Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Tản mạn Tarot và Tượng của Hans Gieng ở Bern

item-thumbnail
Tiểu Dẫn: Đợt nghỉ lễ tháng 4, tôi có đi tham quan thành phố cổ Bern ở Thụy Sĩ. Ý định ban đầu là đi thăm nhà nguyện Tarot ở lâu đài Avenieres, một địa chỉ huyền học Tarot nổi tiếng. Nhưng ước nguyện lại không thành do đường xá bị cản trở. Tuy nhiên, khi đến tham quan thành phố cổ Bern, tôi cũng đã phát hiện không ít các tư liệu và khảo cứu liên quan đến tarot. Vì vậy viết bài tản mạn này giới thiệu những phát hiện của tôi liên quan đến nhóm tượng của Hans Gieng tại Bern.

Thành phố cổ Bern là thủ đô của Thụy Sĩ, lại là một thành phố được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nổi tiếng nhất ở Bern là hệ thống các đài phun nước với các tượng và phù điêu độc nhất vô nhị, ra đời vào thế kỷ 14 đến 16. Hệ thống này bao gồm gần 100 đài phun nước với đủ các chất liệu. Các đài này liền mạch với nhau tạo thành một con đường dọc theo thành phố. Tại đây, tôi phát hiện ra hai vấn đề liên quan tarot. Một là hình tượng tarot được phát họa trên các bức tượng của đài phun nước. Hai là hình tượng tarot được phát họa trên tường của tòa thị chính. Mà cả hai điều này đều chưa bao giờ được nói đến trong các tài liệu tarot. 

Các motip tarot ở nhà thờ Chartres được Frornoy phát hiện đã gây được chấn động ít nhiều trong giới nghiên cứu tarot tại Pháp, thì motip tarot ở Bern lại chưa bao giờ được nhắc đến. Mặc dù, motip tarot ở Bern rõ ràng và đầy đủ hơn rất nhiều so với motip tarot thể hiện ở Chartres, giới tarot phải chăng đã bỏ sót nghiên cứu ở thành phố này ? Phần nghiên cứu này của tôi được chia làm 2 mảng lớn: motip tarot trên tượng đài phun nước và motip tarot trên tường Rathaus (sẽ viết ở một bài khác). 

Trong gần 100 đài phun nước ở Bern, tôi đặc biệt chú ý đến hệ thống 11 tượng do Hans Gieng tạo ra. Hans Gieng là nhà điêu khắc danh tiếng thời kỳ phục hưng ở Thụy Sĩ. Ông đã tạo ra hai hệ thống tượng phun nước ở Bern (còn 11 tượng) và Fribourg (còn 8 tượng) với mô típ gần giống nhau. Vì vậy, tôi phân tích không chỉ bó gọn trong Bern mà còn so sánh ít nhiều từ Fribourg. Hans Gieng không rõ năm sinh, mất năm 1562. Ông bắt đầu nổi tiếng từ 1525. Nổi tiếng tương đương và từng là cộng sự của ông, Hans Geiler cũng nổi tiếng với kỹ thuật làm tượng. Phong cách tượng của Hans Gieng chủ yếu là gô tích, nhưng đã có những cải cách mạnh mẽ gần như đạt đến phong thái hiện thực của phục hưng. Ông gần như sống và làm việc tại Fribourg, và cống hiến cho thành phố này 7 tượng phun nước. Ơ Bern, ông phục vụ từ 1542 đến 1546 với 11 tượng. Tôi cũng đã tra cứu thư viện thành phố Bern và tìm thấy vài tư liệu đáng giá: bản vẽ sơ khởi của các tượng đài tại Bern - Số hiệu R.C.35. Trong bản vẽ gồm 13 tượng và 1 tháp; hiện tại chỉ còn 11 tượng. Xem hình bên dưới.

Tư liệu số hiệu R.C.35 các tượng cổ tại Bern do Han Gieng thực hiện.

