Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển - Chương IV: Phương Pháp Móng Ngựa của S.L.Mathers

item-thumbnail
A. HIỆU ĐÍNH

Ngay sau đây tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một vài phương pháp bói bài. Người bói có thể áp dụng bất cứ cách nào mà mình thích, hoặc có thể kết hợp các phương pháp lại với nhau.



Dù trong bất kì trải bài nào, thì điều quan trọng nhất chính là người bói cần phải xào bài thật cẩn thận. Có 2 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất: lật ngược một số lá bài trước khi xào và kênh (cắt) bài. Thứ hai, xào kĩ để thay đổi vị trí và thứ tự của các lá bài. Sau đó thì kênh bài. Khi xào và kênh bài, người hỏi nên suy nghĩ thật nghiêm túc về những vấn đề khiến bản thân lo lắng và mong muốn được giải đáp; nếu không những lá bài sẽ không thực sự linh nghiệm. Công đoạn xào và kênh bài nên được thực hiện ba lần liên tục. Người xào bài nên để úp các lá bài xuống. 

Trước hết, hãy xào và kênh bài thật kĩ, như đã hướng dẫn ở trên. Đăt lá đầu tiên lên bàn, ta đặt bên cho vị trí này là B, chia lá thứ hai ở bên cạnh, ta gọi là A (ta đã có 2 “cửa” bài A và B, dựa vào 2 cừa này, ta sẽ chia hết toàn bộ bộ bài.) Sau đó chia lá thứ 3 và 4 ở B, lá thứ 5 ở A; lá thứ 6 và 7 ở B, lá thứ 8 ở A; lá thứ 9 và 10 ở B, lá thứ 11 ở A. Cứ tiếp tục chia hai lá ở B và 1 lá ở A cho đến khi hết bộ bài. Ta sẽ có tụ A gồm 26 lá và tụ B gồm 52 lá.

Bây giờ hãy lấy 52 lá của tụ B lên. Chia lá trên cùng xuống một chỗ trống, ta gọi vị trí đó là cửa D, chia lá tiếp theo ở một vị trí khác gọi là C. (Ta có 2 cửa C và D). Tiếp tục chia lá thứ 3 và 4 ở D, lá thứ 5 ở C; lá thứ 6 và 7 ở D, lá thứ 8 ở C; cứ thế ta chia hết 52 lá. Lúc này ta có 3 tụ bài: Tụ A có 26 lá, tụ C có 17 lá và tụ D có 35 lá.

Ta lại lấy tụ D gồm 35 lá lên, chia lá đầu trên cùng xuống một chỗ trống khác gọi là F, lá tiếp theo ở E (để tạo nên 2 “cửa” E và F.) Ta tiếp tục chia lá thứ 3 và 4 ở F, lá thứ 5 ở E, cứ thế chia hết 35 lá.

Lúc này ta sẽ có tất cả 4 tụ: A có 26 lá, C có 17 lá, E có 11 lá và F có 24 lá. Đặt tụ F sang một bên, những lá bài này sẽ không dung để bói, các lá này được xem như không liên quan tới vấn đề được hỏi. Bây giờ chỉ còn A, C và E.

Trải 26 lá bài ở tụ A úp xuống theo chiều trải từ phải sang trái (lưu ý rằng không được thay đổi trật tự của các lá) để chúng trông giống như hình móng ngựa, lá trên cùng lúc này nằm thấp nhất phía tay phải, và lá thứ 26 nằm thấp nhất phía tay trái. Đọc ý nghĩa của các lá bài từ phải sang trái trước khi giải thích. Khi hoàn thành, ta sẽ có câu trả lời bằng cách liên kết các lá bài lại với nhau như sau: Lấy lá đầu tiên và lá thứ 26, kết hợp ý nghĩa của chúng lại, tiếp theo lấy lá thứ 2 và lá thứ 25, tiếp tục cho đến cặp cuối cùng là lá thứ 13 và 14. Giải nghĩa xong thì đặt A sang một bên, làm tương tự với tụ C và tụ E.

Đây là một phương pháp bói bài cổ xưa được tin rằng rất linh nghiệm.

B. BÌNH LUẬN

a. Nguồn gốc:

Phương pháp này được được tìm thấy trong cuốn The Tarot của S. L. MacGregor Mathers xuất bản năm 1888.

Samuel Liddel MacGregor Mathers, sinh năm 1854, mất 1918. Ông được biết đến như là một trong những người sáng lập ra hội Golden Dawn. Ông vừa là thầy, vừa là kẻ thù của Crowley, tác giả của bộ Thoth. 

Những tác phẩm của Mathers như Book T, The Tarot, Kabbalah Unveiled, The Key of Solomon… luôn có giá trị là chuẩn mực để người ta tham chiếu vào.

Nói như vậy để các bạn có thể thấy rằng, phương pháp trong cuốn sách The Tarot này là một trong những phương pháp cổ điển và có độ tin cậy cao đến mức nào.

Phương pháp rút bài hình móng ngựa (Horseshoe Spread) là một phương pháp cổ điển, phiên bản của nó thường có 6 hoặc 7 lá. Ở đây tác giả đã nâng số lá lên rất nhiều lần, nhưng phương pháp giải kết hợp từng cặp lại với nhau thì vẫn giữ nguyên.

Có vẻ như việc chia số lá bài thành 26, 17, 11 có cùng chung nguồn gốc với phương pháp Thoth của Etteilla.

b. Cơ sở lý luận: 

Tuy tác giả không giải thích nhiều về phương pháp này, nhưng ta có thể nhận thấy rằng, bộ bài cuối cùng sẽ được chia thành 4 tụ, 4 tụ này tương ứng với 4 chữ thần thánh mang tên của Chúa Y H V H, hay ứng với 4 nguyên tố Lửa, Nước, Khí, Đất. Trong đó, chỉ có 3 tụ được dùng để bói, 3 tụ này tương ứng với 3 chữ đầu tiên Y H V, hay ứng với 3 nguyên tố Lửa, Nước, Khí. Trong 4 âm tiết Yod, He, Vav, he thì chữ “he” thứ 2 chỉ là âm gió, trong 4 nguyên tố thì Đất là nguyên tố phụ được thêm vào sau cùng, bởi vậy nên Mather đã bỏ đi tụ cuối cùng trong 4 tụ, xem như trong đó không có chứa đáp án của câu hỏi.

Tụ A, 26 lá. 26 trong phép diễn giải số học thần thánh (Gematrica) nó được xem là số huyền nhiệm. Vì nó đúng bằng tổng giá trị của 4 chữ cái tạo thành tên chúa Yod = 10, He = 5, Vav = 6, he = 5. 

17 là một con số có ý nghĩa quan trọng trong cuốn Sáng Thế Ký.

11 là một con số huyền nhiệm, được hội Thelema của Crowley xem như là con số linh thiêng.

Mà ta thấy rằng 26 = 78/3. 17 ~ 52/3. 11 ~ 35/3. Vậy mấu chốt của phương pháp này là qua 3 lần chia 3 bộ bài ta sẽ lấy được ra những lá bài mình cần.

c. Ưu và nhược điểm của phương pháp này:

- Ưu điểm: Sử dụng được trong mọi câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi yêu cầu độ chi tiết cao thì càng hữu dụng. Phương pháp này bạn không cần phải nhớ vị trí, ý nghĩa của từng vị trí là gì, bạn chỉ cần biết cách chia bài, gần giống cách chia bài tú lơ khơ, vậy là xong. Giải bài bằng cách kết hợp các lá bài từng đôi một, khi đã làm quen với ý nghĩa của các lá bài rồi, bạn sẽ đọc nó một cách rất nhẹ nhàng và đơn giản.

