Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Phân Loại Tarot Trong Lịch Sử

item-thumbnail

1. Giới Thiệu


Bài nghiên cứu này nhằm phân loại và tổng hợp về các nhóm bộ Tarot trong lịch sử cũng như hiện đại.  Sự phân loại này mang tính chất cá nhân theo những nghiên cứu mà tôi có được. Sự ân loại có thể trùng hoặc không trùng, thậm chí trái ngược với các bản phân loại Tarot khác. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đặc điểm của từng bộ này sẽ được mô tả kỹ lưỡng và nghiên cứu trong các bài khác.

Chú ý: các bộ này có thể không hoàn toàn giống với bộ Tarot hiện tại. Nó có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn. Bộ Tarot hiện tại là một trong các thay đổi theo thời kỳ của lịch sử Tarot.

2. Phân Loại

Nhóm Tarot Visconti-Sforza hay nhóm Tiền Tarot:

Nhóm này gồm khoảng 15 bộ bài được sưu tập rải rác. Đa số các bộ đều chỉ được giữ lại vài lá. Bộ đầy đủ nhất cũng thiếu mất 6 lá. Bộ này 78 lá. Các hình vẽ trong các bộ này làm hoàn toàn bằng thủ công và sản suất với số lượng cực kỳ ít. Các bộ này xuất xứ chủ yếu từ Milan, và được các gia đình quý tộc Visconti và Sfroza đặt làm. Hai gia đình này cai trị Milan suốt trong thế kỷ 13 đến 15. Các hình vẽ trên các bộ này khác nhau, tuy mang đặc điểm chung thống nhất. Đây được xem là nguồn gốc cơ bản của bộ bài Tarot bói.

Bộ Pierpont-Morgan Bergamo còn được gọi là Colleoni-Baglioni và Francesco Sforza: bộ này được xem là khá đầy đủ. Được sản suất năm 1451. Hiện nay còn giữ được 74 lá. Thư viện Pierpont-Morgan in New York còn giữ 35 lá, Thư viện Accademia Carrara  giữ được 26 lá, 13 lá còn lại nằm trong các bộ sưu tập cá nhân giấu tên của dòng họ Colleoni ở Bergamo. Tên của bộ bài này đặt theo tên của các bộ sưu tập. Bộ này gồm 20 lá hình, 15 lá mặt, 39 lá số, nó thiếu lá Devil và Town.

Bộ Brera-Brambilla: bộ này đặt theo tên của nhà sưu tập Giovanni Brambilla, sau đó được chuyển nhượng cho phòng trưng bày Brela. Bộ này được đặt làm bởi Francesco Sforza do Bonifacio Bembo thực hiện vào năm 1463. Bộ gồm 48 lá trong đó chỉ có 2 lá hình là Emperor và Fortune. Nó có đến 7 loại lá mặt: Knight và Jack dạng cups; Knight và Jack dạng denari; Knight, Jack và Queen dạng bastoni.

Bộ Cary-Yale: được biết với tên Visconti di Modrone, bộ này thuộc bộ sưu tập Dòng Họ Cary được quyên cho đại học Yale, được xuất xưởng năm 1466. Bộ này có lẽ do Filippo Maria Visconti đặt làm. Bộ này có tới 6 loại lá mặt: ngoài King, Queen, Knight và Jack, thì nó còn thêm Lady và Damsel. Bộ này giữ được 67 lá gồm 11 lá hình, 17 lá mặt, và 39 lá số.

Nhóm Tarot De Marseille:

Nhóm này là tiền thân của hệ thống tiên tri bằng Tarot tại châu Âu. Các bộ bài này được xem là kinh điển nhất cho các bộ tarot phong cách Pháp. Nó được xem như một trong những bộ bài chuẩn cho việc bói toán. Các dẫn chứng ở sách Gebelin, Esteilla, hay Levi đều sử dụng bộ bài này. Lịch sử của bộ bài Tarot này được xem như là lịch sử của Tarot nói chung và lịch sử tiên tri bằng Tarot từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Từ thế kỷ 19, sự phát triển của hệ thống bài Tarot của nhóm Anh ngữ do Golden Dawn dẫn đầu đã tước đi sự vinh quang của nước Pháp trong việc tiên tri bằng Tarot. 

Các bộ bài giới thiệu sau đây là một vài bộ bài Tarot de Marseille chuẩn, nó y hệt các bộ bài Tarot hiện tại, vì vậy tôi chủ yếu giới thiệu xuất xứ chứ không đi sâu vào chi tiết.

Bộ Tarot de Suzanne Bernardin: do nhà nữ tiên tri Suzanne Bernardin truyền bá và sử dụng. Bộ bài này rải rác ở các bộ sưu tập cá nhân trên thế giới.

Bộ Tarot de Besançon: có kết cấu y hệt Tarot de Marseille trừ vài sự thay thế đo vấn đề tôn giáo. Pope thay bởi Jupiter, Popess thay bởi Juno, Angel thay bởi Judgement,  Tower thay bởi House of God. Tên của bộ bài là tên vùng đất mà đã sản xuất ra nó.

Bộ Tarot de Blanche: là một dạng Tarot de Besançon. Bộ này do Thị trưởng  J. Blanche vùng Cartier Renault. Ông cũng là người sản xuất bộ  Tarot de Jœrger (Jerger) ở vùng Besançon. Bộ này thường được dùng ở vùng Renault và lân cận.

Bộ Tarot de Lequart signé Arnoult : nó là Tarot de Besançon nhưng xuất hiện năm 1748, được sử dụng tại các vùng lân cận của Paris (Cartier de Paris).

Bộ Tarot de Nicolas Conver: sản xuất năm 1760, do Conver khắc và ấn hành. Có thể nói là bản hoàn chỉnh và còn lưu giữ tốt đến ngày nay.

Bộ Tarot de François Chosson: xuất xưởng vào 1672 dù có thể đã ra đời sớm hơn. Chosson là nhà điêu khắc bộ tarot này. Đây có lẽ là bộ tarot chuẩn mực đầu tiên được thực hiện ở Marseille.

Bộ Ancien Tarot de Marseillephổ biến bởi Paul Marteau, người được giao quyền để cho ra thị trường một Tarot chuẩn dùng để bói toán "Tarot de Marseille" vào năm 1930. Và là bản được lưu hành hiện nay. 

Bộ Tarot de Paris: bao gồm 3 bộ : một của một người vô danh (tạo ra trong đầuthế kỷ XVII), đây là bộ Tarot lâu đời thứ hai mà người ta vẫn cònbảo quản toàn bộ với 78 lá, sau đó là bộ Tarot de John Noble ( chỉ mấtbốn lá bài của loạt các thanh kiếm số VI đến X) và cuối cùng là bộ của Tarot de Jacques Viéville (còn được bảo quản đủ tất cả 78 lá bài), sản xuất vào năm 1650. 

Bộ Tarocco Piemontese: là bộ bài có nguồn gốc Ý và có kết cấu gần với bộ Tarot de Marseille. Tên bộ bài này được đặt theo tên của vùng đất của Ý đã khai sinh nó.

Bộ Swiss Tarot JJ  hay Troccas: sự thay thế tương tự bộ của Tarot de Besançon nhưng sự thay thế được diễn ra ở Thụy Sĩ và được thay thế bằng tiếng Pháp.

Nhóm Tiertarock hay Animal Tarot :

Nhóm này là một số ít bộ bài thay thế các hình ảnh trong các lá hình bằng các hình ảnh con vật, theo phong cách Đức vào thế kỷ 18. Chủ yếu được vẽ bởi  Göbl of Munich. Một số cái tên được nhắc đến như các bộ bài : Bavarian Animal Taro, Belgium Animal Tarot và sau đó là Austria Animal Tarot và bộ bài Adler Cego. Các bộ bài này hầu như không được xem xét ở khía cạnh bói toán, vì vậy tôi không đề cập đến quá nhiều. Một vài cái tên khác như Tarocchi di Alan, Tarot of Reincarnation và  Tarot de la Nature.

Nhóm Tarot Italy - Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha :

Nhóm này là sự kế thừa và phát triển của Tarot ở Ý. Mối quan hệ qua lại ảnh hưởng giữa các bộ Tarot của Pháp và Ý chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, các biểu tượng này có thể bị thay thế và kế thừa ở cả 2 nước. Các bộ này được xem như cổ nhất ở Ý và có mối quan hệ mật thiết với Tarot bói bài, chúng chủ yếu xuất hiện ở thế kỷ 15. Nhóm này cũng bao gồm các nhóm Tarot khác Tarot de Marseille tồn tại ở châu Âu cùng thời kỳ. Các bộ này bao gồm các bộ có số lượng lá bài khác 78.

