[Tarot Researcher] Ứng Dụng Của Thuật Xem Bài Tarot Với Giải Tỏa Các Ẩn Ức Trong Xã Hội Hiện Đại

Ứng Dụng Của Thuật Xem Bài Tarot Với Giải Tỏa Các Ẩn Ức Trong Xã Hội Hiện Đại

Tiểu Luận Nghiên Cứu 
Tác Giả: Nguyen Phu Hoang Nam


I. Đặt vấn đề

Xã hội hiện đại với các thành tựu văn minh đã đem đến cho con người một cuộc sống tiện ích với các nhu cầu được đáp ứng nhanh nhất có thể (thậm chí chúng ta còn được đáp ứng ngay cả khi chưa nghĩ đến những nhu cầu đó- sự bùng nổ công nghệ thông tin với các loại hình quảng cáo, tiếp thị theo mọi hình thức). Đó là thành quả xứng đáng sau những nỗ lực phấn đấu của nhân loại nhằm mang đến một cuộc sống chất lượng cao hơn, các giá trị về vật chất và tinh thần được lan tỏa rộng hơn và ai cũng có cơ hội hưởng thụ những gì trong khả năng mình có thể chi trả. Đơn giản như 10 năm trước không ai trong chúng ta nghĩ rằng việc sở hữu một chiếc Smart phone lại dễ dàng đến vậy và cũng không ai nghĩ rằng không khí tổ tiên nhân loại đã hít thở từ xa xưa nay lại có thêm một thành phần mới không thể thiếu là Wifi ! 



Nếu đồng hóa giữa hạnh phúc và các giá trị vật chất thì chúng ta ngày càng hạnh phúc hơn. Dần dần mọi chuẩn mực được cụ thể hóa theo cách vận hành của chính những văn minh vật chất chúng ta tạo ra, các yếu tố tinh thần- dù được coi trọng nhưng vẫn chưa thực sự trở thành lựa chọn cụ thể của cá nhân trong cuộc sống. Chúng ta vẫn nhớ đến những giá trị đó, vẫn ca ngợi nó và tìm cách cụ thể hóa nó, nhưng cuộc sống đô thị, nhưng cạnh tranh, hối thúc của xã hội hiện đại buộc chúng ta phải cụ thể hóa nó thành những con số, những vị trí trọng yếu hay tầm ảnh hưởng đối với những người xung quanh. Có thể trong tương lai không xa, một số cá nhân sẽ trở thành những cỗ máy siêu việt gắn bó với một hệ điều hành nào đó, được lập trình đầy đủ để loại bỏ các nhu cầu và bản năng không thực sự mang tính cạnh tranh tương thích với một xã hội cạnh tranh cao (lòng bao dung, đức tình khiêm tốn, sự đồng cảm v.v...). Con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa, và thế hệ sau sẽ được tiếp nối văn hóa chúng ta tạo ra, nói cách khác văn hóa đào tạo lại con người- nhưng sẽ ra sao nếu sản phẩm văn hóa chúng ta trao truyền lại không còn là những câu truyện cổ tích, những bài học lịch sử, những giá trị nhân văn mà chỉ đơn giản là một chiếc CD có sẵn hệ điều hành ? Sẽ có 2 giả thuyết: Hoặc là chúng ta tiến hóa từ Con-người thành người-Máy hoặc chúng ta sẽ bị chia cắt bởi chính những gì chúng ta từng tin tưởng.

Bởi thế trong những năm qua, thế giới đặt ra vấn đề “Phát triển bền vững” (SDG- Sustainable Development Goals) trong đó tập trung khắc phục các vấn đề liên quan đến môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, giảm đói nghèo, tạo thói quen tốt khi sử dụng năng lượng v.v... Nhìn chung là phát triển đi kèm với việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển ấy và bảo lưu các nguồn lực cho tương lai.

Và con người chính là vấn đề và cũng là giải pháp của vấn đề.

Nhưng liệu con người có đơn thuần là một siêu phẩm có thể thực hiện mọi thứ đã đề ra ? Bàn về con người là bàn về một tạo vật đặc biệt, một vũ trụ thu nhỏ (nhân thân tiểu vũ trụ) một tập hợp giữa trí tuệ, cảm xúc, thể chất, trình độ học vấn và ký ức nhân loại. Vậy nên trước khi đi tìm câu trả lời ở đâu đó thì con người cần tìm câu trả lời ngay từ bản thân mình. Và câu trả lời đó là con người không những có thể thực hiện được những mục tiêu mình đã đề ra mà còn có thể làm được nhiều hơn thế, vấn đề là chúng ta có thực sự mong muốn hay không.

Vậy đâu là những điều chúng ta muốn ? Đâu là những điều chúng ta thực sự mong muốn ? Và đâu là những điều chúng ta không mong muốn ?

