Mật Mã Bài Tarot: Lá The Fool - Lá Chàng Khờ (P1)

“I cannot give you my name, as I have none to give, or at least I have not the knowledge of it. You must think me a Fool, for I cannot answer such a simple question, so a Fool you may call me, for now.”
--- Emily Carding --- 

The Fool trong Thoth Tarot. Ảnh: Internet
Giữa thế kỷ 15, trong bối cảnh xã hội Âu châu chịu sự thống trị của nhà thờ Thiên Chúa Giáo, xuất hiện một bộ bài không tên, không số do họa sĩ Bonifacio Bembo vẽ cho nhà Visconti ở Milan, Ý. Bộ bài ấy bao gồm 4 suit với 14 lá mỗi suit cộng thêm 22 lá thể hiện những hoạt cảnh khác nhau mà sau này chúng được gọi là “triomffi” – “trumphs” hay “trumps” tức “các lá bài chính”. Vào thời bấy giờ, nhiều hình ảnh trong 22 lá bài ấy được chuyển thể từ các vị thế khác nhau trong xã hội Trung Cổ như “Nữ Hoàng”, “Hoàng Đế”, “Giáo Hoàng”… Lại có những lá đại diện cho các đức tính tốt như “Hài hòa”, “Bất khuất”… Một vài lá khác lại thể hiện những hoạt cảnh thần thoại – tôn giáo, điển hình như người đã mất sống lại từ ngôi mộ khi nghe tiếng kèn đồng của các thiên sứ trong “Ngày phán xét cuối cùng”… Đấy là bộ bài đầu tiên, đặt nền tảng cho toàn bộ hệ thống Tarot sau này.

Ban đầu, Tarot được sử dụng như một trò chơi. Mãi đến thế kỷ 18, nó mới được chú ý như công cụ dùng để tiên tri. Bắt đầu từ thời điểm đó, nhiều hội nhóm và các nhà huyền học, có thể kể đến như hội Golden Dawn, nhà huyền học Eliphas Lévi, A.E Waite, Aleister Crowley… đã nghiên cứu ý nghĩa riêng biệt của từng lá bài, đồng thời gắn kết chúng với nhiều hệ thống, học thuyết khác nhau như chiêm tinh học, thần số học, bảng chữ cái Hebrew, Qabalah v.v… Cùng với sự phát triển của thời gian, Tarot đúc kết tinh hoa nhân loại từ cổ chí kim, là sự giao thoa của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.Ngày nay, khi xã hội không còn chịu sự thống trị của Giáo Hội, Tarot đã từng bước phát triển mạnh mẽ, vũ bão.Hàng ngàn bộ bài ra đời với những chủ đề, phong cách khác nhau.Đồng thời, nhiều trường phái bói, luận giải bài xuất hiện càng làm Tarot trở nên đa dạng, phong phú hơn bao giờ hết.

The Fool – Chàng Khờ, lá bài đầu tiên xuất hiện trong bộ ẩn chính – major arcana.Với tôi, đây là lá bài đặc biệt nhất và cũng huyền bí nhất. Đặc biệt trong cách người ta gọi tên, đánh số. Huyền bí trong hệ thống biểu tượng đa tầng đa nghĩa cùng nội dung sâu xa của bản thân lá bài.

The Fool. Ảnh: Internet

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lá bài đầu tiên không phải là hình ảnh nào đó cao siêu, đầy quyền năng như The Magician; bí ẩn, mang màu sắc huyền ảo như The High Priestess; mà lại là The Fool – Chàng Khờ, kẻ vẫn chưa định hình rằng mình sẽ đi đâu, làm gì trong thế giới rộng lớn, đầy rẫy thú vui mà cũng không ít cam go, thử thách này. Đến cả cái tên gọi của chàng cũng quá đỗi bình thường, bình thường đến mức tầm thường! Phải chăng, các bậc tiền nhân đã lầm lẫn khi đặt chàng ta vào cỗ bài, đã nhầm khi đưa chàng lên vị trí đầu tiên? Không hề! Mọi thứ âu cũng có nguyên do của nó. Các bậc hiền triết đã có sự sắp xếp hoàn toàn khôn ngoan, khéo léo và tài tình. Mà đến hàng trăm năm sau, dù tarot có phát triển mạnh mẽ đến đâu thì The Fool vẫn mãi là The Fool, vẫn đứng đó đầy kiêu hãnh. Và vị trí của chàng quan trọng đến mức, giờ đây, người ta gọi con đường đi qua 22 lá ẩn chính là THE PATH OF THE FOOL – HÀNH TRÌNH CỦA CHÀNG KHỜ.

