Có một phần quan trọng về xào, xếp, cắt, chia, rút trong Tarot mà chúng ta chỉ được biết một cách sơ lược, và chỉ có những hướng dẫn ngắn. Và dễ thường, người ta cũng bỏ qua trong khi hướng dẫn cho những người mới. Trong chương này, chúng tôi xin chỉ ra những bí ẩn và nguyên lý trong phần này.
Xếp Bài:
Về mặt lý thuyết, trước khi bắt đầu một buổi xem bài Tarot, chúng ta cần phải sắp xếp các lá bài lại theo một thứ tự nhất định. Có nhiều nguyên do, mà đầu tiên là cấu trúc bộ bài từ trạng thái “ hỗn loạn” về với trạng thái “ trật tự” ban đầu, để hiểu đơn giản hơn hãy tưởng tượng sau mỗi lần xem bài cho bản thân, hay cho người khác thì trạng thái của bộ bài đạt được ở con số 10, và việc sắp xếp lại sẽ giúp cho bộ bài trở về lại trạng thái của con số 1, trạng thái khỏi đầu; tích cực; tràn đầy năng lượng. Ở nguyên do tiếp theo, việc sắp xếp lại bộ bài giống như một hình thức thanh tẩy; mà theo thuyết năng lượng là bộ bài cần được làm rỗng trước khi bắt đầu một lần xem cho người tiếp theo. Trên cơ sở lý thuyết, thì khi xem bài thì bộ bài giống như một đỉnh trong tam giác gồm người đọc bài, người xem bài, bộ bài. Mà ở đây, bộ bài nhận nguồn năng lượng từ người xem để tương tác với người đọc. Vì nguyên do này nên bộ bài sẽ mang theo dấu ấn của thân phận người xem bài, và để tránh việc ảnh hưởng đến người xem trong lần tiếp theo thì bộ bài cần được sắp xếp lại để trở về với trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, việc sắp xếp các quân bài trở về đúng vị trí không phải là điều đơn giản. Chúng ta có thể sắp xếp tùy ý theo cách thức riêng của mỗi cá nhân, hay theo thứ tự mà nhà sản xuất đóng gói bộ bài. Song, để việc sắp xếp đạt được mục đích như đã đề cập ở trên, thì chúng ta nên tham khảo những chỉ dẫn từ các hệ thống thứ tự của các nhà huyền học. Cấu trúc này mang ý nghĩa biểu tượng rất phức tạp, đó có thể là trật tự cấu trúc vũ trụ, là hành trình thụ pháp- hành pháp của con người, hay là con đường để chiêm nghiệm trước siêu nhiên, hoặc là thứ tự để đào sâu tìm hiểu về chính bản thể của con người trong miền tâm thức sâu thẳm.
Các nhà huyền học lớn sắp xếp hệ thống 78 lá bài Tarot theo những thứ tự khác nhau mà cụ thể là Mathers, Crowley, Case, Waite và Etteilla( thứ tự của hai ông tương ứng với nhau).
Đầu tiên, hãy nói về Waite và Etteila, thì quân bài được đánh số I(The Magician) tương ứng với số 1, quân bài số 0( The Fool) tương ứng với số 21, quân bài số XXI( The World) tương ứng với số 22. Một điểm cần lưu tâm là với Waite thì vị trí số 8 ứng với lá VIII, là quân bài Strength(Fortitude), còn vị trí số 11 ứng với lá XI, là quân bài Justice. Thứ tự cụ thể chúng ta có thể tham chiếu đến cuốn The Pictorial Key to the Tarot của Waite. Tiếp theo ở bộ ẩn phụ, với Waite thì số 23 ứng với King Of Wands, cho tới số 26 ứng với Page Of Wands, 27 ứng với 10 gậy cho đến 36 ứng với 1 gậy, sau đó 37 ứng với King Of Cups, rồi 50 ứng với một 1 cúp, và 51 ứng với King Of Swords, 64 ứng với một gươm, 65 ứng với King Of Pentacles cho đến 78 ứng với một tiền.