Bộ Tarocco Bolognese: gồm 62 lá trong đó lá số chỉ từ số 2 đến 5. Các lá hình cũng khác, và có sự tráo trộn giữa các lá bài cũng như giá trị của nó. Bộ bài này lưu hành ở Bồ Đào Nha

Bộ Tarocco Siciliano: gồm 64 lá, trong đó lá hình bị đổi một ít, lá số 21 thay bằng Miseria (Destitution). Lá số của 2 và 3 mang dạng Coins, còn lá số của 1 và 4 mang batons, swords và cups. Bộ này lưu hành ở đảo Sicile

Bộ Mantegna Tarocchi hay Baldini Cards: gồm 2 bộ khác nhau do 2 nghệ sĩ  Andrea Mantegna  và Baccio Baldini vẽ. Thường được gọi là S Series và E Series xuất hiện nữa đầu thế kỷ 15. Tên và sự nghiệp của 2 họa sĩ tài danh này vẫn là bí ẩn. Theo Ferrara thì thời gian suất hiện của 2 bộ Tarot này là 1465 (E-series) và 1470-5 (S-series). Các cấu trúc của 2bộ này được nhiều người nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. Bộ này gồm 50 lá bài.

Bộ Trappola: xuất hiện tại Venice vào thế kỷ 16. Những cái tên khác của nó như rapulka, Bulka hay Hundertspiel xuất hiện muộn hơn vào thế kỷ 20. Đây có thể xem là sự kế thừa phong cách Ý tại Venice. Tuy nhiên nó không tồn tại các lá hình. Bộ này lưu hành chủ yếu vùng Venice. Bộ này 36 lá bài.

Bộ Minchiate: xuất hiện tại Florence vào thế kỷ 15. Nó gồm 40 lá hình so với 21 lá ở Tarot hiện đại. Một số kế thừa, một số hoàn toàn khác biệt. Các lá số giữ nguyên như bộ Tarot, nhưng 4 ký hiệu thì khác. Các lá hình cũng có ý nghĩa khác khá nhiều. Bộ này lưu hành ở Florence. Bộ này gồm 96 lá bài.

Nhóm Tarot de Golden Dawn :

Nhóm này phát xuất từ bộ Tarot de Marseille. Sau đó nó được các thành viên hội kín Golden Dawn sửa chữ và làm mới. Có thể nói , đây là bộ bài bói toán thật sự và hoàn toàn không còn tính chất của trò chơi nữa. Đặc điểm của bộ bài này là các hình vẽ biểu trưng cao.

Nhóm này cũng đại diện cho các hội kín thần bí ở thời kỳ này như O.T.O , Thập tự hoa hồng (Rose Croix), và các khuynh hướng sử dụng tâm lý học và huyền học khác.

Người ta còn nghi ngờ sự liên hệ giữa các hội kín này và hội kín Tam Điểm. Điều này không phải là không có lý khi quá nửa thành viên của hội cũng đồng thời là thành viên của Tam Điểm. Hội này vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc và thậm chí công khai khuynh hướng công khai khuynh hướng chính trị cũng như tôn giáo. 

Các biểu tượng tiên tri được đưa vào hội như thành phần quan trọng nhất. Và Tarot hiển nhiên được xem như phần có tính linh thiên nhất. Các thuật ngữ và nội dung bói toán bằng Tarot chủ yếu được tham chiếu từ hội này. Các từ như Arcana, Minor, Major, Livre de Thot cũng được các thành viên nhóm này đề xuất. Mỗi lá bài của nhóm này được xem như một bức tranh ám tưởng để tạo phù phép khiến nó trở nên hấp dẫn với hầu hết dân chúng thế kỷ này.

Bộ Golden Dawn Tarot : do nhà huyền học S.L. MacGregor Mathers xây dựng và đề xuất. Được xem như bộ bài kinh điển và chính quy được dùng tại các buổi lễ của Hội Kín. Dù vậy nó lại không nổi tiếng và được đánh giá là kém cỏi bởi các nhà huyền học sau này. Tuy nhiên cần phải biết là Mathers rất nổi tiếng và là người sáng lập hội, ông cũng là một nhà nghiên cứu huyền học nổi bật nhất vào thế kỷ này. Bộ này mang ảnh hưởng khá lớn của Ai Cập học, vì vậy được đanh giá là khó hiểu và quá mơ hồ so với bộ Rider-Waite Tarot mang tính chất châu âu và Tam Điểm rõ rệt. Ông là thành viên cao cấp của hội Tam Điểm.

Bộ Rider-Waite-Smith: còn gọi là Rider-WaiteWaite-Smith, Waite-Colman Smith, hay Rider Tarot đề xuất. Bộ bài được vẽ bởi Pamela Colman Smith dưới sự hướng dẫn về huyền học của nhà thần bí A. E. Waite, xuất bản bởi công ty  Rider Company. Nó là bộ bài được dùng phổ biến nhất tại khối Anh ngữ ( so với sự nổi tiếng của Tarot de Marseille của khối Châu Âu). Vì sự phổ biến vủa văn hóa Anh-Mỹ mà đôi khi người ta xem nó là phổ biến toàn thế giới, dù điều này không phải hoàn toàn đúng. Đa số các nhà huyền học tại châu âu đều sử dụng hay tham chiếu đến bộ Tarot de Marseille chứ không phải bộ Rider.

Waite cũng là thành viên cao cấp của Hội Tam Điểm. Bộ Tarot này vừa mang tính chất biểu tượng đơn giản của Pháp, vừa mang ý nghĩa biểu tượng học của Hội Tam Điểm. Cùng thời kỳ này, hội Tam Điểm đang là một trong các phong trào và hội kín lớn có nhiều ảnh hưởng tại không chỉ châu âu mà còn tại khắp thế giới. Vì vậy, sự phổ biến của bộ Tarot này có thể hiểu được. Bộ bài này xây dựng dựa trên ảnh hưởng của thần học Kabala ( Hermetic Kabbalah ) chứ không phải từ Ai Cập Học.

Bộ Thoth Tarot hay Crowley-Harris : vẽ bởi Lady Frieda Harris với sự dẫn dắt của nhà huyền học Aleister Crowley. Bộ bài này lấy ảnh hưởng từ Sách Thot (Book of Thot) và ảnh hưởng từ Do Thái Giáo. Ông cũng là một người có ảnh hưởng lớn trong hội Golden Dawn. Mặc khác, ông cũng là người quan trọng của hội kín  Ordo Templi Orientis hay được biết dưới tên O.T.O, một hội kín có tư tưởng song song giữa hội Tam Điểm và Giáo Hội. Người ta cũng thường nhắc đến tổ chức Ecclesia Gnostica Catholica (EGC) hay Gnostic Catholic Church trong ảnh hưởng của ông. Các ảnh hưởng từ kinh điển Hebrew cũng có mặt trong bộ bài này. Chưa thấy tài liệu này công bố ông là người của hội Tam Điểm. Tuy nhiên mối quan hệ của ông với hội này là quá rõ ràng đến mức người ta mặc nhiên ông là người của hội.

Bộ B.O.T.A. Tarot hay Paul Foster Tarot : do nhà huyền học Paul Foster Case đề xướng và được thực hiện bởi Jessie Burns Parke. Bộ này lấy ảnh hưởng từ khái niệm và sơ đồ "Cube of Space" trong Kabala ( Hermetic Kabbalah ) thông qua các mối liên hệ chữ cái Hebrew. Ông cũng là người sáng lập ra viện  Builders of the Adytum (B.O.T.A) chuyên nghiên cứu về thần học và rất có uy tín ở Hoa Kỳ. Viện này có mối quan hệ mật thiết với cả hội kín Hermetic Order of the Golden Dawn  và tổ chứ Masonic blue lodge system thuộc hội Tam Điểm. Tuy cùng lấy quan đểm Kabala làm nền tảng, nhưng bộ này lấy các biểu tượng thiên văn, hoàng đạo, các phép ẩn dụ về màu và số học nên thường được cho là khó hiểu rườm rà.

