Tarot và Giao Ước - P2

1. Giới Thiệu

Như đã nói ở phần trước, phần nay tôi tập trung vào các vấn đề liên quan như nghi lễ lập giao ước, nghi lễ gọi giao ước, nghi lễ hiến tế, nghi lễ khôi phục hiến tế, và định tính đấng linh thiêng.Trong đó, việc định tính các đấng là quan trọng nhất. Nó là nền tảng cơ bản của quỷ học nói chung, nghệ thuật hắc ám: bao gồm trục quỷ, tiên tri, cầu gọi, phép thuật... 

Vẫn như trước tôi nhắc lại vài chú ý quan trọng: 

- Những lý luận này là không chính thống trong cả Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, hay Phật Giáo. Nó gắn liền với các lý luận của Nghệ Thuật Bóng Tối (Black Magic) nói chung, và nhiều lý luận tà phái khác. Các bạn phải mặc nhiên hiểu là những lý luận này đương nhiên NGƯỢC HOÀN TOÀN với quan điểm chính thống.Vì vậy, tôi sẽ KHÔNG TRANH LUẬN với các bạn về tính đúng đắn của nền tảng này.
- Những lý luận này có nguồn gốc từ những tài liệu hoặc kiến thức có được không thông qua sách vở chính thống (tức là thuộc dạng truyền miệng, hoặc sách cấm xuất bản ...). Vì vậy, tôi sẽ KHÔNG CÓ NGHĨA VỤ DẪN NGUỒN. Trong trường hợp, kiến thức này có xuất hiện đâu đó trong sách chính thống, tôi sẽ gửi riêng nếu có yêu cầu.
- Khi tôi dẫn những lý luận này ra, KHÔNG có nghĩa là tôi CHỐNG hay BÁNG BỔ các tôn giáo. Và cũng không có nghĩa là tôi TIN hoặc là TÍN ĐỒ của các tư tưởng tà phái này. Đây là kiến thức, không phải tín điều.

Một lần nữa, đề nghị RỜI KHỎI TRANG nếu thấy đây là một bài KHÔNG phù hợp với TIÊU CHÍ ĐỌC của bạn. Còn lại, mời đến với thế giới quỷ học ...

In the garden. Ảnh: Patrick Valenza

2. Định Tính của Đấng Linh Thiêng

Định tính các đấng linh thiêng là một trong những kiến thức quang trọng nhất của quỷ học. Càng nắm được đầy đủ các thông tin này, thì sự phát triển các kỹ năng quỷ thuật càng mạnh lên. Việc định tính các đấng linh thiêng luôn là một công việc khó khăn. Một mặt, các đấng linh thiêng trong các tôn giáo hay văn hóa khác nhau thì có thể mang tên khác nhau. Mặc khác, một cái tên của đấng linh thiêng có thể không phải cùng ám chỉ  một đấng duy nhất. Tài liệu mô tả hầu hết bị đốt bỏ, phá hủy, hoặc bị che giấu.

Một đấng linh thiêng được xác định thông qua tên gọi. Tên gọi của đấng linh thiêng là bí mật quan trọng nhất của các giáo phái. Tên gọi này là một chuỗi những âm tiết đặc trưng nhằm liên kết giữa đấng và con người. Chỉ khi nào nắm được tên và phát âm chính xác cái tên đó thì mới thực hiện được việc lập giao ước. Việc nắm được tên của đấng linh thiêng là bước đầu tiên để thiết lập giao ước. Ai cũng biết JHVH hay Giê Hô Va là tên của đấng linh thiêng của người Do Thái. Nhưng không phải ai cũng biết phát âm chính xác cái tên đầy đủ của đấng này. Không phải ngẫu nhiên mà việc nắm giữ cái tên này chính là sự xác nhận vị trí của một vị tư tế, và đó cũng là điều duy nhất quang trọng mà vị tư tế này truyền lại cho vị tư tế trẻ hơn tiếp nhận vị trí lãnh đạo. Chỉ có vị tư tế lãnh đạo mới được phép biết đến cái tên thật này thông qua một bài thánh ca nhỏ. Đây chính là một ví dụ để cho thấy sự quan trọng của cái tên.

Có 4 thuộc tính quang trọng: lửa, nước, khí, đất. Bốn thuộc tính này là cơ bản nhất trong tất cả các nền văn hóa. Ở phương đông, thuộc tính Mộc chính là đại diện của yếu tố Khí. Các bạn có thể nhận ra một cách mơ hồ thuộc tính này thông qua cách thức mà đấng linh thiêng giao tiếp với con người, hoặc cách bố trí các nghi lễ. Đây là việc cực kỳ quang trọng vì các đấng chỉ có thể nhận sự hiến tế này thông qua các phương cách khác nhau tùy vào thuộc tính. 