- Nhược điểm: Quá nhiều lá bài cho một trải bài, nên nó không thích hợp đối với những vấn đề nhỏ, đơn giản. Vì nó sử dụng quá nhiều lá bài, nên để giải xong một case ắt hẳn sẽ ngốn của bạn không ít thời gian. Một vấn đề nổi cộm của phương pháp này là nó không có ý nghĩa của từng vị trí, thậm chí từng hàng của nó cũng không có ý nghĩa nhất định. Như vậy ý nghĩa của nó hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm cũng như kiến thức của người bói.

d. Những lưu ý trong phương pháp này:

Đây lá một phương pháp, theo như lời tác giả, cổ điển. Nhưng nó khác với các phương pháp cổ khác, nó không có lá bài đại diện (Significator, Inquirer…). 

Có 2 vấn đề được nêu ra ở đầu phương pháp này: 1 là đảo ngược một số lá lại để có lá ngược. Phương pháp tạo lá bài ngược này đã được A.E. Waite kế thừa trong cuốn sách Pictorial Key To The Tarot của mình. Vấn đề thứ 2 là xào bài thật kĩ. Trong khi xào và kênh bài phải tập trung suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề cần giải đáp. Đây là vấn đề muôn thuở, nó vừa mang tính thủ tục vừa mang tính tâm linh. Nếu bạn không thành tâm, các lá bài liệu có ứng nghiệm cho bạn?

Xào và cắt bài 3 lần liên tục. Cách xào bài này cũng được A.E. Waite áp dụng trong phương pháp Celtic Cross.

Không có ý nghĩa cho từng vị trí, từng cặp, thậm chí từng hàng của nó. Nhưng thông qua phép Gematrica ta có thể xác định được phần nào.

Số 26 được xem là con số thần thánh, tượng trưng cho Chúa. Vì vậy ta có thể gán cho tụ A 26 lá là những sự kiện được Chúa sắp đặt, mang tính định mệnh. Số 26 ứng Danh từ Yehovah (YHVH) được xuất hiện lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 2:4.

Với con số 17, nó xuất hiện lần đầu trong Sáng Thế Ký 1:4 với từ towb (TVB) mang ý nghĩa “điều tốt đẹp”. Như vậy ta có thể xem xét tụ 17 lá như là những điều thuận lợi, điều tốt đẹp sẽ đến trong vấn đề được hỏi.

Con số 11, ứng với từ “ed” (VAD) xuất hiện lần đầu ở Sáng Thế Ký 2:6 mang ý nghĩa những điều còn che giấu, chưa sáng tỏ, nó cũng mang ý nghĩa những điều muộn phiền. Từ đó ta có thể xem như tụ 11 lá nói về những trở ngại, những điều còn ẩn giấu phía sau vấn đề cần hỏi.

Phương pháp đọc bài bằng cách gom 2 lá lại với nhau theo từng cặp thoạt nghe có vẻ khó, nhưng nếu đọc kĩ phần giải nghĩa trong The Tarot, nó sẽ trở nên khá đơn giản.

Với tụ 17 và 11 lá, lá ở giữa sẽ là trung tâm sự kiện và nó đứng một mình, không bắt cặp với lá nào khác.

C. KẾT LUẬN:

Phương pháp trải bài móng ngựa của S.L. Mathers trong cuốn The Tarot là một phương pháp cổ hoàn toàn có cơ sở để tin cậy. Các bạn có thể áp dụng nguyên mẫu phương pháp này hoặc kết hợp với các phương pháp khác. Cách đọc bài bằng từng đôi một có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp, ví dụ như trải bài freestyle 3 lá, 5 lá, 7 lá… Cụ thể nhất thì nó có thể được áp dụng vào phương pháp OOK sẽ được đề cập đến ở các phần sau.

Phương pháp này, với số lượng bài lớn, có thể giải quyết triệt để các vấn đề lớn nhỏ. Nhưng đôi khi lại khá mất thời gian. Vì thế hãy áp dụng tùy trường hợp. Đây là một phương pháp cổ rất đáng tin cậy.

Đọc các chương còn lại của cuốn Hiệu Đính Các Trải Bài Cổ Điển của Long Phan & Philippe Ngo.
Long Phan, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot ở tp.HCM. 
Đọc tiếp »

Sự Kiện WE ARE NEWBIE Tại Sài Gòn [30.05.2015]

item-thumbnail

[Event] WE ARE NEWBIE Tại Sài Gòn [30.05.2015]




Chương trình gặp gỡ giao lưu của các thành viên hội Tarot Huyền Bí để trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm. Sự kiện We Are Newbie là một sự kiện thường niên của Tarot Huyền Bí nhằm giúp đỡ cho những người mới trên con đường Tarot.

Lần này, chương trình với sự góp mặt của hai Reader nhiều kinh nghiệm, chuyên nghiệp và tận tụy với Tarot là : Lê Vân và Phùng Lâm. Họ sẽ có sự trao đổi, bộc bạch những thăng trầm buồn vui trên con đường đồng hành với Tarot.

Bạn có thể gửi trao đổi, thắc mắc của bản thân cho hai Reader ở địa chỉ : adminphunglam@tarothuyenbi.info

Thời Gian Và Địa Điểm :
- Thời gian : 14h30 -17h, ngày 30.05.2015 ( Thứ 7 )
- Địa Điểm : Văn Cafe, 172 Trần Huy Liệu, Quận Phú Nhuận, HCM

Các bạn vui lòng đến đúng giờ để ban tổ chức có thể sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho bạn.

Hình Ảnh Lưu Niệm:















Bạn có thể ghé thăm Lê Vân tại trang Lê Vân's Corner

Link Sự Kiện 2014: 


Đọc tiếp »

Tản Mạn Về Nghiệp (Karma) - (P1)

item-thumbnail
I. Nghiệp (Karma)

Đầu tiên cho Yết được xin lỗi cả nhà về bài viết hôm trước. Bài viết trước yết có nhắc đến khái niệm Karma của phương tây. Thực ra đến bây giờ khi nghiên cứu lại thì thấy mình nhầm, thực chất karma không phân biệt theo cách hiểu của cả hai bên huyền học. Cái được cho là Karma của phương Tây thực chất chỉ là một phần trong khái niệm Karma nói chung được cả thế giới chấp nhận. Nhìn đi nhìn lại thì Karma là một khái niệm huyền học phương tây đi mượn nên khó có thể phát sinh dị bản được. Dù thế nào thì karma cũng là một thứ rất hay. Karma được chia thành có hai loại: 

A. Karma do bản thân gây ra

Loại karma này được trình bày rất rõ ràng và kĩ lưỡng trong bài viết của anh Phil Ngo về Lục đạo luân hồi đồ. Loại karma này thực ra xuất phát từ bên trong chúng ta, do bản thân ta tạo nên, do vướng mắc phải mười hai duyên mà bị kéo vào vòng xoáy luân hồi. Tâm của bánh xe luân hồi cũng chính là tâm của chúng ta. Tâm chúng ta chi phối mọi hành động mà tạo nên karma. Tâm chúng ta được biểu tượng bằng hình ảnh ba con vật là gà ( đại diện cho tham lam ), heo ( đại diện cho si ngốc ), rắn ( đại diện cho sân hận ). Việc phân tích về nó thì có lẽ cả nhà nên tự nghiên cứu về bài viết của anh Phil Ngo sẽ hiểu được tường tận hơn. (http://www.tarothuyenbi.info/2011/02/luc-ao-luan-hoi-o-va-tarot.html)