Bộ Tarot de Wirth : bộ này do Joseph Paul Oswald Wirth đề xướng. Ông là thành viên của Mật Hội Thập Tự Hoa Hồng (Rose-Croix), một hội kín tà giáo xuất hiện cổ xưa và thường đôi khi được cho là chống giáo hội. Bộ bài này cũng xây dựng từ quy cách Kabala nhưng đậm đặc tính chất biểu tượng của thập tự hoa hồng. Ông cũng là thành viên của Hội Tam Điểm Pháp.

Bộ Etteilla Tarot: bộ này do Etteilla đề xuất vào thời kỳ trước cả Golden Dawn, và cũng không thuộc nhóm huyền học Golden Dawn, tuy nhiên nguyên lý của nó cũng có thể xếp vào nhóm huyền học đặc trưng.

Nhóm Tarot Modern:

Bộ Hermetic Tarot: bộ này là một tập hợp các bộ Tarot khác của các hội kín sau thời kỳ Golden Dawn. Phần nhiều được xây dựng vào thế kỷ 20. Nó được xây dựng dựa trên việc gắng kết các khái niệm cổ vào ngành tâm lý học. Nó có cách xây dựng gần với Mythic Tarot, tuy nhiên với các khái niệm khác hoàn toàn. Một điển hình của bộ này là bộ Tarot ReVisioned do Leigh J. McCloskey đề xướng.

Bộ JunglianTarot: bộ bắt đầu từ việc sử dụng các biểu tượng thần thoại như Hi Lạp (Greek Mythology) và Tâm lý học Jung (Jungian Psychology) đề xướng bởi 2 nhà tâm linh Liz Greene và Juliet Sharman-Burke. Bộ này gắng kết các khái niệm cổ Hi Lạp và khái niệm Tâm lý, đồng thời sử dụng nhiều biểu tượng trong ngành y khoa, đặc biệt là các biểu tượng được nhà tâm lý học, bác sĩ tinh thần Dr.Carl Jung. Bộ này cũng được xem là khó hiểu và mơ hồ vì nó gắng kết 2 văn hóa Hi Lạp và Tarot vốn không cùng một hệ văn hóa. Tôi cũng nhóm các bộ tarot mang tính ảo giác vào nhóm này.

Bộ Universal Waite Tarot: bộ này là một tập hợp các bộ Tarot theo trường phái Waite. Các bộ này hoặc xây dựng lại từ bộ Waite Tarot, hoặc thay thế vài điểm mà người ta cho là vô lý hay lầm lẫn về mặt huyền học. Số lượng của bộ này vô cùng to lớn và ngày càng phình to. Tôi cũng nhóm các bộ sử dụng nguyên lý Tarot và biến đổi về mặt hình ảnh vào trong nhóm này.

Bộ Hỗn Hợp :  Sự kết hợp của Universal Waite Tarot và tâm lý học Jung của Mythic tarot là nền tảng của các bộ tarot sau này. Vì vậy, khó phân biệt giữa 2 hệ tarot lớn này. 90% bộ tarot lưu hành trên thị trường là thuộc nhóm hỗn hợp này. Nhóm này là sự xây dựng các bộ Tarot từ các nguồn văn hóa khác nhau: trung quốc, nhật bản, truyện tranh, cổ tích ... và game. Đôi khi nó được dùng với các mục đích giáo dục và giải trí hơn là bói toán.

Phillippe NGO, tác giả trang Tarot Huyền Bí, một nhà nghiên cứu Tarot tại Pháp.

Đọc tiếp »

Tản Mạn Tarot - Một Góc Nhìn Khác

item-thumbnail

Tiểu Dẫn: Bài viết bởi cộng tác viên Hoàng Hiền dựa trên các chỉ dẩn của tác giả Tarot Huyền Bí. Bài viết chủ yếu thể hiện ý nghĩa to lớn của bộ Tarot với góc nhìn lịch sử, văn hóa và nghệ thuật là những góc nhìn mà trước nay người ta thường bỏ quên, mà hầu như chỉ tập trung ở góc độ bói toán và khoa học huyền bí.

Đoạn trích được sắp xếp lại theo cấu trúc của bài viết. Các phần của bài này đều nằm trong luận văn của cộng tác viên Hoàng Hiền về lịch sử hình thành Tarot.  Tiêu đề đo tác giả Tarot Huyền Bí đặt theo chủ đề của phần trích.

Tản Mạn Tarot - Một Góc Nhìn Khác


Nhìn chung, mặc dù bài Tarot được biết đến nhiều trên phương diện bói toán thế nhưng mục đích của nó khi được phát triển chính là đả phá chủ nghĩa kinh viện, đả phá chính quyền tôn giáo trung cổ bởi lẽ việc tạo nên hệ thống hình ảnh đó là sự kết hợp của những nền văn hóa rất đa dạng, phong phú. Những người phát triển bộ bài này tại Pháp không ai khác chính là những nhà thuộc trao lưu Triết học Khai sáng. Họ nhận thấy những nét văn hóa cổ đại mang những nét gần gũi với đời sống và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ nhưng đã bị quên lãng trong một thời gian dài do sự kìm kẹp của Nhà thờ, của triết học kinh viện... mà mãi đến thời kì Phục Hưng, mọi người mới biết đến nhiều những văn hóa lãng quên đó. Bài bói Tarot cũng là một trong những sản phẩm phục chế lại của các nhà biểu tượng học, huyền học và triết học đối trong cuộc chiến chống lại sự cổ hủ của Nhà thờ Thiên Chúa trung cổ, ủng hộ cho phong trào kháng cách tôn giáo ở châu Âu. 

Tarot khởi nguồn chỉ là một trò chơi giành cho giới quý tộc. Nó cũng là tiền thân cho việc phát triển hệ thống bài Tây 54 quân (hình thành dựa trên bộ Arcana phụ). Đóng góp cho lịch sử phát triển trò chơi – giải trí của bộ bài này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do chính những ý nghĩa biểu tượng đa dạng đã khiến cho việc tiên đoán thông qua các thẻ bài cực kì linh thiêng, làm biến dạng trò chơi lúc đầu trở thành bói toán. Trong đó, bói bài Tarot gắn bó rất lớn với hình ảnh của những bà đồng người Gypsy và cũng là một hệ thống giải nghĩa tâm linh lớn ở châu Âu, được người phương Tây rất tin tưởng; có thể so sánh với khoa học tử vi ở phương Đông vậy. 

Theo thời gian, sự thay đổi trong các bộ bài cũng góp phần giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu về thế giới quan của châu Âu qua các thời kì. Từ trang phục, màu sắc, tuyến nhân vật cho đến cách trải bài, cách giải đoán… chúng không hề cố định mà có sự biến đổi linh hoạt phù hợp với cuộc sống, đặc biệt là trong thời gian cuối trung cổ, đầu cận đại. Ta cũng có thể thấy, sự ảnh hưởng dần của các hệ thống tư tưởng khác nhau, ngoài những nền văn hóa cổ đã bám sâu thành căn bản vững chắc, những bộ bài còn có thêm những yếu tố của các phong trào tư tưởng mới như: phong trào thông thiên học , phong trào kháng cách tôn giáo , phong trào thế giới mới của hội Tam Điểm , tư tưởng giả kim thuật, chủ nghĩa thần bí… Mà từ đó có thể tìm hiểu về lịch sử tư tưởng châu Âu và từng bước ảnh hưởng của chúng đối với nhân sinh quan của xã hội phương Tây qua thời gian.

Ngoài ra, bài Tarot cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà hội họa, nhiều bức tranh nổi tiếng có sự thừa kế ý tưởng từ hình ảnh của bài Tarot. Sự phát triển hình ảnh của các bộ bài trong từng thời kì cũng thể hiện sự tiến bộ trong mỹ thuật kết hợp với nghĩa biểu tượng. Ta cũng phải khẳng định, những lá bài được in rất đẹp nên từng rất hiếm trong một thời gian dài mà thường chỉ được truyền từ đời này qua đời khác. Nhu cầu của bộ bài ngày càng tăng cao đã khiến cho những nhà máy in ấn phải tìm cách phát triển kĩ thuật, bộ Ancien Tarot de Marseille được phổ biến khắp khối châu Âu cũng chính vì lý do này. Không chỉ dừng lại ở mỹ thuật, bài Tarot cũng đã là một biểu tượng thần bí nổi tiếng và là yếu tố xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh và đặc biệt là ngày càng phổ biến trong trào lưu văn hóa đại chúng (pop culture) hiện đại.