Tiếp đó, ở bộ ẩn chính thì Crowley và Case có sự tương đồng nhất định trong thứ tự hệ thống: lá The Fool, mang số 0 ứng với số 1 khởi đầu. Và kết thúc ở số 22 ứng với lá XXI( The World/The Universe). Một điểm khác biệt là ở Crowley lá VIII là Adjustment(Justice) và XI là Lust( Strength). Song trong bộ ẩn phụ thì sự sắp xếp của Crowley lại khác biệt với Case. Theo Crowley, Knight Of Wands ứng với 23 tiếp đến Queen Of Wands là 24, …, Princess Of Wands là 26, sau đó là Knigh Of Cups là 27, theo thứ tự đó tới Princess Of Diss là 38, sau đó là một gậy ứng với 39…10 gậy là 48, kế tiếp tới bộ cúp, bộ gươm, và kết thúc ở lá 10 tiền với vị trí 78.
Còn với Case thì ở vị trí 23 là một gậy, cho đến 33 là King Of Wands,…, 35 là Knight Of Wands, kết bộ gậy ở lá Page Of Wands ở 36. Tiếp đó là bộ cúp, bộ kiếm và kết thúc ở bộ tiền; với lá Page Of Pentacles kết thúc ở vị trí 78.
Với Mathers, thì thứ tự của ông được đề cập trong cuốn Book T, khởi đầu ở số 1 là lá một gậy, tiếp là một cúp, một gươm, một tiền. Tiếp đến ở số 5 là Knight Of Wands,…, số 7 là King Of Wands, số 8 là Page(Knave) Of Wands, tương tự cho đến Page Of Pentacles. Tiếp đó là các lá số được sắp xếp theo thứ tự chiêm tinh đã được đề cập ở trong chương trước. Thí dụ như 5,6,7 gậy ở vị trí 21,22,23 ứng với ba decan của cung sư tử, sau đó là 8,9,10 tiền ứng với 24,25,26 ứng với ba decan của cung xử nữ.Tiếp tục cho đến hết vòng hoàng đạo ở cung cự giải với 2,3,4 cúp tương ứng với 54,55,56. Tiếp theo, lá The Foolish Man tương ứng ở vị trí 57,…, kết thúc ở lá The Universe ở vị trí 78.
Có một điểm cần lưu ý, là ở một số bộ đặc biệt mà hệ thống bộ ẩn phụ được ghép khác biệt với hệ thống của hội Bình Minh Ánh Kim, tức là Gậy ứng với khí, Tiền ứng với lửa, cúp với nước, gươm ứng với đất như của Thierens thì cần tham khảo hệ thống thứ tự được ghi trong tài liệu đi kèm của bộ bài hoặc cuốn General Book of the Tarot của ông.
Xào Bài:
Sau khi đã sắp xếp lại cỗ bài mà bản thân chúng ta sẽ sử dụng, thì bước tiếp đến chính là xào bài.
Trong các tài liệu hiện đại, chỉ giới thiệu cho chúng ta cách xào bài, rất nhiều phương pháp. Song, hiếm người lý giải nguyên do tại vì sao phải xào bài, rồi ai sẽ là người xào bài, và xào bao nhiêu lần?
Trước nhất, hãy nói về nguyên cớ của việc xào bài. Ở đây có hai thuyết đáng lưu tâm gồm thuyết giao ước và thuyết năng lượng. Với thuyết thứ nhất, tức là lý thuyết về giao ước, thì thuyết này quan niệm cỗ bài Tarot là chìa khóa để giao tiếp, kết nối với các vị thần/ đấng linh thiêng/ các thực thể siêu nhiên, thì khi chúng ta xào bài nghĩa là chúng ta đang quay vòng quay của số phận, đang gửi những thông điệp, mong muốn của mình đến các vị thánh thần. Và khi đó, thông điệp của chúng ta sẽ được trả lời bằng những lá bài trong cỗ Tarot.