Tôi bàn thêm về các an táng của các nền văn hóa để làm rõ hơn yếu tố này. Phật giáo chủ trương Hỏa Táng, tức là dùng lửa đốt thành tro, ta có thể nhận ra đấng linh thiêng trong phật giáo có thuộc tính lửa. Hồi giáo chủ trương Thủy Táng, cũng giống như người Polynesia, hay dân tộc Nhật cổ đại, dùng thuyền để chứa người chết rồi thả trôi biển hay sông, hình thức táng bằng thuyền của Vn cũng vậy, từ đó có thể thấy các đấng linh thiêng này có thuộc tính nước; hình thức Không Táng của người Maya, của Tây Tạng, của hang động tại Thanh Hóa trong những phát hiện gần đây, hay truyền thống một thời của cư dân vùng Long An, Đồng Tháp cũng ám chỉ đấng linh thiêng này thuộc tính khí; hình thức thông dụng nhất, Địa Táng cũng ngầm ám chỉ rằng đấng linh thiêng được thờ phượng của dân tộc đó thuộc tính đất. 

Một cách nhìn nhận khác từ các nghi lễ hiến tế chẳng hạn. Hình thức đốt vật hiến tế (như hỏa thiêu, hay đốt vàng mã) chính là hình thức hiến tế của các đấng có thuộc tính lửa; cách hiến tế bằng trấn nước, hoặc các hình thức tôn sùng rượu của thần rượu nho cũng là hình thức hiến tế của các đấng có thuộc tính nước; các hình thức hiến tế bằng cách chôn các đồ vật hay lễ hiến, thể hiện thuộc tính đất; hình thức hiến tế phơi xác, hay nhồi bông đầu lâu của các dân tộc Nam Mỹ chính là hình thức hiến tế của thuộc tính khí. 

Một cách nhìn nhận gần gũi hơn đối với các bạn quen sử dụng hình thức tiên tri. Các phương pháp bletonomancy, ceromancy, cyclicomancy, eromancy, hydatomancy, lecanomancy, plumbomancy, hydromancy, bletonomancy, cottabomancy ... đều dựa vào đấng linh thiêng có thuộc tính nước; eromancy, aeromancy, anemomancy, austromancy ... đều dựa vào đấng linh thiêng có thuộc tính khí; geomancy, Halomancy, amathomancy, ambulomancy... đều dựa vào đấng linh thiêng có thuộc tính đất; pyromancy, cineromancy, libanomancy, tephramancy, ossomancy, astrapomancy, capnomancy, libanomancy... đều dựa trên các đấng linh thiêng có thuộc tính lửa. Các hình thức tiên tri không đựa trên các dụng cụ hay hình thức liên quan đến 4 loại này được xem là trung lập, mọi đấng linh thiêng đều có thể tương tác.

Mỗi đấng linh thiêng sau khi lập giao ước đều cần có một nơi hiến tế. Con người sau khi lập giao ước cũng phải xây dựng nơi hiến tế: đó là các đền thờ. Trong một số trường hợp, nơi hiến tế thường là mơi bí mật. Vì khi hiến tế, bắt buộc người ta phải xướng tên của đấng giao ước lên. Và như đã nói ở trên, các phát âm cái tên là bí mật quan trong bật nhất đối với bất kỳ hội phái nào. Chỉ khi nào biết được tên của các đấng thì mới có thể thực hiện giao ước, triệu gọi hay hủy giao ước. Còn rất nhiều vấn đề khác trong việc định tính đấng linh thiêng mà tôi không thể trình bày cặn kẽ được. Chỉ có thể trình bày tạm đến đây.



Sacrifice of Isaac của danh họa Pedro Orrente (1580-1645)


Abraham and Isaac của danh họa Laurent de La Hyre (1606-1656). 

3. Nghi Lễ Giao Ước

Các phương pháp và nghi lễ của giao ước rất phức tạp. Một mặt, không phải tất cả những giao ước được mô tả trong các tài liệu cổ đều thật sự là giao ước, đôi khi đó là khôi phục giao ước, hoặc triệu gọi giao ước. Trong kinh thánh có vô số lần giao ước (khoảng 70 đến 80 giao ước được thiết lập, khoảng 300 lần từ ''giao ước'' được lập lại), điều đó cho thấy vai trò của giao ước trong đời sống Do Thái và Thiên Chúa Giáo là hết sức quang trọng. Trong khoảng 70 giao ước này chỉ có 5 lần giao ước được xác nhận là giao ước thật, còn lại đều là khôi phục giao ước. Năm lần này giao ước với bốn đấng linh thiêng khác nhau (điều này trái với quan điểm thiên chúa về thiên chúa duy nhất): Giao Ước Noe (Sáng thế ký 9.8-17), Giao Ước Abraham (Sáng thế ký 12 và 15); Giao Ước Levy (Dân số ký 3); Giao Ước David (II Samuên 7); và Giao Ước Jesus. Sách ngoài kinh thánh bao gồm các sách quỷ thuật và sách cấm, có tổng cộng gần 30 giao ước được mô tả đầy đủ, còn lại là ghi chép thiếu sót. Có hơn 800 giao ước được biên lại trong lịch sử. Trong các tài liệu cổ đó, có khoảng gần 120 giao ước được công nhận là giao ước thật; khoảng 500 giao ước được xác định là khôi phục giao ước hoặc triệu gọi giao ước. Đây là các con số tương đối đầy đủ về những hiểu biết của con người về giao ước. Các tài liệu này chủ yếu từ văn hóa châu Âu, Ấn và Ả rập. Không có bất cứ nghiên cứu nào sâu hơn về giao ước ở phương đông.