Theo tháp nhu cầu của Maslow đã đề ra thì nhu cầu đầu tiên ở cấp độ thấp nhất nhưng vững vàng nhất chính là nhu cầu sinh lý (hơn đơn giản hơn đó là nhu cầu về ăn, mặc, ở mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bàn đến trong khái niệm về văn hóa). Sinh tồn hay không cũng bởi sinh lý ấy, bởi lẽ đó những thứ chúng ta coi là tầm thường có khả năng chi phối và quyết định hầu hết mọi lựa chọn. Không thể phủ nhận những nhu cầu bậc cao hơn như các nhu cầu về quan hệ xã hội, về việc được tôn trọng, về sự tự khẳng định bản thân có năng lực chi phối ngược lại những nhu cầu cơ bản. Nhưng đối với con người, không chỉ trí não có khả năng ghi nhớ, mà thể xác cũng có thể ghi nhớ, thậm chí bền chặt hơn quy luật tồn tại của nó. Theo quan điểm triết học Mác Lê-nin, vật chất quyết định ý thức, nên tư duy của chúng ta được quyết định bởi bộ não và quá trình lao động của chính chúng ta và trong quá trình ấy những đòi hỏi về ăn, mặc, ở, nhu cầu sinh lý là chính đáng.

Tiếc thay, trong quá trình phát triển lệ thuộc vào khoa học công nghệ chúng ta đã coi những nhu cầu đó là ở bậc thấp và dồn chúng lại trong một góc tối với những tên gọi như “bản năng”, “vô thức”- nói cách khác thành tựu rực rỡ khoa học công nghệ mang lại đã khiến chúng ta mặc định so sánh mình với những cái máy do chúng ta tạo ra, để rồi bắt đầu xuất hiện những vấn đề xã hội hiện đại (mà trong thời kì cận đại ít xuất hiện và mức độ trầm trọng cũng không như hiện nay). Đó là các căn bệnh về tâm lý, các chứng loạn thần kinh chức năng, chứng tự kỷ, hạn chế khả năng giao tiếp, và trong chúng ta, hẳn ai cũng đã có những đêm mất ngủ.

Tìm lại những nghiên cứu của S.Freud (Bác sĩ thần kinh học và tâm thần học người Áo, sáng tạo ra Phân tâm học (Phân tích tâm lý), những vấn đề ấy được định nghĩa là những “dồn nén”, “ẩn ức” tâm lý gây nên tâm bệnh. Rõ ràng đó là một hạt nhân hợp lý chúng ta cần kế thừa bên cạnh việc đã loại bỏ thuyết Đại nhục dục (Libidos) trong nghiên cứu của Freud. Để giải quyết được vấn đề ấy thì cần vận dụng nhiều môn khoa học xã hội nhân văn, nhưng trong khuôn khổ hạn chế, bài viết này sẽ tập trung vào việc lý giải và vận dụng các kiến thức liên quan đến thuật xem bài Tarot như một cách thức tiếp cận ban đầu trong việc giải tỏa các ẩn ức, dồn nén tâm lý ấy sao cho tương hợp với văn hóa và tinh thần người Việt.

II. Khái quát chung về Tarot và nhu cầu tinh thần của người Việt

Khái quát chung về Tarot

Bài Tarot được biết đến như một công cụ tiên tri thường xuất hiện trong các bộ phim huyền thoại, cổ tích có nội dung đề cập đến các đấng siêu nhiên, phù thủy hay tộc người Di-gan. Đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác về nguồn gốc xuất xứ của Tarot. Trong cuốn Từ điển biểu tượng Văn hóa thế giới (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant) có đề cập đến Tarot với tên gọi “Bài bói Tarô” bằng mô tả: “Là một trò chơi thuộc loại cổ xưa nhất, bài Tarô vận dụng cả một thế giới biểu tượng. Không thể nghi ngờ, việc dạy chơi bài này có tính bí truyền, được lưu truyền một cách ít nhiều bí mật, qua các thế kỷ. Nguồn gốc bài Tarô là một vấn đề rất khó giải quyết, nếu không phải là không giải quyết được”


Về nguồn gốc của bài Tarot trong tác phẩm “Tarot dẫn nhập ngắn” của tác giải Phùng Lâm (Reader Tarot hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh) có dẫn luận về khảo cứu “Nguồn gốc bài Tarot” (Phillippe Ngo- Biên tập chính của hội Tarot huyền bí tại Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Pháp) như sau:

“Bài Tarot hiện đại xuất hiện ở Châu Âu vào cuối thế kỷ 14. Nguồn gốc của nó hiện nay vẫn đang được tranh cãi. Việc phân định vô cùng phức tạp vì bản thân bài Tarot tiến hóa theo nhiều cách và nhiều nguồn gốc khác nhau”. 

