Tiếp Cận Trải Bài Ba Lá Bằng Phương Pháp Số Học


Phần I: Giới thiệu

Trong số các bạn chắc ai cũng từng nghe về trải bài 3 lá. Được xem là một trải bài cơ bản, ít tốn thời gian và cũng dễ dàng trong việc giải nghĩa. Và chỉ với 3 lá thì đây có lẽ là trải bài với số lượng lá bài ít nhất. 

Trong trải bài 3 lá, thông thường nghĩa sẽ được cô đọng và sâu sắc. Ngoài ra hạn chế về số lượng vị trí nên lượng thông tin mà trải đưa đến sẽ thường không chi tiết bằng những trải khác. Tuy nhiên không vì lí do này mà giảm đi khả năng cũng như sự hiệu quả. Ngược lại trải đem đến những kết quả, những vấn đề một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất. Lúc đó, hầu như ai cũng có thể thấy được, đọc được, nhận ra được những vấn đề mà trải đang thể hiện. 

Sau đây là một vài lí do mà mọi người chọn sử dụng trải bài khác thay vì trải ba lá:
1 – Mỗi trải bài đều có những cái hay riêng. Nên mỗi người sẽ chọn tùy vào cách sử dụng, cũng như yêu cầu, câu hỏi, thói quen, …
2 – Các bạn vẫn hơi cứng nhắc khi sử dụng trải (thường gặp ở người mới) và cứng nhắc ở đây chính là thiếu sự liên kết của các lá bài trong trải. 

Trong một trải bài, bằng cách này hay cách khác các lá bài đều mang tính chất bổ sung, kế thừa, ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì việc các bạn chưa nhận ra điều này hay vẫn chưa suy nghĩ đến trong lúc giải bài, nên các bạn thường sẽ nghĩ đến các trải chi tiết hơn hay bốc thêm lá bổ trợ. Việc này sẽ dễ làm mọi thứ phức tạp hơn, rắc rối hơn cùng với số lượng lá bài tăng lên. Vậy tại sao các bạn không thử giải trải ba lá theo một cách khác.

Đó là lí do mình viết bài này. Mình vốn không phải là một reader nghiên cứu. Trong quá trình sử dụng bài với trải ba lá, mình đã tự tìm ra được những mối liên kết nhất định. Dần dần thành một hệ thống của riêng bản thân. Mình chia sẻ lên đây với mong muốn được chia sẻ góc nhìn của mình. Hy vọng nó giúp được các bạn ở một phương diện nào đó, dù nhỏ thôi mình cũng thấy vui.

Tiếp sau đây là những quan điểm cá nhân cũng như luận giải của mình về trải ba lá. Mang nặng tính chất cá nhân và mình cũng sẵn sang nhận góp ý lẫn học hỏi. 

Phần II: Cách thức hình thành phương pháp

Đầu tiên mình xin nhắc lại các kiểu vị trí trong trải 3 lá thường gặp và bạn có thể tạo ra vô số cái khác nữa: 2 cái mình hay được nghe nhất là:

Quá khứ - Hiện Tại – Tương Lai
Ngữ cảnh – Trọng tâm – Kết quả

Còn rất nhiều các kiểu khác nữa bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết này. Mình thấy khá hay và bổ ích: Các bạn có thể đọc thêm ở link nằm cuối bài viết.

Những vị trí này chính là cái hình thành nên những cơ sở của mình. Nếu bạn chỉ sử dụng một cách cứng nhắc thì bạn sẽ được 3 lá bài với 3 nhóm nghĩa tương ứng. Liên kết các lá với nhau sẽ được nhiều hơn. Bạn có từng nghĩ sẽ dùng logic vào để giải chưa nó sẽ đem đến nhiều thông tin hơn nữa đấy. Và đây là cách hình thành phương pháp của mình. Những logic mình nói ở đây đều nằm trong cuộc sống hằng ngày.

