Biểu Tượng Cây Trong Tarot


Cây Sư Sống trong một bản thảo cổ.
Chúng ta đều biết rằng cây là một biểu tượng khá phổ biến được sử dụng trong đó có tôn giáo và đặc biệt là trong tarot. Trong văn hóa celtic có Great Oak với các tán cây có thể che khuất đến một nghìn người, hay trong kinh thánh có cây tri thức được thiên chúa trồng trong vườn địa đàng, hay cây sồi vĩ đại Yggdrasil được đề cập đến trong văn hóa của người Bắc Âu. Hiện tại trong tarot, yết tìm được hai loại cây có ý nghĩa khá hay được vẽ trong deck Rider Waite tarot là cây tri thức ( tree of knowledge) và cây sự sống ( Tree of life )


Nhắc đến cây tri thức thì trên thế giới có rất nhiều loại cây tri thức nhưng nổi tiếng nhất là cây bồ đề được nhắc đến trong phật giáo. Tương truyền, Đức phật đã thiền định 49 ngày và giác ngộ ra giáo lý nhà phật khi ngồi dưới gốc cây bồ đề. Chính vì vậy, các tín đồ phật giáo gắn cây bồ đề với sự khai sáng, sự giác ngộ. Trước đây tôi có đọc một bài báo nói rằng các nhà sư, các nhà hiền triết của phật giáo còn ngồi dưới gốc cây bồ đề để rao giảng cho các tín đồ. Thậm chí người ta còn cho phép ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề ở Bodh Gaya – nơi được người ta cho là Đức phật đã giác ngộ giáo lý nhà phật. Quay lại với tarot, Cây tri thức được nhắc đến trong tarot là cây tri thức trong vườn Eden ( vườn địa đàng) được nhắc đến trong Kinh thánh. Nó là cái cây đằng sau lung Eva và có con rắn quấn xung quanh trong lá The Lover. Tree of knowledge có năm quả đại diện cho năm giác quan, đại diện cho sự hiểu biết và lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu. Điều này làm Yết nghĩ đến Maya – huyễn cảnh, Maya không có nghĩa rằng thế giới là một ảo giác, như có nhiều người nói sai. Cái ảo giác chỉ nằm trong cách nhìn, khi chúng ta tưởng rằng, hình dạng và cơ cấu của sự vật và biến cố quanh ta là thực tại thực sự, thay vì nhận thức rằng chúng chỉ là khái niệm của đầu óc đo lường và phân biệt của chúng ta. Maya là ảo giác nếu tưởng khái niệm là thực tại, nếu ta nhầm bản đồ một vùng đất là bản thân vùng đất thật. ( một vài bí ẩn đằng sau chuyện này có lẽ sẽ để dành khi tôi thất tình, tôi sẽ viết về lá The Lover)



Cái cây thứ hai được nhắc đến là cây sự sống. The tree of life là cây đằng sau Adam trong lá The Lover. The tree of life có mười hai nhánh đại diện cho mười hai cung hoàng đạo , đại diện cho những quyết định, những lựa chọn, những gì chúng ta phải chọn lựa, phải nhận lấy trong suốt cuộc sống của mình. Cái này có liên quan tới Moh – chính là những thứ ta đam mê, ta bị hấp dẫn trong cuộc sống vật chất. Cây sự sống này khác với tree of life trong văn hóa Kababla. Tree of life trong văn hóa Kababla nôm na diễn tả toàn bộ những quan niệm mang tính triết lý về sự sáng tạo của vũ trụ, cách thức mà năng lượng từ vũ trụ tác động đến con người thông qua hai mươi hai con đường và mười sephiroth, miêu tả những cấp độ nhận thức của con người.


Dù là loại cây nào đi nữa thì chúng đều có một phần ý nghĩa chúng. Cây có bộ rễ được cắm vào mặt đất và phát triển, vươn lên trời. Đây là biểu tượng của một sự kết nối –kết nối giữa bầu trời và mặt đất, kết nối của vũ trụ với con người. Nếu diễn đạt một cách văn hoa thì nó thể hiện nội lực tiềm tàng mỗi chúng ta đang không ngừng vươn lên để khẳng định bản thân đối với thế giới. Khả năng phục hồi lại sau tổn thương và sự sống trường tồn, tính liên tục phát triển cũng được đưa vào trong tarot. Ví dụ cây thường xuân đại diện cho sự bất tử, sự lâu dài của đối tượng mà querent nhắc đến như công việc, hôn nhân bla bla bla.

