bộ ẩn phụ - minor arcana. Gậy – sức mạnh của lửa – đại diện cho tinh thần, sự đam mê, truyền cảm hứng và hành động. Kiếm – sức mạnh của khí – đại diện cho trí tuệ, suy nghĩ, tư duy và sự giao tiếp. Cốc – sức mạnh của nước – đại diện cho cảm xúc, tình cảm, tâm linh. Cuối cùng là Pentacle – sức mạnh của đất – đại diện cho thế giới thực, tiền tài, vật chất.Cả 4 tụ hội và chịu sự điều khiển của vị Pháp Sư. Tuy nhiên, trong Rider Waitedo Pamela Smith phác họa, chúng vẫn ở trong trạng thái tĩnh – đặt trên bàn, còn trong một số phiên bản khác, 4 món ấy vận hành, xoay chuyển trong không trung, càng nhấn mạnh thêm quyền năng vô hạn của The Magician.

Song, với cách thể hiện của Pamela Smith, tôi lại có một hình dung khá thú vị về lá bài này. Còn nhớ, trong lá The Fool, tôi đã nhắc đến quan điểm của tác giả Corrine Kenner, cho rằng chúng ta chính là Chàng Khờ đang tiến bước vào thế giới ảo diệu của phép thuật, hành trang mang theo là bộ Tarot bé nhỏ. Nối tiếp dòng tư tưởng đó, tôi xem 4 món bảo vật được bày biện trên bàn kia không gì khác chính là bộ Tarot, nhưng không còn bị gói gọn nữa mà dàn trải ra phía trước, sẵn sàng cho chúng ta câu trả lời về cuộc sống. Còn ta lại hóa thân thành The Magician, tập trung thực hiện công việc của mình, đón nhận và giải đáp những lá bài được rút và lật lên một cách huyền diệu, để rồi sau đó như cái chỉ tay mạnh mẽ của vị Pháp Sư, ta đưa cho querent không chỉ là quá khứ, hiện tại hay tương lai mà còn là những sự động viên, lời khuyên chân thành để họ có thể bình tâm và tìm ra phương hướng giải quyết những rắc rối xảy đến!

Vị Pháp Sư đứng giữa vườn hoa hồng và lily nở rộ. Hoa hồng với màu đỏ thắm tượng trưng cho lý trí tuyệt đối, sự đam mê rạo rực, nồng cháy; kết hợp với hoa lily trắng đại diện cho tình yêu thuần khiết ngây thơ, khờ dại. Cả hai kết hợp, xuất hiện như lời nhắc nhớ rằng sức mạnh cảm xúc và sáng tạo mà chúng ta cảm thấy trong cuộc sống cần được chăm dưỡng trong thế giới vật chất thì mới có ngày gặt hái từ chúng. Nếu có tiềm năng nhưng không biến nó thành hiện thực thì cuối cùng sẽ chẳng có gì cả!

Ở đây, nếu để ý, ta dễ dàng nhận ra màu sắc trang phục mà The Magician mặc có nét tương đồng với màu của hoa hồng và hoa lily: đỏ và trắng. Màu đỏ - màu cổ xưa nhất trong lịch sử. Đấy là màu của của lửa, thiên về thái dương, thể hiện tính nam, của những tiềm năng nội lực. Nó biểu tượng cho bản nguyên sự sống, cả sức mạnh to lớn và tiềm năng vĩ đại. Bên cạnh đó, màu trắng là màu của mây trời, đại diện cho tâm hồn trong sạch, ngây thơ, trực giác cùng khả năng tâm linh. Ở đây, màu trắng được đặt vào trong lòng màu đỏ như một sự cân bằng mà nếu thiếu nó, ngọn lửa năng lượng có thể thiêu rụi tất cả. Mặt khác, tôi xem đó như lời khuyên, rằng đứng trước quyền năng vô hạn mà không làm chủ được tinh thần, giữ mình thanh khiết thì ắt sẽ hại người, hại mình!

Đặt The Magician vào mối tương quan giữa lá bài với bảng chữ Hebrew và chiêm tinh học thì ý nghĩa của nó lại càng nổi bật và sâu sắc hơn nữa.

Trong sự kết nối với Hebrew, The Fool sẽ nhận chữ cái đầu tiên “aleph” – đây là mẫu tự mang những nguyên âm câm nên nó biểu trưng cho hư vô, nó cũng là chữ cái đầu tiên của Mười Điều Răn. Điều này gán ký tự thứ hai, “beth”, chữ cái đầu tiên có âm, cho lá The Magician. “Beth” cũng là chữ cái đầu tiên của Sáng Thế Ký. Trong lá bài, hình ảnh dàn hoa bên trên và vườn hoa bên dưới chính là hình ảnh của mẫu tự này. “Beth” có nghĩa là nhà. Như vậy, bằng việc gán ký tự này cho The Magician, ta thấy được một sự vững chãi, chắc chắn, là nền tảng của tất cả mọi thứ. Bởi lẽ, mọi đứa trẻ đều được lớn lên, phát triển trong ngôi nhà trước khi bước tiếp cuộc hành trình của mình trong thế giới này.

Beth trong tiếng Do Thái. Ảnh: Internet
Về mặt chiêm tinh học, The Magician là hiện thân của sao Thủy – Mercury. Ngôi sao nhỏ nhất, gần mặt trời nhất và cũng chuyển động nhanh nhất – mỗi chu kỳ quay của nó chỉ kéo dài 88 ngày. Ngoài ra, trong thần thoại, ngôi sao này còn là tượng trưng cho vị thần Hermes – vị thần đi trên đôi giày có cánh, đội chiếc mũ cũng có cánh, ngài làm công việc đưa tin cho các vị thần, truyền đạt thông tin từ thế giới bên trên xuống thế giới bên dưới. Với vị trí và vai trò của mình, ngài đại diện cho tốc độ, sự giao tiếp, thương nhân, nhà diễn thuyết, kẻ lường gạt và những tên trộm. Ngài là cầu nối giữa thế giới của những ý niệm và thế giới thực tại.

Do được gán với sao Thủy – Mercury, nên The Magician thuộc hệ khí, ta có thể thấy rõ điều đó qua màu sắc chính của lá bài – màu vàng.

Ngoài ra, màu vàng trong lá The Magician cũng chính là màu ứng với ký tự “beth”, tương hợp với sao Thủy theo quan điểm của Golden Dawn.

Tóm lại, The Magician xuất hiện trực tiếp ngay sau The Fool. Vị Pháp Sư chính là một mạch dẫn nối liền giữa trời và đất, giữa cái bên trên và cái bên dưới. Ngài thay đổi và tạo ra thế giới bằng sức mạnh tồn tại bên ngoài và chính trong bản thân của mình!

The Magician trong Budha Tarot. Ảnh: Internet
“I am the mouthpiece of the elements, and throught the power of their words in my voice, all may become manifest. I know the power of the gods, I hold their fire within my hands. My will is absolute and bends the world around me, for I am the world and it is me.”
--- Emily Carding ---

Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Ý nghĩa của màu sắc trong Tarot de Marseille, www.tarothuyenbi.info, Hoàn Hiền thực hiện
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· A Dictionary of Symbols (J.E.Cirlot) – Bản dịch tại website http://chiecnon.wordpress.com (Rose – Khoa Hiếu chuyển ngữ)
Thảo Nguyễn, thành viên của Tarot Huyền Bí, bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo 
Đọc tiếp »
Trang chủ