Lục Đạo Luân Hồi Đồ và Tarot

Dẫn: Trong một cuộc tranh luận về phật giáo, tôi và một người bạn có bàn về lục đạo luân hồi đồ. Tôi được gợi ý để tìm hiểu mối quan hệ giữa lục đạo luân hồi đồ và Tarot. Việc lập liên kết này thực ra không quá khó, điều thú vị là khi ta nhìn lại ý nghĩa của từng lá bài qua "kính lọc" của phật giáo trong vấn đề luân hồi, ta nhận thấy được nhiều điều mà trước đó ta bỏ sót. Càng ngày tôi càng tin vào lý thuyết nguyên lý thống nhất rằng: "Bản thể vũ trụ là một, cho dù nhìn dưới góc độ khác nhau đến thế nào đi nữa, nó vẫn là một".

Phần trình bày gồm: lục đạo luân hồi đồ là gì, mối quan hệ giữa lục đạo luân hồi đồ và vòng xoay số phận trong tarot, cuối cùng là sự tương ứng từng phần giữa lục đạo luân hồi đồ và tarot.

Lục Đạo Luân  Hồi Đồ và Tarot



1. Lục Đạo Luân Hồi Đồ Là Gi ?

Người ta gọi là Lục Đạo Luân Hồi vì theo giáo lý phật giáo, do nghiệp của bản thân mà chúng ta luân chuyển [ra và vào] trong 6 chúng loại đau khổ trong dục giới và hướng đi trong 6 nẻo [lục đạo] đó. Lục Đạo bao gồm Thiên - Thần - Nhân - Súc - Địa - Quỷ. Nhớ là 6 chúng loại này nằm trong Dục Giới, là một trong tam giới (Dục Giới- Sắc Giới - Vô Sắc Giới), nơi mà chữ ái dục chi phối mọi hoạt động của chúng ta.

Người Tây Tạng vẽ lại toàn cảnh của tất cả khổ đau đó nhằm nhắc nhở bản thân để nuôi dưỡng tinh thần mong mỏi giải thoát khỏi lục đạo. Bản vẽ đó chính là Lục Đạo Luân Hồi Đồ (tiếng Phạn là srid pa’i ’khor lo, tức là vòng sinh tồn). Lục Đạo Luân Hồi Đồ (sau này viết tắt là LDLHD) chính là Vòng Quay Số Phận (Wheel Of Fortune) của Phương Đông, được hiểu theo nghĩa tổng quát. Tất nhiên vòng quay số phận có bao hàm hẹp hơn và đặc thù liên quan đến đời sống con người, trong khi  LDLHD bao hàm rộng lớn đến sự luân hồi và liên quan đến nhân sinh quan của nhiều đời sống khác gồm cả thần thánh và ma quỷ. 

Sơ Đồ các vị trí trong Lục Đạo Luân Hồi Đồ

LDLHD chia làm 26 vị trí đặc tả (xem hình bên trên) bao gồm như sau:

a. Vị trí luân xa
- Ở ngay giữa là vòng nhỏ nhất trong luân xa,  gồm ba loại độc: [1] Gà - Tham , [2] Rắn - Sân, [3] Heo - Si
- Ở vòng kế tiếp chia thành 2 mảng trắng đen và 6 loại chúng: Hai mảng trắng đen biểu hiện cho [4] Thiện Đạo và [5] Ác Đạo; Sáu chúng bao gồm : [6] Thiên - Thánh Trên Trời, [7] Thần - Atula là các thần dưới đất, [8] Nhân - Người trần gian, [9] Súc - Súc vật, [10] Quỷ - Ngạ Quỷ, Quỷ Đói, [11] Địa - Địa Ngục, Người bị đày ải.
- Ở vòng ngoài cùng là thập nhị nhân duyên: [12] Vô Minh (bà lão mù), [13] Hàng (Nghệ nhân gốm), [14] Thức (con khỉ leo trèo), [15] Danh Sắc (hai người đàn ông trên thuyền), [16] Lục Xứ (nhà có 6 cửa sổ), [17] Xúc (nam nữ giao hợp), [18] Thụ (người đàn ông bị đâm vào mắt), [19] Ái (người đàn ông uống rượu), [20] Thụ (con khỉ hái quả), [21] Hữu (người đàn bả mang thai), [22] Sinh (người đàn bà sinh con), [23] Lão Tử (người đàn ông vác xác chết)
b. Bên ngoài luân xa
- Con quái vật ôm luân xa là [24] Diêm Ma - Diêm Vương.
- Phật Đà Thích Tôn ở tay phải [25]
- Quán Âm Bồ Tát  ở tay trái [26]. Đôi khi không có xuất hiện.

