1. Giới Thiệu
Nhân có nhiều bạn thắc mắc về vấn đề này, để tránh lặp đi lập lại, tôi viết bài nhỏ này nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến quỷ học bao gồm: giao ước, hiến tế, tiên tri liên quan đến tarot. Tôi có vài điều nói rõ sau đây:
- Những lý luận này là không chính thống trong cả Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, hay Phật Giáo. Nó gắn liền với các lý luận của Nghệ Thuật Bóng Tối (Black Magic) nói chung, và nhiều lý luận tà phái khác. Các bạn phải mặc nhiên hiểu là những lý luận này đương nhiên NGƯỢC HOÀN TOÀN với quan điểm chính thống.Vì vậy, tôi sẽ KHÔNG TRANH LUẬN với các bạn về tính đúng đắn của nền tảng này.
- Những lý luận này có nguồn gốc từ những tài liệu hoặc kiến thức có được không thông qua sách vở chính thống (tức là thuộc dạng truyền miệng, hoặc sách cấm xuất bản ...). Vì vậy, tôi sẽ KHÔNG CÓ NGHĨA VỤ DẪN NGUỒN. Trong trường hợp, kiến thức này có xuất hiện đâu đó trong sách chính thống, tôi sẽ gửi riêng nếu có yêu cầu.
- Khi tôi dẫn những lý luận này ra, KHÔNG có nghĩa là tôi CHỐNG hay BÁNG BỔ các tôn giáo. Và cũng không có nghĩa là tôi TIN hoặc là TÍN ĐỒ của các tư tưởng tà phái này. Đây là kiến thức, không phải tín điều.
Một lần nữa, đề nghị RỜI KHỎI TRANG nếu thấy đây là một bài KHÔNG phù hợp với TIÊU CHÍ ĐỌC của bạn. Còn lại, mời đến với thế giới quỷ học ...
Bài này tôi trình bày thông qua các khái niệm bao gồm các câu hỏi và trả lời về các vấn đề đó. Sau đó là phần liên quan đến Tarot.
|
Keep it a secret. Ảnh: Patrick Valenza |
2. Các Khái Niệm Cơ Bản
Giao ước là gì ? Giao ước là một cam kết giữa người và đấng linh thiêng (sau đây gọi là đấng). Con người đầy rẫy những yêu cầu, đấng có thể đáp ứng những yêu cầu đó, vì vậy giao ước được hình thành. Con người lập giao ước với đấng linh thiêng, thông qua một giao ước. Trong giao ước này (truyền miệng hoặc được ghi lại) thể hiện rõ rằng một khi dấu hiệu giao ước được đưa ra, thì đấng linh thiêng cần thực hiện yêu cầu như trong giao ước. Ngược lại, con người cần phải thực hiện hiến tế để trả ơn thần linh và đảm bảo giao ước được trọn vẹn.
Đấng linh thiêng là ai ? Đấng linh thiêng là tất cả những thế lực siêu nhiên có khả năng làm những điều mà con người không làm được. Đấng linh thiêng không phải duy nhất mà là rất nhiều, và có quyền lực mạnh yếu khác nhau. Đấng linh thiêng có thể làm được nhiều việc, nhưng không phải làm được tất cả. Cùng một đấng linh thiêng, có thể có nhiều tên tùy vào tôn giáo và nền văn hóa. Không phải đấng linh thiêng nào cũng triệu gọi được. Có những đấng linh thiêng ôn hòa, cũng có những đấng khắc nghiệt. Mỗi đấng khác nhau có thể đòi hỏi sự hiến tế khác nhau. Mỗi đấng khác nhau sẽ có cách giao ước khác nhau, có dấu hiệu triệu gọi khác nhau.
Lập giao ước là gì ? Lập giao ước là hình thức xác lập một cam kết. Lập giao ước có thể được thể hiện bằng chữ (như trường hợp Kinh Cựu Ước - Giao Ước Moise), cũng có thể được thể hiện bằng miệng, hoặc cả hai. Những bản giao ước này có thể đồng thời hoặc không đồng thời là dấu hiệu giao ước (Kinh Cựu Ước là bản giao ước có giá trị như dấu hiệu giao ước; thần chú là dấu hiệu giao ước chứ không có bản giao ước thực). Giao ước có thể lập một lần duy nhất và tồn tại mãi hoặc phải lập thường xuyên (Giao ước Máu của Jesus là giao ước lập một lần; giao ước trong lễ Noel là giao ước thường xuyên).