Còn ở thuyết thứ hai, tức là thuyết năng lượng trong các quan điểm hiện đại. Thì khi chúng ta bắt đầu xào bài, thì chúng ta kết nối nguồn năng lượng bản thân với cỗ bài, và sự xáo trộn lẫn lộn được tạo ra, những lá bài ngẫu nhiên khi rút ra sẽ kết nối với chúng ta thì sẽ giúp chúng ta nhìn rõ các vấn đề thực tại, giúp chúng ta nhìn rõ như đang đứng giữa nhiều tấm gương soi. Bên cạnh đó, từ những sự kiện thực tại, người đọc bài có thể phân tích, suy luận, để dựa trên đó đưa ra những dự đoán các trường hợp và sự kiện có thể xảy ra trong tương lai.
Ở đây sẽ tiếp tục nảy sinh một vấn đề, vậy ai sẽ là người xào bài? Và sẽ là bao nhiêu lần.
Chúng ta sẽ có một tam giác bao gồm: người đọc bài( reader), cỗ bài Tarot, người xem bài( querent). Thì dựa vào niềm tin với lý thuyết 1 hay 2 nêu ở trên, thì người đọc bài sẽ phối hợp với người xem bài. Đi theo với thuyết giao ước, thì việc xào sẽ hoàn toàn thuộc về người đọc bài, vì việc những lá bài xuất hiện mang tính chất thuộc về số phận, câu hỏi được trả lời bởi các đấng linh thiêng. Người xem bài chỉ cần nêu ra vấn đề của bản thân.
Tiếp đó, với thuyết năng lượng, thì cỗ Tarot có liên kết mật thiết với người xem bài thì việc xào bài có thể được thực hiện bởi người xem bài, hoặc người đọc bài vẫn sẽ là người xào bài nhưng sẽ có các phương pháp tạo sự kết nối với người xem, như việc tập trung và đặt tay lên bài, hay cắt bài ra làm các tụ khác nhau.
Và trong phần xào bài này, tạm kết lại cùng với việc bàn luận về một vấn đề chung là sẽ xào bao nhiêu cái. Thì đây là vấn đề mà chúng ta sẽ áp dụng với tính chất cá nhân nhiều. Có người sẽ xào cho đến khi cảm thấy bộ bài đủ nặng, có người xào đủ ba lần, có người thì xào theo cách nam bảy cái; nữ chín cái. Tuy nhiên, trên lý thuyết của Tarot thì chúng ta chỉ xào ba cái cho mỗi lượt trải bài. Chỉ ba lần, không hơn không kém, được đề cập trong phương pháp Celtic cổ của Waite. Và trong khi xào bài, nếu có một lá bài rớt ra thì hãy lấy nó bỏ vào lại bộ bài, nhưng nếu lá bài ấy rớt ra liên tục ba lần, thì chúng ta nên ngừng việc xem bài lại. Lý giải cho vấn đề này, thì chúng ta có hai lý giải: đầu tiên, là câu hỏi yêu cầu không được các đấng linh thiêng đáp lời, tiếp theo, thì sự kiện rớt bài báo hiệu mức độ liên kết năng lượng thấp không phù hợp cho việc đọc Tarot trong thời điểm này.
Cắt Bài:
Sau khi đã hoàn thành hai phần là xếp bài và xào bài, thì chúng ta tiếp tục với phần cắt bài. Trong mục này, chúng tôi sẽ bàn đến hai vấn đề trọng tâm là mục đích của việc cắt bài, và sử dụng tay nào?