Ngày nay, trào lưu bói bài Tarot ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở phương Tây mà còn cả ở phương Đông. Nếu như ở phương Tây, người ta đã có rất nhiều nghiên cứu sâu sắc về biểu tượng học của bộ bài này cũng như có những học giả chuyên sâu thì ở phương Đông như một số nước Trung Quốc, Nhật Bản… mới chỉ được tiếp cận qua giá trị bói toán. Tại Việt Nam trong thời gian hiện tại, có rất nhiều hội bói bài Tarot được thành lập và ngày càng phát triển, tập trung rất nhiều những bạn trẻ tham gia và đặc biệt có hứng thú bởi hình ảnh của bài rất đẹp, cách thực hiện dễ dàng, không nhất thiết phải quá cầu kì hơn nữa giải nghĩa rất thiêng và mang những sắc thái huyền bí lạ lẫm với người Á Đông nói chung. Tuy nhiên, những hoạt động của hội này chủ yếu là tự phát, nghiên cứu chỉ đơn thuần là bình diện tâm linh chứ không có hệ thống rõ ràng. Ngoài một số cá nhân có kiến thức khá chuyên môn và có kinh nghiệm giải đoán lá bài, còn lại đa phần chỉ là cách thụ động, bắt chước, chưa nắm vững nghĩa của các lá bài. Chính vì vậy, nhiều người khi bói bài xong cho rằng bộ bài này chỉ nói chung chung, hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Đó quả là một sai lầm khó trách khi mà những bạn trẻ tiếp cận bộ bài này đều chưa hiểu hết những giá trị văn hóa, tinh thần mà bộ bài chứa đựng. 

Rõ ràng, trước kia, trong một thời gian dài, chúng ta từng coi việc xem tử vi, ngày giờ xấu – tốt là việc mê tín dị đoan hay các học thuyết của Đạo giáo là duy tâm, là không tưởng. Nhưng bằng chứng hiện nay đã cho thấy, tử vi là một môn khoa học tâm linh chính xác, cụ thể dựa trên những phép tính chuyên môn đòi hỏi một trình độ cao mới hiểu được. Còn như khái niệm về thế giới của Lão Tử cũng đã được đánh giá lại mang tính chất duy vật sơ khai cũng như mô hình nhà nước “vô vi” của ông cũng đã phần nào phảng phất qua các nhà nước “chức năng” ở vùng bán đảo Scadinavi. 

Vậy không có lý do gì để chúng ta tiếp tục hiểu nhầm bài Tarot chỉ đơn giản dùng cho việc bói toán với những ý nghĩa mơ hồ tượng trưng của lá bài. Việc giải đoán bài Tarot cũng là một khoa học kết hợp nhiều biểu tượng lại với nhau để tạo nên mối liên kết giữa con người và những chi tiết lá bài thể hiện. Tôi rất mong nghiên cứu của mình sẽ phần nào giúp cho những bạn trẻ có niềm đam mê, thích thú với bộ bài này nói riêng và với các biểu tượng văn hóa thế giới nói chung có một cái nhìn sâu sắc về những vấn đề muốn tìm hiểu bởi chúng là cả một hệ thống chặt chẽ, móc nối với nhau tạo nên sự đa dạng, tựa như một cuốn bách khoa thư về cuộc đời của con người. Đồng thời cũng mong báo cáo nhỏ của mình có thể thêm chút đóng góp ít ỏi đối với lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn minh thế giới cũng như biểu tượng học của khoa học nước nhà.

Ghi Chú:

Thông thiên học (Théosophie) là môn khoa học nghiên cứu về tâm linh được bắt nguồn từ nhà hiền triết Ammonius – người sáng lập phái Tân Platon. Đây không phải là tôn giáo như nhiều người nhầm tưởng, thâm nhập vào Việt Nam vào năm 1923.

Kháng cách tôn giáo: khởi phát vào thế kỉ XVI, là nỗ lực cải cách Giáo hội Công giáo Roma, được khởi xướng bởi Martin Luther.

Hội Tam điểm: là thuật ngữ sử dụng để chỉ một tập hợp những hiện tượng lịch sử và xã hội rất khác nhau tạo dựng từ một môi trường hội nhập mà việc tuyển chọn thành viên dựa theo nguyên tắc bổ sung và các nghi lễ gia nhập có liên hệ tới những ẩn dụ về người thợ thủ công. Hội Tam điểm truyền bá một lối giáo dục có tính bí truyền, tiên phong sử dụng những biểu tượng và nghi lễ. Nó khuyến khích thành viên hành động vì sự tiến bộ nhân loại, nhưng để cho mỗi thành viên lựa chọn cách để thực hành điều đó.




Đọc tiếp »

Phân Loại Trực Quan Các Bộ Tarot

item-thumbnail
1. Giới thiệu

Tình hình Tarot tại Việt Nam hiện nay, đa số các mem sử dụng hàng handmade. Lợi thế của việc sử dụng handmade là giá thành rẻ, phù hợp túi tiền, giúp tarot đến gần với mọi người hơn. Tuy nhiên, với sự đa dạng của tarot hiện nay, vấn đề compagnon book trở nên ngày càng cấp thiết. Rất nhiều yêu cầu đề nghị giúp đỡ để có được tài liệu hướng dẫn. Một mặt, hội tarot có thể hỗ trợ việc photo tài liệu của các bộ tarot thông dụng, nhưng cũng có giới hạn nhất định. Với sự đa dạng của các bộ tarot ngày nay, công việc này không phải lúc nào cũng khả thi. 

Vì vậy, tôi viết bài hướng dẫn này nhằm giúp đỡ các bạn sử dụng handmade mà vẫn chưa có được tài liệu. Bài này cũng đồng thời giới thiệu 4 nền tảng diễn giải chính trong hệ thống Tarot, mà phần lớn các bộ tarot hiện đại dựa trên đó mà xây dựng. Mục đích cuối cùng là hướng dẫn cách phân loại trực quan các bộ tarot.

Chú ý: Ngoài bài phân loại tarot này dựa trên hệ thống chú giải, tôi cũng đã từng viết bài phân loại theo lịch sử và phân loại theo trường phái. Các bạn có thể tìm đọc thêm.

2. Các hệ thống chú giải lớn

Sự phân loại này chủ yếu dựa trên các hệ thống chú giải quan trọng và được sủ dụng rộng rãi. Các bản chú giải thay đổi tuỳ theo lý luận của nhà huyền học và có số lượng không nhỏ. Vì vậy, việc hiểu rõ các bản chú giải cơ bản chính là chìa khoá để tìm hiểu một bộ bài. Dựa vào đó, tôi phân các hệ thống Tarot thành 5 nhóm chú giải lớn:

Hệ thống chú giải của Mathers: Là hệ thống chú giải do Mathers và Crowley đề xuất. Hai bộ bài chủ yếu của hệ thống chú giải này là Golden Dawn Tarot và Thoth Tarot. Hệ thống chú giải này dựa trên nền tảng của Kabbalah và Huyền học Ai Cập. Các bộ thuộc họ này thường được gọi là Tarot Chuẩn Thoth (hay Thoth- based, Thoth- inspired, Thoth Standard) . Một vài bộ tiêu biểu Rosetta Tarot, Ancient Egyptian Tarot, Bifrost Tarot, Haindl Tarot, Kingdom Within Tarot, Magickal Tarot, Via Tarot, Vision Quest Tarot...

Hệ thống chú giải của Waite: là hệ thống chú giải do Waite đề xuất. Bộ bài chủ yếu của hệ thống chú giải này là bộ Rider Waite. Hệ thống chú giải này dựa chủ yếu trên Kabbalah, Thiên Chúa Giáo và Giả Kim Thuật. Các bộ thuộc họ này thường được gọi là Tarot Chuẩn Waite. Các bộ thuộc họ này thường được gọi là Tarot Chuẩn Waite (hay Rider-Waite Clones, Rider Waite Standard). Một số bộ tiêu biểu : Shadowscapes Tarot, Alabaster Tarot, Albano-Waite Tarot, Angel Tarot, Aquatic Tarot, Ator Tarot, Diamond Tarot, Giant Rider-Waite Tarot, Golden Rider Tarot, Hoi Polloi Tarot, Illuminated Tarot, International Icon Tarot, Radiant Rider-Waite Tarot, Simply Tarot, Tarot Nusantara, Tiny Universal Waite Tarot.