Thời gian hiệu lực giao ước như thế nào ? Tùy vào giao ước, có những giao ước có hiệu lực mãi mãi và không có khả năng thay đổi, có những giao ước có thời gian định hạn. Có 2 trường hợp: một là người lập giao ước, hoặc thừa hưởng giao ước đựa vào một giao ước mới với đấng mới để hủy giao ước cũ với đấng cũ; tùy vào sức mạnh của 2 đấng này khác nhau ra sao mà người lập giao ước có thể bị hay không bị trừng phạt, bất cứ lúc nào người này không còn sự bảo vệ, hoặc có sự bảo vệ yếu hơn thì sẽ bị trừng phạt; hai là người lập giao ước chết mà không truyền lại giao ước cho bất kỳ ai thì giao ước đó hiển nhiên mất (hãy nhớ là chết không phải hết, nếu giao ước đó cũng hiệu lực ngay trên linh hồn thì chịu ;) )
Dấu hiệu giao ước như thế nào ? Dấu hiệu giao ước có thể là một mật ngữ, một hình vẽ, một công cụ nào đó như gậy hay kiếm chẳng hạn. Dấu hiệu giao ước cũng có thể là một buổi lễ với một quy cách xác nhận nào đó (ví dụ như lễ thành hôn, hoặc tang lễ trong thiên chúa giáo). Dấu hiệu giao ước có thể chỉ diễn ra một lần (ví dụ như Giao ước Moise với dấu hiệu cắt bao quy đầu) hoặc diễn ra thường xuyên (ví dụ như một thần chú chẳng hạn).Một khi dấu hiệu này được xác lập thì đấng linh thiêng sẽ thực hiện theo đúng cam kết, và người được phục vụ phải thực hiện hiến tế theo đúng cam kết.
Truyền giao ước như thế nào ? Giao ước có thể được truyền lại cho người khác giống như ta nhượng lại một bản hợp đồng vậy. Có những quy tắc đặc biệt để thực hiện truyền lại giao ước. Đối với những giao ước "duy nhất một" thì người được thụ hưởng giao ước được thực hiện một số nghi lễ nhất định để báo cho đấng biết sự thay đổi (ví dụ nghi lễ tấn phong giáo hoàng chẳng hạn), đối với giao ước "phổ thông" thì người được thụ hưởng giao ước chỉ cần biết được dấu hiệu giao ước là được (ví dụ như bùa phép hay thần chú). Truyền giao ước là một vấn đề khá phức tạp, vì giao ước còn liên quan đến hiến tế. Sẽ bàn thêm ở phần hiến tế.
Lễ hiến tế như thế nào ? Hiến tế là hình thức đền đáp đấng linh thiêng theo đúng giao ước. Sự hiến tế này có thể diễn ra một lần (rất ít trường hợp này, ví dụ sự hiến sinh "máu của con trai Abraham"), hoặc nhiều lần tùy theo giao ước (Ví dụ như Hiến Tế máu hằng năm của người Maya). Nếu là giao ước "duy nhất một" thì chỉ có người lập giao ước và người được thụ hưởng giao ước mới có thể thực hiện hiến tế. Nếu là giao ước "phổ thông" thì có hai trường hợp, một là sự hiến tế này đuọc thực hiện bí mật bởi người đứng đầu của hội hay giáo phái đó; hai là sự hiến tế này được thực hiện bởi người được đấng hỗ trợ ngay sau khi thực hiện giao ước. Lễ hiến tế tùy theo giao ước có thể thực hiện trước khi sử dụng giao ước hoặc có thể sau khi sử dụng giao ước.
Giao ước ẩn mặt là gì ? Giao ước ẩn mặt là giao ước cổ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Có 2 loại giao ước ẩn mặt: một là các giao ước cổ, mà sự hiến tế chỉ diễn ra một lần ngay lúc lập giao ước, và duy trì mãi, đây là những giao ước đặc biệt mạnh; hai là các giao ước mà sự hiến tế được thực hiện bởi người đứng đầu các giáo phái hay hội kín, mà các thành viên chỉ việc sử dụng các dấu hiệu triệu gọi mà không cần thực hiện hiến tế (đương nhiên, vì giáo chủ đã thực hiện hiến tế rồi !); một khi giáo phái biến mất mà không có sự kế tục hiến tế, thì các dấu hiệu giao ước này sẽ mất hiệu lực. Một trường hợp cá biệt là khôi phục hiến tế, sẽ nói ở phần sau.