Cắt bài là cách thức mà chúng ta sẽ chia bộ bài 78 lá ra thành hai tụ hoặc ba tụ hay thậm chí lá bảy tụ khác nhau trên bàn xem bài. Trong thực tế, thường những người đọc bài chỉ chia bài thành ba hoặc bốn tụ trên bàn, đôi khi có người còn bỏ qua giai đoạn này. Mà mục đích của việc cắt bài chính là để tạo các lá ngược. Như đã đề cập ở phần xếp bài, thì các lá bài khi được xếp lại sẽ trở về trạng thái gốc tức là lá bài xuôi. Để tạo lá ngược, thì trong khi cắt bài thành các tụ thì chúng ta sẽ đảo chiều một số lá, hoặc một số tụ trong toàn bộ để có được các lá ngược. Trong hướng dẫn về phương pháp biến dịch của Waite, dường như ông chỉ đề xuất đảo ngược các lá bài với số lượng ít hơn một nửa bộ bài. Trong cách hiểu của chúng tôi, việc này nhằm đảm bảo số lượng lá ngược hay nghĩa ngược (tiêu cực nói chung) không vượt quá một giới hạn nghĩa chính, tức là như chúng tôi hiểu, nghĩa ngược chỉ là một phần phụ của lá bài, và nghĩa thuận là nghĩa chính thức của lá bài. Điều này có vẻ đơn giản nhưng có một số thay đổi quan trọng. Nếu nghĩa ngược chỉ là phần phụ, đồng nghĩa với việc khi rút được lá ngược, chúng ta phải diễn dịch nghĩa thuận (đồng thời là nghĩa chính thức của lá bài) trước, rồi mới diễn dịch nghĩa ngược từ nghĩa thuận đó. Nói cách khác, bối cảnh của nghĩa ngược phụ thuộc hoàn toàn vào bối cảnh của nghĩa thuận và không có chiều ngược lại.
Cũng trong phần hướng dẫn của Waite trong cuốn The Pictoral Key To Tarot, thì người cắt bài sẽ là người xem bài chứ không phải người đọc bài, và bằng tay trái. Trước hết, chúng tôi tin rằng việc để người xem bài cắt bài là một bước quan trọng nhằm tạo sự liên kết về mặt tinh thần trong buổi đọc bài. Mặt khác, nó sẽ khiến người xem có sự hòa nhập, thoải mái, để có thể chia sẻ những điều mà bản thân đang kiềm nén.
Còn vấn đề tay trái. Dường như không có trải bài nào khác chỉ rõ điều này, hoặc giả là người ta cho phép tự do hơn. Chúng tôi đã duyệt qua hầu hết các trải bài ở cùng thời với ông, hầu hết chúng đều không nhắc gì đến tay trái hay phải. Tuy nhiên, vẫn cần nhận định là trong khá nhiều trường hợp sách huyền học lúc bấy giờ đều được viết với một chỉ dẫn hời hợt hoặc thần bí, mà trong đó mọi nghi thức và kiến thức quan trọng bị ẩn dấu một cách có hệ thống. Vì vậy, không có lý do gì để tin rằng, việc sử dụng tay trái không phải là một nghi thức có tính bắt buộc, và sau đây chúng tôi sẽ lướt qua một số liên hệ về vấn đề này.
Trước hết hãy bắt đầu phân tích từ nghi lễ "Neophyte Ritual" dành cho Grade 0=0. Đáng chú ý là phần nghi lễ sau: "Hiero: Thou wilt kneel on both knees, give me your right hand, which I place on this sacred and sublime symbol (Places Candidate's right hand on the center of the triangle.) Place your left hand in mine, bow your head, repeat your full name at length and say after me (All rise)" và "As they pass the Hierophant, who is standing and holding the Banner of the East in his left hand, the Scepter in his right, they make the Neophyte Signs".
