Cassandra, Thà Không Biết Còn Hơn

Cassandra, Thà Không Biết Còn Hơn

Hồi giữa tháng mười một này, có tham quan buổi triễn lãm về siêu thực ở cung điện nghệ thuật [1] tại Lyon. Triễn lãm bắt đầu từ tháng mười, vốn đã định đi từ đầu vì thấy cái tên Max Esnrt trong poster triễn lãm, vậy mà bận mãi đến giờ mới đi được. Thú vị thì nhiều thứ lắm, nhưng quá ấn tượng với tác phẩm Cassandra của Eugene Berman, nên về là thảo ý tưởng viết bài ngay. Cái tông đỏ ám ảnh của nó thật kỳ dị, quá kỳ dị và ngột ngạt, nhìn một hồi, không hiểu sao cứ lạnh sống lưng. Chắc do cảm lạnh, hi vọng thế.
"Cassandra" của Eugene Breman

Eugene Berman sinh năm 1899 ở Moscow, Nga, nhưng sống và làm việc chủ yếu ở phía tây, đặc biệt là Pháp. Nằm trong trường phái tân lãng mạn (neoromantism), ông thành công với các buổi triễn lãm ở Paris, sau đó ông đi New York rồi Los Angeles và về Rome rồi mất ở đấy. Phản đối lại hiện thực xấu xa của xã hội đương thời được gáng cho chủ nghĩa vật chất (materialism) hay chủ nghĩa hiện thực (realism), những con người vẫn còn hoài tưởng về chủ nghĩa lãng mạn ở thế kỷ trước, nay hiện về dưới tên tân lãng mạn. Chìm ngập trong cái thực tế cuộc sống khắc nghiệt, đầy rẫy sự bất công, những nhà tân lãng mạn cố xây cho mình tòa tháp ngà thơ mộng nhằm vớt vát lại tất cả những gì tươi đẹp của quá khứ, dù ít nhiều giả tạo còn hơn phải đối mặt với hiện thực thối tha và đầy vật chất. Chối bỏ mô tả những hình ảnh bên ngoài xã hội, tân lãng mạn quay lại khai thác cái tâm hồn trong sáng ở bên trong. Họ ước ao một đức tin cho cái đẹp, rằng tâm hồn đó vẫn hữu ích cho cuộc sống này. Nói về đặc tả tiếng nói bên trong tâm hồn, họ gần với ấn tượng (impressionism); còn nói về đặc tả sự mộng mơ, họ gần với siêu thực (surrealism); nhưng nói về độ ám ảnh, họ không khác nhiều so với hiện thực ma thuật (magic realism) . Còn ai bảo họ gần với trường phái lãng mạn cổ điển, tôi cho là nói láo tất.


Berman gần hiện thực ma thuật (magic realism) hơn siêu thực (surrealism), cho dù phần lớn quan niệm hiện nay xếp ông vào siêu thực. Gần hơn nhiều so với bạn ông Pavel Tchelitchew [2]. Pavel (tôi gọi vậy cho tiện, hơn là Tchelitchew) có một phần tranh giống với Berman, nhưng đa số còn lại tiến hẳn về siêu thực. Nói về siêu thực, tôi thích dùng định nghĩa của Dali [3]: siêu thực là "bản tuyên ngôn độc lập về sự tưởng tượng và quyền về sự bệnh hoạn của con người". Tôi thấy các họa sĩ siêu thực, ít ai chỉ chuyên ở vế "độc lập về sự tưởng tượng" như Dali Salvador và Yves Tanguy, thường thêm vào đó vài gia vị bệnh hoạn: hoặc hơi một chút kỳ dị như Max Ernst, một chút lạ lùng như Giorgio de Chirico, hoặc một chút hỗn loạn như Joan Miró, hoặc một chút đa nhân cách như Francis Picabia, hoặc một chút ủy mị như Valentine Hugo, (tôi không kể các họa sĩ phái đa đa (dadaism) hay biểu hiện (expressionism) như Tristan Tzara và Paul Klee vào siêu thực) [4]. Vậy còn Berman? À, tôi thấy một chút ám ảnh, và u uất, không phải kiểu buồn triết học như trong Chirico, không phải nỗi buồn khắc khổ như Picabia, tôi đang tìm một từ để diễn đạt: một kiểu buồn rất dằn xé và đau đớn.

