Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Cách Đọc Nghĩa Ngược (Reversed Meanings) Trong Lá Bài Tarot

item-thumbnail
Nhiều bạn thắc mắc về vấn đề này nên Vân viết hẳn một bài luôn. Bài viết này dựa phần lớn trên quyển The Complete Book of Tarot Reversals của Mary K.Greer, và cách hiểu của bản thân người viết.

I. THẾ NÀO LÀ NGHĨA NGƯỢC

Đầu tiên, cần phân biệt bài xuôi/bài ngược, và nghĩa xuôi/nghĩa ngược.

1. Bài xuôi/bài ngược (Up-right/Reversed cards)

Bài ngược là khi hình ảnh lá bài bị lật ngược lại (180 độ) so với hình ảnh thông thường. Như trong hình minh họa sử dụng lá The Sun, bên trái là bài xuôi (thuận), bên phải là bài ngược.

Một số bộ tarot sử dụng bài hai chiều, tức là, khi xáo bài có thể vừa xáo vừa xoay để tạo ra bài xuôi/ngược xen lẫn. Lại có một số bộ chỉ sử dụng bài một chiều, tức là, xáo bài bình thường, khi gặp lá bài ngược có thể xoay lại vị trí bình thường rồi đọc bài tiếp. Để biết bộ nào xem hai chiều hay một chiều, đầu tiên dựa vào mặt sau của lá bài có đối xứng không hay nhìn ra được lá nào xuôi, lá nào ngược; kế đến là dựa vào ý định của tác giả bộ bài, thường được viết trong companion hoặc booklet; và thứ ba là dựa trên sở thích của reader, vì có những bộ dùng được hai chiều nhưng reader thích sử dụng một chiều, và ngược lại.

Bài có thể xem một hay hai chiều, nên bài ngược có thể có hoặc không. Nhưng nghĩa ngược thì bộ nào cũng có.

Bài Xuôi, Bài Ngược. Ảnh: tác giả.

2. Nghĩa xuôi/nghĩa ngược (Up-right/Reversed meanings)

Nghĩa xuôi là khi ý nghĩa của lá bài được thể hiện trực tiếp, thuận lợi và tích cực. Còn nghĩa ngược tức là vấn đề của lá bài gặp trục trặc, có ngầm ý khác và có thể tiêu cực hơn. Có thể hiểu nghĩa xuôi là khi vấn đề ở ngoài sáng, mọi thứ đều được nhìn thấy rõ ràng, còn nghĩa ngược là vấn đề nằm trong tối, bóng tối thể hiện có tồn tại những góc khuất mà mình chưa hiểu được, khi đó cần sự nhạy cảm và lưu ý đặc biệt đến vấn đề hơn.

Nghĩa ngược xuất hiện khi sử dụng bài ngược. Nhưng kể cả khi dùng bài một chiều, nghĩa ngược vẫn có thể xuất hiện khi lá bài nằm ở những vị trí như khó khăn, thử thách, cản trở, điểm yếu, lo lắng và sợ hãi. Đối với một lá bài, nghĩa xuôi - ngược không phải là hai cực đối lập như có-không, xấu-tốt, mà là một phạm vi nghĩa với nhiều mức độ nghĩa khác nhau, giống như từ màu trắng đến màu đen có rất nhiều mức độ xám ở giữa.

Bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn cách nhìn ra những sắc xám khác nhau đó.

Tarot. Ảnh: Mạc Chi Mai, Tarot Ảnh Đẹp.
II. KHI NÀO CẦN CHÚ Ý BÀI/NGHĨA NGƯỢC

1. Khi có nhiều bài ngược trong trải bài, những khả năng sau đây có thể xảy ra:

- Sự tiêu cực, thiếu tập trung, thành tâm tin tưởng của người xem (querent, và có khi cả reader)
- Trải bài không phù hợp, có thể dùng trải bài khác để xem xét lại câu hỏi
- Xác nhận, khẳng định lại những nỗi lo lắng, sợ hãi, góc tối của querent
- Vấn đề không có câu trả lời, chuyện không thành hoặc vô ích, không đi đến đâu
- Ngoài ra có thể để ý tổng thể các lá ngược có cùng một chủ đề, vấn đề hay không, từ đó nhận ra vấn đề cần khắc phục và phương hướng giải quyết.