Trong đó tác giả Phillippe Ngo có dẫn ra một vài giả thuyết đang trong quá trình giải thích:

1. Nguồn gốc Ai Cập -> Ả Rập -> Châu Âu
2. Nguồn gốc Ai Cập -> Bohemien (hay Romaines, hay Gypsy, hay Digan) -> Châu Âu
3. Nguồn gốc Ai Cập -> Do Thái -> Châu Âu
4. Nguồn gốc Ấn Độ -> Ả Rập -> Bohemian -> Châu Âu
5. Nguồn gốc Ả rập -> Châu Âu
6. Nguồn gốc Ý
7. Nguồn gốc từ Celtic
8. Nguồn gốc từ Cathares (Catharisme)
9. Nguồn gốc từ niềm tin Suger (Suger de Saint - Dennis)

Về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của bài Tarot có lẽ cần thêm thời gian nghiên cứu để xác định cụ thể. Tuy nhiên có thể nhận thấy Tarot là một sản phẩm ra đời trong quá trình Giao lưu và tiếp biến văn hóa của các quốc gia Châu Âu trong thời kì Trung đại. Đây là một sản phẩm được cộng đồng người tại đây thừa nhận, kế thừa như một sản phẩm văn hóa. Đó là lý do khiến Tarot tiếp tục phát triển, có diện mạo đa dạng và có khả năng tự truyền bá mình sang các nền văn hóa khác như hiện nay.

 Một bộ bài Tarot cơ bản theo chuẩn Rider - Waite có kết cấu như sau:

Tổng số lá 78, trong đó:

- 22 lá thuộc bộ ẩn chính (major arcana): được bắt đầu bằng lá số 0 (the Fool) và kết thúc bởi lá số 21 (the World). Bộ ẩn chính được tượng trưng cho quá trình thụ pháp và hành pháp và con người trải qua trong cuộc sống của mình.

- 56 lá thuộc bộ ẩn phụ (minor arcana) được chia ra làm bốn nhóm tượng trưng cho 4 nguyên tố tạo nên sự sống (theo quan niệm phương Tây cổ đại). Mỗi nhóm gồm 14 lá, từ Ace đến Ten và thêm 4 lá Hội đồng (Court card: Page, Knight, Queen, King) gồm:

+ Bộ gậy (Wand) tượng trưng cho nguyên tố lửa, có mối liên hệ với sự sáng tạo
+ Bộ cốc (Cup) tượng trưng cho nguyên tố nước, có mối liên hệ với cảm xúc.
+ Bộ kiếm (Sword) tương trưng cho nguyên tố khí, có mối liên hệ với trí tuệ
+ Bộ tiền (Pentacles) tương trưng cho nguyên tố đất, có mối liên hệ với vật chất.

Tarot thường được thực hành thông qua hai phương pháp cơ bản đó là tâm lý (dựa vào các kiến thức tâm lý học, kinh nghiệm sống cá nhân, khả năng phán đoán và quan sát ) và tâm linh (dựa vào nguồn năng lượng sẵn có trong tự nhiên, đức tin vào các đấng linh thiêng, các nghi thức được lưu truyền trong các Hội kín). Với những phương pháp nêu trên, người giải bài (Reader) và các quân bài tarot có thể tạo ra những hiệu ứng lớn ảnh hưởng đến nhận thức của con người.
  
Trong vòng 6 năm trở lại đây (tính từ thời điểm 2010) các thuật ngữ như bài Tarot (gọi tắt là Tarot), Reader Tarot (người có năng lực giải bài Tarot), Querent (người đi xem bài Tarot) đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và được đông đảo các bạn trẻ tiếp cận (đặc biệt là ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh). Có nhiều con đường để tạo mối liên kết với Tarot như nghiên cứu Tarot, thực hành Tarot, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến Tarot, các quán cafe có dịch vụ xem Tarot hay một số bạn trẻ có những dự án tạo nên những bộ bài Tarot riêng của người Việt.

Nhu cầu tinh thần của người Việt

Nhu cầu tinh thần, thường là nhu cầu đến sau và cao hơn nhu cầu vật chất. Tuy nhiên đến lượt mình thì nhu cầu tinh thần ấy lại quay lại chi phối nhu cầu vật chất. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu thì nhu cầu tinh thần chủ yếu được nhìn nhận ở các giá trị tâm linh và đức tin của người Việt:

Xin nêu dưới đây một số tín ngưỡng tiêu biểu, có mặt lâu đời và chi phối nhiều đến đời sống tinh thần của người Việt:

Ngay từ thời kì văn hóa Đông Sơn tư duy lưỡng phân lưỡng hợp đã có mặt ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là cách tư duy chia nửa vạn vật cho rằng có âm - dương, ngày - đêm, đàn ông - đàn bà v.v… thì mới có sự cân bằng ổn định. Lối tư duy này là cơ sở tạo điều kiện cho “tín ngưỡng Phồn thực” ra đời. Đây là loại hình tín ngưỡng thờ hành vi giao phối và sinh thực khí, thể hiện khát vọng về sự sinh sôi nảy nở của nhân gian. Khá phù hợp với tâm lí nhà nông muốn thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân. 

Tín ngưỡng phồn thực có từ xa xưa và tác động đáng kể tới người Việt qua các di tích: Tượng linga- yoni bằng đất nung tìm thấy ở di tích Mả Đống (Hà Tây cũ) tượng người bằng đá có linga to quá cỡ ở Văn Điển, tượng nam nữ giao hợp trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Sau này, trong thời kì phong kiến phương Bắc đô hộ khi bị tư tưởng Nho giáo bài xích, gán ghép với các từ ngữ như “dâm từ, dâm thần” thì tín ngưỡng này đã hòa vào các loại hình nghệ thuật. Dù ảnh hưởng Hán hóa tới mức nào thì tín ngưỡng bản địa này vẫn có sức sống kín đáo trong các bức tranh Đông Hồ, những lối đố thanh giảng tục- đố tục giảng thanh hay các trò diễn dân gian ( múa Tùng dí, trò bắt trạch trong chum, múa gà phủ).