Ngoài ra, với mỗi bộ phận của cây sẽ lại có một ý nghĩa riêng khác biệt như hạt giống – biểu tượng cho cơ hội để nuổi dưỡng hay hoa quả - đại diện cho sự đơm hoa, kết trái, thành quả của lao động, bla bla bla

Xin dẫn chứng ra một vài ví dụ bốn lá có sự xuất hiện của cây trong deck Rider Waite tarot.

Đầu tiên, chúng ta đến với vai trò của cây trong lá Four of Cups. Nhiều người cho rằng cái cây đằng sau lưng người đàn ông này là cây tri thức (“ tree of knowledge” ) nhưng yết không thấy nó có quả. Dù có hay không thì điều này cũng không làm thay đổi ý nghĩa của cây trong lá four of cups cho lắm. Số bốn nhắc chúng ta nhớ đến lá Emperor, nhớ đến kiểu cách của Emperor. Với con số 4 và emperor, nó chính là kiểu cách về tính ổn định, trật tự và bền vững. Như vậy, mặt tiêu cực của nó chính là từ chối sự thay đổi, bảo thủ. Điều này bạn có thể chứng minh qua phép tính: IV = III + I = II + II = II * II. Số hai đại diện cho sự cân bằng. Dù là số hai hòa nhập với nhau ( phép II + II) hay tự thăng cấp cho nhau ( II * II) thì đều bằng bốn. Hai sự cân bằng này tạo nên sự bền vững với bất kỳ sự tăng tiến nào như phép nhân hay phép cộng. Vậy còn phép IV = III + I. Đây chính là ý nghĩa của mặt tiêu cực. Số ba là kết quả của số một và số hai, kết quả của một thứ với cái đối lập với nó. Như vậy số ba là sự sáng tạo, là kết quả. Trong khi đó số một là sự độc lập, là nguồn năng lượng ban đầu, thuần khiết nhất, mạnh mẽ nhất và cội nguồn của mọi hành động. Nếu diễn đạt một cách dễ hiểu thì nó chính là thứ nhen nhóm trong đầu chúng ta trước khi thực hiện một dự định hay một hành vi. Như vậy, rất khó để kết hợp giữa thành quả của cái ta đang có ( số ba ) và một dự định mới, ý tưởng mới, năng lượng mới ( số một) mà chính xác hơn, nó là sự lựa chọn. Bốn chiếc ly xuất hiện trước mặt người đàn ông là ba chiếc ly – tượng trưng cho sự hấp dẫn, thu hút của thế giới đối với anh ta – còn chiếc con lại xuất hiện từ bên trong đám mây ra – đại diện cho sự thu hút mới, cơ hội mới. Và do đó, anh ta phải lựa chọn, đưa ra quyết định cho tương lai của mình bên dưới cái cây. Như đã nói ở trên, cái cây tri thức ( tree of knowledge) đại diện cho sự hiểu biết và lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu. Có vẻ như giả thuyết về cái cây trong lá Four of Cups khá đúng. Vai trò của cái cây trong lá này là nơi nghỉ ngơi, là nơi để ta suy ngẫm về sự lựa chọn mà thế giới mang lại, giữa thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ tốt đẹp và một lời mời chào mới.

Cây Tri Thức trong mô típ Adam và Eva
Tiếp theo, chúng ta đến với vai trò của cây trong lá The Hanged Man. Cây trong lá The Hanged Man không hẳn là cái cây theo đúng nghĩa. Nó là chiếc giá treo được làm bằng gỗ. Ý nghĩa của giá treo bằng gỗ này là sự trói buộc của ngoại cảnh thực tại vào con người. Sự trói buộc của ngoại cảnh đại diện cho tính bị động của sự trói buộc. Chính sự chói buộc này cùng với biểu tượng chân bắt chéo ( chân trái duỗi, chân phải co) và tay bị trói đã tạo nên tiền đề chính cho sự giác ngộ được nhắc đến trong lá The Hanged Man. Sự giác ngộ ở đây cũng có điểm giống với việc thiền định dưới gốc cây bồ đề của đức phật, nhận ra giáo lý nhà Phật hay là hình ảnh thần Odin tự găm mình lên cây thần Yggdrassil, treo ngược mình lên trong chín ngày và nhận ra chữ rune trên mặt đất, thấu hiểu chúng, ban tặng chúng cho con người.