Trong quan niệm Golden Dawn, tay phải mang tính lý trí (thuộc tính nam, tính mạnh, tính thần thánh), còn tay trái mang tính tình cảm (thuộc tính nữ, tính yếu, tính trần tục). Việc người xem được cắt và chạm đến bộ bài có lẽ nhằm đưa năng lượng và yêu cầu của người xem vào bộ bài. Còn người đọc, vốn là chủ thể kết nối với bộ bài, thì mới được dùng tay phải để sử dụng, vì đó là năng lực và quyền hạn của người được tin cậy, phải đưa ra lời khuyên một cách lý trí và quyết đoán.
Trong cuốn The Magical Tarot of the Golden Dawn của Chris và Pat Zalewski, tác giả dẫn ra bản viết tay của Mathers vào năm 1900 về "Seven branched candlestick" trong đó hướng dẫn một số nghi lễ dành cho trình độ Theoricus Adeptus Minor của hội Golden Dawn như sau "Nun: Arms bare and strong: on Right, a shield, Golden, and charge with a dove (the eagle on the card in the ordinary pack is a corruption): in the left hand, Three lillies, held like a scepter, and the Crux Ansata or Nile Key; hanging form the left wrist;the coloring bluish green.".
Một cuốn thứ hai mà chúng tôi tìm được đó là bản thảo Flying Roll của tiến sĩ W.W. Westcott (thầy của Mathers, sáng lập viên của Golden Dawn) viết vào cuối thế kỷ 19 (trong khoảng 1880 đến 1900). Trong bản thảo này, người ta thấy một hướng dẫn nghi lễ ở chương 12 - Telesmatic Images & Adonai như sau "NUN. Arms bare, strong, extended as a cross. In the right hand are ears of corn, and in the left a golden Cup. Large dark spreading Wings.".
Cả hai cuốn này cho thấy phân tích bên trên của chúng tôi là khá phù hợp. Rõ ràng trong Golden Dawn, vị trí và ảnh hưởng của hai tay hoàn toàn khác nhau. Ở tay phải là những hình thức của cái mạnh, đại diện cho lý trí, quyền lực, sự quyết đoán, tính nam (Khiên Vàng, Hạt Bắp *). Còn ở tay trái là những hình thức của cái yếu, đại diện cho tình cảm, sự tôn sùng, sự tuân theo, tính nữ (Biểu tượng nữ thần sông Nile, Cành Hoa Lyly, Cúp Vàng*).
* Khiên là vật dụng chiến đấu của người nam, cành hoa lyly là đại diện cho sự trồng trọt của tính nữ. Hạt bắp một mặt đại diện cho sự sinh trưởng nhưng đồng thời đại diện cho người phối giống (như dương vật nói chung), còn cái Ly đại diện cho vật thụ hưởng (ly đựng nước hoặc hạt ngũ cốc) và dạng lõm của cái ly được xem như dạng của âm đạo phụ nữ, vì vậy đại diện cho tính nữ. Biểu tượng nữ thần vừa là sự sùng kính tuyệt đối (thuộc tính nữ), vừa đại diện cho tính nữ của nữ thần.
Một phần khác của bản thảo Flying Roll mà chúng tôi chú ý là ở chương 9 - Right & Left viết năm 1893. Phần này nói về cột Jachin&Boaz của đền thờ Solomon. Trích Kinh Thánh Chronicles II; 3-17: "And call the Name on the right hand (of him who enters) Jachin, and the Name of that on the left, Boaz."; dịch "Và gọi bên phải là Jachin và bên trái là Boaz".
Jachin là cột trắng đại diện cho tính nam, Boaz là cột đại diện cho tính nữ. Và như chúng tôi đã nói đến trong kinh thánh Chronicles II, Westcott đã đưa ra quy tắc được áp dụng cho Golden Dawn như sau "Black Pillar = Severity = Left = North ; White Pillar = Mercy = Right = South". Vì vậy, từ tài liệu của Westcott càng chứng minh được Golden Dawn ngay từ ban đầu đã xác định tay trái dành cho tính nữ (tính yếu, tính tình cảm) và tay phải dành cho tính nam (tính mạnh, tính lý trí) chứ không phải chỉ xuất hiện từ thời kỳ Mathers trở đi.