Karma. Ảnh: Internet
B. Karma do thời điểm cuộc sống gây nên

Loại karma này nếu xét thực chất thì cũng là do bản thân như loại trên nhưng về thời điểm xuất hiện của nó thì khác. Loại karma này chắc chắn ai cũng sẽ phải gặp nó chứ không thể tự mình quyết định tạo ra hay không như loại karma bên trên. Nếu hiểu nôm na thì nó chính là việc giống như bất kỳ học sinh nào cũng phải đi thi đại học đó. Rất kinh khủng, đáng sợ nhưng ai cũng phải gặp. Chúng ta sẽ phải đối mặt với “bài kiểm tra” do các hành tinh tạo nên. Nó yêu cầu chúng ta phải lớn lên sau quãng thời gian chưa xảy ra “ bài kiểm tra ” đó. Chính vì tính phổ quát này nên các phái đạo thuật cũng như các khoa đoán mệnh có thể chỉ ta cách tránh nó hoặc chuyển nó cho người khác. Đó là nguyên nhân của đạo thuật. Nó giúp mang số mệnh con người chống lại một phần quy luật của trời đất, tránh khỏi những tai ương trên đường đời. Và cũng vì thế mà các hình thức như bùa phép, hình nhân thế mạng, bla bla bla ra đời hay việc dự đoán các nơi, các lĩnh vực có thể xảy nguy hiểm mà các khoa đoán mệnh đoán ra để tránh. Và loại karma này trong ngôn ngữ chiêm tinh học, người ta gọi nó là vận hạn. Khổng tử cũng từng có câu: “ tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh”. Câu này đã ám chỉ quá rõ ràng về từng giai đoạn biến cố lớn chúng ta sẽ phải đối mặt trong đời người. Đoạn đầu là tam thập nhi lập là điển hình của mỗi người đều sẽ dính vào vận hạn của Thổ tinh vào giai đoạn thổ tinh hồi vị cũng như chiron thực tế sẽ ở vị trí đối góc với chiron trong bản đồ sao của bạn. Đây là giai đoạn mà mọi người thấu hiểu rõ ràng về sự trưởng thành và thời gian. Bất kì ai sau khi trải qua nó sẽ đều phải thốt lên một câu: “ Mình già thật rồi ”. Hay như những người dính vận của Thủy tinh nghịch hành, khi dính phải loại vận hạn này, trí tuệ của họ sẽ bỗng chốc bị “ ngu ” đột xuất. Nếu ai đó tinh ý thì sẽ nhận ra, tất cả những gì chạy nghịch trong chiêm tinh sẽ đều sẽ phải hướng vào trong bản thân nội tại để tìm câu trả lời. Vậy những hành tinh mang tính bên trong như Hải Vương Tinh hay Chiron thì sao? Tác dụng nghịch hành của nó là gì? Những hành tinh đó khi nghịch hành thì năng lượng của nó sẽ tăng lên nhiều lần hơn so với khi thuận hành. Thủy tinh nghịch hành sẽ làm chúng ta khó tiếp thu được kiến thức bên ngoài và thay vào đó, chúng ta sẽ phải cảm nhận lại mọi kiến thức bên trong chúng ta, sắp xếp lại chúng và phát triển chúng. Nó là chiêm nghiệm lại và tự ngộ ra điều gì đó mà chúng ta đã vô tình bỏ quên.

Nhìn chung lại thì Karma chính là một dạng nợ nần mà chúng ta phải trả. Loại nợ này sẽ bám đuổi chúng ta, gắn liền với bản đồ sao của bản thân cho đến khi chúng ta học được hoặc giải quyết được chúng. Vì sao lại thế? Vì đơn giản chúng ta là những chỉnh thể hài hòa với vũ trụ. Vũ trụ vận hành với nguyên lý của sự cân bằng hay cách gọi khác chính là thuyết nhị nguyên. Mọi thứ bên trong nó đều có hai mặt. Sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập sẽ tạo nên một thế cân bằng. Chúng ta tạo ra karma tức là làm lệch đi cân bằng vũ trụ nên theo cơ chế thì sẽ cần phải có một động lực nào đó tác động ngược trở lại để đẩy ngược nó trở lại trạng thái cân bằng. Điều này có thể hiểu nôm na chính là định luật II Newton về lực với ý nghĩa kiểu như khi ta tác động một lực vào vật thì sẽ có một phản lực tác động ngược trở lại. Cảm giác khi chúng ta hứng chịu karma là sự căng thẳng, sự khó chịu hay tức giận vì những thứ oái oăm, những tình trạng xấu xảy đến với chúng ta. Nếu ai như có ai từng hỏi câu: tại sao tôi lại yêu một đứa tồi như anh cơ chứ? Hay tại sao người đó lại làm đau mình? Tại sao cha mẹ lại bỏ rơi con như thế? Đó chính là những biểu hiện rõ nét nhất của Karma. Và tất nhiên khi rơi vào tình trạng đó, có rất nhiều cách để thoát ra. Nhiều người thiền định để nhận thấy bản chất của nó, nhiều người cố gắng sửa chữa nó theo các cách khác nhau, hay có những người chạy trốn và bỏ mặc nó. Dù làm gì đi nữa thì nó vẫn sẽ đeo bám bạn cho đến khi bạn hiểu được ý nghĩa đằng sau nỗi đau đó, tại sao nó lại đến với bạn. 

II.Liên hệ với chiêm tinh

Mỗi chúng ta được sinh ra đều phải thở. Tất nhiên chúng ta ai cũng cần phải thở mới sống được. Hơi thở đầu tiên sau khi chui ra khỏi bụng mẹ chính là thứ quan trọng quyết định cuộc sống của mỗi người. Nó mang năng lượng của cả hệ mặt trời đóng băng lại và đặt vào bên trong mỗi chúng ta. Và vì thế, trong mỗi chúng ta là một tiểu vũ trụ vào thời điểm chúng ta sinh ra. Chúng ta sống và sử dụng nguồn năng lượng từ hơi thở đầu tiên đó cho đến cuối đời. Dân gian xưa có thể vì thế mà có câu nói: “ cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Ngày xưa yết có đọc được một câu nói rất hay: “ cái gì có quy luật thì đều có thể dự đoán”. Như vậy cuộc sống, hệ mặt trời cũng như vũ trụ có quy luật nên chúng cũng là những thứ ta có thể dự đoán. Và chiêm tinh học ra đời. Và chúng ta nhờ vào chiêm tinh học và thời điểm chúng ta sinh ra để hiểu bản thân và dự đoán số phận trong quá khứ và tương lai của bản thân chúng ta. Và tất nhiên, cũng vì quy luật nên chúng ta biết được karma mà bản thân mang bên trong mình là gì, bài học mà chúng ta phải học từ thất bại ở kiếp trước. Mỗi con người đều phải va chạm với rất nhiều người trong xã hội nên chúng ta sẽ có một cuốn sổ nợ khá dầy. Và cái hệ thống nợ được tính bằng đơn vị sổ đó đã được mã hóa trong từng thời kỳ đối với cuộc sống của mình nên sẽ bạn yên tâm là sẽ được trả dần dần cho hết nợ. 

