Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Ý Nghĩa Số 8 Trong The Strength

item-thumbnail
Dẫn: Bài viết này mạng quan điểm cá nhân của mình (Fleur de Lis). Dạo này lười nên làm biếng đọc sách. Tóm tắt thôi. Quy tắc đầu tiên khi phân tích ý nghĩa huyền học của một lá bài mà Papus [*] đề cập đến là phân tích ý nghĩa số học của lá bài đó. Số 8 là một con số cực kì quan trong trong kinh thánh. Mình sẽ liệt kê các ý nghĩa của nó ra trước.


Lời bàn: Đã hiệu đính bởi tác giả Tarot Huyền Bí. Tác giả Tarot Huyền Bí đã đổi lại tên bài viết và nhiều phần trong bài viết trên cơ sở hiệu đính và cố gắng giữ lại phần lớn tư tưởng của Fleur de Lis. Chân thành cảm ơn Fleur de Lis cho bài viết tương đối hoàn chỉnh của mình. Tôi chia phần trình bày của Fleur de Lis vào hai phạm trù cơ bản để phân tích: một là Cựu Ước và mối liên hệ giữa sự giao ước, bắt đầu giao ước; hai là Tân Ước và mối liên hệ giữa sự phục sinh và sự rửa tội.
Lá The Strength trong Waite Tarot.
Nguồn: Wikipedia.com

A. Từ Cựu Ước (Do Thái Giáo) - Sự Giao Ước và Sự Bắt Đầu Giao Ước

Giao ước với Thiên Chúa  trong Sáng Thế Ký 17:10-12: "Đây là giao ước Ta mà các ngươi phải giữ, tức giao ước giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này: Mỗi người nam của các ngươi phải được cắt bì. Các ngươi sẽ cắt bỏ phần da bọc quy đầu, và đó sẽ là dấu của giao ước giữa Ta với các ngươi. Trải qua mọi thế hệ, trong vòng các ngươi, hễ ai sinh con trai, khi đứa trẻ được tám ngày, các ngươi phải cắt bì cho nó, bất kể nam nô lệ sinh ra trong nhà ngươi, hoặc nam nô lệ do ngươi bỏ tiền mua về từ dân tộc khác, không thuộc dòng dõi ngươi.". 

Từ "Cầu Vồng" (קשת, qeshe) với các kí tự Latin ở trên có trị Gematria [**] là 800. Giá trị số 800 này trong tiếng Hy Lạp tương ứng với từ "Lord" (Chúa Tể) và "Faith" (Đức Tin). Nó còn là giá trị của OMEGA, kí tự cuối cùng trong bản chữ cái của Hy Lạp. Trích Sáng Thế Ký 9:13 : "Ta đặt cầu vồng của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất..". Ngoài ra 888 là giá trị số của tên Chúa trong tiếng Hy Lạp. Nó tương ứng với cụm từ "Yeshoth Elohenu", tức sự cứu rồi của Chúa. Trong lý luận của The cube in the Holy of Holies: Bởi về 8=2x2x2, tức là một hình lập phương. Và hình lập phương này xuất hiện trong the Holy of Holies, nằm trong Solomon Temple (cả 1 bài viết dài ơi là dài về cái này [***]). Phép Gematria còn cho phép một sự liên hệ giữa Jesus & Lucifer: Gía trị số của 2 cái tên này đều là 444, nên Jesus+Lucifer = 444+444 = 888, một lần nữa, ta lại thấy được trị số của cụm từ "Sự cứu rỗi của Chúa".

Lời bình [****]: Số tám trong cựu ước thường được tham chiếu đến số bảy, mà đặc biệt là số bảy đầu tiên xuất hiện trong cựu ước: ngày thứ 7, ngày nghỉ ngơi, ngày cuối cùng trong công việc sáng thế (Sáng Thế Ký 2:2 ). Ngày thứ 8 được coi là sự khởi đầu của trần tục, trong khi 7 ngày đầu được coi như sự tiếp nối của thánh thần. Ngày số 1 được coi là sự khởi đầu của tạo lập, ngày số 8 được coi là sự khởi đầu của hành sự. hãy tưởng tượng thế này: ngày số 1 là ngày xin giấy phép lập công ty, ngày số 7 là ngày ký giấy phép và ngày số 8 là ngày khai trương công ty. Số 8 là sự giao ước bắt đầu hiệu lực.