Bạn đã từng nghe câu: “Đừng bao giờ quên đi quá khứ và chính nó đã tạo ra bạn ngày hôm nay”. Hay “Những nỗ lực ở hiện tại sẽ tạo nên thành công trong tương lai”. Qua hai câu này bạn có thể hiểu quá khứ - hiện tại – tương lai đều có liên quan đến nhau. Và hiểu đơn giản nhất là quá khứ tạo nên hiện tại và hiện tại xây dựng tương lai. Ba yếu tố này không thể thiếu cái nào và thêm cái nào cả. Tương tự nếu với hoàn cảnh – trọng tâm – kết quả thì sẽ như thế nào. Hoàn cảnh đại diện những cái đang có, trọng tâm đại diện những điều quan trọng (những cái bạn còn thiếu, cần làm), và kết quả là những điều bạn muốn. Vậy sự kết hợp của: 
Hoàn cảnh + Trọng tâm (cần thực hiện, chú ý) = Kết quả

Và sao giờ không nghĩ thêm: ví dụ như 
Thông minh (sẵn có) + chăm chỉ (nỗ lực, cố gắng) = học giỏi (kết quả)

Ta cũng có thể áp dụng một chút toán học để đa dạng hơn xem sao: 
Kết quả - Hoàn cảnh = Trọng tâm (cần thực hiện, chú ý)
Học giỏi – thông minh = chăm chỉ.
Tương lai – Quá khứ = Hiện tại (Trong 1 phạm vi nào đó)
Kết quả - Hoàn cảnh = Trọng tâm (Những cái bạn đã tập trung là gì để đat được thành công đó , kết quả đó)

Điều này cho thấy kết quả bạn đạt được – ngữ cảnh (những gì bạn có) thì sẽ suy ra được bạn sẽ làm điều gì và trọng tâm ở là gì. 

Ví dụ: Để thi đậu khối A bạn cần học giỏi toán, lý và hóa. Hiện tại bạn đã học giỏi toán, lý vậy sau khi trừ ra ta sẽ hiểu trọng tâm của bạn là tập trung thêm vào môn hóa.

Và nếu những yếu tố được gán với phép toán như thế này thì ai cũng hiểu, Khi một yếu tố bất kỳ thay đổi cũng sẽ kéo theo sự thay đổi của các yếu tố khác để đảm bảo cho sự cân bằng. Nếu một vấn đề thiếu sự cân bằng thì thường sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát. Lúc đó vấn đề sẽ không còn chỉ phụ thuộc vào bản thân hay sự cố gắng, trọng tâm nữa.

Phần III: Nội dung chính của phương pháp

Phương pháp của mình không chỉ đơn giản là cộng, trừ như trên. Mà còn cho bạn biết mức độ ảnh hưởng từ những hành động (trọng tâm) sẽ ảnh hưởng tới kết quả như thế nào.

Gán 3 lá bài với 3 giá trị tương ứng 1 – 2 – 3

Lưu ý: lá bài giữa được đánh giá cao nhất (gọi là x2 giá trị) so với 2 lá còn lại

Nếu xếp theo mức độ quan trọng để đạt được một thành công thì thường ai cũng sẽ đánh giá theo tiêu chí về độ quan trọng sẽ là Kết quả > Sự nỗ lực > Hoàn cảnh. Kết quả luôn được đánh giá cao và nó thể hiện qua sự nỗ lực. Những cái có sẵn vẫn được đánh giá nhưng sẽ được ở mức độ thấp hơn. Ví dụ đơn giản nhất là đi xin việc một công ty bình thường: bằng cấp chỉ được xếp thấp nhất, sau đó đến cách làm việc và cái họ cần nhất là kết quả của bạn.

Mình sẽ chỉ lấy 1 trường hợp Ngữ cảnh – Trọng tâm (cố gắng) – Kết quả để minh họa. Vậy tương ứng sẽ với 3 giá trị ta sẽ có:
Ngữ cảnh (1) – Trọng tâm (2) – Kết quả (3)
Mình có 3 công thức như sau:
(Công thức 1): 1 + 2 = 3 
(Công thức 2): 3 – 1 = 2 
(Công thức 3): 1 + 3 = 2x2 

Giờ là lúc mình lí giải tại sao mình đặt lá giữa được gấp đôi giá trị là để thỏa cái công thức này nhưng không phải tự dưng lại qui ước như vậy. Có một vấn đề đơn giản là sự cố gắng luôn được đề cao hơn những cái đã có. Và chính sự cố gắng là nhân tố quyết định cho cái thành công. Vì thế nên mình đề cao yếu tố này hơn và nó được x2 giá trị. 

