Lịch Sử Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương II, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)


Nhân vật hề tồn tại từ rất lâu đời. Bằng chứng về hề còn ghi dấu trong thần thoại, thể loại văn học một đi không trở lại, đánh dấu nhận thức thuở bình minh của loài người. Margery L. Brown trong bài viết Hephaestus, Hermes and Prometheus – jester to the Gods, đã đề cập đến một số thần với tư cách là hề trong thế giới thần của Hy Lạp. Cả Hephaetus, Hermes và Prometheus đều được xem là những kẻ bịp bợm trong thế giới thần, thường chịu sự chế nhạo của người khác. Hề bịp bợm là một nhân vật rất phức tạp. Về bề ngoài, đó có thể là một dạng thầy tế (shaman), được thần thánh chọn lựa, đạt đến bậc thầy về chuyên môn thông qua những thử thách, và trở thành sự kết hợp của nhà tiên tri, nhà ảo thuật, giáo sĩ, người bảo trợ tri thức bí truyền. Về bản chất, hề bịp bợm không đơn thuần chỉ là thầy tế hay thánh thần, mà vai trò thực sự của hắn là kẻ nổi loạn, thách thức trật tự đang ngự trị, tạo ra những hỗn loạn. Mặc dù hề bịp bợm thông minh và đầy sáng tạo, nhưng những sản phẩm hắn làm ra đều có mặt trái. Điều này khiến tên hề đôi khi trở thành nạn nhân của chính mình, và trở thành trò cười của các vị thần. Margery lý giải, sở dĩ các vị thần này chấp nhận trở thành trò cười, là do hai nguyên nhân, thứ nhất đó là tính cách tự nhiên của ông ta, thứ hai, đó là cách ông ta làm chủ tình hình, vì sự đối đầu trực diện sẽ khiến ông ta bị đánh bại bởi các vị thần toàn năng hơn. Trường hợp điển hình chính là thần thợ rèn Hephaetus. Tính cách của vị thần này rất lương thiện, trong màn trả thù Hera, người mẹ đã bỏ rơi mình, Hephaetus đã bị thuyết phục dễ dàng bởi rượu của thần Dionysus và đồng ý làm hòa với mẹ mình. Bản chất hiền hậu tự nhiên khiến Hephaetus dễ dàng chấp nhận sự cười nhạo, giễu cợt. Nhưng quan trọng hơn, đó là cách thần tránh được những xung đột trực diện. Khi vợ thần, Aphrodite ngoại tình với Ares, Hephaetus bị mọi người cười nhạo, chế giễu. Thần đã chọn cách cài bẫy trói đôi nhân tình vào giường và mời các vị thần đến xem để cười nhạo họ, đây là cách Hephaetus làm chủ tình hình, tránh cuộc đối đầu trực diện và chắc chắn thất bại, trước Ares. 
 
Hephaetus trong hình ảnh Thằng Hề.
Trong thần thoại Bắc Âu, cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhân vật hề bịp bợm, đó chính là Loki, vị thần của những trò đùa tinh quái, tượng trưng cho lửa và ánh chớp. Carl Bryan Holmberg, trong bài viết Loki, the Norse Fool cho rằng đây là nhân vật bị hiểu lầm và bị đối xử tồi tệ nhất trong thần thoại Bắc Âu. Bên cạnh những hành động cực kì độc ác, Loki đại diện cho sức mạnh của ánh sáng và của ngôn từ, nguồn sức mạnh khi kết hợp cùng nhau đã thuyết phục mọi người rằng thần không phải là toàn năng. Thực chất, mọi trò đùa nghịch, lừa gạt của Loki đều nhắm tới những lợi ích nhất định. Có thể kể đến câu chuyện Loki trộm bím tóc dài của Sif, khiến Thor tức giận và yêu cầu Loki phải trả lại bím tóc ấy. Loki nhờ Dvalin làm lại bím tóc mới. Người lùn tài năng không chỉ làm lại bím tóc cho Sif, mà còn tạo ra cây thương bách phát bách trúng và chiếc thuyền ma thuật. Sau đó Loki tuyên bố rằng ba món đồ kì diệu ấy là tuyệt đỉnh của nghề thợ rèn, điều này khiến Sindri, một người lùn khác tự ái, tham gia cá cược với Loki và tạo ra ba món đồ kì diệu, con lợn vàng trao cho Odin, chiếc nhẫn ma thuật trao cho Freya, chiếc búa Mjölnir trao cho Thor. Như vậy, bằng chuỗi những trò đùa nghịch tinh quái của mình, Loki đã làm giàu cho các vị thần. Hơn thế nữa, chiếc búa chính là vũ khí quan trọng để Thor bảo vệ thế giới các vị thần khỏi những người khổng lồ băng giá.