Eugene Berman phần lớn vẽ tranh với gam màu u uất: đỏ sẫm, vàng cam, xanh tái. Bức sáng nhất của ông mà tôi biết là "Imaginary View Rome", cũng là một ngày không nắng u buồn. Thứ nữa, tranh ông không có khuôn mặt bao giờ. Trừ "Perpetuum Immobile" với nửa mặt ngửa lên trời, còn lại thì đều không có lộ mặt: không đưa lưng thì xõa tóc (như "Medusa's Corner", "Sunset (Medusa)", "Siren in a Landscape", "Vogue"...), không cúi mặt thì áo che, nón che đủ thể loại (như "Young Man Asleep", "Zebeulon", "Souvenir of Amecameca (La Capilla Blanca)"...). Tóm lại là chết không chìa mặt ra cho thiên hạ nhìn [5]. Bức duy nhất rõ khuôn mặt là "Dark Medusa at Sunset" thì hình như chẳng vẽ người ! Khác với Pavel Tchelitchev, một họa sĩ tân lãng mạn cùng thời, tấm nào cũng phô cái mặt to tổ bố với màu sắc tươi hơn xác chết được một chút. Ở Berman, mỗi bức tranh là một con người quỷ dị mà chưa bao giờ được giáp mặt, mà dường như tất cả tranh của ông đều cùng là một người đàn bà với tấm lưng bí ẩn. Sự kỳ bí đó khiến người ta rợn óc, không phải kiểu huyền bí lôi cuốn, mà là sự quỷ dị mà ai cũng muốn tránh cho xa. 

Bức Cassandra vẽ năm 1943, nay được trưng bày ở Bảo Tàng Nghệ Thuật McNay, Texas, Hoa Kỳ. Được coi là bảo tàng nghệ thuật đồ sộ và nổi bật nhất ở nam Hoa Kỳ, chủ yếu trưng bày tranh của các đại gia mỹ thuật thế kỷ 19-20 như Paul Cézanne, Pablo Picasso, Paul Gauguin, Henri Matisse, Georgia O'Keeffe, Diego Rivera, Mary Cassatt, Edward Hopper với hơn 14000 hiện vật [6].
Tác giả chụp trước bức "Cassandra" của Eugene Berman.
Bức Cassandra này đương nhiên nói về Cassandra, người đàn bà áo đỏ. Mà Cassandra là ai ? Theo truyền thuyết Hi Lạp, nàng là con gái của vua Priam và nữ hoàng Hecuba của thành Troy (cuộc chiến thành Troy thì ai cũng biết hết rồi nhỉ). Nàng xinh đẹp đến mức quyến rũ được thần Apollo. Vì mê Cassandra, ông hứa ban cho nàng sức mạnh của tiên tri và có thể dự đoán được mọi việc trên trần gian. Nàng Cassandra sau khi đạt được mục đích thì lại bỏ rơi Apollo. Tức giận vì bị phụ tình, Apollo nguyền rủa nàng rằng sau này lời tiên tri của nàng sẽ không được ai tin tưởng.  Ông Apollo này cũng khá lăn nhăn, danh sách tình nhân cũng khá dài gồm Daphne, Clytia, Leucothea, Marpessa, Castalia, Cyrene, Hecuba (mẹ của Cassandra), Coronis, chưa kể thêm vài ba mối tình đồng giới với Hyacinth, Acantha hay Cyparissus, cho nên nàng Cassandra bỏ là phải rồi. Nàng là người đã thấy trước định mệnh của thành Troy nhưng không một ai đoái hoài đến lời tiên tri của nàng cả. Khi Hector thành Troy bị giết, nàng là người đầu tiên thấy xác của anh mình trở về. Sau khi thành Troy thất thủ, nàng trốn trong đền của Athena, nữ thần sắc đẹp. Khốn thay, nàng bị Ajax Nhỏ hãm hiếp ngay trong đền thờ. Sau đó được vua Agamemnon xứ Mycenae đem về làm vợ lẽ, để cuối cùng bị vợ chính của vua Agamemnon là Clytemnestra vốn có gian tình với Aegisthus, lập mưu giết chết cả hai người. Điều này không rõ là Cassandra có thấy trước tương lai hay không, sao lại đi lấy Agamemnon làm gì không biết [7]
Cassandra bị hiếp trên gốm hi lạp, Bảo tàng Louvre.
Cassandra lại bị hiếp trên gốm Hi Lạp.
Cassandra lại bị hiếp (nữa) trên gốm Hi Lạp
Cassandra là một hình tượng ẩn dụ của sự uất ức khi biết mà không ai tin, một tâm trang không lấy gì làm vui vẻ. Tâm trạng và thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong văn học và đời sống. Tập "Hourglass" của sê-ri phim truyền hình "Thị trấn Smallville" chiếu trên VTV3 có nhân vật bà thầy bói Cassandra Carver có thể thấy trước tương lai (và tất nhiên là không được nhân vật chính tin tưởng). Bộ truyện đình đám Harry Potter của  J.K. Rowling cũng có một nhân vật mang tâm trạng của Cassandra, đó là bà giáo Trelawney dở hơi, thuộc dòng dõi của Seer Cassandra Trelawney. (tập Harry Potter và mật lệnh phượng hoàng). 