Vậy bây giờ cụ thể hóa một tí nữa nếu các bạn giải bài với hai nghĩa ngược xuôi và qui ước tương ứng với chiều lá bài. Mình sẽ gán xuôi là +, ngược là - nhé. Và cũng qui ước tổng quát + là tốt tích cực, – sẽ là không tốt tiêu cực.

Sẽ có 8 trường hợp xảy ra với 3 lá bài được mình liệt kê trong bảng dưới đây. 

Tám trường hợp của trải bài ba lá. Ảnh: Kim Phong

Trong bảng ta sẽ thấy 4 cột. Với mỗi cột sẽ có 2 trường hợp và mỗi cột sẽ cho ta biết sự ảnh hưởng của hoàn cảnh và sự cố gắng lên kết quả như thế nào. Ở trong mỗi ô sẽ có hai dòng, dòng đâu tiên cho ta biết các trường hợp có thể xảy ra đối với ba lá bài. Dòng thứ hai có dạng (X/Y). X được tính bởi công thức vị trí 3 – vị trí 1 = X mình gọi đó là trị số của vị trí 2. Y chính là giá trị gấp đôi của vị trí 2 (x2 cố gắng). Trị số X sẽ cho ta biết cần cố gắng gì ở (2) để tạo ra kết quả với hoàn cảnh như vậy (công thức 2). Và X cũng là con số cần thiết để tạo ra sự cân bằng (tốt hoặc xấu). X/Y cho thấy sự so sánh giữa những gì họ cần cố gắng với những cái cố gắng họ đã thực hiện ở vị trí 2. Bây giờ nhìn vào bảng các bạn sẽ thấy 3 công thức không còn đúng với tất cả trường hợp nữa. Đơn giản vì đa số trường hợp ở đây nó thiếu đi sự cân bằng rồi. 

TH 1: 1 2 3 (2/4)
Hoàn cảnh bạn tốt (1) 
Bạn có sự cố gắng tốt (2)
Kết quả bạn là đạt được thành quả (3)
2/4 cho ta thấy ở trong trường hợp này sự cố gắng ảnh hưởng đến kết quả (x và y cùng dấu). Nhưng là góp phần để đạt được kết quả đó ngoài ra còn có sự tác động từ cả hoàn cảnh nữa.
Ví dụ: Một người đã sẵn giàu có và họ còn cố gắng thì họ sẽ giàu có hơn. Hoàn cảnh sẵn có cùng với cố gắng của họ đã tạo nên kết quả.

TH 2: -1 -2 -3 (-2/-4)
Tương tự trường hợp 1 nhưng ngược lại.

TH 3: -1 2 3 (4/4)
Hoàn cảnh bạn không được tốt (-1) 
Bạn có sự cố gắng tốt (2)
Và kết quả bạn là đạt được thành quả (3)
4/4 ở đây cho thấy sự cố gắng là yếu tố quyết định tới kết quả. Sự nỗ lực ở đây là tối đa và hoàn cảnh không hỗ trợ cho việc hình thành nên kết quả. Trường hợp này dễ dàng liên quan đến ví dụ thực tế là: Một người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng họ lại cần cù, nỗ lực phấn đấu thì nhất định họ sẽ thành công. Sự cố gắng là nhân tố chính tạo nên thành công của họ.

TH 4: 1 -2 -3 trị số (-4/-4)
Đây là một dạng thường gặp
Hoàn cảnh tốt (1)
Nhưng không có sự cố gắng (-2)
Thất bại, không thành công (-3)
-4/-4 ở đây cho thấy sự không cố gắng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại. Và hoàn cảnh thuận lợi ở đây không tác động gì tới kết quả xấu này. Hay có thể nói những thuận lợi của hoàn cảnh không được sử dụng hay phát huy. Trường hợp này cũng rất phổ biến trong cuộc sống
Lời khuyên: Bạn đã có điều kiện chỉ cần có sự cố gắng thì bạn sẽ thành công, nhưng nếu bạn ỷ lại và không chịu cố gắng thì dù điều kiện bạn tốt đến đâu thì thất bại vẫn luôn chờ sẵn bạn. Quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân bạn.