Một hình ảnh của Lục Đạo Luân Hồi Đồ
2. Lục Đạo Luân Hồi Đồ và Vòng Xoay Định Mệnh (Wheel Of Fortune)

Cần nhớ rằng, sở dĩ chúng ta lập được tương quan là vì chúng ta áp dụng lý thuyết nguyên lý thống nhất. Trong đó, thế giới quan được biểu diễn thông qua các hình thức khác nhau nhưng vẫn cùng một nguyên lý, tức là cho phép các hệ quy chiếu thế giới quan có thể chuyển đổi lẫn nhau. Đây chính là nền tảng cơ bản nhất cho việc đây dựng các bản tương ứng hay chuyển đổi như Liber 666.

Điều đầu tiên cần phải xác định là giới hạn của LDLHD và tương quan tarot. Vì nếu LDLHD và Tarot cho thấy hai mối quan hệ không liên quan gì nhau thì việc thiết lập tương quan giữa hai bên là hoàn toàn vô nghĩa. Cần thấy rằng LDLHD cho thấy mối quan hệ giữa lục đạo ở mức tổng quát, cho thấy mối quan hệ nhân sinh quan ở nguyên nhân tạo nghiệp, chính đều này mới tương ứng hoàn toàn với Major Arcana, miêu tả 22 tác nhân khởi nguồn của mọi phản ứng của đời sống. Hiểu được như vậy, đây chính là nền tảng để xây dựng sự tương quan.

The Wheel of Fortune trong Tarot De Marseille

Trong bất kỳ sự phân tích tương quan nào,  ta đều phải quay lại khởi nguồn cấu trúc của Tarot với các nguyên lý của nó nhằm so sánh với nguyên lý của LDLHD. Trong các lý thuyết cấu trúc, việc lựa ra lý thuyết cấu trúc phù hợp với việc phân tách các đối tượng sao cho hợp lý là tiên quyết hàng đầu. Không thể coi 22 lá Major như các thực thể tách rời mà muốn xếp sao thì xếp. Mỗi lá bài không chỉ độc lập ý nghĩa của nó mà còn liên hệ ý nghĩa của nó với lá khác trong một chuỗi riêng.

Thứ nhất là phân tách các yếu tố của LDLHD: 12 nhân duyên, 6 đạo, 3 độc, và Luân Xa (tức là 12 + 6 + 3+ 1 = 22) Đủ để cấu thành 22 yếu tố Major.
Thứ hai là phân tách các yếu tố của Major: Ta có hai hướng, hoặc là dùng hoàng đạo (dùng hệ thống Golden Dawn hoặc các trường phái huyền học) hoặc dùng phân tích thành tố số (các phương pháp biểu tượng và số học).

Dùng hoàng đạo, ta có thể phân tích rõ được:
- 12 cung tương ứng 12 nhân duyên
- 6 đạo và luân xa tương ứng 7 hành tinh
- 3 độc và luân xa tương ứng 4 nguyên tố
- Phân tích theo cách này đơn giản, nhưng sẽ rất khó để giải thích sự tương ứng ngữ nghĩa giữa các lá bài và LDLHD.

Dùng thành tố số và biểu tượng, ta có thể phân tích được:
- Tôi chọn dùng bộ phân tách cánh quạt từ Wheel of Fortune (10 - 1 -  11): Lý thuyết này được đề xuất của nhiều người nhằm xây dựng hệ thống phân tách tarot, ví dự như của Nigel Jackson, Alfred Douglas, Barbara Walker, Paul Christian,  Michael Poe và Oscar Wirth. Lý thuyết của các phân tách này lấy trọng tâm là lá The Wheel Of Fortune là trung tâm của sự chuyển đổi.Sở dĩ tôi chọn hệ thống này bởi vì sự tương ứng giữa LDLHD và Major Arcana là ở Wheel of Fortune như đã nói đến bên trên.
- Luân xa tương ứng với The Wheel of Fortune.
- 6 lục tương ứng nhóm 6 nhân vật: Lá 0 đến 5 (The Fool, The Magician, The Empress, The Emperor, The Papess, The Pope). Đây là 6 lá duy nhất biểu thị yếu tố nhân vật trong bộ Major.
- 3 độc tương ứng nhóm 3 thiên văn: The Star, The Moon, The Sun
- 12 Nhân Duyên tương ứng nhóm 4 tác nhân và nhóm 6 tác nhân. Đây là nhóm các lá bài định danh là tên tác nhân.

