Học Biểu Tượng trong Bộ Waite Tarot - THE HIGH PRIESTESS

Đề Nghị: Trước khi đọc bài, vui lòng xem qua những chú ý về cách viết tại đây.

Lá này được Waite gán cho mẫu tự Gimel. Gimel trong tiếng Do Thái có nhiều hàm nghĩa riêng biệt. Đối với người Do Thái, tự dạng của mẫu tự này thể hiện một người giàu có đang chạy sau khi bố thí cho một người nghèo (hơi phức tạp để giải thích, xem hình bên dưới). Từ Gimel xuất phát nghĩa từ gemul, có nghĩa là gia ân bao gồm cả phần thưởng lẫn hình phạt, mà theo Torah, cả hai đều dẫn đến sự cữu rỗi linh hồn để thông linh cùng thiên chúa. Sự gia ân này tùy thuộc vào cách chọn của con người đối với thiện và ác. Ở lá này, sự gia ân chính là tri thức, tri thức này được sử dụng như thế nào không phụ thuộc ở bản chất lá bài. Lá bài chỉ hàm nghĩa sự gia ân thuần khiết, trao tặng và không phân xử. Điều này đặc biệt rõ ở khuôn mặt nhìn thẳng, trực diện và nghiêm nghị của nữ tư tế. Sự lựa chọn hành xử sau khi nhận được tri thức sẽ diễn ra ở thế giới vật chất này, nhưng sự gia ân cuối cùng chỉ được phán xét ở thế giới được hứa (miền đất hứa trên trời, thiên đàng, miền đất của chúa trời...). Hình ảnh người giàu có chạy liên quan đến sự tự do hành xử và kết quả của gia ân, từ chạy trong tiếng Do Thái "ratz" có liên quan đến từ "ratzon" nghĩa là số phận, định trước, tối cao. Cần phân tích kỹ chi tiết này hơn bất kỳ chi tiết nào khác của lá bài vì đây là chìa khóa dễ lầm lẫn nhất. Lá này thương được giảng giải là bí mật, huyền bí, học thức, tri thức... đúng nhưng chưa đầy đủ. Cần nhấn mạnh sự gia ân cuối cùng, kết quả của sự tự do hành xử. Lá này ám chỉ sự truyền trao quyền năng nói chung nhưng tác động không thể biết trước của quyền năng này tùy theo hành xử của người được trao tri thức sau đó. Đây chính là ý nghĩa trong chú giải ngắn: "Secrets, mystery, the future as yet unrevealed;". Không cần nhấn mạnh đến sự huyền bí, bí mật hoặc tương lai không được khải thị mà đơn giản rằng đó là kết quả của việc hành xử hiện tại sau khi được trao cho tri thức (hay quyền lực nói chung).


Nữ tư tế mặc trên người bộ đồ có nhiều chi tiết đáng phân tích. Waite viết như sau: "She has the lunar crescent at her feet, a horned diadem on her head, with a globe in the middle place, and a large solar cross on her breast.", tạm dịch "Cô có mặt trăng lưỡi liềm ở chân, một chiếc vương miện có sừng trên đầu, với một quả địa cầu ở vị trí giữa, và một cây thánh giá mặt trời trên ngực.". Trên y phục của nữ tu, ba yếu tố mặt trời, mặt trăng, trái đất đều hội đủ. Hình ảnh nữ tu với mặt trời ở ngực, mặt trăng dưới chân, đầu đội mũ được Waite nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các tác phẩm của mình điển hình như trong Alchemists through the Ages, trang 36, Waite viết: "The woman of the future will be clothed with the sun and Luna shall be set beneath her feet. The blue mantle typifies the mystical sea.". Với Waite, hình ảnh này dường như cố định và cách thể hiện này mô tả rõ nhất biểu tượng của một nữ tư tế. Nữ tu đội mũ sừng, một mặt là sự tôn sùng đối với Bacchos, vị thần bảo trợ cho tiên tri của La Mã. Mũ sừng còn là biểu hiện của tính á thần, và tính khải thị của con người trần tục; tập tục đội mũ sừng được bắt đầu bởi Alexander Đại Đế và sau đó được duy trì qua các hoàng đế Hephaestion, Leonnatus, Nearchus, Peucestas, Ptolemy...(được dẫn trong lịch sử các vương miện). Mũ sừng còn là mũ đội của Isis, vì thần tiên tri của thần thoại Ai Cập. Chú ý chữ thập Solar Cross không hề liên hệ gì đến các khái niệm đức tin của Thiên Chúa Giáo (một tầng nghĩa Thiên Chúa Giáo với liên hệ này sẽ được phân tích ở phần sau). Chữ thập này còn gọi là Sun Cross hay Celtic Cross là biểu tượng của tiên tri trong văn hóa Celtic (mà Waite là một trong những chuyên gia, chắc hẳn ông đã bị ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố tiên tri Celtic như kiểu spread Celtic Cross). Hình ảnh mặt trăng nổi bật bởi ý nghĩa ba trùm của nó lên toàn lá bài. Mặt trăng là biểu tượng của Isis, một nữ thần tối cao của văn hóa Celtic, đại diện cho sự tôn sùng trí tuệ và tiên tri. Lá này nhấn mạnh đến yếu tố đón nhận tiên tri. Nhân vật nữ tu không phải một nữ thần hiện hữu mà là một đại diện, một thể hiện trần tục của sức mạnh siêu nhiên, một bà đồng Pythia. Tôi dùng chính từ mà Waite dùng : một Shekinah, một đền phụng sự mà nhân vật chỉ là một bà đồng, một biểu thị. Bà đồng không trực tiếp cho ta tri thức hoặc tiên tri, mà chính sức mạnh vô hình của Shekinah làm điều đó. Nữ tu là một kẻ trông đền, không phải chủ nhân thật của ngôi đền. Lá nữ tu là một chất dẫn của tri thức và tiên tri chứ không phải là nguồn gốc của tri thức và tiên tri. Đây là cách tiếp cận đúng đắn nhất cho lá này. Đa số các mem tarot đều dẫn lá này thành nguồn gốc của tri thức, thực ra thì không phải vậy.

