Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Hành Trình Thằng Hề (Chương VIII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Bắt đầu với The Fool, với con số 0.

Có hai thái cực với lá bài này mà ta phải xem xét. Ở khía cạnh đầu tiên, đây là quân bài của những sự khởi đầu mới, của các linh hồn thuần khiết. Nhưng mặt khác, nó lại đại diện cho những con người đã trải qua hết chặn đường từ 1 đến 21, nhìn thấu suốt bản chất của mọi thứ, vui vẻ vào đời mang theo lòng trẻ nít. Chúng ta phải nhớ rằng, hai quân bài The Fool và The World là hai quân bài quan trọng vào bậc nhất trong cỗ bài Tarot. Ở khía cạnh thứ hai, The Fool, không còn đặt nặng quyền thế, hay lo lắng sự ảnh hưởng của số phận, bình thản đối diện với cái chết, sẵn sàng trải qua hết thảy đau khổ trong đời sống. 





Chỉ đề cập một vài ý cơ bản ở khía cạnh của một The Fool khác, bây giờ chúng ta lại quay trở lại với hình ảnh của The Fool mà chúng ta sẽ phải gặp gỡ giữa đời thường, một đứa trẻ, một kẻ rồ dại, một chàng thơ ngây…

The Fool có thể là chúng ta, hay đơn giản là một bào thai mới thành hình. Hãy chú ý đến chiếc túi nhỏ của hình tượng The Fool, hành trang trong chuyến hành trình. Bước tới hố thẳm. Giống như loài chim được sinh ra đã biết cách để làm tổ, thì chúng ta sinh ra không phải là những tấm bảng trắng, mà sâu bên trong chúng ta là những kí ức của tổ tiên được mã hóa dưới dạng tiềm thức. The Fool là những sự khởi đầu mới, nó có thể nói về sự sáng thế hoặc đơn giản là đổi một công việc. The Fool với con số không, nhiều lúc lại như một vị hiền triết “ tứ đại giai không” đi giữa cõi đời phiền não. Đó chính là tinh thần bình thản, không sợ hãi dẫu đó là số phận, nhân quả, quyền lực, cái chết …

Như một bào thai mới hình thành, chưa phân rõ giới tính. The Fool là sự trong sạch, thuần khiết, thơ ngây nhưng theo đó là sự non yếu, dại khờ, ngu ngốc. Ai trong chúng ta, cũng là The Fool – con số không, bắt đầu những bước đi đầu tiên để tìm kiếm thành công bên ngoài, tự hiểu chính mình. Nhưng khi chúng ta cúi nhìn vực thẳm trước mặt, thì vực thẳm cũng đang nhìn vào chúng ta. Con chó xù màu trắng quấn quanh chân ta, nó vừa là bạn vừa là kẻ thù của ta. Nên nhớ rằng, qủy Méphisto từng hiện ra dưới hình thù một con chó thân thiết với Faust, rồi hiện nguyên hình khi ông tuyệt vọng nhất. Nó mời gọi ông kí giao kèo bán linh hồn. Hành động này ẩn dụ trong đó về việc, trên đường đời bản thân chúng ta không hiếm lần phải quỳ gối thỏa hiệp, rồi dần dần bán đi linh hồn của mình. Đó là thiên lương, là sự thuần khiết. Nhớ rằng, trong cuộc chiến với con quái vật thì chúng ta không chỉ chống lại chúng, mà còn chống lại việc chúng ta biến thành con quái vật khác thế vào chỗ của chúng. Trên đường đi của The Fool/ Chúng Ta, thất bại lớn nhất chính là đánh mất chính bản thân mình.

Nhưng thôi, dẫu dưới hố thẳm trước mắt có nhiều thứ khó tiên đoán, khổ đau lẫn hạnh phúc, thì chúng ta hãy cứ cất bước đi thôi. Cứ chạy như gió, khờ dại như The Fool, với một tinh thần thuần khiết. Vì “ trước ngày lên ngôi Chúa, ai chắc không dại khờ.” 


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Phùng Lâm, nhà văn, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tâm linh ở tp.HCM.

Đọc tiếp »

Biểu Tượng Thằng Hề Trong Văn Học (Chương VII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail


Nhắc đến hề, có thể có ba cách hiểu: thứ nhất, đó là một loại nghề nghiệp, một loại người mua vui trong xã hội; thứ hai, đó là một kiểu nhân vật trong các nghi lễ tôn giáo và xã hội ở nhiều nền văn hóa; thứ ba, đó là một kiểu nhân vật chức năng trong tác phẩm nghệ thuật. Thật ra, ba cách hiểu này đều có cùng một bản chất, vì hề bao giờ cũng đứng trên lằn ranh giữa thực tế và huyễn ảo, giữa đời thường và ước lệ, giữa nghệ thuật và đời sống. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh đời sống, đã thấm hút các chất liệu nội dung và hình thức của đời sống (trong đó có hề) để làm phương tiện biểu hiện thế giới tư tưởng của người nghệ sĩ. Đối với văn học, hề là một kiểu nhân vật chức năng, có vai trò châm biếm, trào phúng, thể hiện tư tưởng của tác giả. Nhưng trong tác phẩm trào phúng, hề không phải là nhân vật duy nhất, và dường như các nhân vật trong tác phẩm trào phúng, không ít thì nhiều đều gắn với yếu tố tiếng cười. Như vậy, đâu là điểm khác biệt giữa hề và các nhân vật khác trong tác phẩm trào phúng? Nhân vật hài hiểu đơn giản là nhân vật trong tác phẩm trào phúng. Như vậy thì hề cũng là một kiểu nhân vật hài. Nhưng không phải nhân vật hài nào cũng là hề. Trong phần này chúng tôi đưa ra những ranh giới phân biệt kiểu nhân vật hề và tập hợp những nhân vật hài còn lại trong tác phẩm trào phúng.
.


Về mặt nội dung và hình thức tạo tiếng cười, không có sự phân biệt giữa nhân vật hề và các nhân vật hài khác. Việc cười nhạo cái thiêng, các chủ đề tình dục, các yếu tố tục tĩu, sự cười nhạo bệnh tật, cái chết và những sự tổn hại về thể xác, tinh thần là những chủ đề không xa lạ gì trong tác phẩm trào phúng. Trạng Quỳnh giễu cợt Chúa, thậm chí trêu ngươi thánh thần. Trong truyện Ba Giai Tú Xuất có đoàn hủi viếng quan phủ, tạo thành trò vui hiếm thấy. Các thủ pháp tạo tiếng cười có tính chất lạ hóa như phóng đại, giễu nhại, các lối nói mỉa mai châm chọc, các lối chơi chữ… cũng không độc quyền của hề trong các tác phẩm trào phúng. Về bản chất, sự khác biệt cơ bản giữa nhân vật hề và các nhân vật khác, đó chính là vị trí của nhân vật đối với thế giới trong tác phẩm. Các nhân vật thông thường hoàn toàn thuộc về thế giới trong tác phẩm, nó dự phần vào đó, bị chi phối bởi tình huống, nó ở cùng bình diện với thế giới mà nhà văn miêu tả. Ngược lại, hề vừa tham gia vào thế giới trong tác phẩm, vừa đứng ngoài thế giới đó, hề đứng ở lằn ranh giữa các thế giới. Như vậy, hề và các nhân vật hài khác không đứng cùng một bình diện. Điểm khác biệt cơ bản đó được biểu hiện cụ thể qua hai phương diện: ngoại hình nhân vật và mối quan hệ với tình huống gây cười.

Tiêu chí
Hề
Các nhân vật hài khác

Ngoại hình

Nghịch dị, phân biệt hề với phần còn lại của thế giới.

Phù hợp với tính cách và xuất thân, có thể trùng lắp.


Quan hệ với tình huống hài hước

Chủ động tạo ra tình huống hài hước thông qua các câu hỏi, các trò chọc ghẹo
Như các nhân vật trong tác phẩm tự sự khác, chịu sự chi phối của tình huống truyện (ở đây là tình huống hài hước), được đặt vào trong tình huống để làm bật lên tiếng cười.