Một điểm chú ý khác mà tôi nhắc ở đây là sự tương quan giữa lá The Wheel Of Fortune của hai truyền thống Tarot Waite và Tarot de Marseille. Tôi nhận thấy hình ảnh của Tarot de Marseille mô tả gần chính xác các yếu tố của LDLHD hơn Tarot Waite. Điều đó chứng tỏ nhận định lâu nay rằng Tarot de Marseille có tính chất hoàn chỉnh độc đáo cho dù được xây dựng từ thế kỷ 16. Quan sát hai lá Wheel of Fortune của cả 2 bộ, ở Tarot de Marseille, ta thấy số nan hoa trong vòng quay là 6 phù hợp với yếu tố lục đạo trong luân xa của LDLHD, trong khi Tarot Waite có 8 nan hoa. Điều đó phải chăng chứng tỏ sự ưu việt mang tính truyền thống của Tarot de Marseille ?  

3. Lục Đạo Luân Hồi Đồ và Tarot

Có 2 điểm chú ý. Một là tất cả những phân tích tarot bên dưới này, được phân tích theo hình ảnh của Tarot De Marseille, như đã dẫn lý do bên trên. Do vậy, sự tương thích hoàn toàn với bộ Tarot Waite là rất khó, cần có sự chuyển đổi linh động của người dùng, để đạt được ý nghĩa phù hợp. Bởi vì LDLHD mô tả những điểm khổ đau và xấu xa của lục đạo, cho nên ý nghĩa của nó trong Tarot sẽ ứng với các nghĩa xấu xa của lá bài. Tức là ở bài này, những yếu nghĩa mà tôi đưa ra chỉ tương thích với nghĩa xấu của lá bài mà thôi. Xin lưu ý kỹ lưỡng. Điểm thứ hai, vì yêu thích bộ Deviant Moon nên trong phần hình ảnh, đã sử dụng hình ảnh bộ Deviant Moon để minh họa trong hình. Bởi vì bộ Tarot de Marseille hay Tarot Waite cân bằng giữa yếu tố tốt-xấu nên sẽ khó nhận rõ khi minh họa cho LDLHD nói về 12 nhân duyên và lục đạo, vốn là những khổ đau và xấu xa của luân hồi. Vì vậy, sẽ thú vị và phù hợp hơn khi dùng Deviant Moon vốn khai thác bản chất xấu xa của con người trong Tarot, để minh họa cho hình vẽ. Tất nhiên, việc chuyển đổi qua các bộ bài khác là hoàn toàn có thể.

Tương ứng của Lục Đạo Luân Hồi Đồ trong Tarot. Minh hoạ bởi bộ Deviant Moon Tarot.

Ta bước vào từng thành phần để phân tích.

a. Tam Độc: Tham (gà), Sân (rắn), Si (heo) - The Star, The Sun, The Moon

Ở vòng tròn nhỏ trung tâm có vẽ 3 con gà, rắn, và heo đang cắn đuôi nhau. Ba động vật này lần lượt tượng trưng cho 3 loại phiền não lớn nhất gọi là tam độc bao gồm tham, sân và si. Chính tam độc này là nguyên nhân căn bản của lục đạo luân hồi. Tất cả chúng sinh khi đang ở trong luân hồi thì do tam độc mà nhận lãnh sinh tồn khổ đau. Nó tương ứng với 3 lá thiên văn trong Major Arcana

Tham chính là The Star, đã có còn muốn có thêm, ước vọng thêm hoài, không bao giờ dứt. Người phụ nữ cả 2 bình nước đều không muốn buông bỏ, bên nào cũng cố gắng giữ lấy, vì vậy mà nước cứ tràn chảy ra hoài. Chỉ vì tham mà không đặng được bên nào: bước xuống nước thì sợ mất bình phải, đi lên bờ thì sợ mất bình trái, vì vậy cứ dây dưa không thôi.