Waite đã rất khó khăn để chỉ ra điều này, nhưng với cách viết đầy ẩn ý, rõ ràng ông đang tự làm khó cho đọc giả và cho chính bản thân ông. Ông muốn thể hiện rằng nữ tu vừa là người phục vụ đấng và là chính đấng ấy. Bà ta là nguồn gốc tri thức, nhưng chỉ là chất dẫn, người hầu của đấng tri thức, nhưng đồng thời là biểu hiện toàn vẹn nhất và đầy đủ nhất và duy nhất của đấng tri thức. Hãy coi cách ông biểu đạt ý tưởng này. Trích "She is, in fine, the Queen of the borrowed light, but this is the light of all", dịch "Bà ta là một nữ hoàng của ánh sáng vay mượn, nhưng là ánh sáng của tất cả", nữ tu vừa là chất dẫn, kẻ phụng sự có được ánh sáng nhờ vào ân điển của bề trên, nhưng cũng đồng thời là ánh sáng của tất cả vì chỉ duy nhất nữ tu là đại diện cho đấng bề trên. Ông thể hiện rõ hơn "Mystically speaking, the Shekinah is the Spiritual Bride of the just man, and when he reads the Law she gives the Divine meaning.", dịch "Một cách nói huyền bí, Shekinah là cô dâu linh thiêng của con người, và khi con người đọc luật, thì cô ta sẽ nói ra lời tiên tri". Cần phân biệt ba đối tượng: Shekinah, nữ tu, con người. Shekinah là đấng tri thức, con người là kẻ cầu hỏi tri thức, nữ tu là cầu nối ("cô dâu"). Một mặt, cô dâu là biểu hiện của Shekinah, vừa là chính Shekinah. Mặc khác, cô dâu là hiệp ước ("luật") giữa con người với thánh thần, nên cô ta cũng mang tính chất con người, tức là kẻ phụng sự của Shekinah. Waite cũng nói : "She has been called occult Science on the threshold of the Sanctuary of Isis, but she is really the Secret Church,...", dịch "cô ta là khoa học huyền bí trước ngưỡng cửa của đền Isis, nhưng cô ta cũng chính là ngôi đền bí mật thật sự..."; hình ảnh nữ tu là đại diện của khoa học huyền bí, ngồi trước ngưỡng cửa của đền thờ tức ám chỉ người phụng sự, nhưng lại đồng thời chính là bản thân cũng là đại diện duy nhất của ngôi đền huyền bí, người nữ tu vừa là chất dẫn vừa là chủ nhân. Dù vậy, nữ tu mãi mãi cũng chỉ trước ngưỡng cửa chứ không bao giờ trở thành chủ nhân tối thượng của đền thờ, điều này ám chỉ đến giới hạn tri thức mà tôi sẽ phân tích thêm ở đoạn kế. Nói một cách đơn giản nữ tu "vừa là người phụng sự, vừa là chủ nhân của phụng sự". Vì vậy, nếu nói về nhà thờ, thì lá này không hề ám chỉ đến Chúa mà ám chỉ về Kinh Thánh; nếu là thu chi kinh doanh, thì lá này không ám chỉ chuyên gia kế toán mà ám chỉ chuyên gia môi giới; nếu hỏi về tình duyên, thì lá này không ám chỉ một chuyên viên tư vấn mà ám chỉ một bà mối mai....

Hình ảnh 2 cây cột trắng và đen đại diện cho J và B như Waite đã dẫn: "She is seated between the white and black pillars--J. and B.--of the mystic Temple, and the veil of the Temple is behind her: it is embroidered with palms and pomegranates.", dịch "Cô ta ngồi giữa 2 cây cột trắng và đen gọi là J và B của ngôi đền huyền thoại, bức màn ở sau lưng cô ta là hình ảnh cọ và lựu". Nhưng phân tích này là chưa đủ. Đây là hình ảnh mật ngữ của Waite mà hầu hết các tài liệu đều thiếu sót. Hầu như các tài liệu chỉ đề cập đến phần nổi của hình ảnh: ngôi đền huyền bí được nói đến là đền Solomon, và hai cây cột này có tên là Joachin và Boaz. Ngôi đền Solomon là ngôi đền đầu tiên tại Jerusalem và được nhắc đến như là công trình vĩ đại nhất về sự sùng kính thiên chúa. Điều quan trọng nhất của Đền Solomon là ở chỗ, đây là nơi đặt Hòm Giao Ước (Ark of Covenant), chứa các bản vàng khắc lời giao ước vĩ đại của Thiên Chúa và dân Isarael - Xem thêm bài Tarot và Giao Ước ( phần 1 và phần 2 ) để hiểu thêm về vấn đề này. Chú ý rằng cả hội Golden Dawn và Tam Điểm đều có đền thờ với 2 cột Jachin và Boaz, đây là mô típ quang trọng đặc biệt tham chiếu trực tiếp từ đền Solomon. Kinh Thánh còn dẫn ra rằng cột được trang trí ở đầu bằng hình ảnh bông hoa (Kings-1 7:19  “the capitals surmounting the pillars were flower-shaped”); điều này giải thích mô típ hình cánh hoa trên cột J&B trong lá bài. 