Ví dụ tiêu biểu

-Forrest Gump
-Beghemot
-Hề của vua Lear
-Trạng Quỳnh
-Ba Giai, Tú Xuất
-Nhân vật trong các mẩu truyện cười
-Nhân vật trong truyện ngắn Chekhov



Thứ nhất, về mặt ngoại hình, hề nghịch dị khác hẳn với đám đông còn lại (những nhân vật hài khác). Những nhân vật hài khác có thể là những người rất bình thường, như trong truyện ngắn Chekhov, chúng ta có thể gặp họ ở bất kì đâu, đó có thể là một viên chức (như Cherviakov trong Cái chết của một viên chức), có thể là một viên cảnh sát (như Otrumelov trong Con kỳ nhông), có thể là một người gầy hay béo (Anh béo anh gầy)… Nhưng hề, trong tạo ngoại hình nghịch dị của hắn, đòi hỏi hắn là duy nhất được miêu tả theo cách như vậy trong thế giới mà hắn tồn tại. Không thể nhầm lẫn Forrest Gump với bất kì ai trong thế giới của hắn, vì hắn có ngoại hình to lớn, đần độn, thậm chí kì quái, đôi khi còn buộc chiếc bóng bay vào cúc áo để người ta có thể biết mình ở đâu. Beghemot, con mèo đi bằng hai chân sau, to như con lợn đực thiến trong Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov gây sửng sốt cho bất kì người dân Moscow nào gặp hắn, vì sự kì dị và lạ lùng của hắn. Trong nghệ thuật sân khấu, như hí kịch hay chèo, phục trang của hề đều có những ước lệ riêng đảm bảo không nhầm lẫn hề với các loại nhân vật khác. Như vậy, ngoại hình của hề có tính duy nhất, và đó là cơ sở quan trọng để phân biệt hề với các nhân vật còn lại. 


Cũng có trường hợp nhân vật được tạo dựng với thủ pháp nghịch dị, nhưng không phải là hề. Có thể kể đến gia đình cụ cố Hồng trong trích đoạn “Hạnh phúc một tang gia”, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Nghịch dị là sự đảo lộn những quy luật đời thường. Bản chất vui tươi hoan hỉ của đám tang mang đậm chất nghịch dị. Những nhân vật trong đám tang đó cũng được tạo hình rất quái dị: cụ cố Hồng cố tình mặc áo bông giữa mùa hè, làm mọi cách để già hơn tuổi, ông Phán mọc sừng mặc cái khăn trắng to tướng, áo thụng trắng lòe xòe, bà Văn Minh diện những bộ trang phục tân thời, cô Tuyết gây ấn tượng bởi bộ trang phục nửa kín nửa hở, minh chứng cho việc cô chưa mất hẳn chữ trinh. Tuy nghịch dị, nhưng những nhân vật của Vũ Trọng Phụng không phải là hề, bởi vì ngoại hình của họ không có tính duy nhất. Tất cả các nhân vật đều là những điển hình cho một lớp người đểu giả trong xã hội Việt Nam những năm 1930. Ở đây cũng cần nói thêm, mặc dù màn “Hạnh phúc của một tang gia” có đầy đủ các hình thức của carnaval: đám rước giễu hành mang hình ảnh của những con quỷ hoan hỉ (cười cợt trên cái chết của người thân), tiếng cười lộn ngược giả trá trong tiếng khóc, có sự chôn cất hạ huyệt, nhưng về bản chất, “Hạnh phúc một tang gia” đối lập hoàn toàn với cảm quan carnaval. Ở chỗ, cái thế giới giả trá và tàn nhẫn kia chính là thế giới thực, cái đám giễu hành kia là con đẻ của thế giới thực, và khi cái huyệt kia lấp xuống, đó chính là sự tuyên án cái chết đối với đạo đức và nhân tính. Ở đây hoàn toàn không có trạng thái hai thế giới đặc thù của carnaval, và sự chôn xuống không hề có ý nghĩa tái sinh.

Tiêu chí quan trọng hơn, chính là mối quan hệ giữa các nhân vật với các tình huống gây cười. Nhân vật hài khác trong tác phẩm trào phúng bao giờ cũng chịu sự chi phối của tình huống. Phải có sự việc sứ Tàu đến gây loạn và ra thử thách, trạng Quỳnh mới có dịp để châm biếm, mỉa mai, vạch trần bọn sứ Tàu từ đó tạo tiếng cười. Phải có sự việc anh chàng mới cưới và anh chàng mới mua áo gặp nhau, mới có tiếng cười chế giễu thói khoe khoang trong truyện Lợn cưới, áo mới. Ngược lại, nhân vật hề chủ động tạo ra tình huống gây cười, lôi kéo các nhân vật khác vào trò diễn của mình để tạo ra sự hài hước. Beghemot trong Nghệ nhân và Margarita lôi kéo, trêu chọc các nhân vật khác trong đoàn tùy tùng, giễu cợt, chế nhạo họ để mua vui. Hắn còn chủ động tạo ra sân khấu Hắc ảo thuật (một sự kiện quan trọng trong cốt truyện) để biến một tập thể công dân Moscow thành trò vui. Màn “Đại vũ hội của Chúa quỷ Satan” do Beghemot tổ chức là điểm hội tụ và là cao trào của ba tuyến truyện, có chức năng phân giải, phán xử số phận của các nhân vật trung tâm. Thật ra, nhân vật hề không hoàn toàn thoát ly khỏi tình huống truyện, nhưng sự vận động của hề luôn hướng ra khỏi sự vận động của tình huống, để tạo ra tình huống mới có chức năng gây cười. Forrest Gump cả cuộc đời luôn bị lôi kéo hết từ sự kiện này đến sự kiện khác, và hầu hết đều có tính chất trang trọng: phát biểu nhân giải vô địch đội bóng, nhận huy chương kháng chiến và gặp tổng thống, tham gia cuộc thử nghiệm NASA ra ngoài vũ trụ, vô địch giải cờ vua thế giới… Nhưng sự vận động của nhân vật đều đi lệch khỏi tính chất trang trọng đó, và tạo ra vô số các tình huống gây cười, phá bĩnh, lật mặt các sự việc trang trọng. Là cầu thủ phát biểu trong giải vô địch bóng bầu dục, Forrest Gump chỉ biết nói: “Tôi buồn đái”. Khi gặp tổng thống, được hỏi về vết thương chiến tranh, hắn vạch quần ra cho tổng thống xem, ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp được cả nước quan tâm. Qua lăng kính của hắn (ngôi kể chuyện thứ nhất xưng tôi), tất cả các điều trang trọng nhất đều bị phỉ báng, đều là những thứ “cứt đái” vô nghĩa. Như vậy, hề dự phần vào hiện thực cuộc sống như một kẻ phản loạn, hắn lộn trái hiện thực (một cách ý thức hay vô thức) bằng các trò hề của mình, sự tương tác với các nhân vật khác của hề lôi kéo họ vào sân khấu của hắn, biến họ thành người cộng sự, người đồng diễn.

Tiêu chí mối quan hệ với tình huống là tiêu chí chủ yếu để phân biệt hề với nhân vật hài khác, giúp ta giải quyết được nhiều trường hợp tiêu chí ngoại hình không giải quyết được. Đơn cử như trường hợp Belikov trong truyện ngắn Người trong bao của Chekhov. Ngoại hình “trong bao” của Belikov thỏa mãn tiêu chí nghịch dị và đảm bảo tính duy nhất: cặp kính đen to tướng che gần hết khuôn mặt nhợt nhạt, choắt như mặt chồn, chiếc áo bành tô cốt bông bẻ cổ đứng lên, lỗ tai nhét bông, chân đi giày cao su… Tuy vậy, Belikov không phải là nhân vật hề, ở chỗ, hắn hoàn toàn là con đẻ của cái hiện thực mà hắn đang sống. Mọi hành động của hắn đều bị chi phối bởi nỗi sợ hãi các nhà cầm quyền, thể hiện rõ “thói nô lệ tinh thần” mà Chekhov vẫn phê phán. Tính chất “người trong bao” của Belikov dần bộc lộ qua các tình huống truyện. Như vậy, trong quan hệ với hiện thực, Belikov ở cùng bình diện với các nhân vật khác trong tác phẩm. Sự nghịch dị của hắn được tạo ra để phóng đại, tô đậm một hiện tượng phổ biến trong xã hội Nga thế kỉ XIX, thói nô lệ tinh thần, qua đó Chekhov trình bày quan điểm về cải cách xã hội và cải cách con người. 


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Đặc Trưng Trình Diễn Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương V, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Về hình thức trình diễn của hề, có thể kể đến một vài hình thức phổ biến sau:

Giễu nhại: Chính là sự bắt chước và châm biếm một đối tượng nào đó. Giễu nhại có nhiều phương diện: Nhại hình thức (Charlie Chaplin nhại chân dung của Hitler, trở thành hình ảnh phản chiếu qua tấm gương cười của tên độc tài gây nỗi sợ hãi cho toàn thế giới), nhại ngôn ngữ (Mẹ Đốp nhại lại những lời của xã trưởng, “bốc mồm” xã trưởng cho vào vạt áo), nhại thể loại văn học (Forrest Gump từng tham gia diễn vở Vua Lear ở trường đại học, và vở kịch bị phá vỡ một cách khôi hài)… Sự giễu nhại có thể nhằm mục đích tạo tiếng cười vui vẻ, duy trì không khí hài hước, cũng có khi là một sự châm biếm, đả kích đối tượng trào phúng.

