Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 05: THE EMPEROR


Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.



Phần 05: L'EMPEREUR 
(The Emperor)


Lá bài Hoàng đế xếp ngay sau lá Nữ hoàng, mang vị trí thứ tư trong bộ 22 lá Arcana chính. Hình ảnh của vị hoàng đế này hiện lên cũng mang những biểu tượng giống với Nữ hoàng trước đó bởi lẽ cả hai người họ đều là những bậc quyền quý, nắm giữ quyền lực thế tục cao nhất. Việc lá Nữ hoàng xếp trước lá Hoàng đế dường như cho thấy vị trí ưu tiên hàng đầu của yếu tố tinh thần, yếu tố nữ tính bởi mặc dù bắt đầu từ tính sáng tạo khôn ngoan của Ảo thuật gia (I), biết về sự khai thác những tiềm lực bí ẩn trong Nữ tư tế (II) thì việc bắt đầu bài học về những gì thân thuộc chỉ qua những giác quan bình thường trước nhất thì phải bắt đầu từ người Mẹ mà ở đây chính là hình ảnh của Nữ hoàng (III). Sau đó, sức mạnh và quyền lực của người Cha, người đàn ông được thể hiện ở chính lá bài Hoàng Đế này. 


Cũng giống như Nữ Hoàng (III), Hoàng Đế (IV) cầm cây vương trượng của quyền lực, đầu đội vương miện và có bức phù hiệu chim đại bàng vàng ở phía dưới chân. Thế nhưng Hoàng Đế cũng thể hiện những sự khác biệt rất rõ ràng. Ông mặc bộ đồ lễ phục màu xanh lam, cả áo lẫn quần; đeo chiếc đai lưng màu vàng và chiếc vòng cổ cùng màu, áo choàng ngoài màu đỏ, đứng nghiêng người, chỉ nhìn thấy nửa mặt. Ông tựa người vào chiếc ngai màu hồng da kia chứ không ngồi xuống oai nghi, thoải mái như Nữ Hoàng. 


Hoàng Đế chính là sự tượng trưng cho quyền lực thống trị, sức mạnh và sự thành công. Cả bộ áo bào và quần đều màu xanh lam phủ bên ngoài là màu đỏ, cách sắp xếp màu sắc trang phục hoàn toàn khác so với hai lá trước đó. Nữ tư tế và Nữ hoàng đều che giấu lớp áo dài màu đỏ bên trong chiếc áo choàng màu lam. Cách phục trang của Hoàng đế cho thấy, đối với ngài, không chỉ có trí tuệ là quan trọng mà song hành với nó phải có sức mạnh. Tinh thần – màu xanh lam đã được che phủ lại vào bên trong để cho phần sức mạnh và trí tuệ - màu đỏ biểu lộ ra bên ngoài. Dường như nó cũng dựa trên bình diện tâm lý chung giữa nam – nữ. Phụ nữ thường thích ẩn giấu mọi trí tuệ, sức mạnh của mình dưới lớp nữ tính thuần khiết trong khi người đàn ông thì phô trương hết những điều đó. Màu đỏ chiếc áo choàng của Hoàng Đế là biểu trưng cho quyền lực, sự mạnh mẽ của nam giới vượt lên trên cái tinh thần sâu thẳm và bí ẩn kia.


Không ngồi hẳn uy nghi trên chiếc ngai của mình, Hoàng Đế chỉ đứng tựa vào nó và quay nửa người đi, đôi mắt hướng nhìn vào biểu tượng quyền trượng trước mặt. Chiếc ngai đó không chỉ là yếu tố quyền lực vua chúa chung chung, nó còn chức trách, trách nhiệm mà người ngồi trên nó phải thực hiện. Thế nhưng hành động của Hoàng Đế không có nghĩa là ngài e dè, sợ sệt trách nhiệm của ngài đang mang mà cực kì tự tin bởi lẽ tay phải cầm chắc vương trượng, tay trái nắm lấy chiếc thắt lưng uy nghiêm và thoải mái; đó là hành động của những người nắm quyền tối thượng và luôn sẵn sàng khẳng định bảo vệ cái tối thượng đó của mình. Hoàng Đế không nhất thiết phải hoàn toàn thể hiện quyền uy của mình theo cách của Nữ hoàng – đối diện toàn mặt. Chỉ cần đứng nghiêng một bên người, Hoàng Đế cũng cho thấy tính ưu việt của một trí tuệ  luôn đi đôi với sức mạnh. Ngài là vị chúa tể hiện nhiên không bản cãi.


Vương miện của Hoàng Đế cũng có chút hình dáng lạ hơn so với Nữ hoàng bởi lẽ vương miện của Nữ hoàng chú trọng tới quyền lực của tinh thần, trí tuệ; còn Hoàng Đế chú trọng về quyền lực của sức mạnh và sự điều khiển. Nó kéo dài đuôi về phía sau với những hình tam giác vàng giống với hình ảnh của vầng Thái Dương, đó là sự tỏa chiếu khắp các chiều không gian và khẳng định chủ quyền ở khắp mọi nơi trong khi đó màu đỏ bên trên lại trở thành hình tượng của sự chiến thắng và chiếm hữu. 


Chiếc phù hiệu đại bàng của Hoàng Đế cũng giống với Nữ hoàng, tuy nhiên, ta có thể để ý thấy rằng, đầu hai con chim đại bàng này quay ngược hướng nhau. Đó chính là sự cân bằng ngầm giữa hai lá bài này. Nếu như lá bài Ảo thuật gia chứa sự thăng bằng trong chính bản thân nó thì Nữ hoàng và Hoàng Đế lại là hai bản thể đối lập nhau và điều đó cần có những chi tiết tạo sự cân bằng cho hai lá bài để sự tương phản đối lập có thể tồn tại. Ta nên biết một điều rằng, trong xã hội phương Tây, bên trái gắn với giống cái còn bên phải gắn với giống đực. Con chim đại bàng trên bức phù hiệu của Nữ hoàng quay về phía bên phải trong khi của Hoàng Đế quay về bên trái giống như tính âm – dương điều hòa trong lý luận triết học Phương Đông. Dường như con người trên thế giới đều nhận ra sự cân bằng giữa hai bản thể đối lập là điều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển nên những biểu tượng hầu như đều ẩn chứa những điều bí ẩn, nhiều lúc còn trái ngược với nhau. 


Nếu đại bàng trên bức phù điêu của Nữ Hoàng là chúa tể của trí tuệ, của sự truyền pháp thì con đại bàng của Hoàng Đế nhiều biểu hiện khác. Bởi lẽ hình ảnh chúa tể các loài chim này có nhiều ý nghĩa khác nhau và chính ý nghĩa của những lá bài cũng tác động đến ý nghĩa của những hình ảnh bên trong nó. Đại bàng ở đây là biểu trưng cho một ông vua hùng mạnh, sự siêu đẳng, là đại diện cho tinh thần của người Cha – trùng với lá Hoàng đế. Là biểu tượng của sự chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm, được đồng nhất với hình ảnh của Chúa Jesus Christ trong một số tác phẩm Trung đại, nó biểu trưng cho sự thăng thiên, vừa cho Vương quyền của Ngài và vì nhiều lẽ mà nó trở thành biểu tượng cho một Đế chế hùng mạnh như Đế chế La Mã thần thánh thời Trung đại. 


Trên bình diện tâm lý, Hoàng Đế khuyên con người ta nên làm chủ bản thân, hướng ý chí theo cái quyền lực. Nói tóm lại, Hoàng Đế là một Hóa công, tạo ra con người và cũng tạo ra thế giới này.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 05: THE EMPEROR" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