Huyền Học Trong Cách Chơi Bài Tarot

Dẫn: Cách chơi bài tarot được mô tả khá phổ biến, nó thường được kèm theo bộ bài Tarot ở Pháp. Tôi chỉ trích lượt lại phần này ở cuốn Tarot của Mathers. Sở dĩ chọn nó làm bản dịch cơ bản vì nó sẽ cho thấy ít nhiều cách mà Golden Dawn nhìn nhận về cách chơi ở thời điểm đó. Tôi tập trung phân tích một vài điểm thú vị cơ bản trong cách chơi để từ đó cho thấy những chú ý huyền học ẩn đằng sau cách chơi này. Bản dịch dưới đây được hiệu đính từ bản dịch gốc của Suong Lam, cộng tác viên của Tarot Huyền Bí. Chân thành gởi lời cảm ơn đến bạn vì sự hỗ trợ nhiệt tình cho cộng đồng.

Chú ý, nếu bạn không có ý định tìm hiểu sâu về cách chơi, bạn có thể bỏ qua phần Bản Dịch và xuống phần phân tích biểu tượng để đọc tiếp.



Chơi Tarot.
Nguồn: jouons-avec-les-cartes.blogspot.com


Bản Dịch:

CHƠI BÀI TAROT

Có thể xem Tarot như một bộ bài dùng để chơi một cách bình thường, cũng giống như việc dùng trong bói toán, đều có những nguyên tắc và cách thức để chơi. Bài Tarot có thể chơi với 2 hoặc 3 người. Nguyên bộ bài gồm 78 quân được xào và cắt bài theo cách thông thường. Nhà cái (ngươi chơi chính) chia bài chia ra 3 tay [3 tay này đều thuộc cùng một người chơi, mỗi người chơi 3 tay - Ghi chú thêm] với 5 quân cùng một lúc, và đặt 3 quân còn lại ở bên tay phải của mình. Như vậy sẽ có 25 quân ở mỗi 3 tay và 3 quân bên cạnh. Người chơi xếp bài của họ lại, và nhà cái ra quân xấu nhất trong bài của mình và đổi quân này với 3 quân được đề cập lúc nãy. Mỗi người chơi đều lần lượt ra bài theo vòng [và tiếp tục đổi với 3 quân ở dưới bàn]. Cách thức chia bài như nhau, dù 2 hay 3 người cùng chơi thì ván bài cũng sẽ được chia theo cách đó, nhưng nếu chỉ có 2 người chơi với nhau, thì tụ thứ 3 vẫn được chia bình thường nhưng cả hai bên đều không được đụng vào.
Điểm thắng cuộc là 100, có thể được tính trên bảng ghi điểm, trên giấy, hoặc bằng bản tính thông thường.

Trước khi bắt đầu ván bài, điểm của người chơi được tính như sau:
Không phải tất cả 22 quân bài hoa (Trumps) đều có ý nghĩa như nhau.
21, 20, 19, 18, 17, được gọi là 5 quân Trùm Lớn [Greater Trumps]
1, 2, 3, 4, 5, được gọi là  5 quân Trùm Nhỏ [Lesser Trumps]
[các lá còn lại gọi là Trùm]

Bất cứ ai có trong tay 3 quân Trùm Lớn hoặc Trùm Nhỏ ghi được 5 điểm; 10 điểm nếu người đó có 4 quân Trùm Lớn hoặc Trùm Nhỏ; và 15 điểm nếu giữ tất cả 5 quân Trùm Lớn hoặc Trùm Nhỏ. Nếu người chơi có trong tay 10 quân Trùm bất kỳ, họ sẽ ghi được 10 điểm, 13 quân Trùm thì được 15 điểm. Bất kể là 10 Trùm hay 15 Trùm thì cũng đều ghi được điểm; tất cả điểm số đều không phụ thuộc ở sự kết hợp. Hơn nữa, lúc tính điểm phải đưa ra cho đối thủ thấy những quân bài nào được ghi điểm; nguyên tắc này cần được tuân thủ trong tất cả các trường hợp. Người không chia bài [không phải nhà cái] ghi điểm và đi đầu tiên. Nếu có 3 người cùng chơi, người chơi ở bên trái nhà cái sẽ bắt đầu trước.

Đặc biệt với 7 quân bài Tarot Trùm có tên đặc trưng là:
The Universe (The World), 21; the Mat (The Fool), 0; the Magician, 1; the King of Sceptres; the King of Cups; the King of Swords; the King of Pentacles.

