Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Mật Mã Bài Tarot: Lá The High Priestess - Lá Nữ Tư Tế (P3)

item-thumbnail
“I am the guardian of the lake, and I am the waters. I am the reflection of the hidden moon, and I am lies beneath. I rest upon the pages of the great book, between the setting sun and rising moon. My name is secrect and its power lies beyond the veil. If you would learn to read your own reflection in my waters, then perchance you may start to glean some wisdom from my book.”
--- Emily Carding --- 

Người phụ nữ trong thế giới tâm linh. Ảnh: Internet
Quay ngược thời gian, trở về những năm cuối thế kỷ 13, trong bối cảnh Châu Âu chịu sự thống trị của Giáo Hội Ki Tô giáo, đấy là một xã hội nam quyền nơi nam giới nắm giữ những vai trò chính yếu. Ấy thế mà tại Ý, một nhóm người được gọi là Guglielmite tin rằng người sáng lập của họ, Guglielma Of Bohemia, mất vào năm 1281, sẽ sống phục sinh lại vào năm 1300 – năm được xem là bắt đầu kỷ nguyên mới. Họ đi tiên phong bằng cách tìm kiếm và tôn một người phụ nữ tên Mafreda Visconti làm nữ giáo hoàng đầu tiên. Giáo Hội đã đặt dấu chấm hết giáo phái này bằng cách đưa Mafreda lên dàn hỏa vào đúng năm 1300. Song, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, vài trăm năm ngọn lửa lại bắt đầu cháy bừng trở lại, cũng nhà Visconti đã đặt vẽ bộ Tarot đầu tiên như ta biết. Trong những lá chính không tên, không số đó xuất hiện một bức hình người phụ nữ mà những bộ bài sau gọi là Nữ Đại Tư Tế, lá bài thứ 3 trong bộ ẩn chính – Major Arcana. ( Trong các Coven, mật hội của Phù Thủy thì theo cấu trúc thường đứng đầu là Nữ Cao Nhân, là một cách gọi khác của Nữ Đại Tư Tế, sau đó mới đến các Đại Trưởng Lão rồi các cấp thấp hơn). 

Xuất hiện ngay sau The Magician, The High Priestess là hình ảnh đối lập với ngài. Nếu như vị Pháp Sư đại diện cho tính nam, hành động, ý thức, là mạch dẫn giữa những điều thiêng liêng bên trên và thế giới thực tại bên dưới; thì Nữ Tư Tế lại hiện thân cho tính nữ, sự chiêm nghiệm, tiềm thức, là cầu nối giữa cái nội tại bên trong và cuộc sống bên ngoài con người! 

The High Priestess trong Maryel Tarot. Ảnh: Internet
Tồn tại song song cùng The Magician, The High Priestess cũng hàm chứa một hệ thống biểu tượng phong phú từ đơn giản đến phức tạp, đem đến cho lá bài nhiều tầng ý nghĩa đặc trưng, sâu sắc, không thể lầm lẫn!

Bàn về mặt hình ảnh, ở đây, tôi sẽ sử dụng lá The High Priestess, trong bộ Rider Waite của A.E. Waite và Pamela Smith. Bởi lẽ, đây là bản nguyên cho nhiều bộ bài khác sau này.

