Ý nghĩa của màu sắc trong Tarot de Marseille




Lời dẫn: Bài viết này do Hoàn Hiền thực hiện nhằm dẫn giải thích ý nghĩa các màu chính của bộ Ancien Tarot de Marseille 1930.  Phân đoạn và mục được phân chia lại theo yêu cầu bài viết này, nhằm làm rõ ý tưởng của bài. Một lần nữa, gửi lời cảm ơn đến Hoàng Hiền đã thực hiện một bài phân tích quang trọng trong Tarot.

Ý Nghĩa Của Màu Sắc Trong Tarot De Marseille 

1. Giới Thiệu

Tất cả các lá bài đều được tô màu rất rực rỡ, theo như nhà nghiên cứu Jodorowsky , người có công phục chế lại những bộ bài Tarot cổ nhận định có 11 màu được sử dụng trong bộ bài này bao gồm: đen, xanh lá nhạt, xanh lá đậm, đỏ, cam, vàng, xanh dương đậm, xanh duơng nhạt, trắng, tím. Tuy nhiên, bộ bài Tarot mà tôi hiện đang nghiên cứu, là bộ Acien Tarot de Marseille, trong bộ bài này sử dụng có bốn màu chính và tạo sự nổi bật cho từng hình ảnh đó là màu son hồng (hay màu da người), màu đỏ, màu vàng và màu xanh lam. Những màu sắc được sử dụng cũng ẩn chứa những tầng lớp ý nghĩa biểu tượng sâu xa của nó do đó là những sắc màu cổ điển, lâu đời và từ lâu đã mang một ám ảnh tâm lý đối với con người. Tùy từng dân tộc, từng quan niệm mà một màu lại có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở đây, tôi chỉ xét tới ý nghĩa đặc thù của màu sắc đó đối với từng hình tượng trong bộ bài Tarot.

2. Màu Hồng

Thứ nhất, màu son hồng hay màu da người được sử dụng như để chỉ những cái gì thuộc về con người hoặc gắn với con người (diện mạo, thân thể, các công trình xây dựng). Nó biểu tượng cho sự sống, cái đang tồn tại có liên hệ mật thiết với nhân loại. Màu son hồng ( màu da) hướng tới tính thể xác của con người, một trong ba bộ phận cấu tạo nên một người hoàn chỉnh.

3. Màu Xanh

Màu xanh lam, màu của màn đêm, đây là màu sâu nhất trong các màu. Màu xanh hướng tới sự phi vật chất, tinh khiết và lạnh lẽo. Các bức tường trong lăng mộ của người Ai Cập, trên đó nổi lên các cảnh phán xử linh hồn tô màu đất son, thông thường được quét màu xanh sáng, đó là màu được người Ai Cập cổ coi là tượng trưng cho chân lý. Trong Thiên Chúa giáo, màu xanh được coi là áo choàng phủ và che thánh linh. Xanh và trắng là những màu thuộc về Đức Mẹ, một số tục lệ xưa như để những đứa trẻ chưa đến tuổi dậy thì mặc áo xanh và trắng: chúng chưa hoàn toàn thuộc về thế giới này và chính vì vậy chúng dễ đáp lại tiếng gọi màu Xanh của Đức Mẹ Đồng Trinh hơn. Còn ở Ba Lan, một số vùng vẫn có phong tục sơn xanh nhà những cô gái chưa có chồng. Đó là màu tượng trưng cho nước, sự nữ tính, cho sự hiền minh siêu nghiệm, thiên về thái âm, tinh thần và những giá trị của bản chất. Vì lẽ đó, chiếc áo choàng màu xanh mà những nhân vật như Nữ tư tế, Nữ hoàng, Hiền triết… là những ám chỉ của sự che giấu, ẩn chứa những trí tuệ bí ẩn.

4. Màu Đỏ

Màu đỏ - màu cổ xưa nhất trong lịch sử trong khi đó ngược lại, là màu của lửa, thiên về thái dương, thể hiện tính nam, của những tiềm năng nội lực. Đó là màu của biểu tượng bản nguyên sự sống, cả sức mạnh to lớn, quyền năng vĩ đại. Trong truyền thuyết của người Ailen, màu đỏ tượng trưng cho sự hăng say và tính nồng nhiệt, và ở mức cao nhất nó chính là chinh chiến. Dagda - giáo sĩ thần thánh được gọi là Ruah Rofhessa ( người Đỏ đại thông thái). Câu truyện “Quán trọ Da Derga” cũng kể về những giáo sĩ đỏ, họ có năng lực chiến đầu và chức trách tăng gấp đôi, vừa là chiến binh vừa là giáo sĩ. Xứ Gaule tôn vinh một thần Mars Rudiobus (thô bạo) và Rudianus (đỏ). Các nhà giả kim thuật say sưa tìm cách chế tạo hòn đá đỏ mà họ gọi là “Hòn đá triết gia”, coi đó là cội nguồn của chân lý, hòn đá của sự bất tử và bí quyết tạo vàng. Vì như vậy, màu đỏ ở đây cũng là đại diện cho linh hồn, của khoa học, là tri thức bí truyền khép kín mà những lá bài nắm giữ.

5. Màu Vàng

Cuối cùng là màu vàng. Màu vàng đại diện cho nguyên tố đất, ánh nắng, của ánh sáng trí tuệ không bao giờ bị biến chất. Trong Thiên Chúa giáo, màu vàng biểu tượng cho sự vĩnh hằng, còn trong Hồi giáo thì đó là sự hiền minh và lời dạy tốt lành, là màu biểu trưng cho mặt đất màu mỡ, cho những cánh đồng lúa mì rực rỡ và mật ong ngọt ngào thế nhưng màu vàng cũng là biểu hiện của sự suy tàn, tuổi già và cái chết. Màu vàng kim là đặc trưng cho thần Apollon của Hy Lạp cũng như thần Mithra của Ba Tư. Thế nhưng nó cũng là biểu tượng của sự úa tàn, tuổi già và cái chết. Hồi thế kỉ XVI và XVII, người ta sơn màu vàng lên nhà những kẻ phản bội để người qua đường chú ý. Hay như trong thần thoại Hy Lạp, hình ảnh trái táo vàng vừa là trái táo dành tặng người đẹp nhất nhưng chính nó cũng là trái táo nảy sinh sự bất hòa, gây ra trận chiến 10 năm đổ máu ở thành Troy. Như vậy, màu vàng thể hiện cho sự hài hòa âm dương, của tính hai mặt: thần thánh nhất và trần tục nhất.

6. Kết Luận

Hệ thống biểu tượng trong bài Tarot là sự giao hòa, tổng hợp của nhiều nền văn minh mà đặc trưng nhất trong đó là sức ảnh hưởng của văn hóa Kabbale (Kabala) , Ai Cập, Do Thái, Ấn Độ, Hội Tam Điểm, Kinh Koran, Kinh Thánh, Italia, Pháp, Gypsy , Hebrew  ... với các khái niệm như Cuộc du ngoạn của Chàng Khờ, Biểu đồ Kabbale, Sơ đồ khối không gian tinh thần… Bản thân tôi cũng không thể nào nắm hết được những kiến thức đó, chỉ có thể sử dụng sự góp nhặt cá nhân để phần nào làm rõ những ảnh hưởng của các văn hóa đó trong biểu tượng trên các lá bài Tarot thể hiện. 


DMCA.com Protection Status
Bài viết "Ý nghĩa của màu sắc trong Tarot de Marseille" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