Gematria được lồng ghép một cách hết sức kín đáo trong mô típ của hai cột. Jachin = yod (10) + kaph (20) + yod (10) + nun (50) = 90, còn Boaz = beth (2) + ayin (70) + zayin (7) = 79. The Jachin màu trắng (meaning Yah establishes) đại diện cho Vua Solomon, còn Boaz màu đen (meaning strength) đại diện King David. Waite đã đặt giá trị cột Jachin lên cột Boaz, và ngược lại đặt giá trị cột Boaz lên cột Jachin. Quan sát kỹ hình vẽ cột Jachin trong lá bài. Cột Jachin được trang trí bằng 5 nhóm sóng: 2 trên và 3 dưới. 2 trên có 3 lằn sóng (2x3=6), 3 dưới có 3 lằn sóng (3x3=9) mà Boaz = 6*9 = 69. Cột Boaz phức tạp hơn, và rõ ràng là Waite đã rất cố công trong cách thể hiện. Vì trong hệ thống Do Thái không có số 0 nên việc thể hiện số 90 của cột Jachin là không thể. Mặc khác, Waite cũng không muốn thể hiện quá lộ liễu ý tưởng của lá bài. Quan sát hình vẽ cột Boaz. Cột Boaz được trang trí gồm 4 nhóm sóng: 2 trên và 2 dưới và ở giữa là 1 tam giác không có các đường sóng. Tam giác là gì ? Là biểu tượng của Trinity, là hệ ba ngôi, là sự cân bằng, là sự hoàn hảo, chính là số 0. Trinity là gì ? Là 1 và 2 đối nghịch nhau, tuy là hai cái nhưng là một thống nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai; và cái thứ 3 là sự cân bằng, bền vững, không phải một, cũng không phải hai. 2 nhóm sóng bên trên, mỗi bên 3 sóng, tuy hai mà một, tức là 2x3 ~ 1x3 = 3. Còn 2 nhóm sóng bên dưới, mỗi bên 3 sóng, là cái thứ 3 cân bằng, tức là 2x3 = 6. Hai nhóm sóng (3+6=9) trong một trinity hoàn hảo (tức số 0 ) trong đó 9*0 = 90, mà Jachin = 90. Một chú ý nữa về 2 cột: đây là đại diện của yếu tố nhị nguyên nam-nữ trong Do Thái Giáo. Theo kinh thánh Sáng Thế Ký 4:19-23, trưởng nam đại diện cho tính nam là Lamech, trưởng nữ đại diện cho tính nữ là Adah, và Adah là vợ của Lamech (sự liên kết tính nam-nữ), mà Gemetria của Lamech là 90 (Lamech viết là LMK = lamed (30) + mem (40) + kaph (20) = 90), còn gemetria của Adah là 69 (Adah viết là ADH = ayin (70) + daleth (4) + heh (5) = 79); hay nói cách khác Lamech-tính nam = Jachin, Adah-tính nữ = Boaz. Nhắc lại một chút kiến thức về Ba Ngôi Trinity, đây là một khái niệm cổ được chấp nhận ở Thiên Chúa Giáo và Chính Thống Giáo với thuật ngữ Ba Ngôi Nhất Thể gồm Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, vừa là 3, vừa là duy nhất một.

Gematria trên cột J&B
Một chú ý nữa  Jachin + Boaz = 90 + 79 = 169 = 13^2. Số 13 liên quan đến nhiều vấn đề nhất là về tính nhất thể của Thiên Chúa HaShem, tức là yod-hey-vav-hey (YHVH), tên chính thức của Chúa, cái mà Kinh Thánh Tiếng Việt dịch là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Sáng Thế Ký 2:4 "This is the account of the heavens and the earth when they were created. When HaShem God made the earth and the heavens". HaShem có gematria là 2x13=26. Nếu 12 là số tròn đầy đủ thì 13 là số không thể với tới, vì đó là số của đấng ngự trị vượt qua sự tròn đầy, là sự không tưởng đối với người phàm. Tổng của Jachin và Boaz = 169 = 13^2, chính là sự sùng tín đối với đấng tối cao. HaShem là đấng tự hữu hằng hữu cũng là đấng duy nhất một One như lời của Shema Yisrael: "Hear, O Israel: the Lord our God, the Lord is one" trong Kinh Thánh Deuteronomy 6:4. One hay gọi là Echad (viết là DHA = 4+8+1=13) có gematria là 13. HaShem is One tức là  13x2 ~ 13, tức là tuy hai mà một của ba ngôi Trinity và là ba ngôi nhất thể (13x2+13 = 39 = 13x3 là ba ngôi, nhưng tương đương 13 là nhất thể). Chú ý một trích dẫn được nhắc rất quan trọng trong sách 1 John 4:8 "He that loveth not knoweth not HaShem; for HaShem is love.". Love hay Ahavad (viết là AHBH = 1+5+2+5 =13) có gematria là 13; HaShem is Love, tức là 13x2 ~ 13, tức là tuy hai mà một của ba ngôi Trinity và cũng là ba ngôi nhất thể. Hình ảnh số 13 này nhắc đến một thuộc tính quan trọng của tiên tri, đó là tính không thể vượt qua. Bất kể tài giỏi đến đâu đi nữa, cũng không thể vượt qua giới hạn của thiên chúa. Bằng tình yêu (Love), thiên chúa trao cho con người khẳ năng tiên tri, nhưng luôn nhớ rằng ai mới thật sự Tự Hữu Hằng Hữu, ai mới thật sự Duy Nhất Một ? Những kẻ phàm trần, một khi gần đến đích hoàn mỹ của số 12 thường tự huyễn hoặc về sự tối cao của bản thân mà quên rằng số 13 mãi mãi không thể với đến được, mãi mãi là số thần thánh mà bất kỳ người phàm nào ham muốn đạt được, và tự phụ đạt được đều dẫn đến sự thất bại, đau khổ, chết chóc. Đây mới chính là ý nghĩa thực sự của số xui xẻo 13. Điều này ứng với bản chú giải của Waite: Passion, moral or physical ardour, conceit, surface knowledge (Niềm đam mê, nhiệt huyết tinh thần hay thể xác, tự phụ, bề mặt kiến thức) mà đa số thấy khó hiểu khi đặt chung điểm tích cực "đam mê, nhiệt huyết " và điểm tiêu cực "tự phụ, bề mặt kiến thức" đi với nhau. Biểu hiện của số 13 sẽ còn gặp ở những phần phân tích phía dưới.