Một số ý nghĩa khác cũng cần được nói đến. Theo truyền thống ma thuật, người thuộc White Magic-Ma Thuật Trắng* dùng tay phải cho nghi lễ chính và tay trái cho nghi lễ phụ (điển hình như những hội thuộc black magic như Ceremonial Magick, Qabalah, The Golden Dawn, Rosicrucian, các hội thuộc angelic magic...). Những hội này coi bản thân như sự mặc khải của thiên chúa xuống trần gian và thực hiện theo phán truyền của thiên chúa (dù không hoàn toàn như Rosicrucian vẫn thờ Bathomet, Golden Dawn có nhiều nghi lễ thuộc ngoại giáo Talisman).
Còn người thuộc Black Magic-Ma Thuật Đen* thì ngược lại, dùng tay trái cho nghi lễ chính, và tay phải cho nghi lễ phụ (điển hình như các hội Satanism, Setian, Qliphothic, Paganism). Và dựa vào quy tắc đặt tay và cử chỉ, hoàn toàn có thể đoán được nghi lễ đó thuộc ma thuật trắng hay đen.
* Ma Thuật Trắng là thuật ngữ ám chỉ các nghi lễ của các phù thủy sử dụng ma thuật cho mục đích cao cả theo mặc khải của đấng tối cao (phải nói rõ là đó có thể không phải là thiên chúa của Thiên Chúa Giáo). Ma Thuật Đen là thuật ngữ ám chỉ các nghi lễ của các phù thủy sử dụng ma thuật cho mục đích đen tối nói chung, thường là phục vụ theo các giao dịch tiền bạc hoặc quyền lực mà không cần sự mặc khải của đấng tối cao.
Tay trái gắng liền với cái yếu và cái phụ ngay từ đầu thời kỳ trung cổ. Từ "left"- bên trái có gốc anglo-saxon từ "lyfy" trong cổ ngữ và có nghĩa là nhẹ. Trích từ The Free Dictionairy của từ "lyfy" như sau "Middle English, from Old English lyft-, weak, useless (in lyftdl, paralysis).". Một dẫn chứng khác là từ Sinister, có gốc từ tiếng Latin có nghĩa là dùng tay trái hay thuận tay trái, vốn là bàn tay của ma quỷ và các thế lực siêu nhiên, vẫn còn được dùng ngày nay với ý nghĩa là ma quái, điềm xấu, kém may mắn ... Trích từ The Free Dictionnairy của từ "sinister" như sau "Middle English sinistre, unfavorable, from Old French, from Latin sinister, on the left, unlucky, from Old English lyft-, weak, useless (in 'lyftdl', paralysis)." .
Chúng ta còn có thể bắt gặp điều này ở trường ca Homer Odyssey, khi mà dấu hiệu một con chim ưng bay về phía tay phải thì nó mang tin tốt lành, còn nếu bay về tay trái thì nó mang tin dữ. Ngoài ra ý tưởng của nó còn có trong tiếng pháp khi mà từ "droit"-tay phải tương đương với nghĩa quyền lực (avoir la droit = có quyền làm) hoặc đúng đắn. Còn bên trái tương đương với từ maladroit (biến âm từ mal-à-droit = không phải bên phải) có nghĩa là xấu xa, sai lầm. Hầu hết các ngôn ngữ châu Âu đều có chung khái niệm này, khác với châu Á khi mà bên trái được coi trọng hơn bên phải và được gán cho tính nam.
Ngoài ra, còn khái niệm cổ về năng lượng và ma thuật cho rằng, tay phải được coi là nơi thu năng lượng, còn tay trái được coi là nơi tống năng lượng; hay một cách diễn đạt khác: tay phải là xây dựng, tay trái là phá hủy. Một dẫn chứng từ sách The Witches Bible (Kinh Thánh Ma Thuật) do Jan và Stewart Fararr xuất bản năm 2002 có mô tả về một nghi lễ của Gardenarian Wicca trong đó người phù thủy mở và đóng cánh cửa năng lượng từ tay phải và trái của mình.