Giao ước lầm lẫn là gì ? Giao ước lầm lẫn là trường hợp người giao ước không nắm rõ được giao ước, hoặc vô tình thực hiện lập giao ước, hoặc vô tình triệu gọi dấu hiệu giao ước. Ví dụ như nguòi ta cấm gõ chén ban đêm vì đó là dấu hiệu triệu gọi quỷ đói, ta vô tình thực hiện mà không hề biết mình triệu gọi. Giao ước lầm lẫn là một điều rất tệ hại và nguy hiểm vì nó gọi lại các đấng linh thiêng đê thực hiện giao ước mà không có bất kỳ sự hiến tế nào. Người triệu gọi lẫm lẫm có thể bị trừng phạt đến khi một pháp sư tìm ra được sự hiến tế phù hợp và thực hiện nó, khi đó người triệu gọi lầm lẫn có thể được chữa khỏi. Đó đôi khi bị hiểu lầm hành động trục quỷ.
Khôi phục hiến tế là gì ? Khôi phục hiến tế là hình thức thực hiện lại giao ước đã thất truyền hay gián đoạn trước đó, nhằm khôi phục lại những dấu hiệu giao ước (như bùa chú hay thần chú ...). Không phải bất kỳ giao ước nào cũng có thể khôi phục hiến tế. Trong đa phần các trường hợp, đấng sẽ giáng tai họa xuống người, hoặc cộng đồng đó nhằm nhắc nhở sự hiến tế (như trận đại hồng thủy trong kinh cựu ước); hoặc sẽ tiêu diệt hẳn vì tức giận; tuy nhiên, cư dân đó sẽ nhanh chóng giao ước với đấng mới nhằm chống lại đấng cũ.
Công cụ giao tiếp là gì ? Công cụ giao tiếp là những vật dụng hay phương cách giúp ta trao đổi với thần linh. Các công cụ tiên tri hay các dụng cụ tế lễ đều là các công cụ giao tiếp. Tarot, chậu nước, các quẻ bói, Runes, Ouija ... đều là các công cụ giao tiếp. Các công cụ giao tiếp này, hoặc trực tiếp triệu gọi các đấng để giao tiếp, hoặc gián tiếp tìm kiếm các đấng linh thiêng.Và trong nhiều trường hợp nó dẫn đến giao ước lầm lẫn mà tôi đã nói ở trên. Vì vậy, đối với các công cụ giao tiếp này cần phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.
Vật phẩm hiến tế như thế nào ? Vật phẩm hiến tế rất đa dạng, nhưng không vật phẩm nào mạnh bằng vật sống, và máu. Tuy nhiên, không phải mọi đấng linh thiêng đều cần những vật phẩm như vậy. Có những đấng linh thiêng đòi hỏi sự phục tùng và tuân theo hơn là các vật phẩm thực. Nhưng phần nhiều những vật hiến tế phải có máu tươi. Vật phẩm hiến tế tùy theo từng giao ước mà có thể khác nhau và phải cùng với nghi thức hiến tế. Đôi khi vật phẩm hiến tế là linh hồn của bản thân, hoặc linh hồn của con cháu.
Vai trò của tư tế? Tư tế là các "chuyên gia"chuyên thực hiện các nghi lễ hiến tế, lập giao ước. Họ là những người sử dụng thành thạo các giao ước, cũng như duy trì các giao ước thông qua các nghi lễ hiến tế. Những người này có thể tập hợp lại thành các giáo đoàn và hội nhóm. Những tư tế này chính là những người nắm giữ các quy tắc cao nhất về giao ước. Sự lớn mạnh hay suy tàn của các giáo hội hay hội nhóm tùy thuộc vào các nghi lễ hiến tế có được duy trì phù hợp và thường xuyên hay không. Trong nhiều trường hợp, những giao ước hoàn toàn biến mất vì những nghi lễ hiến tế và xác lập không còn được duy trì. Điều này liên quan đến việc Khôi phục hiến tế đã nói ở trên.
Ai có thể lập giao ước ? Ai cũng có thể lập giao ước, nhưng không phải ai cũng có thể. Có 2 dạng lập giao ước. Một là giao ước yếu, tức là người lập giao ước thỏa thuận với đấng linh thiêng một cách bị động, có nghĩa là giao ước này có thể do đấng linh thiên gợi ý (như trường hợp Moise) hoặc do người lập giao ước tìm đến (như trường hợp nhập đạo hay gia nhập hội kín); hai là giao ước mạnh, tức là người lập giao ước chế ngự được đấng linh thiêng (một trường hợp hiếm, như vua David chế ngự các Demon) vì đựa vào một đấng linh thiêng mạnh hơn. Vì vậy đa số trường hợp là thụ hưởng giao ước (gia nhập hội kín hay giáo phái) để thực hiện triệu gọi. Rất ít trường hợp là lập giao ước thật sự (thỏa thuận tay đôi với đấng linh thiêng, hoặc chế ngự đấng linh thiêng), hoặc khôi phục giao ước cũ.