Các hành vi đánh đập, bạo lực: Đối với carnaval châu Âu Trung cổ và Phục hưng, các màn đánh đập, bạo lực là biểu hiện của mối quan hệ suồng sã nơi quảng trường hội hè, với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa người với người để mọi người đạt đến trạng thái tự do, bình đẳng, dân chủ của hội giả trang. Các hành vi đánh đập còn có ý nghĩa hạ bệ, ví dụ như nghi thức đánh đập và lột trần vua giả (với ý nghĩa hạ bệ uy tín của cái nghiêm và cái thiêng), để giải phóng sự tự do và bình đẳng của nhân dân. Cái vai hề Mỹ rất phổ biến với các màn trình diễn đánh đập, có thể các anh hề trong rạp xiếc đánh nhau, ném những chiếc bánh ngọt vào mặt nhau, hay các màn đánh, tát, đấm trong phim Charlie Chaplin.



 
Ngôn ngữ suồng sã, thô tục, những lời chế nhạo, mỉa mai: Ngôn ngữ chính là trò chơi của tên hề, các biện pháp chơi chữ nói lái, mỉa mai, các lời lẽ chửi bới, xúc phạm, những lời tục tĩu… đều được hề sử dụng như một thủ pháp gây cười và hạ bệ đối tượng. Tên hề của vua Lear đã mỉa mai vua khi đánh mất ngai vàng: “Ngài tốt nhất nên đội chiếc mũ của tôi” (Mũ coxcomb với tai lừa đặc trưng của hề). Hay như Forrest Gump, anh hề ngây thơ kể lại câu chuyện của mình trong tiểu thuyết cùng tên của Winston Groom cũng sử dụng rất nhiều từ văng tục: “cứt đái”, “như cứt”… Ngôn ngữ của Forrest Gump phản chiếu không gian ngôn ngữ của xã hội, với đủ loại người suồng sã, thô kệch, giả trá. Qua ngôn ngữ suồng sã ấy, bản chất giấc mộng bá chủ của xã hội Mỹ nhưng năm 1970 (với giấc mộng vĩ cuồng vươn ra thế giới và vũ trụ) bị mang ra giễu cợt, cười nhạo. Forrest Gump, cả trong tiểu thuyết lẫn trong phim ảnh, được xem là “một ẩn dụ về nỗi hoài niệm đầy mời gọi mà trong đó, anh ta như một phiến đá trống để thế hệ Baby Boomer (thế hệ sinh ra sau Thế chiến Hai) phóng chiếu kí ức của họ lên đó”[1].



Thông qua yếu tố tiếng cười, hề thực hiện các chức năng của mình. Hề có ba chức năng cơ bản sau: chức năng thẩm mỹ - giải trí, chức năng nhận thức – can gián, chức năng tố cáo, đấu tranh xã hội. Mục đích trước tiên của hề bao giờ cũng là mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem. Nhưng tiếng cười của hề bao giờ cũng có một ý nghĩa xã hội nhất định. Hề carnaval với ngoại hình nghịch dị và ngôn ngữ suồng sã quảng trường, mang đến tiếng cười với mục đích mở rộng giác độ thế giới quan và giải phóng con người, thông qua việc phá vỡ các quy tắc giao tiếp và quan hệ thứ bậc thông thường. Socrates (với tư cách nhân vật) trong trước tác của Plato và Aristophanes cũng hiện lên là một anh hề mang đến tiếng cười triết học với một loạt các nghịch lý (câu danh ngôn quen thuộc: “tôi biết rằng tôi không biết gì cả”). Sự minh triết hòa trộn với sự ngốc nghếch, thừa nhận những nghịch lý như một điều tất yếu, tiếng cười Socrates đưa đến bầu không khí dân chủ nơi không ai độc tôn chân lý và tất cả cùng tìm kiếm con đường tiệm cận chân lý thông qua hình thức đối thoại. Cái hài của hề đôi khi gắn liền với cái bi. Tiếng cười carnaval là cái hài trong cái bi, người ta cười khi nhận ra sự bi đát của đời sống, cười hả hê trong cái không gian thứ hai đầy hữu hạn được tạo lập để tạm thời giải thoát con người khỏi cuộc sống ngột ngạt, tù túng. Như vậy, thông qua tiếng cười, hề giúp chúng ta nhận thức thế giới. Forrest Gump trong chuyến hành trình đầy ngẫu nhiên của mình đã vẽ ra bối cảnh thời đại rộng lớn về mặt không gian (Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, vùng rừng núi Nam Mỹ, ngoài vũ trụ) và thời gian (kéo dài suốt cuộc đời Forrest Gump từ lúc nhỏ đến tuổi trung niên), nó thâu tóm toàn bộ sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến xã hội Mỹ trước, trong, và sau Thế chiến Hai. Qua đôi mắt khờ khạo của một tên ngốc, tất cả những sự kiện, những biến động gây xáo trộn lớn trong lịch sử dường như đều vô nghĩa. Lao vào cuộc chiến ở Việt Nam không hiểu tại sao, ngẫu nhiên được huy chương, không hiểu tại sao mình bị bắt, và bằng cách nào trở thành anh hùng thám hiểm vũ trụ… Với cuộc đời đầy ắp sự kiện nhưng trống rỗng về ý nghĩa, Forrest Gump cho ta thấy cả một thời đại bị cuốn vào những giá trị vật chất và đánh mất đi những giá trị sống đích thực, nơi hạnh phúc cá nhân bị chôn vùi trong giấc mơ Mỹ. Cuối cùng, từ sự nhận thức hiện thực, hề đóng góp quan trọng vào quá trình đấu tranh xã hội, đòi lại công bằng cho nhân dân. Hề chèo của Việt Nam, từ thời Lê Mạt đã là vũ khí đấu tranh xã hội mạnh mẽ, cùng với nghệ thuật trào phúng dân gian đã đả kích gay gắt bộ máy thống trị suy thoái, gây đói khổ cho nhân dân. Hề carnaval tạo điều kiện để hạ bệ những tư tưởng chính thống, hạ bệ quyền lực của giai cấp thống trị và cái thiêng của nhà thờ, tạo điều kiện cho nhân dân và người nghệ sĩ mở rộng giác độ thế giới quan, hoàn toàn tự do tư tưởng, không ngần ngại chạm đến những chủ đề bị cấm đoán. Có khi, hề đứng trên lập trường nhân loại để chống lại thế lực độc tài, phi nhân. Có thể kể đến trường hợp tiêu biểu, Charlie Chaplin trong tác phẩm nổi tiếng The Great Dictator đã giễu nhại Hitler và đã có bài diễn văn đầy thuyết phục về hòa bình cho nhân loại:

“Tôi xin lỗi. Tôi không muốn làm một đại đế. Đó không phải là công việc của tôi. Tôi không muốn thống trị hay chinh phạt ai cả. Trong khả năng của mình, tôi muốn giúp đỡ mọi người — Do-thái, không Do-thái, da đen, da trắng.

Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ nhau. Con người là như thế. Chúng ta muốn sống vì niềm vui của nhau — không phải vì nỗi khốn khổ của nhau. Chúng ta không muốn thù ghét và khinh bỉ nhau. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người và quả đất tốt lành này thì giàu có và có thể nuôi sống mọi người.

Con đường của sự sống có thể là tự do và đẹp đẽ, nhưng chúng ta đã đánh mất con đường ấy. Sự tham lam đã đánh độc tâm hồn con người, đã vây hãm thế giới trong sự oán thù, đã xua chúng ta dấn bước vào sự lầm than và đổ máu. Chúng ta đã phát triển tốc độ, nhưng chúng ta đã giam hãm chính mình. Máy móc đáng lẽ mang đến cho chúng ta sự dư dật, thì lại khiến chúng ta đói rách. Sự hiểu biết của chúng ta đã làm chúng ta trở nên chua cay; sự khôn khéo của chúng ta đã làm chúng ta trở nên khắc nghiệt. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khôn khéo, chúng ta cần sự tử tế và sự dịu dàng. Không có những phẩm tính này, cuộc sống sẽ trở nên cuồng bạo và chúng ta sẽ đánh mất tất cả”[2].

