Thạch Lý Học, hoặc Thạch Lý Trị Liệu, dịch từ chữ Lithotherapy, nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp cổ. Lithotherapy phân thành Litho đến từ chữ ‘λίθος’ [litʰos] có nghĩa là đá, therapy đến từ chữ ‘θεραπεύω’ [tʰɛrapɛuʷɔ] tức là chữa trị, lithotherapy tức là chữa trị bệnh bằng liệu pháp đá. Lithotherapy là một môn giả-khoa học, nó xuất phát từ nền lý luận huyền học và thần bí học. Mặc dù có nhiều chứng minh về hiệu lực cũng như khả năng của nó, đã được ứng dụng từ lâu trong y học cổ truyền lẫn y học hiện đại, nhưng nó vẫn bị bao quanh bởi bức màn bí mật của những điều thần kỳ.
Lịch Sử Đá Quý (1644) của Boodt, |
Nhiều người lầm tưởng nó với Khoáng Vật Học hoặc Ngọc Học, rất nhiều sách về Thạch Lý Học sa đà vào việc phân tích cấu trúc phân tử, độ cứng, và các cấu trúc vật lý, hóa học khác. Những người đó cố mang những ý tưởng khoa học nhằm che đậy bản chất thật sự thú vị của Thạch Lý Học: Bản Chất Thần Bí. Phần lớn những sách Thạch Lý Học được trích lục theo kiểu truyền miệng, không hề có diễn giải hay hệ thống. Ở đây, trong mục nghiên cứu này, tôi cố gắng trình bày một cách cặn kẽ nhất nguyên lý của nó theo bốn thuyết lớn: Thuyết Hài Hòa Bộ Tám (Law of Octaves) của Newlands, Thuyết Quang Lý Học (Chromatherapy) và Thuyết Linh Khí - Luân Xa (Reiki-Chakra), và Thuyết Vi Lượng Trị Liệu (Oligotherapy). Tất nhiên, không thể bỏ qua các truyền thuyết dân gian, và những tài liệu cổ xưa, hoặc truyền miệng, mà tôi lấy từ các cuốn sách đặc biệt như cuốn Lịch Sử Đá Quý (1644) của Anselmus Boëtius de Boodt, dược sĩ riêng của Hoàng Đế Rudolph II, cuốn Bách Khoa Toàn Thư Về Thuốc (1748) của Nicolas Lemery, dược sĩ riêng của vua Louis XIV, và cuốn Từ Điển Về Thuốc Đơn Giản (1869) của Guibourt, giáo sư trường Y Khoa của Paris, và cuốn librairie du monde médical (1927) của Astier. Và cuối cùng, tôi cũng không bỏ qua các bài thuốc truyền miệng trong các nhóm ma thuật ở Pháp và Anh.
Cuốn sách không có tham vọng đánh giá hiệu quả của từng loại đá, và càng không đủ minh chứng để chứng minh hiệu lực nào đó. Cuốn sách là sự tổng hợp, ghi chép nhưng gì đang diễn ra ở ngoài kia, để người đọc tiện đường tra cứu và tham khảo. Phần còn lại, đánh giá hiệu quả của nó, xin để người đọc tự thực hiện lấy. Phần miễn phí trên mạng chỉ bao gồm các ý chính của 4 thuyết cơ bản, phần còn lại sẽ bổ sung trong sách in (gồm tham khảo các cổ thư, giả kim và các nguyên lý ma thuật khác...).
Sau đây là một số ghi chú về các thuyết được sử dụng trong cuốn sách.
Luật Hài Hòa Bộ Tám của Newlands được xếp trong huyền học âm nhạc. (1865) |
Thuyết Hài Hòa Bộ Tám (Law of Octaves) của Newlands. John Alexander Reina Newlands (1837-1898) là nhà hóa học người Anh. Vào năm 1864, ông tìm ra quy luật: Mỗi nguyên tố hóa học đều thể hiện tính chất tương tự như nguyên tố thứ 8 khi xếp các nguyên tố theo khối lượng nguyên tử tăng dần. Điều này kích thích các nhà huyền học giả kim thuật vì giả kim từ lâu không thể tạo ra bất kỳ quy luật nào tương xứng phù hợp với khoa học hiện đại. Quy luật số 8 ứng với tám hành tinh (gồm cả trái đất) mà nền tảng của nó đã có từ lâu, và còn tương ứng nhiều hình thức tâm linh huyền học khác liên đới với con số 8 như Geomancy (bói đất). Từ đó người ta (mà nổi tiếng nhất là nhà huyền học George Ivanovich Gurdjieff, người cực kỳ yêu quý thuyết Law of Octaves) xây dựng nên hệ tính để tìm ra nguyên tố chủ đạo và hành tinh chủ đạo trong một viên đá.