Chú ý là các tượng làm ở Bern ra đời sớm hơn (1542-1546) so với các tượng thực hiện ở quê nhà Fribourg (1547 - 1560), và cùng thời kỳ với sự hình thành đầu tiên của bộ Tarot de Marseille của Pháp. Khi phân tích các tượng này cần chú ý đến một đặc điểm chính trị của Thụy Sĩ: các thành phố bị chia ảnh hưởng văn hóa từ Pháp và Đức, điển hình là Geneva bị chi phối bởi văn hóa Pháp còn Bern bị chi phối bởi văn hóa Đức, cho nên cần chú ý đến sự phát triển và mô típ tarot của Đức trong hình tượng tarot ở Thụy Sĩ, chứ không thể chỉ xét đến mô típ tarot ở Pháp mà thôi.

Tượng Pfeiferbrunnen (Tượng người thổi kèn) - The Fool:

Pfeiferbrunnen

Tượng được đặt tại Bern, tượng này tôi cho là tương ứng với hình ảnh The Fool. Tôi dẫn hình ảnh từ bộ Hofamterspiel, một nhánh của Tarot với 48 lá bài, ra đời vào thế kỷ 15, thuộc nhóm bài Ambras (một nhánh biến đổi của Tarot tại phía Đức-Phổ), hình ảnh này lấy từ lá Narr (Kẻ khờ trong tiếng Đức) của bộ bài này, xem hình dưới. Mô típ này đại diện cho The Fool trong hệ thống Ambras Đức. The Fool ban đầu không hoàn toàn có nghĩa là kẻ đần độn, khờ khạo; ý nghiã này chỉ xuất hiện sau khi ra đời bộ Charles VI. Ý nghĩa ban đầu của nó liên quan đến các hóa trang lễ hội (như bộ Visconti Yale), và sau đó là kẻ du mục (như bộ Mantegna). Nếu hình ảnh kẻ khờ được tiếp tục ở các dòng Tarot của Pháp thì hình ảnh du mục được tiếp tục ở các nhánh Tarot ở Đức và Ý. Vì vậy, hình ảnh tượng này có thể làm các bạn tiếp xúc với Tarot từ phía Anh-Mỹ bối rối, nhưng với các tiếp cận từ Đức-Phổ thì không quá ngạc nhiên. Nếu quan sát kỹ tượng Pfeiferbrunnen, ta có thể nhận thấy những đặc điểm của kẻ du mục với quần rách ở gối, không mang giày mà mang vớ rách ở mũi chân... Hình bên dưới là lá Narr ở bộ Hofamterspiel.

Lá Narr (kẻ khờ) trong bộ Hofamterspiel

Tượng AnnaSeilerBrunnen (Tượng Anna Seiler) - The Temperance: 

AnnaSeilerBrunnen

Tượng Anna Seiler được tạo nên để tôn vinh người sáng lập nên bệnh viện đầu tiên của Bern. Hình ảnh đổ nước từ vại sang ly rất gần với hình ảnh lá The Temperance. Có vài điểm lưu ý: hình ảnh Temperance đổ từ vại sang vại xuất hiện khá thống nhất ở các tài liệu giấy thì hình ảnh đổ từ vại sang ly lại xuất hiện nhiều trên các tượng và phù điêu. Ví dụ bên dưới là hình ảnh Temperance trong tòa thị chính của La Rochelle. Ta còn có thể xem xét hình ảnh Temperance dưới góc độ màu áo. Theo truyền thống, áo của Temperance phối giữa 2 màu xanh và đỏ, với thân áo xanh và tay áo màu đỏ. Rất tiếc là bộ Waite không tuân thủ truyền thống này, nên đối với các bạn sử dụng mô típ Anh-Mỹ có lẽ không nhận thấy được. Hai màu áo này đại diện cho sự đối lập và cân bằng trong con người, màu đỏ tượng trưng cho máu và rượu, màu xanh tượng trưng cho nước và dịch. Hai bình hoặc ly đổ qua nhau cũng đại diện cho hai yếu tố này: một ly là rượu màu đỏ, một ly là nước màu xanh đại diện cho nóng lạnh, bình tĩnh và nóng nảy,... trong sự tự cân bằng. Một ví dụ điển hình là hình ảnh the temperance ở nhà thờ St James ở Canada.