Cấu trúc đồ hình Tree Of Life trên lá bài này là ý tưởng từ học giả Philip Carter, thành viên của  hệ thống Tam Điểm Úc là Center for Fraternalism (Website chính thức tại đây). Ngoài ra còn nhiều học giả khác đã bàn rất nhiều về cấu trúc này. Tuy nhiên, tôi đã hiệu chỉnh riêng một phiên bản với vài thay đổi về cách bố trí nhằm phù hợp với lời giải thích của Waite.  Xem hình bên dưới. Chú ý là các nút đánh số theo thứ tự của Sephirot từ 1 đến 10, 11 là vị trí của Daat. Các đường dẫn màu xanh (path) chỉ mang tính minh họa thôi chứ không đầy đủ. Toàn bộ các từ khóa bên trên của Waite đều dẫn đến cấu trúc Tree Of Life trong lá bài này. Không phải ngẫu nhiên mà Waite nói đây là lá bài quang trọng nhất và thần thánh nhất trong hệ thống 22 lá Arcana Major ("There are some respects in which this card is the highest and holiest of the Greater Arcana."). Sơ đồ bên dưới được hình thành từ các vị trí chứa biểu tượng linh thiêng (quả cầu ở mũ, vị trí chữ thập mặt trời, quyển Tora, mặt trăng) và 7 quả lựu trên bức màng. Bảy quả lựu đại diện cho các sephirot thứ 1,2,3,4,5,7,8; mặt trăng đại diện cho sephirot thứ 10, sách Tora đại chiện cho sephirot thứ 9, chữ Thập Mặt Trời đại diện cho sephirot thứ 6,  quả cầu trên mũ đại diện cho sephirot thứ 11. Hình ảnh cây cọ trên bức màng cũng được lấy từ hình ảnh trong sách Kinh Thánh như 1Kings 6:33-35, 1Kings 7:36 nói rằng hình ảnh của cây cọ được khắc trên cửa vào phòng thờ Holy of Holies trong đền. Hình ảnh này theo O'Neil là tham chiếu từ nhà huyền học Levi, trong cuốn Ritual of High Magic, chương 22. 

Hình ảnh bức màng phía trước, che mặt biển ở phía sau được rút từ hình ảnh hồ nước tẩy rửa trong Kinh Thánh 1 Kings 7:23-26 "And he made a molten sea, ten cubits from the one brim to the other: it was round all about, and his height was five cubits: and a line of thirty cubits did compass it round about...", phục vụ trong lễ tẩy rửa quan trọng của người Do Thái. Hình ảnh mặt nước ở phía sau bức màng là tương ứng với đường biên Veil of Parakeeth. Quan sát và so sánh vị trí các nút sephirot trong sơ đồ Tree Of Life và sơ đồ tương ứng trên lá bài. Đường mặt nước tương đương vị trí Veil of the Parakeeth, chia Tree Of Life thành 2 phần: phần trên gồm các sephirot 1,2,3,4,5,6; phần dưới gồm 7,8,9,10. Các phân tích ở lá này cần nhắc đến khái niệm Triad (bộ ba). Các sephirot 1,2,3 tạo thành tam giác trên cùng gọi là Supernal Triad, các sephirot 4,5,6 tạo thành tam giác ở giữa gọi là Ethical Triad, các sephirot 7,8,9 tạo thành tam giác dưới cùng gọi là Lover Triad. Veil of Ain phân chia giữa hư không - ánh sáng và Supernal Triad, Veil of Abyss phân chia giữa Supernal Triad và Ethical Triad ngay vị trí của Daat, Veil of Parakeeth phân chia giữa Ethical Triad và Lover Triad. Tại sao Waite lại nhấn mạnh Veil of Parakeeth chứ không phải bất cứ Veil nào khác ? Là vì Parakeeth có nghĩa là "nhớ lấy ngươi là ai" (- "remember who you are"), đây là đường biên của cái có thể nhận thức được, và cái thần thánh không thể nhận thức. Đây là ranh giới giữa cái số 12 tri thức đầy đủ và số 13 tri thức không thể với đến. Nó gợi nhớ đến giới hạn tri thức đã phân tích ở các phần trên. Đường biên Veil of Parakeeth còn là đường biên của Higher Triad và Lower Triad. 