Khái niệm hề rất đa dạng, đó có thể là một loại hình nhân vật chức năng trong nghệ thuật (sân khấu, văn học), một vai trò trong các nghi thức lễ hội dân gian, một loại nghề nghiệp, một loại người trong xã hội. Nguyên nhân một phần là do tình trạng nguyên hợp các hình thái ý thức xã hội: nghệ thuật, tôn giáo, sinh hoạt đời sống. Bakhtin nhận xét rất chính xác về hề: “Những nhân vật như anh hề và những chàng ngốc rất đặc trưng cho văn hóa trào tiếu trung cổ. Họ dường như là đại diện thường trực của nhân tố hội hè giả trang được kí thác vào cuộc sống thường nhật (phi hội hè) […]. Với tư cách những anh hề và chàng ngốc, họ là chủ thể của một hình thức sống đặc biệt, hình thức vừa hiện thực lại vừa lý tưởng. Họ sống nơi giới tuyến giữa cuộc sống và nghệ thuật (tựa hồ khu vực giáp ranh đặc biệt): đó không đơn thuần là những người lập dị hoặc ngốc nghếch (theo nghĩa đời thường), song cũng không phải là những diễn viên hài kịch” (7,30). Thật ra trong vai trò nào, thì bản chất của hề không thay đổi, đó là sự tồn tại ở lằn ranh giữa các thế giới, chơi giỡn và cuộc sống (nghệ thuật và các nghi thức lễ hội chính là những biểu hiện khác nhau của các trò chơi).

 
Ở châu Âu thời Trung cổ, những diễn viên hài dân gian của Roman được xem là tiền thân trực tiếp của hề. Trong các triều đình khắp châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng, hề được nuôi để diễn trò, mua vui cho vua, hoàng hậu và các quan lại. Một vài hề cung đình nổi tiếng có thể kể đến: Will Sommers (đời vua Henry VII), Jeffrey Hudson (vua Charles I), với biệt danh “Tên lùn hoàng gia” (The Royal Dwarf). Những tên hề này đều rất nổi tiếng, trở thành đề tài của văn học và kịch. Ngoài ra cũng có thể kể đến tên hề của vua Lear trong kịch Shakespeare. Hề của vua Lear, trong vài trường hợp, có thể trở thành người phát ngôn của chủ nhân. Thậm chí tên hề còn giễu cợt, buộc tội chủ nhân của mình vì sự ngu ngốc. Hắn đề nghị vua Lear, người vừa cho đi ngai vàng, “Ông tốt nhất nên đội mũ của tôi” (You were best take my coxcomb)[1], với hàm ý mỉa mai sự ngu ngốc, hồ đồ của vua Lear.

Bên cạnh hề cung đình, thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu, hề diễn trò ở những quảng trường, những lễ hội dân gian. Hề có thể được sắc phong trong các nghi thức dân gian thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu. Có thể kể đến Linh mục hề. Đó là nhân vật trung tâm của một lễ hội tôn giáo có tên là “The Feast of Fool”, tổ chức ở thời Trung cổ và Phục hưng châu Âu ở trong các nhà thờ và thánh đường vào đầu năm mới. Linh mục hề thống lĩnh các nghi thức đảo ngược và giễu nhại có tính chất bất kính, giễu cợt trên nhiều phương diện đối với lễ Mass. Trong The Feast of Fool, những bài thánh ca bị thay thế bởi các yếu tố dung tục những lời nói lắp bắp. Cách ăn mặc truyền thống của giáo sĩ bị chế nhạo bởi các loại mặt nạ, quần áo mặc trái, nam mặc trang phục nữ, khỏa thân thay thế cho áo choàng. Sự linh thiêng của gian thờ bị xâm phạm bởi sự xuất hiện của con lừa, bởi những hành động lỗ mãng, những trò chơi báng bổ. Lễ dâng hương và ban thánh thể bị lộn ngược bởi giày cũ và những chiếc bánh pudding ăn dở (thay vì bánh thánh). Kịch bản các nghi thức Feast of Fool chính là sự giễu nhại những nghi thức của lễ Mass, trang phục của nó nhạo báng trang phục thầy tu, những lời hát của nó xuyên tạc các bài thánh ca, và các hành động của người tham gia nghi lễ là một sự chế nhạo đối với giáo hội. Linh mục hề và hội The Feast of Fool thách thức, hạ bệ và lộn trái quyền lực chính trị của giáo hội. Trong đó xuất hiện cả nghi thức nâng và hạ, sắc phong tên hề lên làm Linh mục để hạ bệ quyền lực và tính chất tuyệt đối của cái thiêng.