Thoáng nhìn qua lá bài, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là khung cảnh đền thờ trang nghiêm.Chính giữa, nổi bật lên trên hết là vị Nữ Tư Tế - nàng ngồi đấy, nhìn trực diện về phía chúng ta, gương mặt ẩn hiện nhiều điều khó đoán.Phục trang của nàng, từ trên xuống dưới, đều chứa nhiều chi tiết đáng để phân tích.Để mô tả điều đó, Waite đã viết: “She has the lunar crescent at het feet, a horned diadem on her head, with a globe in the middle place, and a large solar cross on her breast”, tạm dịch “Nàng có mặt trăng lưỡi liềm ở dưới chân, đội một chiếc vương miệng sừng cùng với quả địa cầu ở giữa, trên ngực nàng là cây Thánh Giá mặt trời to lớn.” Với hình ảnh này, The High Priestess trở thành hiện thân của cả 3 yếu tố: mặt trời, mặt trăng và trái đất.Có thể nói, Waite đã vô cùng tâm đắc với hình ảnh người nữ tu trong y phục hòa lẫn 2 màu trắng xanh này, nàng đã không ít lần xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Điển hình như, trong quyển “Alchemists through the Ages” của Waite, trang 36, có câu: “The woman of the future will be clothed with the sun and luna shall be beneath her feet. The blue mantle typifies the mystical sea.” Trên tay nàng, là cuộn kinh Torah được cuộn tròn lại, nằm khuất một phần bên dưới vạt áo. Nàng ngồi trước một tấm mành trướng, trên đó là biểu tượng những trái lựu được sắp xếp theo thứ tự cây sự sống – Tree of Life.Hai bên tả hữu, là hai cây cột lớn – pillars, có màu sắc tương phản nhau.Một trong số chúng màu đen với chữ “B” màu trắng, còn cây cột còn lại màu trắng với chữ “J” màu đen.Nhưng tất cả vẫn chưa dừng lại ở đó, nếu nhìn ra xa hơn, đằng sau The High Priesstess, ta có thể nhận thấy một khung cảnh trải dài vô tận của nước và trời, tạo nên độ sâu cả về hình ảnh lẫn nội dung của lá bài. Thật là một bức họa tuyệt vời của Pamela Smith!

The High Priestess trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Internet
Khác với tư thế chủ động của 2 lá bài trước, The Fool sắp thực hiện cú nhảy định mệnh, The Magician đang làm phép thuật. The High Priestess lại tự đặt vào trạng thái bị động – nàng đang ngồi trong không gian trầm lặng, hai bên là hai cây cột to lớn.Hai cây cột này gợi nhắc đến đền thờ Isis, đền thờ của Do Thái Giáo cổ ở Jerusalem lẫn đền thờ của vua Solomon. Từ thời xa xưa, chúng đã đại diện cho chiếc cổng từ thế giới này sang thế giới kia. Ở đây, thể hiện cho thế giới bên ngoài mà chúng ta ý thức được với thế giới tiềm thức bên trong của tâm trí. Bức màn che giữa cái ý thức và tiềm thức ấy thể hiện trạng thái ngủ mê và tỉnh thức, bên trong và bên ngoài con người, hai khía cạnh – hai mặt đối lập nhưng không thể tách rời lẫn nhau.Bằng cách để vị nữ tư tế ngồi ở đấy, nàng như hóa thân thành cánh cổng, cầu nối dẫn dắt chúng ta trong cuộc hành trình tìm vào bên trong của mỗi người.Nàng cho chúng ta không gian và thời gian để tự suy nghĩ, tự chiêm nghiệm để nhận ra cái nội tại sâu xa.Vì thế, tuy là trạng thái tĩnh nhưng điều đó không làm mất đi ý nghĩa của lá bài. Hay nói đúng hơn, chính tư thế ấy đã góp phần làm rõ vai trò và bài học mà The High Priestess mang lại!

Như vậy, cùng với vị Pháp Sư – người nối giữa những điều bên trên và bên dưới, vị Nữ Tư Tế xuất hiện, dẫn lối cho cái bên trong và bên ngoài. Góp phần tạo nên một hệ quy chiếu mà tại đó, con người tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống!

Ảnh: Internet
Trong bộ ẩn chính – major arcana, The High Priestess được đánh số 2. Qua tác phẩm “A Dictionary of Symbols”, J.E. Cirlot đã định nghĩa đấy là con số đại diện cho hồi thanh, phản ánh, tranh chấp, đối trọng hoặc nghịch vị; là sự tịch lặng nhất thời của các lực lượng trong thế cân bằng; nó cũng tương ứng với sự trôi chảy của thời gian – cái tuyến đi từ sau ra trước. Nó cũng tượng trưng cho hạt nhân đầu tiên của vật chất, của tự nhiên trong đối lập với tạo hóa, của mặt trăng đối với mặt trời.Số 2 còn hiện thân cho sự lưỡng tính của vạn vật, nhị nguyên; móc khoen kết nối giữa cái bất tử và cái tử hoặc cái bất biến thiên và cái biến thiên.Hay nói đơn giản hơn, đây là con số đại diện cho tính hai mặt, tính đối ngẫu, sự lựa chọn, sự kết hợp và sự cộng tác. 