Tóm lại, từ những đặc điểm trên, ta thấy rằng hề là một nhân vật chức năng có vai trò quan trọng cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống. Các đặc trưng của nhân vật hề khiến hắn tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Thông qua nhân vật hề, người nghệ sĩ có được một phương tiện phản ánh hiện thực rộng lớn và mạnh mẽ, bằng tiếng cười đã tự do bày tỏ quan điểm, kiến giải và dự báo hiện thực cuộc sống.

[1] Ban biên tập NXB Trẻ,“Nước chanh và Socôla: Hai cái nhìn về nước Mỹ”, phụ lục Forrest Gump, tr 332.

[2] Nguồn:
 http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=8974

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Đặc Trưng Nội Dung Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương IIII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail
Về mặt nội dung tiếng cười, C. Todd White, trong bài viết “The Anthropology of Fools”, đã chỉ ra bốn chủ đề gây cười mà hề hay sử dụng, dựa trên bốn chủ đề hài hước trong đời sống toàn cầu được đưa ra bởi nhà nhân chủng học Julian Steward vào cuối thập niên 1920.



Hề thường đùa cợt và nhạo báng những gì thiêng liêng. Cái thiêng ở đây không chỉ thu hẹp trong phạm vi tôn giáo. Nó còn có thể là tư cách chính trị, địa vị xã hội, những nhân vật nổi tiếng được xã hội trọng vọng. Những người có địa vị cao và có uy tín trong xã hội thường trở thành chủ đề cho những lời giễu cợt, đả kích. Có thể kể đến trường hợp những nhân vật hề chuyên nghiệp trong các hoàng cung xưa, ở một vài khía cạnh, những trò hề của họ gợi nhắc cho chủ nhân về sự nhất thời của quyền lực. Hề đại diện cho sự thật, và một cách nghịch lý, những trò đùa cợt ngu ngốc của hề can gián chủ nhân phạm vào những điều ngu ngốc. Mặt khác, những nhân vật trong triều đình thường bị hề giễu cợt, đùa vui để mang đến tiếng cười, giải tỏa căng thẳng liên quan đến các vấn đề trong triều chính. Ngay cả những nghi thức thiêng liêng cũng hàm chứa sự cười cợt. Trong nhiều nền văn hóa, một vài nghi thức và nghi lễ có bề ngoài chống lại trật tự, nhưng bên trong chính là một cách duy trì trật tự. Rất nhiều nghi lễ có các nghi thức nghịch đảo, nam mặc đồ nữ, nữ đóng vai trò của nam, con người đóng giả con vật… Bởi các mối quan hệ đùa giỡn thân tình có tác dụng nuôi dưỡng sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng. Max Gluckman, trong cuốn Custom and Conflict in Africa, đã đề cập đến một nghi lễ giữa các thị tộc khác nhau của người Tonga ở miền Bắc Rhodesia. Họ thiết lập một mối quan hệ đùa cợt có tính chất nghi thức giữa các thành viên trong các thị tộc khác nhau. Những thành viên trong các nhóm đùa cợt này thực hiện nghĩa vụ xã hội có tính chất qua lại, họ đùa cợt, trêu chọc và thông qua đó chỉ trích đối phương. Và như vậy, mỗi người tham gia nghi thức này đều đóng vai trò của người khuyên răn, can gián. Thực chất, mối quan hệ này là sự kết hợp giữa tình bạn và sự phản kháng, sự đóng giả và sự thù địch, trong khuôn khổ một bầu không khí thân thiện, có tác dụng duy trì khuôn khổ xã hội, sự tôn trọng lẫn nhau và sự liên minh vững chắc giữa các thị tộc.

Hề thường cười nhạo người ngoại quốc hoặc những người lạ. Todd cho rằng, việc nhạo báng và tuyên truyền có tính chất đùa cợt này nhằm mục đích hạ bệ uy tín đối phương và nâng nhuệ khí quốc gia. Một vài ví dụ hiện đại có thể kể đến những vai diễn trào phúng có tính chất chính trị của Bob Hope, và vai diễn của Joel Gray trong vở nhạc kịch Cabaret. Tiếng cười chính là một lối thoát, là một cách giải tỏa tâm trạng thù địch, sự đua tranh và tâm trạng vỡ mộng. Trong các màn chuyển tiếp trong lễ hội của người Kwwakiutl, xuất hiện các màn chuyển tiếp giễu nhại người da trắng. Những người thổ dân bản địa đóng vai cảnh sát, chánh án, thẩm phán. Một người phụ nữ bị bắt vì vắng mắt trong phần đầu của buổi lễ, bị xét xử và kết án 70 dollars, tương đương với những tấm chăn sẽ được phân phát cuối buổi lễ nhân danh người phụ nữ đó, như những món quà. Thật ra, tiếng cười có thể giảm thiểu hoặc khích động bạo lực. Mười ba trên hai mươi chín lần xuất hiện từ “laughter” (tiếng cười) trong Kinh Thánh đều liên quan đến bạo lực[1]. Những trò đùa cợt có thể duy trì tình bạn, hoặc cũng có thể cô lập những người lạ, tạo ra những cuộc tàn sát hay những trận chiến.



Nội dung liên quan đến tình dục và các nội dung có tính chất tục tĩu cũng thường được hề sử dụng. Bakhtin đã chỉ ra trong Gargantua và Pantagruel những biểu tượng của dương vật như những tháp chuông, những ống khói, cái mũi được phóng to. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy tục thờ dương vật rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa, ví dụ như tộc Pueblo ở phía tây Nam Mỹ. Một vài anh hề zuni sẽ đeo những dương vật giả mà anh ta dùng để chọc hay để vuốt ve. Những linh hồn kachina của người Hopi mang mặt nạ được trang trí bởi những biểu tượng có hình dương vật. Đây là những nghi thức xa xưa có tính chất phồn thực, nó gắn liền với tư duy nguyên hợp của người nguyên thủy, cho rằng con người là một phần của vũ trụ. Gắn với bộ phận sinh dục, các chất thải cũng là những yếu tố tục tĩu mà hề hay sử dụng. Bakhtin viết về phân: “Phân – đó là một thứ vật chất vui vẻ. Trong các hình tượng cổ xưa nhất về phân, như chúng tôi đã nói, phân gắn liền với sức sản xuất và độ phì nhiêu. Mặt khác, phân được tư duy như cái gì đó trung gian giữa đất và cơ thể con người, một cái gì đó có họ mạc với nhau. Phân cũng là cái gì đó trung gian giữa cơ thể sống và xác chết, cái đang phân hủy, biến thành đất, thành phân bón, cơ thể ban phân cho đất khi còn sống, phân, cũng như xác người chết, làm cho màu mỡ đất đai” (7, 281). “Hành động hất phân, xối nước tiểu, các câu chửi phủ dầy cứt đái dành cho thế giới cũ đang chết đi (đồng thời đang ra đời) – chính là đám tang vui vẻ cho nó, hoàn toàn tương ứng như việc ném xuống mồ những nấm đất âu yếm hoặc gieo hạt – ném những hạt giống xuống rãnh cày (vào lòng đất) (nhưng trên bình diện trào tiếu)” (7,282).

Hề giễu cợt những tổn hại, những bi kịch, bệnh tật, nhu cầu cả về thể xác lẫn tinh thần. Những nghi thức giễu cợt kể ở trên là hoàn toàn xa lạ với văn hóa Mỹ đương đại. Mỹ không có hiện tượng hề cung đình. Những trò đùa cợt, nhạo báng tình dục ở các hộp đêm, công viên thường bị cấm, và việc cười nhạo người lại dường như chống lại lý tưởng dân chủ của người Mỹ. Cho nên, sự giễu nhại những tổn hại về thể xác hay tinh thần, bệnh tật trở thành nội dung chủ yếu của những chú hề Mỹ. Những hình thức đánh đập rất phổ biến trong các bộ phim hài, từ Three Stooges đến Charlie Chaplin, chúng có tính châm biếm, hài hước, mang lại tiếng cười vui vẻ cho người xem. Sự giễu cợt cái chết cũng là một nội dung phổ biến của hề. Với người Hopi, khi anh hề (mà họ rất quý trọng) chết, họ hàng của anh ta sẽ di chuyển cái xác lên mái của một tòa nhà gần trung tâm làng. Vừa hét “Yaahay!”, họ vừa liên tục lắc lư phần thân trên của cái xác, đến lần thứ tư thì thả cái xác rơi huỵch xuống đất. Đây được xem là nghi thức diễn trò cuối cùng của anh hề, có ý nghĩa giễu cợt cái chết và sự hữu hạn thân xác của loài người. Tên hề carnaval cũng thường gắn với các hình tượng hội hè dân gian, trong đó có đám ngáo ộp vui vẻ, là những con quỷ giễu hành khắp nơi thông báo cho mọi người về sự khởi đầu của hội hè. Thực chất, đám ngáo ộp vui vẻ chính là sự cười nhạo cái chết. Cảm quan carnaval giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết, bởi cái chết hòa vào thân xác toàn dân không phải sự phủ nhận cuộc sống, mà chính là một phần của cuộc sống, cái chết là điều kiện tất yếu cho sự hồi sinh.



