Tarot Huyền Bí Blog thủ thuật
10/10 1500 bình chọn

Archive by date

Tarot và Mối Quan Hệ với Thần Thoại Hi-La - Phần 2: THE MAGICIAN

item-thumbnail


Lời Nói Đầu

Ý tưởng của mối quan hệ với Hi Lạp - La Mã (trong bài viết này, về sau gọi là Hi La cho gọn), thực ra không phải mới ... - Xem thêm tại phần I.


Phần 2. THE MAGICIAN

1. Sự Tương Ứng The Magician và Hermes

Khác với sự dễ dàng ở lá The Fool, khi lý luận của tôi có sự hỗ trợ của lý luận Adeline thì trong lá bài này, tôi gần như chưa có sự hỗ trợ gì.  Một số lý luận đáng chú ý mà tôi đọc trong thời kỳ này gồm có lý luận của  Bill Butler trong Dictionary of the Tarot về hình ảnh trò chơi ảo thuật "cốc và banh" (cups and balls) trong lá này; một nghiên cứu của Autorbis về tarot và nguồn gốc Daphne năm 2003 (hiện vẫn còn lưu trữ trên trionfi); một nghiên cứu về nguồn gốc tarot Hermes trong trường phái Pythagorean của John Opsopaus năm 1996 (xuất bản thành The Pythagorean Tarot do LL ấn hành); một lý luận ngắn trên trionfi, và Wiki gợi ý về Hermes Trismegistus (Latin: Mercurius ter Maximus). Một số tranh luận về sách Libellus và Achemy trên History of Tarot. Những gợi ý này không hoàn toàn dẫn chứng thuyết phục. 

Khi tìm sự tương ứng này, tôi cố gắng xem xét ở 3 điểm chính sau: hình dạng mũ của The Magician khá đặc biệt rất đặc trưng, sự tổng hợp giữa ống nghiệm thuốc, ly, túi, dao trong cùng một chủ thể, và sự liên quan đến ma thuật. Hermes, là một người bảo trợ cho ma thuật, bưu chính. Trong văn hóa La Mã, ông còn là người bảo trợ cho ảo thuật, y thuật, và nghề móc túi. 

Xét tổng thể thì các hình ảnh trên lá bài Magician chỉ thỏa mãn một phần của lý luận: những di  tích của Hi Lạp thỏa mãn về hình ảnh cái nón, khá đặc trưng và tin tưởng. Các hình ảnh về cái cốc và trái banh có thể giải thích nhờ lý luận của Bill. Hình ảnh vô cực ở lý luận Papus có thể giải thích được bằng hình ảnh cây gậy. Hình ảnh cái cốc và cây dao xuất hiện tương đối trong mô típ này.

Hình ảnh cái túi khiến tôi mất ngủ vài đêm; vì dù rằng Hermes bảo trợ cho trộm cắp nhưng lại không có tranh ảnh nào trong bộ sưu tập mà tôi có lại thỏa mãn hình ảnh này, thật may là một người bạn đã gợi ý tôi tìm đến mô típ tượng La Mã trong vài bộ sưu tập lẻ và tôi tìm được không chỉ một mà là hàng chục tượng có mô típ này. Vấn đề còn lại là sự tổng hợp các hình ảnh dụng cụ và cái bàn. Không một hình ảnh nào tìm thấy trùng khớp với mô típ này. Cuối cùng, lý luận và minh họa của trường phái Pytago đã chỉ ra mô típ phù hợp. Ơn chúa ! Hoàn thành lý luận này. Trong lý luận của tôi, cần phân biệt hai Hermes : một Hermes cổ đại Hi La, và một Hermes của giả kim thuật. Một biểu tượng của lá bài Magician, có thể đồng thời giải thích ở cả hai hình tượng Hermes, hoặc có thể không.

Hermes trong thần thoại Hi La nói chung không thật sự nổi bật. Nhưng thời kỳ Hellenistic thì Hermes được nêu lên như là người bảo trợ cao nhất của thuật giả kim với danh xưng Hermes Trismegistus (Hermes ba biểu hiện - Xem tại đây). Sau đó thì đến thời kỳ trung cổ giả kim thuật, Hermes lại được nêu lên như là đại diện của phép giả thuật thần bí với trường phái mang tên ông Hermetica (xem tại đây). Trong lý luận này, hình tượng thần Hermes của Hi La không đậm nét bằng hình tượng Hermes thời Hellenic và Giả Kim Trung Cổ. 

2. Lý Luận 

Hình ảnh cái nón: Hình ảnh cái nón được chứng minh qua hình ảnh cái nón của Hermes, rất đặc trưng cho giới buôn bán và tượng trưng cho sự giao thương. Hình ảnh cái nón rộng vành này hầu như ít gặp trong các hình tượng cổ đại. Nó gần như là đặc trưng của Hermes trong các đồ họa cổ. 

Hình ảnh cái ống gậy: Một mặt nó là hình ảnh rút gọn của cây gậy Caduceus của Hermes, đại diện cho y học và thuốc ma thuật. Hình ảnh Caduceus của Hermes còn đôi khi được mô tả bằng hình ảnh cầm đuốc. Mặc khác có thể coi nó như hình ảnh ống nghiệm khi coi Hermes như thầy giả kim. Một vài bản khắc in vẫn có dấu hiệu này.  

Hình ảnh vô cực: hình ảnh số tám ngang biểu hiện của vô cực diễn tả trên đầu của Magician thông qua cái nón chéo của Papus. Điều này được Waite hiện thực hóa bằng ký hiệu trên đầu Magician. Đặc trưng này được tôi tìm thấy trên gậy của Hermes, điều đó càng khẳng định được hình tượng trong lá bài này chính là Hermes. 

