Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Chia Sẻ Kinh Nghiệp Sử Dụng Tarot Không Dùng Bài Ngược

item-thumbnail


Anh Lâm có thể chia sẻ phần nào kinh nghiệm của anh trong việc trải bài không áp dụng bài ngược (reversed) được không ạ? 

Đại thể em mới chân ướt chân ráo đến với tarot lại mua trúng bộ có nền sau không nên áp dụng cho trải bài ngược, thành ra em 'đâm lao nên theo lao' luôn, tới giờ em cũng làm quen được phần nào rồi nhưng có cái gì đó trong em không cảm thấy an tâm, cứ thấy mình cứ như đoán mò í anh ạ.


Thành ra mong có thể được anh giúp đỡ chút ít ạ, cảm ơn anh ạ :<


-------------

Dạo này, anh trả lời các cfs hơi chậm vì anh bận làm việc đến thường hơn 23h mới về đến nhà nên không ngồi vào máy tính để làm việc. Nên anh xin lỗi em vì sự chậm trễ này. Vì sự mong ngóng hồi âm của anh.

Anh cũng như em, đã từng chân ướt chân ráo bước vào Tarot. Anh đã từng học từ khóa, cả xuôi lẫn ngược. Đã từng sử dụng cả xuôi lẫn ngược. Và theo thời gian, anh chỉ sử dụng bài xuôi. Không sử dụng bài ngược.

Cách sử dụng bài xuôi của anh có mấy gợi ý như vậy với em:


- Hãy nắm vững sự khác biệt của các nhóm bài trong Tarot, và cách thức các nhóm này tương tác với nhau.

- Nắm vững từ khóa, chọn từ khóa chính. Và cách thức lá bài thể hiện từ khóa này như thế nào qua hình ảnh. Thí dụ, với lá 5 gậy trong bộ Waite, diễn tả từ khóa xung đột bằng hình ảnh những người đàn ông đưa những cây gậy lên cao. Mà nguyên nhân dẫn đến xung đột này là do bất đồng tư tưởng, đôi khi là sự khác biệt của cái tôi, được thể hiện bằng áo quần của họ mặc. 

- Biết mình đang sử dụng trải bài gì. Nếu trải bài em sử dụng là dạng trải bài theo sơ đồ có câu hỏi trước. Thì chúng ta cần tập trung vào câu hỏi, thí dụ như trong trải bài tình cảm, ở vị trí khó khăn có lá 5 gậy. Thì khó khăn ở đây có mấy điểm là bất đồng tư tưởng, cách thức quan tâm, cái tôi là trở ngại lớn. Và bước tiếp theo để giải, là cách thức chúng ta sẽ được ra giải pháp phù hợp cho người xem bài. 

- Rồi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, thì lá 5 gậy lại thể hiện sự xung đột khác nhau. Trong công việc, có thể là sự bất đồng cách thức để cùng thực hiện dự án, cách thức hành động hay có thể diễn tả sự cạnh tranh một cách công bằng( khác với lá 5 gươm nhé). 



Trong đời sống gia đình, thì là xung đột về tư tưởng trong các thế hệ, thí dụ bố mẹ thì nghĩ xăm mình đại loại là dạng du côn đầu đường xó chợ, còn con cái thì lại nghĩ rằng đây là cái đẹp thể hiện bản thân mình. Xung đột giữa những người yêu thương nhau. Thế hệ trước giữ trong mình cái khuôn nếp cũ mà ấn định lên người trẻ. Thế hệ sau cho rằng cơ thể của mình, mình có quyền với nó, mà bất tuân với người già. Và để giải quyết xung đột này, luôn cần hai phía là người già vượt ra khung giá trị cũ, người trẻ thêm sự cảm thông với lớp trước, cùng ngồi lại cà phê cà pháo, bằng yêu thương. 

- Nắm vững tính chất của các lá số, các lá mặt. Linh động hơn trong cách giải bằng cách liên tưởng đến các vấn đề trong cuộc sống. Như các lá mặt thì anh hay liên tưởng đến tính chất của người nổi tiếng để dễ nhớ. Các lá số thì anh tách ra thành bộ và nhóm nguyên tố để sau đó kết hợp lại. Hai nối chúng với bộ ẩn chính và luận giải.

Anh tạm đồng ý với quan điểm là mỗi lá bài đều có mặt tốt và xấu, đồng thời bài xuôi ngược thể hiện vấn đề này thuận lợi. Nhưng quan điểm chủ đạo của anh, dựa vào thực nghiệm thì các lá bài vẫn có tính chất chủ đạo là tốt/ xấu, tích cực/ tiêu cực. Nên khi sử dụng bài xuôi, anh tập trung vào mặt chủ đạo trước. Thí dụ lá mười gươm là nằm một cục vì nỗi đau đến đỉnh điểm rồi. Và tình trạng đúng như vậy, chúng ta cần nói với người xem. Vậy tình trạng này có kéo dài không? Trả lời là phụ thuộc vào cái nhìn của người đó, tình trạng sẽ thay đổi nhưng 1 tháng hay 1 năm là phụ thuộc vào người ấy. Người có hướng nghĩ tích cực sẽ ổn định nhanh hơn người bi quan. Nên chúng ta vẫn nêu tiếp xu hướng phát triển tiếp theo của lá bài, là mọi thứ sẽ luân chuyển. Thương đau như mưa, rồi cũng tạnh.