Hoa Hồng Tâm Trạng của Goethe và Schiller (1798) |
Thuyết Quang Lý Học (Chromatherapy) được ra đời rất lâu từ giả kim thuật, nhưng chính thức định hình đặt tên bởi tiến sĩ Dr Christian Agrapart. Thạch Lý Học sử dụng lại thuật ngữ này, nhưng không sử dụng liệu pháp ánh sáng như Agrapart mà lý luận dựa trên màu của loại đá. Nó gồm một phần nghiên cứu về màu sắc trong y học của Agrapart và một phần nghiên cứu về màu sắc trong tâm lý học. Màu sắc trong tâm lý học đã được nghiên cứu lâu đời như bảng phân chia màu sắc và tâm trạng "rose of temperaments" (Temperamenten Rose) của Goethe và Schiller (1798). Nhưng nghệ thuật này chỉ thăng hoa nhờ nghiên cứu của Carl Jung khi ghép tính biểu tượng của màu sắc vào tâm lý con người. Từ đó, những người nghiên cứu sau này sử dụng sự tương ứng màu sắc đó trong viên đá và đặt nền tảng lý thuyết cho Thạch Lý Học.
Chakra trong một cuốn sách Yoga (1899) |
Thuyết Linh Khí - Luân Xa (Reiki-Chakra) là sự kết hợp giữa nguyên lý năng lượng trong Thuyết Linh Khí (Reiki) đề xuất bởi Mikao Usui năm 1922. Lý thuyết này được kết hợp cùng với lý thuyết Luân Xa được trình bày trong trào lưu Thời Đại Mới (New Age) bởi các lãnh tụ Thông Thiên Học như Johann Georg Gichtel, hoặc Yoga như Swami Sivananda. Vẫn vận dụng chủ yếu là màu sắc của viên đá, được dịch nghĩa theo hình ảnh các luân xa trong văn hóa Ấn Độ trong Áo Nghĩa Thư. Từ nguyên thủy trong tiếng Sanskrit cakra चक्र mang ý nghĩa là "bánh xe" hay "vòng tròn", các luân xa được miêu tả như là xếp thành một cột thẳng từ gốc của cột sống lên đến đỉnh đầu, liên quan tới một số chức năng tâm sinh lý, một khía cạnh của nhận thức, đánh dấu bởi một màu sắc nào đó. Chúng thường được hình tượng hóa bằng các hoa sen với số cánh khác nhau cho mỗi luân xa. Các luân xa được cho là đem lại năng lượng cho cơ thể và có liên quan đến các phản ứng của cơ thể, tình cảm hay tâm lý của một người, là các điểm chứa năng lượng sống (prana, cũng được gọi là shakti) lưu chuyển giữa các điểm đó dọc theo các đường chảy (gọi là nadis). Chức năng của các chakra là xoay tròn để thu hút vào năng lượng sống từ viên đá để giữ cân bằng cho sức khỏe về tâm linh, tâm lý, tình cảm và sinh lý của cơ thể.
Thuyết Vi Lượng Trị Liệu (Oligotherapy) đề xuất bởi bác sĩ Jacques Ménétrier và Gabriel Bertrand, vào giữa thế kỷ 20. Những người thực hành Thạch Lý Học áp dụng lý thuyết này trong việc trị liệu thông qua cơ sở giống như Thuyết Vi Lượng Đồng Căn (Homeopathy) của Samuel Hahnemann. Mỗi vi lượng trong đá được cho là sẽ tác động đến vi lượng tương ứng trong cơ thể người, và nhờ đó bộ phận chứa vi lượng đó được chữa khỏi.
Danh sách các bài viết sẽ được cập nhật tại đây:
.