Hình ảnh con rắn: trong một số lý luận về nguồn gốc Ấn Độ, một lý luận khá thú vị, hình ảnh cây gậy của Magician thực ra là ống sáo, còn cái dãy lụa lòi ra ngoài cái túi trên bàn thực ra là con rắn. Hình ảnh các tu sĩ ấn thường biểu diễn về rắn và ống sáo là một hình ảnh khá quen thuộc. Ở đây, nếu ta áp dụng cách hiểu này, thì hình ảnh con rắn đó có thể tham chiếu đến cây gậy Caduceus của Hermes. Có lẽ hình tượng rắn cắn đuôi của Waite cũng xuất phát từ hình tượng con rắn quấn quanh gậy của Hermes trong lá bài này. 

Hình ảnh cốc và trái banh: với dẫn chứng về trò "cốc và banh", đây hẳn là hình tương Hermes khi đại diện cho ảo thuật và ma thuật. Trò cốc và banh có nguồn gốc từ ai cập, được xem là trò ảo thuật cổ nhất còn được biết đến. Xem thêm ở đây. Clip về trò ảo thuật này tại đây. Mô típ này xuất hiện thời Trung Cổ. Hình ảnh àny phù hợp với hình ảnh rắn-sáo mà tôi lý luận bên trên, đại diện cho ngành ảo thuật và trò tiêu khiển xuất hiện từ các nghệ sĩ nghèo thời trung cổ. 

Hình ảnh cốc và đồng tiền vàng: trong lý luận Giả Kim, vàng đại diện cho sự bất tử, của thần thánh, còn chì đại diện cho trần tục và cái chết. Nếu người ta biết cách xây dựng quy trình biến chì thành vàng, thì cũng sẽ biết cách xây dựng quy trình biến người thành thần. Các đồng tiền chì và vàng này, giống như cốc và ống nghiệm, chính là các dụng cụ chính trong giả kim thuật. 

Hình ảnh cái túi: Hermes thời La Mã được mô tả với hình ảnh túi tiền trong tay, vì ông là đại diện của buôn bán và cả trộm cắp ! hình ảnh túi tiền trên bàn hẳn là sự biến đổi của hình tượng này. Hình tượng này còn có thể được hiểu là túi đựng rắn trong lý luận tôi đã bàn bên trên. 

Hình ảnh ngọn lửa: hình ảnh này vẫn còn đang tranh cãi. Theo papus thì đó là hình ảnh ngọn lửa, còn camoin thì cho rằng đó là hình ảnh âm hộ phụ nữ ... Trong lý luận này, tôi cho rằng đó là hình ảnh ngọn lửa của lò nung thí nghiệm, một công đoạn không thể thiếu trong quá trình luyện giả kim. Hình ảnh này còn có thể liên tưởng đến cánh chim trên đôi giày của Hermes. 

Hình ảnh con dao: hình ảnh con dao với 2 kiểu dáng khác nhau được xem như dao phẫu thuật, là đại diện của y học và cả giả kim. Mặc khác, trong một số mô típ của thần Hermes, có mô típ thần Hermes chiến đấu bằng dao, rất thường gặp trong đĩa sứ Hi Lạp. 

Hình ảnh cái bàn ba chân cùng dụng cụ: hình ảnh này mô tả cái bàn ba nguyên lý của thuật giả . Đồ họa này đã được trích trong các tác phẩm Hermetica trung cổ, và cả trong sách thời Hellenic. Tôi sử dụng hình ảnh minh họa của Salzman trích từ "December in the Calendar of 354". 

3. Hình Ảnh Minh Họa 

- Hình Ảnh Hermes Hi Lạp:





























- Hình Ảnh Cái cốc xuất hiện trong Hermes Hi Lạp:






- Hình ảnh Cây Dao xuất hiện trong Hermes Hi Lạp:






- Hình ảnh con rắn cắn đuôi xuất hiện rõ nét trong mô típ này:








- Hình ảnh Hermes La Mã : với cái ống nghiệm và túi tiền












- Hình ảnh Hermes Trismegistus trong thuật giả kim trung cổ:








- Hình ảnh các dụng cụ giả kim thời bấy giờ :




- Hình ảnh Hermes trong sách Libellus trong thời kỳ Hellenic: 






4. Kết Luận 

Trong lý luận này của tôi, những biểu tượng không đồng thời xuất hiện trong cùng một mô tip. Các biểu tượng này cũng không xuất hiện trong cùng thời kỳ. Nhưng tổng hợp lại những ý tưởng này, có thể khẳng định sự liên hệ giữa hình ảnh lá này và biểu tượng của Hermes.

Lời cảm ơn: để hoàn thành phần công việc này, tôi đã sử dụng rất nhiều kiến thức trong các nghiên cứu sâu sắc về Thuật Giả Kim Hermetica và trường phái Số Học Thần Bí Pythagorean từ Bruce MacLennan, phó giáo sư ngành Công Nghệ Thông Tin của Đại Học Tennessee. Hình như ai học ngành trí tuệ nhân tạo cũng đam mê về huyền học nhỉ :).