Theo kinh nghiệm của bản thân người viết, bài ra ngược nhiều (hơn 50% tổng lá bài), thường do querent không tin tưởng, hoặc chuyện mà querent hỏi sẽ không xảy ra, mang tính giả định cao (ví dụ như, câu hỏi là “nếu tôi đi du học được thì cuộc sống ở đó sẽ thế nào”, nghe có vẻ hợp lý, nhưng sẽ không xảy ra nếu querent không có ý định hoặc điều kiện đi du học, chỉ hỏi cho vui).

2. Khi muốn khai thác những vấn đề của bài ngược/nghĩa ngược:

- Sự hạn chế, cản trở, chậm trễ
- Điều tôi không thấy ở bản thân mình
- Tôi gặp khó khăn ở đâu
- Bước đột phá, bước ngoặt (nếu có)
- Ý tưởng mới (chưa được nhận biết)

III. CÁC CÁCH ĐỌC NGHĨA NGƯỢC

Trước khi đọc được nghĩa ngược, bạn cần phải nắm vững nghĩa xuôi. Nghĩa của một lá bài là một trường nghĩa (những nghĩa liên quan) có thể suy ra được từ trọng tâm của lá bài. Học nghĩa của một lá bài không phải chỉ học từ khóa rời rạc, mà còn phải nhìn ra điểm chung của chúng, từ chi tiết gì để ra được từ khóa đó, thì từ đó mới dễ nhớ và dễ ứng dụng linh hoạt trong những trường hợp khác.

Ví dụ như lá The Star, từ khóa có thể là “hi vọng, lí tưởng, sự dẫn đường trong đêm tối, nghệ thuật, mơ mộng. Tưởng chừng như rời rạc, nhưng các từ khóa này đều xoay quanh hình ảnh trọng tâm “ngôi sao trên bầu trời đêm tối”. Trên trời đêm tối kịt, tưởng chừng như những lúc tuyệt vọng, tối tăm, hoang mang nhất, vẫn còn những ánh sao lấp lánh như thể ánh sáng không bao giờ biến mất, từ đó có “hi vọng”. Hay từ ngôi sao Bắc Đẩu để xác định đường đi phương hướng, để có từ khóa “sự dẫn đường trong đêm tối”. Và vì các ngôi sao ở trên trời, vừa là biểu hiện của cái đẹp, nhưng dù có đi thế nào cũng không bao giờ chạm tới lấy được, nên thể hiện cho “lí tưởng”, và cũng như theo đuổi “nghệ thuật”. Đây chỉ là ví dụ, vì cách hiểu và diễn giải nghĩa của mỗi người sẽ khác nhau dựa trên thế giới quan riêng biệt.

Khi đã nắm vững nghĩa xuôi rồi, thì nghĩa ngược chỉ là một chút biến tấu, chứ không phải học thêm nghĩa mới. Lại lấy ví dụ lá The Star, những ngôi sao trên trời có theo thế nào cũng không chạm tới, vậy hi vọng, lí tưởng hay nghệ thuật đang theo đuổi có phải là một sự viễn vông, phi thực tế, là mơ mộng hão huyền? Chưa kể trên trời còn có nhiều ngôi sao, chứ không độc nhất như mặt trăng, mặt trời, nên trong quá trình theo đuổi mục tiêu sẽ dễ mất tập trung, phân tâm, chia trí, dễ bỏ dỡ giữa chừng để theo đuổi “ngôi sao” khác. Nói vui, trong khía cạnh tình cảm ra The Star có thể hiểu là “lắm mối tối nằm không”.

Sau đây là một số (13) cách để đọc nghĩa ngược - biến tấu dựa trên những nghĩa xuôi mà bạn đã hiểu biết được.

1. Nghĩa đối nghịch với nghĩa xuôi

Ví dụ:
- 9 of Wands xuôi là sau thất bại vẫn gượng dậy với tinh thần chiến đấu, thì ngược là sự bỏ cuộc, thất bại, không còn can đảm đứng dậy.
- Queen of Cups xuôi là người phụ nữ nhân hậu, khoan dung, độ lượng, thì ngược là người phụ nữ nhỏ nhen, ích kỉ, thù dai.

Đây là cách đơn giản nhất nhưng cũng nhiều hạn chế nhất. Hạn chế thứ nhất là, mọi thứ trong cuộc sống không phải đều nằm ở hai đối cực mà còn rất nhiều mức độ ở giữa hai đối cực đó. Hạn chế thứ hai, rất khó xác định nghĩa đối nghịch của một từ, ví dụ như đối lập của “yêu” là “ghét”, hay là “sự lãng quên”? 

Vì vậy, đây có thể là cách để bạn bắt đầu làm quen với nghĩa ngược, nhưng nếu chỉ sử dụng cách này thì góc nhìn của bạn sẽ bị hạn hẹp.