Tiếp theo phải kể đến tín ngưỡng thờ Mẫu, mà theo đó: chế độ Mẫu hệ còn để lại ảnh hưởng khá đậm trong đời sống xã hội của cư dân Việt Nam. Vì thế, người Việt có truyền thống thờ nữ thần, một đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng cư dân nông nghiệp. Dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt mạnh đến mức khi Phật giáo du nhập bắt buộc phải dung hợp thì mới bám rễ tồn tại (huyền thoại thánh mẫu Man nương và nhà sư Khâu Đà La). Tín ngưỡng thờ Mẫu có một quá trình phát triển từ sơ khai với dạng thức thờ nữ thần đến khi hình thành hệ thống Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Cho đến nay trong các ngôi chùa thì hình thức thờ “tiền Phật hậu Thánh” vẫn khá  phổ biến. Kèm đó các nhân vật của tín ngưỡng thờ Mẫu (gồm cả các nhiên thần, nhân thần- các nhân vật văn hóa lịch sử) cũng được phụng thờ ở các Phủ, Đền, Điện với các hình thái diễn xướng hát chầu văn, hầu đồng…như một hình thức cầu sức khỏe, may mắn tài lộc dù còn mang vết tích của loại hình tín ngưỡng Shaman giáo.

Hay như tín ngưỡng thờ thần làng: Thành hoàng làng (vị thánh bảo hộ cho ngôi làng) đó là những nhân vật lịch sử văn hóa được lời kể dân gian thiêng hóa lí tưởng thành đối tượng đáng để phụng thờ trong một kiến trúc vừa kiêm nhiệm chức năng tâm linh vừa kiêm nhiệm chức năng hành chính thời xưa là ngôi Đình. Tín ngưỡng thờ tổ tiên (niềm tin vào linh hồn, sự liên hệ giữa cõi âm-cõi dương) với mong muốn được những người đã khuất phù hộ đồng thời thể hiện đạo lí: “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ngoài ra còn có các tín ngưỡng thờ Tứ bất tử, thờ Mẹ lúa, thờ Tổ nghề v.v…Gói gọn lại thì các hình thái tín ngưỡng trên thể hiện thế giới quan đa tín, đa thần của người Việt mà ở đó ta thấy sắc nét và rõ ràng nhất là các tín ngưỡng đều dựa trên niềm tin nguyên thủy với cốt lõi là tín ngưỡng “Vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn). 
Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, ở giai đoạn phát triển đầu tiên của mình khi mà nhà nước chưa ra đời, các cư dân Đông Nam Á chưa có hệ thống tôn giáo hoàn chỉnh. Nhiều người đã dùng thuyết “vạn vật hữu linh” để chỉ tất cả những hình thức tín ngưỡng, thờ tự ở Đông Nam Á trước khi Phật giáo, Hồi giáo và Kito giáo truyền bá tới khu vực này. Trong số các hình thức tín ngưỡng nguyên thủy thì bái vật giáo là hình thức xuất hiện sớm hơn cả. 

Những ý niệm bái vật giáo xưa nhất là những ý niệm về sức mạnh siêu nhiên của tự nhiên.

Nhận định trên cho thấy tín ngưỡng vạn vật hữu linh giữ vị trí chủ đạo trong cơ tầng văn hóa bản địa của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Là tín ngưỡng ảnh hưởng nhiều đến các tôn giáo du nhập ở thời kì sau. Xuất phát từ lối tư duy tổng hợp biện chứng nặng về cảm tính của cư dân nông nghiệp kết hợp với những yếu tố tự nhiên chi phối mạnh mẽ đến đời sống mà tín ngưỡng này ra đời. Nó là sự cầu cạnh, kính sợ và đan xen yếu tố cầu hòa giữa con người với tự nhiên bởi trong thời kì mông muội, tri thức nhân loại chưa định hình lí giải được các hiện tượng tự nhiên ấy trên cơ sở khoa học có tính thuyết phục. Không nằm ngoài quy luật, người Việt cũng có tín ngưỡng vạn vật hữu linh từ rất sớm, đặc biệt do nông nghiệp lúa nước chủ yếu dựa vào tự nhiên, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố để cấu thành nên sản phẩm. Nắng, mưa, gió, đất, cây, nước cùng muông thú đều có khả năng tác động vào quá trình nông nghiệp ấy theo cả xu hướng tích cực lẫn tiêu cực. Người Việt cho rằng đằng sau giới tự nhiên ấy là những vị thần hay nói cách khác có sự tiềm ẩn linh thiêng cần phải được đối xử đặc biệt- vạn vật hữu linh (mọi sự vật đều có linh hồn).