Truyền thống hề ở Trung cổ châu Âu kết thúc vào thế kỉ XVIII. Sự kiện đàn áp hề ghi nhận được là sau cuộc nội chiến Anh (1642 – 1651), Oliver Cromwell lên nắm quyền, đã không nhân nhượng trước những trò mua vui của hề. Và ngay cả sau đó, vào thời vua Charles II lên nắm ngôi, truyền thống này cũng không được nối lại. Sau nước Anh, một vài quốc gia khác vẫn còn duy trì truyền thống hề được một thời gian, sau đó thì lụi tàn.

Ở châu Á, hề xuất hiện trong các nghệ thuật sân khấu dân gian. Hí kịch Trung Quốc là loại hình sân khấu độc đáo với các lớp mặt nạ truyền thống, tương ứng với nhiều cảm xúc đa dạng: phô trương, mặt lão, tương ứng với các vai hoạn quan, tiên, yêu quái… Riêng hề cũng có nhiều loại hề dân (Civilian), hề ác (Ugly) và hề lính già (Old warrior). Một trong những nguồn gốc của hí kịch là bài ưu, một loại tuồng hoạt kê. Dưới thời Đường, bài ưu phát triển thành Tham quân hí, gồm hai vai tham quân (người ăn mặc tề chỉnh, áo xanh, thông minh lanh lợi) và thương cốt (người ăn mặc lôi thôi, khờ khạo và đần độn). Hai nhân vật này đối đáp khôi hài trào lộng. Có khi tham quân bị thương cốt châm biếm, chế nhạo. Tham quân và thương cốt chính là những dạng nhân vật hề trong nghệ thuật hí kịch Trung Hoa. Nhân vật hề (vai sửu) có vị trí quan trọng trong Kinh kịch, mặt nạ hề chiếm số lượng lớn: “Xét trên chức năng hí kịch của kiểm phổ, dù nhân vật thuộc thể loại vai nào đều có thể vẽ kiểm phổ, khi cần thiết phải làm nổi bật hình tượng và diện mạo của nhân vật. Thường thì hai dạng nhân vật Tịnh (vai tà) và Sửu (vai hề) có nhiều kiểm phổ nhất. Thông thường, đối với những khán giả thích kiểm phổ thì đại đa số đều tập trung quan sát vai Tịnh, nhưng vai Sửu trong Kinh kịchmới là dạng vai đầu tiên được vẽ kiểm phổ trong lịch sử Kinh kịch... Kiểm phổ của các nhân vật khác nhau cũng có sự khác biệt rõ nét. Nhưng so ra thì kiểm phổ của vai Sửu lại đơn giản hơn vai Tịnh, nhưng các nhân vật hàng Sửu lại đa dạng và phức tạp hơn nhiều, hiệu quả nghệ thuật diễn xuất cũng khá nổi bật so với vai Tịnh. Vì vậy kiểm phổ của vai Sửu vừa tinh tế và có chiều sâu hơn, không phải đơn thuần chỉ vẽ mấy “mảng đậu phụ” (mảng màu trắng to bằng một miếng đậu phụ được vẽ ở giữa mặt) mà thôi, và cho dù chỉ là vẽ “mảng đậu phụ” như nhau, nhưng vị trí vẽ và kích thước to nhỏ cũng sẽ mỗi người mỗi khác, và cũng tùy theo từng vở kịch”. “Trong vai Sửu, có một số đóng vai nham hiểm, gian xảo, tham lam, ích kỷ, nhưng nhiều hơn hết là các vai thông minh, lanh lợi, cảnh giác, hài hước, thậm chí còn rất ngay thẳng, chính trực, hiền lành. Trong hí kịch truyền thống, thông thường những nhân vật có địa vị không cao đều do vai Sửu đóng. Nhưng xét về tính cách, những người này đa phần đều rất hài hước, hoạt bát, khá lạc quan. Phải nói rằng nhân vật thuộc hàng Sửu nhiều hơn các vai Sinh, vai Đán và vai Tịnh, từ hoàng thượng, tướng quân, thừa tướng, cho đến tầng lớp bình dân, những người què, điếc, mù, câm, nam, nữ, già, trẻ, người tốt, người xấu, trung thần, kẻ gian đều có thể dùng vai sửu để thể hiện”[2].