Chia Bài Và Rút Bài:
Trong phần này, việc chia bài( đôi lúc gọi là xòe bài) trước khi rút bài thì chúng ta sẽ quan tâm đến hai vấn đề là nên úp lá bài xuống, hay lật ngược lá bài lên. Và ai sẽ là người rút bài.
Thông thường, chúng ta vẫn thấy đại đa số những người đọc bài chia bài ra một cách thuần thục, mặt sau của lá bài đồng nhất hệt như một tấm màn che phủ số phận mà bản thân người xem không thế biết trước được. Sự bất ngờ luôn xuất hiện mỗi khi lá bài được lật ngửa. Trong quan niệm của trường phái tâm linh, thì việc úp lá bài xuống này mang tính chất ngẫu nhiên, không thể kiểm soát được những quân bài mà chúng ta sẽ rút. Ở quan niệm này, người đọc sẽ đóng vai trò chủ đạo, đọc những dấu hiệu của các sự kiện đã xảy ra, đang diễn ra, hoặc sẽ xuất hiện cho người xem bài nghe. Mặt khác, khi tiên đoán các sự kiện xảy ra trong tương lai thì việc này sẽ phụ một vài yếu tố hiện tại như sự chân thành của người xem. Bởi vì một khi bạn thiếu sự chân thành, niềm tin và thông tin đưa ra sai lệch thì việc liên kết sẽ khó thực hiện và ảnh hưởng đến việc đọc các dấu hiện trên các lá bài. Nếu bạn đến để đọc Tarot với định kiến, thì bạn vẫn ra về với định kiến.
Một yếu tố tiếp theo trong quan điểm tâm linh, là việc đọc bài phụ thuộc một phần nào đó vào khả năng tâm linh của người đọc. Cụm từ “ khả năng tâm linh” để diễn tả định nghĩa rất khó, vì nó là khái niệm khá mơ hồ không thể cân đong đo đếm được. Hệt như nước thay đổi và biến ảo hình thái từ nước sang sương lại thành mây, hóa mưa rồi qua băng tuyết, nhưng bản chất vẫn là nước. Đôi lúc, chúng ta có thể xem những người có trực giác mạnh thường sẽ là người có khả năng tâm linh mạnh, hệt như lá Nữ Tu trong cỗ Tarot. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, đa số chúng ta đều sinh ra với ba phần thân, tâm, ý. Vì vậy, khả năng tâm linh tồn tại trong mỗi chúng ta. Giống như một kho tàng tiềm ẩn. Và chúng ta có thể thông qua nhiều phương pháp để rèn luyện khả năng này.
Trong trường phái tâm lý, việc chia bài được diễn ra ngược lại. Người xem bài đóng vai trò chủ đạo, người đọc bài đóng vai trò lắng nghe. Các lá bài được lật ngửa lên. Và người xem Tarot chọn lựa những lá bài tương ứng với câu chuyện, hay đơn thuần là phù hợp với bản thân. Người đọc sẽ liên kết và kể cho người xem, câu chuyện của chính họ. Ở đây, thay vì úp các lá bài xuống, mang tính chất tiên đoán sự kiện, giải đoán, thì việc ngửa các lá bài tương tự với phương pháp trị liệu bằng nghệ thuật trong tâm lý học( Art Therapy). Những hình ảnh sẽ được người xem bài chọn lựa và sắp xếp thành câu chuyện của họ. Sự tương tác giữa người đọc và người xem sẽ giúp phá vỡ những rào cản bên trong, để những cảm xúc bị dồn nén có thể bộc phát.
Ở đây, chúng ta thường nhận được câu hỏi, tại sao lại sử dụng Tarot, mà không dùng hình thức khác như âm nhạc, vẽ tranh?