2. Phủ định của nghĩa xuôi

Ví dụ:
- Hierophant xuôi là sự giáo dục theo quy phạm, chuẩn mực truyền thống, tạm xem như học chính quy, thì ngược là học không chính quy (từ đó suy ra học riêng với giáo viên, học ngoài giờ, học tại chức, v.v…)
- 7 of Wands xuôi là chỉ có một mình chống chọi, ngược là không chỉ có một mình.

Điểm khác của phủ định so với nghĩa đối nghịch là về mức độ, ví dụ như “không đẹp” không đồng nghĩa “xấu”, “không may mắn” không đồng nghĩa “xui xẻo”. Phủ định làm phong phú về mặt mức độ hơn, nhưng lại trở nên không rõ ràng, cụ thể về nghĩa hơn.

3. Bị cản trở, hạn chế hoặc bị chối bỏ, phủ nhận

Ví dụ:
- 8 of Wands xuôi là sự dứt khoát, thì ngược là sự chần chừ, nương tay (không nỡ dứt khoát), hoặc bị cản lại, bị thay đổi giữa chừng.
- 4 of Swords xuôi là cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh, hồi phục, ngược là bị tác nhân cản trở không làm được như vậy (công việc, gia đình,…) hoặc là tự phủ nhận nhu cầu cần nghỉ ngơi của bản thân.

Sự cản trở, hạn chế ở đây thường từ lí do khách quan bên ngoài mà vấn đề trong nghĩa xuôi không thể hoặc không được thực hiện. Sự chối bỏ, phủ nhận thường là từ lí do bên trong, do thói quen hoặc mong muốn an toàn mà chần chừ không dám thay đổi, không dám đón nhận, cũng như do sự bận rộn với cuộc sống mà không nhận ra những mong muốn, nhu cầu thật sự cần thiết cho bản thân. 

Mỗi cái đều có tính tích cực và tiêu cực đồng thời. Ví dụ 8 of Wands ngược hỏi cho chuyện đầu tư kinh doanh, có thể báo hiệu cho những sự trục trặc đáng ngờ, không nên tiếp tục. Hoặc 4 of Sword ngược ý nói trốn tránh không phải là giải pháp nên vẫn phải ráng có tinh thần chiến đấu vượt qua giai đoạn hiện tại.

4. Thiếu hoặc thừa

Ví dụ:
- Queen of Wands xuôi là người phụ nữ bản lĩnh, tự tin, ngược là thiếu tự tin (nhút nhát, tự ti), hoặc quá tự tin (kiêu ngạo)
- Justice xuôi là công lý, công bằng, ngược là thiếu công bằng, hoặc công bằng một cách quá cứng ngắc

Việc gì cũng phải đúng độ, đúng liều lượng thích hợp thì mới hiệu quả. Vậy nên, bài ngược có thể xuất hiện để nhắc cái gì đang thiếu hoặc đang thừa cho việc thực hiện được điều đang mong muốn. Khi đó, lá ngược cũng thể hiện sự bất ổn định, cứ bị qua lại giữa thừa và thiếu mà không tìm ra được “độ” thích hợp. Reader có thể chọn đọc nghĩa ngược luôn là thiếu hoặc luôn là thừa, hoặc có thể dựa trên các lá xung quanh và sự tương tác với querent để nhận ra mức độ là đang thiếu hay thừa. 

5. Chậm trễ, trì hoãn, hiện tại không có

Ví dụ:
- Ace of Pentacles xuôi là có cơ hội về tiền bạc (công việc, hoặc quà cáp vật chất), ngược là chưa đến lúc, hoặc đang trên đường tới mà chưa tới tận nơi
- 3 of Cups xuôi là ăn chơi tụ tập bạn bè, ngược là không có bạn bè để ăn chơi

Với cách xem này, vấn đề không nằm ở mức độ mà ở tính thời điểm, thường xuất hiện khi sự việc diễn ra khác (lâu hơn hoặc không có) so với dự tính, có thể do yếu tố phát sinh, hoặc do thông tin chưa được biết đầy đủ.

6. Sự chuyển biến giai đoạn. Bước ngoặt

Ví dụ:
- 5 of Pentacles xuôi là không được công nhận, hắt hủi, thì ngược là sắp vượt qua giai đoạn thử thách và sẽ được công nhận.
- 10 of Cups xuôi là tình cảm gia đình, được ở gần gia đình, thì ngược là thời gian yên bình đó không còn nữa và có thể sẽ phải đi xa

Với cách này, nghĩa ngược thể hiện những điểm chuyển biến, bước ngoặt, sự kết thúc, vượt qua, được giải thoát khỏi tình trạng của lá bài biểu hiện. 