Minh Hoạ về Tarot. Ảnh: Internet

Ngày nay, cùng với những bước tiến vũ bão của tarot, hàng ngàn bộ bài ra đời với những biến thể của lá The Fool khác nhau. Song, nhìn chung, được thể hiện nhiều nhất, quen thuộc nhất là hình ảnh một chàng lãng du trẻ đang rảo bước trên con đường vô định của mình. Trên đầu chàng đội một vòng hoa được kết từ nguyệt quế hay dây thường xuân. Chàng cầm trong tay một bông hồng trắng và mặc chiếc áo có màu sắc sặc sỡ. Chàng vác một cây gậy ngang vai, cuối cây gậy ấy là một chiếc túi đựng hành trang.Bên dưới, một chú chó hay một con cá sấu cắn lấy chân chàng.Chàng đang bước đến rìa vách đá cao sừng sững, đôi mắt hướng lên trời. Một chân chàng trụ trên mặt đất, chân còn lại vẫn đang trên đà bước tới, xem ra chàng không có ý định dừng lại.

The Fool của chúng ta là thế đấy! Sức mạnh của chàng là sự tự do, sự ngay thơ và khờ dại. Chàng chuẩn bị nhảy vào một thế giới khác – thế giới của các lá ẩn chính.Một hành động có thể nói là ngốc nghếch, điên rồ bởi lẽ chàng không hề biết điều gì đang đợi mình phía trước. Con đường chàng đã chọn ẩn chứa cái gì? Liệu chàng có vượt qua, hoàn thành nó hay không?Điều đó hãy còn là bí ẩn. Chàng chỉ biết rằng mình không thể quay đầu lại được nữa!

Song, nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu như The Fool của chúng ta chỉ mãi dừng lại ở vị trí ấy, đứng ngắm nhìn thế gian mà không thực hiện cú nhảy định mệnh này thì sẽ ra sao?Thì chẳng có gì xảy ra cả, không đau khổ, dày vò, ám ảnh nhưng cũng chẳng đam mê, chiến thắng hay vinh quang.Tuy nhiên, hơn ai hết, chàng là người sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thế nên chàng sẽ chọn lựa hành động, vì cú nhảy ấy đồng nghĩa với niềm vui và sự phiêu lưu. Rồi sau đó, khi con đường chẳng còn bằng phẳng, thế giới trở nên mỗi lúc một đáng sợ, chàng sẽ dũng cảm đối mặt với tất cả; để cuối cùng, nhận lãnh phần thưởng xứng đáng là kiến thức, sự thanh thản và giải phóng. 

Trong tác phẩm “Seventy – Eight Degrees of Wisdom”, tác giả Rachel Pollack lại cho chúng ta một cái nhìn khác về The Fool – Kẻ Lừa Gạt. Đấy không phải là những kẻ tầm thường với những tiểu xảo ma mãnh như mọi người thường nghĩ mà lại là các bậc hiền triết, người luôn túc trực bên các vị vua và anh hùng, dùng mưu kế để đánh thức họ, mỗi khi họ quay đầu với thế gian. Tựa như huyền thoại về vua Arthur, Merlin xuất hiện không chỉ đóng vai trò của vị phù thủy đại tài, nhà thông thái uyên bác mà còn là một kẻ lừa gạt. 

Liên tục, ngài xuất hiện trước Arthur dưới dạng ngụy trang của một đứa trẻ, một gã ăn mày hay một người nông dân già. Vị vua trẻ, đã bị cái hào nhoáng của địa vị xã hội làm mờ mắt, không hề nhận ra Merlin cho đến khi những người bạn của mình nhắc nhở. 

Không những thế, The Fool còn là hình ảnh anh hề trong cung vua. Đấy là hình ảnh của “gã khờ” từ Vua Lear, gã được phép nói với nhà vua những sự thật mà không ai khác dám để lộ.Trong xã hội ngày nay, ta vẫn có thể bắt gặp các “gã khờ” này ở nơi những nhà hài kịch và những nhà châm biếm – họ sẽ không ngại ngùng tiết lộ những điều lố bịch, nhố nhăng, tăm tối mà mọi người vẫn thường tránh né.