Nguồn:
http://fr.wikipedia.org/wiki/Le_Bateleur
http://trionfi.com/daphne-in-tarot
http://forum.tarothistory.com/viewtopic.php?f=11&t=655&p=10615
http://web.eecs.utk.edu/~mclennan/BA/PT/M1.html
http://www.atelier-st-andre.net/en/pages/aesthetics/byzantine_perspective.html
http://forum.tarothistory.com/viewtopic.php?f=11&t=603&p=8987
http://forum.tarothistory.com/viewtopic.php?f=23&t=384&p=6870&hilit=inverse#p6870
http://forum.tarothistory.com/viewtopic.php?f=11&t=655&p=10615
Đọc tiếp »

Các Trường Phái Bói Tarot

item-thumbnail

1. Vì sao tôi viết bài này ? 

Tôi thấy thực tế trong các hướng dẫn học tarot lưu hành hiện này đều áp dụng công thức chung: "cảm thụ hình ảnh + thuộc lòng ý nghĩa trong compagnon + trải bài (spread) = bói toán". Điều này không sai, nhưng cũng không đúng và đầy đủ. Nếu các bạn cảm thấy công thức trên như vậy là ổn rồi, tốt rồi và bói đã hiệu quả rồi, thì từ câu này trở đi, bạn không cần đọc tiếp.

Tôi hay gặp câu hỏi "Phương Pháp bói tarot như thế nào ?", và tôi ít khi trả lời một cách rõ ràng. Vì nếu trả lời ngắn gọn thì như đã dẫn công thức ở trên rồi, nhưng nếu trả lời vậy thì sẽ khiến người hỏi lạc đường, còn nếu trả lời đầy đủ thì phức tạp quá, các phương pháp này vừa trùng lặp, vừa khác biệt, biết nói bao giờ mới hết.

Việc bói bày tarot (hoặc Oracle nói chung) đã tồn tại ít nhất 1000 năm, vì vậy tồn tại không ít các dị biệt trong phương pháp tiến hành cũng như quy ước chung về quy tắc bói. Tôi rất băn khoăn không biết phải tổng hợp và phân loại như thế nào để việc phân tích các trường phái, cũng nhóm các trường phái một cái thuận lợi để cho đọc giả có cái nhìn toàn diện về phương pháp nói chung. Đây có thể nói là khó khăn thật sự mà tôi gặp phải khi cố trình bày một cách vừa hoàn chỉnh, vừa đầy đủ về các trường phái tarot.

Tôi nói rõ lý do vì sao lại phải phân tích rõ điều này. Là bởi vì phương pháp bói tarot phụ thuộc vào trường phái tarot mà nó theo đuổi. Mỗi trường phái tarot lại có phương pháp bói khác/giống nhau. Khi bạn đặt bàn tay bắt đầu bói toán, bạn phải nắm rõ, đâu là trường phái của mình. Nó căn bản khác với việc bạn thuộc lòng ý nghĩa từng lá bài , vì cái cách mà mình hiểu/học theo trường phái ấy, mới là cái quyết định bạn bói đúng hay sai ! Nếu bạn nghĩ rằng, chỉ cần ngẫm nghĩ về hình ảnh lá bài, thuộc lòng ý nghĩa từng lá bài, và có thể bói ra kết quả, thì nếu chỉ đơn giản vậy, thì với mấy trăm ngàn người biết đọc, biết viết, và đủ tiền mua một cuốn sách bói tarot, và liệu có chắc là sẽ trở thành nhà tiên tri tarot không ? 

2. Thế nào là một trường phái tarot ?

Đôi khi bạn gặp những tranh luận về giải nghĩa các lá bài, có bao giờ bạn tự hỏi: "Tại sao lá bài này lại mang ý nghĩa này, mà không mang ý nghĩa khác ?". Bạn có để ý rằng cuốn compagnon là quá nhỏ bé không ? Mỗi lá bài được mô tả với chỉ chục từ, và có vô số cách suy diễn từ các từ khóa ấy, "vậy có khi nào tôi suy diễn sai ?"

Tôi giả sử rằng một trải bày được thực hiện với hai bộ bài khác nhau, và với hai bản chú giải ngắn (sách compagnon) khác nhau, vậy khi đó ai đúng ? Đó là lý do vì sao, khi các bạn hỏi tôi về một lần bói bài, tôi luôn hỏi các bạn về bộ bài mà các bạn sử dụng, về cuốn chú giải mà các bạn dùng. Mỗi bộ bài, mỗi cuốn chú giải lại là 1 trường phái khác biệt. 

Một trường phái tarot đại diện cho một nhà huyền học, một hội kín, hoặc một xu hướng bói toán. Đôi khi hội kín lại có nhiều trường phái, hoặc một trường phái xuất hiện ở nhiều hội kín, hoặc hai nhà huyền học có chung một trường phái...

Hai trường phái có thể khác nhau về nhiều điểm: cách lý luận từng lá bài, bộ bài mà nó cho phép dùng, cách trải bài mà nó chấp nhận ... Nói một cách nào đó: mỗi tác giả chính là một trường phái, mỗi bộ bài cũng chính là trường phái của riêng nó ... Ở bài này, tôi sẽ cố gắng nhóm các trường phái lại theo từng trường phái chính, trong nhiều trường hợp, đây không phải là cách phân chia duy nhất của các trường phái, nếu các bạn gặp một cách phân chia khác, thì cũng xin đừng nhạc nhiên.