Hình ảnh The Temperance ở Tòa Thị Chính La Rochelle, Pháp 


Hình ảnh The Temperance trên cửa kính màu của nhà thờ St James ở Montreal, Canada

Tượng Simsonbrunnen (Tượng Simson) - The Strengh:

Simsonbrunnen

Hình tượng lá The Strengh biểu hiện khá rõ trên tượng. Tượng này là hình tượng Samson xuất hiện ở kinh thánh Judges 14:5-20. Samson là một người khổng lồ có sức mạnh vô cùng đã chiến thắng và giết chết một sư tử. Samson là biểu hiện của Strengh. Thực ra lý luận lá The Strengh liên hệ với hình ảnh Samson và Sư tử, hoặc Heraclic và Sư tử không phải là lý luận mới mẻ gì. Rất nhiều nghiên cứu và suy đoán đã được trích ra và nghiên cứu như ở Aelectic Forum hay TarotPedia. Mặc khác, mô tip giết sư tử là một mô típ khá phổ biến trong nhiều nền văn hóa để tôn sùng một người hùng, hoặc một người mạnh mẽ; và hiển nhiên là tương ứng với khái niệm The Strengh. Tôi dẫn chứng một tượng cổ Assyrian do Jmc đưa ra trên Aelectic Forum cách đây khá lâu - Xem hình dưới. Chú ý rằng trong lá the Strengh thì hình ảnh là người phụ nữ, trong khi đó trên tượng là người đàn ông. Điều này cần dẫn về bộ Visconti, khởi nguồn của Tarot tại Ý. Lá The Strengh ban đầu không cố định là người đàn bà, trong nhiều trường hợp là hình ảnh người đàn ông. Chỉ khi bộ Marseille ra đời với mô típ đàn bà, thì hình ảnh đó mới được cố định và duy trì đến ngày nay. Bên dưới là dẫn chứng của tôi từ bộ Visconti Morgan (~1450). Tóm lại, lá The Strengh liên hệ với tượng Samson này là điều không có gì để bàn cãi. 

Lá The Strengh trong bộ Visconti Morgan (~1450)

 
Phù điêu The Strengh trong văn hóa Assyrian do Jmc dẫn chứng.

Tượng Gerechtigkeitsbrunnen (Tượng công lý) - The Justice:

Gerechtigkeitsbrunnen

Mô típ tượng công lý khá thống nhất và có thể bắt gặp thường xuyên. Vì vậy, hình ảnh tượng công lý ở Bern cũng không quá ngạc nhiên. Điều khiến tôi chú ý nhất ở tượng này là về hai tượng nhỏ bên dưới chân của thần công lý. Một tượng là vua mang kiếm, đội mũ miện và một tượng là giáo hoàng mang gậy chăn chiên, đội triều thiên. Chú ý là trong thời kỳ trung cổ châu Âu, không một vị trí nào có thể so sánh được với vị trí của giáo hoàng ở trần gian, huống hồ là tượng thần công lý với xuất xứ từ ngoại đạo Hi-La. Dù rằng thần công lý được chấp nhận và đồng hóa trong văn hóa công giáo, nhưng việc đặt tượng giáo hoàng phía dưới chân thần công lý là sự báng bổ không tưởng được. Không bất kỳ tượng Justice nào cùng thời kỳ sử dụng mô típ tương tự. Các tượng Justice tại khu vực văn hóa Đức (Bỉ, Thụy Sĩ, Áo ...) như Aarau, Boudry, Esslingen, Frankfurt, Solothurn, Worms, Wuppertal, Dresden, Regensburg, Winterthur... tôi đều đã tìm hiểu và không tượng nào tồn tại sự báng bổ này. Điều này chứng minh, hoặc giới cầm quyền Bern vào thời điểm đó, hoặc cá nhân Han Gieng đã có ý tưởng chống chúa trong các tác phẩm của mình. Mà Tarot cũng là một sản phẩm chống chúa (hình tượng Papess chẳng hạn).