Hình ảnh Cassandra với mô típ đứng trước thành Troy bị cháy không phải thường gặp. Phần lớn thường được mô tả với hình ảnh bị Ajax Nhỏ hiếp trong đền hoặc bị giết (tóm lại là hiếp và giết - xem hình bên trên), hơn là hình ảnh như Breman mô tả. Vì vậy tôi giả định rằng Breman đã mượn ý tưởng của bức "Cassandra" của hoạ sĩ Evelyn De Morgan (1855-1919) vẽ một năm trước khi Breman sinh ra - xem hình bên dưới. Hình ảnh người phụ nữ quay lưng về phía người xem, để đặt toàn bộ sự tập trung vào phía khung trống của bức tường chắc chắn được lấy cảm hứng từ bức "
Woman at the Window" của danh họa trường phái lãng mạn Caspar David Friedrich [8] mà Berman muốn tiếp bước. Tôi thấy cả hai người có ít nhất một điểm chung: tất cả người đàn bà trong tranh của họ đều là duy nhất một người.
"Cassandra" của Evelyn De Morgan với mô típ trành Troy bị cháy làm nền.
"Woman at the Window" của danh họa trường phái lãng mạn Caspar David Friedrich.
Bức Cassandra này của ông hội đủ các yếu tố rất "Berman": màu u uất, tối mù mù, nhân vật duy nhất thì chìa lưng cho người xem. Điều mà tôi thích nhất ở ông là dù tranh dùng màu rất ấm, nhưng nhìn sao cũng lạnh lưng, sởn tóc gáy. Tranh đối xứng chính xác, nhưng vẫn cảm thấy hài hòa nhờ độ sáng của các đồ vật trên bàn. Tranh có năm tông rõ rệt: màu đỏ rùng rợn là áo người đàn bà, màu cam là mớ vải trên bàn, màu đỏ cam là ngọn lửa đang cháy, màu nâu vàng của cái bàn và màu đen của cái cửa đang cháy. Tất cả tổng hòa lại, tôn nền cho người đàn bà áo đỏ Cassandra. Cassandra ngồi ngay ngắn, cơ co cứng, trực diện với ngọn lửa. Hai tay mở bung ra, khủy tay tì vào bàn sau lưng. Chú ý tư thế này: khi hai tay mở bung và tì vào sau lưng bởi khủy tay, hướng của bàn tay vô cùng quan trọng. Nếu hai bàn tay đưa thõng xuống, đây là cảm giác chán chường, buông xuôi. Còn trong tranh, hai bàn tay đưa lên, mở bung ra hai bên, đây là cảm giác chiêm ngưỡng. Thật quỷ dị ! Cassandra không phải muốn nói: "Tôi đã đoán trước rồi mà, sao lại để thành thế này chứ", mà là "Tôi đã đoán trước rồi mà, chiêm ngưỡng đi, thành quả của các người". Tôi mường tượng nụ cười của người đàn bà áo đỏ, một kiểu cười mỉm nhẹ, khinh khi xen chút đau xót. Nhưng cái khinh khi này nặng nề hơn, che lấp cái đau xót. Nhìn cách hai tay giang ra không đều, tay phải dang rộng như muốn nói: "Xin mời xem". Tư thế rất giống như khi ta giới thiệu cho khách hàng một sản phẩm tuyệt mỹ, không phải sao? Tôi nhận ra kiểu để tay này ở tác phẩm "Woman Before The Rising Sun" của danh họa Caspar David Friedrich mà ông bị ảnh hưởng ít nhiều với cùng ý tưởng. Cassandra của Berman không phải Cassandra của Homere [9]. Cassandra của Homere sợ hãi, bị động và trốn trong đền thờ Athena. Còn Cassandra của Berman cứng rắn, bàng quang và ngắm nhìn điều mà mình tiên đoán, không chút kinh sợ. Điểm này nhà phê bình David Pagel cũng nhận ra, dù không phân tích kỹ lưỡng [10]. 
"Woman Before The Rising Sun" của danh họa Caspar David Friedrich.
Nếu quan sát kỹ thì bức tường gỗ đang cháy không phải là một phần khung vòm cửa của căn nhà, không phải của một cung điện mà là bệ thờ (Altar), một phần của một điện thánh ( có thể là nhà thờ hoặc một điện thánh nói chung). Chúng ta không đi sâu vào sự mâu thuẫn giữa một bệ thờ thiên chúa giáo và niềm tin tôn giáo của Cassandra, mà rõ ràng là đa thần giáo. Thế nhưng, nếu cái vòm cung ấy không phải là vòm cửa mà là vòm bệ thờ, vậy thì Cassandra không phải nằm ngoài điện thánh mà ngồi ngay bên trong điện thánh (vì cửa của bệ thờ hướng vào trong). Nhìn hướng ánh sáng rọi lên áo của nàng và tưởng tượng xem: phía trước nàng là nguồn sáng mạnh do lửa cháy, vì đâu nguồn sáng lại nằm ở sau lưng? Chỉ có một câu trả lời duy nhất. Nàng đang ngồi ngay giữa điện thờ, và xung quanh hoàn toàn đang bốc cháy rực nóng. Nàng ngồi đó đón cái chết hiển nhiên sắp đến với một sự bình thản lạ lùng. Một sự tử đạo ? Không đúng, vì chính Apollo đã gáng lời nguyền ấy lên nàng cơ mà. Một sự buông xuôi ? Không đúng, tư thế của nàng bình thản cơ mà. Đó là một cái chết triết học, chết vì quá hiểu biết! Một khi cái chết được tiên đoán trước, nó không còn đáng sợ nữa. Nó là cái chết của một người biết tất cả, sẵn sàng ôm đống tri thức đó xuống mồ. Sống để bụng, chết mang theo. Nhưng Cassandra không chết đơn thuần triết học như vậy, nó còn gồm cả sự giận dữ, sự thõa mãn, và cả tiếc nuối. Tôi thấy đâu đó trong sử đất Á một luồng cảm thông tương tự. Đó là cái chết của trạng Quỳnh ăn yến với chúa Trịnh, là Lưu Bá Ôn nhận rượu độc của Chu Nguyên Chương, là Văn Chủng nhận gươm của Câu Tiễn.  Không hoàn toàn giống, nhưng cũng không khác nhiều.