Khởi thủy là hình thức thờ tô-tem giáo (vật tổ) rồi thờ mây, mưa, sấm, chớp (Tứ pháp) bên cạnh bao hình thức thờ thực vật, thờ đá (Thạch Quang Phật, Hậu thổ nguyên quân) thờ các thần sông (Thánh Tam giang), thần núi (Tản viên Sơn Thánh) thờ động vật (Giao long, Kim quy..) Có thể thấy trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt nổi bật đặc trưng đa thần do bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh này. Tín ngưỡng thờ động vật- một dạng thức của tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã có từ xưa khi người Việt nhận mình là con cháu chim Lạc (con Lạc cháu Hồng). Điều này không phải cá biệt khi trên thế giới một số dân tộc cũng chọn vật tổ là một loài thú nào đó, tiêu biểu là gắn với đặc trưng văn hóa du mục có các mãnh thú như Hổ, Gấu, Sói, Đại bàng. Theo truyền thuyết thì người Việt sinh ra từ bọc trăm trứng do Lạc Long Quân (giống Rồng) và Âu Cơ (giống Tiên- trừu tượng hóa từ giống chim) nên mới thuộc “họ Hồng Bàng”; “giống Rồng tiên”. Ở đây có một hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa rắn và cá sấu (động vật đặc hữu trong hệ sinh thái nhiệt đới ẩm, có hệ thống sông ngòi dày đặc) tạo nên Rồng. Rắn và cá sấu có thể đe dọa, tấn công con người , song để khai thác tự nhiên con người buộc phải cùng tồn tại, thích nghi với chúng. Vì lẽ ấy cư dân Việt cổ đã thiêng hóa và kết hợp hai con vật này theo hướng thiện ích thành một loài bay trên không, bơi dưới nước, uyển chuyển, làm mưa cho ruộng đồng nhân gian- con Rồng (vừa là rắn vừa là cá sấu song cũng không phải rắn hay cá sấu vì nó phù trợ thay vì hãm hại con người). Hay như con Rùa, biểu tượng sự trường tồn vững chắc xuất hiện trong các truyền thuyết từ trước khi giặc phương Bắc xâm lược (Giúp An Dương Vương dựng Loa thành, trao nỏ thần Kim quy). 

Theo thời gian, lớp lang các động vật được thờ ngày các phát triển, phần nhiều gắn với nghề nghiệp của cư dân và là những con vật hiền lành có ích như: Trâu, cá, cóc v.v …Có thể nhìn ra ngay từ đầu, ngoài coi trọng thực vật, người Việt còn ý thức được tầm quan trọng của giới động vật, cụ thể là các sinh vật bản địa: “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” Chúng hỗ trợ con người trong lao động sản xuất, cung cấp thức ăn, làm thuốc chữa bệnh và quan trọng hơn từ chúng con người mở mang hiểu biết về môi trường xung quanh. Trên thế giới thì tục thờ động vật và các biểu hiện có liên quan đến tín ngưỡng thờ động vật cũng xuất hiện ngay từ thời đại văn minh nông nghiệp (hoặc sớm hơn). Cụ thể như Ai Cập cổ đại thờ thần mặt trăng Thoth (Tốt) với hình người đầu chim Hồng hạc hay Anubis- thần dẫn linh hồn ở âm phủ với mình người đầu chó sói. Hoặc hình tượng các thần ở khu vực Lưỡng Hà như: Thần Mác-đúc được biểu hiện bằng con quái vật nửa rắn nửa chim dữ, thần Néc-gan, vua của âm phủ được thể hiện thành một con quái vật mặt người nhưng lại có sừng bò, trên lưng có lông có cánh, mình của sư tử và có bốn chân. Ngoài ra còn nhiều tộc người trong và ngoài đất Việt coi một loài động vật nào đó tượng trưng làm vật tổ: Chẳng hạn thổ dân Châu Úc cho rằng Căngguru (Chuột túi) là tổ tiên hay anh em của mình, người Êvenki ở Bắc Á thì coi gấu là vật tổ. Người Dao ở Việt Nam coi Long khuyển ngũ sắc là tổ tiên của mình. Trong quá trình khai thác tự nhiên, con người đã nhận thức tầm quan trọng của việc cộng sinh với muôn loài mà thông qua thờ cúng chúng, người ta thấy giác quan của mình linh hoạt hơn, có thêm sức mạnh cùng khả năng thích nghi tốt hơn. Có lẽ đây là ước muốn lâu đời của nhân loại, dù cải tạo thế giới đến đâu cũng không quên nguồn gốc và bản năng sinh tồn của mình.