Karma. Ảnh: Internet
Quay lại với chủ đề chính, cảm giác của chúng ta khi gặp phải karma là cảm giác căng thẳng, phiền phức và khó chịu. Trong bản đồ sao thì những thứ mang lại cảm giác trên là vuông góc (90 độ), đối góc (180 độ), các thứ có liên quan đến Saturn, sự phân bố quá lệch của các hành tinh trong tứ góc cung hoặc các bán cầu, tính nghịch hành của một vài hành tinh bla bla bla. Còn vai trò của các cung địa bàn (cái mà mọi người vẫn gọi là nhà 1, nhà 2,… trên bản đồ sao) là nơi chúng ta có thể nhận ra được karma đang ẩn nấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nơi nó là nơi mang lại những cảm giác như căng thẳng, khó chịu, phiền phức,… cho chúng ta khi phải đối mặt cũng như khi trốn tránh. Và trên thực tế, mọi người vẫn thường hay gặp karma về tình yêu ( cung 5), công việc ( cung 10), sức khỏe ( cung 6), nợ nần ( cung 8),…. Vuông góc ám chỉ về một thử thách chúng ta phải vượt qua, là bài học mà chúng ta đã thất bại từ kiếp trước. Và tất nhiên, theo lý thuyết thì chúng ta có thể coi nó là một khoản nợ từ kiếp trước. Nếu tinh tế, bạn sẽ nhận ra, thử thách này chính là thử thách giữa những cung hoàng đạo cùng mode nhưng khác nguyên tố. Đối góc ám chỉ về một mục tiêu không thực tế, sự chia cách, mâu thuẫn, một sự giằng xé giữa hai hành tinh với nhau hay xét trong một mối quan hệ thì nó gián tiếp tạo nên kẻ thù, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên nỗi đau thể xác hoặc tinh thần cho bạn. Đây chính là sự mâu thuẫn về năng lượng hoàng đạo giữa các cung hoàng đạo đối đỉnh với nhau được thể hiện qua các hành tinh. Mọi người có thể tìm hiểu cụ thể về tính năng của các góc chiếu này qua bài viết giải mã góc chiếu của bác ad bên chòi chiêm tinh. (xem ở đây). 

Và nếu xét về karma, chúng ta sử dụng hai loại góc chiếu này là chủ yếu. Đó là đối góc và vuông góc. Tất nhiên là các trường hợp ngoại lệ như các góc chiếu liên quan đến Thổ tinh nó cũng mang ý nghĩa tương đương như hai loại góc chiếu bên trên. Xét về góc chiếu thì còn một giả thuyết mặc dù chưa kiểm chứng nhưng Yết thấy cũng khá thuyết phục. Đó là tác dụng của đối xứng phản gương dọc. Hãy lấy bản đồ sao của bạn ra. Sau đó lấy trục AC – DC làm trục đối xứng. Các hành tinh nằm trong các cung đối xứng nhau qua trục AC – DC sẽ cũng có tác dụng tương đương như đối góc. Ví dụ cặp Thiên Bình vs Xử Nữ, cặp Bọ Cạp vs Sư Tử, cặp Nhân Mã vs Cự Giải,… Nhưng ở đây có 2 nhược điểm khiến nó không được tin tưởng về sức truyền tải thông tin về karma đó là về orb ( sai số cho phép ) và sức ảnh hưởng. Đối xứng phản gương dọc có sức ảnh hưởng yếu hơn đối góc và có sai số là 1 độ. Tính chất của nó không mạnh và sai số khá nhỏ. Chỉ có những góc chiếu mạnh mới có orb lớn và max của orb hình như là 8 độ. Ví dụ trùng tụ, vuông góc, đối góc,… Nhiều người bây giờ chắc đang thắc mắc, nếu họ có karma về vợ chồng thì sao? Như vậy là karma có thể do 2 người tạo nên? Chẳng phải bên trên nói rằng karma do bản thân gây ra sao? Chúng ta nên hiểu rằng mối quan hệ vợ chồng có chứa karma thực chất cũng chỉ là của riêng bạn. Nói cách khác đi, mối quan hệ đó chỉ có tác dụng như môi trường để bạn nhận ra bài học mà bạn phải học, món nợ mà bạn phải trả. Có một hành tinh được mệnh danh là Lord of Karma. Đó chính là Thổ tinh. Mọi người có thể lục lại bài liên hệ giữa Thổ tinh và lá The World trong tarot của Yết để xem về nguyên do tại sao người ta lại gán nó với cái tên Lord of Karma. Điều cuối của phần Karma do bản thân này xin được phép nhấn mạnh: KHÔNG CHỈ MỘT MÌNH THỔ TINH MỚI ĐỀ CẬP TỚI KARMA. 

Phần trên chủ yếu là về Karma do bản thân gây ra. Karma do thời điểm cuộc sống gây nên lại là một loại khác và loại này yết đã trình bày trong bài viết về Thổ tinh và The World lần trước. Nó chính là những vận hạn chúng ta sẽ gặp. Trong chiêm tinh vận hạn, các hành tinh thực tại tạo góc chiếu với chính hành tinh đó trong bản đồ sao chính là vận hạn. Các góc chiếu khi xem xét là vuông góc, đối góc và trùng tụ. Tất nhiên là có trường hợp ngoại lệ với các góc chiếu liên quan đến Thổ Tinh cũng mang ý nghĩa tương đương. Ngoài ra còn có vận hạn của từng hành tinh thực tại đi vào trong từng cung địa bàn trong bản đồ sao của bạn sẽ mang đến những ý nghĩa đặc biệt riêng. Ngoài ra còn có một vài loại khác như các tác động của các hành tinh thực tại với nhau sẽ tổ hợp năng lượng lại và mang ý nghĩa và tác động khác nhau đến chúng ta. Ngoài ra cũng xin chia sẻ thêm về phần vận hạn thủy tinh nghịch hành đối với một số người. Hãy lục lại trong lịch thiên văn thời bạn sinh ra. Nếu bạn không sinh vào thời mercury nghịch hành thì hãy xem bạn sinh trước thời khắc nghịch hành bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu năm sau, bạn sẽ gặp vận Thủy Tinh nghịch hành. Giả sử sau khi bạn sinh 5 ngày thì xảy ra Thủy Tinh nghịch hành. Như vậy sau 5 năm, bạn sẽ gặp vận thủy tinh nghịch hành. Cách tính này cũng đúng với các hành tinh có thể nghịch hành. Như thế có nghĩa là chỉ có mặt trời và mặt trăng của chúng ta là không nghịch hành thôi. Ngoài ra thì tác động của các góc chiếu trong chiêm tinh học với Thổ tinh thực tế với thổ tinh trong bản đồ sao của bạn sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Điều đặc biệt nhất là những giai đoạn có góc chiếu căng thẳng giữa Thổ Tinh thực tế và Thổ tinh bên trong bạn. Phần này Yết sẽ trình bày sau trong một dịp khác. Phần chiêm tinh học vận hạn này cả nhà nên tự tham khảo vì chính bản thân yết cũng chưa tìm hiểu hết về các loại vận hạn nên phần Karma do thời điểm cuộc sống xin phép được dừng ở đây.

Vậy cảm giác sau khi chúng ta trả được món nợ này là gì? Tất nhiên, sau khi trả được một món nợ, ta sẽ thấy bình yên trong tâm hồn. Đó là vì bạn đã thiết lập lại trạng thái cân bằng bên trong bản thân mình. Tất nhiên là cái thứ karma của kiếp trước vẫn ở trong tâm hồn bạn vì bên trong bạn vẫn còn tồn tại năng lượng vũ trụ thời điểm bạn sinh ra và nó là bất biến đối với bạn. Nhưng giờ đây, bạn biết rằng bạn đã có chìa khóa để hóa giải đó, để nó ngủ yên bên trong bạn. Như đã nói ở trên, nếu muốn thử xem khả năng xoay xở của bản thân đến đâu thì trò chơi “ karma ” là sự lựa chọn không tồi. 

Phần sau Yết sẽ trình bày về một vài thu nhặt của bản thân về tính karma trong một vài nhân tố trong chiêm tinh học.