Hi vọng, những chia sẻ này giúp được em trong quá trình học.

------------ 


Đọc tiếp »

Cấm Thư Của Rừng

item-thumbnail


Cuốn sách của rừng

Cuốn sách này tập trung giải thích ngắn gọn về các khái niệm, quỷ thần, ma thuật, tiên tri, vận mệnh, trong địa hạt của Huyền Học.

Phùng Lâm





































Đọc tiếp »

[So Sánh Hai Lá Bài] Two Swords và Eight Swords trong bộ Rider-Waite Tarot

item-thumbnail

Điểm giống nhau giữa Two Swords và Eight  Swords, nếu nhìn theo hình ảnh chuẩn Rider Waite, thì đều vẽ hình một người bị bịt mắt với những thanh kiếm. Cả hai lá bài đều diễn tả trạng thái "tĩnh": ở yên, không thể "chuyển động". Vậy chúng khác nhau như thế nào ?



Dĩ nhiên, với bộ kiếm đại diện cho suy nghĩ, giao tiếp, thì cụm từ "không thể chuyển động" phải hiểu theo nghĩa bóng.




Điểm khác nhau giữa Two Swords và Eight  Swords, cụ thể hơn là điểm khác nhau giữa sự "tĩnh" của Two Swords và Eight  Swords, thể hiện ở hành động rất khác biệt trong hai lá bài: một lá chủ động cầm kiếm, bắt chéo chúng lại. Một lá hoàn toàn bị động, bị bao vây giữa những thanh kiếm.


1. Two Swords :



Rất nhiều bạn hiểu Two Swords là lá bài của sự chọn lựa và đưa ra quyết định: Nhân vật trong hình đang cầm hai thanh kiếm, và đang đưa ra QUYẾT ĐỊNH xem nên CHỌN thanh nào. Điều này khiến cho lá Two Swords trở nên na ná với lá Two Wands. (Nói thêm chút về lá Two Wands: Đây là lá bài thúc giục, ca ngợi lòng can đảm và sự đam mê, khi bỏ lại "lãnh thổ" của mình phía sau để "đầu tư năng lượng" vào một cuộc "viễn chinh" mới. Nhân vật trong lá Two Wands đứng trước một "quyết định" lịch sử (mà sẽ khiến ông ta trở nên vĩ đại), ông ta "chọn" một cây gậy, hướng về phía trước với nó, bỏ cây còn lại phía sau lưng. Thuộc bộ gậy chủ về năng lượng, hành động và nhiệt huyết, lá Two Wands mang nặng tính chất chọn lựa (hoặc thúc giục chủ thể phải đưa ra chọn lựa), bởi vì năng lượng của bộ gậy (tâm huyết, đam mê...) vốn là thứ không thể san sẻ cho nhiều đối tượng.


Ở đây, chủ thể trong lá Two Swords không hề chọn cầm một thanh kiếm, hay bỏ thanh kiếm kia đi, mà cầm cả hai thanh kiếm ngang hàng với nhau, đối xứng nhau. Do đó, nói lá Two Swords thể hiện quyết định hay lựa chọn là chưa thỏa đáng.



Lá bài này ko nói đến việc quyết định/ lựa chọn, mà nó đề cập đến một giai đoạn TRƯỚC KHI phải đưa ra quyết định/ lựa chọn. Với danh pháp "peace restored" trong Book T, lá Two Swords thể hiện một khoảng thời gian "đình chiến", một THỎA HIỆP TẠM THỜI (để cân nhắc và suy nghĩ) trước khi sóng gió lại nổi lên lần nữa.



Hình dung đơn giản: Hai thanh kiếm đang đánh nhau (tượng trưng cho xung đột về ý tưởng, ý định, suy nghĩ, lời nói, tranh luận...) Chủ thể trong hình (đóng vai trò trọng tài) đặt hai thanh kiếm thành dấu bắt chéo, biểu tượng cho sự tạm dừng. Dải băng bịt mắt ngụ ý sự công tâm, không thiên vị bên nào (google thêm từ khóa justice + blindfold). Đây là một "thỏa thuận ngừng bắn" tạm thời giữa hai bên. Chủ thể dĩ nhiên đang cân nhắc nên cho bên nào win.. Nhưng sâu hơn nữa, đây là lá bài của sự kiểm soát tình huống (kiểm soát xung đột, dù chỉ là tạm thời).


Chủ thể trong lá bài hoàn toàn CHỦ ĐỘNG tách các bên xung đột ra, không cho chúng choảng nhau và kiểm soát tình hình đình chiến tạm thời đó. Hai kiếm đang "tĩnh", nhưng đây là trạng thái tĩnh chủ động, có mục đích, có sức mạnh.