Một số tôn giáo và giáo phái đã thực hiện lập giao ước, và các tài liệu hướng dẫn này cũng là một trong những quyền lực mềm của họ. Các tài liệu này khi lọt ra ngoài, thường bị biến dạng khi đi vào các nhà xuất bản, những cuốn sách quỷ thuật, hay kết nối tâm linh ... đều hướng dẫn một cách nửa vời. Một trong số đó đã được hội Tam Điểm chỉ mặt như tác phẩm của William Peter Blatty.  Hội Tam Điểm cho rằng mình đã phải trục quỷ cho hàng trăm người vì thực hiện theo các hướng dẫn của tác giả này. Một tác giả khác nổi tiếng trong Tarot là Aleister Crowley cũng bị hội Tam Điểm lên án vì những chỉ dẫn nửa vời.

Người ta nhận thấy trong các giao ước này nhưng điểm chung, và một vài nhà thần học thế kỷ 16 đã chỉ ra một vài quan điểm phân loại quang trọng vẫn ảnh hưởng đến các phân loại ngày nay. Người ta chia giao ước ra làm 2 loại tùy theo cách giao ước được hình thành:

- Giao ước mạnh (Heavy Covenant, hay Heavy Testament): giao ước được đưa ra bởi con người đối với một đấng linh thiêng. Con người chủ động tìm đến đấng và đề nghị được giao ước. Có 2 trường hợp xảy ra:  một là người này sử dụng giao ước với một đấng khác mạnh hơn để chế ngự đấng mới và sau đó lập giao ước có lợi (như trường hợp nổi tiếng của Vua Solomon); hai là người này tự có thể cảm nhận được các đấng linh thiêng và thực hiện giao ước trực tiếp, không thông qua bất kỳ một giao ước nào trước đó.

Giao ước thông qua chế ngự là một trong những biện pháp thông thường nhất sử dụng. Cũng là một trong những biện pháp được điện ảnh hóa hay văn học hóa nhiều nhất. Kiểu giao ước này thường được sử dụng khi xâm chiếm lãnh thổ. Những người chiến thắng quay trở lại tiếp tục hiến tế cho đấng linh thiêng của dân tộc thất bại. Một điều nguy hiểm là nếu dân tộc chiến thắng giảm sự sùng kính đối với đấng linh thiêng của dân tộc mình, mà quay lại sùng kính đấng của dân tộc kia, thì có thể bị chính đấng giao ước của bản thân mình trừng phạt. Điển hình nhất của kiểu trừng phạt này là trong kinh thánh. Có thể trích một chút từ Deuteronomy 13:13 "and after they have been destroyed before you, be careful not to be ensnared by inquiring about their gods, saying, “How do these nations serve their gods? We will do the same.”", dịch "thì hãy giữ lấy mình, kẻo sau khi chúng nó đã bị diệt khỏi trước mặt ngươi, ngươi sa vào bẫy, bắt chước chúng nó, mà hỏi rằng: Các dân tộc nầy phục sự các thần mình thế nào? Ta cũng muốn làm theo vậy nữa". Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thành công như Vua Solomon.


Trên thế giới không có nhiều người có khả năng cảm nhận được thế lực của đấng linh thiêng, và không phải ai cũng có thể giao tiếp với các đấng linh thiêng để lập giao ước. Chú ý 2 vấn đề: Một là tránh lẫn giữa điều này với hiện tượng "lên đồng", hiện tượng này là sự giao ước của một người và một đấng nào đó; khi lên đồng thì người đó chỉ có thể cảm nhận (hay kết nối) với duy nhất một đấng được giao ước trước đó. Hai là tránh lần lẫn với các pháp sư "Trục Quỷ", những người này có thể dựa vào kinh nghiệm và kiến thức về các dấu hiệu và biểu hiện của các đấng linh thiêng để nhận ra được sự có mặt của các đấng này. Cả 2 trường hợp này đều khác so với người có khả năng cảm nhận bẩm sinh các thế lực đấng linh thiêng. Bất kỳ dân tộc nào có được những đứa trẻ như vậy đều trở lên hùng mạnh vì nhờ đứa trẻ ấy, mà số lượng các giao ước được nâng lên đáng kể. Hầu hết những đứa trẻ này đều trở thành những bậc vĩ đại. Một số truyền thống cho rằng những đứa trẻ này chết đi sẽ trở thành một đấng linh thiêng khác. Nhưng hãy nhớ, không phải lúc nào đứa trẻ này cũng được chào đón, vua Herod khi biết đứa trẻ Jesus chào đời, đã giết tất cả những đứa trẻ Do Thái chào đời để phòng ngừa. Đáng buồn, các đứa trẻ này trong thời kỳ trung cổ luôn bị giáo hội hoặc các hội phái giành giật hoặc giết chết. Một trong những nguyên nhân hội Tam Điểm lập ra chính là để bảo vệ những đứa trẻ đặc biệt này.