Để dễ hình dung hơn, ta xem xét đến tính hình tượng của 2 cây cột – pillars trong lá bài. Sự xuất hiện và cách sắp đặt của chúng, trước hết đã gợi cho chúng ta về hình ảnh con số II của người La Mã. Về màu sắc, hai cây cột này có màu tương phản: trắng, đen. Trên chiếc cột đen là chữ “B” – “Boaz”, tượng trưng cho sự thụ động và những điều bí ẩn; trong khi cột màu trắng mang chữ “J” – “Jachin” biểu trưng cho chủ động và sự ý thức.Bằng cách đặt 2 cây cột này bên cạnh nhau, Waite đã nêu lên tính đối ngẫu giữa nam và nữ, âm và dương, tích cực và tiêu cực, vật chất và tâm linh. 

Bên cạnh đó, như chúng ta dễ dàng nhận thấy, chữ “B” trên cây cột đen có màu trắng; và ngược lại, chữ “J” trên cây cột trắng lại có màu đen.Nó làm ta liên tưởng đến những chấm tròn trong biểu tượng âm – dương của người phương Đông. Điều đó mang ý nghĩa, sự phân cực âu cũng chỉ là ảo ảnh, trong cực này luôn ẩn chứa cực kia( Sự thống nhất các mặt đối lập). Chúng cùng hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình.Đấy không phải là hai yếu tố riêng rẽ, tách biệt mà là hai mặt của một vấn đề. Đối lập nhưng không hề phủ định hay loại trừ, mà ngược lại bổ sung và hoàn thiện ý nghĩa cho nhau! 

Xét về hệ thống biểu tượng, ngoài 2 cây cột “Boaz” và “Jachin”, lá The High Priestess còn hàm chứ nhiều chi tiết mang nội dung sâu sắc. Đấy là chiếc vương miệng sừng, Thánh Giá mặt trời, vầng trăng lưỡi liềm, cuốn kinh Torah, tấm màn trướng cùng thế giới rộng lớn bao la của nước và trời phía sau tấm màn ấy. 

Như đã nói trên, giữa chiếc vương miệng sừng đó,theo Waite chính là quả địa cầu – đại diện cho đất mẹ. Song, bên cạnh đấy, nó cũng gợi ra nhiều liên tưởng khác.Trước nhất, đó là hình ảnh của vị nữ thần Ai Cập Isis – mẹ của thần mặt trời Horus - là vị nữ thần đại diện cho trí tuệ và sự tiên tri.Bà cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nên lá bài The High Priestess.Ban đầu, từ khi hình thành, lá bài được gọi tên là “The Papess”, nó được giữ nguyên như vậy cho đến thế kỷ 18 khi Bá tước Gebelin, người tin rằng Tarot bắt nguồn từ tôn giáo thờ thần Isis của Ai Cập cổ, đã đổi tên nó thành The High Priestess – Nữ Tư Tế như ngày nay. Và khi xây dựng lên hình tượng vị nữ tu cho bộ Tarot của mình, Waite đã lấy ý tưởng trực tiếp từ trang phục tượng trưng của vị nữ tư tế Isis này. Mặt khác, chiếc vương miệng còn đại diện cho 3 giai đoạn của mặt trăng – một chu kỳ hoàn thiện, được lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử của trái đất.Ngoài ra, trăng cũng chính là một trong những tác nhân chủ yếu tác động và mang đến ý nghĩa cho lá bài, mà ta sẽ đề cập đến trong phần sau. 