Hệ thống chú giải của Etteilla: là hệ thống chú giải do Etteilla đề xuất. Bộ bài chủ yếu của hệ thống này là bộ Grand Etteilla. Hệ thống chú giải này dựa chủ yếu trên Ai Cập học. Các bộ thuộc họ này thường được gọi là Tarot Chuẩn Etteilla. Một số bộ tiêu biểu : Grand Etteilla Tarot, Etteilla Tarotcard, Book of Thoth Etteilla Tarot ...

Hệ thống chú giải Marseille 78: là hệ thống chú giải do các nhà huyền học Pháp nhằm chú giải cho bộ tarot 78 lá. Điển hình là Ouspensky và Jodorowsky. Bộ bài chủ yếu của hệ thống này là bộ Tarot de Marseille. đặc biệt là phiên bản Nicolas Conver. Một vài ví dụ tiêu biểu :  Astro Tarot, Beginner's Tarot, Brave New World Tarot, Chat du Marseille Tarot. Corto Maltese Tarot, Dame Fortune's Wheel Tarot, Le Millenaire Tarot de Marseilles,, Mexican Tarot, Romanov's Dynasty Tarot, Starter Tarot, Symbolic Tarot, Tarot Classic, Tarot de la Rea, Tarot de Marcelino, 1JJ Swiss Tarot, Ancient Tarot of Marseilles, Ancient Tarots of Liguria-Piedmont, CBD Tarot de Marseille, ISIS Tarot de Marseille...

Hệ thống chú giải Marseille 22: là hệ thống chú giải do các nhà huyền học Pháp nhưng chỉ chấp nhận 22 lá Major mà thôi. Bộ chủ yếu của hệ thống này vẫn là Marseille. Một vài điển hình: Hofmann Tarot, Jamie Hankin Tarot, Jan Woudhuysen Tarot, Javanese Folktales Tarot, Kayne's Celtic Tarot, Kitchen Tarot, Le Macchine di Leonardo, Le Tarots Marseille de Jean Dodal, Lebanese Tarot, Les Adorables Tarot, Lilibel Tarot, LiteraTarot America, LiteraTarot Europa, LiteraTarot Oceania, Lorland Chen Tarot, Love Tarot, Lucky Pack Tarot, Madru: Das Baum Tarot, Medici Tarot, Millenium Tarot, Mouré Tarot,Major Tom's Tarot of Marseilles ...

3. Các Bước Phân Biệt:

Hình mẫu phân biệt: gồm bộ Joie de Vivre, bộ Tarot of Cerenonial Magic, bộ Tarot de Papus, bộ Tarot de Marseille.




- Bước 0: Phân biệt số lá bài

Nếu bộ bài có 22 lá bài thì đây là Hệ thống Marseille 22. Nếu bộ có 78 lá bài, đây thuộc về một trong các Hệ thống Waite, Thoth, Etteilla và Marseille 78. Chú ý rằng có trường hợp bộ bài chỉ xây dựng từ một phần của hệ thống 78 thì vẫn tham chiếu đến hệ thống 78 lá bài. 

Kết quả: Nhận ra được hệ thống Marseille 22

Ngoại lệ:

Ngoại lệ thứ nhất là trường hợp có 79 lá bài tức là do bộ bài chứa lá Happy Squirrel, thì vẫn giống bộ 78 lá bài. Một số điển hình: All Hallows TarotInternational Icon Tarot, Les Adorables Tarot 22, Picture Postcard Tarot, Tarot de Marcelino, Tarot of the Midnight Masquerade, Touchstone Tarot, Twilight Rabbit Tarot, Victorian Trade Card Tarot....

Ngoại lệ thứ hai là trường hợp các bộ cổ có chứa số lá bài nhiều hơn như Minchiaste 96 lá bài (có 40 lá hình so với 22 lá chuẩn), Visconti Morgan 86 lá bài (có 6 bộ lá mặt so với 4 bộ chuẩn)... thì xếp vào nhóm Marseille 78.

- Bước 1: Phân Biệt yếu tố hoạt cảnh trong Minor Arcana

Ở bước này, ta cần phân biệt giữa hệ thống Waite với các lá minor được vẽ hoạt cảnh, so với hệ thống Thoth, Marseille 78 và Etteilla sử dụng yếu tố số học. Waite sử dụng hoạt cảnh có nhân vật, giống như kiểu tranh hoạt động trong các lá Minor. Thoth, Marseille và Etteilla sử dụng các biểu tượng trang trí để diễn tả các lá minor. Xem hình bên dưới.

Kết quả: Nhận ra được hệ thống Waite.





- Bước 2: Phân Biệt yếu tố biểu tượng nền trong Minor Arcana

Ở bước này, ta cần phân biệt giữa Thoth với mô típ trang trí phức tạp so với Marseille và Etteilla với mô típ trang trí đơn giản. Ở hệ thống Thoth, các minor được mô tả thông qua một mô típ trang trí nền phức tạp với nhiều biểu tượng khác nhau. Trong khi Marseille và Etteilla chỉ chú trọng đến vị trí các đầu hình trong lá bài và có nền trống.

Kết quả: Nhận ra được hệ thống Thoth.





- Bước 3: Phân Biệt yếu tố biểu tượng Marseille trong Minor Arcana

Ở bước này, ta cần phân biệt giữa hệ thống Marseille với mô típ biểu tượng cố định so với các bộ Etteilla. Marseille với lịch sử hàng trăm năm và khá nhiều bộ bài dọc theo chiều dài lịch sử, tuy nhiên, mô típ của biểu tượng trong lá minor vẫn không thay đổi nhiều. Trong khi các bộ Etteilla thường được vẽ với mô típ biến đổi nhiều hơn.

Kết quả: Nhận ra được hệ thống Marseille và Etteilla.



4. Bản Chú Giải Các Hệ Thống

Hệ thống Waite: 
http://tarotmystery.blogspot.com/2011/11/chu-giai-ngan-cua-aewaite.html

Hệ thống Thoth: 
http://tarotmystery.blogspot.com/2011/11/chu-giai-ngan-cua-s-l-macgregor-mathers.html

Hệ thống Marseille 22: 
http://tarotmystery.blogspot.com/2011/11/chu-giai-ngan-cua-p-d-ouspensky.html

Hệ thống Marseille 78: 
http://tarotmystery.blogspot.com/2011/11/chu-giai-ngan-cua-papus-gav-encausse.html

5. Kết luận

Bản hướng dẫn đơn giản này có thể giải đáp phần lớn những bộ bài Tarot hiện tại. Tuy nhiên, luôn tồn tại ngoại lệ vì vậy cần phải tham khảo thêm các nguồn khác để có thể khẳng định rõ ràng hơn. Mặc dù còn nhiều thiếu sót, nhưng phương pháp phân biệt này đơn giản và hiệu quả hơn phần nhiều những cách phân biệt khác như theo lịch sử hay trường phái. Mong đây sẽ là một hành trang tốt cho các bạn newbie trong Tarot, đặc biệt là các bạn sử dùng handmade.
Philippe Ngo, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp.
Đọc tiếp »

Tản mạn Tarot và Tượng của Hans Gieng ở Bern

item-thumbnail
Tiểu Dẫn: Đợt nghỉ lễ tháng 4, tôi có đi tham quan thành phố cổ Bern ở Thụy Sĩ. Ý định ban đầu là đi thăm nhà nguyện Tarot ở lâu đài Avenieres, một địa chỉ huyền học Tarot nổi tiếng. Nhưng ước nguyện lại không thành do đường xá bị cản trở. Tuy nhiên, khi đến tham quan thành phố cổ Bern, tôi cũng đã phát hiện không ít các tư liệu và khảo cứu liên quan đến tarot. Vì vậy viết bài tản mạn này giới thiệu những phát hiện của tôi liên quan đến nhóm tượng của Hans Gieng tại Bern.

Thành phố cổ Bern là thủ đô của Thụy Sĩ, lại là một thành phố được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nổi tiếng nhất ở Bern là hệ thống các đài phun nước với các tượng và phù điêu độc nhất vô nhị, ra đời vào thế kỷ 14 đến 16. Hệ thống này bao gồm gần 100 đài phun nước với đủ các chất liệu. Các đài này liền mạch với nhau tạo thành một con đường dọc theo thành phố. Tại đây, tôi phát hiện ra hai vấn đề liên quan tarot. Một là hình tượng tarot được phát họa trên các bức tượng của đài phun nước. Hai là hình tượng tarot được phát họa trên tường của tòa thị chính. Mà cả hai điều này đều chưa bao giờ được nói đến trong các tài liệu tarot. 