2. Eight  Swords:


Ngược lại, cũng là "tĩnh", nhưng Eight  Swords hoàn toàn bị động, bị ép buộc, bị trở thành nạn nhân. Chủ thể trong lá Eight  Swords cũng mang một dải băng bịt mắt, nhưng ngoài ra còn bị trói tay, điều này gợi ý rằng chủ thể BỊ bịt mắt (để không thấy rõ ràng mọi thứ), chứ không phải TỰ bịt mắt (để tránh ngoại cảnh làm cho nhiễu loạn mà mất đi sự công tâm) như trong lá Two Swords.

Rõ ràng hơn, đây là lá bài của sự đánh bẫy, sự mắc kẹt không mong muốn giữa những thanh kiếm, chứ không còn là lá bài chủ động "đình chiến" giữa những xung đột về ý nghĩ, lời nói nữa...

Cũng nên nhớ rằng, vì là kiếm, nên cái bẫy trong Eight of Swords không là gì khác ngoài "dư luận": những lời bàn tán, thị phi, những suy nghĩ trái chiều, sự chỉ trích... Eight  Swords diễn ta một tình huống mà người ta e ngại "di chuyển" (ngụ ý cho sự thay đổi, vượt qua, vượt lên dư luận...) bởi vì sợ những thanh kiếm (tin đồn, lời lẽ đánh giá...) có thể hướng thẳng vào mình và làm mình thương tổn.

Quay trở lại một chút với chi tiết dải băng bịt mắt. Chúng ta đã đồng ý rằng: dải băng trong lá Eight  Swords khiến chủ thể không nhìn rõ thục tế, không biết đi lối nào để vượt qua vòng vây của Eight  Swords mà ko bị thương. Nó là một "dụng cụ" giam hãm chủ thể. Ở trong lá Two of Swords, ĐÔI KHI dải băng này cũng có cùng tính chất như vậy. 

Ngoài việc thể hiện sự công tâm, dải băng này đôi khi cũng mang tính "chối bỏ nhìn nhận thực tại", là khi chủ thể trong lá Two Swords cứ lần lữa, không muốn (hoặc không thể) đưa ra quyết định cuối cùng sau thời gian đình chiến. Đó là tâm lý chần chừ, hòa hoãn, cứ muốn kéo dài trạng thái treo này mãi mãi. Trong một vài trường hợp, chủ thể trong lá Two Swords đang TỰ mình giam hãm chính mình trong sự thiếu quả quyết và trốn tránh vấn đề của chính bản thân. Như vậy, ngược lại với lầm tưởng rằng lá bài này mang ý nghĩa "đưa ra quyết định" lúc ban đầu, đôi khi lá Two Swords lại thể hiện một trạng thái "không thể quyết định" được. 

Ví dụ minh họa cho hai lá bài:

- Giả sử bố bạn muốn bạn làm luật sư, mẹ bạn lại muốn bạn làm bác sĩ. Cả hai đều có những lý lẽ và không ngừng lôi kéo bạn đứng về phía mình. Bạn - dĩ nhiên là người đưa ra quyết định sau cùng - nhưng hiện tại bạn chưa thể quyết định được gì. Bạn muốn tạm ngừng cuộc "kéo co" này lại, đưa ra tuyên bố với cả hai bên bố mẹ "Đừng nói thêm gì cả, hãy cho con thời gian để suy nghĩ". Đây là tình huống điển hình của Two Swords.

- Cũng như vậy, bố muốn bạn làm luật sư, mẹ muốn bạn làm bác sĩ (bởi vì đó là những nghề danh giá trong xã hội). Nhưng bản thân bạn lại chỉ muốn làm dancer chẳng hạn. Bạn biết đây là một nghề có nhiều điều nhạy cảm, và những đánh giá khắt khe của xã hội (và của gia đình) với nghề này khiến bạn bị tổn thương, không dám đạp lên tất cả để theo đuổi ước mơ. Bạn mắc kẹt trong những tranh cãi trái chiều giữa gia đình, và trong cả những đấu tranh tư tưởng của bản thân..., lúc này, bạn đang ở trong hoàn cảnh của Eight  Swords.
 Ngọc Nguyễn, thành viên Tarot Huyền Bí, quản trị trang Ghi Chép Tarot, một người nghiên cứu tarot tại Hà Nội.
Đọc tiếp »

Hành Trình Thằng Hề (Chương VIII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Bắt đầu với The Fool, với con số 0.

Có hai thái cực với lá bài này mà ta phải xem xét. Ở khía cạnh đầu tiên, đây là quân bài của những sự khởi đầu mới, của các linh hồn thuần khiết. Nhưng mặt khác, nó lại đại diện cho những con người đã trải qua hết chặn đường từ 1 đến 21, nhìn thấu suốt bản chất của mọi thứ, vui vẻ vào đời mang theo lòng trẻ nít. Chúng ta phải nhớ rằng, hai quân bài The Fool và The World là hai quân bài quan trọng vào bậc nhất trong cỗ bài Tarot. Ở khía cạnh thứ hai, The Fool, không còn đặt nặng quyền thế, hay lo lắng sự ảnh hưởng của số phận, bình thản đối diện với cái chết, sẵn sàng trải qua hết thảy đau khổ trong đời sống. 