Lựa chọn giao ước ? Một số trường hợp có thể lựa chọn giao ước. Tức là có nhiều hơn một đấng linh thiêng thèm muốn sự hiến tế. Khi đó, người lập giao ước có thể yêu cầu các đấng đưa ra lời đề nghị của mình. Một ví dụ sinh động là câu chuyện về thành ban Athen, lựa chọn giữa Poxedong và Athena để làm vị thần phù trợ cho thành bang của mình, cuối cùng thành bang này đã chọn Athena. Điều này không xảy ra quá nhiều, và ít khi được nhắc đến. Cũng giống như lựa chọn tôn giáo hay hội nhóm, người ta có thể tính toán để có tham gia vào những hội nhóm có giao ước mạnh hơn, điều này thì diễn ra thường xuyên.
Vai trò của hội kín và các giáo phái ? Các hội kín và giáo phái này nắm giữ rất nhiều giao ước. Các bí mật đó bao gồm dấu hiệu giao ước, nội dung giao ước, và nghi thức hiến tế. Những giáo phái này có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và truyền gởi các giao ước không để thất truyền. Đồng thời họ cũng lợi dụng các nghi thức này để trục lợi. Tuy nhiên, việc các hội kín tham gia vào quá trình xây dựng thế giới và điều chỉnh thế giới theo hướng tốt đẹp và giữ lại thế cân bằng của các thế lực sáng-tối. Việc khôi phục và tìm hiểu các giao ước cũng là công việc quan trọng của giáo hội và các hội huyền học.
Phân loại các thế lực siêu nhiên ? Sự phân loại này không hoàn toàn đúng đối với các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Đấng linh thiêng có thể xếp vào 4 nhóm: một là các "Angel", đó là các đấng trơ, không bị mua chuộc và giao ước; hai là các "Demon", đó là các đấng linh động, có thể lập giao ước; ba là các "Spirit", đó là linh hồn đầy oán giận, các linh hồn này không bền vững, vì vậy không thể lập giao ước; cuối cùng là các "Gods", đó là các đấng giống như angel nhưng rất hay đùa bỡn, nhóm này rất thường bị nhầm lẫn với angel hay demon. Sự phân loại quỷ (demonology) và thiên thần (angelology) là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, ta có thể một cách đơn giản để nhận biết giữa Quỷ và Thần trong Do Thái Giáo. Các Angel thường có kết thúc bằng [-el], có nghĩa là Gods (Thần), ví dụ như Ariel, Ansiel; còn các Demon thường kết thúc bằng [-yah] có nghĩa là Lord (Chúa tể); như Purah, Imamiah. Tuy nhiên có những trường hợp phức tạp như một đấng không xác định rõ hay tùy tài liệu mà xác định không chính xác (trường hợp Mammon, có thể gọi là mammel hay mammonah đều được). Vấn đề về quỷ học sẽ không bàn trong bài này.
Stomer Mathias (1600-v1650), Le sacrifice d'Abraham
Sự Hiến Tế của Abraham
3. Đến với Giao Ước như thế nào ?
Như đã nói ở trên, Tarot là một hình thức chiêm tinh hay tiên tri. Muốn thực hiện nó thì cần phải lập giao ước. Có 3 hướng để chọn:
- một là tự mình tìm kiếm đấng linh thiêng và trao đổi để lập giao ước. Đây là một sự lựa chọn táo bạo và nguy hiểm. Vì không dễ dàng lập được giao ước một cách đúng đắn, và cũng không dễ gì có thể giao tiếp được với đấng linh thiêng. Có khi lại dính vào Giao ước lầm lẫn. Đây là con đường khó nhất và nguy hiểm nhất, tuy nhiên, có thể đạt thành tựu rất cao.
- hai là tham gia vào một giáo phái nào đó và sự dụng các quyền lực giao ước của giáo phái đó để phục vụ việc tiên tri. Cao hơn nữa là nắm bắt các giao ước mạnh hơn để thực hiện tiên tri chính xác. Thường thì những người có địa vị này không chỉ dừng lại ở ước muốn tiên tri mà còn đòi hỏi nhiều hơn. Đây là con đường dài vì muốn đạt các địa vị có thể nắmgiao ước thì phải bỏ rất nhiều công sức cho giáo đoàn và hội đoàn. Và cũng khó để đạt được những chức vị đủ cao để bắt đầu thực hiện nghi lễ hiến tế.