[1] Dẫn theo Tod White, “The Anthropology of Fools”, Fool and Jester in Liturater, Art and History, tr.35. 

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Đặc Trưng Hình Thức Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương III, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail


Ở phần trên, chúng tôi đã trình bày khái quát về lịch sử phát triển của hề. Hề ở mỗi quốc gia, mỗi loại hình nghệ thuật đều có những tính chất, đặc điểm khác biệt, thể hiện đặc trưng loại hình nghệ thuật cũng như đặc trưng văn hóa của từng quốc gia. Nhưng đã là vai hề thì phải có những đặc tính chung dưới đây.





Hình tượng nghệ thuật là người lạ mặt quen biết, là tổng hòa của cái chung và cái riêng, tập thể và cá thể. Khác với các ngành khoa học, loại bỏ các yếu tố cá thể để khái quát thành những định lý, định đề, nghệ thuật quan tâm cả đến những yếu tố cá thể, đi sâu vào khai thác cái riêng, vào ấn tượng chủ quan. Tạo hình và biểu hiện là đặc trưng của tư duy nghệ thuật. Tchaikovski nói: “Tôi không bao giờ sáng tác một cách trừu tượng, nghĩa là bao giờ tư tưởng âm nhạc cũng hiện ra trong tôi dưới một hình thức bề ngoài thích ứng với nó. Như vậy, tôi phát hiện ra tư tưởng âm nhạc cùng một lúc với sự phối khí.”[1]. Tạo hình là thao tác cụ thể hóa hình tượng trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ bằng cách tạo ra các thông tin về ngoại hình, về không gian, về thời gian.

Về ngoại hình, hề thường được tạo hình theo thủ pháp nghịch dị (grotesque). Nghịch dị là “một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống thực với cái biếm họa […]. Nghệ thuật nghịch dị là một kiểu ước lệ đặc thù: nó công nhiên và chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên”. Nghịch dị có thể hiểu theo ba tầng nghĩa. Thứ nhất, đó là sự phá vỡ những logic thông thường. Thứ hai, về mặt mỹ học, đó là sự phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa cổ điển. Thứ ba, về mặt sinh lý học, đó là sự thổi phồng, phóng đại những bộ phận nhạy cảm của cơ thể với ý nghĩa phồn thực. Ngoại hình nghịch dị khiến hề khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Vicki K Janik trong phần Dẫn nhập (Introduction) của cuốn Fool and Jesters in Liturature, Art and History, đã chỉ ra hai dạng trang phục của hề. Dạng thứ nhất, đó là dáng vẻ ngu ngốc, hậu đậu, có thể có mối quan hệ với gốc từ “clown” trong tiếng Anh (liên quan đến “clod”, “clot”, “lump” nghĩa là cục mịch, đần độn). Trang phục của tên hề loại này thường rộng thùng thình, rách rưới, tơi tả, thường mặc chiếc áo choàng dài cáu bẩn, với chiếc giày to quá cỡ, nhấn mạnh vào sự mất cân đối. Loại trang phục này thường thấy ở hề châu Âu dưới thời Trung cổ và Phục hưng. Loại trang phục thứ hai của hề được thiết kế theo kiểu harlequin (một loại hề trong thể loại sân khấu Commedia dell'arte của Ý), màu sắc sặc sỡ, trang phục bó sát hoặc vẽ trên cơ thể, được trang trí màu mè với những phụ kiện lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Huyền thoại sáng thế của người Jemez kể rằng những người chết đói được cứu bởi thần mặt trời, khi thần chọn ra một trong số họ, sơn lên người anh ta những sọc trắng của ngựa vằn, trang trí đầu anh ta bằng lông đại bàng và vỏ ngô, bổ nhiệm anh ta thành “người vui vẻ”, cứu những người bạn của anh ta khỏi cái đói bằng cách làm cho họ cười. Anh hề Korshare của tộc người da đỏ Acoma trình diễn xuyên suốt các nghi thức tôn giáo với cơ thể chỉ mặc duy nhất một chiếc khố, toàn thân sơn trắng, miệng và hốc mắt tô đen, với vỏ ngô ở tóc, gỗ hóa thạch ở thắt lưng và mai rùa ở trên hai đầu gối.



Trong quan hệ với không gian và thời gian, hề có tính chất bí ẩn và không xác định. Rất khó xác định tuổi của một tên hề. Người ta thường nghĩ hề là một đứa trẻ. Ví dụ tên hề của vua Lear, vua vẫn thường dùng từ “cậu bé” để gọi hắn. Merry Report trong vở Staging the Henrician court cũng được nhân vật Jupiter gọi là “cậu bé”. Hề Harpo Marx cũng vậy, hắn bắt chước cử chỉ của một đứa trẻ trong phim Animal Crackers (1920), với nụ cười vô hại khi một người phụ nữ nói với hắn: “Ta thích những đứa trẻ giống em. Em bao nhiêu tuổi?”, và hắn giơ năm ngón tay để trả lời. Một số nhân vật hề nhấn mạnh sự giống trẻ con của mình bằng giọng falsetto. Lucy Ricardo, Gracie Allen, Stan Laurel, Lou Costello, Ed Norton, Jerry Lewis thường nâng tông giọng lên, nhất là những khi họ cần thanh minh về hành động ngốc nghếch của mình. Một số hề rất khó xác định tuổi, ví dụ như Charlie Chaplin, Keaton, Croucho, bởi lớp phấn trang điểm đậm trên gương mặt những nhân vật hề này không thay đổi trong nhiều thập niên. Tính chất khó xác định tuổi của hề có thể có nguồn gốc từ những nhân vật hề trong xã hội cũ. Những anh hề này thường là những người vô gia cư và không có gia đình, kiếm sống bằng những trò hề ngốc nghếch. Ở La Mã cổ đại, những anh hề thường bám theo những gia đình giàu có để được mời ăn tối bằng cách hứa hẹn với gia chủ về những trò giải trí, đùa cợt hài hước. Khác với người ăn xin, hề trình diễn những điểm yếu (thật hoặc giả vờ) để lấy tiền và thực phẩm. Hề tồn tại bằng cách mua vui, cải trang, đóng giả, nên tuổi và danh tính của hề trong xã hội không được quan tâm. Hề không thực sự tồn tại ở một thế giới nào, mà hắn ta đứng ở lằn ranh giữa các thế giới. Các diễn viên Taishu Engeki của Nhật thường rời khỏi sân khấu và tiến về phía khán giả để tương tác với họ, ở đây đường biên sân khấu nghệ thuật và đường biên đời sống hòa nhập (bản thân Taishu Engeki là một nghệ thuật đại chúng và gần gũi, sân khấu của nghệ thuật này thấp và rất gần với khán giả), và tồn tại ở giữa đường biên ấy chính là anh hề. Anh hề trong các carnaval Trung cổ và Phục hưng châu Âu cũng ở lằn ranh giữa các thế giới. Thời gian carnaval tạo ra thế giới ở trạng thái hai thế giới song trùng, thế giới đời thực và thế giới hội hè giả trang hòa trộn, phá vỡ đường biên và lẫn vào nhau. Anh hề carnaval tồn tại ở đường biên giữa các thế giới. Anh ta sống như diễn, và bản thân sự trình diễn đối với anh ta chính là sự sống. Ngôn ngữ hề bị đảo lộn: tiếng khen và tiếng chửi hòa lẫn vào nhau, các hành động đánh đập vừa có tính chất nghi thức vừa có ý nghĩa hiện thực.