Si chính là The Moon, thứ không có được thì không vọng hão. Cứ cố chấp nhìn trăng đòi ước, mà không biết trăng xa vời vợi, vốn không thể có được. Cả đời ảo tưởng, sợ hãi bất tận, sợ không được nhìn thấy trăng nữa, cố chấp không đổi, không thể đổi dời, mãi mãi bất an.

Sân chính là The Sun, còn nhỏ hiếu thắng. Tuy tràn đầy sinh lực, nhưng lại bất an, vì lúc nào cũng mong đợi chiến thắng. Cả hai đều dùng lực, muốn tranh phần thắng thua. Không ai chịu nhường ai, mặc cho trời nắng đổ da. Sân hận đầy lắp, không thể dừng tay lại, đó là cái khổ của sân.

b. Luân Xa - The Wheel of Fortune (bánh xe số phận)

Luân xa là vòng tròn luân hồi, nơi mọi sinh vật tùy nghiệp của mình mà luân chuyển trong lục đạo. Lục đạo có 6 nẻo, bánh xe số phận có 6 nan; Lục đạo có tam độc, bánh xe có 3 quái vật; tam độc cắn đuôi nhau; ba quái vật đi theo nhau.

c. Lục Đạo: Là sáu nẻo luân hồi, bao gồm Thiên, Thần, Nhân, Súc, Địa, Quỷ.  Trong Major Arcana, nó tương ứng với bộ sáu nhân vật từ 0 đến 5: The Fool, The Magician, The Popess, The Pope, The Empress, The Emperor. Ý nghĩa của 6 lá này cần chuyển dịch theo nghĩa tiêu cực để diễn tả chính xác 6 nẻo luân hồi, và ngược lại, nghĩa của 5 nẻo cần chuyển dịch ít nhiều cho phù hợp với 6 lá bài.

Thiên: Các thánh ở cõi thiên nhìn qua thì thấy là một sinh tồn hạnh phúc nhất trong lục đạo. Tuy nhiên, cũng chính vì bọn họ được tô vẽ bởi những đặc tính ưu việt nên dễ dàng rơi vô mạn tâm [lòng ngạo mạn], không muốn quay lại với khổ đau luân hồi nhưng kết quả vẫn cứ lang thang trong lục đạo. Thiên chính là The Pope, là những thánh mang trong mình sự ưu việt và  mang niềm tin tối tượng nhưng ngạo mạn, tuy ưu việt nhưng vẫn không thể thoát khỏi niềm kiêu hãnh của chính mình.

Thần: Các thần tuy có thần lực, nhưng thua kém các Thiên, nên lúc nào họ cũng thèm thuồng thần thuật, lúc nào cũng ganh tỵ với các Thiên, có tâm ghen ghét đố kỵ rất nặng, không có sự bình an. Thần chính là The Popess, là những thần mang trong mình thần thuật, nhưng lúc nào cũng thèm thuồng thần phép, không thỏa mãn với bản thân nên lúc nào cũng đau khổ.

Nhân: Nhân là con người, khờ dại dễ sa ngã. Đó là chúng nhân không thông suốt, luôn làm điều xằng bậy, ngu ngốc. Nhân chính là The Fool, là những người tôn thờ sự ngu ngốc và điên rồ không bao giờ dứt.

Súc: Súc là động vật, ngây thơ và ngu ngốc. Đó là chúng lười biếng và ỉ lại vào những tạo vật khác, những tích cách rất đặc trưng tiêu cực của The Empress.

Địa: Địa là nói tắt của địa ngục. Là ngục hình để nhốt cái tâm (hay gọi là thần thức, là linh hồn) của chính mình vào trong cái ngục tù đó mà tự thọ nạn lấy. Là đại địa vì hầu hết địa ngục đều bám vào các cõi dưới đất, cho nên gọi là “Địa ngục”. Là chúng giới tham lam những cái tầm thường, lạc trong cái xấu xa của bản thân, bị cái xấu xa đó xúi giục. Biểu hiện của nó phù hợp với The Emperor, thuộc về sự tham lam vật chất bên ngoài.

