Biểu Tượng Thằng Hề Trong Văn Học (Chương VII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)



Nhắc đến hề, có thể có ba cách hiểu: thứ nhất, đó là một loại nghề nghiệp, một loại người mua vui trong xã hội; thứ hai, đó là một kiểu nhân vật trong các nghi lễ tôn giáo và xã hội ở nhiều nền văn hóa; thứ ba, đó là một kiểu nhân vật chức năng trong tác phẩm nghệ thuật. Thật ra, ba cách hiểu này đều có cùng một bản chất, vì hề bao giờ cũng đứng trên lằn ranh giữa thực tế và huyễn ảo, giữa đời thường và ước lệ, giữa nghệ thuật và đời sống. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh đời sống, đã thấm hút các chất liệu nội dung và hình thức của đời sống (trong đó có hề) để làm phương tiện biểu hiện thế giới tư tưởng của người nghệ sĩ. Đối với văn học, hề là một kiểu nhân vật chức năng, có vai trò châm biếm, trào phúng, thể hiện tư tưởng của tác giả. Nhưng trong tác phẩm trào phúng, hề không phải là nhân vật duy nhất, và dường như các nhân vật trong tác phẩm trào phúng, không ít thì nhiều đều gắn với yếu tố tiếng cười. Như vậy, đâu là điểm khác biệt giữa hề và các nhân vật khác trong tác phẩm trào phúng? Nhân vật hài hiểu đơn giản là nhân vật trong tác phẩm trào phúng. Như vậy thì hề cũng là một kiểu nhân vật hài. Nhưng không phải nhân vật hài nào cũng là hề. Trong phần này chúng tôi đưa ra những ranh giới phân biệt kiểu nhân vật hề và tập hợp những nhân vật hài còn lại trong tác phẩm trào phúng.
.


Về mặt nội dung và hình thức tạo tiếng cười, không có sự phân biệt giữa nhân vật hề và các nhân vật hài khác. Việc cười nhạo cái thiêng, các chủ đề tình dục, các yếu tố tục tĩu, sự cười nhạo bệnh tật, cái chết và những sự tổn hại về thể xác, tinh thần là những chủ đề không xa lạ gì trong tác phẩm trào phúng. Trạng Quỳnh giễu cợt Chúa, thậm chí trêu ngươi thánh thần. Trong truyện Ba Giai Tú Xuất có đoàn hủi viếng quan phủ, tạo thành trò vui hiếm thấy. Các thủ pháp tạo tiếng cười có tính chất lạ hóa như phóng đại, giễu nhại, các lối nói mỉa mai châm chọc, các lối chơi chữ… cũng không độc quyền của hề trong các tác phẩm trào phúng. Về bản chất, sự khác biệt cơ bản giữa nhân vật hề và các nhân vật khác, đó chính là vị trí của nhân vật đối với thế giới trong tác phẩm. Các nhân vật thông thường hoàn toàn thuộc về thế giới trong tác phẩm, nó dự phần vào đó, bị chi phối bởi tình huống, nó ở cùng bình diện với thế giới mà nhà văn miêu tả. Ngược lại, hề vừa tham gia vào thế giới trong tác phẩm, vừa đứng ngoài thế giới đó, hề đứng ở lằn ranh giữa các thế giới. Như vậy, hề và các nhân vật hài khác không đứng cùng một bình diện. Điểm khác biệt cơ bản đó được biểu hiện cụ thể qua hai phương diện: ngoại hình nhân vật và mối quan hệ với tình huống gây cười.

Tiêu chí
Hề
Các nhân vật hài khác

Ngoại hình

Nghịch dị, phân biệt hề với phần còn lại của thế giới.

Phù hợp với tính cách và xuất thân, có thể trùng lắp.


Quan hệ với tình huống hài hước

Chủ động tạo ra tình huống hài hước thông qua các câu hỏi, các trò chọc ghẹo
Như các nhân vật trong tác phẩm tự sự khác, chịu sự chi phối của tình huống truyện (ở đây là tình huống hài hước), được đặt vào trong tình huống để làm bật lên tiếng cười.