TH 5: 1 -2 3 (2/-4)
Hoàn cảnh tốt (1)
Sự cố gắng không có (-2)
Kết quả thành công (3)
Nhìn vào trường hợp này bạn thấy vô lí không? Không có cố gắng mà vẫn thành công. 
2/-4 cho thấy cố gắng không phải là yếu tố quyết định đến kết quả trong trường hợp này (x và y trái dấu). Thông thường kết quả nó sẽ liên quan đến môi trường ở lá 1 và môi trường là nhân tố quyết định cho kết quả này. Trong trường hợp này những cố gắng đi ngược lại xu hướng nhưng không đủ sức để thay đổi được hoàn cảnh nên dĩ nhiên kết quả vẫn tốt.
Ví dụ: một người sinh ra trong gia đình giàu có nhưng dù ăn chơi không chịu cố gắng thì vẫn giàu vì hoàn cảnh ở đây quá mạnh có thể nói là được gia đình hỗ trợ quá lớn. Nhưng mà trong thực tế là một trường hợp nguy hiểm và việc này tiếp diễn trong thời gian dài thì chính cái không cố gắng đó có thể tác động xấu đến hoàn cảnh dần dần. Hoặc hoàn cảnh luôn có thể xấu đi. Nên về lâu về dài thì kết quả xấu luôn có thể xảy ra.
Lời khuyên: Bạn có hoàn cảnh tốt vậy bạn nên cố gắng để nắm chắc được thành công thay vì ngồi chờ người khác giúp đỡ. Đây là đảo chiều trải bài hướng những cái tiêu cực những cái chưa ổn đến sự tích cực sự cân bằng ổn định hơn.

TH 6: -1 2 -3 trị số (-2/4)
Hoàn cảnh không tốt (-1)
Có nỗ lực (2) trị số -2 
Kết quả không tốt (-3)
Sao họ nỗ lực mà lại không thành công dù họ hoàn cảnh chưa được tốt đi nữa. Câu trả lời là nhìn vào trị số nó mang số (-2/4). ở đây cho thấy nếu vị trí 2 có giá trị giống trị số là -2 thì trường hợp này sẽ là -1 -2 -3. Nhưng họ đã có sự cố gắng để thoát khỏi hoàn cảnh xấu nên việc cố gắng của họ không phải là yếu tố tạo nên kết quả không tốt. Với mình những người trường hợp này là những người có cố gắng nhưng những nỗ lực của họ chưa đủ đề bù lắp những cái xấu ở hoàn cảnh nên dẫn đến không thành công. Hoặc họ vẫn chưa cố gắng hết sức.
Với trường hợp này thông thường chỉ cần bạn luôn giữ sự cố gắng thì càng ngày nó sẽ càng có lợi cho bạn. việc cố gắng này sẽ tác động và cải thiện hoàn cảnh dần dần và kết quả tốt bạn hoàn toàn có thể đạt được.
Lời khuyên: Bạn đã cố gắng dù hoàn cảnh không được tốt nhưng bạn vẫn chưa thành công. Đừng nản chỉ hãy cố gắng hơn nữa và thành công chắc chắn sẽ đến với bạn.

TH 7: 1 2 -3 (-4/4)
Hoàn cảnh tốt (1)
Có cố gắng tốt (2)
Kết quả xấu (-3)
Ở trường hợp này ta có thể thấy một sự vô lí. Có hoàn cảnh tốt có sự cố gắng nhưng lại không đạt được thành quả. -4/4 ở đây cho thấy kết quả hoàn toàn đi ngược lại với hoàn cảnh tốt và những nỗ lực đã thực hiện. kết quả không được tạo nên bởi hoàn cảnh và sự cố gắng nữa (x và y trái dấu).
Với mình thông thường trường hợp này những cố gắng của họ không được ghi nhận hoặc không may mắn nên mới dẫn đến trường hợp này.
Lời khuyên: Bạn đã cố gắng hết sức nên kết quả dù không được như mong đợi bạn cũng đừng nản chí. Hãy tiếp tục cố gắng và nhất định bạn sẽ thành công.