Chỉ đề cập một vài ý cơ bản ở khía cạnh của một The Fool khác, bây giờ chúng ta lại quay trở lại với hình ảnh của The Fool mà chúng ta sẽ phải gặp gỡ giữa đời thường, một đứa trẻ, một kẻ rồ dại, một chàng thơ ngây…

The Fool có thể là chúng ta, hay đơn giản là một bào thai mới thành hình. Hãy chú ý đến chiếc túi nhỏ của hình tượng The Fool, hành trang trong chuyến hành trình. Bước tới hố thẳm. Giống như loài chim được sinh ra đã biết cách để làm tổ, thì chúng ta sinh ra không phải là những tấm bảng trắng, mà sâu bên trong chúng ta là những kí ức của tổ tiên được mã hóa dưới dạng tiềm thức. The Fool là những sự khởi đầu mới, nó có thể nói về sự sáng thế hoặc đơn giản là đổi một công việc. The Fool với con số không, nhiều lúc lại như một vị hiền triết “ tứ đại giai không” đi giữa cõi đời phiền não. Đó chính là tinh thần bình thản, không sợ hãi dẫu đó là số phận, nhân quả, quyền lực, cái chết …

Như một bào thai mới hình thành, chưa phân rõ giới tính. The Fool là sự trong sạch, thuần khiết, thơ ngây nhưng theo đó là sự non yếu, dại khờ, ngu ngốc. Ai trong chúng ta, cũng là The Fool – con số không, bắt đầu những bước đi đầu tiên để tìm kiếm thành công bên ngoài, tự hiểu chính mình. Nhưng khi chúng ta cúi nhìn vực thẳm trước mặt, thì vực thẳm cũng đang nhìn vào chúng ta. Con chó xù màu trắng quấn quanh chân ta, nó vừa là bạn vừa là kẻ thù của ta. Nên nhớ rằng, qủy Méphisto từng hiện ra dưới hình thù một con chó thân thiết với Faust, rồi hiện nguyên hình khi ông tuyệt vọng nhất. Nó mời gọi ông kí giao kèo bán linh hồn. Hành động này ẩn dụ trong đó về việc, trên đường đời bản thân chúng ta không hiếm lần phải quỳ gối thỏa hiệp, rồi dần dần bán đi linh hồn của mình. Đó là thiên lương, là sự thuần khiết. Nhớ rằng, trong cuộc chiến với con quái vật thì chúng ta không chỉ chống lại chúng, mà còn chống lại việc chúng ta biến thành con quái vật khác thế vào chỗ của chúng. Trên đường đi của The Fool/ Chúng Ta, thất bại lớn nhất chính là đánh mất chính bản thân mình.

Nhưng thôi, dẫu dưới hố thẳm trước mắt có nhiều thứ khó tiên đoán, khổ đau lẫn hạnh phúc, thì chúng ta hãy cứ cất bước đi thôi. Cứ chạy như gió, khờ dại như The Fool, với một tinh thần thuần khiết. Vì “ trước ngày lên ngôi Chúa, ai chắc không dại khờ.” 


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Phùng Lâm, nhà văn, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tâm linh ở tp.HCM.

Đọc tiếp »

Biểu Tượng Thằng Hề Trong Văn Học (Chương VII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail


Nhắc đến hề, có thể có ba cách hiểu: thứ nhất, đó là một loại nghề nghiệp, một loại người mua vui trong xã hội; thứ hai, đó là một kiểu nhân vật trong các nghi lễ tôn giáo và xã hội ở nhiều nền văn hóa; thứ ba, đó là một kiểu nhân vật chức năng trong tác phẩm nghệ thuật. Thật ra, ba cách hiểu này đều có cùng một bản chất, vì hề bao giờ cũng đứng trên lằn ranh giữa thực tế và huyễn ảo, giữa đời thường và ước lệ, giữa nghệ thuật và đời sống. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh đời sống, đã thấm hút các chất liệu nội dung và hình thức của đời sống (trong đó có hề) để làm phương tiện biểu hiện thế giới tư tưởng của người nghệ sĩ. Đối với văn học, hề là một kiểu nhân vật chức năng, có vai trò châm biếm, trào phúng, thể hiện tư tưởng của tác giả. Nhưng trong tác phẩm trào phúng, hề không phải là nhân vật duy nhất, và dường như các nhân vật trong tác phẩm trào phúng, không ít thì nhiều đều gắn với yếu tố tiếng cười. Như vậy, đâu là điểm khác biệt giữa hề và các nhân vật khác trong tác phẩm trào phúng? Nhân vật hài hiểu đơn giản là nhân vật trong tác phẩm trào phúng. Như vậy thì hề cũng là một kiểu nhân vật hài. Nhưng không phải nhân vật hài nào cũng là hề. Trong phần này chúng tôi đưa ra những ranh giới phân biệt kiểu nhân vật hề và tập hợp những nhân vật hài còn lại trong tác phẩm trào phúng.
.