Sơ đồ Tree Of Life

Vì sao lựu lại tương ứng với các sephirot?  Lựu là bằng chứng về miền đất hứa trên chuyến hành trình của Moses. Lựu được nhắc đến như biểu hiện của sự sùng tín và tiên tri, nó được thêu trên bộ lễ phục dành cho Kohen Gadol, chức danh cao nhất đại tư tế High Priest của Do Thái Giáo, còn được biết với tên "Robe of the Ephod" như sách Kinh Thánh Exodus 28:33-34 đã dẫn. Có 200 quả lựu được khắc thành phù điêu trên 2 cột Jachin và Boaz theo như Kinh Thánh Book of Kings 7:13-22. Quả lựu còn được biết đến với số lượng hạt không đổi 613, một con số thần thánh của người Do Thái tương ứng với 613 Mitzvot - Điều răn của chúa trời trích từ sách Torah, còn được biết với cách gọi là "Law of Moses" (Torat Mosheh, תורת משה), "Mosaic Law", "Greater Law", "Secret Law", "Sinaitic Law," hay đơn giản là "The Law". Chú ý là trong lá này, Waite cũng đã nhắc đến The Law: "...when he reads the Law she gives the Divine meaning...", dịch "khi hắn đọc bộ Luật thì cô ta sẽ báo lời tiên tri...". Bộ Luật này chính là quyển sách có chữ Tora trên tay của nữ tu; và bộ luật này chính là quyển sách tiên tri mà Waite đề cập đến: The Torah. The Torah chính là sách Kinh Thánh của Do Thái Giáo, tương ứng với 5 cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo: Sáng Thế Ký, Xuất Hành Ký, Levi Ký, Dân Số Ký, Đệ Nhị Luật Ký, nằm trong Kinh Cựu Ước. Vì vậy, quyển sách Tora trên tay nữ tu không đâu xa lạ, chính là ám chỉ Kinh Thánh Cựu Ước. Chú ý rằng từ đồng âm Torah = Tora và là đảo ngữ của Taro = Tarot, mà tôi đã có lần nói đến trong bài nguồn gốc của từ Tarot. Một đặc điểm gematria nữa là cụm "613 Mitzvot" có từ Mitzvot vốn viết đầy đủ là Taryag mitzvot, mà gematria của Taryag (TaRYaG) cũng đúng bằng 613. Số 613 còn liên quan một điểm nữa, đó là dãy khăn nút cầu nguyện (tzitzit) của người Do Thái. Dãy nút này liên hệ với 613 lời răn bằng sự kết hợp của gematria của từ tzitzit là 600, mỗi băng có 8 dãy lụa, mỗi 2 dãy lụa có 5 thắt, tổng là 8 + 5 = 13, và 600 + 13 = 613 điều răn, như theo ghi chép của nhà hiền triết Shlomo Yitzhaki (Thế kỷ 10). Ta gặp lại con số 13 hoàn hảo thần thánh.

Waite nói về cuộn sách như sau "The scroll in her hands is inscribed with the word Tora, signifying the Greater Law, the Secret Law and the second sense of the Word. It is partly covered by her mantle, to shew that some things are implied and some spoken.", dịch "cuộn sách trong tay bà ghi chữ Tora, chính là ám chỉ Luật Lớn, Luật Bí Mật và tầng nghĩa thứ hai của Từ Ngữ. Nó được bao phủ bởi những tầng nghĩa bảo vệ, và chỉ thể hiện các chân ngôn qua những ẩn ngữ". Vì sao Tora là Luật Lớn, vì đây là Luật duy nhất do Thiên Chúa tự mình khải thị; vì sao Tora là Luật Bí Mật, vì đây là Luật được hiểu qua các ẩn ngữ, vì sao Tora là tầng nghĩa thứ hai của Từ Ngữ, vì luận giả Luật cần áp dụng các phép Gematria. Điều này cần liên hệ với câu đầu tiên của Tạo Thư Sepher Yetzirah 1:1 trong đó khải thị của Chúa Trời thông qua ba sách: Sepher (qua chữ viết), Sephar (qua con số), Sippur (qua giao tiếp) - Xem thên về Gematria tại đây. Xem thêm về Sepher Yetzirah tại đây (tôi vẫn chưa hiệu đính toàn bộ, mới chỉ hiệu đính được phần thứ nhất). Tầng nghĩa thứ hai chính là ám chỉ cách khải thị thứ hai trong ba cách, đó là Sephar, qua phép số Gematria. Tôi luôn nhắc các bạn rằng muốn hiểu rõ về Golden Dawn cần hiểu rõ về Kabbalah, muốn hiểu rõ về Kabbalah cần hiểu rõ về Gematria. Đây chính cách hiểu chú giải "mystery, wisdom, science" của Waite mà khá nhiều sách hướng dẫn lầm. Lá này ám chỉ sự khải thị, tiên tri của đấng bên trên thông qua các bí thư một cách bí mật nhiều tầng nghĩa chứ không khải thị một cách minh bạch, đơn giản. Sự khải thị này cần sự tìm tòi, nghiên cứu để nhận ra được chân ngôn của Đấng Chúa Trời. Nó khác với các kiểu ý giải hiện nay của lá này về khoa học, bí mật, hoặc các quan niệm bất khả tri. Nó là sự yêu cầu tìm tòi trong các chỉ dẫn, giải nghĩa các ẩn ngữ để tìm ra chân ngôn. Nó không phải là sự ngăn trở, phủ định mọi tìm hiểu, với lời dối rằng chẳng bao giờ đạt được tri thức, hiểu được chân ngôn của Đấng Tối Cao như hầu hết các sách Tarot hiện nay. Điển hình là 78  degree of Wisdom của Pollack, tôi dẫn trích từ cuốn này về lá bài "The divinaotory meanings of the High Priestess deal first with a sense of mystery in life, both things we do not know, and things we cannot know". Điều này thể hiện rõ trong quan niệm của Waite về tri thức, khác với các học giả theo chủ nghĩa hoài nghi đang chiếm ưu thế vào thời kỳ này, Waite nói riêng và hội Golden Dawn nói chung có khái niệm rất rõ ràng về khả năng đạt được tri thức của con người thông qua các nghiên cứu về huyền học. Tất nhiên, tri thức này là vô biên với con người để hiểu được đấng tối cao, nhưng có giới hạn về lý thuyết với tri thức hoàn mỹ của đấng tối cao. Điều này tôi sẽ phân tích ở phần trước.