Tôi tốn gần 1 tháng để suy nghĩ về vấn đề phân chia này, sau cùng tôi đề ra giải pháp phân chia bằng cách tổng hội các thành phần của một trường phái tarot. Xem ra cách này vừa ngắn gọn (nhóm lại trong khoảng 4 5 trường phái) và khá là dễ hiểu. Ngoài các phân chia này, các bạn có thể gặp cách phân chia theo nhà huỳền học, theo bộ bài (hình như mọi người đều phân chia theo cái này), và theo quan điểm lý luận (cái này phức tạp nhất, mà cũng ít người việt mình theo hướng phân chia này nhất)

3. Các Thành Phần chính của một trường phái tarot.

Theo cá nhân tôi, một trường phái tarot có thể hội đủ, hoặc không hội đủ các thành phần sau đây:
- Bộ Bài: mỗi bộ bài là một cá thể tách biệt, phươgn pháp mô tả hình ảnh khác biệt, có thể tạo ra kết luận khác biệt. Không phải tất cả các trường phái đều phải có bộ tarot riêng biệt.
- Phương Pháp Lý Luận: phương pháp lý luận là cách mà nhà huyền học nhận định về ý nghĩa lá bài. Thường phương pháp lý luận đi theo tên của nhà huyền học. 
- Chú Giải Ngắn (hay book of compagnon): thành phần này vốn là nằm trong phương pháp lý luận, nhưng vì tình hình đặc thù ở Việt Nam là coi trọng chú giải ngắn hơn chính Phương Pháp Lý Luận của nhà huyền học đó, nên tôi tạm xếp riêng ra đây.
- Mô Tả Biểu Tượng: nhà huyền học mô tả biểu tượng của lá bài và sự tương ứng trong Phương Pháp Lý Luận. Cái này cũng nằm trong Phương Pháp Lý Luận.
- Quy Trình Bói Toán: cách thức mà người ta thực hiện bói toán, nó bao gồm luôn cả các trải bài Spread. Ví dụ như phương pháp rút tự do thì làm gì có spread mà canh theo. 

Một cuốn sách huyền học Tarot thường sẽ mô tả đầy đủ/không đầy đủ các thành phần này. Tôi ví dụ một cuốn sách chuẩn mực của A.E.Waite là cuốn "The Pictorial Key to the Tarot". Cuốn này trình bày "Part I: The Veil and its Symbols" như là phần Phương Pháp Lý Luận, "Part II: The Doctrine Behind the Veil" và "Part III: The Outer Method of the Oracles" như là phần Chú Giải Ngắn và Mô Tả Biểu Tượng. Còn "Part III: The Outer Method of the Oracles" phần Section 6,7,8,9 là phần Quy Trình Bói Toán.

Đa số các sách Compagnon của các bộ hiện đại thường cấu tạo 2 phần : Chú Giải Ngắn và Mô Tả Biểu Tượng. Có những sách phần Mô Tả Biểu Tượng rất ít, thậm chí là không có, như Compagnon của Shadowscapes. Còn phần Phương Pháp Lý Luận lại nằm ở sách khác, hoặc không có.

Ở Việt Nam, đa số các thành viên nghiên cứu tarot, sau khi mua bộ bài cùng compagnon, thuộc hình trên lá bài và từ khóa trong compagnon là bắt đầu ra thực hiện bói bài rồi. Ở Việt Nam chủ yếu là tự học và từ tìm hiểu, vì vậy, việc sai lầm trong phương pháp nghiên cứu là điều đáng thông cảm. Nếu bạn nào thuộc vào trường hợp mà tôi nói thì cũng đừng ngại ngùng, mà cũng đừng vội giận dữ hay phản bác. Tôi chỉ muốn các bạn tốt lên thêm thôi.

4. Phân Chia Trường Phái

Sự phân chia trường phái này, như đã nói, là khá phức tạp. Nó vừa giống cách phân chia về bộ bài, lại vừa giống cách phân chia về trải bài mà tôi từng viết trong các bài khảo cứu khác. 

Trước hết tôi giới thiệu chung nhất về các trường phái, sau đó đi sâu vào phương pháp bói của từng trường phái. Tôi phân chia thành 2 trường phái lớn:


+Trường Phái Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức là chủ yếu)
Trường phái này ra đời từ tk14 đến nay, xuất hiện ở chủ yếu ở Pháp và Ý, nơi khai sinh ra Tarot. Đặc điểm của trường phái này là lý luận ra sau bộ bài, và bộ bài duy nhất được sử dụng là Tarot de Marseille (Bộ bài này có nhiều phiên bản khác nhau chứ không phải một bộ). Lý do là trường phái này cố gắng tiềm hiểu ẩn nghĩa của bộ tarot chứ không phải tạo ra bộ tarot mới.


-- Trường Phái Số Học: Trường phái này chủ yếu lấy từ nguyên tắc số học của con số 22 hoặc 78 để lý giải, sự kết hợp các số, ... Trường phái này tương đối thoát ly khỏi hình ảnh của tarot để giải thích. Điển hình cho trường phái này là Levy (Trường phái số học Do Thái), và Swami (Trường phái Số học Pytago). Chú ý Levy cũng là nguồn gốc lý luận của trường phái Do Thái Anh Ngữ.
-- Trường Phái Biểu Tượng Học:Trường phái này chủ yếu lấy từ ý nghĩa các biểu tượng, thông qua cái nhìn lịch sử hoặc tôn giáo. Điển hình cho trường phái này có Gebelin, Camoin (Langue des oiseaux mà tôi đã có bài viết), hoặc Bacchos (xem tại đây), hoặc MarkFilipas mà tôi vừa có bài viết. Trường phái này có quá nhiều trường phái nhỏ hơn và có nhiều quan điểm. Tôi nhóm lại thành một nhóm chung, nhưng lưu ý cùng bạn đọc. Đa số thành phần nhóm này là các nhà nghiên cứu sử tarot.


+ Trường Phái Anh Ngữ (Anh - Mỹ - Úc)
Trường phái này manh nha từ huyền học Pháp mà chủ yếu là lý luận về Do Thái của Papus và Levy. Sau đó trường phái này phát triển mạnh sau khi Hội Hoàng Hôn Ánh Kim (Golden Dawn) ra đời năm 1900, và có ảnh hưởng đến toàn bộ huyền học về Tarot đương thời. Các hội huyền sau đó (O.A.S hay O.T.O ...) chia sẽ ảnh hưởng của trường phái này, cũng được nhóm vào đây. Đặc điểm nhóm này là sự chế lại các bảnTarot mới tùy theo quan điểm huyền học.