Về mặt nội dung và hình thức tạo tiếng cười, không có sự phân biệt giữa nhân vật hề và các nhân vật hài khác. Việc cười nhạo cái thiêng, các chủ đề tình dục, các yếu tố tục tĩu, sự cười nhạo bệnh tật, cái chết và những sự tổn hại về thể xác, tinh thần là những chủ đề không xa lạ gì trong tác phẩm trào phúng. Trạng Quỳnh giễu cợt Chúa, thậm chí trêu ngươi thánh thần. Trong truyện Ba Giai Tú Xuất có đoàn hủi viếng quan phủ, tạo thành trò vui hiếm thấy. Các thủ pháp tạo tiếng cười có tính chất lạ hóa như phóng đại, giễu nhại, các lối nói mỉa mai châm chọc, các lối chơi chữ… cũng không độc quyền của hề trong các tác phẩm trào phúng. Về bản chất, sự khác biệt cơ bản giữa nhân vật hề và các nhân vật khác, đó chính là vị trí của nhân vật đối với thế giới trong tác phẩm. Các nhân vật thông thường hoàn toàn thuộc về thế giới trong tác phẩm, nó dự phần vào đó, bị chi phối bởi tình huống, nó ở cùng bình diện với thế giới mà nhà văn miêu tả. Ngược lại, hề vừa tham gia vào thế giới trong tác phẩm, vừa đứng ngoài thế giới đó, hề đứng ở lằn ranh giữa các thế giới. Như vậy, hề và các nhân vật hài khác không đứng cùng một bình diện. Điểm khác biệt cơ bản đó được biểu hiện cụ thể qua hai phương diện: ngoại hình nhân vật và mối quan hệ với tình huống gây cười.

Tiêu chí
Hề
Các nhân vật hài khác

Ngoại hình

Nghịch dị, phân biệt hề với phần còn lại của thế giới.

Phù hợp với tính cách và xuất thân, có thể trùng lắp.


Quan hệ với tình huống hài hước

Chủ động tạo ra tình huống hài hước thông qua các câu hỏi, các trò chọc ghẹo
Như các nhân vật trong tác phẩm tự sự khác, chịu sự chi phối của tình huống truyện (ở đây là tình huống hài hước), được đặt vào trong tình huống để làm bật lên tiếng cười.


Ví dụ tiêu biểu

-Forrest Gump
-Beghemot
-Hề của vua Lear
-Trạng Quỳnh
-Ba Giai, Tú Xuất
-Nhân vật trong các mẩu truyện cười
-Nhân vật trong truyện ngắn Chekhov



Thứ nhất, về mặt ngoại hình, hề nghịch dị khác hẳn với đám đông còn lại (những nhân vật hài khác). Những nhân vật hài khác có thể là những người rất bình thường, như trong truyện ngắn Chekhov, chúng ta có thể gặp họ ở bất kì đâu, đó có thể là một viên chức (như Cherviakov trong Cái chết của một viên chức), có thể là một viên cảnh sát (như Otrumelov trong Con kỳ nhông), có thể là một người gầy hay béo (Anh béo anh gầy)… Nhưng hề, trong tạo ngoại hình nghịch dị của hắn, đòi hỏi hắn là duy nhất được miêu tả theo cách như vậy trong thế giới mà hắn tồn tại. Không thể nhầm lẫn Forrest Gump với bất kì ai trong thế giới của hắn, vì hắn có ngoại hình to lớn, đần độn, thậm chí kì quái, đôi khi còn buộc chiếc bóng bay vào cúc áo để người ta có thể biết mình ở đâu. Beghemot, con mèo đi bằng hai chân sau, to như con lợn đực thiến trong Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov gây sửng sốt cho bất kì người dân Moscow nào gặp hắn, vì sự kì dị và lạ lùng của hắn. Trong nghệ thuật sân khấu, như hí kịch hay chèo, phục trang của hề đều có những ước lệ riêng đảm bảo không nhầm lẫn hề với các loại nhân vật khác. Như vậy, ngoại hình của hề có tính duy nhất, và đó là cơ sở quan trọng để phân biệt hề với các nhân vật còn lại. 


Cũng có trường hợp nhân vật được tạo dựng với thủ pháp nghịch dị, nhưng không phải là hề. Có thể kể đến gia đình cụ cố Hồng trong trích đoạn “Hạnh phúc một tang gia”, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Nghịch dị là sự đảo lộn những quy luật đời thường. Bản chất vui tươi hoan hỉ của đám tang mang đậm chất nghịch dị. Những nhân vật trong đám tang đó cũng được tạo hình rất quái dị: cụ cố Hồng cố tình mặc áo bông giữa mùa hè, làm mọi cách để già hơn tuổi, ông Phán mọc sừng mặc cái khăn trắng to tướng, áo thụng trắng lòe xòe, bà Văn Minh diện những bộ trang phục tân thời, cô Tuyết gây ấn tượng bởi bộ trang phục nửa kín nửa hở, minh chứng cho việc cô chưa mất hẳn chữ trinh. Tuy nghịch dị, nhưng những nhân vật của Vũ Trọng Phụng không phải là hề, bởi vì ngoại hình của họ không có tính duy nhất. Tất cả các nhân vật đều là những điển hình cho một lớp người đểu giả trong xã hội Việt Nam những năm 1930. Ở đây cũng cần nói thêm, mặc dù màn “Hạnh phúc của một tang gia” có đầy đủ các hình thức của carnaval: đám rước giễu hành mang hình ảnh của những con quỷ hoan hỉ (cười cợt trên cái chết của người thân), tiếng cười lộn ngược giả trá trong tiếng khóc, có sự chôn cất hạ huyệt, nhưng về bản chất, “Hạnh phúc một tang gia” đối lập hoàn toàn với cảm quan carnaval. Ở chỗ, cái thế giới giả trá và tàn nhẫn kia chính là thế giới thực, cái đám giễu hành kia là con đẻ của thế giới thực, và khi cái huyệt kia lấp xuống, đó chính là sự tuyên án cái chết đối với đạo đức và nhân tính. Ở đây hoàn toàn không có trạng thái hai thế giới đặc thù của carnaval, và sự chôn xuống không hề có ý nghĩa tái sinh.