Giao ước mạnh bao gồm cả vấn đề thụ hưởng giao ước, và khôi phục giao ước một cách chủ động.

- Giao ước yếu (Week Covenant): giao ước yếu là dạng giao ước mà do đấng linh thiêng gợi ý trước. Một là người này tham gia một tôn giáo hay hội phái nào đó, và thụ động được hướng dẫn thực hiện giao ước, được cho biết tên các đấng và nghi lễ cần thiết ..., thường thì những giao ước này chỉ là giao ước phụ trong các giao ước chính của giáo phái đó. Khi xét một quan hệ giữa giáo phái và đấng linh thiêng, có thể không chỉ một mà hàng trăm các giao ước khác nhau cùng vô vàn mối liên hệ chằng chịt giữa các nghi lễ và hiến tế. Chỉ có giao ước "duy nhất một" giữa người lãnh đạo và đấng linh thiêng mới được xem là giao ước chính. Có thể lấy ví dụ của Giao Ước Abraham hay Giao Ước  David để minh họa cho kiểu giao ước chính phụ này. Hai là các đấng linh thiêng hiện ra và yêu cầu giúp đỡ con người để đổi lại sự hiến tế. Đây là kiểu giao ước nguy hiểm, vì chỉ khi nào đấng ấy thấy được đặc điểm nào đó có lợi cho đấng thì mới đề nghị sự hiến tế. Thông thường, những đề nghị này lúc nào cũng hấp dẫn, và có vẻ như có lợi. Tuy nhiên, con người rất hay dính vào bẫy này của các demon.

Giao ước yếu này rất thường xảy ra và có nhiều tài liệu hoặc hướng dẫn hơn cả.Trường hợp giao ước yếu đạng chính phụ thì hầu như xuất hiện ở các dạng giao ước liên quan đến bùa, chú, hay các ma dược. Chỉ cần tuân thủ đúng phương pháp thực hiện thì đều có thể sử dụng một cách thuần thạo. Tuy nhiên, luôn nhớ là loại giao ước này dính liền với sự phục tùng của ta đối với giáo đoàn hay hội nhóm. Vì vậy, ta vẫn không được tự do hoạt động theo cách của mình. Đa số các trường hợp, người ta gia nhập giáo phái một thời gian, sau đó tự tìm cho mình các giao ước chính. Trường hợp giao ước do đấng đề nghị thì chiếm đa số trong các trường hợp tìm đến các pháp sư để trục quỷ. Phần nhiều con người không tuân thủ đúng theo sự hiến tế trong giao ước, và rất thích lật lọng với đấng linh thiêng. Đôi khi là do những suy nghĩ nhất thời, thiếu suy xét, nên sau đó hối hận và không thực hiện theo giao ước. Hằng năm có đến hàng trăm ngàn báo cáo và mô tả về các giao ước này trên các phương tiện thông tin đại chúng và vì vậy, càng tệ hại hơn, càng có nhiều người bắt chước làm theo.


Ngoài ra người ta có thể phân giao ước thành 2 loại: giao ước hiến tế một lần, hoặc giao ước hiến tế nhiều lần. Loại giao ước hiến tế một lần là loại giao ước cực kỳ mạnh và rất hiếm. Vì để có giao ước này, vật hiến tế phải là một thứ gì đó rất quý giá (có thể xem sự hiến tế Isaac của Abraham thuộc loại này). Còn hầu hết các giao ước còn lại đều là giao ước nhiều lần, giao ước này có thể thuộc dạng hiến tế trước hoặc sau khi thực hiện cam kết. Một số giao ước hoàn thành ngay sau khi hiến tế như trường hợp các vua Ai Cập cung hiến máu của kẻ dịch sau khi chiến thắng nhờ sự giúp đỡ của đấng linh thiêng, tức là hiến tế sảy ra sau khi giao kết, và giao ước này cũng đồng thời được kết thúc.


Để thực hiện nghi lễ lập giao ước, cần biết : tên và đặc tính của đấng linh thiêng ấy, tùy theo đặt tính mà thực hiện hiến tế lần đầu tiên cho phù hợp, thực hiện hiến tế càng gần với đặc tính của đấng thì khả năng đấng đáp ứng càng cao. Sau khi đấng biểu hiện, cần có người biết cách nhận biết các biểu hiện đấy, đồng thời ghi chép hoặc giao tiếp để thương lượng về các giao kết trong giao ước. Khi giao ước hoàn tất, các dấu hiệu sẽ đấng chấp nhận sẽ được hiển thị trên đồ cúng tế. Nghi thức lập giao ước hoàn thành. Người lập giao ước cần có kiến thức: tên và phát âm chính xác đấng đó, thuộc tính của đấng đó, biết cách đọc các biểu hiện và đoán nhận các biểu hiện, biết cách giao tiếp thông qua các công cụ huyền học.