-- Trường Phái Do Thái và Hội Huyền Học: có thể nói là nhánh nghiên cứu rộng lớn và ấn tượng nhất do Mathers đề xuất. Ý tưởng của trường phái này là sử dụng các kiến thức của Kabbalah để giải thích các lá bài. Tôi cũng xem các nhà huyền học trong các Hội huyền học khác với truyền thống của Golden Dawn trong nhóm này. Nhóm này chính là tiền thân của hầu hết các bộ Tarot quang trọng như Waite Tarot, Crowley tarot ... Điển hình cho nhóm này như A.E.Waite, Paul Foster Case ...
-- Trường Phái Jung: trường phái này áp dụng nguyên lý của Carl Jung (ông gọi là Analytische Psychologie), cái hay của nguyên lý này là cho phép sử dụng các hình ảnh mới thay thế cho khái niệm cũ (vì tương đương về mặt tâm lý). Tức là cho phép tạo ra bộ tarot mới nhưng vẫn giữ được giá trị cũ. Hơi rườm rà nếu giải thích quá sâu. Có thể tra thêm trên wiki nhé. Trường phái này là nền tảng của các bộ tarot hiện đại, có thể dựa trên một nguyên lý huyền học cũ, nhưng được làm mới để phục vụ công chúng. Bộ đầu tiên của trường phái này có lẽ là bộ về Mythic Tarot của Burke.
- Trường phái Etteilla: trường phái này hơi phức tạp, trường phái này có thể nhóm trong Trường Phái Châu Âu, vì ông này sinh cùng thời với Gebelin và ảnh hưởng chủ yếu ở Pháp. Nhưng ông này là người đầu tiên nêu lên nguyên lý về việc vẽ lại bộ Tarot de Marseille, điều mà chưa ai từng nghĩ tới. Ông cũng là người đầu tiên phá bỏ các phương pháp bói cũ mà đề xuất phương pháp bói theo speards (tức là tương ứng mỗi vị trí lá bài có 1 ý nghĩa nào đấy), ông cũng đều xuất phương pháp tạo ra một bộ bài và trải bài mới... Những luồng tư tưởng mới của ông chính là xúc tác lớn nhất để hội Golden Dawn vẽ lại bộ Tarot de Marseille.


Phần này là tôi phân tích về phương pháp bói của từng trường phái, theo thứ tự các thành phần mà tôi đã giới thiệu ở trên gồm Bộ Bài, Phương Pháp Lý Luận, Chú Giải Ngắn, Mô Tả Biểu Tượng, Quy Trình Bói Toán:

+ Trường Phái Châu Âu:
-- Trường Phái Số Học:
  - Bộ Bài: Tarot de Marseille
  - Phương Pháp Lý Luận: theo số học, tùy từng trường phái, phân chia theo tác giả từng phương pháp.
  - Chú Giải Ngắn: không có, hoặc đôi khi có, nhưng không đầy đủ.
  - Mô Tả Biểu Tượng: không có
  - Quy Trình Bói Toán: đặc thù riêng từng phương pháp. Không sử dụng trải bài (Spread)
-- Trường Phái Biểu Tượng Học:
  - Bộ Bài: Tarot de Marseille
  - Phương Pháp Lý Luận: theo biểu tượng học,đánh giá biểu tượng và ý nghĩa của chúng trên lá bài, đôi khi là bộ bài (như phương pháp ủa Camoin chẳng hạn)
  - Chú Giải Ngắn: không có, hoặc đôi khi chú giải từng biểu tượng chứ không phải chú giải từng lá bài.
  - Mô Tả Biểu Tượng: không có
  - Quy Trình Bói Toán: hầu hết là rút tự do (số lượng lá không nhất định và gần giống như sự kết hợp của Stichiomancie và Clédonismancie). Hầu hết không sử dụng trải bài (Spread).
+ Trường Phái Anh Ngữ
--  Trường Phái Do Thái
  - Bộ Bài: Tùy từng nhà Huyền Học  - Phương Pháp Lý Luận: theo Do Thái học, Tree of life và sách Zohar là chủ yếu.
  - Chú Giải Ngắn: Hầu như đều có kèm theo
  - Mô Tả Biểu Tượng: Hầu như đều có kèm theo
  - Quy Trình Bói Toán: Theo các spread cố định dạng câu hỏi. Đối với Case thì phức tạp hơn.
-- Trường Phái Jung:
  - Bộ Bài: Tùy từng bộ khác nhau.
  - Phương Pháp Lý Luận: Không rõ ràng, không thống nhất, hoặc sao chép từ A.E.Waite.
  - Chú Giải Ngắn: hầu hết đều có
  - Mô Tả Biểu Tượng: hầu hết đều có
  - Quy Trình Bói Toán: Sử dụng các spread đặc trưng.
-- Trường Phái Etteilla:
  - Bộ Bài: Tarot de Etteilla
  - Phương Pháp Lý Luận: Ai cập học
  - Chú Giải Ngắn: có
  - Mô Tả Biểu Tượng: có
  - Quy Trình Bói Toán: đặc thù riêng.

5. Phân Tích Riêng về Quy Trình Bói Bài:

Quy Trình bói bài có lẽ khá đa dạng, nếu như trong các spread thì quy trình này thường cố định là: 
Bước 1: Xào bài, rút bài
Bước 2: Xếp bài lên spreads
Bước 3: Giải Đoán

Nhưng trong một số trường hợp lại không giống như vậy, tôi viết phần này để phân loại cơ sở các kiểu quy trình có thể gặp trong thực tế.