Bức tranh được vẽ năm 1943, hai năm trước khi kết thúc thế chiến là sự mô tả lại cảm nhận của dân chúng trước sự khốc liệt của chiến tranh. Sự phỏng đoán này được nhiều người chấp nhận. Đó là cảm giác của các nhà trí thức đương thời, bó tay trước thời cuộc, trước sự đổ máu đáng sợ trong cuộc tàn sát của người Đức. Năm 1935, Berman rời Pháp đi Mỹ, vì vậy, chắc chắn ông không thể tận mắt thấy sự hỗn loạn của châu Âu một cách trực tiếp mà có lẽ thông qua thông tin từ cuộc di dân lớn của người Do Thái đến Mỹ. Có lẽ đây là tâm trạng chung của người dân, mà ít nhiều cũng là tâm trạng của ông. Tôi cho là bức tranh không hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiện này mà nên đặt nó trong bối cảnh của cuộc đại công nghiệp trên thế giới và sự phản ứng của tầng lớp tinh hoa trung lưu về nghệ thuật như Berman. Một cảm giác bất lực bao trùm xã hội khi người ta cay đắng nhận ra kết quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với sự tàn phá nhân văn, bã gãy mọi khuôn mực đạo đức và lối sống. Chủ nghĩa tân lãn mạng, nếu theo đúng từ này, là sự chối bỏ chủ nghĩa hiện thực, vực dậy nền móng lãn mạng thời kỳ đầu đại công nghiệp vốn tươi đẹp với ước mơ giải phóng con người. Giờ đây khi đại công nghiệp đã hoàn thiện và đi đến đỉnh cao, người ta bàng hoàng nhận ra mặt trái đáng sợ của nó, người ta bắt đầu nghĩ về chủ nghĩa hiện thực (realism) như một phương pháp cứu chữa. Rồi người ta hoàn toàn bất lực với sự thật là chủ nghĩa hiện thực chỉ phô bày ra cái đáng sợ đó mà chẳng thể làm gì hơn. Bất lực và chán nản, người ta tan rã hoàn toàn tâm trí với mốc 1914, ngày bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và rồi đến thứ hai (1930-1945). Cả giới nghệ thuật bức bách đi tìm sự thật và ra đời sự bùng nổ của các trường phái nghệ thuật của "tâm hồn dị dạng": siêu thực, lập thể, đa đa,... Chủ nghĩa tân lãng mạn không hề lãng mạn, nó là sự thèm khát lãng mạn của tâm hồn dị dạng của giới nghệ sĩ. 