Có thể tóm lại nhu cầu tinh thần của người Việt thông qua các loại hình tín ngưỡng- cư dân gốc nông nghiệp- rất thực tế và đề cao các giá trị ổn định, tính “tĩnh”. Đời sống tâm linh cũng mang dấu ấn ấy. Để có thể đảm bảo hơn nữa cho đời sống nông nghiệp gắn bó với thiên nhiên luôn có những biến động, người Việt cũng thường trực mong muốn có những dự báo, hay dấu hiệu (rất coi trọng các điềm tự nhiên như chim kêu, lửa cháy, đất đá xê dịch v.v...). Vì lẽ đó mà các thuật chiêm bói, chiêm đoán, chiêm nghiệm đã có từ khá sớm và vẫn còn ảnh hưởng cho đến nay. Trong sách “Việt Nam phong tục” có liệt kê ra một số loại hình như sau:

1. Bốc phệ:

- Thi bói (bói cỏ thi)
- Mai hoa bốc (bói chiết tự)
- Kim tiền bốc (bói tiền đồng)
- Bói Kiều

2. Toán số:

- số Hà Lạc
- số Tiền Định
- số Tử Vi

3. Tướng thuật

4. Nhâm độn

5. Phụ tiên

6. Xin thẻ

7. Xem chân giò

8. Cầu mộng

9. Nghiệm lời đồng dao

10. Nghiệm lời sấm ký

11. Nghiệm xem thiên thời và nhân sự

Những người có khả năng thực hiện các hoạt động tín ngưỡng kể trên và coi như nghề chính làm kế sinh nhai thường được xếp vào một trong 4 nhóm dưới đây hoặc kiêm nhiệm nhiều vị trí cùng lúc.

1. Phù thủy 
2. Thanh đồng
3. Đồng cốt
4. Cô hồn

Có thể nhìn nhận rằng chính đời sống tinh thần phong phú, cộng với tư duy đa tín, đa thần đã khiến người Việt tin vào các quyền năng có thể chi phối được không những hiện tại mà cả tương lai, vậy nên nhu cầu được tìm hiểu và nghe những lời tiên đoán đó là luôn thường trực như để xoa dịu sự bất an luôn tồn tại- sự bất an có nguồn gốc sâu xa từ thời nguyên thủy khi con người chống chọi với tự nhiên cho đến xã hội hiện đại với những bất trắc của nó khi con người thậm chí phải đương đầu với chính đồng loại của mình trong các cuộc chiến tranh xâm lược hay chủ nghĩa khủng bố.

Lý tưởng của con người đôi khi chỉ là sống để thực hiện các nhu cầu của đức tin, vậy nên không có gì khó hiểu khi Tarot cũng đóng vai trò nhất định trong việc giải tỏa các nhu cầu, ẩn ức khi lý tưởng không được hiện thực hóa.


III. Ứng dụng của bài Tarot trong việc giải tỏa các ẩn ức


Như đã bàn ở trên, Tarot và người giải bài Tarot (Tarot Reader) có thể tác động đến tinh thần của người đi xem bài Tarot (Querent) thông qua việc thực hành Tarot (ở Việt Nam vẫn còn tồn tại cùng lúc các khái niệm song song về hoạt động này như: Bói bài Tarot, Xem bài Tarot, Giải bài Tarot, Đọc bài Tarot ). 

Chính việc nhận thức các khái niệm này tạo nên mức độ ảnh hưởng khác nhau với người tham gia. Khi chủ thể sử dụng từ “Bói”, tức là đã mặc định coi Tarot và Reader có khả năng liên hệ đối với các lực lượng siêu nhiên, người Reader được xem như một thầy bói đưa ra các tiên đoán về tương lai và thậm chí là cả cách thức để tác động đến tương lai ấy theo mong muốn của chủ thể. Đối với từ “Đọc”, chủ thể đã có những hiểu biết nhất định về Tarot, coi người Reader như một học giả có khả năng ứng dụng những nghiên cứu của mình về kiến thức huyền học và biểu tượng trong việc đưa ra một số dự đoán cho tương lai thông qua việc phân tích các thông tin hiện tại, bao gồm cả phiên trải bài. 

Đây là cách hiểu sát với ý nghĩa của từ Reader (người đọc) nhất. Nếu dùng từ “Xem”, tức là chủ thể đang có hiểu biết tương đối mơ hồ về việc thực hành Tarot, có thể coi là sự hòa trộn giữa khái niệm “bói” và “đọc” ở trên, tuy nhiên đây cũng là cách nói tương đối thông dụng tạo nên tâm lý thoải mái cho đôi bên. Cần phải thừa nhận đối với người Việt nói chung, tất cả các hoạt động tâm linh nhằm khai thác thông tin từ tương lai thường bị đồng hóa và bao trùm bởi khái niệm “Bói”- đây là minh chứng cho việc từ chối tư duy theo lối duy lý cá nhân mà thừa nhân theo thói quen, phong tục cộng đồng

Trong quá trình thực hành Tarot, các ẩn ức tâm lý và các nhu cầu bị dồn nén thường được giải tỏa theo các con đường sau:  

1. Tạo nên sự đồng cảm giữa con người

 Trong quá trình giải bài, Querent (người đi xem) cần đặt ra câu hỏi. Câu hỏi đó là những gì đang khiến họ băn khoăn, lo lắng đồng thời khi có được câu trả lời họ cũng sẽ bộc lộ những cảm xúc nhất định. Đó là lúc người Reader cần tinh tế quan sát và lựa chọn các ngôn từ phù hợp để chia sẻ. Quá trình cảm nhận vấn đề, những khó khăn rồi đưa ra các lời khuyên với ngôn từ phù hợp đó tạo nên sự tương tác với mục đích duy nhất là giúp đối tượng bình tâm trở lại khi nhận được sự quan tâm. 

Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm rằng nếu không thực sự quan tâm đến người hỏi cũng như vấn đề của họ thì sự đồng cảm (đồng điệu về cảm xúc) sẽ rất khó xảy đến. Sự chân thành ở đây có vai trò quyết định đối với việc tạo nên hành động chia sẻ thông tin, cảm xúc một cách thành thật để từ đó gia tăng hiểu biết đúng về nhau. Mặc dù đơn giản như vậy nhưng trong cuộc sống thường ngày thì điều này chủ yếu chỉ xảy ra giữa các thành viên trong gia đình- với cơ hội đồng cảm còn bị hạn chế bởi khoảng cách tuổi tác, nhu cầu tinh thần, nhận thức cá nhân- và đặc biệt thiếu hụt đi trong các mối quan hệ xã hội thông tin ngày càng phổ biến (việc tương tác với nhau qua các ứng dụng như Facebook, Zalo, Gmail v.v..). sẽ chỉ dừng lại ở mức độ chia sẻ thông tin thay vì tạo nên trạng thái đồng cảm bởi chúng ta thường không chia sẻ thông tin thực sự vì lý do bảo mật cá nhân và các vấn đề mình đang gặp phải thông qua việc tương tác gián tiếp mà không đánh giá được thái độ của những người tiếp cận.  

2. Giúp bộc lộ các vấn đề chưa có hướng giải quyết

 Nhịp sống nhanh khiến các lựa chọn của mỗi cá nhân xảy ra theo hướng ưu tiên các vấn đề quan trọng để giải quyết trước, điều này khiến các vấn đề không thực sự quan trọng bị dồn lại phía sau, thậm chí không được giải quyết. Mặc dù phù hợp với xu thế công nghiệp hóa với chuyên môn cao tuy nhiên cách xử lý ấy gây nên tác động không nhỏ đối với con người khi tạo ra sự dồn nén các đòi hỏi liên quan đến nhu cầu sống như: nghỉ ngơi, giải trí, giao lưu và chia sẻ v.v... Các nhu cầu chưa được đáp ứng sẽ chặn lại các nhu cầu tiếp theo và dần dần sẽ làm cho suy nghĩ cũng như hành động trở nên xa dần với cộng đồng và gặp khó khăn trong quá trình tương tác. Đời sống tinh thần cũng vì thế mà thiếu đi tính lành mạnh.

Trong quá trình thực hành Tarot, người hỏi có thể bày tỏ trực tiếp các khúc mắc và nhu cầu của mình mà không cần phải tạo nên các cơ chế phòng vệ tâm lý để đảm bảo quyền lợi như trong đời sống thường ngày. Đó cũng là lý do các diễn đàn Confession thường có lượng người theo dõi khá lớn và được nhiều người lựa chọn để bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận. Việc nói ra những ẩn ức đó là bước đầu tiên trong quá trình khai mở hệ thống các ẩn ức để từ đó có thể tạo ra nhưng thay đổi ban đầu trong suy nghĩ và cân bằng lại đời sống tinh thần cho bản thân. Sẽ có những trường hợp vấn đề đó là thực trạng chung của thời đại nên chưa thể có những giải pháp tức thời nhưng việc giải tỏa cảm nhận của bản thân sẽ khiến gánh nặng tâm lý vơi bớt đi phần nào. 

3. Khích lệ tâm lý hướng nội (Introvert) phát huy giá trị bản thân

Trong cuốn sách Quiet (tạm dịch “Im lặng”) của tác giả Susan Cain có đề cập đến sự phân cực giữa “Con người của hành động” (man of action) với “Con người của suy nghĩ” (man of contemplation) để đưa ra những nghiên cứu và minh chứng từ góc nhìn văn hóa về sự hướng nội (Introversion) như một yếu tố không thể thiếu đi trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đối với xã hội đương đại những cá nhân như vậy không thực sự thu hút với nhà tuyển dụng nói riêng cũng như các mối quan hệ xã hội nói chung- mặc dù ít ai tự thừa nhận mình hướng nội hay hướng ngoại hoàn toàn và trên thực tế là cũng rất ít người thuộc về một trong hai nhóm hoàn toàn. Nhưng để nhận ra những người có tâm lý thiên về hướng nội hay hướng ngoại cũng không hề khó nếu quan sát họ đủ lâu và được tin tưởng để chia sẻ đủ nhiều. 

Đối với những nhân cách hướng ngoại, việc chia sẻ không bao giờ là rào cản, thậm chí còn là niềm vui vì họ thích được chú ý và cũng rất quảng giao, hòa đồng với mọi người. Nhưng đối với nhân cách hướng nội, điều này hiếm khi xảy đến, bởi họ thường rất thận trọng cũng như không thoải mái trước các mối quan hệ có cường độ tương tác cao hay những nơi đông người. 