Tượng Zähringerbrunnen (Tượng Zähringer) - The Devil:

Zähringerbrunnen

Tượng này vẫn còn tranh cãi về tác giả do Han Gieng hay Hans Hiltbrand thực hiện. Đây là hình ảnh không-người duy nhất trong loạt tượng, vì vậy, đưa lá này tương ứng với Devil là phù hợp nhất. Tượng ghi danh Berchtold von Zähringer, Berchtold V of Zähringen, Quận Công của Bern. Tượng gồm một con gấu lớn dưới dạng người, mang mũ sắt cầm cờ và khiên có phù hiệu của vua, dưới chân là con gấu nhỏ. Hiện vẫn chưa rõ vì sao người ta lại lấy kiểu hình tượng này để biểu hiện cho ông tại Bern. Hình tượng thường thấy là ông dáng hiệp sĩ, kèm theo con gấu nhỏ dưới chân như hình bên dưới. Theo truyền thuyết, linh vật của ông là gấu, và ông được so sánh với sự anh dũng của gấu, đây là một cách giải thích thông dụng đối với mô típ này. Tuy nhiên, tôi chú ý một đặc điểm khác khiến tượng này biểu trưng cho lá The Devil: trang trí xung quanh cột là 4 tượng Devil nhỏ với tai động vật, một chi tiết gần gũi với các lá The Devil.

Tượng của Quận Công đặt trước lâu dài, nay là nhà thờ Nydegg ở Bern

Tượng Kindlifresserbrunnen (Tượng Người Ăn Thịt) - The Death:

Kindlifresserbrunnen

Tượng có mô típ bí ẩn và là tượng nổi tiếng nhất ở Bern. Tượng này chính là cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng L'ogre (The Ogre) của Jacques Chessex với hình ảnh người khổng lồ ăn thịt em bé.  Theo tài liệu của City Council of Bern năm 1998 mà tôi tra cứu được, tượng được cho là diễn dịch một thuật ngữ tiếng Đức "Blutgerücht" (sách tiếng Anh thường dịch là Blood Libel). Đối với các bạn nghiên cứu Wicca thì Blood Libel chắc không quá xa lạ. Đối với các bạn mới thì tôi xin giải thích tương đối ngắn gọn: Blood Libel là một kỹ thuật ma quỷ, sử dụng máu người (thường là trẻ sơ sinh) để chế tác các phép thuật, một phần của nghi lễ hiến tế. Một trong các công dụng của nó chính là chế tạo Golem. Golem là một con quái vật được phù phép bằng nghi lễ Blood Libel, một kỹ thuật chủ yếu thực hiện bởi các phù thủy vùng Đức-Phổ. Thông thường Golem là một búp bê được làm bằng vải, rơm, sứ hoặc gỗ, được nuôi bằng máu. Golem duy trì sự sống bằng cách ăn thịt các bé sơ sinh để lấy máu. Theo Tam Điểm, Golem có thể thực hiện bằng bất cứ chất liệu gì miễn được thể hiện mắt-mũi-miệng-tay-chân với số lượng không hạn chế. Máu dùng cho Golem phải là máu của trẻ sơ sinh chưa qua lần trăng tròn đầu tiên trong đời (Bạn nào nghiên cứu Wicca cần tìm hiểu thêm về cái này thì mình sẽ nói riêng để tránh dài dòng trong bài). Tượng này vì sao không thể tương ứng The Devil ? Tôi nghĩ không ít bạn đặt câu hỏi này. Lý do là vì The Devil ám chỉ một con quỷ thực sự làm chủ bản thân, còn Ogre là một quái thú có chủ nhân và không thực sự làm chủ. Ogre thường là công cụ giết người. Hình ảnh tay chân trên tượng phù hợp rõ rệt với các mô típ về  The Death trên Tarot với hình ảnh các bộ phận bị cắt lìa trên mặt đất. Hình minh họa là lá The Death của bộ Visconti Yale (~1447) và hình ảnh nghi thức Blutgerücht do Hartmann viết (1493).