Nếu người chơi có 2 trong số các quân Tarot Trùm, người đó có thể yêu cầu đối thủ của mình đưa quân thứ 3; nếu người tiếp theo không có quân Tarot Trump thứ 3, người đầu tiên có thể ghi được 5 điểm; nhưng nếu người đó có quân thứ 3 thì phải đưa cho người yêu cầu, người yêu cầu vì thế sẽ không ghi được điểm, đồng thời người đó phải đổi lại cho người kia một trong số những quân bài nhỏ hơn trong bài của mình. Hễ ai đó nắm giữ 3 quân Tarot Trumps trong tay thì họ sẽ ghi được 15 điểm.

Cứ mỗi 4 quân trong bộ Trùm hay các quân bài cùng hoa với nhau được 5 điểm, cứ mỗi 7 quân được 10 điểm; cứ mỗi 10 quân được 15 điểm. Tất cả các quân bài theo dạng này khi ghi điểm cần phải được đưa ra cho đối thủ thấy.

Trong một ván bài, quân 0 hay The Foolish Man là thấp nhất, nó không thuộc bộ hoa nhưng lại có thể chọi với một quân bất kỳ thuộc bộ hoa. Ví dụ như, nếu đối thủ đánh quân King, và trong tay bạn chỉ giữ mỗi quân Queen thuộc bộ hoa, và một quân 0, bạn có thể ra quân này thay vì quân Queen, như thế, bạn sẽ giữ được quân Queen. Hễ ai đánh ra một quân King sẽ được tính 5 điểm. Trong một bộ hoa thì quân King là cao nhất, sau đến là quân Queen, Knight, Knave, Ten, Nine, etc., cuối cùng thấp nhất là quân Ace, quân này chỉ có bắt được quân 0. Trumps được tính từ quân cao nhất là 21 đến quân thấp nhất là 1. Nếu có thể, bạn cần phải bắt bộ hoa, nếu không thì bạn có thể ra quân bài chủ. Nên giữ riêng lẻ mỗi nước bài để tính về sau. Đương nhiên, quan trọng nhất là người chời nên giữ lại các quân bài quan trọng của mình, và bắt các quân quan trọng của đối thủ. Người bắt một nước sẽ đi tiếp. Khi tất cả các cửa đều ra quân, các nước bài mỗi bên được tính như sau:

Cứ mỗi nước bài có  một quân Tarot Trump được ghi 5 điểm (điểm của quân 0 được tính cho người giữ nó đầu tiên, trong khi đó, đối với quân Pagad, người bắt sẽ ghi được 1 điểm). Mỗi nước bài đi quân Queen sẽ được 4 điểm, đi quân Knight được 3 điểm, đi quân Knave được 2 điểm, mỗi nước khác được 1 điểm.

Khi kết thúc mỗi ván bài, điểm số của mỗi người chơi được tính riêng biệt, khi đó điểm thấp hơn được bù từ điểm cao hơn, và chi có những điểm phụ của người chơi may mắn mới được ghi vào. Tương tự như vậy ở mỗi ván bài, người chơi nào ghi được 100 điểm đầu tiên theo cách này sẽ là người thắng cuộc.

Để tiện cho người đọc, tôi có kèm theo một bảng điểm được ghi lại như sau:

Giữ trong tay 3 quân Greatter Trumps bất kỳ=5
Giữ trong tay 4 quân Greater Trumps bất kỳ=10
Giữ hết trong tay 5 quân Greater Trump=15
Giữ trong tay 3 quân Lesser Trump bất kỳ=5
Giữ trong tay 4 quân Lesser Trump bất kỳ=10
Giữ hết trong tay 5 lá  Lesser Trumps=15
Giữ trong tay 10 quân Trump bất kỳ=10
Giữ trong tay 13 quân Trumps bất kỳ=15
Có 2 quân Tarot-Trumps bất kỳ chưa có ai đáp lại=5
Giữ hết trong tay 3 quân Tarot-Trump bất kỳ=15
Có mỗi bộ 4 quân=5
Có mỗi bộ 7 quân=10
Có mỗi bộ 10 quân=15

Tách quân King=5
Mỗi nước bài có một Tarot Trump=5 
Mỗi nước bài có quân Queen  =4
Mỗi nước bài có quân Knight   =3
Mỗi nước bài có quân Knave=2
Mỗi nước có 2 quân thường=1

Nếu 3 người chơi cùng tranh thắng thua, đương nhiên người chơi thứ 3 sẽ  nghĩ ra một phần thêm vào trong trò chơi. Như vậy, khi cả 3 cùng so sánh điểm số trong cùng một ván bài, chỉ người đó có số điểm cao nhất, và với số điểm ấy, người đó vượt trội hơn người về nhì. Những người chơi khác hoàn toàn không ghi được điểm.