Các motip tarot ở nhà thờ Chartres được Frornoy phát hiện đã gây được chấn động ít nhiều trong giới nghiên cứu tarot tại Pháp, thì motip tarot ở Bern lại chưa bao giờ được nhắc đến. Mặc dù, motip tarot ở Bern rõ ràng và đầy đủ hơn rất nhiều so với motip tarot thể hiện ở Chartres, giới tarot phải chăng đã bỏ sót nghiên cứu ở thành phố này ? Phần nghiên cứu này của tôi được chia làm 2 mảng lớn: motip tarot trên tượng đài phun nước và motip tarot trên tường Rathaus (sẽ viết ở một bài khác). 

Trong gần 100 đài phun nước ở Bern, tôi đặc biệt chú ý đến hệ thống 11 tượng do Hans Gieng tạo ra. Hans Gieng là nhà điêu khắc danh tiếng thời kỳ phục hưng ở Thụy Sĩ. Ông đã tạo ra hai hệ thống tượng phun nước ở Bern (còn 11 tượng) và Fribourg (còn 8 tượng) với mô típ gần giống nhau. Vì vậy, tôi phân tích không chỉ bó gọn trong Bern mà còn so sánh ít nhiều từ Fribourg. Hans Gieng không rõ năm sinh, mất năm 1562. Ông bắt đầu nổi tiếng từ 1525. Nổi tiếng tương đương và từng là cộng sự của ông, Hans Geiler cũng nổi tiếng với kỹ thuật làm tượng. Phong cách tượng của Hans Gieng chủ yếu là gô tích, nhưng đã có những cải cách mạnh mẽ gần như đạt đến phong thái hiện thực của phục hưng. Ông gần như sống và làm việc tại Fribourg, và cống hiến cho thành phố này 7 tượng phun nước. Ơ Bern, ông phục vụ từ 1542 đến 1546 với 11 tượng. Tôi cũng đã tra cứu thư viện thành phố Bern và tìm thấy vài tư liệu đáng giá: bản vẽ sơ khởi của các tượng đài tại Bern - Số hiệu R.C.35. Trong bản vẽ gồm 13 tượng và 1 tháp; hiện tại chỉ còn 11 tượng. Xem hình bên dưới.

Tư liệu số hiệu R.C.35 các tượng cổ tại Bern do Han Gieng thực hiện.

Chú ý là các tượng làm ở Bern ra đời sớm hơn (1542-1546) so với các tượng thực hiện ở quê nhà Fribourg (1547 - 1560), và cùng thời kỳ với sự hình thành đầu tiên của bộ Tarot de Marseille của Pháp. Khi phân tích các tượng này cần chú ý đến một đặc điểm chính trị của Thụy Sĩ: các thành phố bị chia ảnh hưởng văn hóa từ Pháp và Đức, điển hình là Geneva bị chi phối bởi văn hóa Pháp còn Bern bị chi phối bởi văn hóa Đức, cho nên cần chú ý đến sự phát triển và mô típ tarot của Đức trong hình tượng tarot ở Thụy Sĩ, chứ không thể chỉ xét đến mô típ tarot ở Pháp mà thôi.

Tượng Pfeiferbrunnen (Tượng người thổi kèn) - The Fool:

Pfeiferbrunnen

Tượng được đặt tại Bern, tượng này tôi cho là tương ứng với hình ảnh The Fool. Tôi dẫn hình ảnh từ bộ Hofamterspiel, một nhánh của Tarot với 48 lá bài, ra đời vào thế kỷ 15, thuộc nhóm bài Ambras (một nhánh biến đổi của Tarot tại phía Đức-Phổ), hình ảnh này lấy từ lá Narr (Kẻ khờ trong tiếng Đức) của bộ bài này, xem hình dưới. Mô típ này đại diện cho The Fool trong hệ thống Ambras Đức. The Fool ban đầu không hoàn toàn có nghĩa là kẻ đần độn, khờ khạo; ý nghiã này chỉ xuất hiện sau khi ra đời bộ Charles VI. Ý nghĩa ban đầu của nó liên quan đến các hóa trang lễ hội (như bộ Visconti Yale), và sau đó là kẻ du mục (như bộ Mantegna). Nếu hình ảnh kẻ khờ được tiếp tục ở các dòng Tarot của Pháp thì hình ảnh du mục được tiếp tục ở các nhánh Tarot ở Đức và Ý. Vì vậy, hình ảnh tượng này có thể làm các bạn tiếp xúc với Tarot từ phía Anh-Mỹ bối rối, nhưng với các tiếp cận từ Đức-Phổ thì không quá ngạc nhiên. Nếu quan sát kỹ tượng Pfeiferbrunnen, ta có thể nhận thấy những đặc điểm của kẻ du mục với quần rách ở gối, không mang giày mà mang vớ rách ở mũi chân... Hình bên dưới là lá Narr ở bộ Hofamterspiel.

Lá Narr (kẻ khờ) trong bộ Hofamterspiel

Tượng AnnaSeilerBrunnen (Tượng Anna Seiler) - The Temperance: 

AnnaSeilerBrunnen

Tượng Anna Seiler được tạo nên để tôn vinh người sáng lập nên bệnh viện đầu tiên của Bern. Hình ảnh đổ nước từ vại sang ly rất gần với hình ảnh lá The Temperance. Có vài điểm lưu ý: hình ảnh Temperance đổ từ vại sang vại xuất hiện khá thống nhất ở các tài liệu giấy thì hình ảnh đổ từ vại sang ly lại xuất hiện nhiều trên các tượng và phù điêu. Ví dụ bên dưới là hình ảnh Temperance trong tòa thị chính của La Rochelle. Ta còn có thể xem xét hình ảnh Temperance dưới góc độ màu áo. Theo truyền thống, áo của Temperance phối giữa 2 màu xanh và đỏ, với thân áo xanh và tay áo màu đỏ. Rất tiếc là bộ Waite không tuân thủ truyền thống này, nên đối với các bạn sử dụng mô típ Anh-Mỹ có lẽ không nhận thấy được. Hai màu áo này đại diện cho sự đối lập và cân bằng trong con người, màu đỏ tượng trưng cho máu và rượu, màu xanh tượng trưng cho nước và dịch. Hai bình hoặc ly đổ qua nhau cũng đại diện cho hai yếu tố này: một ly là rượu màu đỏ, một ly là nước màu xanh đại diện cho nóng lạnh, bình tĩnh và nóng nảy,... trong sự tự cân bằng. Một ví dụ điển hình là hình ảnh the temperance ở nhà thờ St James ở Canada.


Hình ảnh The Temperance ở Tòa Thị Chính La Rochelle, Pháp 


Hình ảnh The Temperance trên cửa kính màu của nhà thờ St James ở Montreal, Canada

Tượng Simsonbrunnen (Tượng Simson) - The Strengh:

Simsonbrunnen

Hình tượng lá The Strengh biểu hiện khá rõ trên tượng. Tượng này là hình tượng Samson xuất hiện ở kinh thánh Judges 14:5-20. Samson là một người khổng lồ có sức mạnh vô cùng đã chiến thắng và giết chết một sư tử. Samson là biểu hiện của Strengh. Thực ra lý luận lá The Strengh liên hệ với hình ảnh Samson và Sư tử, hoặc Heraclic và Sư tử không phải là lý luận mới mẻ gì. Rất nhiều nghiên cứu và suy đoán đã được trích ra và nghiên cứu như ở Aelectic Forum hay TarotPedia. Mặc khác, mô tip giết sư tử là một mô típ khá phổ biến trong nhiều nền văn hóa để tôn sùng một người hùng, hoặc một người mạnh mẽ; và hiển nhiên là tương ứng với khái niệm The Strengh. Tôi dẫn chứng một tượng cổ Assyrian do Jmc đưa ra trên Aelectic Forum cách đây khá lâu - Xem hình dưới. Chú ý rằng trong lá the Strengh thì hình ảnh là người phụ nữ, trong khi đó trên tượng là người đàn ông. Điều này cần dẫn về bộ Visconti, khởi nguồn của Tarot tại Ý. Lá The Strengh ban đầu không cố định là người đàn bà, trong nhiều trường hợp là hình ảnh người đàn ông. Chỉ khi bộ Marseille ra đời với mô típ đàn bà, thì hình ảnh đó mới được cố định và duy trì đến ngày nay. Bên dưới là dẫn chứng của tôi từ bộ Visconti Morgan (~1450). Tóm lại, lá The Strengh liên hệ với tượng Samson này là điều không có gì để bàn cãi. 