Tiêu chí quan trọng hơn, chính là mối quan hệ giữa các nhân vật với các tình huống gây cười. Nhân vật hài khác trong tác phẩm trào phúng bao giờ cũng chịu sự chi phối của tình huống. Phải có sự việc sứ Tàu đến gây loạn và ra thử thách, trạng Quỳnh mới có dịp để châm biếm, mỉa mai, vạch trần bọn sứ Tàu từ đó tạo tiếng cười. Phải có sự việc anh chàng mới cưới và anh chàng mới mua áo gặp nhau, mới có tiếng cười chế giễu thói khoe khoang trong truyện Lợn cưới, áo mới. Ngược lại, nhân vật hề chủ động tạo ra tình huống gây cười, lôi kéo các nhân vật khác vào trò diễn của mình để tạo ra sự hài hước. Beghemot trong Nghệ nhân và Margarita lôi kéo, trêu chọc các nhân vật khác trong đoàn tùy tùng, giễu cợt, chế nhạo họ để mua vui. Hắn còn chủ động tạo ra sân khấu Hắc ảo thuật (một sự kiện quan trọng trong cốt truyện) để biến một tập thể công dân Moscow thành trò vui. Màn “Đại vũ hội của Chúa quỷ Satan” do Beghemot tổ chức là điểm hội tụ và là cao trào của ba tuyến truyện, có chức năng phân giải, phán xử số phận của các nhân vật trung tâm. Thật ra, nhân vật hề không hoàn toàn thoát ly khỏi tình huống truyện, nhưng sự vận động của hề luôn hướng ra khỏi sự vận động của tình huống, để tạo ra tình huống mới có chức năng gây cười. Forrest Gump cả cuộc đời luôn bị lôi kéo hết từ sự kiện này đến sự kiện khác, và hầu hết đều có tính chất trang trọng: phát biểu nhân giải vô địch đội bóng, nhận huy chương kháng chiến và gặp tổng thống, tham gia cuộc thử nghiệm NASA ra ngoài vũ trụ, vô địch giải cờ vua thế giới… Nhưng sự vận động của nhân vật đều đi lệch khỏi tính chất trang trọng đó, và tạo ra vô số các tình huống gây cười, phá bĩnh, lật mặt các sự việc trang trọng. Là cầu thủ phát biểu trong giải vô địch bóng bầu dục, Forrest Gump chỉ biết nói: “Tôi buồn đái”. Khi gặp tổng thống, được hỏi về vết thương chiến tranh, hắn vạch quần ra cho tổng thống xem, ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp được cả nước quan tâm. Qua lăng kính của hắn (ngôi kể chuyện thứ nhất xưng tôi), tất cả các điều trang trọng nhất đều bị phỉ báng, đều là những thứ “cứt đái” vô nghĩa. Như vậy, hề dự phần vào hiện thực cuộc sống như một kẻ phản loạn, hắn lộn trái hiện thực (một cách ý thức hay vô thức) bằng các trò hề của mình, sự tương tác với các nhân vật khác của hề lôi kéo họ vào sân khấu của hắn, biến họ thành người cộng sự, người đồng diễn.

Tiêu chí mối quan hệ với tình huống là tiêu chí chủ yếu để phân biệt hề với nhân vật hài khác, giúp ta giải quyết được nhiều trường hợp tiêu chí ngoại hình không giải quyết được. Đơn cử như trường hợp Belikov trong truyện ngắn Người trong bao của Chekhov. Ngoại hình “trong bao” của Belikov thỏa mãn tiêu chí nghịch dị và đảm bảo tính duy nhất: cặp kính đen to tướng che gần hết khuôn mặt nhợt nhạt, choắt như mặt chồn, chiếc áo bành tô cốt bông bẻ cổ đứng lên, lỗ tai nhét bông, chân đi giày cao su… Tuy vậy, Belikov không phải là nhân vật hề, ở chỗ, hắn hoàn toàn là con đẻ của cái hiện thực mà hắn đang sống. Mọi hành động của hắn đều bị chi phối bởi nỗi sợ hãi các nhà cầm quyền, thể hiện rõ “thói nô lệ tinh thần” mà Chekhov vẫn phê phán. Tính chất “người trong bao” của Belikov dần bộc lộ qua các tình huống truyện. Như vậy, trong quan hệ với hiện thực, Belikov ở cùng bình diện với các nhân vật khác trong tác phẩm. Sự nghịch dị của hắn được tạo ra để phóng đại, tô đậm một hiện tượng phổ biến trong xã hội Nga thế kỉ XIX, thói nô lệ tinh thần, qua đó Chekhov trình bày quan điểm về cải cách xã hội và cải cách con người. 