The Sacrifice of Noah của danh họa Michelangelo

Sacrifice to Vesta của danh họa Sebastiano Ricci

4. Triệu Gọi và Hiến Tế


Bàn về cách triệu gọi hay dấu hiệu giao ước, có vô số cách tiếp cận và phân loại. Đối với các giao ước đơn lẻ thì có thể phân loại dễ dàng, nhưng với các giao ước phức tạp thì sự phân loại này không lúc nào cũng đúng. Người ta thường phân làm 5 nhóm triệu gọi hay dấu hiệu giao ước: một là thông qua ngôn ngữ, một câu bùa chú, một chuỗi âm thanh xác định, hay một quy cách tạo nhạc; hai là thông qua một hình vẽ, một biểu đồ, một ký hiệu xác định; ba là thông qua một đồ vật nào đó, một cây kiếm, một hòn đá, một tờ giấy hay bất cứ thứ gì; bốn là thông qua một ma dược, một loại bột, hay một hỗn hợp thức ăn;  bốn là thông qua một tư thế, một cách xếp tay, một thủ tục hay một nghi lễ nào đó.

Loại thứ nhất có thể ví dụ như câu thần chú abracadabra nổi tiếng khi triệu gọi Abrac. Chỉ cần bất kỳ ai nắm được sự phát âm của câu thần chú đều có thể sử dụng uy lực của nó. Các thần chú này tùy thuộc vào loại giao ước như tôi đã nói ở trên. Thần chú có thể là một giao ước ẩn giống như giải thích của bài trước, hơac có thể là loại giao ước một lần duy nhất. Dấu hiệu bằng thần chú có thể xem là kiểu dấu hiệu giao ước đơn giản nhất và cổ nhất.


Loại thứ hai có thể ví dụ như Abramelin Square hay Sator Square chẳng hạn. Tương tự như thần chú, nhưng các đồ hình cần biểu diễn ở mức độ chính xác cao, vì vậy mới xuất hiện các pentacle hay seal, được thực hiện bằng đồng hay sừng để đạt được tính chính xác của những ký hiệu . Quang trọng nhất các tỉ lệ các kích thước trong đồ hình cần phải thật chính xác. Vì sự tiện dụng sau khi xuất hiện nghề in, việc sử dụng các đồ hình rõ ràng ngày càng ít đi, một số biểu tượng đồ hình tổng quát, hay bí ẩn được đưa ra, nhằm tạo hạn chế cho việc sử dụng một cách vô ý thức các đồ hình này. 


Loại thứ ba có thể lấy ví dụ Excalibur của King Athur, Durendal của Bá Tước Roland, Dyrnwyn của Hael, Necklace of Harmonia của Harmonia, nhẫn Andvarinaut của Andvari... Loại giao ước này chỉ có thể thuộc loại "duy nhất một". Loại giao ước này có một đặc điểm đặc biệt: đó là đấng giao ước có thể trú tại đồ vật đó, chứ không phải nơi hiến tế, hoặc nói cách khác, nơi hiến tế chính là trên đồ vật đó. Dạng giao ước này thường là dạng giao ước chế ngự, trong đó đấng bị chế ngự được phong tỏa bên trong đồ vật. Đôi khi kiểu giao ước này được coi là kiểu giao ước không chủ nhân. Vì bất cứ ai có được đồ vật đều có thể thực hiện hủy giao ước, lập giao ước, truyền giao ước, hay khôi phục giao ước ngay tại lúc nhận được đồ vật. Nên sau này, thường dạng giao ước này đi kèm với một dấu hiệu khác để đảm bảo sự bền vững cho chủ nhân.


Loại thứ tư có thể lấy nhiều ví dụ như ma dược tình yêu, ma dược gọi hồn ... có hẳn hàng trăm sách ma dược xuất hiện từ đầu thế kỷ cho đến nay. Loại giao ước này vẫn chưa thống nhất và gây tranh cãi. Vấn đề nằm ở chỗ có xem dược tính chữa bệnh như là một giao ước hay không. Các loại ma dược được ghi chép lại rất ít khi gắn liền với một đấng linh thiêng nào cụ thể, do đó gây rất nhiều trong sự phân định và tìm hiểu.


Loại thứ năm là một thủ tục, hay nghi lễ nào đó. Các nghi lễ tấn phong, hay bí tích thiên chúa là những ví dụ có thể gặp. Loại này có thể cũng đồng thời là một thủ tục hiến tế hay triệu gọi. Loại dấu hiệu triệu gọi này phức tạp và thường là sự giao kết của giáo đoàn hay một cộng đồng với một đấng linh thiêng chứ ít khi là một giao kết cá nhân. Vì vậy, trên thực tế, sự tiếp nhận giao ước chính đối với người lãnh đạo giáo đoàn và đấng linh thiêng luôn thực hiện với nhiều qua tắc phụ, nhằm hạn chế tối đa sự sao chép, hay lạm dụng các dấu hiệu này. Từ ban sơ, các giáo đoàn và hội kín đã biết các thêm thắt nhiều chi tiết phụ vào các thủ tục này để nó trở nên rườm rà, và khó bắt chước.  Nhờ đó đảm bảo bí mật của giao ước được kế tục một cách hợp pháp. Cũng chính vì vậy, mà việc khôi phục giao ước càng khó khăn hơn, vì đôi khi các mô tả tập trung vào các chi tiết phụ mà không đề cập đến các chi tiết quan trọng của nghi thức.