Quỷ: Là ngạ quỷ, những tạo vật ác độc luôn bị đói khổ vì bản ngã của bản thân. Nó không còn là sự tham lam vật chất bên ngoài mà trở thành sự đòi hỏi ở bên trong, sự phụ thuộc vào cái tôi tàn độc của bản thân. Nó gắng liền với The Magician, một sự thèm thuồng phục vụ cho bản ngã, cho cái tôi xấu xa.

d. Thập Nhị Nhân Duyên - 12 lá còn lại. 

Ngay từ đầu sẽ thật hữu lý khi gáng 12 nhân duyên này cho 12 cung hoàng đạo được xác lập trên Major Arcana. Nhưng khi ráp lại để tìm nghĩa thì cảm thấy không phù hợp. Dựa trên cơ sở tách theo lý thuyết cánh quạt ở vị trí 11, ta lọc lại được lá còn lại: 

Việc xếp vào 12 nhân duyên là công việc đòi hỏi sự hiểu biết về biên độ nghĩa của lá bài, sự cải biến và các ý nghĩa theo các trường phái khác nhau, cũng như sự tương thích với các yếu tố phật giáo, vốn không dễ dàng. Dành hẳn một tuần để đọc lại các khái niệm phật giáo của lý thuyết thập nhị nhân duyên, sự phân tách khác biệt giữa các phái Nam Bắc Tông, Thiền Tông, Trung Quán và Mật Tông để có sự hiểu biết tương đối trọn vẹn về vấn đề này. Tôi có tham khảo cuốn Pháp Duyên Khởi của Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw dịch bởi Tỳ kheo Minh Huệ, coi đây là tài liệu căn bản cho việc sắp xếp này. Việc phân tách các nhóm này, tuỳ thuộc vào các phân tách các nhóm nhập nhị nhân duyên, dựa các phép quán như phép quán lưu chuyển, phép quán tam thế, phép quán duyên khởi (sanh khởi), phép quán duyên diệt (diệt hoàn). Ở bài này không tiện trích dẫn ra. Các phần giải thích 12 duyên này được góp lại từ các bài giảng [1] [2]. Đọc giả có thể theo vào để tham hiểu thêm. Chú ý là ở đây, tôi từ chối sử dụng ý nghĩa và lý luận của thập nhị nhân duyên theo Thiền Tông vì Thiền Tông vốn coi thập nhị nhân duyên độc lập nhau, so sánh với cấu trúc cần có để diễn giải 12 lá bài, thiếu đi sự hợp lý nhất định. Tương tự như vậy, tôi không dùng phép quán duyên diệt để giải nghãi cho sự hợp lý của 12 nhân duyên này. Dù biết vạn pháp chỉ một, nhưng trong lối diễn giải cho thật dễ hiểu tường tận, không thể không loại trừ những phép làm rối đi sự tương hợp của cả hai.

1. Bà lão mù = vô minh. Không hiểu biết đạo lý Tứ đế và Duyên khởi. Vô tri. Vô minh là không sáng suốt, là mề lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết tất cả sự vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu diệt, dầu năng, dầu sở, dầu có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, do nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì không biết như thế, nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân, thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng. Cái vô minh nó thể hiện ở The Hermit. Vì sao lại The Hermit ?, vì đây là lá bài nói về minh triết, con mắt mù của tu sĩ thể hiện sự minh triết giả và cũng đồng thời thể hiện sự vô minh. Hình ảnh của The hermit là lá bài duy nhất thể hiện được ý nghĩa của vô minh.

2. Nghệ nhân làm gốm = hành. Ba nghiệp thân / ngữ / ý. Ý chí thiện ác. Nghiệp hình thành. Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sanh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo. Cái hành được thể hiện ở The Strengh. Vì sao lại The Strengh ?, vì đây thể hiện rõ tạo tác của hành động, nó là lá duy nhất biểu hiện sự hành động trong ác nghiệp.