Về chiếc Thánh Giá mặt trời trên ngực áo vị nữ tu. Điều đầu tiên cần xác định rõ, đó là biểu tượng này không hề liên quan đến Thiên Chúa giáo. Mà thay vào đấy, nó tượng trưng cho sự hợp nhất của 4 yếu tố, ví dụ như 4 mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông; 4 hướng chính: đông, tây, nam, bắc cũng như 4 nguyên tố cổ xưa: lửa, khí, nước, đất, và 4 vị thánh viết bốn cuốn Phúc Âm. Riêng trong Tarot, đây có thể là sự hội tụ của 4 món bảo vật linh thiêng: Wand, Sword , Cup và Pentacle. Như vậy, một lần nữa, hình ảnh bộ Tarot lại xuất hiện trong lá bài. Ở đây, nó không còn ở trạng thái chênh vênh như ở The Fool, cũng không bày biện ra phía trước như The Magician mà lại được đặt trên ngực – gần tim, mang đến thông điệp: hãy vứt bỏ những thứ bên ngoài để hướng vào những thứ sâu thẳm bên trong để lắng nghe tự thân của mình. Để tìm lại vườn Địa Đàng đã mất. 

Vầng trăng lưỡi liềm dưới chân The High Priestess, theo Thiên Chúa giáo, chính là hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh Mary – một biểu tượng ngàn đời cho tình yêu và lòng từ bi. 

Cuốn kinh Torah trong tay vị Nữ Tư Tế là hình tượng của bộ luật Do Thái, bộ Ngũ thư của Moses – The Five Books of Moses. Đấy là 5 quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hebrew, bao gồm: Sách Bereishit בראשית, Sách Shemot שמות, Sách Vayikra ויקרא, Sách Bemidbar במדבר và Sách Devarim דברי. Như vậy, The High Priestess nắm giữ trong tay sự thông thái của nhân loại. Song bằng việc cuộn cuốn kinh ấy lại, để nó lẩn khuất dưới vạt áo dài, vị Nữ Tư Tế cho thấy: kiến thức tưởng chừng cao xa thực tế nằm gần với chúng ta hơn so với chúng ta thường nghĩ, song chỉ có những người thật sự thông minh, am tường mới có thể đọc và hiểu thấu nội dung của chúng. 

Kinh Thánh. Ảnh: Internet
Tấm mành trướng phía sau The High Priestess, được điểm xuyết bằng những quả lựu.Chúng là hiện thân của 10 Sephiroth trên cây sự sống – Tree Of Life. Quả lựu chính là bằng chứng về miền đất hứa trên chuyến hành trình của Moses. Nó là biểu hiện của sự sùng tín và tiên tri. Bên cạnh đó, quả lựu còn được biết đến như loại trái có hạt không đổi 613 – con số thần thánh của người Do Thái, tương ứng với 613 Mitzvot, điều răn của Chúa trời trích từ sách Torah.Và vị Nữ Tư Tế xuất hiện trong lá bài, ngồi giữa tấm màn, trở thành cầu nối giữa các sephiroth lại với nhau. Như vậy, nàng trở thành con đường dẫn dắt chúng ta trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự sống. 

Xuyên suốt quá trình, từ đầu đến đây, ta đã thấy vị Nữ Tư Tế, tấm màn trướng, cùng hai chiếc cột xuất hiện như cánh cổng nối liền giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, giữa ý thức và tiềm thức. Chúng ta chỉ mới nhìn thấy từ phía trước, vậy còn phía sau nàng là gì?Liệu rằng chúng ta có được thâm nhập vào cái thế giới phía sau ấy không?Như cũng đã nói đến ở trên, hình ảnh ẩn hiện phía sau đó chính là một vùng bao la trời và nước.Nước là biểu trưng cho sự vô thức và sự thật bị che dấu trong đó.Nước tĩnh lặng nhưng những bí mật lại nằm trong lòng sâu thẳm tối tăm nhất của nó.Cũng giống như chúng ta, phần lớn thời gian, tiềm thức hỗn loạn vẫn còn ẩn dưới lớp ý thức điềm tĩnh. Và chúng ta, muốn xâm nhập vào thế giới phía sau tấm màn kia, tức là khuấy động tiềm thức của bản thân thì phải trải qua một thời gian dài trải nghiệm, du hành qua suốt 22 lá ẩn chính để rồi sau đó suy ngẫm và tự cảm nhận lấy thế giới nội tại bên trong mình. 