Phân Tích:

Tôi chú ý vài đặc điểm huyền học cơ bản thông qua mô tả này. Bắt đầu với cách chia, ta thấy nó liên hệ trực tiếp đến số 28. Mỗi người chơi được 25 quân ở mỗi tay và 3 quân lẻ ngoài tức là 28 lá bài. Số 28 hoàn toàn không phải ngẫu nhiên trong huyền học. Số 28 là tổng chữ cái của dòng đầu tiên trong kinh thánh, trong cuốn Sáng Thế Ký, dấu hiệu thiêng liêng đầu tiên. Số 28 là số năm của vòng tròn Nhật Kỳ, khi mặt trời trở về với chính nó. Cứ mỗi 28 năm, người Do Thái lại tổ chức buổi lễ tạ ơn Birkat Hachama để tạ ơn Thiên Chúa, lần gần nhất là 8 tháng 4 năm 2009 (tức là ngày 14 tháng Nisan năm 5769 theo lịch Do Thái. Số 28 là biểu hiện của 28 nhịp vòng quay của sao Thổ, được coi là vòng quay của định mệnh, Wheel Of Fortune.

Ngoài ra, Số 28 là số hoàn thiện (Perfect Number) thứ 2 và là số hoàn thiện gần gũi nhất với hệ đếm con người (Số hoàn thiện thứ 1 là 6 và số hoàn thiện tiếp sau là 496, gần như không được sử dụng trong huyền học nói chung). Số 28 là tổng phi hàm (Totient Function) của 9 số nguyên đầu tiên. 28 là số điều hòa (Harmonic Number) thứ 3 gần gũi với hệ đếm con người (số điều hòa đầu tiên là 1, 6 và kề sau nó là 140, quá lớn để dùng trong huyền học). 28 lá số tam giác, số lục giác ( và cũng "trái của cây sự sống").
Bộ ba lá bài quyền lực.
Nguồn: www.tarotservices.eu

Một đặc điểm liên quan tarot đáng chú ý chính là 28 tương đương 1/2 của bộ Minor, và trong vài truyền thuyết bằng 1/3 của Tarot (Ghi chú thêm: trong khá nhiều truyền thuyết, số lượng Major được cho là bị thiếu, và số đủ của Major là 28 lá bài, tương ứng 28 trạng thái theo như dòng đầu tiên của kinh thánh). Chú ý thêm trong phần cách chơi, bộ tarot bắt buộc phải chia 3 người, cho dù số lượng người chơi là 2, nghĩa là trọn bộ tarot phải là 84 lá bài, hiện tại là 78 lá thiếu. Cho dù truyền thuyết này theo tôi là không đáng tin, nhưng ý nghĩa huyền học của nó không phải hoàn toàn vô ích, nhất là khi phân tích sự phân bố 3 trục tarot lên cây sự sống, điều này ta sẽ bàn ở bài khác.


Kế tiếp chú ý cấu trúc 25x3 + 3 = 78 ở phần chia bài, chú ý thêm ở phần "Đặc biệt với 7 quân bài Tarot Trùm có tên đặc trưng là: The Universe (The World), 21; the Mat (The Fool), 0; the Magician, 1; the King of Sceptres; the King of Cups; the King of Swords; the King of Pentacles.", ta nhận rõ ra 3 lá đặc biệt khác biệt với các lá còn lại là 21 The World, 0 The Fool, 1 The Magician. Cách phân  chia tay theo bộ ba không phải là một lý thuyết mới, ta có thể thấy nó ở lý luận của Michael J. Hurst trong "Exoteric Layers of Tarot de Marseille", Tom Tadfor Little trong "The Triadic Structure of the Tarot", John D. Blakeley trong "The Mystical Tower of the Tarot"(được Mary K. Greer trích dẫn trong "Tarot For Your Self"hay Oswald Wirth trong "Le Tarot, des Imagiers du Moyen Age". Mặc dù cách bố trí và lý luận không đồng nhất, ta vẫn đồng ý rằng hệ số 3 dường như ảnh hưởng lớn đến việc giải nghĩa các lá bài tarot. Hurst cho là tarot được phân thành bộ nhóm ba với ý nghĩa lần lượt là Chủ Động - Bị Động - Trung Gian, còn Tadfor Little thì gáng thành Tính Dương - Tính Âm - Tâm Linh, Blakeley (và Greer ? ) giới thiệu mô hình này với sự phân thành các tầng trên một tháp. Wirth phân thành Chủ Động - Trung Gian - Bị Động.