Phải chăng trong do thái giáo, số 8 biểu hiện cho sự bắt đầu của các thế lực trần tục ở The Strength (Sức Mạnh) cho đến The Temperance (Sự Biến Đổi), thay thế cho các thế lực siêu nhiên ở lá The Magician (Tư Tế) đến The Chariot (Cỗ Xe), và chuẩn bị báo trước cho chu kỳ của các thế lực suy vong ở The Devil (Ma Quỷ) cho đến The World (Thế Giới) trước khi bắt đầu sự khởi đầu mới ở The Fool.

Lý luận ba chu kỳ dường như được hiện hữu ở đây: Chu kỳ I (từ lá số 1 đến 7), chu kỳ II (từ lá số 8 đến 14), chu kỳ 3 (từ lá số 15 đến 21) và cuối cùng ở 0 The Fool. Đây là lý luận bộ bảy của Osward Wirth: chu kỳ 1 là tâm linh, chu kỳ 2 là tâm hồn, chu kỳ 3 là thể xác. Trong đó lá số 8 được coi là sự bắt đầu của yếu tố tâm hồn trần tục sau chu kỳ của các yếu tố tâm linh thánh thần và trước khi đến cuối cùng của chu kỳ suy vong trong tarot, chu kỳ của thể xác suy đồi.


B. Tân Ước (Thiên Chúa GIáo) - Sự Phục Sinh và Sự Rửa Tội

Một vài chi tiết trong tân ước được nêu ra đây có mối liên hệ với sự khởi đầu trong lá số 8 The Strength. 
Một chi tiết quan trọng bắt đầu từ sự ra đời của Jesus như là sự khởi đầu của thiên chúa qua phép cắt bì của Do Thái Giao. Joseph và Mary đã tuân theo giao ước cắt bì: Trích Lu Ca 2:21: "Đến ngày thứ tám, là ngày phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là Jêsus, là tên thiên sứ đã đặt cho, trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ."
The Strength trong bộ Papus Tarot.
Nguồn: queenoftarot.com

Phép Báp Têm còn được nhắc đến nhiều trong kinh thánh ám chỉ sự khởi đầu mới của một linh hồn: trích Phê-rô 3:18-24: "Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người. Phép báp-tem bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài."

Sự hồi sinh (Resurrection) của thiên chúa cũng gắng liền với ngày thứ 8 sau khi chết. Trích từ Gia iêng 20:26 [*****]: "Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Ðức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi!".

Lời bình [****]: Khác với Cựu Ước, Tân Ước dường như chú trọng hơn đến khía cạnh sự phục sinh và rửa tội, mặc dù phép cắt bì được thay thế bởi phép rửa tội, nhưng vẫn có chung một khởi nguồn giao ước (dù có sự khác biệt giữa cũ và mới). Cả hai đều bắt đầu của sự trần tục (hay tâm hồn theo Wirth), vẫn thấy rõ được tính chất "không thần thánh" khác hẳn nhóm lá thần thánh từ 1 đến 7, nhưng cũng không đến mức suy đồi như ở các lá từ 15 đến 21. Trong khi đó, sự phục sinh của Jesus có lẽ ám chỉ đến lá số 0 hơn lá số 8. Fleur de Lis có lẽ không hiểu được cách diễn đạt ẩn ý của kinh thánh, không phải ngẫu nhiên mà cụm từ "Ngày thứ nhứt trong tuần lễ" được nhắc đi nhắc lại hai lần (Gia êng 20:1 và 20:19), trước khi nói đến con số 8. Đó là vì ngày thứ tám sau tuần lễ, tức là ngày thứ 7 sau  ngày phục sinh, ngày thứ 8 sau ngày bị đóng đinh. Ngày này là ngày của sự khởi đầu mới - The Fool. Dù vậy, tôn trọng cách lý luận của Fleur de Lis, nên vẫn để nguyên sự hồi sinh trong mục phân tích số 8 này.