The Death của bộ Visconti Yale (~1447)

Một trang do Hartmann Schedels viết (1493)

Tượng Läuferbrunnen (Tượng Người Đưa Tin) - The Magician:

Läuferbrunnen
Những bạn nào đã đọc các bài nghiên cứu của tôi về lá The Magician và thần thoại Hi-La (tại đây) chắc sẽ dễ dàng hiểu vì sao tôi cho rằng tượng Läuferbrunnen đại diện lá The Magician. Lá The Magician nguyên mẫu lấy hình ảnh từ thần Hermes, thần đưa tin. Vì vậy, tượng này không thể ám chỉ ai khác ngoài The Magician. Chú ý hình ảnh cái mũ rộng vành và màu áo xanh-đỏ mỗi bên một nửa, không trùng lắp với bất cứ tượng nào khác ở Bern. Đây là các chi tiết đặc trưng thể hiện hình ảnh của The Magician. Hình ảnh con gấu bên cạnh có lẽ mang tính chất trang trí là chủ yếu khi hầu hết các tượng ở Bern đều có con vật đi theo và thường là gấu. Khiếm khuyết hình ảnh con rắn có lẽ là chi tiết duy nhất khiến cho lý luận này thiếu thuyết phục, tuy nhiên, hình ảnh ban đầu của The Magician cũng không có bất kỳ liên hệ này với con rắn một cách rõ ràng. Hình bên dưới là lá The Magician của bộ Tarot de Marseille (~1780).

The Magician trong bộ Tarot de Marseille (~1780)

Tượng Mosesbrunnen (Tượng Moses) - The Hermit:

Mosesbrunnen

Thánh Moses là một vị thánh quang trọng bật nhất trong cả Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo. Tượng này khiến tôi phân vân giữa 2 lá bài The Pope và The Hermit. Vị trí Moses lãnh đạo toàn Isarael tương đương với vị trí của Giáo Hoàng. Hai biểu hiện của giáo hoàng là Mũ Triều Thiên và Gậy Mục Tử được thay thế bằng Mũ Miện Ánh Sáng và Bảng Mười Điều cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, tôi thiên về ảnh hưởng của The Hermit vì Moses chưa bao giờ được so sánh với giáo hoàng, mà thường được nhắc đến vai trò của nhà tiên tri, tương đối gần với khái niệm Hermit. Thứ nữa, như trong Kinh Thánh, Moses chính là ngọn đuốc của dân Isarael: hình ảnh gụi gai cháy (Exodus 3:10-11),  vầng hào quang quanh đầu (Exodus 34:29-35), cái tên Moses có nghĩa là ra khỏi nước, ra khỏi nhơ nhớp, tìm thấy ánh sáng thiên chúa (Sách Shemot Rabbah 1:26); gậy phép của Moses tương ứng gậy của Hermit. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng tượng Moses đại diện cho hình ảnh The Hermit.