Ở Việt Nam, nhân vật hề xuất hiện trong loại hình sân khấu dân gian: chèo. Hề là một trong năm loại nhân vật truyền thống của chèo: đào, kép, lão, mụ, hề. Hề là nhân vật có vai trò giữ duy trì không khí hài hước, vui nhộn của vở chèo, phát triển các yếu tố gây cười từ các sáng tác dân gian, hề chèo giúp người xem có được tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Hề chèo chia làm hai loại, hề áo dài và hề áo ngắn: “Hề áo ngắn gồm có hề Gậy và hề Mồi. Hề Gậy thường là các anh chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu thầy trên đường thiên lý, khi ra sân khấu, do thường mang theo gậy đường trường hoặc cây đòn gánh, nên gọi nôm na là hề Gậy. Hề Mồi là những nhân vật hầu hạ sai vặt , điếu đóm trong nhà hoặc lính canh, lính hầu nơi quan phủ, tư dinh… Nhân vật này ra sân khấu thường mang theo chiếc mồi quấn bằng giẻ tẩm mỡ, tẩm dầu đốt sáng như đuốc. Bó đuốc này còn tượng trưng cho bó đuốc dùng chiếu sáng canh phòng, dinh thự… Do thân phận hầu hạ, hề Mồi hay ra trước dọn dẹp cung đình, đón quan đủng đỉnh ra sau, nên có thể gọi là những anh hề dọn lớp hoặc dọn dẹp đám. Loại thứ hai của hề chèo là hề áo dài (còn gọi là hề Tính cách). Những nhân vật này thường hả hê vui sướng tự giễu cợt mình, tự lột mặt nạ bản thân và tự đẩy mình vào tình huống lố bịch. Loại hề này cười cợt trên sân khấu chèo sân đình với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn, trêu chọc, nghịch ngợm… với mục đích tự bôi bác mình. Nhiều thủ pháp sân khấu hề chèo được sử dụng đắc địa và gây cười rất có hiêu quả trong trò diễn và trò nhời của nhân vật hề, với các thủ pháp gây cười dân gian; trò nhái (ứng khẩu và ứng diễn) chơi chữ, pha trò… tình huống hiểu lầm, mai phục, đố vui, giả vờ ngốc, phóng đại hoàn cảnh tức cười bất ngờ… là những biện pháp mỹ học khá thú để hề chèo đạt tới tầm cỡ của hài kịch”[3]. Đến thời Lê Mạt, hề chèo có thêm chức năng đấu tranh giai cấp. Thông qua những trò diễn hài hước, châm chọc, giễu nhại, mỉa mai, hề bóc trần bộ mạch của giai cấp thống trị. Màn Việc làng là lớp hề thể hiện rõ nhất chức năng này. Với các màn đối đáp thông minh, giễu cợt và tự giễu cợt, các nhân vật hề của màn “Việc làng” như mẹ Đốp, Hương Câm, Đồ Điếc đã cho thấy bản chất phi nhân của giai cấp thống trị và phê phán các tục lệ chà đạp lên con người, thông qua một lát cắt đậm đặc của hiện thực: một buổi họp các vị chức sắc trong làng để ăn khoán.

Tóm lại, có thể thấy, hề là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, có mặt ở nhiều nền văn hóa từ châu Âu, châu Phi, châu Á, có một lịch sử phát triển từ thời kì xa xưa của các thần thoại, cho đến ngày nay. Sự phổ biến của hề có tính chất nhân loại. Bởi hề gắn với yếu tố tiếng cười. J.J.M Askenasy cho rằng: “Tiếng cười là hình thức giao tiếp nguyên thủy có thể được thấu hiểu bởi toàn bộ xã hội loài người bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ”[4]. Charles Darwin là người đầu tiên chi ra rằng tiếng cười chính là một hiện tượng độc đáo chỉ có ở riêng loài người, phát triển ở vỏ não cùng lúc với sự xuất hiện của tiếng nói. Có thể nói, tiếng cười là một bằng chứng của nhân tính, phân biệt con người với con thú. Không có một quốc gia, một dân tộc nào không cần đến tiếng cười, và do đó, ở khắp mọi nơi, nhân vật hề - nghệ sĩ của tiếng cười xuất hiện.

Sự phổ biến của hề còn có thể lí giải dưới góc độ tính quốc tế của loại nhân vật này. Thời Roman, các hoàng đế cho những trò đùa của hề có hại cho xã hội, và đã khủng bố lớp người này. Sự khủng bố, đàn áp dẫn đến sự di dân của hề đến các vùng đất mới, để tìm lớp khán giả mới và tiếp tục hành nghề. Ngày nay, trong thời kì toàn cầu hóa với sự đa dạng của văn hóa đại chúng, tính chất toàn cầu của hề vẫn được giữ nguyên. Nhân vật hề hòa vào các loại hình nghệ thuật đương đại như điện ảnh, xiếc… và cùng với sự phủ sóng toàn cầu của các loại hình nghệ thuật này, nhân vật hề có mặt khắp nơi trên thế giới.

[1] Trích theo Vicki K Janik, mục 39 tài liệu tham khảo, trang 3.
[2] Dẫn theo: http://tyaratran.blogspot.com/2014/01/nghe-thuat-mat-na-kinh-kich-trung-quoc_8.html
[3] Nguồn Cinet.gov.vn : 
http://cinet.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=21639&sitepageid=541#sthash.svvmdWJX.dpbs
[4] Dẫn theo C. Tood White, “The Anthropology of Fools”, Fools and Jesters in Literature, Art, and History, Greenwood Press, trang 33.


Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Lịch Sử Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương II, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