Sơ đồ Tree Of Life trên lá bài

Lá này cũng như lá trước The Magician, Waite lại chơi trò chơi cũ, nhưng với mức độ phức tạp hơn. Hàng loạt những thuật ngữ và tên gọi được nêu ra, nhưng không có một giải thích nào rõ ràng. Đoạn kế tiếp sau đây được xem là khó hiểu nhất trong toàn bộ 22 lá Major, và hầu như các sách giải đều né phần giải thích này, hoặc nói cực kỳ chung chung. Trích dẫn: "She has been called occult Science on the threshold of the Sanctuary of Isis, but she is really the Secret Church, the House which is of God and man. She represents also the Second Marriage of the Prince who is no longer of this world; she is the spiritual Bride and Mother, the daughter of the stars and the Higher Garden of Eden. She is, in fine, the Queen of the borrowed light, but this is the light of all. She is the Moon nourished by the milk of the Supernal Mother...According to Kabalism, there is a Shekinah both above and below. In the superior world it is called Binah, the Supernal Understanding which reflects to the emanations that are beneath. In the lower world it is MaIkuth--that world being, for this purpose, understood as a blessed Kingdom that with which it is made blessed being the Indwelling Glory.", dịch "Cô ta được gọi là Khoa Học huyền bí trước ngưỡng cửa của Đền Isis, nhưng cô ta cũng chính là Ngôi Đền Bí Mật thật sự, Nhà của Chúa và người. Cô ta biểu hiện cho Lần Cưới Thứ Hai của Hoàng Tử, người mà không còn tồn tại nữa; cô ta là tinh thần của Cô Dâu và Người Mẹ, cháu của các vì sao và Vườn Thiên Đàng. Cô ta là Nữ Hoàng của ánh sáng vay mượn, nhưng là ánh sáng của tất cả. Cô ta là Mặt Trăng được nuôi bởi dòng sữa của Mẹ Tối Cao... Theo Do Thái, đây là Shekinah của trên và dưới. Ở trên gọi là Binah, Đấng Thấu Hiểu Tối Cao, phản ánh hóa thân bên dưới. Ở bên dưới, gọi là Malkuth, thế giới này, được xem như là được ban phước bởi đấng Trị Vì Bên Trên...". Hàng loạt các mật ngữ được đưa ra và cực kỳ phức tạp. Cái gì gọi là Sanctuary of Isis ? Secret Church ? House of God and man ? Second Marriage of the Prince? Daughter of the stars? Bride and Mother? Higher Garden of Eden? Queen of the borrowed light? Moon by the milk of Supernal Mother ? Supernal Understanding ? Kingdom ? Indwelling Glogy ? Để giải thích toàn bộ điều này là hết sức phức tạp, dẫn đến nhiều khái niệm và tư liệu huyền học.

Đầu tiên,  phân tích ba khái niệm liên quan đến Đền Thờ (Temple), Waite viết "She has been called occult Science on the threshold of the Sanctuary of Isis, but she is really the Secret Church, the House which is of God and man" Sanctuary of Isis (Đền Isis) liên quan đến truyền thuyết Isis. Isis là vợ và là chị của Osiris, đã phục sinh Osiris sau khi Osiris bị Set giết. Điều này liên quan đến quan niệm tái sinh trong tôn giáo. Osiris (hình tượng nam) tái sinh thông qua Isis (hình tượng nữ).  Đây chính là thể hiện của khái niệm "vừa là người phụng sự, lại là chủ của phụng sự" như đã nói ở phần trên.Thế nào là Secret Church (Nhà Thờ Bí Mật) ?  Waite dùng chữ Secret Church là nhắc đến quan niệm của các phái thuộc thuyết Gnostisme ra đời vào thế kỷ thứ 2, nói về quan hệ giữa Jesus-Madeleine, trong đó Madeleine được xem là vợ của Jesus (mấy ông làm  triết tiếng Việt dịch là thuyết Ngộ Đạo, nghe như đang nói về thuyết nào đó của châu Á ~.~). "Secret Church" được dẫn xuất từ sách Tin Mừng Apocrypha, sách Kinh Chính của Thuyết Gnostisme. Apocrypha có nghĩa là "bị che giấu, bí mật"(apo+kryptein, apo là luôn luôn, kryptein là che giấu), vì vậy, nhà thờ và các giáo phái Gnostic được xem như Nhà Thờ Bí Mật. Waite ám chỉ đến Madelaine với vai trò tương đương Isis. Madelaine là vợ và cộng sự của Jesus, và là người nhân chứng quan trọng nhất trong cả 2 quá trình Thống Khổ (Passion of Christ) và Phục Sinh (Resurrection of Christ). Giống như Isis, bà là hiện thân của người đồng hành trong quá trình Thống Khổ (Jesus chết), và là người chứng nhận cho quá trình Phục Sinh (Jesus tái sinh), đây là quan điểm đặc biệt của thuyết Gnostisme. Vai trò này giống như phân tích ở trên "vừa là người phụng sự, lại là chủ của phụng sự". Một cách diễn giải khác, có liên quan đến cấu trúc của sephirot số một Kether trong Tree Of Life. Kether là vương miện, đôi khi được các học giả Do Thái gọi là Temple of Light ("đền ánh sáng"), và ánh sáng này là ánh sáng thần thánh, không có màu, không cảm nhận được, là một ánh sáng không có thực, ánh sáng hư vô. Mặc khác, trong bí thư Zohar, Kether còn được gọi là "bí mật nhất của mọi bí mật "("the most hidden of all hidden things"). Vì vậy, Kether còn có thể coi là "Hidden Temple of  Light- Ngôi đền Ánh Sáng Bí Mật", và dẫn đến khái niệm của "Secret Church". "House of God and man" là thuật ngữa ám chỉ Temple of Solomon, đây là nơi giao tiếp của Chúa Trời và Người. Và sau này, kế thừa vai trò của Temple of Solomon chính là các nhà thờ (Church). Xâu chuỗi các mối liên kết lại, ta thấy Waite diễn đạt duy nhất một khái niệm: Holy Temple, đền thờ của Thánh Thần. Đền Thờ Isis, Secret Church, House of God and Man cũng chính là Temple of Light, Hidden Temple of Light, Temple of Solomon ... Đền thờ là nơi kết nối, giống như vai trò của nữ tu, nhưng ngôi đền cũng chính là biểu hiện của Đấng Tối Cao. Ngôi đền (cũng như nữ tu) không phải là thánh thần, nhưng thánh thần chỉ thể hiện duy nhất qua Ngôi đền. Tất cả nhưng khái niệm này đều hướng đến sự tiên tri, đón nhận khải thị từ đấng bề trên, mà lá bài này vừa là công cụ của thánh thần, vừa chính là biểu hiện của thánh thần.