Tượng Vennerbrunnen (Tưỡng người cầm biển) - The Chariot:

Vennerbrunnen

Tượng Vennerbrunnen dưới cái tên là Banneret (Người cầm biển), tượng này thực ra phải dịch là người dẫn đường. Theo truyền thống của các nhóm dân Thụy Sĩ, người ta thường chọn ra một biểu tượng đại diện cho một cộng đồng hay hội nhóm, biểu tượng này được xem là tượng trưng cao nhất cho cộng đồng đó. Khái niệm này gọi là Guild. Venner là một khái niệm của Thụy Sĩ không có trong các văn hóa khác. Venner là đại diện cho nền chính trị-quân sự trong thời trung cổ Thụy Sĩ. Ông chịu trách nhiệm cho hòa bình và bảo vệ một khu vực đặc biệt thành phố và sau đó đem quân từ khu vực đó đến trận chiến. Trong văn hóa Thụy Sĩ, vị trí của Venner là một vị trí rất mạnh mẽ và quan trọng trong mọi hoạt động của thành phố. Mỗi một Venner được kết nối với một Guild và được lựa chọn từ Guild đó. Vì vậy tượng này có thể tương đương với hình ảnh của The Chariot trong Tarot. Dù vậy, lý luận này có vẻ khá xa thực tế trên bình diện hình ảnh biểu tượng: hình ảnh một Chariot bắt buộc phải có xe ngựa, mà điều này thì không có trong tượng Vennerbrunnen. Bộ Tarot duy nhất không có ngựa trong lá The Chariot là trong Giuseppe Maria Mitelli Tarot (~1660) - Xem hình bên dưới. Và một điểm nữa là tượng đã được đi dời và thay thế nhiều lần, không ai đảm bảo là ban đầu tượng không có xe ngựa nào bên dưới. Vẫn là một nghi vấn cần giải quyết.

The Chariot trong Giuseppe Maria Mitelli Tarot (~1660)

Tượng Schützenbrunnen (Tượng người mặt nạ) - ?

Schützenbrunnen

Tượng Schützenbrunnen dưới cái tên Maskman (người mặt nạ), tượng này có thể liên tương đến truyền thống trong ngày lễ Bacchos, khi mọi người mang mặt nạ dự lễ, dưới hình dạng một quái vật. Vì vậy, có thể liên hệ với lá The Fool (với hình tượng trong các bộ Visconti Ý) hoặc lá The Devil (với lý luận về Bacchos của Adelaine). Cá nhân tôi nhận thấy tượng này khó có thể liên hệ lá nào và bản thân nó cũng không mấy phù hợp với cái tên mà nó mang. Đặt biệt là hình ảnh Schützenbrunnen  giống hệt Vennerbrunnen ngoại trừ con vật đi theo. Trong trường hợp tượng Zähringerbrunnen không phải do Hans Gieng thực hiện thì đây sẽ là sự thay thế cho lá The Devil. 


Tượng Ryfflibrunnen (Tượng nhà quý tộc) - ?:

Ryfflibrunnen

Tượng này ban đầu có tên là Golatenmattgassbrunnen. Tên tượng hiện tại ảnh hưởng từ truyền thuyết về Sagittarius Ryffli (còn được biết với tên Schütze Ryffli), người đã bắn một viên đạn đường vòng để giết Knight Jordan III of Burgistein. Truyền thuyết này được sử gia Konrad Justinger nhắc đến trong nhiều tác phẩm của ông. Tượng này có lẽ ít quan hệ nhất với Tarot ngoại trừ một điểm: trang phục của tượng dành cho giới quý tộc và ít nhiều tương ứng vị trí King. Điều này có vẻ rất lạ khi mà hình tượng Sagittarius Ryffli đáng lẽ phải có trang phục dũng sĩ hơn là quý tộc. Mặt khác, hình tượng con gấu bắng súng ở dưới chân tượng đã mô tả hoàn chỉnh truyền thuyết về Ryffli rồi (trong đó con gấu, đại diện cho dũng sĩ chính là Ryffli). Một số nhận định khác cho rằng tượng ám chỉ Captain Anton Güder thì cũng phù hợp để diễn dịch cho rằng tượng này ám chỉ The King hay The Knight.