The High Priestess. Ảnh: Internet
Là lá thứ 3 trong bộ ẩn chính, The High Priestess được gắn với mẫu tự Hebrew “Gimel”.“Gimel” trong tiếng Do Thái có nhiều hàm nghĩa riêng biệt.Đầu tiên, nó thể hiện cho hình ảnh một người giàu có đang cố chạy sau bố thí cho một người nghèo. Bên cạnh đó, từ “Gimel” có xuất phát nghĩa từ gemul, có nghĩa là gia ân bao gồm cả phần thưởng lẫn hình phạt, mà theo Torah, cả hai điều ấy đều dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn để thông linh cùng Thiên Chúa. Sự gia ân này tùy thuộc vào sự thiện, ác. Ở đây, sự gia ân của vị Nữ Tư Tế chính là tri thức. Ngoài ra, “Gimel” còn có nghĩa là con lạc đà, con vật duy nhất có thể chứa nước bên trong mình và băng qua sa mạc nắng nóng khốc liệt. Với ý nghĩa này, The High Priestess trở thành người dẫn đường, vừa là người thử thách chúng ta bằng cuộc hành trình khắc nghiệt từ thế giới này sang thế giới khác. 

Xét về chiêm tinh học, lá bài này là hiện thân của mặt trăng. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời xuống trái đất, tượng trưng cho sự phản chiếu và hấp thụ. Nó là biểu trưng cho vòng tuần hoàn, chu kỳ, những sự thay đổi tự nhiên – điều này có thể thấy qua biểu tượng chiếc vương miệng của vị Nữ Tư Tế. Ngoài ra, nó còn là đại diện cho tính nữ, trực giác, cảm xúc sâu xa và lòng trắc ẩn. 

Mặt trăng và giá trị tâm linh. Ảnh: Internet
Song bên cạnh đó, trăng cũng đại diện cho những điều bí ẩn, tăm tối trong cuộc sống.Dưới ánh trăng, những thứ được chiếu rõ vào ban ngày trở nên mờ ảo hơn bao giờ hết.Có những khía cạnh trở nên lung linh, huyền ảo hơn nhưng cũng không ít điều gây ra sợ hãi trong cuộc sống của chúng ta.Mặt khác, như chúng ta đều biết, trăng luôn có một nửa mặt tối không bao giờ hướng về phía trái đất. Điều đó phần nào làm tăng thêm sự bí ẩn, huyền bí của mặt trăng cũng như lá bài.

Do được gán với mặt trăng nên The High Priestess gắn liền với nguyên tố nước – nguyên tố đại diện cho xúc cảm và tâm linh. Điều đó được thể hiện qua màu sắc chủ đạo của lá bài – màu xanh. 

Tóm lại, The High Priestess là một lá bài mang tính nữ, đại diện cho sự tiên tri, trực giác, tâm linh, tiềm thức, sự rút lui vào thế giới ở trong để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Nàng chính là cầu nối giữa ý thức bên ngoài với tiềm thức nội tại. Song, bên cạnh đó, vị Nữ Tư Tế còn là hiện thân cho những điều bí ẩn, sự yếu đuối, thụ động và đôi khi phản ánh nỗi sợ hãi cuộc đời! 

The High Priestess trong Thoth Tarot. Ảnh: Internet
Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Học biểu tượng trong Bộ Waite Tarot - Phần 03: THE HIGH PRIESTESS, www.tarothuyenbi.info, Ngô Hồ Anh Khôi
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)

Thảo Nguyễn, thành viên của Tarot Huyền Bí. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả. 
Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