Tiếp đó, ta giải thích câu "She represents also the Second Marriage of the Prince who is no longer of this world;". Thế nào là Second Marriage of the Prince (Hôn Nhân Thứ Hai Của Hoàng Tử)? Đây là một mật ngữ của Waite mà tôi tốn khá nhiều thời gian để tra cứu và thảo luận. Không có quá nhiều chú dẫn liên quan đến thuật ngữ này. Second Marriage of the Prince ám chỉ Aphrodite, và với người hôn phu thứ hai là Mars. Aphrodite tượng trưng cho sắc đẹp và có hai người chồng, một là Anchises, và hai là Ares. Sắc đẹp là biểu trưng của sephirot số 6 Tiphareth. Ares, thần Chiến tranh, tức là Mars, biểu trưng ở sephirot số 5 Geburath, và là người không còn ở thế giới này vì người là chủ cai quản địa ngục.



Ta phân tích đến câu "She is, in fine, the Queen of the borrowed light, but this is the light of all.". Thế nào là Queen of the borrowed light (Nữ Hoàng của ánh sáng vay mượn)? Tôi tìm thấy một chú giải về hình ảnh này trong phần "The Veil and its Symbols" do Waite viết như sau "... to Mr. Harold Bayley as another New Light on the Renaissance, and as a taper at least in the darkness which, with great respect, might be serviceable to the zealous ...". Thuật ngữ "as a taper at least in the darkness" được lấy từ trào lưu Waldensians (còn gọi là Waldenses hay Vaudois) do học giả Peter Waldo sáng lập vào thế kỷ thứ 10 với chân ngôn "Lux Lucet in Tenebris" và biểu tượng gồm một ngọn nến đặt trên một quyển Kinh Thánh, được bao quanh bởi bảy ngôi sao (xem hình dưới). Biểu tượng này có lẽ được Waite sử dụng tương đương với hình ảnh nữ tu trong vai trò cây đèn được bao quanh bởi 7 quả lựu trong vai trò 7 ngôi sao, còn cuộn giấy Tora trong vai trò Kinh Thánh (tất nhiên rồi, vì Torah đúng thật là Kinh Thánh mà!). Waite viết trong chỉ dẫn như sau "The vestments are flowing and gauzy, and the mantle suggests light--a shimmering radiance", dịch "Bộ áo lễ buông xuống và mỏng, và từ lớp áp này làm lộ ra ánh sáng phát ra từ bên trong, một vẻ đẹp trong sáng lung linh."; có nghĩa là ánh sáng này phát ra từ nữ tu, nữ tu chính là ngọn đèn soi sáng. Lý luận này còn có thể giải thích thuật ngữ Secret Church (Nhà Thờ Bí Mật). Trào lưu Waldensians bị giáo hội xem như phù thủy và đã xử tử tất cả những người theo trào lưu này. Vì vậy, những người này rút vào bí mật và nơi hoạt động của trào lưu này được xem là Secret Church. Rất nhiều học giả nghiên theo giả thiết này khi giải thích thuật ngữ "Secret Church", điển  hình như  Harold Bailey, Margaret Starbird ( trong cuốn “Relics of the Hidden Church”), Corinne Heline (trong cuốn "The Bible & the Tarot" và "Mystic Masonry and the Bible"), Piers Anthony (trong cuốn "Planet of Tarot triology - God of Tarot, Vision of Tarot and Faith of Tarot"), Robert Wilson (trong cuốn "Gypsies")...