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »

Đặc Trưng Trình Diễn Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương V, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

item-thumbnail

Về hình thức trình diễn của hề, có thể kể đến một vài hình thức phổ biến sau:

Giễu nhại: Chính là sự bắt chước và châm biếm một đối tượng nào đó. Giễu nhại có nhiều phương diện: Nhại hình thức (Charlie Chaplin nhại chân dung của Hitler, trở thành hình ảnh phản chiếu qua tấm gương cười của tên độc tài gây nỗi sợ hãi cho toàn thế giới), nhại ngôn ngữ (Mẹ Đốp nhại lại những lời của xã trưởng, “bốc mồm” xã trưởng cho vào vạt áo), nhại thể loại văn học (Forrest Gump từng tham gia diễn vở Vua Lear ở trường đại học, và vở kịch bị phá vỡ một cách khôi hài)… Sự giễu nhại có thể nhằm mục đích tạo tiếng cười vui vẻ, duy trì không khí hài hước, cũng có khi là một sự châm biếm, đả kích đối tượng trào phúng.

Các hành vi đánh đập, bạo lực: Đối với carnaval châu Âu Trung cổ và Phục hưng, các màn đánh đập, bạo lực là biểu hiện của mối quan hệ suồng sã nơi quảng trường hội hè, với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa người với người để mọi người đạt đến trạng thái tự do, bình đẳng, dân chủ của hội giả trang. Các hành vi đánh đập còn có ý nghĩa hạ bệ, ví dụ như nghi thức đánh đập và lột trần vua giả (với ý nghĩa hạ bệ uy tín của cái nghiêm và cái thiêng), để giải phóng sự tự do và bình đẳng của nhân dân. Cái vai hề Mỹ rất phổ biến với các màn trình diễn đánh đập, có thể các anh hề trong rạp xiếc đánh nhau, ném những chiếc bánh ngọt vào mặt nhau, hay các màn đánh, tát, đấm trong phim Charlie Chaplin.



 
Ngôn ngữ suồng sã, thô tục, những lời chế nhạo, mỉa mai: Ngôn ngữ chính là trò chơi của tên hề, các biện pháp chơi chữ nói lái, mỉa mai, các lời lẽ chửi bới, xúc phạm, những lời tục tĩu… đều được hề sử dụng như một thủ pháp gây cười và hạ bệ đối tượng. Tên hề của vua Lear đã mỉa mai vua khi đánh mất ngai vàng: “Ngài tốt nhất nên đội chiếc mũ của tôi” (Mũ coxcomb với tai lừa đặc trưng của hề). Hay như Forrest Gump, anh hề ngây thơ kể lại câu chuyện của mình trong tiểu thuyết cùng tên của Winston Groom cũng sử dụng rất nhiều từ văng tục: “cứt đái”, “như cứt”… Ngôn ngữ của Forrest Gump phản chiếu không gian ngôn ngữ của xã hội, với đủ loại người suồng sã, thô kệch, giả trá. Qua ngôn ngữ suồng sã ấy, bản chất giấc mộng bá chủ của xã hội Mỹ nhưng năm 1970 (với giấc mộng vĩ cuồng vươn ra thế giới và vũ trụ) bị mang ra giễu cợt, cười nhạo. Forrest Gump, cả trong tiểu thuyết lẫn trong phim ảnh, được xem là “một ẩn dụ về nỗi hoài niệm đầy mời gọi mà trong đó, anh ta như một phiến đá trống để thế hệ Baby Boomer (thế hệ sinh ra sau Thế chiến Hai) phóng chiếu kí ức của họ lên đó”[1].