[1] Nguồn: 
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/myhocdc/chuong5.htm 

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Lịch Sử Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương II, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Nhân vật hề tồn tại từ rất lâu đời. Bằng chứng về hề còn ghi dấu trong thần thoại, thể loại văn học một đi không trở lại, đánh dấu nhận thức thuở bình minh của loài người. Margery L. Brown trong bài viết Hephaestus, Hermes and Prometheus – jester to the Gods, đã đề cập đến một số thần với tư cách là hề trong thế giới thần của Hy Lạp. Cả Hephaetus, Hermes và Prometheus đều được xem là những kẻ bịp bợm trong thế giới thần, thường chịu sự chế nhạo của người khác. Hề bịp bợm là một nhân vật rất phức tạp. Về bề ngoài, đó có thể là một dạng thầy tế (shaman), được thần thánh chọn lựa, đạt đến bậc thầy về chuyên môn thông qua những thử thách, và trở thành sự kết hợp của nhà tiên tri, nhà ảo thuật, giáo sĩ, người bảo trợ tri thức bí truyền. Về bản chất, hề bịp bợm không đơn thuần chỉ là thầy tế hay thánh thần, mà vai trò thực sự của hắn là kẻ nổi loạn, thách thức trật tự đang ngự trị, tạo ra những hỗn loạn. Mặc dù hề bịp bợm thông minh và đầy sáng tạo, nhưng những sản phẩm hắn làm ra đều có mặt trái. Điều này khiến tên hề đôi khi trở thành nạn nhân của chính mình, và trở thành trò cười của các vị thần. Margery lý giải, sở dĩ các vị thần này chấp nhận trở thành trò cười, là do hai nguyên nhân, thứ nhất đó là tính cách tự nhiên của ông ta, thứ hai, đó là cách ông ta làm chủ tình hình, vì sự đối đầu trực diện sẽ khiến ông ta bị đánh bại bởi các vị thần toàn năng hơn. Trường hợp điển hình chính là thần thợ rèn Hephaetus. Tính cách của vị thần này rất lương thiện, trong màn trả thù Hera, người mẹ đã bỏ rơi mình, Hephaetus đã bị thuyết phục dễ dàng bởi rượu của thần Dionysus và đồng ý làm hòa với mẹ mình. Bản chất hiền hậu tự nhiên khiến Hephaetus dễ dàng chấp nhận sự cười nhạo, giễu cợt. Nhưng quan trọng hơn, đó là cách thần tránh được những xung đột trực diện. Khi vợ thần, Aphrodite ngoại tình với Ares, Hephaetus bị mọi người cười nhạo, chế giễu. Thần đã chọn cách cài bẫy trói đôi nhân tình vào giường và mời các vị thần đến xem để cười nhạo họ, đây là cách Hephaetus làm chủ tình hình, tránh cuộc đối đầu trực diện và chắc chắn thất bại, trước Ares. 
 
Hephaetus trong hình ảnh Thằng Hề.
Trong thần thoại Bắc Âu, cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhân vật hề bịp bợm, đó chính là Loki, vị thần của những trò đùa tinh quái, tượng trưng cho lửa và ánh chớp. Carl Bryan Holmberg, trong bài viết Loki, the Norse Fool cho rằng đây là nhân vật bị hiểu lầm và bị đối xử tồi tệ nhất trong thần thoại Bắc Âu. Bên cạnh những hành động cực kì độc ác, Loki đại diện cho sức mạnh của ánh sáng và của ngôn từ, nguồn sức mạnh khi kết hợp cùng nhau đã thuyết phục mọi người rằng thần không phải là toàn năng. Thực chất, mọi trò đùa nghịch, lừa gạt của Loki đều nhắm tới những lợi ích nhất định. Có thể kể đến câu chuyện Loki trộm bím tóc dài của Sif, khiến Thor tức giận và yêu cầu Loki phải trả lại bím tóc ấy. Loki nhờ Dvalin làm lại bím tóc mới. Người lùn tài năng không chỉ làm lại bím tóc cho Sif, mà còn tạo ra cây thương bách phát bách trúng và chiếc thuyền ma thuật. Sau đó Loki tuyên bố rằng ba món đồ kì diệu ấy là tuyệt đỉnh của nghề thợ rèn, điều này khiến Sindri, một người lùn khác tự ái, tham gia cá cược với Loki và tạo ra ba món đồ kì diệu, con lợn vàng trao cho Odin, chiếc nhẫn ma thuật trao cho Freya, chiếc búa Mjölnir trao cho Thor. Như vậy, bằng chuỗi những trò đùa nghịch tinh quái của mình, Loki đã làm giàu cho các vị thần. Hơn thế nữa, chiếc búa chính là vũ khí quan trọng để Thor bảo vệ thế giới các vị thần khỏi những người khổng lồ băng giá.

Khái niệm hề rất đa dạng, đó có thể là một loại hình nhân vật chức năng trong nghệ thuật (sân khấu, văn học), một vai trò trong các nghi thức lễ hội dân gian, một loại nghề nghiệp, một loại người trong xã hội. Nguyên nhân một phần là do tình trạng nguyên hợp các hình thái ý thức xã hội: nghệ thuật, tôn giáo, sinh hoạt đời sống. Bakhtin nhận xét rất chính xác về hề: “Những nhân vật như anh hề và những chàng ngốc rất đặc trưng cho văn hóa trào tiếu trung cổ. Họ dường như là đại diện thường trực của nhân tố hội hè giả trang được kí thác vào cuộc sống thường nhật (phi hội hè) […]. Với tư cách những anh hề và chàng ngốc, họ là chủ thể của một hình thức sống đặc biệt, hình thức vừa hiện thực lại vừa lý tưởng. Họ sống nơi giới tuyến giữa cuộc sống và nghệ thuật (tựa hồ khu vực giáp ranh đặc biệt): đó không đơn thuần là những người lập dị hoặc ngốc nghếch (theo nghĩa đời thường), song cũng không phải là những diễn viên hài kịch” (7,30). Thật ra trong vai trò nào, thì bản chất của hề không thay đổi, đó là sự tồn tại ở lằn ranh giữa các thế giới, chơi giỡn và cuộc sống (nghệ thuật và các nghi thức lễ hội chính là những biểu hiện khác nhau của các trò chơi).

 
Ở châu Âu thời Trung cổ, những diễn viên hài dân gian của Roman được xem là tiền thân trực tiếp của hề. Trong các triều đình khắp châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng, hề được nuôi để diễn trò, mua vui cho vua, hoàng hậu và các quan lại. Một vài hề cung đình nổi tiếng có thể kể đến: Will Sommers (đời vua Henry VII), Jeffrey Hudson (vua Charles I), với biệt danh “Tên lùn hoàng gia” (The Royal Dwarf). Những tên hề này đều rất nổi tiếng, trở thành đề tài của văn học và kịch. Ngoài ra cũng có thể kể đến tên hề của vua Lear trong kịch Shakespeare. Hề của vua Lear, trong vài trường hợp, có thể trở thành người phát ngôn của chủ nhân. Thậm chí tên hề còn giễu cợt, buộc tội chủ nhân của mình vì sự ngu ngốc. Hắn đề nghị vua Lear, người vừa cho đi ngai vàng, “Ông tốt nhất nên đội mũ của tôi” (You were best take my coxcomb)[1], với hàm ý mỉa mai sự ngu ngốc, hồ đồ của vua Lear.

Bên cạnh hề cung đình, thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu, hề diễn trò ở những quảng trường, những lễ hội dân gian. Hề có thể được sắc phong trong các nghi thức dân gian thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu. Có thể kể đến Linh mục hề. Đó là nhân vật trung tâm của một lễ hội tôn giáo có tên là “The Feast of Fool”, tổ chức ở thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu ở trong các nhà thờ và thánh đường vào đầu năm mới. Linh mục hề thống lĩnh các nghi thức đảo ngược và giễu nhại có tính chất bất kính, giễu cợt trên nhiều phương diện đối với lễ Mass. Trong The Feast of Fool, những bài thánh ca bị thay thế bởi các yếu tố dung tục những lời nói lắp bắp. Cách ăn mặc truyền thống của giáo sĩ bị chế nhạo bởi các loại mặt nạ, quần áo mặc trái, nam mặc trang phục nữ, khỏa thân thay thế cho áo choàng. Sự linh thiêng của gian thờ bị xâm phạm bởi sự xuất hiện của con lừa, bởi những hành động lỗ mãng, những trò chơi báng bổ. Lễ dâng hương và ban thánh thể bị lộn ngược bởi giày cũ và những chiếc bánh pudding ăn dở (thay vì bánh thánh). Kịch bản các nghi thức Feast of Fool chính là sự giễu nhại những nghi thức của lễ Mass, trang phục của nó nhạo báng trang phục thầy tu, những lời hát của nó xuyên tạc các bài thánh ca, và các hành động của người tham gia nghi lễ là một sự chế nhạo đối với giáo hội. Linh mục hề và hội The Feast of Fool thách thức, hạ bệ và lộn trái quyền lực chính trị của giáo hội. Trong đó xuất hiện cả nghi thức nâng và hạ, sắc phong tên hề lên làm Linh mục để hạ bệ quyền lực và tính chất tuyệt đối của cái thiêng.