"Vua Lear già hiểu điều đó, và ngài không thể thiếu chàng ta lấy một giây. Khi anh hề không có đó, vua kêu lên: Thằng điên của ta đâu? Chàng hề của ta đâu? Ê! như thể cả thế giới ngủ yên! Vua Lear già biết rằng không có sự yên ổn nào lớn hơn ở bên cạnh một kẻ chẳng những không muốn ngồi lên ngai vàng, mà còn cười vào mũi những kẻ muốn đẩy hắn lên ngôi." (Trích tiểu luận triết học: “Biên bản bí mật”- Hamvas Bela) 

Về việc đánh số, theo logic, The Fool đáng lẽ phải mang vị trí số 1. Song trên thực tế, cái người ta gán cho chàng là một con số 0 tròn trĩnh. Có điều gì phi lý ở đây? Câu trả lời một lần nữa là không! Số 0 là con số đặc biệt, nó là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Vì thế, việc một lá bài quan trọng như The Fool được mang số 0 là điều dĩ nhiên, hoàn toàn bình thường. 

Số 0 đứng trong dãy số học, không âm, không dương, không chẵn, không lẻ.Số 0 biểu trưng cho sự vô tận. Nó là sự thiếu vắng mọi thứ, và do đó, cũng là tiềm năng cho bất kì điều gì. Nó được giải phóng khỏi chu kì sinh, tử, tái sinh. Nó có trước sự khởi đầu và sau sự kết thúc. 

Mang trên mình con số 0, The Fool như được thêm một đặc ân, chàng được phép nhảy vào bất kỳ vị trí nào giữa 21 lá ẩn chính còn lại.Khi đứng giữa lá Judgement và láThe World, The Fool là hiện thân của thứ thế giới bên ngoài thấy khi nhìn xuống những kẻ đã được khai sáng thật sự. Khi đặt mình vào sau The World, The Fool lại thể hiện một ý nghĩa khác: Sau khi nhận ra, hiểu hết những gì đã trải qua, con người không dừng lại mà tiếp tục những cuộc hành trình mới, mặc dù tại đó, họ phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng! 

Xét về hệ thống biểu tượng của lá bài, do có hàng ngàn phiên bản khác nhau nên số lượng biểu tượng cũng vô cùng phong phú, đa dạng.Ở đây, tôi dùng hình ảnh lá The Fool trong bộ Rider Waite của Waite – Smith.Nổi bật lênvới các biểu tượng đáng chú ý là: đóa hoa hồng trắng, cái túi, cây gậy, con chó, chiếc lông vũ và mặt trời.

The Fool trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Wikipedia
Hoa hồng, vốn dĩ là biểu trưng cho sự hoàn thiện, hoàn hảo và những thành tựu. Nó đại diện cho tình yêu và những điều thần bí, trái tim, vườn của Eros, thiên đàng của Dante, thần Venus… Hoa hồng mang những ý nghĩa khác nhau dựa trên màu sắc và số cánh hoa. Trong The Fool của Waite – Smith, nó biểu trưng cho sự đam mê, kết hợp với dáng vẻ mỏng manh ấy là màu trắng – màu của sự thuần khiết. Như vậy, cái đam mê của The Fool như được nâng lên một tầm cao mới, đam mê chỉ đơn thuần là đam mê, không pha lẫn tham vọng tiền tài hay sắc dục. 

Mặt khác, đóa hoa hồng xuất hiện ở đây như một lần nữa minh chứng cho những điều Rachel Pollack đã viết: The Fool là hiện thân của Kẻ Lừa Gạt. Bởi lẽ, nó là đại diện cho Eros – thần tình yêu. Người Hi Lạp xem vị thần này như một kẻ lừa đảo, dưới mũi tên của thần, những kẻ đứng đắn nhất cũng hành động lố lăng. Nhưng những người đi theo tiếng gọi trái tim sẽ không bao giờ bị chối bỏ, họ hành động với nhiệt huyết và đam mê nồng cháy. Vậy nên, tuy là Kẻ Lừa Gạt, xong thế gian này không thể vắng bóng Eros, cũng như tarot không thể thiếu mất The Fool. 