TH 8: -1 -2 3 trị số (4/-4)
Hoàn cảnh không tốt (-1)
Không có sự nỗ lực (-2)
Thành công (3)
Đây là một trường hợp vô lý và thiếu tính cân bằng nó đối lập với trường hợp 1 2 -3.
4/-4 cũng đã cho thấy kết quả không phụ thuộc vào hoàn cảnh và cố gắng. yếu tố bên ngoài tác động tạo nên kết quả
Những người trong trường hợp này thường là những người gặp may mắn. Chứ bản thân họ không có sự cố gắng gì cả và hoàn cảnh họ cũng không có gì tốt. Nhưng thành công họ đạt được thông thường nhờ vào một sự may mắn chứ hầu như khó con đường nào khác.
Lời khuyên: Bạn thành công nhưng mà nó được tạo ra nhờ sự may mắn và không có nền tảng gì vững chắc. Bạn có chắc bạn sẽ luôn gặp may mắn hay không. Hãy tận dụng thời điểm này để xây dựng lại nền tảng vững chắc bạn sẽ thành công hơn nữa. Còn nếu bạn vẫn như bây giờ thì mọi việc đều có thể xảy ra nếu sự may mắn đó qua đi.

Phần IV: Lời kết

Những gì mình viết ra đây chỉ là một ví dụ về một khía cạnh nào đó do mình qui ước để chứng minh những công thức của mình áp dụng trong cách giải trải 3 lá. Để có thể sử dụng tốt những công thức này cần có sự linh động trong ý nghĩa từng lá bài (xuôi chưa hẳn tốt, ngược chưa hẳn xấu và nó cũng có thể đại diện cho 2 hướng đối lập nhau cũng hoàn toàn được) và áp dụng các trường hợp một cách linh hoạt. Từ đó bạn sẽ có thể hiểu vấn đề của trải và có cách giải quyết cũng như lời khuyên ngắn gọn và tốt nhất.
Luôn có nhiều phương pháp cho một vấn đề và việc chọn phương pháp nào vào lúc nào sẽ quyết định khả năng của bạn. Và ngay cả phương pháp của mình chắc chắn vẫn sẽ có ưu và nhược điểm. Mọi thứ đều chỉ tương đối. 

Ngoài ra mình còn một phương pháp “Đảo chiều trải bài 3 lá” sẽ được giới thiệu chi tiết trong một bài viết khác. Phương pháp này dùng để đưa ra lời khuyên từ 3 lá của vấn đề bạn đã rút chứ không cần rút thêm lá lời khuyên. Đây cũng là cách để cải thiện vấn đề và đưa vấn đề về sự cân bằng có kiểm soát. Nên nếu các bạn gặp một trải xấu đừng vội vàng áp đặt hay lo lắng thái quá. Thay vào đó nghĩ xem có cách nào để cải thiện tình hình đó hay không chứ. Đó là điều tích cực mà mình nghĩ tarot đem đến cho mọi người.

Bạn cũng nên tin vào cảm nhận và kinh nghiệm của bản thân trong khi giải bài nữa. Cũng đừng áp dụng phương pháp này một cách cứng nhắc.Vì đôi khi không có gì là logic cả đâu. 


Kim Phong, thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết tham dự giải Best Tarot Writer tháng 05.2014. Bài viết mang quan điểm và lối hành văn riêng của tác giả. 
Ban Biên Tập: Đây là một phương pháp để luận giải ý nghĩa mối quan hệ giữa ba lá bài trong trải bài ba lá. Có thể coi đây là bài viết đầu tiên ở Việt Nam (và cả trên thế giới) hướng dẫn chi tiết cách liên hệ này. Có thể mở rộng phương pháp này lên số lá nhiều hơn, nhưng sẽ gặp khó khăn về số lượng trường hợp rất lớn, khó triển khai thật sự. Phương pháp có tính lô gíc nhất định, nhưng với lối hành văn theo pháp "tự truyện", khó mang lại cảm giác "khoa học" cho người đọc. Đề xuất này có thể gây tranh cãi, cẩn trọng khi nghiên cứu lý luận bên trên. Các bài viết bút chiến tranh luận về phương pháp này có thể gửi về chúng tôi mà không bị một cản trở nào trong việc xuất bản tại trang này. Chúng tôi cam kết dung hòa mọi quan điểm khác biệt.


DMCA.com Protection Status
Bài viết "Tiếp Cận Trải Bài Ba Lá Bằng Phương Pháp Số Học" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