Truyền thống hề ở Trung cổ châu Âu kết thúc vào thế kỉ XVIII. Sự kiện đàn áp hề ghi nhận được là sau cuộc nội chiến Anh (1642 – 1651), Oliver Cromwell lên nắm quyền, đã không nhân nhượng trước những trò mua vui của hề. Và ngay cả sau đó, vào thời vua Charles II lên nắm ngôi, truyền thống này cũng không được nối lại. Sau nước Anh, một vài quốc gia khác vẫn còn duy trì truyền thống hề được một thời gian, sau đó thì lụi tàn.

Ở châu Á, hề xuất hiện trong các nghệ thuật sân khấu dân gian. Hí kịch Trung Quốc là loại hình sân khấu độc đáo với các lớp mặt nạ truyền thống, tương ứng với nhiều cảm xúc đa dạng: phô trương, mặt lão, tương ứng với các vai hoạn quan, tiên, yêu quái… Riêng hề cũng có nhiều loại hề dân (Civilian), hề ác (Ugly) và hề lính già (Old warrior). Một trong những nguồn gốc của hí kịch là bài ưu, một loại tuồng hoạt kê. Dưới thời Đường, bài ưu phát triển thành Tham quân hí, gồm hai vai tham quân (người ăn mặc tề chỉnh, áo xanh, thông minh lanh lợi) và thương cốt (người ăn mặc lôi thôi, khờ khạo và đần độn). Hai nhân vật này đối đáp khôi hài trào lộng. Có khi tham quân bị thương cốt châm biếm, chế nhạo. Tham quân và thương cốt chính là những dạng nhân vật hề trong nghệ thuật hí kịch Trung Hoa. Nhân vật hề (vai sửu) có vị trí quan trọng trong Kinh kịch, mặt nạ hề chiếm số lượng lớn: “Xét trên chức năng hí kịch của kiểm phổ, dù nhân vật thuộc thể loại vai nào đều có thể vẽ kiểm phổ, khi cần thiết phải làm nổi bật hình tượng và diện mạo của nhân vật. Thường thì hai dạng nhân vật Tịnh (vai tà) và Sửu (vai hề) có nhiều kiểm phổ nhất. Thông thường, đối với những khán giả thích kiểm phổ thì đại đa số đều tập trung quan sát vai Tịnh, nhưng vai Sửu trong Kinh kịchmới là dạng vai đầu tiên được vẽ kiểm phổ trong lịch sử Kinh kịch... Kiểm phổ của các nhân vật khác nhau cũng có sự khác biệt rõ nét. Nhưng so ra thì kiểm phổ của vai Sửu lại đơn giản hơn vai Tịnh, nhưng các nhân vật hàng Sửu lại đa dạng và phức tạp hơn nhiều, hiệu quả nghệ thuật diễn xuất cũng khá nổi bật so với vai Tịnh. Vì vậy kiểm phổ của vai Sửu vừa tinh tế và có chiều sâu hơn, không phải đơn thuần chỉ vẽ mấy “mảng đậu phụ” (mảng màu trắng to bằng một miếng đậu phụ được vẽ ở giữa mặt) mà thôi, và cho dù chỉ là vẽ “mảng đậu phụ” như nhau, nhưng vị trí vẽ và kích thước to nhỏ cũng sẽ mỗi người mỗi khác, và cũng tùy theo từng vở kịch”. “Trong vai Sửu, có một số đóng vai nham hiểm, gian xảo, tham lam, ích kỷ, nhưng nhiều hơn hết là các vai thông minh, lanh lợi, cảnh giác, hài hước, thậm chí còn rất ngay thẳng, chính trực, hiền lành. Trong hí kịch truyền thống, thông thường những nhân vật có địa vị không cao đều do vai Sửu đóng. Nhưng xét về tính cách, những người này đa phần đều rất hài hước, hoạt bát, khá lạc quan. Phải nói rằng nhân vật thuộc hàng Sửu nhiều hơn các vai Sinh, vai Đán và vai Tịnh, từ hoàng thượng, tướng quân, thừa tướng, cho đến tầng lớp bình dân, những người què, điếc, mù, câm, nam, nữ, già, trẻ, người tốt, người xấu, trung thần, kẻ gian đều có thể dùng vai sửu để thể hiện”[2].

Ở Việt Nam, nhân vật hề xuất hiện trong loại hình sân khấu dân gian: chèo. Hề là một trong năm loại nhân vật truyền thống của chèo: đào, kép, lão, mụ, hề. Hề là nhân vật có vai trò giữ duy trì không khí hài hước, vui nhộn của vở chèo, phát triển các yếu tố gây cười từ các sáng tác dân gian, hề chèo giúp người xem có được tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Hề chèo chia làm hai loại, hề áo dài và hề áo ngắn: “Hề áo ngắn gồm có hề Gậy và hề Mồi. Hề Gậy thường là các anh chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu thầy trên đường thiên lý, khi ra sân khấu, do thường mang theo gậy đường trường hoặc cây đòn gánh, nên gọi nôm na là hề Gậy. Hề Mồi là những nhân vật hầu hạ sai vặt , điếu đóm trong nhà hoặc lính canh, lính hầu nơi quan phủ, tư dinh… Nhân vật này ra sân khấu thường mang theo chiếc mồi quấn bằng giẻ tẩm mỡ, tẩm dầu đốt sáng như đuốc. Bó đuốc này còn tượng trưng cho bó đuốc dùng chiếu sáng canh phòng, dinh thự… Do thân phận hầu hạ, hề Mồi hay ra trước dọn dẹp cung đình, đón quan đủng đỉnh ra sau, nên có thể gọi là những anh hề dọn lớp hoặc dọn dẹp đám. Loại thứ hai của hề chèo là hề áo dài (còn gọi là hề Tính cách). Những nhân vật này thường hả hê vui sướng tự giễu cợt mình, tự lột mặt nạ bản thân và tự đẩy mình vào tình huống lố bịch. Loại hề này cười cợt trên sân khấu chèo sân đình với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn, trêu chọc, nghịch ngợm… với mục đích tự bôi bác mình. Nhiều thủ pháp sân khấu hề chèo được sử dụng đắc địa và gây cười rất có hiêu quả trong trò diễn và trò nhời của nhân vật hề, với các thủ pháp gây cười dân gian; trò nhái (ứng khẩu và ứng diễn) chơi chữ, pha trò… tình huống hiểu lầm, mai phục, đố vui, giả vờ ngốc, phóng đại hoàn cảnh tức cười bất ngờ… là những biện pháp mỹ học khá thú để hề chèo đạt tới tầm cỡ của hài kịch”[3]. Đến thời Lê Mạt, hề chèo có thêm chức năng đấu tranh giai cấp. Thông qua những trò diễn hài hước, châm chọc, giễu nhại, mỉa mai, hề bóc trần bộ mạch của giai cấp thống trị. Màn Việc làng là lớp hề thể hiện rõ nhất chức năng này. Với các màn đối đáp thông minh, giễu cợt và tự giễu cợt, các nhân vật hề của màn “Việc làng” như mẹ Đốp, Hương Câm, Đồ Điếc đã cho thấy bản chất phi nhân của giai cấp thống trị và phê phán các tục lệ chà đạp lên con người, thông qua một lát cắt đậm đặc của hiện thực: một buổi họp các vị chức sắc trong làng để ăn khoán.

Tóm lại, có thể thấy, hề là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, có mặt ở nhiều nền văn hóa từ châu Âu, châu Phi, châu Á, có một lịch sử phát triển từ thời kì xa xưa của các thần thoại, cho đến ngày nay. Sự phổ biến của hề có tính chất nhân loại. Bởi hề gắn với yếu tố tiếng cười. J.J.M Askenasy cho rằng: “Tiếng cười là hình thức giao tiếp nguyên thủy có thể được thấu hiểu bởi toàn bộ xã hội loài người bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ”[4]. Charles Darwin là người đầu tiên chi ra rằng tiếng cười chính là một hiện tượng độc đáo chỉ có ở riêng loài người, phát triển ở vỏ não cùng lúc với sự xuất hiện của tiếng nói. Có thể nói, tiếng cười là một bằng chứng của nhân tính, phân biệt con người với con thú. Không có một quốc gia, một dân tộc nào không cần đến tiếng cười, và do đó, ở khắp mọi nơi, nhân vật hề - nghệ sĩ của tiếng cười xuất hiện.