Kế đến, ta xem xét câu "she is the spiritual Bride and Mother, the daughter of the stars and the Higher Garden of Eden."; "She is the Moon nourished by the milk of the Supernal Mother.". Các thuật ngữ Bride and Mother, Supernal Understanding, Moon by the milk of Supernal Mother cần liên hệ đến cấu trúc Tree Of Life. Thế nào là Higher Garden of Eden (Vườn Eden Cao Nhất)? Higher Garden of Eden là mật ngữ xuất phát từ sách Tamud. Các học giả Do Thái tin rằng có 2 vườn Eden. Một là Lower Gan Eden, nơi có nhiều hoa và muôn thú kỳ diệu, gọi là vườn địa đàng, nơi này có trên trần gian và có thể nhìn thấy được bởi người phàm. Hai là Higher Gan Eden, nơi chỉ có các vị bất tử sống, nơi không thể nhìn thấy bởi người phàm và như sách Kinh Thánh Enoch, những người ở đây mặc bằng ánh sáng, ăn bằng cây sự sống ("clothed with garments of light and eternal life, and eat of the tree of life"- Enoch 58,3) và ở gần chúa, được gọi là vườn thiên đàng. Như đã dẫn ở trên, đường biên Veil of Parakeeth là ranh giới giữa Higher Triad và Lower Triad, đường biên này cũng chính là ranh giới của Higher Eden và Lower Eden. Điều này liên quan đến khái niệm Shekinah. Waite giải thích như sau "According to Kabalism, there is a Shekinah both above and below".  Shekinad là thuộc tính thần thánh, dành cho các sinh linh sống ở vườn thiên đàng và địa đàng. Supernal Mother hay Nature Mother là danh hiệu cao quý dành cho sephirot Binah, còn Bride là danh hiệu của Malkuth. Sách Bahir (còn gọi là Book of the Brightness do đại hiền triết Nehunya ben HaKanah viết) viết như sau : “For you shall call Understanding a Mother.”. Binah là người mẹ, được gáng cho thuộc tính nữ của thượng đế; sách do thái trích "Binah yeterah natun l'nashim" ("an extra measure of Binah was given to women"). Bản thân Binah cũng được chia thành 2 phần: Imma Ila'ah ("the higher, supernal", "người vĩ đại") và tevunah ("comprehension, understanding", "thấu hiểu"). Imma Ila'ah chính là Supernal Mother còn tevunah chính là Understanding Mother. Cả hai cùng đứng chung trong danh xưng "mother", "mẹ". Waite viết thêm : "In a manner, she is also the Supernal Mother herself--that is to say, she is the bright reflection. It is in this sense of reflection that her truest and highest name in bolism is Shekinah--the co-habiting glory". Binah vừa là mẹ của muôn loài, vừa là mẹ của chính Binah, vừa là mẹ vĩ đại - Supernal Mother, vừa là mẹ thấu hiểu - Understanding, là vinh quang đồng thời, vinh quang kép (Waite dùng từ "co-habiting glory"). Còn Malkuth được biết dưới tên Shekinah, là ám chỉ của Bride ( và sephirot Tiphareth ám chỉ Bridegroom), và là biểu tượng của Blessed Kingdom. Câu "According to Kabalism, there is a Shekinah both above and below" phải được hiểu là Shekinah ở trên chính là Binah, còn Shekinad ở dưới chính là Malkuth. Vườn thiên đàng nằm ở Binah, vườn địa đàng nằm ở Malkuth. Lá này ám chỉ mối quan hệ đặc biệt giữa Binah và Malkuth. Waite viết "In the superior world it is called Binah, the Supernal Understanding which reflects to the emanations that are beneath. In the lower world it is MaIkuth--that world being, for this purpose, understood as a blessed Kingdom that with which it is made blessed being the Indwelling Glory. ", cái superior world - thế giới tầng cao hay Binah chính là vườn thiên đàng, còn cái lower world - thế giới tầng thấp hay Malkuth chính là vườn địa đàng. Ở trên tham chiếu đến bên dưới : mẹ vĩ đại - chúa trời ban cho con người sự hiểu biết, ở dưới tham chiếu lên bên trên : con người tìm hiểu về chúa trời và ý muốn của người. Chú ý thêm rằng hình ảnh dòng nước cuộn chảy ở lá này và các lá Empress, Emperor, Chariot, Death đều ám chỉ đến 4 dòng sông trên vườn Eden; đọc thêm ở Sáng Thế Ký 2:10. Còn "She is the Moon nourished by the milk of the Supernal Mother." là ám chỉ đến sephirot Yesod. Yesod là sephirot đại diện cho mặt trăng Moon. Yesod là sephirot hội tụ của tất cả các sephirot trước nó để đến được Malkuth, vì vậy nó chính là được nuôi bởi dòng sữa của mẹ vĩ đại. Nó là điểm nối kết duy nhất từ chúa Cha (Kether), chúa Con (Tipharet) đến Vương Quốc (Kingdom - Malkuth). Như Waite dẫn giải "which it is made blessed being the Indwelling Glory"; Indwelling Glory chính là Tipharet - Chúa Con, Chúa Jesus, được Chúa Cha - Kether và Binah - Mẹ vĩ đại, đã đưa xuống trần gian để chuộc lỗi cho con người.


Lá bài này là một trong những lá bài khó nhất. Thứ nhất, với Waite, đây là lá bài quang trọng nhất trong toàn bộ 22 lá ẩn chính Major. Thứ hai, cách viết của Waite trong lá này ít nhiều mang cách giải nghĩa của riêng ông. Thứ ba, ông viết cực kỳ khó hiểu trong lá bài này. Các sách chú giải đến nay hầu như đều né phần này mà chỉ nói chung chung về ý tưởng chứ không đi sâu vào ý nghĩa các thuật ngữ. Bài viết này so với các phần giải thích trong sách tiếng Anh hiện tại còn có phần đầy đủ hơn. Bài tham khảo tương đối đầy đủ cho đến nay là của O'Neil. Trước khi viết bài này, một số thuật ngữ tôi vẫn chưa giải mã xong, cứ làm biếng mà dời lại mãi, thôi ráng làm lần này, một lần cho xong hẳn luôn. Cảm ơn Daniel cho phần giải thích về Bride and Mother; nếu không có bạn, phần bài viết này có lẽ sẽ không thể hoàn thành. 

Nào coi lại chú giải ngắn của Waite về lá này nhé:

THE HIGH PRIESTESS.--Secrets, mystery, the future as yet unrevealed; the woman who interests the Querent, if male; the Querent herself, if female; silence, tenacity; mystery, wisdom, science. Reversed: Passion, moral or physical ardour, conceit, surface knowledge.

Philippe Ngo, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Học Biểu Tượng trong Bộ Waite Tarot - THE HIGH PRIESTESS" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