Tiểu Yết Yết, thành viên Tarot Huyền Bí, thành viên Mật Hội Tarot, một người nghiên cứu về Tarot tại Hà Nội. Bài viết mang quan điểm của tác giả. 
Lời của ban biên tập: có nhiều luận điểm giải thích trong bài viết khá đơn thuần và chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, bài viết tương đối rõ ràng về quan điểm và có ví dụ rất xác đáng cụ thể trong chiêm tinh.  
Đọc tiếp »

The Tower trong Rider Waite Tarot Và Tính Cách Một Người

item-thumbnail
The Tower trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Wikipedia

The Tower gắn liền với câu chuyện về tháp Babel, về mộng tưởng xây dựng một toà tháp chạm tới thiên đường bằng những vật liệu do chính loài người tạo ra. Kết quả là Chúa đã chấm dựt họ bằng cách phân chia ngôn ngữ của họ, khiến họ không thể nào hiểu nhau. Đó là tại sao, ta thấy sự chia cách của 22 Kí Tự Hebrew, thể hiện 22 cánh hoa bị chia làm hai bên, bên 10, bên 12. Con số 10, tượng trưng cho 10 sephiroth. Số 12 tượng trưng cho 12 chòm sao hoàng đạo.

Ngoài ra, 2+2= 4 là Emperor đại diện cho chòm sao Bạch Dương, chòm sao bị cai quản bởi Mars, tức the Tower. Đồng thời, 1+0=1; 1+2=3; 1*3= 13, tức Death, Hổ Cáp, chòm sao thứ hai bi cai quản bởi Mars.

Tia sét có hình dạng của the Flaming Swords, đỉnh tháp có hình Vương Miện tức Kether, the Crown. Hai người rơi xuống, một nam (Chokmah), một nữ (Binah).
 

Tower thể hiện một người có hoài bão to lớn, viễn vong, mong muốn thay đổi cả thế giới bằng chính đôi tay của mình. Họ luôn sẵn sàng đạp bỏ cái cũ đễ lập nên cái mới, tiếp nhận những định kiến mới và đấu tranh, cãi cách bất công trong xã hội. Điều họ làm, không hoàn toàn vì mọi người xung quanh, mà chỉ vì muốn thể hiện, khẳng định bản thân của mình, cũng như là người dân xây dựng tháp Babel vậy.

Ở mặt xấu, Tower thể hiện một người không dám tiếp nhận những cái mới, cứ sống khư khư trong toà tháp mình đã xây dựng lên cho đến khi mọi thứ sụp đổi mới thôi.

Điểm chung của cả 2 mặt là họ điều sống trong sự tự hào (pride) của mình. Ở tích cực, họ tự hào vì mình có thể đóng góp cho xã hội, dù mục đích không thật sự là thế. Ở tiêu cực, họ tự hào vì mọi thứ mình xây dựng lên đã quá hoàn hảo đến mức từ bỏ mọi sự thay đổi vì sợ rằng mình sẽ không bao giờ xây dựng được cái thứ hai.


Bé Béo, thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết mang quan điểm của tác giả. 
 
Đọc tiếp »

[ Viết Riêng Cho Tarot ] Dẫn Nhập Ngắn

item-thumbnail



TAROT
DN NHP NGN

***

Lời Cảm Tạ


Để viết được những nội dung này, tôi đã phải đi qua một con đường dài. Từ một người lóng ngóng cầm bộ bài Tarot đầu tiên chẳng biết cách tráo bài, cho đến những để thức trắng để lang thang trên mạng tìm tài liệu. Tôi cũng như các bạn, đều đã từng là người mới, bước vào khu rừng mang tên Tarot đầy huyền bí, đầy quyến rũ. Và thật là thiếu sót, nếu không nhắc đến ngôi nhà chung là Tarot Huyền Bí, mà từ đó tôi làm quen được với những con người phi thường. Thí dụ như bài học đầu tiên với Anh Kiều Thương, hay Tiểu Yết Yết ở miền Bắc, rồi những lần gặp gỡ ngoài đời với Cà Phê. Và giờ bắt đầu theo đuôi Anh Phil Ngo để níu áo xin học hỏi. Và còn nhiều thật nhiều những người khác, nếu để kể tên hết chắc cũng phải cần đến gần mấy chục trang giấy.

Xin cám ơn những người vừa là thầy vừa là bạn của tôi.
Mỗi lần nghe mọi người gọi Pupu ( một cái tên dành riêng cho tôi trong tarot huyền bí), tôi lại cảm thấy vui đến lạ kì. Nói như Chế Lan Viên, " Khi ta ở chỉ là nơi đất ở./ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn." Tất cả thời gian ấy, cho đến bây giờ đã là những kỷ niệm đẹp đẽ trong tôi. Trong ngôi nhà chung ấy, mỗi ngày là có người đến, người đi, có người lại gần, có người rời xa. Phải nói, tôi may mắn hơn nhiều người khi được những người đi trước dắt dìu những bước nhỏ trên con đường Tarot. Và hôm nay, tôi đã đi được một quãng đường nhất định, đủ để nhìn lại, chiêm nghiệm. Và sực nhớ ra, đến lúc mình cần làm điều gì đó cho những người mới, như tôi đã từng.
Đây là lý do ra đời những bài viết ngắn về Tarot này.
Phùng Lâm



Lời Mở Đầu


Càng hiểu biết, con người càng tự do.
Plus les hommes seront éclairés, et plus ils seront libres.
-Voltaire


Tarot không đơn giản chỉ là một công cụ để bói toán, hay là công cụ để kiểm tra tâm lý. Vì một công cụ dù tinh xảo đến đâu rồi cũng sẽ theo thời gian mà mang trên mình nhiều hỏng hóc. Còn Tarot lại có một sức sống hết sức mãnh liệt trong nền văn hóa phương Tây, đi từ Ai Cập cổ, qua đến Hi Lạp cổ, vượt qua thời Trung Cổ tăm tối, và rồi phát triển rực rỡ ở thời hiện đại. Mọi tồn tại đều hợp lý, Tarot cũng vậy.

Nhưng Tarot hiện đại có quá nhiều trường phái, đơn cử như trường phái về tâm lý hoặc trường phái về tâm linh, hay kết hợp cả hai. Đôi khi tôi muốn tin, nhưng biết tin vào điều gì đây? Khi mà mỗi trường phái đều có cái hay cái lý của mình?

Đó là lý do, tôi trở về tìm hiểu Tarot nguyên thủy, với những sách vở cổ xưa. Nhưng cũng không quên đọc sách của Hamvas Béla, hay lắng nghe Jung để đứng vào trong tư tưởng của những con người khổng lồ này để nhìn ngắm và chiêm nghiệm Tarot. Con đường của người khác đi, là con đường của họ. Chúng ta chỉ có thể chọn lựa và bước đi trên con đường của chính bản thân.

Trong dẫn nhập ngắn này, tôi sẽ giới thiệu với bạn về tarot, về vấn đề niềm tin, tiếp đó lại nói về tâm linh và tâm lý, tại sao lại có sự phân nhánh như vậy. Và chúng ta càng cần phải cẩn thận điều gì!

Kế tiếp đó, lại bàn đến Nghiệp và vấn đề Nghiệp với Tarot. Sau cùng, ta sẽ nói về con đường mà chúng ta sẽ đi.

***



Chương 1 : Tarot. Chúng Ta tin vào điều gì ?

Tự do tư tưởng là sức sống của linh hồn.
Liberty of thought is the life of the soul.
-         Voltaire

1. Tôi từng thấy một người đàn ông sau khi uống một loại bí dược có thể khiến ông ta đưa tay vào lửa mà không cảm thấy đau đớn. Càng ngày, ông ta càng uống bí dược nhiều hơn, trong những lời tung hô và vòng hoa của những kẻ khác. Ông ta bắt đầu tin mình là người được thần lửa chọn lựa để đại diện cho người ở thế gian này. Để dùng ánh sáng của ngọn lửa, soi rọi hết thảy bóng đêm trên thế gian.