Những hành động trên đều dẫn ta đến một vài keyword căn bản như sacrifice, illumination,change bla bla bla. Sự trói buộc mang tính níu lại những gì ta chưa sẵn sàng để từ bỏ. Những trói buộc mang tính chủ động hay bị động cũng đã tạo tiền đề cho việc vứt bỏ đi những gì tầm thường mà trước đây ta coi là quý giá, hướng ta quay trở lại con đường phát triển tâm linh thật sự, vươn tới mục đích cao hơn, nhận ra sự thật về chúng ta, chúng ta cần gì, nhận ra mục đích sống của đời mình. Và yết nghĩ đây cũng là lý do nhân vật trong lá The Hanged Man lại được tác giả vẽ khuôn mặt thỏa mãn. Thỏa mãn vì đạt được thành quả, chúng ta có thể được lý giải thông qua phép cộng: I + II = III. Số một hòa trộn với số hai để tạo nên một thành quả của riêng nó. Hay diễn giải theo cách khác là nó phải học cách chấp nhận hoặc vượt qua cái đối lập với nó để tạo nên một thành quả mới ( số ba). Ngoài ra nếu ta chú ý thì số một được gắn với mặt trời còn số 2 được gắn với mặt trăng. Tính chinh phục và khám phá của mặt trời đã hướng về phía trong, về những bí mật, những gì huyền bí của mặt trăng và tạo nên một góc nhìn mới, một nhận thứ mới, một tầm tư duy mới khác biệt hơn ban đầu. Trong một bài viết của bạn Bé Béo có đoạn rất đề cập đến ý nghĩa của tính trói buộc của ngoại cảnh như sau: “Tình cảm và lý trí con người luôn bị cuốn vào sự đấu tranh giữa bản tính Thiện và Ác trong tâm hồn nên Hanged Man báo hiệu những khó khăn, thử thách, thậm chí là sự mất mát, nguy hiểm khó lường trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi vượt qua, khả năng nhận xét, đánh giá bản thân cũng như đút kết kinh nghiệm sẽ phát triển; ta sẽ tiến gần hơn với tiểu vũ trụ của mình, biết được những điều mà tâm hồn chúng ta thật sự mong mỏi. Hay nói cách khác, dần dần, ta sẽ nhận ra được mục đích sống của đời mình.”

Tiếp đó, chúng ta tìm hiểu đến vai trò của cây trong lá The Lover. Đây có lẽ là lá bài thể hiện rõ nhất vai trò của những cái cây. Nó mang cả cây tri thức và cây sự sống. Câu truyện giữa Adam và Eva, quả táo và lời dụ dỗ của con rắn. Như đã nói ở trên, cái cây với năm quả đằng sau Eva là cây tri thức – nó đại diện cho sự hiểu biết, sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu. Con rắn trong tarot cũng như trong kinh thánh gắn với sự khôn ngoan và cám dỗ. Hình ảnh con rắn quấn quanh thân cây nếu theo truyện thì chính xác nhưng ý nghĩa ở đây, trong lá The Lover, nó mang hàm nghĩa về sự thu hút lẫn nhau bằng những gì các giác quan chúng ta mang lại, với toàn bộ hiểu biết. Tính lựa chọn trong đây đã được nâng cao hơn rất nhiều. Sự cám dỗ, thu hút nhau được gắn chặt với sự lựa chọn của bản thân. Ngoài ra, theo câu truyện được nhắc đến trong Kinh thánh về Adam và Eva thì trái của cây tri thức là trái táo. Táo là biểu tượng của sự xúi dục, cám dỗ.

Trong khi đó ở bên còn lại, đằng sau lưng Adam là cây sự sống (tree of life). Cây sự sống đại diện cho sự lựa chọn giữa tốt và xấu. Nếu để ý kĩ thì mỗi đầu của một nhánh đều có ngọn lửa. Cây sự sống này đang cháy. Đồng nghĩa với việc sự lựa chọn ở đây có dính tới niềm đam mê, động lực thực hiện. Chính vì thế tính lựa chọn trong cây sự sống được đưa lên một mức cao hơn, nó là sự phát triển về nhận thức đối với những thứ ta quyết định theo đuổi, bất chấp mọi thứ sau này nó sẽ mang lại cho ta, dù tốt hay xấu, ta có động lực để thực hiện nó. Nhìn chung thì cả hai cái cây cũng trao cho ta bài học đắt giá của cuộc sống, bài học về sự chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Theo Ấn độ giáo thì muốn thoát khỏi ảo giác, khỏi sự ràng buộc đó, ta phải nhận thức rằng những gì giác quan chúng ta mang lại đều có gắn tính chủ quan của cá nhân và cần phải gỡ bỏ tính chủ quan đó, trong đó có sự cám dỗ. Nếu querent rút được lá bài này trong một case về mối quan hệ, có thể mối quan hệ này sẽ có “ kết quả” ( cái cây đằng sau lưng người phụ nữ tạo ra quả đó. ). Còn các biểu tượng về sự khỏa thân, thiên sứ và sự liên hệ giữa lá này và cung Song Tử sẽ được yết viết trong các bài sau.