C. Lời Bình Chung [****]

Ngoại trừ vấn đề về sự phục sinh của Jesus có thể chưa thoả đáng, những chi tiết còn lại khả dĩ đáng tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, ý nghĩa của vị trí số 8 này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trước nhất, nó dành cho các bộ bài thuộc họ Golden Dawn, vì sự cải biến vị trí số 8 và 11 giữa 2 lá The Strengh và The Justice, do đó phần phân tích này có lẽ không phù hợp với các bộ bài cổ họ Marseille. Thứ hai là nó dành cho các lý luận gần gũi với sự phân chia bộ 7 như Wirth, và chịu ảnh hưởng của các trường phái này. Cuối cùng là sự chấp nhận ảnh hưởng của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo trong sự tác động lên nghĩa của lá bài. Tác giả Fleur de Lis còn lầm lẫn giữa phân tích gematria của cựu ước trong Do Thái Giáo vốn không được Thiên Chúa Giáo chấp nhận khi gộp chung cả hai phần trong tựa đề cũ, dù vậy, đây là sự lầm lẫn không quá quang trọng.

Chú thích hình ảnh

Người đàn bà và con sư tử trong hình khiến mình liên tưởng đến 2 chòm sao liên nhau là Xử Nữ và Sư Tử. Sở dĩ mình liên tưởng như thế vì 2 chòm sao này gắn liền với hình ảnh Nhân Sư của Ai Cập, vốn sở hữu khuôn mặt và ngực phụ nữ và thân thể sư tử. Alice Bailey viết về Nhân Sư như sau: "Virgo and Leo together stand for the whole man, for the God-man as well as for spirit-matter".

 Ghi chú:
 [*] Fleur de Lis không nói rõ, có lẽ là cuốn Tarot of the Bohemians của Dr. Papus
[**] Không thấy dẫn chứng của Fleur de Lis.
[***] Đọc thêm bài Gematria ngay trong trang này. http://www.tarothuyenbi.info/2011/09/ban-ve-phep-dien-giai-so-hoc-than-thanh.html 
[****]: Lời bình của tác giả Tarot Huyền Bí, thêm vào bài gốc của Fleur de Lis.
[*****] Trong bài gốc, Fleur de Lis nhầm lẫn là trích dẫn John 20:14 mà đúng ra phải là John 20:26. Hiệu chỉnh bởi tác giả Tarot Huyền Bí.  

Nguồn:
http://www.esotericastrologer.org/Newsletters/53%20LeoVirgo%20Sphinx.htm
http://www.biblestudy.org/bibleref/meaning-of-numbers-in-bible/8.html
http://www.vietchristian.com/kinhthanh/
http://www.jesusbelievesinevolution.com/888_jesus_christ_prophecy_numerology.htm


Philippe Ngo, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp. 
Fleur de Lis, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Mỹ.
Đọc tiếp »

Ý Nghĩa Những Bộ Số Trong Tarot

item-thumbnail


Lời dẫn: Bài này do cộng tác viên Hoàng Hiền thực hiện. Mục đích của nó là giải thích ý tưởng của bộ số 78 (số lượng lá bài của Tarot), 22 (số lượng ẩn chính) và các bộ số liên quan đến Tarot. Bài này tương đối hoàn chỉnh về lượng kiến thức cũng như sự sâu sắc trong phân tích được dẫn chứng xuyên suốt bài. 

Phân đoạn và mục được phân chia lại theo yêu cầu bài viết này, nhằm làm rõ ý tưởng của bài. Một lần nữa, gửi lời cảm ơn đến Hoàng Hiền đã thực hiện một bài phân tích quang trọng trong Tarot.

Ý Nghĩa Các Bộ Số Trong Tarot


1. Giới Thiệu Chung

Bài Tarot xuất hiết ít nhất cũng phải từ trước thế kỉ XIV, từ đó đến nay, trước sự gặp gỡ của các nền văn hóa, bộ bài này đã có từng bước thay đổi và phát triển. Có khoảng trên dưới 40 bộ bài đã được liệt kê tên và rất nhiều bộ vô danh, khuyết danh hoặc đã tuyệt tích khác nữa. Nhìn chung, cơ cấu của một bộ bài Tarot gồm có 78 lá bài, chia làm 2 phần: 22 lá Arcana chính (Major Arcana) và 56 lá Arcana phụ (Minor Arcana), một số bộ bài không có đủ từng đó lá hoặc bị mất, thiếu do quãng thời gian rất lâu. 