Lễ hiến tế tùy vào giao ước mà có cách thực hiện khác nhau. Tuy nhiên có vài điểm quy tắc chung. Trong lễ hiến tế, tên của đấng giao ước sẽ được xướng lên. Vì vậy, ngày giờ và nơi hiến tế cũng trở thành những bí mật bị che giấu. Cách hiến tế cũng thể hiện rõ tính chất và công dụng của giao ước lẫn đấng linh thiêng. Đồ vật hiến tế luôn được quan sát trong suốt buổi lễ nhằm nhận ra dấu hiệu của đấng linh thiêng phán gửi. Lễ hiến tế gần giống như lễ lập giao ước, đều cần sự hiểu biết về các dấu hiệu, sự thông hiểu các công cụ giao tiếp với đấng linh thiêng. Về nguyên tắc, lễ hiến tế luôn thực hiện với vật tế sống và máu tươi là một món quà rất giá trị.Đối với văn hóa Âu và Trung Đông thì hiến tế sống rất quen thuộc. Còn ở châu Á nghi lễ hiến tế sống khá ít. Các nghi lễ hiến tế này cũng tồn tại ở châu Á, như các nghi lễ hiến tế thần sông Hà Bá hay các nghi lễ hiến tế của các Sa Gôn ở lưu vực sông Mê Kông. Dấu tích của nghi lễ này còn nằm ở các vùng đồng bằng cổ như Sông Hồng qua tục chọi trâu Sầm Sơn. Tuy nhiên, quy tắc hiến tế đã được mở rộng thêm về quy tắc hiến tế "không-sống" như trường hợp Phật Giáo, sử dụng hoa và trái cây. Tuy nhiên, lý luận này không được công nhận hoàn toàn. Những nhánh phật giáo ở Nhật, Ấn, hay phía Nam Á vẫn giữ truyền thống hiến tế sống như quy tắc của Veda và Balamon.


Trong nghi thức hiến tế châu Âu, người ta thường phân làm 4 kiểu hiến tế:


- Cấp thấp nhất là hiến tế vật sống "không có máu": nó bao gồm các bò sát và các động vật giáp xác, đôi khi được tính luôn cả cây cỏ và khoáng vật ... Thường những thứ này được lập thành một ma dược và sau đó hiến tế. Loại ma dược này sau đó được thiêu, đổ xuống nước, chôn xuống đất hay để phơi khô. Sự phối trộn giữa các thành phần này trong ma dược là bí mật của hiến tế. Nhiều công thức ma dược này đã được in rộng rãi thành sách, và đôi khi được đưa thực sự lên phim ảnh. Những ma dược này đôi khi có tác dụng y học rõ rệt, và là nền tảng của các nền y học cổ. Các thầy bùa thường chữa các chứng bệnh thông qua các hiến tế này. Một hình thức hiến tế tương tự là uống nước thánh ở châu á.


- Cấp hiến tế cao hơn là hiến tế vật sống "có máu": nó bao gồm các loại động vật bốn chân hoặc có cánh. Nghi thức thông thường đối với các loại vật hiến tế này là nó được tế sống. Tùy vào loại mà người ta chia tách con vật thành các phía đối xứng cụ thể như sau: loại có cánh chia làm ngũ giác đều (2 cánh, 2 chân, đầu); loại bốn chân có đuôi chia làm lục giác đều (4 chân, đuôi, đầu) hoặc thành ngũ giác đều (4 chân, đầu) được cố định bằng đinh. Trung tâm của các lục giác đều và ngũ giác đều này thường là vị trí bụng hoặc phổi. Người ta dùng dao tế lễ đâm vào bụng để rút máu xuống khai. Máu và xác của vật tế sau đó sẽ xử lý tùy theo tính chất và quy ước của đấng linh thiêng. Thông thường, nếu đấng thuộc lửa thì đốt thành tro, nếu đấng thuộc nước thì cho xuống suối hay cho ra biển, nếu đấng thuộc khí thì để phơi khô trên cao, nếu đấng thuộc đất thì chôn xuống nền. Tuy nhiên, gần như không có quy tắc chung nhất cho việc xử lý này. Lễ hiến tế đôi khi yêu cầu cắt yết hầu để lấy máu chứ không phải ở bụng. Trong nhiều ghi chép khác, thì cái xác hiến tế có thể được phân phát cho mọi người trong giáo phái hay cộng đồng.