7. Nội tại. Tiềm thức

Ví dụ:
- 2 of Cups xuôi là sự đắn đo lựa chọn, có thể về một vấn đề bên ngoài (công việc, học tập, người yêu,…), thì ngược là sự đắn đo lựa chọn trong nội tâm (tính cách, lí tưởng sống,…)
- 5 of Wands xuôi là sự phấn đấu, đấu tranh trước những cản trở, khó khăn từ bên ngoài, thì ngược là sự đấu tranh để vượt qua mâu thuẫn nội tâm.

Reader có thể quy ước nghĩa xuôi cho những sự việc có tác nhân từ bên ngoài, và nghĩa ngược cho những việc mang tính nội tâm bên trong. Lưu ý là, những suy nghĩ, vấn đề trong tiềm thức có thể mang tính riêng tư, thầm kín đối với querent, hoặc chính querent cũng không nhận ra được.

8. Sự phản chiếu, soi chiếu

Ví dụ:
- Empress xuôi là hình ảnh người mẹ dịu dàng, ân cần, quan tâm, thì ngược là việc luôn tìm, ngưỡng mộ, và mong muốn những phẩm chất đó ở người khác, việc này có thể là hệ quả của việc thiếu thốn tình cảm của người mẹ.
- Lovers xuôi là hình ảnh một người giao tiếp tốt, quan hệ rộng, được lòng mọi người (tính chất Song Tử), ngược là việc luôn nghi ngờ người khác giả dối, chỉ ngọt ngào ngoài mặt nhưng thâm sau khó lường, việc này có thể là hệ quả của việc soi chiếu tính cách, mặt tối của bản thân lên người khác.

Khi mình có điều gì, hoặc không có điều gì, thường luôn soi chiếu, chú ý những điểm đó trên người khác. Từ đó, có thể suy ra những mong muốn hay ám ảnh trong vô thức của người đó. Khi hiểu được vấn đề nhức nhối, thì đó cũng sẽ là giải pháp.

9. Liên hệ với lá trước đó và sau đó

Ví dụ:
- 2 of Wands ngược vì bài học trong lá Ace of Wands (ý tưởng sáng tạo, ngọn lửa đam mê) chưa được thực hiện, hoặc bài học ở lá 2 of Wands (thu thập ý tưởng, kết hợp) sắp thực hiện xong để bước tiếp lên lá 3 of Wands (lên kế hoạch).

Nếu xem thứ tự của tarot được sắp xếp một cách có trình tự đương nhiên, như trong The Fool’s journey, những gì The Fool trải qua sẽ theo đúng thứ tự, tương tự với sự phát triển từ Aces đến Tens, từ Pages đến Kings, thì khi đó nghĩa ngược giúp bạn biết mình đang ở đâu trên tiến trình đó. Ví dụ bạn mong muốn ý tưởng mình thành công như 6 of Wands, hiện giờ bạn rút ra lá 2 of Wands tức là bạn còn những bài học của lá 3, 4, 5 of Wands cần phải trải qua nữa.

Một trong những vấn đề thường gặp là lá trước lá Aces sẽ là gì, lá sau lá Tens sẽ là gì, trước lá Pages sẽ là gì, sau lá Kings sẽ là gì. Điều này tùy theo lựa chọn của reader. Tuy nhiên, cách xem này đã bỏ qua việc sự phát triển của một người, một sự việc không phải lúc nào cũng là đường thẳng: sẽ có những lúc nhảy cóc, rồi giật lùi, hoặc thay đổi/xen kẽ những khía cạnh, lĩnh vực khác, ví dụ sự phát triển tiếp theo của 5 of C ups (hối tiếc, than khóc) có thể l à 3 of Wands (đi xa, khám phá nơi mới, lĩnh vực mới)

10. Dựa vào hình ảnh lá bài khi đã bị lật ngược

Ví dụ:
- 10 of Swords xuôi, dựa theo hình ảnh, thấy màn trời đêm chiếm tầm hai phần ba lá bài, nhưng khi xoay ngược lại, hình ảnh bình minh đang lên xua tan màn đêm đập vào mắt nhiều hơn.
- 10 of Wands xuôi là một người đang ôm mười cây gậy, thì ngược giống như mười cây gậy (trách nhiệm) đó đang rơi xuống.