3. Con khỉ đang chuyền qua các cửa sổ của một ngôi nhà = thức. Tác dụng phán đoán nhận thức [từ nhãn thức đến ý thức]. Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác. Thức thể hiện ở Devil. Vì sao là lá The Devil ? vì đây thì tâm ác hình thành, nếu như hành thúc đẩy bởi cái tâm ác, thì cái ý thức của ác được hiển hiện ở đây, chỉ duy nhất trong lá The Devil. Tôi nghĩ khá nhiều bạn sẽ nhầm khi cho rằng Thức sẽ thể hiện đúng hơn ở lá The Justice. Cẩn thận vì ý nghĩa của từ trong thập nhị nhân duyên có thể gây lầm lẫn, nếu không chịu xâu chuỗi ý nghĩa của toàn bộ thập nhị nhân duyên thành một chu trình hoàn chỉnh.

4. Hai người đàn ông đi trên thuyền = danh sắc. Đối tượng của thức à lục cảnh [sắc / thanh / hương / vị / xúc / pháp]. Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh; Danh, bao gồm nhwnxgc ái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy. Danh sắc thể hiện ở The Chariot. Vì sao lại The Chariot, vì ở lá này có sự chọn lựa của nghiệp, như hai ngựa trắng đen hai lối khác nhau. Lá này ít nhiều có sự nhầm lẫn với duyên Thụ (số 9). Thụ là sự chọn lựa khi đã có thân cảnh, thấy sự vật đều thực vì vậy là chấp vào đó để lựa chọn. Nó gắng liền với The World có tính vật chất. Còn ở Danh Sắc là sự lựa chọn bởi nghiệp báo mà sinh ra, như sự tự biết, sự "tự nó thế". Cần chú ý đến cả hình ảnh hai ngựa đại diện cho Danh và Sắc vốn lại cùng một người cưỡi điều khiển (tức là nghiệp) trong lá The Chariot, hoàn toàn tương thích với ý nghĩa của Danh Sắc.

5. Ngôi nhà có 6 cửa sổ = lục xứ. Lục nhập / lục căn à năng lực cảm giác và tri giác. Mắt / tai / mũi / lưỡi / thân / ý. Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần. Lục xứ thể hiện ở The Tower. Vì sao lại The Tower ? Vì bắt đầu từ đây, thế giới vật chất xuất hiện, thông qua lục căn. Chính tại đây cái có, cái còn xuất hiện và cái mất xuất hiện. The Tower với sự trải nghiệm của nó với mất mát và sở hữu, thể hiện rõ ý tưởng này. Hình ảnh hai người rơi khỏi bảo tháp (thân tâm) chính là cảm giác và tri giác.

6. Nam nữ đang giao hợp = xúc. Sự hòa hợp của 3 thứ căn-cảnh-thức. Tiếp xúc. Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc. Xúc thể hiện ở The Lovers. Vì sao lại là The Lovers? Vì trong lá này, hình ảnh tiêu biểu nhất là sự giao hợp nam - nữ được đề cao. Trong lá The Lovers, những mối dây quan hệ được sinh ra, xác lập (hình ảnh người làm chứng hôn lễ). Ba người trong lá bài chính là căn- cảnh- thức. Hai người hai bên là Căn và Cảnh, tức là bản thân và đối tượng quan hệ của bản thân (tức là thế giới). Vị thần trên cao chính là Thức, cầu nối giữa 2 bên căn và cảnh, nguồn gốc của Thụ về sau.

7. Người đàn ông bị tên đâm vào mắt = thụ. Khổ / lạc [bất khổ / bất lạc]. Tác dụng cảm thụ. Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ. Thụ hay thọ thể hiện ở The Temperance. Vì sao lại là Temperance, vì trong lá này, sự cảm thụ bản thân được đề cao. The Temperance là sự biểu hiện của đấu tranh nội tâm, trong sự cảm thục cái khổ và lạc. Hình ảnh hai bình nước chính là khổ và lạc, biến đổi lẫn nhau, thay thế nhau trong Thụ.