Sự phổ biến của hề còn có thể lí giải dưới góc độ tính quốc tế của loại nhân vật này. Thời Roman, các hoàng đế cho những trò đùa của hề có hại cho xã hội, và đã khủng bố lớp người này. Sự khủng bố, đàn áp dẫn đến sự di dân của hề đến các vùng đất mới, để tìm lớp khán giả mới và tiếp tục hành nghề. Ngày nay, trong thời kì toàn cầu hóa với sự đa dạng của văn hóa đại chúng, tính chất toàn cầu của hề vẫn được giữ nguyên. Nhân vật hề hòa vào các loại hình nghệ thuật đương đại như điện ảnh, xiếc… và cùng với sự phủ sóng toàn cầu của các loại hình nghệ thuật này, nhân vật hề có mặt khắp nơi trên thế giới.

[1] Trích theo Vicki K Janik, mục 39 tài liệu tham khảo, trang 3.
[2] Dẫn theo: http://tyaratran.blogspot.com/2014/01/nghe-thuat-mat-na-kinh-kich-trung-quoc_8.html
[3] Nguồn Cinet.gov.vn : 
http://cinet.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=21639&sitepageid=541#sthash.svvmdWJX.dpbs
[4] Dẫn theo C. Tood White, “The Anthropology of Fools”, Fools and Jesters in Literature, Art, and History, Greenwood Press, trang 33.


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Khái Quát Về Biểu Tượng Thằng Hề (Chương I: Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Có nhiều định nghĩa khác nhau về hề. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa hề: “vai hài, chuyên biểu diễn để giễu cợt hoặc pha trò trên sân khấu, làm vui cho khán giả” (20,326). Trong tiếng Anh, có rất nhiều từ tương đương với “hề”: Fool, jester, clown… Từ điển Oxford for advance learner định nghĩa: người thời xưa làm việc mua vui trong các triều đình bằng cách những câu nói đùa hay kể những chuyện vui[1]. Bách khoa toàn thư trực tuyến Britanica định nghĩa: người mua vui bằng những trò điên rồ hoặc phá phách, thật hoặc giả vờ, và có quyền chọc phá cả những người quyền lực nhất[2]. Như vậy, có thể hình dung, hề là một người mua vui, đó có thể là một kiểu nhân vật chức năng trong nghệ thuật (sân khấu, văn học) là một loại nghề nghiệp, một lớp người trong xã hội. Phương thức mua vui của hề là những lời nói và hành động điên rồ, hoặc ngốc nghếch. Sự điên rồ và ngốc nghếch của hề có thể là do bẩm sinh, hoặc đơn thuần chỉ là trình diễn. Chính nhờ đặc điểm này, hề có khả năng chọc phá tất cả mọi người, cả những người quyền lực nhất trong xã hội.

Thằng Khờ Trong Một Bản Khắc của Durer

Vicki K Janik trong phần Dẫn nhập (Introduction) của cuốn Fool and Jesters in Liturature, Art and History đã đưa ra hai tiêu chí để phân loại hề:

1. Sự nhận thức và thừa nhận của hề về điểm yếu và khao khát của chính mình.

2. Sự nhận thức và thừa nhận của hề về điểm yếu và khao khát của người khác

Từ đó, có thể chia hề ra làm bốn loại cơ bản:

1. Kiểu hề thông thái (The wise fool):

i. Nhận thức và thừa nhận về điểm yếu và khao khát của bản thân

ii. Nhận thức về và thừa nhận điểm yếu và khao khát của người khác

2. Kiểu hề bị lừa bịp, nạn nhân (The dupe hoặc victim)

i. Nhận thức và thừa nhận về điểm yếu và khao khát của bản thân

ii. Không nhận thức và thừa nhận về điểm yếu và khao khát của người khác

3. Kiểu hề lừa gạt, tinh quái (The trickster hoặc evildoer)

i. Không nhận thức về điểm yếu của bản thân

ii. Nhận thức và thừa nhận điểm yếu và khao khát của người khác

4. Kiểu hề ngây thơ, thánh thiện (The Innocent hoặc holy fool)

i. Không nhận thức về điểm yếu và khao khát của bản thân

ii. Không nhận thức về điểm yếu và khao khát của người khác

Chân dung của bốn loạn hề này có thể được bắt gặp trong những phim của anh em nhà Marx: Groucho là hề thông thái, kẻ biết rõ tính hám lợi của mình cũng như những khao khát kì quặc của kẻ khác. Chico là tên hề lừa gạt, luôn phá vỡ các luật lệ để giành lấy các giải thưởng, như là gái đẹp, tiền bạc, đồ ăn. Harpo là tên hề ngây thơ, kẻ không biết cách tương tác với thế giới nhưng luôn tình cờ thành công. Còn lại chính là Margaret Dumnt, kẻ chỉ biết đến những cảm xúc lãng mạn của mình mà không để tâm tới những cám dỗ, tham lam, lừa lọc của thế giới quanh cô. Có thể viện dẫn một trường hợp khác, truyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” (C.H Andersen). Hoàng đế chính là tên hề bị lừa gạt, chỉ biết đến mong muốn trưng diện và quần áo mới của mình. Hai tên thợ may chính là tên hề bịp bợm. Còn cậu bé lật tẩy ông vua trong màn giễu hành chính là tên hề ngây thơ. Tuy vậy, sự phân chia này có tính tương đối. Một vài nhân vật hề có thể thuộc cùng lúc nhiều loại. Ví dụ điển hình của trường hợp này chính là nhân vật Forrest Gump trong tiểu thuyết cùng tên của Winston Groom. Ban đầu, Forrest Gump chính là tên hề ngây thơ, kẻ nhận thức được những điểm yếu và khát khao của bản thân lẫn của những người xung quanh. Hắn tham gia vào những trận bóng bầu dục, tham gia vào giải vô địch cờ vua, vào chiến tranh Việt Nam, tất cả đều là do hoàn cảnh xô đẩy với những vận may kì lạ, nên đều thành công. Nhưng đến cuối tác phẩm, hắn nhận thức rõ về bản thân, cũng như về người mà hắn yêu thương nhất, thông qua việc chiêm nghiệm lại cuộc đời mình: “Nhưng để tớ bảo các cậu cái này: nhiều lúc vào ban đêm, khi tớ ngước nhìn những vì sao và thấy cả bầu trời trải ra trước mắt, đừng nghĩ tớ không nhớ lại tất cả. Tớ vẫn có những giấc mơ như mọi người, và cứ thỉnh thoảng, tớ vẫn nghĩ về những điều có thể đã khác đi. Và rồi đột nhiên, tớ đã bốn mươi, năm mươi, sáu mươi tuổi rồi, các cậu biết chứ? Ờ, mà thế thì sao? Tớ có thể chỉ là một gã khờ, nhưng dẫu sao thì phần lớn thời gian, tớ đã cố làm điều đúng và mơ ước chỉ là mơ ước thôi” (42, 316). Và như vậy, tên hề ngây thơ đã trưởng thành, trở thành tên hề thông thái.




Nhìn chung, nhân vật hề tồn tại ở nhiều nền văn hóa. Có nhiều cách diễn giải về ý nghĩa của hề. Một số nền văn hóa xem hề là kẻ phá phách, là quỷ dữ. Ví dụ như Sách Psalms, Sách Cách ngôn, Sách Thánh (Kinh Thánh), hề được miêu tả là một kẻ tự cao tự đại và không tin vào chúa. Ngược lại, một vài xã hội lại chấp nhận và chào đón hề, bởi hắn là kẻ đại diện cho nhân dân, chống lại ý thức hệ đang thống trị. Tên hề trong carnaval thời Phục hưng và Trung cổ châu Âu là một ví dụ. Bằng cách nghi thức carnaval như giễu nhại, phế truất vua, đánh đập, ngôn ngữ suồng sã, tên hề lộn trái mọi quy luật đời thường, hạ bệ uy tín của cái tuyệt đối, chôn lấp cái nghiêm và cái thiêng, đánh tan nỗi sợ hãi, trả con người về trạng thái tự do, công bằng và dân chủ tuyệt đối, trạng thái người giữa muôn người, cảm thấy mình là một phần hữu cơ của thân xác toàn dân bất tử. Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh những đặc điểm chung được khái quát trong bốn loại trên, mỗi tên hề được sáng tạo một tính cách riêng, một cách diễn trò riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân.

[1] “fool (jester): a man employed in the past at the COURT of a king or queen to amuse people by telling jokes and funny stories”.

[2] “Fool, also called Jester, a comic entertainer whose madness or imbecility, real or pretended, made him a source of amusement and gave him license to abuse and poke fun at even the most exalted of his patrons”. 

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