Khi liên hệ bằng hình ảnh, thì bản thân nó, hoặc trong bối cảnh những lá xung quanh, sẽ đưa ra nhiều thông tin có khi không nằm trong từ khóa hay nghĩa thông thường của lá bài. Ví dụ như trong giữa hai sự lựa chọn A và B, lá lời khuyên quyết định tuy ngược nhưng nhờ vậy lại hướng mặt sang lựa chọn A, đó cũng có thể là một dấu hiệu. Hoặc có reader quy ước nhìn bên trái là quá khứ, nhìn bên phải là tương lai, thì Queen of Cups ngược sẽ trở thành một người hướng về phía trước hơn là luôn hoài niệm những thứ đẹp đẽ trong quá khứ.

11. Sử dụng sai cách, sai chỗ, sai mục đích

Ví dụ:
- 6 of Pentacles xuôi là giúp đỡ người khác lúc khó khăn, làm từ thiện, ngược là giúp đỡ sai đối tượng, bị lợi dụng “từ thiện” lừa đảo
- 7 of Swords xuôi là cẩn thận có tiểu nhân chơi lén, ngược là đặt lòng tin sai chỗ, người mình nghĩ là “kẻ thù” thì chưa chắc như vậy

Có thể là do bắt đầu sai cách thức hoặc thời điểm, hoặc vấn đề trong lá bài bị áp dụng sai chỗ, sai mục đích như những ví dụ ở trên.

12. Trái với bình thường. Ngược ngạo.

Ví dụ:
- Lá Court card ngược có thể chỉ vẫn tính cách đó nhưng lại ở một người có giới tính ngược lại, King of Pentacles ngược có thể chỉ người nữ có địa vị trong cuộc sống và làm ra tiền như đàn ông.
- Hierophant ngược có thể chỉ trí tuệ và sự thông thái đến từ nơi không ngờ tới, có thể trong một hoàn cảnh oái ăm, hoặc từ người trẻ tuổi, học trò của mình.

Cách xem này phần lớn sẽ phụ thuộc vào trải nghiệm, cũng như sự tinh ý, suy nghĩ sáng tạo của reader.

13. Tương tác với querent

Với cách này, reader có thể yêu cầu querent miêu tả lá bài (chi tiết, cảm xúc) ở chiều xuôi, và để ý xem trong lời miêu tả có điểm nào khác với sự hiểu biết về của reader về nghĩa xuôi của lá bài đó không. Cách này sẽ mất thời gian, và reader sẽ phải biết lắng nghe, khuyến khích querent chia sẻ.

Ví dụ: nếu querent miêu tả lá Queen of Pentacles là “một người phụ nữ nhìn xuống đồng tiền với gương mặt buồn rầu”, thì chi tiết “buồn rầu” đó không nằm trong nghĩa xuôi của lá bài, và gợi ý rằng querent hiện tại đang có nỗi lo lắng, u buồn về vật chất, tài chính. Và reader có thể bổ sung "từ điển tarot của bản thân" về nghĩa ngược của Queen of Pentacles là "ưu buồn về tài chính".

IV. KẾT LUẬN

Nếu cảm thấy những gì ở trên quá nhiều, bạn có thể chỉ cần nhớ 5 từ khóa sau - 5 D’s (dù không hoàn toàn bao quát hết 13 cách ở trên):
- Delay - Chậm trễ, trì hoãn
- Diminution - Giảm nhẹ
- Direct opposite - Đối nghịch
- Dark side - Mặt trái, góc tối
- Direction change - Đổi hướng, chuyển ngoặt

Những cách trên đây chưa phải là tất cả. Bạn có thể phát triển những cách đọc nghĩa ngược của riêng mình (nhưng đừng quên chia sẻ nhé). Bạn có thể chỉ chọn những cách mình thích, hoặc kết hợp tất cả vào một lần giải bài đều được. Lời khuyên là bạn nên bắt đầu tập đọc nghĩa ngược với chỉ một cách duy nhất, thuần thục rồi hẵng thêm hai hay ba cách nữa. Đến khi quen thuộc rồi, khi gặp lá ngược, những hiểu biết và suy nghĩ bạn đã tích lũy trước đó sẽ tự động bật ra, tạo cảm giác như “tiếng nói trực giác”.

Chúc các bạn không còn gặp khó khăn với bài ngược/nghĩa ngược nữa.
Lê Vân, thành viên Tarot Huyền Bí, quản trị chuyên trang Lê Vân's Corner, một Tarot Reader tại Sài Gòn. Bài viết nhuận đăng với sự đồng ý của tác giả.
Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