Xét về số trường hợp xảy ra của quy trình:
+ Quy Trình rút một lần: Trong quy trình này, người ta rút một lần duy nhất tất cả các lá bài. (tức là rút hết và lật một lượt lên). Trong trường hợp này, số lượng trường hợp S = n!/(n-k)! với k là số lá bài rút, n là 78 hoặc 22.
+ Quy Trình rút nhiều lần: Trong quy trình này, người ta rút lá bài theo chỉ số của lá bài trước. (tức là không thể rút hết và lật một lượt, mà phải rút từng lá và show). Trong trường hợp này số lượng trường hợp là S = n!/(n-k)! với n là số lần rút.
+ Quy Trình rút xoay vòng: quy trình này, người rút gộp lại cả bộ bài và rút lại. (Tức là có thể rút được 2 lá Fool chẳng hạn). Trong trường hợp này số lượng trường hợp là S = n^k (= 78^k hoặc 22^k) với k là số lá rút.


Nhận xét: Số lượng trường hợp xảy ra mô tả cho một lần rút, nghĩa là số trường hợp khả dĩ trùng lại ở 2 lần bói khác nhau. Con số này càng lớn thì sự khác biệt trong 2 lần bói càng lớn. Ngược lại, ta cũng có quy tắc về khác biệt giải nghĩa, theo đó số này càng lớn thì sự khác biệt trong giải nghĩa của 2 người càng lớn. Thử so sánh con số này với con số của Tử Vi (với 93 sao) là khoảng 512.640 trường hợp theo tính toán của cuốn Tử Vi Tổng Hợp của cụ Nguyễn Phát Lộc , thì nó tương đương chừng  giá trị của 3 lá bài trong spread 3 lá (Hiện Tại - Quá Khứ - Tương Lai) là 456.456 !; hoặc với 64 quẻ kinh dịch thì nó chỉ tương đương với gía trị của bói một lá là 78 !; hoặc với quẻ đôi kinh dịch (4096 trường hợp) thì nó còn chưa bằng với giá trị của bói 2 lá kép (hành động - kết quả) là 6006 trường hợp ! Tất nhiên sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng ít nhất để các bạn hình dung ra sự lớn rộng của một spread bài. Hãy cẩn trọng với những lời bói lạc đường.


Tôi bàn về kiểu rút bài, tuy các bạn sử dụng rất nhiều spread nhưng thực sự chỉ là chỉ có vài kiểu rút bài thôi.

+ Kiểu tự do: rút bất kỳ. Thứ tự vẫn có ý nghĩa quan trọng. Kiểu rút này là kiểu chung cho các trường phái biểu tượng học.
+ Kiểu rút thứ tự: thứ tự lá mang ý nghĩa quan trọng, mỗi lá đảm nhận một vai trò cố định. Kiểu rút spread này tương đương với kiểu rút liên tục này. (hãy tưởng tượng bạn rút liên tục 12 lá xếp thẳng hàng, so với việc rút 12 lá xếp hình zodiac thì có gì khác nhau đâu !). Kiểu rút này là nguồn gốc các kiểu spread hiện đại.
+ Kiểu rút sóng đôi: kiểu rút spread này không khác rút thứ tự, nhưng giá trị rút có sóng đôi với nhau. Tức là 2 lá cùng có nghĩa ở một điểm nào đó.
+ Kiểu rút chồng nhau: kiểu rút bài này thay đổi tùy theo lá trước nó, nên có số lượng không xác định, và vị trí của nó cũng không hoàn toàn nắm trước. Đây là kiểu rút cổ, ít khi sử dụng trong hiện tại, nhưng được rất nhiều người trong hội huyền học dùng. Một ví dụ của kiểu này là rút Cycle de Fortune của Hội Thập Tự Hoa Hồng. 

Về các loại Spread thì tôi chia làm 3 loại:

+ Các spread cổ điển & cận đại: có thể dùng chung với tất cả các bộ bài.
+ Các spread hiện đại: chỉ nên dùng riêng với bộ bài mà nó cho phép.
+ Các kiểu rút bài không phải spread: dùng riêng với cách đặc thù của nó.


6. Kết Luận:

Phần này tôi trình bày khá đầy đủ các yếu tố cấu thành một trường phái, sự phân chia trường phái, và các phân loại spread. Dựa vào bài này các bạn có thể lựa cho mình phương pháp phù hợp và yêu thích.
Đọc tiếp »

Tarot và Mối Quan Hệ với Thần Thoại Hi-La - Phần 1: THE FOOL

item-thumbnail
Lời Nói Đầu


Ý tưởng của mối quan hệ với Hi Lạp - La Mã (trong bài viết này, về sau gọi là Hi La cho gọn), thực ra không phải mới. Những chỉ dẫn hay giải thích có thể tìm thấy ở khá nhiều bài bình luận tarot chẳng hạn như lý luận của nhóm nghiên cứu Jean-Claude FLORNOY. Dấu tích này vẫn có đậm nét trong hình ảnh các lá bài, điển hình như lá The World, The Star, ... Đặc điểm này có thể do Tarot thừa hưởng từ Mantegna hay Minchiaste vốn được xây dựng từ chất liệu Hi La. Tôi thực sự không mấy lưu tâm về quan điểm này.