Cuối bài, xin điểm qua một vài áo đỏ trong siêu thực, để đọc giả có dịp so sánh với tác phẩm Cassandra của Eugene Berman.

Đầu tiên, bức tranh này khiến tôi liên tưởng đến hai bức đàn bà áo đỏ khác cũng ấn tượng không kém của Pavel Tchelitchew: một là "Portrait of Maude Stettiner", hai là "La Petite Fille Aux Papillons". Bước đầu tiên là màu đỏ hung dữ, khắc nghiệt của một mụ đàn bà chanh chua, với màu da xanh lét như xác chết. Bức thứ hai là một màu đỏ máu của một con bé giả vờ hồn nhiên nhưng mang đầy chết chóc. Đọc giả nhớ quan sát cái bóng con quạ đen (cái chết) ở sau lưng, một con bướm đen (âm mưu đen tối) ở tay trái và con chó lai sói đen (sự thâm độc) đang ngồi trong lòng. Tchelitchew nhắc khéo ta: không cẩn thận là chết không kịp ngáp. Nhắc thế thôi, chứ tôi biết, xem tranh xong, có cả đám người ngồi phản đối điều này. Mật ngọt chết ruồi mà, biết cũng không làm được gì, thà không biết còn hơn !
"Portrait of Maude Stettiner" của Pavel Tchelitchew.
"La Petite Fille Aux Papillons" của Pavel Tchelitchew.
Max Esrnt cũng có một con mụ áo đỏ trong "The Robing of the Bride", Dali cũng có một con mụ lông đỏ trong "Shirley Temple the Youngest, Most Sacred Monster of the Cinema in Her Time". Mụ áo đỏ của Ernst rất phồn thực và khêu gợi, choàng áo toàn thân chừa mỗi ngực ra. Nếu nhìn kỹ có thể thấy cặp mắt cú cùng cái mỏ trên đầu, là một điểu nhân? Nhìn bức tranh treo sau lưng và bối cảnh, quý bà này chắc hẳn là một kẻ quyền quý: có cận vệ (chim xanh), thị nữ (tóc búi). Cái nhìn tuy hằn học và soi mói nhưng không chứa sự ác cảm hay đe dọa, hẳn là làm bạn được. Còn mụ lông đỏ của Dali, xung quanh đầy rẫy xương xẩu gợi nhớ đến hình ảnh con sphinx (nhân sư) chuyên ăn thịt người trong sa mạc với câu đố nổi tiếng. Xin đừng vội nhắc tôi về bãi biển trong tấm ảnh, nhớ lại bức "Paranoiac Astral Image" chẳng hạn, với Dali, đâu cũng là đất liền hết. Quý bà này nằm phơi nắng trên đống xương của nạn nhân, rất thong thả, phô diễn vẻ đẹp hình thể hết sức gợi cảm của mình. Bức tranh được mô tả như một lời châm biếm về xu hướng phô trương tình dục (sexualization) của các ngôi sao trẻ của Hollywood, trường hợp này là ngôi sao Shirley Temple [11]. Hãy quan sát cách Dali đặt một cái đầu với khuôn mặt trẻ em ngây thơ lên trên một thân hình già dặn gợi dục, sử dụng hai màu đối lập vàng và đỏ để tặng thêm sự khác biệt đến bức bối. Tôi thấy bức này vẫn rất phù hợp với Hollywood thời hiện đại, chỉ cần đổi tên Shirley Temple thành Miley Cyrus là được. Thấy trước cả rồi đấy, có sai đâu, thà không biết còn hơn !
"The Robing of the Bride" của Max Ernst