Lá The Strengh trong bộ Visconti Morgan (~1450)

 
Phù điêu The Strengh trong văn hóa Assyrian do Jmc dẫn chứng.

Tượng Gerechtigkeitsbrunnen (Tượng công lý) - The Justice:

Gerechtigkeitsbrunnen

Mô típ tượng công lý khá thống nhất và có thể bắt gặp thường xuyên. Vì vậy, hình ảnh tượng công lý ở Bern cũng không quá ngạc nhiên. Điều khiến tôi chú ý nhất ở tượng này là về hai tượng nhỏ bên dưới chân của thần công lý. Một tượng là vua mang kiếm, đội mũ miện và một tượng là giáo hoàng mang gậy chăn chiên, đội triều thiên. Chú ý là trong thời kỳ trung cổ châu Âu, không một vị trí nào có thể so sánh được với vị trí của giáo hoàng ở trần gian, huống hồ là tượng thần công lý với xuất xứ từ ngoại đạo Hi-La. Dù rằng thần công lý được chấp nhận và đồng hóa trong văn hóa công giáo, nhưng việc đặt tượng giáo hoàng phía dưới chân thần công lý là sự báng bổ không tưởng được. Không bất kỳ tượng Justice nào cùng thời kỳ sử dụng mô típ tương tự. Các tượng Justice tại khu vực văn hóa Đức (Bỉ, Thụy Sĩ, Áo ...) như Aarau, Boudry, Esslingen, Frankfurt, Solothurn, Worms, Wuppertal, Dresden, Regensburg, Winterthur... tôi đều đã tìm hiểu và không tượng nào tồn tại sự báng bổ này. Điều này chứng minh, hoặc giới cầm quyền Bern vào thời điểm đó, hoặc cá nhân Han Gieng đã có ý tưởng chống chúa trong các tác phẩm của mình. Mà Tarot cũng là một sản phẩm chống chúa (hình tượng Papess chẳng hạn).

Tượng Zähringerbrunnen (Tượng Zähringer) - The Devil:

Zähringerbrunnen

Tượng này vẫn còn tranh cãi về tác giả do Han Gieng hay Hans Hiltbrand thực hiện. Đây là hình ảnh không-người duy nhất trong loạt tượng, vì vậy, đưa lá này tương ứng với Devil là phù hợp nhất. Tượng ghi danh Berchtold von Zähringer, Berchtold V of Zähringen, Quận Công của Bern. Tượng gồm một con gấu lớn dưới dạng người, mang mũ sắt cầm cờ và khiên có phù hiệu của vua, dưới chân là con gấu nhỏ. Hiện vẫn chưa rõ vì sao người ta lại lấy kiểu hình tượng này để biểu hiện cho ông tại Bern. Hình tượng thường thấy là ông dáng hiệp sĩ, kèm theo con gấu nhỏ dưới chân như hình bên dưới. Theo truyền thuyết, linh vật của ông là gấu, và ông được so sánh với sự anh dũng của gấu, đây là một cách giải thích thông dụng đối với mô típ này. Tuy nhiên, tôi chú ý một đặc điểm khác khiến tượng này biểu trưng cho lá The Devil: trang trí xung quanh cột là 4 tượng Devil nhỏ với tai động vật, một chi tiết gần gũi với các lá The Devil.

Tượng của Quận Công đặt trước lâu dài, nay là nhà thờ Nydegg ở Bern

Tượng Kindlifresserbrunnen (Tượng Người Ăn Thịt) - The Death:

Kindlifresserbrunnen

Tượng có mô típ bí ẩn và là tượng nổi tiếng nhất ở Bern. Tượng này chính là cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng L'ogre (The Ogre) của Jacques Chessex với hình ảnh người khổng lồ ăn thịt em bé.  Theo tài liệu của City Council of Bern năm 1998 mà tôi tra cứu được, tượng được cho là diễn dịch một thuật ngữ tiếng Đức "Blutgerücht" (sách tiếng Anh thường dịch là Blood Libel). Đối với các bạn nghiên cứu Wicca thì Blood Libel chắc không quá xa lạ. Đối với các bạn mới thì tôi xin giải thích tương đối ngắn gọn: Blood Libel là một kỹ thuật ma quỷ, sử dụng máu người (thường là trẻ sơ sinh) để chế tác các phép thuật, một phần của nghi lễ hiến tế. Một trong các công dụng của nó chính là chế tạo Golem. Golem là một con quái vật được phù phép bằng nghi lễ Blood Libel, một kỹ thuật chủ yếu thực hiện bởi các phù thủy vùng Đức-Phổ. Thông thường Golem là một búp bê được làm bằng vải, rơm, sứ hoặc gỗ, được nuôi bằng máu. Golem duy trì sự sống bằng cách ăn thịt các bé sơ sinh để lấy máu. Theo Tam Điểm, Golem có thể thực hiện bằng bất cứ chất liệu gì miễn được thể hiện mắt-mũi-miệng-tay-chân với số lượng không hạn chế. Máu dùng cho Golem phải là máu của trẻ sơ sinh chưa qua lần trăng tròn đầu tiên trong đời (Bạn nào nghiên cứu Wicca cần tìm hiểu thêm về cái này thì mình sẽ nói riêng để tránh dài dòng trong bài). Tượng này vì sao không thể tương ứng The Devil ? Tôi nghĩ không ít bạn đặt câu hỏi này. Lý do là vì The Devil ám chỉ một con quỷ thực sự làm chủ bản thân, còn Ogre là một quái thú có chủ nhân và không thực sự làm chủ. Ogre thường là công cụ giết người. Hình ảnh tay chân trên tượng phù hợp rõ rệt với các mô típ về  The Death trên Tarot với hình ảnh các bộ phận bị cắt lìa trên mặt đất. Hình minh họa là lá The Death của bộ Visconti Yale (~1447) và hình ảnh nghi thức Blutgerücht do Hartmann viết (1493).

The Death của bộ Visconti Yale (~1447)

Một trang do Hartmann Schedels viết (1493)

Tượng Läuferbrunnen (Tượng Người Đưa Tin) - The Magician:

Läuferbrunnen
Những bạn nào đã đọc các bài nghiên cứu của tôi về lá The Magician và thần thoại Hi-La (tại đây) chắc sẽ dễ dàng hiểu vì sao tôi cho rằng tượng Läuferbrunnen đại diện lá The Magician. Lá The Magician nguyên mẫu lấy hình ảnh từ thần Hermes, thần đưa tin. Vì vậy, tượng này không thể ám chỉ ai khác ngoài The Magician. Chú ý hình ảnh cái mũ rộng vành và màu áo xanh-đỏ mỗi bên một nửa, không trùng lắp với bất cứ tượng nào khác ở Bern. Đây là các chi tiết đặc trưng thể hiện hình ảnh của The Magician. Hình ảnh con gấu bên cạnh có lẽ mang tính chất trang trí là chủ yếu khi hầu hết các tượng ở Bern đều có con vật đi theo và thường là gấu. Khiếm khuyết hình ảnh con rắn có lẽ là chi tiết duy nhất khiến cho lý luận này thiếu thuyết phục, tuy nhiên, hình ảnh ban đầu của The Magician cũng không có bất kỳ liên hệ này với con rắn một cách rõ ràng. Hình bên dưới là lá The Magician của bộ Tarot de Marseille (~1780).

The Magician trong bộ Tarot de Marseille (~1780)

Tượng Mosesbrunnen (Tượng Moses) - The Hermit:

Mosesbrunnen

Thánh Moses là một vị thánh quang trọng bật nhất trong cả Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo. Tượng này khiến tôi phân vân giữa 2 lá bài The Pope và The Hermit. Vị trí Moses lãnh đạo toàn Isarael tương đương với vị trí của Giáo Hoàng. Hai biểu hiện của giáo hoàng là Mũ Triều Thiên và Gậy Mục Tử được thay thế bằng Mũ Miện Ánh Sáng và Bảng Mười Điều cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, tôi thiên về ảnh hưởng của The Hermit vì Moses chưa bao giờ được so sánh với giáo hoàng, mà thường được nhắc đến vai trò của nhà tiên tri, tương đối gần với khái niệm Hermit. Thứ nữa, như trong Kinh Thánh, Moses chính là ngọn đuốc của dân Isarael: hình ảnh gụi gai cháy (Exodus 3:10-11),  vầng hào quang quanh đầu (Exodus 34:29-35), cái tên Moses có nghĩa là ra khỏi nước, ra khỏi nhơ nhớp, tìm thấy ánh sáng thiên chúa (Sách Shemot Rabbah 1:26); gậy phép của Moses tương ứng gậy của Hermit. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng tượng Moses đại diện cho hình ảnh The Hermit.