Ví dụ tiêu biểu

-Forrest Gump
-Beghemot
-Hề của vua Lear
-Trạng Quỳnh
-Ba Giai, Tú Xuất
-Nhân vật trong các mẩu truyện cười
-Nhân vật trong truyện ngắn Chekhov



Thứ nhất, về mặt ngoại hình, hề nghịch dị khác hẳn với đám đông còn lại (những nhân vật hài khác). Những nhân vật hài khác có thể là những người rất bình thường, như trong truyện ngắn Chekhov, chúng ta có thể gặp họ ở bất kì đâu, đó có thể là một viên chức (như Cherviakov trong Cái chết của một viên chức), có thể là một viên cảnh sát (như Otrumelov trong Con kỳ nhông), có thể là một người gầy hay béo (Anh béo anh gầy)… Nhưng hề, trong tạo ngoại hình nghịch dị của hắn, đòi hỏi hắn là duy nhất được miêu tả theo cách như vậy trong thế giới mà hắn tồn tại. Không thể nhầm lẫn Forrest Gump với bất kì ai trong thế giới của hắn, vì hắn có ngoại hình to lớn, đần độn, thậm chí kì quái, đôi khi còn buộc chiếc bóng bay vào cúc áo để người ta có thể biết mình ở đâu. Beghemot, con mèo đi bằng hai chân sau, to như con lợn đực thiến trong Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov gây sửng sốt cho bất kì người dân Moscow nào gặp hắn, vì sự kì dị và lạ lùng của hắn. Trong nghệ thuật sân khấu, như hí kịch hay chèo, phục trang của hề đều có những ước lệ riêng đảm bảo không nhầm lẫn hề với các loại nhân vật khác. Như vậy, ngoại hình của hề có tính duy nhất, và đó là cơ sở quan trọng để phân biệt hề với các nhân vật còn lại. 


Cũng có trường hợp nhân vật được tạo dựng với thủ pháp nghịch dị, nhưng không phải là hề. Có thể kể đến gia đình cụ cố Hồng trong trích đoạn “Hạnh phúc một tang gia”, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Nghịch dị là sự đảo lộn những quy luật đời thường. Bản chất vui tươi hoan hỉ của đám tang mang đậm chất nghịch dị. Những nhân vật trong đám tang đó cũng được tạo hình rất quái dị: cụ cố Hồng cố tình mặc áo bông giữa mùa hè, làm mọi cách để già hơn tuổi, ông Phán mọc sừng mặc cái khăn trắng to tướng, áo thụng trắng lòe xòe, bà Văn Minh diện những bộ trang phục tân thời, cô Tuyết gây ấn tượng bởi bộ trang phục nửa kín nửa hở, minh chứng cho việc cô chưa mất hẳn chữ trinh. Tuy nghịch dị, nhưng những nhân vật của Vũ Trọng Phụng không phải là hề, bởi vì ngoại hình của họ không có tính duy nhất. Tất cả các nhân vật đều là những điển hình cho một lớp người đểu giả trong xã hội Việt Nam những năm 1930. Ở đây cũng cần nói thêm, mặc dù màn “Hạnh phúc của một tang gia” có đầy đủ các hình thức của carnaval: đám rước giễu hành mang hình ảnh của những con quỷ hoan hỉ (cười cợt trên cái chết của người thân), tiếng cười lộn ngược giả trá trong tiếng khóc, có sự chôn cất hạ huyệt, nhưng về bản chất, “Hạnh phúc một tang gia” đối lập hoàn toàn với cảm quan carnaval. Ở chỗ, cái thế giới giả trá và tàn nhẫn kia chính là thế giới thực, cái đám giễu hành kia là con đẻ của thế giới thực, và khi cái huyệt kia lấp xuống, đó chính là sự tuyên án cái chết đối với đạo đức và nhân tính. Ở đây hoàn toàn không có trạng thái hai thế giới đặc thù của carnaval, và sự chôn xuống không hề có ý nghĩa tái sinh.