"Shirley Temple the Youngest, Most Sacred Monster of the Cinema in Her Time" của Dali Salvador.
Nói về áo tông đỏ, không thể không nhắc đến họa sĩ trẻ phái ấn tượng (impressionism) Andre Kohn, đến tám mươi phần trăm tranh có phụ nữ áo đỏ. Phần nhiều cho thấy nét đẹp kiêu sa của giới nữ nhân, có chút diễm tình rất đáng yêu. Tôi thấy tranh của Kohn lãng mạn hơn hẳn Berman, cho dù Berman vẽ tranh "tân lãng mạn" còn Kohn vẽ tranh ấn tượng. Đấy thấy chưa, không biết thì thôi, chứ biết ra toàn chuyện ngược đời, thà không biết còn hơn ! 
Một bức không tên của Andre Kohn
Ghi Chú:


[1] Website: http://www.mba-lyon.fr

[2] Pavel Tchelitchew (1898- 1957): Họa sĩ siêu thực gốc Nga, cùng với anh em nhà Berman, là đại diện tiêu biểu của tân lãng mạn trong hội họa.


[3] Nguyên văn của Dali,  "Declaration of the independence of the imagination and the rights of man to his own madness.". Bài bình luận "The Dehumanization of Art and mules, without understanding" của Oleg Korolev đã nhầm lời này thành của Allon Schemool, khi bình về siêu thực.


[4] Dali Salvador, Yves Tanguy, Max Ernst, Giorgio de Chirico, Joan Miró, Francis Picabia, Valentine Hugo, Tristan Tzara và Paul Klee : các danh hoạ trong trường phái Siêu Thực.

[5] Danh họa của trường phái lãng mạn Caspar David Friedrich cũng chỉ toàn vẽ góc nhìn từ phía sau. Ngoài ra, tôi còn nhớ đến một họa sĩ trẻ cũng rất thích vẽ lưng, là Sandy Reynolds. 

[6] Website: www.mcnayart.org 

[7] Thần thoại Hi Lạp: Hector là con vua Priam của thành Troy (phe thành Troy), Ajax Nhỏ là con của vua Locris,  Agamemnon là con vua Atreus thuộc phe chống thành Troy.

[8] Caspar David Friedrich: danh hoạ trường phái lãng mạn người Đức (1774 – 1840). Ông được coi là một trong những họa sĩ quan trọng nhất trong lịch sử hội họa thế giới và đặc biệt ảnh hưởng mạnh đến trường phái ấn tượng, siêu thực và cả hiện sinh. 

[9] Trường Ca Homere: hay Homer, là tác giả của Iliad và Odyssey kể về cuộc chiến thành Troy.

[10] Nguyên văn: "Cassandra (1943) shows the back of a satin-clad femme fatale. Resting her elbows on a wood platform, she gazes, like us, through the symmetrical slats of a ruined gateway into a hellish abyss. Berman's figure may be doomed, but her open hands suggest a fearless acceptance of fate." của David Pagel  trong bài "Into a world of high drama - Works by Eugene Berman and others, in Long Beach, range from sorrowful to silly" trên tờ Los Angeles Times, 14 tháng 9 năm 2005.

[11] Nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood, vị trí số 18 trong danh sách những nữ diễn viên huyền thoại của nước Mỹ. 

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Cassandra, Thà Không Biết Còn Hơn" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