2. Ý Nghĩa của Bộ Số 78 và 12

Thứ nhất, ta sẽ giải thích ý nghĩa của những con số biểu tượng trong bộ bài Tarot. Không nói quá khi khẳng định rằng, triết học Pythagore có ảnh hưởng không nhỏ với việc hình thành nên số lượng của những lá bài và những con số đó phần nào cũng mang những ý nghĩa biểu tượng hết sức đặc trưng.

Đầu tiên là ở tổng số 78 lá bài, con số 78 thực chất mang 1 ý nghĩa đặc biệt bởi lẽ nó là tổng của 12 con số đầu tiên, từ 1 đến 12. Con số 12 còn được biết đên là con số thần thánh với rất nhiều biểu tượng gắn liền với nó: 12 cung hoàng đạo (cả phương Tây và phương Đông), 12 thánh Tông đồ (Thiên Chúa giáo), 12 con trai của Jacob (Israel) tượng trưng cho 12 dân tộc Do Thái (Do Thái giáo), số lượng hiệp sĩ bàn tròn của vua Arthur cũng là 12 người ( thần thoại Celtes)…

Con số 12 với tầm quan trọng của mình được đánh giá là con số của trạng thái phức hợp, con số của sự kén chọn, con số hành động… Những bội số của 12 đều xuất hiện trong những câu chuyện của các dân tộc, Kinh Thánh, Khải Huyền… Tóm lại với ý nghĩa Hoàn Vũ của mình, con số 12 từ xưa tới nay đều tượng trưng cho một chu kì hoàn tất và đối nghịch với con số 21 (giải thích phía sau). Vậy tổng của 12 con số cũng mang một ý nghĩa linh thiêng tương tự, nó chính là “ý nghĩa bí mật của mười hai con số đó”. Nói một cách bí hiểm, toàn bộ các lá bài thực chất là một cuồn sách bằng hình, ẩn chứa những con số cùng với bản thể của chúng cấu tạo cả vũ trụ vật chất lẫn tư duy của con người. 

3. Ý Nghĩa của Bộ Số 21; 3 và 7

Con số của các Arcana chính bao gồm 22 lá, trong đó có 21 lá được đánh số La Mã từ I đến XXI và một lá không được đánh số, đó là lá Le Fol (hay Le Mat). Thứ nhất, ta phải phân tích con số 21 trước. Số 21 bằng 3 nhân với 7 mà trong đó, hai con số này đại diện cho sự hoàn thiện của con người.

Số 3 tượng trưng cho các bộ phận cấu thành nên con người hoàn chỉnh là: tinh thần, linh hồn và thể xác. Trong khi đó con số 7 tượng trưng cho sự hoàn thiện năng động, tượng trưng cho một chu kì hoàn hảo và sự đổi mới tích cực như bảy ngày trong tuần, bảy vị Tổng lãnh Thiên thần (Thiên Chúa giáo), bảy cánh cổng thành Thebes, bảy dây của đàn Lira, bảy người con trai và con gái của Niobe (Thần Thoại Hy Lạp), bảy hành tinh, bảy kì quan thế giới, bảy ngôi sao của chòm Bắc Đẩu… Con số 7 là con số của người toàn hảo, là sự tiến hóa tích cực.

Như vậy, dưới sự hợp thành của hai con số đậm tính biểu tượng: số 3 và số 7, con số 21 của các lá Arcana chính được đánh số cũng mang ý nghĩa tương tự. Con số 21 trong Kinh Thánh tượng trưng cho sự toàn bích, hoàn mĩ, là con số của Đức Khôn ngoan. Vì con số 21 là sự sắp xếp trái ngược với con số 12 thần thánh, nên tiến sĩ Rene Allendy đã suy ra một loạt biểu tượng phản đề: Với số 12, yếu tố phân hóa (2) xuất hiện trong cái nhất thống vũ trụ (1) để tổ chức nó theo những bình diện đa dạng và những tương quan chuẩn mực, trong khi ấy số 21 chúng ta thấy tính cá thể (1) nảy sinh từ sự phân hóa vũ trụ (2), tức là cái hoàn toàn ngược lại; với 12, cái nhị nguyên tổ chức cái đơn nhất; với 21, cái đơn nhất tự tổ chức trong cái nhị nguyên. Một cặp đối lập khác hình thành từ tính chẵn và lẻ của hai số này: Mười hai là số chắn, đây là trạng thái cân bằng do sự tổ chức hài hòa trong các chu trình bất tận (3x4); Hai mốt là con số lẻ: đây là nỗ lực đầy năng động của cá thể, được hun đúc trong đấu tranh giữa các mặt đối lập và bao hàm con đường luôn luôn mới của chu trình tiến hóa (3x7). Vậy, con số 21 tượng trưng cho con người tập trung vào đối tượng của mình, một con số mang tính trách nhiệm. Chính lẽ đó đã khiến nhiều dân tộc chọn 21 tuổi là tuổi trưởng thành cho đàn ông.