Để khích lệ những người này chia sẻ thì cần có những phương pháp đặc biệt, trong đó bài Tarot là một phương pháp như vậy. Con đường mà Reader và Tarot tiếp cận tâm lý là con đường ôn hòa, mức độ và thời gian tiếp cận hoàn toàn do người đặt câu hỏi quyết định. Nếu là một người có nhân cách hướng nội, các yếu tố đó sẽ giúp họ cảm thấy an toàn, tự nhiên hơn khi bày tỏ những điều mình muốn- theo cách hoàn toàn chủ động. Bằng cách chia sẻ những vấn đề họ đang gặp phải- mà đa số những người hướng ngoại và hoạt bát không gặp phải, người Reader có thể đưa ra những lời khuyên và ổn định tâm lý cho họ. Trước tiên là có thể làm họ an lòng bằng việc chứng minh họ thấy vấn đề của họ không phải bệnh lý thần kinh hay chứng tự kỷ mà đơn giản là do kiểu hình tính cách, Sau đó có thể đưa ra một vài lời khuyên để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong các mối quan hệ trong khi vẫn được là chính mình như: tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ sở thích, phát triển năng lực bản thân và lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê thực sự v.v.... 

Vấn đề này sẽ được đề cập sâu hơn trong những bài viết khác liên quan đến xu hướng Eros (khát vọng hướng đến bản năng sống) và Thanatos (ám ảnh tự hủy hoại bản thân- coi cái chết như một bản năng) của S.Freud và mối liên hệ với lý thuyết về loại hình tâm lý của tư duy (extraintroverti) của C.Jung (Là bác sỹ người Thụy Sỹ, sáng lập ra tâm lý học phân tích (tâm phân học).


IV. Kết luận 

  Thực tế cho thấy cộng đồng xem bài Tarot tại Việt Nam đang có những bước phát triển ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó không thể phủ nhận những vấn đề phát sinh trong quá trình này bởi cách thức tiếp cận cũng như nhận thức của mỗi nền văn hóa có sự khác biệt nhất định. Trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu, bài Tarot đã được biết đến và ứng dụng trong rất nhiều mặt cuộc sống, có những họa sĩ, những nhà nghiên cứu, nhà xuất bản hoàn toàn có thể sống dựa vào công việc liên quan đến Tarot của mình, tuy nhiên điều này vẫn còn tương đối lạ lẫm đối với chúng ta- chủ yếu tiếp cận ở góc độ đam mê hay các hội nhóm thiên về sở thích. Bên cạnh đó những giá trị tích của Tarot có được truyền tải đúng hay không còn phụ thuộc rất lớn vào người Reader. Họ cần có Tài - Tâm - Tầm:

- Tài là dụng công tìm kiếm các tài liệu trong và ngoài nước, chịu khó trao dồi học vấn và kinh nghiệm. Độc lập nghiên cứu và vận dụng tri thức và kỹ năng của bản thân vào mục đích tốt đẹp.

- Tâm -“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (truyện Kiều- Nguyễn Du). Là một người nhận được sự tín nhiệm, được người khác tin tưởng trao gửi tâm sự phải là người có Tâm. Biết phân biệt trắng đen, không nặng lòng tham với tiền tài, với hư danh để tự cao tự đại, không tận dụng vốn hiểu biết của mình để trục lợi và lừa dối người khác.

- Tầm là giá trị cao quý mà có Tài và có Tâm bằng lòng nhẫn nại ắt sẽ có. 
Mỗi một nền văn hóa sẽ có cách thức tiếp nhận các giá trị văn hóa ngoại lai khác nhau. Đặc biệt đối với văn hóa Việt, muốn truyền tải các giá trị của Tarot thì người Reader cần rèn luyện sao cho có những phẩm chất kể trên để được cộng đồng tôn trọng và thừa nhận, bằng không thì Tarot rơi vào tình trạng giống với dân ngụ cư trong làng xã cổ truyền Việt Nam.

Để xác định được giá trị thực sự của bài Tarot đối với văn hóa Việt trước hết cần nhìn nhận lại quá trình tiếp cận cũng như những phản ứng ban đầu để có thể gạn đúc khơi trong, tìm ra các giá trị tích cực của Tarot, kịp thời loại bỏ các biểu hiện tiêu cực để thành tựu văn minh lâu đời này có thể hội nhập và đem lại những hiểu biết và lợi ích thiết thực cho đời sống tinh thần của người Việt, dựa trên đúng chủ trương “Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jean Chevelier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng- Trường Viết văn Nguyễn Du, HN.
2. Phan Kế Bính (2014), Việt Nam Phong Tục, Nxb Nhã Nam, HN.
3. Susan Cain (2012), Quiet: The power of Introvert in a World can’t stop talking, Nxb Crown Publicsher, Hoa Kỳ.
4. Phùng Lâm (2014), Tarot dẫn nhập ngắn, Bản quyền thuộc Tarot Huyền Bí.
5. Nguyễn Phú Hoàng Nam (2015), Tục thờ chó của người Việt ở làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
6. Vũ Dương Ninh, (2012), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục Việt Nam, HN.
7. Trần Quốc Vượng (chủ biên), (2008), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN.

 

DMCA.com Protection Status
Bài viết "[Tarot Researcher] Ứng Dụng Của Thuật Xem Bài Tarot Với Giải Tỏa Các Ẩn Ức Trong Xã Hội Hiện Đại" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