8. Người đàn ông đang uống rượu = ái. Ham muốn mạnh mẽ [khát ái]. Ý nghĩ yêu ghét đối với cái thụ khổ lạc.  Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết. Ái thể hiện ở The Hanged Man. Vì sao lại là The Hanged man ? Nghe về duyên này có từ Ái, nhiều người nghĩ duyên này nên gáng cho The Lovers, thực không phải vậy. Ý của ái chính là lòng ham muốn dẫn đến sự phụ thuộc, trói buộc với cảnh và thân. Sự trói buộc này cũng có thể lầm lẫn cho rằng gắng liền với duyên Thức (số 3), tức là gáng The Hanged man cho Thức, cũng không phải. Sự trói buộc này là trói buộc với cảnh, thân: tức là lục uẩn, xúc và thụ. The Hanged man cũng bị trói buộc trong 7 điều xấu xa (vốn tương đương với lục uẩn và xúc) ở bảy nút áo.  
Bảy tội lỗi của con người được nêu ra kèm với tên con quỷ, theo Thiên Chúa Giáo và tương ứng với Lục uẩn và xúc như sau:
-Lucifer - tội kiêu ngạo - tai chỉ ưa lời thuận, không thích lời ngược, chỉ muốn xu nịnh, bợ đỡ
-Mammon - tội hà tiện - mũi chỉ ngửu được ít, nhưng không thích nhiều, khư khư giữ lấy cảm vị riêng
-Asmodeus - tội dâm dục - xúc chỉ muốn va chạm tình dục, không chịu ràng buộc
-Satan - tội hờn giận, thù hằn - ý chỉ muốn hờn hận, không thích vị tha
-Beelzebub - tội mê ăn uống - miệng chỉ ưa đồ ngon ngọt, tham lam ăn hết vào mình
-Leviathan - tội ghen ghét, đố kỵ - ứng với nhãn căn: mắt chỉ thích nhìn cái của mình, ghét người khác có nhiều hơn hơn
-Belphegor - tội lười biếng - thân chỉ mún nằm yên, không thích ngồi dậy hoạt động.

9. Con khỉ đang hái quả = thu. Hành vi chọn lựa lấy bỏ dựa vào thân / ngữ. Chấp trước. Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ. Thủ hay thụ thể hiện ở The World. Vì sao lại The World, là vì duyên này ứng với hình trạng thực tại, thấy rõ thật mà không biết hư huyễn. Chấp vào cái bên phải bên trái, bên trên bên dưới, khác nhau do hình tướng bên ngoài tạo nên ảnh tượng (giữa chim, thú ăn thịt, thú ăn cỏ, thần) mà không biết hư huyễn mới là sự thật.

10. Người đàn bà mang thai = hữu. Tồn tại có tính hiện tượng. Tồn tại như là tính cách / nhân cách. Sinh tồn. Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu. Hữu thể hiện ở The Justice. Vì sao lại là The Justice, vì có tính tồn tại nên có tính phân biệt: giữa đúng sai, còn mất, có không. Do chấp trước nên bám theo sự phân định đó mà lầm. Trong hình tượng The Justice, kiếm chính là dục hữu, hai bên cán cân là sắc hữu và vô sắc hữu.

11. Người đàn bà đang sinh con = sinh. Kinh nghiệm sinh ra từ tính cách / nhân cách. Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống. Sinh thể hiện ở The Judgement. Vì sao lại là The Judgement ? Là vì ở lá này có sự tái sinh, nhận thức thấy có sinh, tưởng là được có, thật ra lại hư huyễn. Theo đó tuần hoàn do duyên khởi kéo dài mãi không dứt được.

12. Người đang vác trên vai xác chết = lão tử. Mọi khổ não trong ba giới luân hồi đều có nguyên nhân là nghiệp và phiền não của vô minh và khát ái. Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết. Lão tử thể hiện ở The Death. Vì sao lại là The Death, vì đây là chấm dứt, là sự kết thúc của  thân xác, nhưng lại không phải kết thúc của Vô Minh.


Ghi chú:

[1] Mười hai nhân duyên được trích đầy đủ nhất trong kinh Tương Ưng Bộ II (Samyutta Nikàya), Ðức Phật đã thuyết minh vềDuyên khởi như sau: "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khỗ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi".[...].  "Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; ...; do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khỗ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khỗ uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt".

[2] Bài giảng Thập Nhị Nhân Duyên của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa.
 http://www.tangthuphathoc.net/phatdan/thapnhinhanduyen.htm

[3] Bài giảng Thập Nhị Nhân Duyên của Hoà Thượng Thích Tâm Hải. 
http://cusi.free.fr/coban/pht0056.htm

Phillippe NGO, tác giả Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu tarot tại Pháp.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Lục Đạo Luân Hồi Đồ và Tarot" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