- Cấp hiến tế kế tiếp được xem là cao quý, hiến tế "người": giống như phép hiến tế đông vật ở trên, trừ việc đây là hiến tế người. Việc hiến tế người, có thể xem là cấp hiến tế đặc biệt, dành cho những giao ước "duy nhất một", hoặc các giao ước quang trọng. Các giao ước thuộc loại thứ ba (sử dụng dấu hiệu giao ước là đồ vật) thường kèm theo là sự hiến tế người, và là sự hiến tế một lần duy nhất ngay lúc lập giao ước, do đó, các giao ước thuộc loại thứ ba rất mạnh. Các giao ước cho cộng đồng hay toàn giáo phái cũng thường bắt buộc phải hiến tế bằng người sống, vì đó là những giao ước lớn và quan trọng. Một định dạng khác của loại hiến tế này là hiến tế tù binh, trong giao ước chiến tranh với các đấng linh thiêng. Những hiến tế đẫm máu này có thể lên đến hàng ngàn nhân mạng, để đổi lấy sự trợ giúp của các đấng trong chiến thắng.


- Cấp hiến tế "linh hồn": là một kiểu hiến tế không thông thường. Rất ít tài liệu mô tả các hiến tế dạng này. Hiến tế linh hồn là sự phục tuân phục của cộng đồng, cá nhân đối với đấng linh thiêng, đem hết linh hồn mình phục vụ cho ý muốn của đấng linh thiêng. Có thể xem đức tin trong thiên chúa giáo hay phật giáo là một kiểu hiến tế. Sự hiến tế này kéo dài cho đến con cháu sau này. Kiểu hiến tế linh hồn hiện vẫn còn đang tranh cãi về cách phân biệt, sự hiệu lực. Một tranh cãi khác liên quan đến việc đồng nhất/không đồng nhất đức tin trong hiến tế này. Nói cho cùng thì hiến tế linh hồn là một kiểu hiến tế ảo, sự tuân phục không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì vậy sự hiệu lực của nó vẫn không dễ xác định được.



Bức tranh Jepth hiến tế con gái của danh họa Charles Le Brun

5. Thuật Tiên Tri và Giao Ước


Tarot cũng giống như runes hay Ouija là các công cụ giao tiếp với đấng linh thiêng. Mỗi công cụ giao tiếp này có mức độ chính xác hay cách đoán nhận không đồng nhất. Các công cụ này nếu thực hiện trong việc tiên tri thì nó có tương ứng một phương pháp tiên tri. Tarot có phương pháp tiên tri tên Taromancy. Công cụ tiên tri bản thân nó không phải giao ước. Vì vậy cũng không thể có bất kỳ đấng linh thiêng nào ngụ trong đó cả. Giao ước với đấng linh thiêng để tiên tri là một vấn đề rất cổ chưa. Như tôi đã nói ở các phần trước, các đấng linh thiêng không giống nhau, và có những pháp lực khác nhau. Không phải mọi đấng linh thiêng đều có thể lập giao ước tiên tri. Danh sách các đấng linh thiêng phục vụ việc tiên tri đã từng được liệt kê ở nhiều tài liệu. Người ta có thể liệt kê được khoảng 40 đấng linh thiêng liên quan đến việc tiên tri. Trong số đó, một số đã được lên phim ảnh như Volac, Satan, Bahomet, Bael, ... Trong số này có những đấng rất dễ giao ước, một số thì không. 


Làm sao để lập giao ước ? Câu trả lời hẳn là khó mà thỏa mãn được. Muốn lập giao ước cần phải có đủ kiến thức về tên của đấng, thuộc tính đấng, cách hiến tế ...Vì vậy, đối với  người muốn đào sâu về thuật tiên tri trong quỷ học, người ta cần phải chọn ra những cái tên đấng phù hợp với mục đích của mình. Gọi tên và thực hiện các nghi lễ lập giao ước, sau đó sử dụng sự triệu gọi giao ước để tiên tri. Và tất nhiên là thực hiện hiến tế đầy đủ. Nếu người đó là một người có năng lực cảm nhận đấng thì có thể xem là đi được nửa quảng đường. Trường hợp, nếu người đó không phải là một người có năng lực cảm nhận đấng thì có vài con đường có thể chọn. Người đó có thể gia nhập một giáo phái hay hội nhóm nào đó, để được chỉ dạy và tiếp thu các giao ước có sẵn và tìm kiếm các giao ước cao hơn. Người đó cũng có thể nghiên cứu về các giao ước cổ, để khôi phục lại các giao ước cổ từ đó sử dụng cho bản thân mình. Con đường cuối cùng, chính là tự mình lập giao ước và phát hiện đấng. Điều này cực kỳ khó khăn và gian nan, người đó phải tự mình tìm hiểu tất cả những kiến thức để có thể nhận biết sự hiện diện của các đấng, giao tiếp với các đấng và hiến tế các đấng một cách đúng cách. Một con đường nhỏ nữa có thể sảy ra, đó là đấng linh thiêng đề nghị với bạn một giao ước, thế là tiện nhất ;), nhưng nhớ điều tôi đã nói, chơi dao mà không có kiến thức, sẽ dễ đứt tay.