Thông qua yếu tố tiếng cười, hề thực hiện các chức năng của mình. Hề có ba chức năng cơ bản sau: chức năng thẩm mỹ - giải trí, chức năng nhận thức – can gián, chức năng tố cáo, đấu tranh xã hội. Mục đích trước tiên của hề bao giờ cũng là mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem. Nhưng tiếng cười của hề bao giờ cũng có một ý nghĩa xã hội nhất định. Hề carnaval với ngoại hình nghịch dị và ngôn ngữ suồng sã quảng trường, mang đến tiếng cười với mục đích mở rộng giác độ thế giới quan và giải phóng con người, thông qua việc phá vỡ các quy tắc giao tiếp và quan hệ thứ bậc thông thường. Socrates (với tư cách nhân vật) trong trước tác của Plato và Aristophanes cũng hiện lên là một anh hề mang đến tiếng cười triết học với một loạt các nghịch lý (câu danh ngôn quen thuộc: “tôi biết rằng tôi không biết gì cả”). Sự minh triết hòa trộn với sự ngốc nghếch, thừa nhận những nghịch lý như một điều tất yếu, tiếng cười Socrates đưa đến bầu không khí dân chủ nơi không ai độc tôn chân lý và tất cả cùng tìm kiếm con đường tiệm cận chân lý thông qua hình thức đối thoại. Cái hài của hề đôi khi gắn liền với cái bi. Tiếng cười carnaval là cái hài trong cái bi, người ta cười khi nhận ra sự bi đát của đời sống, cười hả hê trong cái không gian thứ hai đầy hữu hạn được tạo lập để tạm thời giải thoát con người khỏi cuộc sống ngột ngạt, tù túng. Như vậy, thông qua tiếng cười, hề giúp chúng ta nhận thức thế giới. Forrest Gump trong chuyến hành trình đầy ngẫu nhiên của mình đã vẽ ra bối cảnh thời đại rộng lớn về mặt không gian (Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, vùng rừng núi Nam Mỹ, ngoài vũ trụ) và thời gian (kéo dài suốt cuộc đời Forrest Gump từ lúc nhỏ đến tuổi trung niên), nó thâu tóm toàn bộ sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến xã hội Mỹ trước, trong, và sau Thế chiến Hai. Qua đôi mắt khờ khạo của một tên ngốc, tất cả những sự kiện, những biến động gây xáo trộn lớn trong lịch sử dường như đều vô nghĩa. Lao vào cuộc chiến ở Việt Nam không hiểu tại sao, ngẫu nhiên được huy chương, không hiểu tại sao mình bị bắt, và bằng cách nào trở thành anh hùng thám hiểm vũ trụ… Với cuộc đời đầy ắp sự kiện nhưng trống rỗng về ý nghĩa, Forrest Gump cho ta thấy cả một thời đại bị cuốn vào những giá trị vật chất và đánh mất đi những giá trị sống đích thực, nơi hạnh phúc cá nhân bị chôn vùi trong giấc mơ Mỹ. Cuối cùng, từ sự nhận thức hiện thực, hề đóng góp quan trọng vào quá trình đấu tranh xã hội, đòi lại công bằng cho nhân dân. Hề chèo của Việt Nam, từ thời Lê Mạt đã là vũ khí đấu tranh xã hội mạnh mẽ, cùng với nghệ thuật trào phúng dân gian đã đả kích gay gắt bộ máy thống trị suy thoái, gây đói khổ cho nhân dân. Hề carnaval tạo điều kiện để hạ bệ những tư tưởng chính thống, hạ bệ quyền lực của giai cấp thống trị và cái thiêng của nhà thờ, tạo điều kiện cho nhân dân và người nghệ sĩ mở rộng giác độ thế giới quan, hoàn toàn tự do tư tưởng, không ngần ngại chạm đến những chủ đề bị cấm đoán. Có khi, hề đứng trên lập trường nhân loại để chống lại thế lực độc tài, phi nhân. Có thể kể đến trường hợp tiêu biểu, Charlie Chaplin trong tác phẩm nổi tiếng The Great Dictator đã giễu nhại Hitler và đã có bài diễn văn đầy thuyết phục về hòa bình cho nhân loại:

“Tôi xin lỗi. Tôi không muốn làm một đại đế. Đó không phải là công việc của tôi. Tôi không muốn thống trị hay chinh phạt ai cả. Trong khả năng của mình, tôi muốn giúp đỡ mọi người — Do-thái, không Do-thái, da đen, da trắng.

Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ nhau. Con người là như thế. Chúng ta muốn sống vì niềm vui của nhau — không phải vì nỗi khốn khổ của nhau. Chúng ta không muốn thù ghét và khinh bỉ nhau. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người và quả đất tốt lành này thì giàu có và có thể nuôi sống mọi người.

Con đường của sự sống có thể là tự do và đẹp đẽ, nhưng chúng ta đã đánh mất con đường ấy. Sự tham lam đã đánh độc tâm hồn con người, đã vây hãm thế giới trong sự oán thù, đã xua chúng ta dấn bước vào sự lầm than và đổ máu. Chúng ta đã phát triển tốc độ, nhưng chúng ta đã giam hãm chính mình. Máy móc đáng lẽ mang đến cho chúng ta sự dư dật, thì lại khiến chúng ta đói rách. Sự hiểu biết của chúng ta đã làm chúng ta trở nên chua cay; sự khôn khéo của chúng ta đã làm chúng ta trở nên khắc nghiệt. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc, chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khôn khéo, chúng ta cần sự tử tế và sự dịu dàng. Không có những phẩm tính này, cuộc sống sẽ trở nên cuồng bạo và chúng ta sẽ đánh mất tất cả”[2].

Tóm lại, từ những đặc điểm trên, ta thấy rằng hề là một nhân vật chức năng có vai trò quan trọng cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống. Các đặc trưng của nhân vật hề khiến hắn tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Thông qua nhân vật hề, người nghệ sĩ có được một phương tiện phản ánh hiện thực rộng lớn và mạnh mẽ, bằng tiếng cười đã tự do bày tỏ quan điểm, kiến giải và dự báo hiện thực cuộc sống.

[1] Ban biên tập NXB Trẻ,“Nước chanh và Socôla: Hai cái nhìn về nước Mỹ”, phụ lục Forrest Gump, tr 332.

[2] Nguồn:
 http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=8974

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
Đọc tiếp »
Tiếp Tục
Trang chủ