Cái túi sau lưng là tất cả hành trang mà chàng mang theo bên mình. Đó có lẽ là những trải nghiệm, chàng không hề bỏ nó đi.Thế nên, The Fool không hẳn là kẻ khờ khạo thật sự, chàng không hề thiếu suy xét. Chàng chỉ đơn thuần đặt chúng qua một bên, không để chúng tác động đến – theo cái cách mà ký ức và tổn thương hằng dày vò chúng ta. Gột sạch đầu óc mình, chàng lao đi tìm kiếm hành trình mới để chứng tỏ bản thân. 

Cái túi mang hình đầu đại bàng, biểu tượng của một tâm hồn bay bổng.Ở đây, bất giác, tôi liên tưởng đến quá trình biến hóa kỳ diệu của loài chim này. Đại bàng có thể sống đến 70 tuổi.Tuy nhiên, để đạt đến độ tuổi đó, chúng phải trải qua năm 40 tuổi đầy đau đớn.Vào năm đó, những móng vuốt dài và linh hoạt không còn đủ sức tóm giữ con mồi làm thức ăn. Chiếc mỏ dài và sắc nhọn trở nên cong yếu. Đôi cánh nặng nề và già cỗi, do bộ lông dày, trở nên dính chặt vào ngực và khiến cho chúng khó bay lượn. Vì thế, đại bàng chỉ còn hai sự lựa chọn: chết hoặc trải qua một quá trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. 

Quá trình này đòi hỏi đại bàng bay lên đỉnh núi và ngồi trên tổ của mình. Tại đây đại bàng sẽ đập mỏ vào đá cho đến khi mỏ gãy rời.Sau khi mỏ gãy, đại bàng sẽ đợi cho mỏ mới mọc ra rồi sau đó bẻ gãy hết các móng vuốt của mình.Khi những móng vuốt mới mọc lại, đại bàng bắt đầu nhổ hết những chiếc lông cũ già cỗi. Và sau 5 tháng, đại bàng lại có thể tiếp tục những chuyến bay lượn tuyệt vời của sự hồi sinh và sống thêm 30 năm nữa! Tôi hình dung, đây chính là The Fool, trước khi chàng bước tới vách đá cheo leo và thực hiện cú nhảy định mệnh của mình. Điều này càng rõ nét hơn khi ta đặt The Fool vào sau The World! 

Trong Handbook của Wizards Tarot, Corrine Kenner lại có cái nhìn thú vị hơn về hình ảnh cái túi của The Fool. Nữ tác giả đã ví The Fool là chính chúng ta – trong cái ngày đầu tiên bước chân vào thế giới huyền bí. Và trong chiếc túi ấy, không gì khác, chính là bộ tarot nhỏ bé mà đầy quyền năng, chứa đựng biết bao kiến thức cổ kim của nhân loại. Mang theo tarot, đồng nghĩa với việc The Fool mang theo 4 bảo vật: gậy, cốc, kiếm và pentacle. 

Trên vai The Fool là chiếc gậy của kẻ lang thang. Chiếc gậy tưởng chừng vô dụng, chỉ là thứ dùng để treo túi.Song, trong tác phẩm của mình, Rachel Pollack lại một lần nữa làm chúng ta ngạc nhiên, khi tiết lộ rằng đấy là cây gậy phép – biểu tượng của sức mạnh.Hình ảnh, gậy phép được lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài của 22 lá ẩn chính.Ở The Magician và The Chariot, nhân vật trong lá bài tự nhận thức được quyền năng vô hạn của gậy phép, thể hiện qua cái nắm tay đầy mạnh mẽ. Song trong The Fool hay The World, cây gậy lại bị cầm một cách tùy tiện, họ hầu như không hề chú ý đến sự hiện diện của nó. Có người sẽ cho rằng The Fool thật ngốc nghếch. Vâng! Chẳng gì ngốc nghếch hơn là đem một cây gậy phép đi treo túi! 

Nhưng chúng ta không thể quên cây gậy của vị ẩn sĩ, người đã chuẩn bị bỏ đi những quyền phép bên ngoài để tựa như đức Như Lai khoát áo Chân Như đi về Hư Vô. Mọi quyền phép chỉ là lớp da bên ngoài. 

Trong hầu hết các bộ bài, The Fool đều mang theo bên mình một người bạn đồng hành, khi thì là một chú chó, khi lại là một con mèo, thậm chí có lúc là một con cá sấu. Trong Rider Waite, là con chó – người bạn đường trung thành. 