Điều đáng phân tích tiếp theo là đoạn "Trước khi bắt đầu ván bài, điểm của người chơi được tính như sau: Không phải tất cả 22 quân bài hoa (Trumps) đều có ý nghĩa như nhau. 21, 20, 19, 18, 17, được gọi là 5 quân Trùm Lớn [Greater Trumps]. 1, 2, 3, 4, 5, được gọi là  5 quân Trùm Nhỏ [Lesser Trumps] [các lá còn lại gọi là Trùm]". Ta thấy rõ sự phân biệt bố cục của 22 ẩn chính. Như vậy, ta có 4 nhóm như sau:
- Nhóm 1 - Trùm Fool: 0 The Fool (hay The Mat hay The Foolish Man)
- Nhóm 2 - Trùm Nhỏ: 1, 2, 3, 4, 5. 
- Nhóm 3 - Trùm Thường: 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16
- Nhóm 4 - Trùm Lớn: 17, 18, 19, 20, 21.

Giống như các nhà huyền học Tarot khác, tôi luôn bị cuốn hút bởi ý tưởng rằng, 22 lá Tarot được đặt trong một cấu trúc thần thánh nào đó, đạt đến sự hợp lý hoàn mỹ. Vì vậy, việc phân tách cấu trúc này luôn là một trong những đề tài quang trọng. 

The Foolish Man. 
Nguồn: fr.academic.ru
Hãy xét nhóm đầu tiên: The Fool. Tôi chú ý đến chi tiết ý nghĩa lá The Fool: "Trong một ván bài, quân 0 hay The Foolish Man là thấp nhất, nó không thuộc bộ hoa nhưng lại có thể chọi với một quân bất kỳ thuộc bộ hoa. ". Điều này thú vị ở chỗ nó chứng tỏ, trong quan niệm của bản thân Tarot, The Fool là sự tổng hợp của tất cả các tính chất mà các lá bài khác có, mặc dù nó chẳng chứa gì. Một cách nói khác, nó là sự hóa thân của tất cả các lá bài còn lại, hay nó có thể trở thành bất cứ gì nó muốn. Mô típ thấp nhất thành mạnh nhất tồn tại ở hầu hết các kiểu trò chơi cũng như quan niệm trong triết học và huyền học. Nó là một dạng Ouroboros ẩn. Tôi thích lấy ví dụ về con chốt trong bộ cờ vua làm ví dụ: con chốt là con cờ thấp nhất, nhưng nó lại có thể trở thành bất kỳ con gì trong bộ cờ nếu nó vượt qua được nấc cuối cùng của bàn cờ. Cái giới hạn đó, cái mà nhiều triết gia gọi là "giác ngộ", "Enlightenment", "illuminati", "Divine light, "Open Mind" hay bất cứ ngôn từ nào diễn tả sự thay đổi mà ở đó con người đạt đến trạng thái hiểu biết đầy đủ. Đó là hành trình chàng khờ, hành trình tri thức, trong ngôn ngữ thường dùng của giới Tarot. Nó cho phép một nhân vật tượng trưng cho bản ngã con người tìm đến tri thức và lĩnh hội nó trọn vẹn. 

