Một từ khóa mà mình thấy các bạn hay dùng đến nhất cho cả 2 lá này, ấy là "cân bằng". Tuy hai lá bài này rất khác nhau, nhưng thỉnh thoảng vẫn có bạn nhầm lẫn giữa chúng.
Đối với Justice, nó là lá bài của sự CÔNG BẰNG, chứ ko phải "cân bằng", càng không phải "cào bằng giá trị". Rất nhiều người hiểu khái niệm công bằng tức là bình đẳng, là ai cũng như ai, bằng nhau chằn chặn, mày được 1 thì tao cũng phải được 1. Thực chất, "cào bằng giá trị" là thứ khái niệm vớ vẩn mà những kẻ yếu dùng để núp bóng kêu gào, hòng đòi được chia sẻ quyền lực và lợi ích từ những người mạnh hơn (giỏi hơn, tốt hơn...). Trong khi đó, CÔNG BẰNG là một quy luật của tự nhiên, nó được hiểu rất đơn giản rằng "xứng đáng hưởng bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu", chứ không phải "ai cũng được hưởng như nhau, bất phân khác biệt".
Lá Justice không có chỗ cho sự thiên vị hay ưu ái. Nó là một lá bài thuộc khí, thuộc intellect và logic, hoàn toàn không chịu sự chi phối của cảm tính. Do vậy, nó chính là kẻ phân minh rạch ròi nhất trong 22 lá major. Tính chất của Justice vì vậy hơi khắt khe, thậm chí có phần "máu lạnh" theo cách nhìn nhận của một vài người. Nếu so sánh với một "trưởng lão" Hierophant - người chỉ tin, hành xử, và quyết định dựa theo giáo lý, đạo lý, thì Justice là kẻ chỉ hành động theo quy ước, nội quy, luật pháp. Tuyệt đối không có chỗ cho sự ưu ái, cho cảm tính hay dung túng.
Temperance thì khác hẳn. Hình vẽ thiên thần đang hòa trộn thứ chứa trong hai chiếc bình vào với nhau là một mô phỏng hoàn hảo cho tính chất tiết độ, dung hòa của là này. Một trong những ý nghĩa chính của Temperance là sự điều hòa. Nôm na có thể hiểu là lấy chỗ nọ đắp vào chỗ kia, lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu. Nhưng, Temperance không phải chỉ làm cái việc "điều hòa" ấy để cho vui, làm rồi để đấy, mà mục đích của lá bài này là kết hợp cái lọ với cái chai để cho ra đời một thứ "hỗn hợp" mới, giống như khi người ta mix mọi thứ với nhau để làm ra ly cocktail vậy. Được gắn với chòm Nhân Mã, đây là lá bài của quá trình dung hòa không ngừng nghỉ cho đến khi tìm được thứ cần tìm kiếm. Đó cũng là lý do tại sao lá bài này còn có tên khác là Alchemy.
Ta sẽ bàn về chữ Alchemy trong lá Temperance vào một dịp khác. Quay trở lại với quá trình pha chế, điều tiết và với ý nghĩa "cân bằng" mà ta đang cần phân biệt với lá Justice, có thể dễ dàng nhận thấy rằng: so với "kẻ phân minh" Justice, Temperance là người trung hòa.
Lá bài này mô phỏng chính xác những bạn trung lập, nước đôi trong các cuộc tranh luận - những người sẽ nêu ý kiến kiểu "cả phương án A và B đều có những ưu khuyết riêng, chi bằng ta tổng hợp cả hai lại để cho ra phương án hoàn hảo nhất".
Đối với Justice, thế giới của nó chỉ có 2 màu trắng đen. Còn với Temperance, thế giới có cả màu xám, màu ghi, màu bê tông, màu xám nhạt, xám đậm, xám vừa vừa... Justice là người cứng nhắc chỉ biết làm theo luật. Temperance thì mềm mại, ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Justice muốn mọi thứ vận hành theo quy trình, thể chế thống nhất, Temperance chỉ quan tâm kết quả, làm gì cũng đc miễn giữ cho kết quả cuối cùng là thể gắn kết với nhau và có giá trị.
Ví dụ như nếu cả hai cùng chia bánh cho 1 ngôi làng. Justice sẽ chia phần to cho những người lao động nặng hơn, phần nhỏ cho những người lao động nhẹ. Temperance thấy mấy đứa ít bánh có vẻ thèm thuồng khổ sở, liền xén thêm bánh của bọn nhiều chia thêm cho. Khi bọn nhiều bánh biết chuyện nổi xung lên thì Temperance lại cắt bánh trả lại, bọn ít bánh thèm thì Temperance lại cho thêm, cho đến khi hai phe chán chả buồn kêu nữa thì thôi.
Ngọc Nguyễn, thành viên Tarot Huyền Bí, quản trị trang Ghi Chép Tarot, một người nghiên cứu tarot tại Hà Nội.