Những kẻ chống đối dám bảo ông ta một kẻ cuồng tín dối trá. Tất nhiên, bọn chúng đều có một kết quả chung, lên giàn hỏa. Vào một ngày đẹp trời, người đàn ông của chúng ta đã có quyết định, rất quan trọng. Thần lửa đã gửi đến cho ông ta thần dụ, rằng con của người sẽ bước vào lửa, để rồi từ ngọn lửa thiêng, con của người sẽ lần nữa giáng thế.
Buổi lễ được tổ chức một cách tưng bừng, cờ hoa rợp trời, đèn màu sặc sỡ, trong điệu tango nồng cháy những vũ nữ thân gầy nhảy múa. Quần chúng ăn mặc đẹp đẽ để đi dự lễ tái sinh của gã đàn ông.

Nhưng bạn biết chuyện gì đã xảy ra không ?
...
Sau đó, buổi lễ gặp trục trặc. Gã đàn ông bị thiêu ra tro. Và chẳng có ai hay thứ gì được sinh ra từ đống tro tàn cả. Còn quần chúng bắt đầu la ó, phản đối dữ dội vì gã đàn ông đã làm họ phí công ăn mặc đẹp đẽ. Quần chúng chửi bới, họ vừa đi vừa chửi.
" Đù, thần lửa gì chứ! Tà thần thì có."
" Giết nó đi, đập đổ tượng nó trước khi nó kịp đẻ trứng."

Hôm đó, tôi hình như đang say, bị bạn nhậu rủ rê lôi kéo nên cũng có đi tham gia. Âu cũng là một kỷ niệm.
***

Tại sao tôi lại dài dòng kể chuyện với bạn như vậy. Vì tôi muốn nhắc nhớ bạn là, bạn có quyền tự do để tin vào niềm tin của mình. Thậm chí là chết vì nó. Nhưng bắt người khác lên giàn hỏa ( hãy xem đây là một cách nói ẩn dụ) vì bất đồng niềm tin với lại là thảm họa. Bạn có thể tin vào hồn bài, nhưng nếu vì quá tin vào nó mà bạn cho rằng mình có khả năng bay thì bạn cứ thử leo lên tòa cao ốc tầm mười tầng là vừa, rồi nhảy xuống. Xem thử hồn bài có giúp bạn bay được không ?

2. Hầu hết mọi người trong chúng ta hẳn đã trải qua cảm giác bối rối với bộ bài Tarot với bảy mươi tám lá bài trong lần đầu chúng ta chạm vào bộ bài thứ nhất của mình. Tôi cũng vậy.

Ban đầu, tôi bước đi mà cứ có cảm giác sương mù giăng quanh mình. Không người hướng dẫn, không bạn bè. Chỉ có thể trông chờ vào mình. Tôi đã tìm và tìm, đọc rất nhiều ý kiến của nhiều người khác nhau về các nên làm thế nào khi có một bộ bài mới. Hay có, dở có. Và tôi rút ra một điều quan trọng, là với Tarot chỉ có một luật lệ duy nhất, đó là tình yêu thương. ( Love is Law)

Thoạt tiên, tôi chỉ nghĩ đơn giản Tarot là những lá bài đơn giản được sắp xếp xây dựng trên những hệ thống nhất định. Và sự thật, tôi đã nghĩ quá đơn giản. Tarot phức tạp hơn tôi nghĩ nhiều.

Theo những tìm tòi và học hỏi từ những người đi trước, tôi biết rằng Tarot là một dạng giao ước cổ xưa của những nhà hiền triết vĩ đại với các đấng thiêng liêng. Đây là một dạng thức giao ước có thể kế thừa lại. Tất nhiên, tôi lại có một suy nghĩ khác, Tarot vừa đồng thời là một giao ước cổ, đồng thời lại là sự cô đọng tinh hoa trí tuệ cổ xưa được xây nhưng trên một hệ thống nhất định.

Tất nhiên, đây không phải là cách nhìn nhận duy nhất về Tarot . Chúng ta hãy lắng nghe Jung, bậc thầy khai sinh ra tâm lý học phân tích, nói về Tarot :

" Một trong những khái niệm kỳ lạ dựa trên các kinh nghiệm huyền bí trong Tarot, đó là nó luôn chứa đựng tính lưỡng tính (sự hợp nhất của hai mặt trái ngược nhau trong một cá thể lá bài - từ gốc là hermaphrodite). Đó là một bộ các lá bài, ban đầu được dân Gypsy sử dụng.
Nếu tôi nhớ không lầm thì những lá bài hiện đang được trưng bày ở Tây Ban Nha có nguồn gốc từ thế kỉ 15. Những lá bài này chính là nguyên mẫu của bộ bài chúng ta sử dụng ngày nay, trong đó có hai màu đỏ và đen đại diện cho sự đối lập, và chia ra làm bốn phần – chuồn, bích, rô, và cơ – cũng có liên quan đến các biểu tượng riêng lẽ mang tính tượng trưng. Chúng là các hình ảnh, ký hiệu tâm linh gắn liền với chính người chơi, giống như là tiềm thức của người đó đang đùa giỡn với những hình ảnh bên trong lá bài. Chúng kết hợp lại theo cách nào đó, và các kiểu kết hợp khác nhau tương ứng với sự phát triển qua các sự kiện chính trong lịch sử nhân loại. Các lá bài nguyên thủy của Tarot bao gồm các lá bài truyền thống, the king (nhà vua), the queen (hoàng hậu), the knight (hiệp sĩ), the ace (Ách), v.v… - chỉ có các hình ảnh khác biệt nhau đôi chút – và bên cạnh đó còn có 21 lá bài chứa các biểu tượng, hình ảnh mang tính tượng trưng cho các tình huống khác nhau.Ví dụ, biểu tượng mặt trời, hay biểu tượng người đang ông bị treo ngược với hai bàn chân ở phía trên, tòa tháp bị sấm sét đánh vào, hay vòng quay định mệnh, v.v…
Những hình ảnh nguyên mẫu đó, cùng với việc mô tả tính chất khác biệt nhau, gắn kết nó với các yếu tố có sẵn trong tiềm thức, và qua đó nó có thể áp dụng phương phát trực quan nhằm thấu hiểu dòng chảy sinh mệnh, thậm chí có thể dự đoán các sự kiện xảy ra ở tương lai, dựa vào các nghiên cứu về sự bổ túc giữa nó với tình thế hiện tại. Đây là phương thức tương tự như I Ching (Kinh Dịch), phương pháp bói toán của người Trung Hoa ít nhất cũng cho phép nghiên cứu chính xác hoàn cảnh thực tại. Bạn thấy đó, con người luôn cảm thấy phải tìm cách để thâm nhập vào tiềm thức của mình để tìm ra được ý nghĩa của hoàn cảnh thực tế, bởi luôn có một sự sắp đặt tương tự , thậm chí giống hệt nhau giữa hoàn cảnh phổ biến có thể gặp và tiềm thức chung của nhân loại."
Trích trong Carl Jung và Tarot