Adam Kadmon và 4 thế giới. 
Nguồn www.portalhineni.com.ar
Nhóm Trùm Nhỏ bao gồm các lá The Magician, The Papess, The Empress, The Emperor, The Pape. Đặc điểm chung của các lá này là đều ám chỉ các ngã rẽ của tri thức. Tôi chú ý lý luận "Ferrara Order" của Gertrude Moakley trong "The Tarot Cards Painted by Bonifacio Bembo for the Visconti-Sforza Family", và lý luận của Michael Dummett trong việc phân chia nhóm 1. Nhóm thứ nhất bao gồm the Magician, the Empress, the Emperor, the Popess, the Pope (Moakley thêm The Lovers vào nhóm này). Theo giáo sư Andrea Vitali trong "The Order of Triumphs: In ancient tarot cards and in XVIth century documents" thì bộ 5 này ám chỉ một cá nhân mang tính chất chung nhất về học thuật (the Magician) được hướng dẫn bởi 2 luồng tư tưởng về sức mạnh (biểu hiện bởi the Emperor và the Empress) và tâm linh (biểu hiện bởi the Pope và the Popess). Tôi chú ý cả đến khái niệm Olamot của Kabbalah và mối liên hệ với 4 thế giới (hoặc 5 thế giới) trong quan niệm của Do Thái Giáo. Lấy lại phân tích trong Kinh Thánh Isaiah 43:7, "Every one that is called by My name and for My glory (Atzilut), I have created (Beriah), I have formed (Yetzirah), even I have made (Asiyah). Tôi xin lượt dịch lại sau đây, vì bản dịch tiếng việt Kinh Thánh không dịch chính xác đoạn này từ kinh Do Thái: "Chúng nhân gọi bởi danh vị và vinh quang của ta (khởi kiến), ta tạo ra tất cả (khởi tạo), ta dựng hình tất cả (khởi hình), ta xây dựng tất cả (khởi động)".  Bốn thế giới đó chính là Atzilut (khởi kiến), Beriah (khởi tạo), Yetzirah (khởi hình), Asiyah (khởi động) dành cho Adam Kadmon (chúng nhân). Adam Kadmon chính là the Magician, Atzilut chính là the Papess, Beriah chính là the Empress, Yetzirah chính là the Emperor, Asiyah chính là the Pape. Tìm hiểu thêm với từ khoá Quy Trình Khởi Dựng Vũ Trụ - Seder hishtalshelus. Hình ảnh the Magician chính là biểu hiện của Adam Kadmon, người đi tìm chân lý, trung tâm của vũ trụ, con người nguyên thuỷ.



Quan Niệm về Thế Giới của Aristotle Trung Cổ (Theo Dante)
Nguồn: Dante's World

Nhóm Trùm Lớn bao gồm các lá : The Sun, The Moon, The Star, The Judgement, The World. Bộ 5 này liên quan trực tiếp đến quan niệm của trường phái Aristotle Trung Cổ về vũ trụ theo Vitali. Giáo sư Andrea Vitali từng phân tích về cấu trúc nhóm này trong "The Order of Triumphs: In ancient tarot cards and in XVIth century documents", trong đó ông bao gồm cả the Tower và the Devil. Trong quan niệm của Aristotle (xem hình), vũ trụ gồm dưới mặt đất - địa ngục (the Devil), mặt đất bao quanh bởi vòng lửa phân cách (the Tower - The Lighting), sau đó là mặt trời (The Sun), mặt trăng (The Moon) và các vì sao (The Star), cuối cùng là Empyrean bao gồm các thiên thần trú ngụ (The Judgement - The Angel), bao quanh tất cả là 4 trụ đỡ của các thánh và dưới ánh sáng thiên chúa (The World). Tôi nhấn mạnh về quan niệm này của Aristotle Trung cổ, bị biến đổi và công nhận bởi giáo hội, gồm phần quan niệm của ông phù hợp với quan niệm của giáo hội. Nó sẽ tương đối ít nhiều sai khác so với quan niệm của Aristotle Cổ Đại. Tuy nhiên, giáo sư Andrea Vitali đã lần lẫn một chút khi gán cấu trúc này cho Aristotle Cổ Đại, mô hình với cấu trúc liên hệ với địa ngục và thiên đàn này có lẽ do ảnh hưởng của Dante Alighieri trong "Divine Comedy". Aristotle chỉ giới hạn thế giới từ mặt đất đến tầng sao, còn lưới lửa phân cách, vòm Empyrean và địa ngục là quan niệm của Thiên Chúa Giáo được mô tả theo Dante, dù đôi khi bị gáng cho Aristotle. 

Kết Luận:

Mặc dù việc phân tích biểu tượng trong cách chơi bài tarot mang tính ước đoán cao, nhưng không vì vậy mà sự phân tích này tỏ ra kém thuyết phục. Đây dường như là bài phân tích duy nhất về cách chơi bài cho đến nay về yếu tố huyền học. Thật đáng ngạc nhiên khi gần hai trăm năm tarot huyền học có mặt tại châu âu, không hề có một tài liệu nào phân tích đặc điểm này.

Phillippe NGO, tác giả Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp.

DMCA.com Protection Status
Bài viết "Huyền Học Trong Cách Chơi Bài Tarot" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