Tuy nhiên, vào khoảng năm sáu tháng trước, một thành viên tarot có cho tôi xem một nghiên cứu của Adeline và Daimonax được đặt với tên Nguồn Gốc Dionys của Tarot de Marseille - đề tài tiến sĩ , (dịch từ nguyên gốc "Origines Dionysiaques du Tarot de Marseille"). Nghiên cứu này ban đầu được đăng tải trên diễn đàn Usenet, một diễn đàn truyền thông của Pháp. Adeline hiện là nghiên cứu sinh về ngành Lịch Sử Nghệ Thuật và Khảo Cổ (Histoire de l’art et Archéologie) tại trường Đại Học Paris X - Nanterre, (Xem thêm về chuyên ngành này tại đây).  Nghiên cứu được bảo hộ về quyền tác giả trong và ngoài nước Pháp,  là một phần trong chương trình "Bảo Tàng Ảo về Tarot và Bài Giấy của Khối Pháp Ngữ", (dịch từ nguyên gốc "Anneau du Musée virtuel francophone des tarots et des cartes à jouer "). Tài liệu này với một loạt dẫn chứng đồ sộ và lý luận vững chắc khiến cho tôi không thể không lưu tâm. Nội dung của đề tài này tôi sẽ trình bày kỹ lưỡng hơn khi tôi có luận văn tốt nghiệp của Adeline (tôi hiện đang liên hệ).

Mở rộng vấn đề, tôi nghĩ rằng sẽ tồn tại mối quan hệ giữa Hi La và Tarot de Marseille. Vì vậy, tôi dành thời gian it ỏi của mình để nghiên cứu độc lập về chủ đề này. Mặc dù nghiên cứu này của tôi chưa đầy đủ, nhưng đã cơ bản hoàn thành. Tôi viết bài này nhằm giới thiệu với các bạn Tarot ở Việt Nam một cách nhìn mới về tarot và mối quan hệ Hi La. Nhóm bài này chia làm 22 phần, mỗi phần sẽ liên hệ từng lá, tôi sẽ chỉ ra sự đồng nhất và tương đồng về mặt hình ảnh giữa 22 lá Tarot Arcana Chính của bộ Tarot de Marseille và hình ảnh các vị thần trong thần thoại Hi La.

Hình ảnh sử dụng ở đây chủ yếu từ 3 nhóm chính: 
- các tư  liệu văn hoá Hi Lạp:  tranh vẽ màu, đặc biệt là tranh gốm (nguồn chủ yếu từ Bộ Sưu Tập của Dự Án Theoi)
- các tư liệu văn hoá La Mã: gồm tượng và các điêu khắc nổi (nguồn chủ yếu từ Bộ Sưu Tập của RomanCoins)
- các tư liệu Trung Cổ và Hiện Đại gồm các tranh vẽ về các thần của các danh hoạ (nguồn chủ yếu từ Bộ Sưu Tập của Tạp Chí Ulike của Pháp).

Trong 3 nhóm  này thì nhóm 1 và 2 ra đời trước thời kỳ hình thành Tarot nên có vai trò quang trọng trong việc chứng minh nguồn gốc mối quan hệ Tarot - Hi La. Nhóm 3 ra đời cùng hoặc sau sự ra đời của Tarot nên chỉ mang tính tham khảo.

Về Bản Quyền : 
- Phần bài viết này, không chứa bất kỳ dữ liệu và dẫn chứng nào xuất phát từ nghiên cứu của Adeline, mà hoàn toàn nằm trong phần nghiên cứu của tôi. Phần nội dung của Adeline, tôi sẽ cố gắng trình bày kỹ lưỡng trong một bài giới thiệu khác. Xin đừng lầm lẫn.
-Hình ảnh minh họa trong bài này được sử dụng với mục đích, ở mức độ học thuật và phi thương mại (Scientific and non-commercial).
-Dữ liệu của bài viết này có thể được xuất bản bằng tiếng Pháp, Anh ở các tạp chí/nguồn Tarot khác ngoài trang này. Tuy nhiên, bất kỳ sự chuyển ngữ cùng nội dung từ Pháp/Anh sang tiếng Việt cần có sự chấp thuận của Tác Giả. 

Phần 1. THE FOOL


1. Sự Tương Ứng The Fool và Bacchos

Hình ảnh lá The Fool có nhiều điểm tương đồng với hình ảnh Bacchos. Bacchos hay Dionysus là thần rượu nho. Vị thần này đối với hệ thống thần thoại Hi Lap có vai trò khá nhỏ bé. Tuy nhiên, trong hệ thống thần thoại La Mã, vị thần này có vị trí vô cùng đặc biệt. Vị thần này là nguồn cảm hứng cho hệ thống huyền học, triết học, nghi lễ mang tên ông. Hầu hết các nghi lễ tà thuật lẫn chính thống vào thời kỳ này đều nhân danh của ông. Vai trò của ông cùng với Diana, và Apollon là đại diện cho các vị thần tối cao của La Mã, đồng thời là người bảo trợ cho bói toán, và chiêm tinh. Vì vậy việc lá The Fool có vị trí đặc biệt trong bài tarot tương ứng với Bacchos cũng không có gì lạ. Chỉ dẫn này gần với lý luận của Adeline.

Các buổi lễ nhân danh ông thường được gọi là Bacchanale. Buổi lễ này có quy mô lớn vào thời điểm đó. Nhiều buổi lễ hiện tại của Thiên Chúa Giáo có nguồn gốc đồng hoá từ các buổi lễ này. Nhiều hình thức bói toán hiện tại đựa trên hình thức của buổi lễ. Ảnh hưởng tà giáo của nó, như cách mà giáo hội mô tả, ăn sâu vào nhiều nền văn hoá và nhiều nhóm huyền bí đựa trên các mô tả này để hoặt động. Giáo hội đã nhiều lần tìm cách huỷ bỏ các buổi lễ này, và nó dần biến mất dưới sự chống đối của giáo hội. Chỉ còn các tu sĩ theo các dòng bí mật về phép thuật vẫn tiến hành buổi lễ này.