Sau đó là nhà triết học Hamvas Béla cũng đã nói về Tarot,

" 8. Chúng ta có những ký ức không quên về Ai cập cổ. Hai mươi hai bức hình; cái ngày nay người ta dùng làm hai mươi hai con bài, hai mươi mốt tấm ảnh đánh dấu bằng chữ và con số từ một đến hai mươi mốt. Hai mươi hai tấm ảnh, con bài Tarot, thể hiện hai mươi hai mức độ nhập định của Ai cập cổ.
Những bức hình như: vua (quyền lực - vaulting ambition), bánh xe (bánh xe của số phận), sự may mắn (vòng quay tròn), nạn nhân, sự vượt ngưỡng (thần chết). Bức hình cuối cùng trong tập bài không chữ và con số là anh hề.
Anh hề, đúng vậy, không chữ và không số, phù hợp với một anh hề chính cống, thứ tự sau cùng, như một kẻ đứng ngoài cuộc chơi, kẻ không được tính đến, kẻ cần phải nhắc đến vì cảm hứng của cái toàn bộ, bởi chàng ta có mặt tại đây, không thể phủ nhận. Đấy là Arlequin-anh hề. Vẫn còn là tử tế, khi nhắc đến chàng ta. Ở Ai cập người ta vẫn còn coi trọng.
Tri thức về nhập định là linh hồn người khi đã đi hết con đường của tất cả các vương quốc có thể của số phận, sẽ cập bến không số, không chữ, sẽ đến một điểm ngoài cuộc chơi, chỉ còn gắn bó với toàn thể vì có thể cười lên tất cả.
Đấy là kẻ mà toàn bộ sự hiện hữu là midsummer madness- cơn điên giữa mùa hè. Có thể đây là một trò riễu cợt ác. Nhưng mọi giá kẻ này xử sự bằng một sự thiếu tôn trọng bất hủ và đủ khả năng để lật tẩy các nhà vua, để sàm sỡ với họ. Khi Stavrogin đang nói chuyện với vị tướng, bỗng đứng lên, đến gần và không báo trước, cắn ngay vào tai vị tướng.
Khi người ta nói với Arlequin-anh hề những điều thông thái ghê gớm, chàng ta rung chuông đính trên đỉnh mũ, và khi người ta hỏi, mi muốn gì để ta cho, chàng ta trả lời, tránh ra đừng che mất bóng nắng.

9.
Không chỉ những kẻ nhập định Ai cập nhắc nhở đến tri thức của Arlequin - anh hề. Phúc Âm gọi Arlequin - anh hề là một linh hồn nghèo. Phúc thay ai có linh hồn nghèo khó.
Tại sao anh hề lại đứng ở đỉnh cao nhập định của quân bài Tarot? Tại sao chàng ta không có ký hiệu, con số và chữ? Tại sao chàng ta đứng ngoài cuộc chơi mà vẫn, vẫn… tại sao vẫn mạnh nhất, mạnh nhất, hơn cả vua, hơn cả số phận hay thần chết?
Bởi vì mức độ điên của sự nhập định, mức độ thứ hai mươi hai, chỉ có Con Người đạt nổi, kẻ không bao giờ sợ hãi nữa. Không sợ: bị chết đói, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục, bị chê cười, hay bị hành hạ, bị khóa trái tù ngục hay bị đánh vỡ đầu. Trong anh hề không có chút kính cẩn nào với hệ thống khen thưởng hoặc ban phát tiền bạc. Anh hề không sợ sự chửi mắng và những giấc mộng, không sợ những thí nghiệm, những áp phích những súng đã nạp đạn, không sợ sẽ chết sớm hơn thời gian phải chết."
Trích trong tiểu luận " Arlequin"
Nguyễn Hồng Nhung dịch.


Những điều ở trên, chỉ là các cách nhìn nổi bật nhất về Tarot, và tôi tin mỗi bạn hẳn sẽ có lựa chọn và một cách nhìn nhận riêng cho chính bản thân mình. Tranh cãi với những người bất đồng với mình đôi khi chỉ làm lãng phí thời gian sống của bạn, vì người thắng chưa chắc là đúng, và kẻ thua chưa chắc là sai. Trong địa hạt của Huyền Học, khó để mà phân định đúng sai. Chúng ta không phán xét một người vì vẻ bề ngoài của họ, hay vì vị thần mà họ tôn thờ. Và tất nhiên, chúng ta phải quyết liệt với những kẻ lợi dụng Tarot vào những mục đích không tốt, để trục lợi, để làm tổn thương người khác.
Bạn hãy nhớ rằng, càng có nhiều góc nhìn, chúng ta càng đến gần sự thật. Càng hiểu biết, chúng ta càng tự do.

***




Chương 2 : Tarot. Sự tranh cãi giữa Tâm lý và Tâm linh

)O(

Bạn nghĩ con người, là thiện hay ác ? Có người bảo sinh ra là thiện, có kẻ kêu đẻ ra đã là ác.
Thực ra, chúng ta bị mắc vào giữa hai luồng quan điểm này. Con người là sự pha trộn giữa thiện và ác. Song ở một mức độ mang tính phức hợp cao. Đơn cử như khi bạn ra trận giết trăm ngàn kẻ địch, bạn là anh hùng. Nhưng khi bạn trở về giết cô bạn gái bội tình của mình, bạn là kẻ sát nhân. Cuộc sống nhiều màu sắc hơn bạn tưởng, chứ không đơn thuần chỉ là hai màu đen trắng.

Với Tarot cũng vậy.

Chúng ta bị mắc kẹt vào sự tranh cãi giữa hai luồng tư tưởng, Tarot là Tâm lý và Tarot là Tâm linh. Và để trả lời cho câu hỏi này. Trước hết, phải hiểu rõ được vấn đề mà ta đang bàn luận đến.

1.Tarot và Tâm Lý

Tôi khá băn khoăn với câu hỏi : " tại sao chúng ta lại bốc đúng lá cần bốc để diễn tả sự việc mà thân chủ của chúng ta muốn nói, hoặc đang đối mặt?" Nếu xét về tính ngẫu nhiên, tại sao lại là những lá đó mà không phải là những lá kia. Và tại sao lại đúng với điều thân chủ chúng ta đang nghĩ ?
Có một người nói với tôi rằng, Tarot giống một tấm gương của tâm hồn có thể phản chiếu hết con người của chúng ta từ ý thức bên ngoài cho đến vô thức bên trong. Tôi đồng ý, ví von này khá là hợp lý. Nhưng điều gì tạo nên tấm gương này ? Và cách thức nó hoạt động ?

Tarot là một môn huyền học tương tự như Kinh Dịch, khó có thể đem khoa học để ép vào giải thích về Tarot. Vì như vậy, có đôi khi chúng ta chẳng biết sẽ cho ra đời thứ quái đản gì. Để hiểu rõ về khoa học, cũng như các mô hình, học thuyết. Các bạn có thể tìm đọc cuốn " Biên Giới Khoa Học" của David  Helfand của Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ). Hoặc chương 4, nói về "Tiên Đoán Tương Lai" trong cuốn Vũ Trụ Trong Một Vỏ Hạt.

Quay trở lại vấn đề, trong The Archetypes of the Collective Unconscious (Nguồn gốc tiềm thức chung) (CW, Tập 9:1, đoạn 81), Jung viết:

“Nếu muốn thấy rõ bức tranh toàn cảnh tái hiện quá trình tượng trưng hóa, thì tập hợp các hình ảnh trong giả kim thuật là ví dụ tiêu biểu. . . .
Dường như tập hợp hình ảnh trong các lá bài Tarot có nguồn gốc xa xôi gắn liền với các sự chuyển đổi nguyên thủy, một quan điểm của tôi trong bài thuyết trình rất rõ ràng được duyệt bởi giáo sư [Rudolph] Bernoulli. Quá trình tượng trưng hóa là sự thử thách bên trong các hình ảnh và thuộc về các hình ảnh. Sự phát triển của nó thường thể hiện lối kết cấu  enantiodromian*  giống như các trích dẫn trong I Ching, và qua đó thể hiện một  nhịp điệu biến đổi lẫn nhau về xấu và tốt, mất và còn, tối và sáng.” [*một thuật ngữ của người Hy Lạp được Jung sử dụng để chỉ ‘những thứ có khả năng lật ngượt lại và trở thành mặt đối lập của chúng]."