Đối với các tư tế, hay những người đã am hiểu sâu về quỷ thuật có một cách thú vị, đó là dùng cách giao ước chế ngự để lập thành dấu hiệu giao ước dạng thứ ba (dấu hiệu giao ước là đồ vật) và vật giao ước này chính là bộ bài Tarot. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đó là trò chơi nguy hiểm và chỉ dành cho những ai đã am hiểu sâu sắc về những huyến bí trong nghệ thuật giao ước. Có vài vấn đề rắc rối trong trò chơi này. Thứ nhất lá bài quá mong manh và dễ bị tổn thương, điều gì sẽ sảy ra nếu bộ bài bị cháy. thông thường các đồ vật lập thành giao ước dạng thứ ba đều rất bền vững: kiếm, đồ vật kim loại, nhẫn, chứ không bao giờ là các vật dễ phá hủy. Thứ hai không có nhiều những đấng linh thiêng có khả năng tiên tri và lại dễ bị chế ngự. Cần nhắc là giao ước chế ngự là giao ước cực kỳ khó thực hiện, và kèm đó đương nhiên là dấu hiệu giao ước dạng thứ ba cũng vô cùng khó thực hiện. Dù vậy, hãy cứ để giấc mơ của các em nhỏ bay cao bay xa ...


Vấn đề nữa mà tôi nói đến là về công cụ giao tiếp. Tarot là một công cụ giao tiếp mạnh, vì vạy nó có thể giao tiếp với cả 4 nhóm đấng linh thiêng: gods, demon, angel, spirit. Nếu như gods, demon, angel là những đấng linh thiêng cách biệt, và dù đôi khi lầm lẫn, thì tính chất của 3 đối tượng này cũng khá đồng nhất. Trường hợp còn lại là Spirit thì phức tạp hơn rất nhiều. Tarot hoàn toàn có khả năng giao tiếp với spirit, nhưng spirit không thể báo trước tương lai; Spirit là linh hồn oán giận, nó chỉ có thể cho ta biết những gì mà nó đã chứng kiến. Chỉ có angels, gods, demons là có thể báo trước tương lai. Demon thì lại có một đặc thù khác, demons không chỉ đoán trước mà còn thực hiện lời đoán đó. Có nghĩa là điều demon tiên tri được sở dĩ đúng là vì chính nó đi làm việc đó cho đúng. Đó là lý do vì sao khi phát hiện một người bị Volac nhập, phải lập tức bịt miệng người bị nhập lại, bất cứ ai được volac nhập cũng có thể tiên tri trước cái chết của người khác, vì chính Volac sẽ thực hiện việc đó. Đó có thể là tiên tri nếu nhìn từ bề ngoài, nhưng thực ra, đó là kiểu giết người ! Tarot còn có tác dụng để đoán nhận đấng bị nhập khi thực hiện trục quỷ. Vấn đề này phức tạp nên tôi không bàn nhiều hơn. Tarot là công cụ giao tiếp, vì vậy, hãy tập đoán nhận các ý tứ cho đúng khi rút các lá bài. Để một ngày, nếu giao ước được thực hiện, hoặc bạn được đề nghị một giao ước, hoặc bạn lập một giao ước, hoặc đấng linh thiêng đáp ứng giao ước tiên tri của bạn, thì ít nhất, bạn phải biết đấng muốn gì thông qua các lá bài ! Hãy tưởng tượng đến một ngày bạn không giao tiếp bằng lời, hay hình ảnh mà giao tiếp qua các lá bài. Vì vậy, cố gắng hiểu và đọc lá bài một cách chính xác là một cách chuẩn bị tốt cho sự tiến bộ của bạn sau này.



 Noah's Sacrifice của danh họa Daniel Maclise

6. Kết luận


Hi vọng chuỗi 2 bài về Tarot và giao ước này giúp cho các bạn có được cái nhìn tương đối đầy đủ về vấn đề Tarot và quỷ học. Tôi cũng không biết phải nói gì hơn bằng chúc bạn có được một nền tảng kiến thức vững chắc, và đạt được những điều mình mong muốn.


Một lần nữa xin nhắc lại, những kiến thức này tôi không có nghĩa vụ dẫn nguồn (khác với các bài khác của tôi). Những bạn tìm đến để hiểu thêm về vấn đề này, tôi sẵn sàng trả lời ở chừng mực có thể cho phép. Những bạn tìm đến để thử thách hay kiểm tra kiến thức của tôi thì xin đừng quấy rầy. Cảm ơn.


Đọc lại:
Tarot và Giao Ứớc (P1)

Xem thêm:
The Devil - Ác Quỷ trong Tarot
Tarot qua Cái Nhìn của Thiên Chúa
Satan và Bói Toán 

Phillippe NGO, sáng lập Tarot Huyền Bí, một người nghiên cứu Tarot tại Pháp.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Tarot và Giao Ước - P2" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