Phần kế tiếp là các tượng của Hans Gieng tại Fribourg. Chú ý là Fribourg thuộc vùng ảnh hưởng của văn hóa Pháp (khác với Bern thuộc Đức) nên tên tượng gốc bằng tiếng Pháp, vì vậy việc so sánh tên tượng giữa 2 vùng là không đồng nhất.

Đáng chú ý nhất trong loạt tượng này là hình ảnh Samson với mô típ hệt như Bern, hình ảnh tượng La Force giống với mô típ cột đá trong lá The Strengh  của bộ Tarot Minchiaste 1477, hình ảnh St Anne và St Jean giống sự tương ứng Pope/Popess, hình ảnh tượng Samaritaine giống mô típ lá The Town ...

Tượng Samson và Sư Tử  tương ứng The Strengh 

Tượng Samatariane giống mô típ The Town ?

Tượng La Force tương đương The Strengh

Tượng St Jean giống mô típ The Pope ? The Hermit ?

Tượng St Anne giống mô típ The Papess ?

Tượng St Georges giống mô típ The Chariot ?

Tượng Fidelite giống mô típ The King ?



Một vài nhận định:

Thứ nhất, các mô típ Tarot ở Bern trùng khớp nhiều đến mức mọi giả thiết về sự trùng hợp đều vô lý. Mô típ Tarot có thể trùng hợp ít nhiều với các mô típ cổ là điều có thật: The Temperance thật ra lấy từ bộ Tứ Virtual , Star-Moon-Sun có thể trùng lặp ở rất nhiều mô hình... Nhưng sự trùng lặp đến 10/11 tượng thì quả là kỳ cục. 

Thứ hai, các tượng này được Han Gieng thực hiện theo đặt hàng của Bern, vì vậy, không có lý do để cho rằng loạt tượng này thực hiện nhằm hoàn thành 22 lá tarot. Điều duy nhất có thể giả định, là Han Gieng, với lý do nào đó, đã thực hiện mô típ của hệ thống tượng này theo hình ảnh của Tarot hoặc mô típ của Tarot. Có thể đây là ý tưởng của chính nhà cầm quyền Bern, hoặc có thể là ý tưởng của riêng tác giả. 

Thứ ba, giả thiết rằng hệ thống tượng ở Bern độc lập với mô típ tarot thì điều này càng khẳng định rõ một điều: hệ thống thứ tự và tập hợp mô típ trong Tarot đã có lâu đời và Tarot chỉ là sao chép lại hệ thống đó mà thôi. Giả thiết hệ thống độc lập này không phải mới, nhưng ở Bern, sự chứng minh của nó quả thật rất đáng chú ý. Giả thiết này tuy xuất hiện gần đây, nhưng quả thật rất hợp lý.

Thứ tư, phần suy luận bên trên có sự suy diễn tương đối rộng và xa, sự tương ứng giữa các hình tượng không hoàn toàn nhất quán. Điều này là không thể tránh khỏi trong điều kiện mô típ ban đầu vẫn chưa tìm thấy, sự so sánh chỉ thực hiện ở hai nhóm mô típ kế thừa từ mô típ gốc, chưa kể sự khập khiễn khi so sánh giữa một bên là tượng, một bên là hội họa. Dù vậy, như đã nói ở trên, sự liên hệ này rõ ràng đến mức cần có những nghiên cứu theo hướng này về Tarot.

Đón xem phần kế tiếp: Tarot và Rathaus of Bern

Bonus: Ảnh tác giả chụp tại tượng Simsonbrunnen ở Bern


Ps: Để làm giàu cho kiến thức, hãy đọc nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều và đi nhiều ... Gửi lời cảm ơn đến Long, một mem tarot ở Thụy Sĩ vì đã giúp đỡ tác giả tham quan thành phố Bern. To Long: bộ Waite đã xài quen chưa ?

Phillippe NGO, tác giả Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot tại Pháp.

Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