Trích trong Carl Jung và Tarot.
Tarothuyenbi.info

Chúng ta nên biết rằng Tarot được xây dựng dựa trên nhiều nền tảng từ những hình tượng, cho đến hệ thống triết học bốn nguyên tố của Hi Lạp cổ, rồi chiêm tinh học, cây sự sống .v.v.v. Ở vấn đề tâm lý, chúng ta xét đến vấn đề các hình tượng. Các hình tượng  trong Tarot được xây dựng nên từ các biểu tượng cổ gợi nhớ nên điều thiện bên trong sâu thẳm của tiềm thức con người. Vì vậy khi nhìn vào lá bài, người thân chủ sẽ có những phản ứng bộc lộ ra bên ngoài bằng nhiều cách. Người xem bài bắt đầu trò chuyện trao đổi với thân chủ. Tựa như gặp một bác sĩ tâm lý để tìm cách tháo gỡ khuất mắc trong lòng. Ở trường hợp này, người ta ít khi đưa ra các tiên đoán mà chỉ đưa ra những lời khuyên.


Vậy tại sao lại không tìm đến một bác sĩ có bằng cấp chuyên môn về tâm lý mà lại tìm đến một người đọc bài Tarot ? Vì đôi lúc, những người theo trường phái này cũng tiên đoán về tương lai, và những tiên đoán này đúng. Nên những thân chủ đặt niềm tin vào họ. Và điều thiện mà lá bài Tarot khơi gợi lên trong tiềm thức của người thân chủ, sẽ luôn là lựa chọn tốt nhất với người thân chủ. Điều này có thể hiểu, là những lá bài lời khuyên mà người đọc bài giải ra sẽ là hướng đi tốt nhất dành cho thân chủ, để họ có thể tự quyết định mình phải giải quyết vấn đề theo hướng nào.

***

2. Tarot và Tâm Linh

Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ đánh đổi cuộc đời để bảo vệ quyền được nói của anh.
I do not agree with what you have to say, but I'll defend to the death your right to say it.- Voltaire

Có một điều lạ, tôi nhận thấy người theo trường phái Tâm Lý đôi khi lại có thái độ bài xích với người theo phái Tâm Linh. Tất nhiên, một lẽ vì Tâm Linh thì đôi khi khá mơ hồ, không rõ ràng, khiến những người thích rõ ràng cảm thấy khó hiểu. Mà con người chúng ta luôn luôn tìm cách để lý giải mọi thứ, chúng ta khó để chấp nhận những điều khó hiểu, hoặc có xu hướng phủ nhận những điều đó.

Lẽ thứ hai, Tâm Linh từ xa xưa đã mang theo bên cạnh mình những thứ ung nhọt, những kẻ dựa vào niềm tin, sự hoảng hốt, e sợ của người khác để trục lợi. Rồi dăm ba tên không coi mình là người, mà cứ thích làm thần làm thánh để phàm nhân quỳ xuống thắp nhang cúng gà khấn bái.

Một người đi theo con đường tâm linh, thường chỉ thực hiện các thủ tục mang tính chất cá nhân để rút bài, sao đó thực hiện việc giải bài cho người thân chủ của mình. Trong quá trình này sự trao đổi giữa hai bên khá ít. Với điều kiện trước nhất là bốc bài đúng, sau đó mới đến tùy theo khả năng của người đọc bài để có thể giải bài. Và đa số người theo trường phái này hay đưa ra những lời tiên tri về sự việc xảy ra trong tương lai.

Với một định nghĩa mang tính tương đối, Tarot là một dạng giao ước mang tính kế thừa, thì bây giờ chúng ta đang sử dụng giao ước ấy. Và tùy vào mức độ khả năng của người xem mà sự liên kết với đấng thiêng liêng mạnh hay yếu, và đấng này sẽ hỗ trợ chúng ta trong việc rút đúng lá bài cần rút. Phần việc còn lại là của chúng ta. Điều này có thể giải thích cho vấn đề tại sao lại rút đúng lá cần rút ở mục phía trên.

Tuy nhiên, Tarot theo hướng Tâm linh không chỉ đơn giản như vậy. Như ông Hamvas đã viết, thì mỗi lá ẩn chính đều là những mức độ nhập định của tinh thần. Hay nói cách khác, Tarot là chìa khóa, và vị thầy im lặng hướng dẫn chúng ta tìm hiểu về bản thân, cũng như tiến hóa lên mức độ cao của tinh thần.

***

3. Tarot và Chữ Tâm

Tôi có một cái nhìn, đơn giản hơn với tranh luận này. Tarot khi trong quá trình rút bài, tráo bài là Tâm linh, và trong quá trình giải bài cho thân chủ thì lại là Tâm Lý. Và hẳn dù bạn theo trường phái nào, thì vẫn có chữ Tâm ở đầu.

Với Tarot, dù chúng ta làm gì thì cũng cần phải đặt cả tấm lòng mình vào đó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đi thật xa trên con đường này. Nếu không cũng chỉ là một trò vui nhất thời của tuổi trẻ.
***



Chương 3 : Tarot và Nghiệp


1. Nghiệp
" Nghiệp chờ trên bậc cửa "

Nguyên gốc tiếng Phạn từ Karma ( Nghiệp ) có nghĩa là " hành vi", nhưng nó được phát triển một cách nhanh chóng với ngụ ý cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa thiện và ác.
Ở mức độ thô thiển nhất, bạn tạo nghiệp tốt bằng hành vi tốt, tạo nghiệp xấu bằng hành vi xấu. Hiện tại hàng triệu người, xuyên suốt từ đông qua tây sống bằng niềm tin đó. Nhưng Nghiệp không bao giờ dứt, nó là một phần của hành trình liên miên bất tận, không đơn giản là cuộc đời chấm dứt bằng thiên đường hay địa ngục. Nhưng không có nghiệp tốt nào giải phóng con người ra khỏi hành trình của luân hồi. Không có sự tự do thật sự. Chúng ta hãy hình dung " Nghiệp" như một chất keo, càng vùng vẫy, càng ở trạng thái động chúng ta bị dính vào càng chặt. Quy luật của " Nghiệp" quán xuyến mọi hệ thống tín ngưỡng phương đông, và không ai trong chúng ta có thể trốn khỏi nợ nần, và chúng càng được tích lũy mỗi ngày. Và chúng ta phải tiếp tục trả  trong kiếp này và kiếp sau. Đây là cái nhìn về nghiệp của đông phương.

2. Trên quan niệm, Tarot là một giao ước cổ xưa thuộc dạng có thể kế thừa. Thì đây là một dạng giao ước trả trước giữa các bậc tiền tối đi trước với các đấng thiêng liêng. Cứ nghĩ theo một cách đơn giản, giao ước này như một bản hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận với nhau xong xuôi tất cả, và những chi phí cũng đã được thanh toán xong hết. Còn chúng ta chỉ là những người kế thừa, không cần phải thanh toán bất kì một chi phí nào nữa, cũng như không có chi phí phát sinh thêm.

Khác với cái nhìn về " Nghiệp" của phương đông, nó kết dính tất cả lại. Thì nghiệp trong cái nhìn của huyền học cổ phương tây là " của ai nấy trả". Và trong giao ước này, các bậc tiền bối đã thanh toán hết phần " nghiệp " này. Tức là nhân quả này đã toàn vẹn, chẳng liên quan gì đến chúng ta nữa. Chúng ta thừa kế giao ước với bộ Tarot, và việc tiên tri được đấng thiêng liêng hỗ trợ để chúng ta bốc đúng lá bài nói về người, sự kiện ta muốn biết trong tương lai. Tính đến thời điểm này, thì chúng ta hoàn toàn không phải chịu bất kỳ một nghiệp nào.

Song khi ta thực hiện việc giải đoán, thì nghiệp lúc này do tự bản thân ta tạo ra. Nếu chúng ta làm điều thiện, thì là thiện nghiệp, và ngược lại.

Ở đời, họa phúc đều do chúng ta tự rước lấy.

***

 Phùng Lâm, thành viên của Tarot Huyền Bí, một người viết lách tự do sống ở SaiGon. Bài viết mang quan điểm của tác giả.









Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