- ba là nghiên cứu các nghi lễ cổ nhằm khôi phục lại các giao ước thất truyền. Đây là công việc của các tư tế cũng như các giáo phái nhằm làm mạnh thêm các giáo phái và hội nhóm huyền học. Càng nắm nhiều giao ước thì quyền lực càng lớn. Đây cũng là điều mà các học giả huyền học độc lập thực hiện nhằm đạt được mục đích mà không cần thông qua giáo đoàn và hội nhóm.
Tôi nghiên cứu huyền học và quỷ học Do Thái nên đối với các kiến thức về quỷ học và thần học Châu Á không có nhiều kiến thức, nên tôi cũng không rõ những giao ước ở Vn hay Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm về vấn đề này. Nghe thì có vẻ vô vọng, nhưng những nghi lễ hay giao ước
này có thể rất đơn giản và có thể đã từng được xuất bản. Đối với những
giao ước với đấng linh thiêng có quyền năng nhỏ, thì việc giao ước cũng
không phải quá khó.
Ví dụ như việc bạn cúng táo quân, hay là cúng thần tài cũng đã là một hình thức giao ước rồi. Giao ước không phải là một khái niệm phương tây, mà nó tồn tại ở cả phương đông nữa. Bùa, chú, ngãi ... đều là các giao ước mạnh mẽ. Các tộc người Tày, Nùng, Mường đều có các thầy cúng nắm giữ rất nhiều giao ước cổ. Các thầy phong thủy, các thầy bói hay thầy pháp đều có thể nắm giữ các giao ước này.
4. Thuyết về Nguyên Lý Thống Nhất
Những kiến thức tôi trình bày bên trên thuộc Thuyết Giao Ước. Phần trình bày này, dành riêng cho những bạn có yêu cầu tìm hiểu thêm về triết học.
Tôi trình bày về thuyết Nguyên Lý Thống Nhất (Grand Unified Theory). Lý thuyết này có nhiều tên, và hầu như tồn tại ở nhiều lĩnh vực, đăc biệt là vật lý, hay triết học. Lý thuyết này cho rằng dù mọi kiểu hình thức, hình thái đều có chung một nguyên lý. Có vô số mô hình được đề xuất và thành công trong việc kết nối những phạm trù và khái niệm nền tảng khác nhau thành một. Vd như "thuyết tương đối" của Enstein trong vật lý, thuyết "vạn giáo nhất lý" của Cao Đài trong thần học, thuyết "Monadology" của Leibniz, thuyết "Dualism" của Descarte, thuyết "Monism" của Spinoza, thuyết "Absolute idealism" của Hegel, thuyết "Process philosophy" của Whitehead trong triết học, thuyết "Dialectical Materialism" của Karl Marx trong chính trị học, ...
Trong thần học và huyền học, có Thuyết Giao Ước (Convention Theory). Thuyết này không phải một thuyết độc lập mà là một nhóm các thuyết rải rác ở các tôn giáo. Thuyết giao ước này có nhiều quan niệm không đồng nhất với nhau, và có nhiều dị bản. Thuyết này tuy chỉ hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu 18, nhưng sự thực hành và áp dụng nó đã có từ ngày xưa. Nó là nền tảng của nghệ thuật bóng tối, hay các phương pháp huyền bí. Thuyết Giao Ước này đã giải thích đầy đủ hầu hết các nguyên tắc của các nghi lễ tôn giáo khác một cách khá logic. Thuyết này còn có trong chính trị xã hội học do nhà triết học Jean-Jacques Rousseau đề xướng, và trong ngôn ngữ học do David Lewis đề xướng, và nhiều những học giả trong các ngành khác.
|
Sacrifice of Isaac của danh họa Pedro Orrente (1580-1645) |
Abraham and Isaac của danh họa Laurent de La Hyre (1606-1656).
5. Kết Luận
Bài này tôi thật sự gặp khó khăn khi trình bày vấn đề. Một là tôi không tìm thấy một cấu trúc khả dĩ dễ hiểu để trình bày trọn vẹn vấn đề này. Hai là tôi khó xác định được những kiến thức nào có thể đưa vào và những kiến thức nào cần tránh đưa vào. Ba là tôi không hoàn toàn đưa các dẫn chứng một cách cụ thể vì sẽ làm bài dài ra và khó hiểu. Bốn là sự tương đồng/khác biệt nhất định giữa các khái niệm Do Thái Giáo - Thiên Chúa Giáo mà lý luận này xuất phát, và các khái niệm Phật Giáo- Đạo giáo vốn gần gũi với văn hóa Vn, và vì vậy rất dễ gây hiểu lầm.