Thứ nhất, Tarot là ngôn ngữ của các biểu tượng, mà các biểu tượng trong Tarot tập hợp tạo thành các nguyên mẫu trong vô thức chung (theo Jung) của con người. Đó có thể là người cha, người mẹ, người thầy, anh hùng, ác quỷ, ẩn sĩ, pháp sư, thần chết… Từ những lá bài mang theo các nguyên mẫu này, chúng ta có thể tìm ra được nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý người xem trong cuộc sống, phân tích và đưa ra hướng đi phù hợp, giúp người xem chấp nhận bản thân, sự thật. Đồng thời, dựa trên tính cách được thể hiện mà dự đoán các xu hướng hành động trong tương lai.
Thứ hai, dựa trên những nguyên mẫu của các lá bài Tarot chúng ta có thể sắp xếp vào tạo thành một câu chuyện, một giấc mơ của người xem. Từ đó, tương tác với người xem, để tìm hiểu những tổn thương về mặt tâm lý trong thời thơ ấu, niên thiếu, hay hiện tại. Mỗi lá bài, là một mảnh ghép của giấc mơ. Và chính bản thân người xem sẽ nói ra những điều mà họ chưa bao giờ dám nói. Những đau khổ họ phải chịu, những kì vọng; trách nhiệm họ phải gánh lấy, những chọn lựa mà chưa bao giờ họ muốn chọn.
Nhưng phải nói thêm rằng, người đọc bài Tarot ở vị trí một người tham vấn cũng cần có sự quyết đoán để giúp người xem chấp nhận khó khăn mà bản thân gặp phải để tìm cách vượt qua. Chứ không phải là xoa dịu người xem, ru ngủ người xem bằng những ảo vọng tương lai.
Quay trở lại với vấn đề rút bài. Thì theo trường phái tâm linh, người đọc bài nên là người rút bài. Tuy nhiên, bản thân người đọc cần phải ở trạng thái cân bằng không bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, tiếng động, con người. Các yếu tố bên trong như cảm xúc người đọc, sự định kiến, thù hận, quan tâm. Như Waite cũng đã nêu ra trong phần lưu ý trong sách của mình, ông nói: “Giữ cho tâm trí tránh khỏi sự thiên vị và những định kiến càng xa càng tốt, nếu không sự phán xét của bạn sẽ bị nhuốm màu theo những điều đó.”
Còn theo trường phái tâm lý, thì việc rút bài nên là người xem Tarot. Điều này có thể giúp phá vỡ những rào cản tâm lý vô hình để giúp người xem có thể chia sẻ câu chuyện của mình. Và bên cạnh đó, người đọc bài cũng cần phải ở trạng thái không định kiến hay thiên vị, mới có thể giúp được người xem một cách tốt nhất.
Tạm Kết:
Để tạm kết lại trong chương này, chúng tôi tin rằng quá trình làm quen và thực hành với cỗ Tarot là một quá trình cá nhân hóa. Nó mang đậm màu sắc cá nhân vì vậy những kiến thức chúng tôi nêu ra nhằm giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn trong lĩnh vực Tarot rộng lớn này. Bạn có thể đọc và lắng nghe, song quyết định nằm trong tay bạn, cũng như cỗ Tarot nằm trong tay bạn. Hãy gieo trồng niềm vui để thu gặt hạnh phúc.
Phùng Lâm, nhà văn, thành viên Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot tại tp HCM. Tác giả của nhiều đầu sách về tarot như Tarot Dẫn Nhập Ngắn, 80 Ngày Học Tarot Cho Người Mới Bắt Đầu...
Philippe Ngo, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp. Tác giả của nhiều đầu sách tarot như Quỷ Học Trong Tarot, Dự Đoán Thời Gian Trong Tarot, Hành Trình Chàng Khờ Trong Tarot ...