Xét trong 21 lá bài Tarot, con số 21 chính là sự ám chỉ việc hoàn thành chu trình thụ pháp, đạt đến sự hài hòa, hoàn hảo, đồng thời cũn là sự tự chủ giữa trong sáng và tiêu cực, giữa cái thiện và cái ác… Với hai mốt lá đồng nghĩa với sự hoàn mĩ, viên mãn, và mục đích nhất định đạt được.

4. Ý Nghĩa của Bộ Số 22

Tuy nhiên, một sự thật là, không phải chỉ có 21 lá bài trong số các Arcana chính mà còn một lá nữa biến tổng số Arcana chính thành 22 lá. Vậy tại sao lại là con số 22 trong khi sự hoàn mĩ được thể hiện ở con số 21?

Người ta cho rằng, con số 22 trùng với số chữ cái trong bảng chữ Hebrew của người Do Thái cổ, bảng chữ đó trong học thuyết Kabble (Kabala) có ý nghĩa của tổng thể Hoàn Vũ. Trong “Nguyên văn tạo thư” (Sefer Yetzirah), nền tảng của huyền học Do Thái, Chương hai mục hai có viết: “Hai mươi hai chữ cái: chứng giám chúng, tạo ra chúng, cân nhắc, chuyển hóa và biến đổi chúng, và với chúng miêu tả linh hồn của tất cả đã được định hình, và tất cả sẽ được hình thành trong tương lai.”. Chính vì lẽ thêm một vào số hai mươi mốt (sự hoàn hảo), mà con số hai mươi hai biểu hiện cho bản thể trong tính đa dạng và trong tính lịch sử của nó, là con số mang ý nghĩa tổng hòa thể hiện cho toàn bộ những thứ hiện hữu trên thế giới cũng như sự bí ẩn của vị lai. Con số 22 xuất hiện rất trong cấu trúc những quyển kinh của nhiều dân tộc như: Sách Thánh Avesta gồm 22 chương, mỗi tập kinh cầu nguyện là 22 bài. Sách Khải Huyền được cho là của thánh Jean cũng bao gồm 22 chương. Vậy con số 22 của các Arcana chính dường như không chỉ thêm phần sinh động mà còn mở ra một ý nghĩa khác: đó chính là sự che phủ của tri thức, khi đi đến tận cùng của thế giới. Kết thúc của chu trình hoàn hảo (21), chúng ta lại quay trở về với sự hư vô, khiêm tốn nhìn nhận lại và hướng về phía trước.

5. Ý Nghĩa của Bộ Số 56 và 52

Có lẽ ít người biết rằng, nguồn gốc của bộ bài Tây 52 lá ngày nay chính được bắt nguồn từ 56 lá bài Arcana phụ của bộ bài Tarot.

Các Arcana phụ được chia thành 4 nhóm gồm: Gậy (Wands), Cốc (Cups), Gươm (Swords) và Tiền (Coins). Trong mỗi bộ gồm có 14 lá, có 10 lá được đánh số từ Một (Ace) đến Mười, bốn quân còn lại bao gồm: Vua (King), Hậu (Queen), Kị sĩ (Knight) và Đầy tớ (Jack). Ở bộ bài 52 lá, quân bài Knight biến mất, bộ Gậy trở thành bộ Rô, bộ Cốc thành bộ Cơ, bộ Gươm thành bộ Pích và bộ Tiền thành bộ Nhép. Và như đã nói ở trên, bốn bộ này tượng trưng cho bốn nguyên tố của sự sống.

Không hẳn như thuyết ngũ hành của phương Đông, phương Tây thịnh hành thuyết bốn nguyên tố trong đó bao gồm lửa, nước, không khí và đất.

