Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 01: THE FOOL

Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.


Phần 01: LE MAT
(The Fool)

Nhiều người gọi lá bài không đánh số này là lá bài số Không hoặc cũng có người gọi là lá bài Hai mươi hai. Xét tất cả trong 22 lá bài Arcana chính của bộ bài Tarot, lá Le Mat bao giờ cũng bí hiểm nhất và mang những ý nghĩa biểu tượng hấp dẫn.

Thứ nhất, về ý nghĩa con số gán cho lá bài. Trong trường hợp khi gọi lá Chàng Khờ là con số Không, dường như đó là sự lặp lại của một vòng chu kì khép kín mà con số XXI (Thế giới) chính là điểm kết thúc của cuộc hành trình đi tìm chân lý. Con số Không trong văn hóa của cả phương Đông và phương Tây biểu trưng cho sự hư vô, là sự khởi thủy, mới bắt đầu, hoàn toàn trống rỗng, giống với cái tên của lá bài – Chàng Khờ, ám chỉ sự khởi nguyên của con đường thụ pháp. Con số Không của lá bài này phù hợp với cách hiểu về Cuộc phiêu lưu của Chàng Khờ (The Fool’s jouney) ám chỉ sự tiến bước tới tri thức của chàng ngốc trên con đường tìm hiểu thế giới.

Tuy nhiên, nếu đặt lá bài này vào vị trí phía sau lá bài XXI (Le Monde – Thế giới), tức coi đây là lá bài số hai mươi hai, thì theo cách giải thích về ý nghĩa con số hai mươi hai ở trước đó. Con số này nằm sau con số Hai mươi mốt – con số hoàn mĩ, điều đó đồng nghĩa với việc sau khi kết thúc một chu trình hoàn hảo, tất cả sẽ quay trở về với sự khiêm nhường, tự nhận thức và bắt đầu một chu trình mới tiến bộ hơn. Như vậy, cho dù là số Không hay số Hai mươi hai, một điều có thể khẳng định chung rằng, hình tượng của lá bài Chàng Khờ chính là sự hướng tới con đường tiếp thu trí thức, tìm kiếm chân lý không bao giờ dừng lại và luôn luôn tiến bước.

Hình ảnh đó càng được thể hiện cụ thể qua hình ảnh lá bài. Chàng trai trong lá bài đội một chiếc mũ không vành màu vàng, chiếc áo có phần thân màu đỏ nhưng thắt lưng, hai phần vai áo rộng lại mang màu vàng, ống tay áo và quần màu xanh dương, chân đi đôi giày vải màu đỏ. Chàng ta tay phải chống một chiếc gậy màu vàng trên nền đất cũng mang màu vàng nốt, tay trái cầm một cây gậy nhỏ màu trắng treo một chiếc đãy mềm nhẽo như không đựng gì. Chàng ta bị rách một miếng vải quần phía sau và có một con chó đi theo kéo anh ta lại thế nhưng không hề bận tâm, chàng vẫn cứ tiếp tục tiến về phía trước. Những hình ảnh trên dễ khiến những người bình thường nghĩ rằng đây là một kẻ điên, thế nhưng trong mắt những nhà triết học, những nhà giả kim học thì đó lại là biểu hiện của một bậc Sư phụ.

Chàng Khờ mặc một chiếc áo ngắn màu đỏ, trong phần giải thích ý nghĩa màu sắc, nó ám chỉ một tri thức bí mật đang được ẩn giấu. Chiếc thắt lưng màu vàng trung gian bó buộc chiếc áo như một sự thu hẹp tự do một cách tự nguyện. Thắt lưng là biểu tượng mang tính vật chất hóa của lời cam kết, lời thề; trong thời xa xưa, dải thắt lưng có ý nghĩa thụ pháp thiêng liêng, trở thành một biểu hiện vật chất tôn vinh sức mạnh và quyền lực của người đeo nó. Trong Kinh Thánh, thắt lưng cũng là biểu hiện của sự liên kết chặt chẽ, sự gắn bó bền chặt theo cả hai nghĩa: liên kết trong phước lành và ngoan cố trong lời nguyền ( trích: Thánh vịnh). Còn người Do Thái khi cử hành lễ Vượt Qua, thì theo lệnh của chúa Yahve, ai ai cũng phải đeo thắt lưng.[1.47, 876] Hình ảnh Chàng Khờ như một người du hành, việc anh ta đeo thắt lưng nghĩa là sẵn sàng đối đầu với mọi hiểm nguy. 

Đôi chân của người lữ hành là đôi giày màu đỏ. Hình ảnh đôi giày hiếm xuất hiện rõ ràng trong các lá Arcana chính, mang giày màu đỏ lại chỉ có mình lá bài Chàng Khờ. Tác giả Jean Servier nhận xét trong cuốn “Những Cửa của tháng Năm” rằng: “Đi giày mà bước tức là chiếm lĩnh đất”. Tác giả dẫn những đoạn văn trong Kinh Thánh: Thời xưa, ở Israel có tục, mỗi khi thanh toán, trao đổi, để hợp thức hóa mọi công việc, mỗi bên rút dép ra và trao cho bên kia. Ở đây, cử chỉ đó nhằm xác nhận một hợp đồng trao đổi. Đặt chân xuống một thửa ruộng hay ném dép xuống đó thể hiện sự chiếm hữu, sỡ hữu chỗ đất ấy. Vậy giày dép là biểu trưng cho quyền sở hữu. Đôi giày cũng nhắc chúng nhớ đến vị thần Hermes trong thần thoại Hy Lạp, vị thần mang trong mình nhiều sứ mệnh, đôi giày có cánh của thần chính là quyền sở hữu hợp pháp đối với mọi miền đất nơi mà thần có mặt. Như vậy, đôi giày đỏ của Chàng Khờ cũng là sự sở hữu: sở hữu trí tuệ, sở hữu những tri thức bí truyền mà con người không ai hay biết. Theo cách sắp xếp các Arcana chính của Tarot de Marseille, lá bài Chàng Khờ xếp sau lá bài XXI (Thế giới) như sự hiển nhiên cho việc chàng ta nằm bên ngoài thành trì của cuộc đời. Chính vì không thuộc về thế giới này và tiếp tục bước đi trên con đường thụ pháp dù đã trải qua một chu trình hoàn hảo, Chàng Khờ thực chất đã mang trong mình một lượng tri thức dồi dào, phong phú nhưng lại khiêm nhường và trở về con số Không.