Tượng Vennerbrunnen (Tưỡng người cầm biển) - The Chariot:

Vennerbrunnen

Tượng Vennerbrunnen dưới cái tên là Banneret (Người cầm biển), tượng này thực ra phải dịch là người dẫn đường. Theo truyền thống của các nhóm dân Thụy Sĩ, người ta thường chọn ra một biểu tượng đại diện cho một cộng đồng hay hội nhóm, biểu tượng này được xem là tượng trưng cao nhất cho cộng đồng đó. Khái niệm này gọi là Guild. Venner là một khái niệm của Thụy Sĩ không có trong các văn hóa khác. Venner là đại diện cho nền chính trị-quân sự trong thời trung cổ Thụy Sĩ. Ông chịu trách nhiệm cho hòa bình và bảo vệ một khu vực đặc biệt thành phố và sau đó đem quân từ khu vực đó đến trận chiến. Trong văn hóa Thụy Sĩ, vị trí của Venner là một vị trí rất mạnh mẽ và quan trọng trong mọi hoạt động của thành phố. Mỗi một Venner được kết nối với một Guild và được lựa chọn từ Guild đó. Vì vậy tượng này có thể tương đương với hình ảnh của The Chariot trong Tarot. Dù vậy, lý luận này có vẻ khá xa thực tế trên bình diện hình ảnh biểu tượng: hình ảnh một Chariot bắt buộc phải có xe ngựa, mà điều này thì không có trong tượng Vennerbrunnen. Bộ Tarot duy nhất không có ngựa trong lá The Chariot là trong Giuseppe Maria Mitelli Tarot (~1660) - Xem hình bên dưới. Và một điểm nữa là tượng đã được đi dời và thay thế nhiều lần, không ai đảm bảo là ban đầu tượng không có xe ngựa nào bên dưới. Vẫn là một nghi vấn cần giải quyết.

The Chariot trong Giuseppe Maria Mitelli Tarot (~1660)

Tượng Schützenbrunnen (Tượng người mặt nạ) - ?

Schützenbrunnen

Tượng Schützenbrunnen dưới cái tên Maskman (người mặt nạ), tượng này có thể liên tương đến truyền thống trong ngày lễ Bacchos, khi mọi người mang mặt nạ dự lễ, dưới hình dạng một quái vật. Vì vậy, có thể liên hệ với lá The Fool (với hình tượng trong các bộ Visconti Ý) hoặc lá The Devil (với lý luận về Bacchos của Adelaine). Cá nhân tôi nhận thấy tượng này khó có thể liên hệ lá nào và bản thân nó cũng không mấy phù hợp với cái tên mà nó mang. Đặt biệt là hình ảnh Schützenbrunnen  giống hệt Vennerbrunnen ngoại trừ con vật đi theo. Trong trường hợp tượng Zähringerbrunnen không phải do Hans Gieng thực hiện thì đây sẽ là sự thay thế cho lá The Devil. 


Tượng Ryfflibrunnen (Tượng nhà quý tộc) - ?:

Ryfflibrunnen

Tượng này ban đầu có tên là Golatenmattgassbrunnen. Tên tượng hiện tại ảnh hưởng từ truyền thuyết về Sagittarius Ryffli (còn được biết với tên Schütze Ryffli), người đã bắn một viên đạn đường vòng để giết Knight Jordan III of Burgistein. Truyền thuyết này được sử gia Konrad Justinger nhắc đến trong nhiều tác phẩm của ông. Tượng này có lẽ ít quan hệ nhất với Tarot ngoại trừ một điểm: trang phục của tượng dành cho giới quý tộc và ít nhiều tương ứng vị trí King. Điều này có vẻ rất lạ khi mà hình tượng Sagittarius Ryffli đáng lẽ phải có trang phục dũng sĩ hơn là quý tộc. Mặt khác, hình tượng con gấu bắng súng ở dưới chân tượng đã mô tả hoàn chỉnh truyền thuyết về Ryffli rồi (trong đó con gấu, đại diện cho dũng sĩ chính là Ryffli). Một số nhận định khác cho rằng tượng ám chỉ Captain Anton Güder thì cũng phù hợp để diễn dịch cho rằng tượng này ám chỉ The King hay The Knight.

Phần kế tiếp là các tượng của Hans Gieng tại Fribourg. Chú ý là Fribourg thuộc vùng ảnh hưởng của văn hóa Pháp (khác với Bern thuộc Đức) nên tên tượng gốc bằng tiếng Pháp, vì vậy việc so sánh tên tượng giữa 2 vùng là không đồng nhất.

Đáng chú ý nhất trong loạt tượng này là hình ảnh Samson với mô típ hệt như Bern, hình ảnh tượng La Force giống với mô típ cột đá trong lá The Strengh  của bộ Tarot Minchiaste 1477, hình ảnh St Anne và St Jean giống sự tương ứng Pope/Popess, hình ảnh tượng Samaritaine giống mô típ lá The Town ...

Tượng Samson và Sư Tử  tương ứng The Strengh 

Tượng Samatariane giống mô típ The Town ?

Tượng La Force tương đương The Strengh

Tượng St Jean giống mô típ The Pope ? The Hermit ?

Tượng St Anne giống mô típ The Papess ?

Tượng St Georges giống mô típ The Chariot ?

Tượng Fidelite giống mô típ The King ?



Một vài nhận định:

Thứ nhất, các mô típ Tarot ở Bern trùng khớp nhiều đến mức mọi giả thiết về sự trùng hợp đều vô lý. Mô típ Tarot có thể trùng hợp ít nhiều với các mô típ cổ là điều có thật: The Temperance thật ra lấy từ bộ Tứ Virtual , Star-Moon-Sun có thể trùng lặp ở rất nhiều mô hình... Nhưng sự trùng lặp đến 10/11 tượng thì quả là kỳ cục. 

Thứ hai, các tượng này được Han Gieng thực hiện theo đặt hàng của Bern, vì vậy, không có lý do để cho rằng loạt tượng này thực hiện nhằm hoàn thành 22 lá tarot. Điều duy nhất có thể giả định, là Han Gieng, với lý do nào đó, đã thực hiện mô típ của hệ thống tượng này theo hình ảnh của Tarot hoặc mô típ của Tarot. Có thể đây là ý tưởng của chính nhà cầm quyền Bern, hoặc có thể là ý tưởng của riêng tác giả. 

Thứ ba, giả thiết rằng hệ thống tượng ở Bern độc lập với mô típ tarot thì điều này càng khẳng định rõ một điều: hệ thống thứ tự và tập hợp mô típ trong Tarot đã có lâu đời và Tarot chỉ là sao chép lại hệ thống đó mà thôi. Giả thiết hệ thống độc lập này không phải mới, nhưng ở Bern, sự chứng minh của nó quả thật rất đáng chú ý. Giả thiết này tuy xuất hiện gần đây, nhưng quả thật rất hợp lý.

Thứ tư, phần suy luận bên trên có sự suy diễn tương đối rộng và xa, sự tương ứng giữa các hình tượng không hoàn toàn nhất quán. Điều này là không thể tránh khỏi trong điều kiện mô típ ban đầu vẫn chưa tìm thấy, sự so sánh chỉ thực hiện ở hai nhóm mô típ kế thừa từ mô típ gốc, chưa kể sự khập khiễn khi so sánh giữa một bên là tượng, một bên là hội họa. Dù vậy, như đã nói ở trên, sự liên hệ này rõ ràng đến mức cần có những nghiên cứu theo hướng này về Tarot.

Đón xem phần kế tiếp: Tarot và Rathaus of Bern

Bonus: Ảnh tác giả chụp tại tượng Simsonbrunnen ở Bern


Ps: Để làm giàu cho kiến thức, hãy đọc nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều và đi nhiều ... Gửi lời cảm ơn đến Long, một mem tarot ở Thụy Sĩ vì đã giúp đỡ tác giả tham quan thành phố Bern. To Long: bộ Waite đã xài quen chưa ?

Phillippe NGO, tác giả Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot tại Pháp.

Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