- Bộ Gậy, đó là Lửa hành động, điểm xuất phát tất yếu của mọi diễn tiến, là sự hăng hái nhiệt tình; hình ảnh này có lẽ được kế thừa chiếc đũa thần, cây vương trượng thống trị của người đàn ông, là người Cha.

- Bộ Cốc, đó là Nước, là cái nối liền tạo vật với thánh thần, là cuộc sống tâm lý, nhưng còn là cái cốc bói toán, là thụ cảm nữ giới nhạy cảm – đa cảm, là người Mẹ. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng tới chiếc Chén Thánh Graal trong truyền thuyết Châu Âu cổ, chứa đựng máu của Đấng Cứu Thế.

- Bộ Gươm, đó là Khí, là tinh thần thấm nhuần vào vật chất và tạo hình nó, để rồi sẽ làm nên cái phức hợp con người, là trí tuệ và triết học. Thanh kiếm gắn liền với tính thống nhất và dũng cảm, với những điều thần thánh nhất. Những anh hùng thần thoại đều hầu như gắn liền với một thanh kiếm thần nào đó như thanh Gram (Thần thoại Bắc Âu), thanh Excalibur của vua Athur (Thần thoại Celtes), … Những lá bài này gắn bó một cách tượng trưng với tính sáng suốt của trí tuệ và với sự chết.

- Bộ Tiền, đó là Đất, tượng trưng cho tính vật chất của nguyên tố này. Sự đi xuống lòng đất khởi đầu cho mọi công cuộc thụ pháp và đem lại cho con người chỗ dựa của cái thế giới, nơi nó được xếp đặt. Hoặc đó cũng là hình ảnh cái đĩa hình sao năm cánh (the pentagram) trong văn hóa Kabbala, tỏa sáng trong bóng tối, biểu tượng của sự thật, niềm tin và hi vọng, dấu hiệu ủng hộ của ý chí, vật chất tích tụ hành động tinh thần, một sự tổng hợp đưa tam phân trở về đơn nhất, Tam vị nhất thể.


6. Kết Luận

Hệ thống biểu tượng trong bài Tarot là sự giao hòa, tổng hợp của nhiều nền văn minh mà đặc trưng nhất trong đó là sức ảnh hưởng của văn hóa Kabbale (Kabala) , Ai Cập, Do Thái, Ấn Độ, Hội Tam Điểm, Kinh Koran, Kinh Thánh, Italia, Pháp, Gypsy , Hebrew  ... với các khái niệm như Cuộc du ngoạn của Chàng Khờ, Biểu đồ Kabbale, Sơ đồ khối không gian tinh thần… Bản thân tôi cũng không thể nào nắm hết được những kiến thức đó, chỉ có thể sử dụng sự góp nhặt cá nhân để phần nào làm rõ những ảnh hưởng của các văn hóa đó trong biểu tượng trên các lá bài Tarot thể hiện. 

Ghi Chú:

Trường phái Pythagore là một trong những học thuyết tôn giáo – triết học và là một phong trào chính trị -xã hội ở Hy Lạp cổ vào thế kỉ VI – IV TCN. Học thuyết này coi trọng các con số, coi đó là bản nguyên của vạn vật và quy luật toán học là cơ sở của cấu tạo thế giới. Đặc biệt là 12 con số đầu tiên được coi là thuộc tính thần thánh.

Réne Félix Allendy (1889-1942) là một tiến sĩ vi lượng đồng căn và nhà phân tâm học Pháp, là một trong những người sáng lập ra ngành Phân tâm học xã hội ở Pháp (SPP).

Thụ pháp: nghĩa gốc là từ teleutai nghĩa là “làm chết” tuy nhiên, ta hiểu theo nghĩa bóng tức là bước vào một thế giới khác, làm biến đổi con người cũ sau khi được tiếp nhận sự thiêng liêng. Cái chết theo nghĩa ở đây là sự biến hóa trong quá trình tái sinh bởi lẽ người ta cho rằng sau cái chết, con người ta sẽ đạt được những tri thức thông tuệ. Trong Ki tô giáo, đó có thể là sự khổ hạnh liên tiếp thông qua thử thách.
Hoàng Hiền, đại học KHXH&NV, đại học quốc gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Sài Gòn.
Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