Hành động chống cây gậy màu vàng của chàng cũng mang ý nghĩa của hành trình đi tìm chân lý. Trong số tất cả các lá Arcana lớn, chỉ có mình lá Chàng Khờ là chống gậy. Cây gậy là vật chống của những người chăn cừu, người hành hương. Chính lẽ đó khiến nó còn là biểu tượng của người đỡ đầu, người thầy cần thiết cho quá trình thụ pháp, tượng trưng cho sức sống của con người. Cây gậy xuất hiện nhiều trong các thần thoại, là biểu trưng cho vũ khí, quyền lực và ma thuật. Trong Thiên Chúa giáo, cây gậy của người chăn cừu đã được cách điệu thành cây Pháp trượng của các Giám mục; trong huyền thoại Do Thái, đó là cây gậy màu nhiệm của Moise trong hành trình đi tìm miền đất Hứa của dân tộc Israel. Cây gậy mang màu vàng, màu sắc của chân lý siêu nghiệm, của tri thức thần thánh. Trong khi đó, chiếc gậy trên vai anh ta cùng với chiếc đãy trông như trống rỗng mang đến sự bí ẩn của hành trình khai tâm thụ pháp bởi lẽ màu trắng của gậy là màu của thần khải, của thiên ân, của sự biến đổi làm đánh thức và vượt lên trên ý chí; đó là màu của sự Hiền minh nhất. Trong thần thoại của người Celtes, màu trắng tích cực là màu dành riêng cho giới tăng lữ, giáo sĩ. Màu trắng đó cũng là màu của sự tổng hòa màu sắc, là màu của Chúa trời. Cũng theo như truyền thống của đạo Hồi, gắn liền với thâm trầm, sâu kín của con người là màu trắng, đó là màu của ánh sáng nội tâm, là điều bí ẩn, huyền bí cơ bản trong tư duy.

Hình ảnh con chó đang kéo Chàng Khờ lại cũng mang rất nhiều ý nghĩa bởi lẽ biểu tượng “Chó” xuất hiện trong tất cả các nền văn hóa và mỗi sự xuất hiện lại có những ý nghĩa khác nhau. Con chó ở đây có lẽ thể hiện cho cái tính “con” vẫn còn tồn tại, cái tính “thú” trong mỗi người luôn tìm cách ngăn trở con người đến với con đường đi tìm chân lý. Ở Đạo Hồi, con chó là hình ảnh của tất cả những gì xấu xa, đê tiện nhất trong thế gian; chó là biểu tượng của sự tham lam, phàm ăn, bị xem như một loài vật nhơ bẩn. Hình ảnh con chó gắn với những biểu tượng xấu xa, tội lỗi của quỷ dữ cũng xuất hiện nhiều trong thần thoại của những dân tộc Trung Á và Đông Âu sống dọc sông Volga. 

Tóm lại, chó là một biểu tượng với nhiều bình diện đối nghịch, nhưng đáng ngạc nhiên là, khi nhìn vào các biểu tượng của giả kim học, ta lại thấy hình ảnh con chó bị chó sói xé xác biểu thị cho sự tẩy rửa vàng, giai đoạn áp chót của Công trình vĩ đại. Dường như điều đó để ám chỉ việc giải quyết mâu thuẫn theo hướng biện chứng: tức là nhà hiền trết hoặc thánh nhân tự xé xác mình, hy sinh bản thân để cuối cùng đạt được cái đỉnh điểm của thắng lợi tinh thần. Hình ảnh con chó sẽ một lần nữa xuất hiện trong lá bài La Lune (Mặt trăng) cũng với những biểu tượng tương tự về loài vật canh giữ của địa ngục.

Việc Chàng Khờ cứ tiếp tục bước đi mặc kệ sự lôi kéo trở lại của con chó cũng dường như mang ý nghĩa tương tự như vậy. Hình ảnh chàng hiện lên như một kẻ điên, thế nhưng ta phải biết rằng, trong kinh Phúc Âm nói: Sự anh minh của loài người là điên rồ trong mắt Chúa và sự hiền minh của Chúa là điên rồ trong mắt con người: đằng sau từ điên ẩn giấu từ siêu nghiệm. Trong số những người điên, có một loại điên đó là: Con người hy sinh tất cả để có được sự hiền minh, là người được khai tâm thụ pháp mẫu mực. Đấy không phải ai khác mà chính là Chàng Khờ của bộ bài Tarot và chàng ta vẫn cứ tiếp tục đi trên những miền đất chưa khai phá của tri thức, nằm ở phía bên kia thành quốc của loài người.

Ghi chú: Jean Servier (1918 – 2000) là một nhà sử học kiêm dân tộc học người Pháp, ông cũng là giáo sư nhân chủng học và xã hội học của Khoa Nhân văn trường Montpellier. Các công trình của ông chủ yếu nghiên cứu các yếu tố không tưởng và bí truyền của vùng Địa Trung Hải. Gần cuối đời, ông giành thời gian nghiên cứu về truyền thống Israel.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 01: THE FOOL" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