Và cuối cùng chúng ta đến với ý nghĩa của cái cây trong lá High Priestess. Nhiều người thắc mắc là cây nằm ở đâu? Nếu ai đọc bài viết của anh Phil Ngo về biểu tượng trong lá High Priestess thì sẽ biết được trong lá High Priestess có biểu tượng của tree of life trong văn hóa Kababla. Như đã nói ở trên, Tree of life của văn hóa Kababla nôm na diễn tả toàn bộ những quan niệm mang tính triết lý về sự sáng tạo của vũ trụ, cách thức mà năng lượng từ vũ trụ tác động đến con người thông qua 22 con đường và 10 sephiroth, miêu tả những cấp độ nhận thức của con người.

Sơ đồ biểu diễn hình ảnh tree of life được ông Waite mô tả khá cầu kỳ. 7 quả lựu đại diện cho các sephiroth thứ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Mặt trăng ở dưới chân đại diện cho sephiroth thứ mười. Cuộn giấy Tora nằm trong lòng nhân vật High Priestess được biểu thị cho sephiroth thứ 9. Dấu chữ thập trên ngực đại diện cho sephiroth thứ 6 và cuối cùng là quả cầu trên mũ đại diện cho sephiroth thứ mười một. Hình ảnh mặt nước phía sau bức mành tương ứng với đường biên Veil of Parakeeth. Trong tree of life của Kababla thì Veil of parakeeth chính là ranh giới của những gì chúng ta có thể nhận thức và những thứ chúng ta không thể nhận thức. Nó phân tách giữa tam giác đạo đức ( ethical triangle) và tam giác chiêm tinh ( astral triangle).

Chính vì thế nên nếu dành một lá bài nói về tarot reader thì nó chính là High Priestess. Người nắm giữ các tri thức bí mật, năng lực tâm linh và trực giác. Nhưng ở đoạn này chúng ta nên hiểu rõ vấn đề, High Priestess không phải là kẻ tạo nên tri thức đó, bà ta chỉ lĩnh hội nó và có khả năng sử dụng nó. High Priestess giống như cây cầu nối, một cánh cổng đặt giữa thế giới vật chất bên ngoài và thế giới tâm linh. Ngoài ra có một điều khá thú vị trong case mà querent lại có đại diện là lá này thì rất có khả năng querent sẽ khám phá ra điều bí mật nào đó mà mình đã bỏ quên từ lâu. Lời khuyên lúc đó nếu phù hợp với các lá xung quanh thì nên là hãy tìm lại những tài liệu, những văn bản, những thứ đã bị bạn bỏ rơi bám bụi và xem xét lại đi. Bí mật rất có thể sẽ được hé lộ. Ngoài ra ở đây chúng ta có biểu tượng quả lựu. Theo một số nguồn thông tin tôi tìm được thì quả lựu là biểu tượng của hôn nhân nhưng điều này có vẻ không được sử dụng phổ biến trong tarot cho lắm. Biểu tượng quả lựu trong lá The High Priestess được coi là biểu tượng của sự sùng tín và tiên tri, biểu tượng của những tri thức huyền bí được ẩn giấu. Nhưng ở đây quả lựu đã bị mất một ít và để lộ ra một ít ruột bên trong. Điều này có nghĩa là tri thức đang được hé lộ ra, đang được khám phá. Tất nhiên theo như đề cập bên trên thì có những thứ chúng ta không thể nhận thức. Đó chính là lý do mà quả lựu được vẽ chỉ có một nửa. Nếu mọi người chịu khó lục lại bài viết của anh Phil Ngo về biểu tượng trong lá High Priestess trong Waite tarot thì sẽ thấy được rõ nét hơn ý nghĩa của tree of life trong lá The High Priestess.
Tiểu Yết Yết, thành viên Tarot Huyền Bí, một thành viên rất nghiên túc trong việc tìm hiểu bí ẩn của Tarot. Bài viết đoạt giải Best Tarot Writer tháng 03.2014.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Biểu Tượng Cây Trong Tarot" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