Điều thú vị nhất ở Bacchos, chính là hình tượng của ông thay đổi rất nhiều, và trong từng thời kỳ nhất định Bacchos được đồng hoá với nhiều vị thần khác. Vì vậy, hình tượng bacchos có sự đa dạng nhất định trong phong cách biểu hiện. Đây chính là nền tảng chính để Adeline xây dựng hệ thống lý luận của mình. 

2. Lý Luận


Hình ảnh Mũ lừa: có thể dẫn chứng từ các buổi nghi thức Bacchanale. Buổi lễ này tổ chức nhân danh thần Bacchos, trong buổi lễ này người ta đeo mặt nạ, hoá trang thành những syrene (nửa người, nửa thú), người ta có thể truy hoan tự do với nhau, và có thể cho phép cơ thể trần trụi. Syrene là thú vật thường đi cạnh Bacchos để phục vụ rượu, và thường gán cho tính chất trụy lạc. Chú ý về các cuộc thanh trừng dị giáo dẫm máu đối với các nhóm có liên hệ với Bacchos cũng như Syrene của Giáo Hội. 

Hình ảnh chuỗi lục lạc: trong các buổi lễ tôn vinh thần Bacchos, người ta cũng đeo lục lạc hay thổi các khí cụ (kèn, sáo hoặc thanh la) để đón thần Bacchos. Điều này giải thích chuỗi lục lạc đeo quanh người trong lá bài. Bản thân thần Bacchos cũng thường cầm nhạc cụ, hoặc đeo lạc. 

Hình ảnh cái túi, gậy: Trong các buổi lễ này, người ta cũng mang theo bình đựng rượu, túi hạt giống, hoặc một cành cây nho để biểu thị sự phát triển của rượu. Bản thân thần Bacchos cũng mang theo gậy, bình rượu hoặc túi hạt giống. 

Hình ảnh con chó mèo: Thông thường, một con báo luôn bên cạnh Bacchos, theo truyền thuyết, nó là con vật đã nuôi lớn bacchos. Hình ảnh con vật bám theo chân bacchos là hình ảnh rất chuẩn mực khi miêu tả vị thần này. Và cũng là đặc điểm nhận dạng vị thần này. Mặc khác, vì bacchos luôn say xỉn nên luôn có hình ảnh cây gậy, hoặc con vật, hoặc người hầu Syrene đứng kế bên để đỡ, chú ý là syrene cũng là một con vật có tai lừa hoặc hoặc tai động vật nói chung. Điều này có thể được thay đổi thành hình ảnh con vật thực. Hình ảnh con thú trong lá The Fool hoàn toàn không rõ, vì vậy rất có thể nó đã biến đổi khá nhiều trước khi trở  thành hình ảnh hiện tại.  

Tổng hợp lại, hình ảnh của Bacchos (hoặc sự hỗn hợp hình ảnh giữa Bacchos với người hoá trang trong buổi lễ tôn vinh thần)  và nhân vật trong lá The Fool trùng khớp một cách đáng ngạc nhiên với lý luận này. 


3. Hình Ảnh Minh Họa


- Hình ảnh bacchos và sự tương ứng:












- Hình ảnh Các Syrene hoặc người hoá trang thành Satyr trong các buổi lễ tôn vinh thần Bacchos:






 - Hình ảnh lục lạc được mô tả chính xác trong bức phù điêu:



- Hình ảnh Bacchanales và Bacchos thời Trung Cổ và Hiện Đại: thứ tự các bức như sau "Alias Bacco" của Leonardo da vinci; "Anacreon, Bacchus et Lamour" của Jean-Léon Gérôme; "The Bacchanal" của Peter Paul Rubens; "The Youth of Bacchus" của William-Adolphe Bouguereau.





- Hình ảnh buổi lễ Bacchanales hiện đại


4. Nhận Xét: Nếu giả thiết này đúng thì hệ thống giải luận của tarot thay đổi hết.

Ở lá The Fool, mọi ý tưởng liên quan đến sự bắt đầu, sự khám phá, hoặc hành khất đều bị hủy bỏ. Ngược lại đề cao ý tưởng về sợ bỡn cợt, say xỉn, điên rồ.

Hình ảnh cái túi không còn là sự chuẩn bị cho chuyến đi, hoặc thu gom kiến thức nữa, mà là sự ban phát niềm vui, sự ban phát tin thần, ban phát sự giàu có hoặc chia sẽ tài sản.

Hình ảnh con chó/mèo không còn là hình ảnh níu chân, hay cảnh báo mà là hình ảnh phụ họa, hùa theo, sự sùng kính và trung thành.

Hình ảnh cây gậy không còn là hình ảnh sự nâng đỡ trên đường đi nữa mà là sự nâng đỡ khi sa ngã, sự tài trợ khi gặp vận rủi.

Và còn nhiều sự thay đổi nữa trong giải luận. Có thể sẽ đảo ngược mọi giải luận hiện nay.


Nguồn:
http://www.theoi.com/GalleryS1.html
http://arthistoryresources.net/ARTHgreece.html
http://www.ancientgreece.com/gallery/
http://www.bacchos.org/#menu
http://pompeiiinpictures.com/pompeiiinpictures/index.htm
http://www.sacred-destinations.com/turkey/antioch-museum-photos/
http://www.traditiontarot.com/viewtopic.php?id=106
http://fr.ulike.net/Bacchus_(dieu)
http://www.romancoins.info/ 
silene@bacchos.org
Đọc tiếp »
Trang chủ