Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 09: THE JUSTICE


Tiểu dẫn: Trong hệ thống Tarot de Marseille, bộ Tarot de Nicolas Conver đóng vai trò rất quan trọng vì nó là bộ duy nhất được kế thừa bởi các nhà phát hành sau này. Có thể kể ra: phiên bản Paul Marteau 1930, Camoin Jodoromsky 1997, Tarot de Milleminium 2000, Tarot de Frornoy... Đặc biệt là phiên bản chuẩn 1930 với tên Ancien Tarot de Marseille. Đa số các bộ khác đều được phân tích chủ yếu trong các chuyên khảo, thì bộ này chủ yếu được phân tích ở sách cơ bản và thông dụng. Vì vậy, việc phân tích nó cũng là một điểm đáng chú ý. Loạt bài này có mục đích giới thiệu một cách nhìn tương đối tổng quát về các lá bài của phiên bản này.

Ghi chú: Các bài viết sau đây là kết quả từ sự cộng tác giữa Hoàng Hiền (viết chính) và tác giả blog. Bài viết chủ yếu mang quan điểm của Hoàng Hiền. Gửi lời cảm ơn đến cộng tác viên Hoàng Hiền vì đã đóng góp cho cộng đồng Tarot Việt Nam những bài viết bổ ích.


Phần 09: LA JUSTICE
(The Justice)


Đây là Arcana chính thứ tám trong bộ bài Tarot, là quân bài tượng trưng cho sự công bằng, chính trực. Con số đại diện cho quân bài này là số tám, cũng là con số của sự cân bằng vũ trị. Trong trường phái Pythagore, con số tám là con số đại diện cho công lý và không ngạc nhiên khi lá bài thứ tám trong các Arcana chính của Tarot mang biểu tượng của tính công bằng này. Trong đạo Ki tô, con số tám  là con số biểu thị cho sự toàn vẹn bởi lẽ ngày thứ Tám kế sau ngày Sáng thế chính là báo hiệu cho kỷ nguyên tương lai. Lý luận của thánh Augustine  cho rằng:  mọi hoạt động trên cõi đời đều liên quan đến con số bốn, còn linh hồn là con số ba. Qua ngày thứ bảy, đến ngày thứ tám đánh dấu sự sống của những người đức hạnh và tuyên pháp những kẻ vô đạo; thật phù hợp với ý nghĩa của Công lý biết bao.

 Hình ảnh nữ thần Công lý hiện lên đang ngồi trên ngai vàng, đầu đội mũ miện tư pháp, cầm thanh gươm và cái cân cùng đều bằng vàng. Người mặc chiếc váy dài màu đỏ khoác lên trên là chiếc áo choàng xanh lá, mặt nhìn chính diện, nghiêm nghị. Xét trên tổng thể, ba màu đỏ, xanh lam và vàng được phân bố khá đồng đều chứ không quá thiên lệch về màu nào như các lá trước nó. Vị nữ thần Công lý thông tuệ với những sức mạnh (màu đỏ) được ẩn giấu phía sau sự huyền bí, thâm trầm (xanh lam) và nắm giữ thắng lợi cuối cùng của nhân loại (màu vàng).  

Nữ thần Công lý là người công chính vô tư, nắm giữ sự cân bằng và phán xét. Chính vì vậy mà nữ thần phải là một người có được sự đồng điệu, thăng bằng trong cả ba phần: tinh thần, tâm hồn và thể xác. Đạt được đến cái vững bền, thống nhất đầy mực thước giữa tư duy và hành động. Vì lẽ đó, những màu sắc biểu hiện cho tính cách của nữ thần cũng phải đạt đến độ cân đối chuẩn mực. « Người công bằng là cái nền không chuyển lay của thế giới ». Câu nói ấy trong sách « Châm ngôn » dường như chính để ám chỉ sự vững bền này.

Hình ảnh nữ thần Công lý Themis của Thần thoại Hy Lạp có thể thấy ảnh hưởng rất lớn tới biểu tượng này bởi lẽ nữ thân Themis – nữ thần của luật lệ luôn cầm một trên tay phải mình một cái cân để đảm bảo sự công bằng cho xã hội trong khi thanh kiếm trên tay trái của thần sẽ sẵn sàng đâm bất cứ kẻ tội đồ nào vi phạm đức hạnh và pháp luật. Từ đó trở đi, hình ảnh cái cân và thanh kiếm đã là biểu tượng điển hình cho việc thực thi công bằng chốn pháp đình và bức tượng thần Themis trở thành biểu tượng mang tính thế giới đặt hết ở hầu hết các tòa án các quốc gia trên thế giới.