Tiêu chí quan trọng hơn, chính là mối quan hệ giữa các nhân vật với các tình huống gây cười. Nhân vật hài khác trong tác phẩm trào phúng bao giờ cũng chịu sự chi phối của tình huống. Phải có sự việc sứ Tàu đến gây loạn và ra thử thách, trạng Quỳnh mới có dịp để châm biếm, mỉa mai, vạch trần bọn sứ Tàu từ đó tạo tiếng cười. Phải có sự việc anh chàng mới cưới và anh chàng mới mua áo gặp nhau, mới có tiếng cười chế giễu thói khoe khoang trong truyện Lợn cưới, áo mới. Ngược lại, nhân vật hề chủ động tạo ra tình huống gây cười, lôi kéo các nhân vật khác vào trò diễn của mình để tạo ra sự hài hước. Beghemot trong Nghệ nhân và Margarita lôi kéo, trêu chọc các nhân vật khác trong đoàn tùy tùng, giễu cợt, chế nhạo họ để mua vui. Hắn còn chủ động tạo ra sân khấu Hắc ảo thuật (một sự kiện quan trọng trong cốt truyện) để biến một tập thể công dân Moscow thành trò vui. Màn “Đại vũ hội của Chúa quỷ Satan” do Beghemot tổ chức là điểm hội tụ và là cao trào của ba tuyến truyện, có chức năng phân giải, phán xử số phận của các nhân vật trung tâm. Thật ra, nhân vật hề không hoàn toàn thoát ly khỏi tình huống truyện, nhưng sự vận động của hề luôn hướng ra khỏi sự vận động của tình huống, để tạo ra tình huống mới có chức năng gây cười. Forrest Gump cả cuộc đời luôn bị lôi kéo hết từ sự kiện này đến sự kiện khác, và hầu hết đều có tính chất trang trọng: phát biểu nhân giải vô địch đội bóng, nhận huy chương kháng chiến và gặp tổng thống, tham gia cuộc thử nghiệm NASA ra ngoài vũ trụ, vô địch giải cờ vua thế giới… Nhưng sự vận động của nhân vật đều đi lệch khỏi tính chất trang trọng đó, và tạo ra vô số các tình huống gây cười, phá bĩnh, lật mặt các sự việc trang trọng. Là cầu thủ phát biểu trong giải vô địch bóng bầu dục, Forrest Gump chỉ biết nói: “Tôi buồn đái”. Khi gặp tổng thống, được hỏi về vết thương chiến tranh, hắn vạch quần ra cho tổng thống xem, ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp được cả nước quan tâm. Qua lăng kính của hắn (ngôi kể chuyện thứ nhất xưng tôi), tất cả các điều trang trọng nhất đều bị phỉ báng, đều là những thứ “cứt đái” vô nghĩa. Như vậy, hề dự phần vào hiện thực cuộc sống như một kẻ phản loạn, hắn lộn trái hiện thực (một cách ý thức hay vô thức) bằng các trò hề của mình, sự tương tác với các nhân vật khác của hề lôi kéo họ vào sân khấu của hắn, biến họ thành người cộng sự, người đồng diễn.

Tiêu chí mối quan hệ với tình huống là tiêu chí chủ yếu để phân biệt hề với nhân vật hài khác, giúp ta giải quyết được nhiều trường hợp tiêu chí ngoại hình không giải quyết được. Đơn cử như trường hợp Belikov trong truyện ngắn Người trong bao của Chekhov. Ngoại hình “trong bao” của Belikov thỏa mãn tiêu chí nghịch dị và đảm bảo tính duy nhất: cặp kính đen to tướng che gần hết khuôn mặt nhợt nhạt, choắt như mặt chồn, chiếc áo bành tô cốt bông bẻ cổ đứng lên, lỗ tai nhét bông, chân đi giày cao su… Tuy vậy, Belikov không phải là nhân vật hề, ở chỗ, hắn hoàn toàn là con đẻ của cái hiện thực mà hắn đang sống. Mọi hành động của hắn đều bị chi phối bởi nỗi sợ hãi các nhà cầm quyền, thể hiện rõ “thói nô lệ tinh thần” mà Chekhov vẫn phê phán. Tính chất “người trong bao” của Belikov dần bộc lộ qua các tình huống truyện. Như vậy, trong quan hệ với hiện thực, Belikov ở cùng bình diện với các nhân vật khác trong tác phẩm. Sự nghịch dị của hắn được tạo ra để phóng đại, tô đậm một hiện tượng phổ biến trong xã hội Nga thế kỉ XIX, thói nô lệ tinh thần, qua đó Chekhov trình bày quan điểm về cải cách xã hội và cải cách con người. 


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Biểu Tượng Thằng Hề Trong Văn Học (Chương VII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