Biểu tượng cái cân từ lâu đời trong các nền văn hóa đã tượng trưng cho sự công bằng, mực thược, sự cẩn trọng bởi lẽ chức năng cân đo của nó phù hợp cho việc xác định mọi hành vi. Hình ảnh cái cân xuất hiện trong nhiều thần thoại, là dụng cụ để xác định tội lỗi mà con người phạm phải lúc ở trần gian, là yếu tố quyết định người đó được lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Trong thần thoại người Ai Cập cổ là chiếc cân của thần Osiris, trong Thiên Chúa giáo, người cầm cân là Tổng lãnh thiên thần Michel, trong 12 cung Hoàng đạo có biểu tượng chòm Thiên Xứng ( hay Thiên Bình) là cái cân trời, với ý nghĩa cân bằng cuộc sống. Rõ ràng cái cân vàng trong bức hình cũng như vậy, nó chính là sự cụ thể hóa thứ vô hình thành hữu hình, sự vật hóa tính cân bằng trong mỗi con người ra hình ảnh chiếc cân. Với những ai giữ được chiếc cân thăng bằng, họ sẽ không phải sợ hãi bất cứ điều gì và có nền tảng cực kì vững chắc bởi lẽ trong tư duy của những người theo đạo Do Thái hay Thiên Chúa đều cho rằng: Quỷ dữ luôn luôn bất lực trước những ai mang sự thăng bằng, thanh liêm trong trái tim của mình.

Phân tích về hình ảnh thanh kiếm, ta thấy, nó chính là thanh kiếm của sự phân biệt thiện ác, trừng trị tội phạm chứ không phải là hình ảnh của thanh kiếm chiến tranh bởi hình dáng nó thanh mảnh và trang nhã chứ không thô kệch như những lưỡi kiếm dùng trên chiến trường. Những thanh kiếm xuất hiện rất nhiều trong những truyền thuyết, gắn với những thần linh hoặc anh hùng vĩ đại với cái tên cụ thể, đặc biệt các hiệp sĩ Tây Âu Trung Cổ trong các bản anh hùng ca càng thịnh hành điều này: ví dụ như thanh kiếm Joyeuse nổi tiếng của hoàng đế La Mã thần thánh Charlemagne, hay thanh kiếm Durandal của hiệp sĩ Roland trong « Bài ca chàng Roland » từng là câu truyện nổi tiếng nhất viết về lòng trung thành của các kị sĩ... . Chính sự linh thiêng đó đã khiến thanh kiếm mang biểu tượng cho ánh sáng, chân lý, cho Thần Khải.

Quân bài này chính là sự nhắc nhở nghiêm khắc đối với những ai trên con đường thụ pháp, lợi dụng sai quyền lực của mình. Hình ảnh nữ thần Công lý đánh thức lương tri của con người, cái cân xác định đức hạnh và thanh kiếm sẵn sàng trừng phạt hà khắc kẻ phạm lỗi. Nữ thần sẽ nắm giữ sự cân bằng và mực thước để những ai tiếp tục con đường tìm kiếm tri thức sẽ phải nghiêm khắc kiểm điểm nhắc nhở quyền hạn của bản thân.

Ghi Chú:

Aurielius Augustinus hay Augustine thành Hippo (354 – 450): là một trong những nhân vật quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển của Cơ Đốc giáo phương Tây. Ông được Giáo hội Công giáo phong thánh và công nhận là Tiến sĩ Hội thánh. Trong cộng đồng Kháng Cách (Protestant), nhiều người xem nền thần học Augustine là một trong những nhân tố khởi nguyên của hệ tư tưởng lập nền cho cuộc Cải cách Kháng Cách, đặc biệt là trong giáo lý cứu rỗi và ân điển.

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Phân Tích Phiên Bản Paul Marteau 1930 - Phần 09: THE JUSTICE" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