Chú chó trong lá bài ấy đang nhảy nhót dưới chân chàng, sự vui thích của nó như hòa vào không khí chung của lá bài. Song, riêng mình, tôi lại thích những phiên bản mà con vật đang cắn vào chân The Fool. Bởi lẽ, nó làm tăng thêm mức độ điên rồ và sự dứt khoát trong hành động của Chàng Khờ. Ở những phiên bản ấy, tuy bị cắn, bị đau, nhưng The Fool như không hề quan tâm, chàng vẫn bước tới phía trước, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ta có thể nhìn thấy điều đó rõ nét trong bộ Deviant Moon của Patrick Valenza.

The Fool trong Deviant Moon. Ảnh: Internet
Chiếc lông vũ – gắn trên vòng hoa mà chàng đội trên đầu tưởng chừng đơn giản, song cũng mang một ý nghĩa sâu xa. Bởi lẽ, lông vũ là biểu tượng liên quan đến những chú chim đại bàng, sự bay lượn, tự do, không khí, gió, tình trạng thoải mái. Theo nhiều nền văn hóa, lông vũ còn thể hiện cho thẩm quyền, sức mạnh, lòng khoan dung và công lý. 

Và cuối cùng là mặt trời, đại diện cho nguồn sáng và sức sống, năng lượng và quyền lực. Ngoài ra, mặt trời trắng với các tia sáng lan sau chàng khờ còn là sự ám chỉ vị trí thật sự của The Fool trên biểu đồ Cây Sự Sống – Tree of Life 

Ngoài cách đánh số và hệ thống biểu tượng nêu trên, thật thiếu sót nếu như không đặt The Fool vào mối tương quan với bảng chữ cái Hebrew, nguyên tố và chiêm tinh học. 

Bởi vì, The Fool là lá mở đầucủa bộ ẩn chính, nó liên quan đến chữ cái thứ nhất trong bảng chữ cái Hebrew, “aleph”.Chi tiết gợi lên ký tự này, chính là chú chó dưới chân The Fool trong Rider Waite. Thân của nó ở dạng tượng hình của mẫu tự “aleph”; đầu, thân và 2 chân sau là các nét nghiêng và nét chính; 2 chân trước của nó là nét đứng của “aleph”. Mẫu tự này đại diện cho sự hiện hữu, tâm trí, con người hoặc Thần linh,; là sự hợp nhất, nguồn gốc của các con số, chất đầu tiên và cũng là hình ảnh con người trong mắt thần linh. Mặt khác, nó còn có nghĩa là con bò đực, loài vật tượng trưng cho sức mạnh và sự lãnh đạo. 

Song không dừng lại ở đó, quay lại với hình ảnh con chó trong Rider Waite, ta nhận thấy 2 chân trước của nó còn gợi lên mẫu tự “beth”, chữ thứ 2 trong bảng chữ cái Hebrew. Hai mẫu tự “aleph” và “beth” kết hợp với nhau, mang ý nghĩa là nguồn gốc, bậc thầy hoặc sự tái sinh.

Alept, dại diện của The Fool theo Golden Dawn.
The Fool đại diện cho nguyên tố Khí. Khí ở đây chính là hơi thở của sự sống và tinh thần dưới hình thức sáng tạo ra sự sống. Ngoài ra, nguyên tố này còn đại diện cho tư duy, suy nghĩ, ý tưởng, việc giao tiếp và trò chuyện. Ta có thể bắt gặp Khí trong lá bài The Fool thông qua hình ảnh chiếc lông vũ và tóc của chàng tung bay trong gió hay qua màu sắc nổi bật của lá bài – màu vàng. 

Còn về chiêm tinh học, trước kia, The Fool không được gắn cho bất kì hành tinh nào. Nhưng sau đó, cùng với sự phát triển của chiêm tinh học hiện đại, The Fool được liên kết với sao Thiên Vương – Uranus, hành tinh tượng trưng cho sự tự do, nổi loạn và độc lập. 

Tóm lại, The Fool – Chàng khờ là lá bài quan trọng nhất. Chàng không là gì cả hay là tất cả. Chàng được đặt ở vị trí đầu tiên nhưng lại có thể đứng ở bất kỳ đâu xuyên suốt bộ ẩn chính. Một lá bài đặc biệt nhất và cũng huyền bí nhất!

Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· A Dictionary of Symbols (J.E.Cirlot) – Bản dịch tại website http://chiecnon.wordpress.com (Rose – Khoa Hiếu chuyển ngữ)



Thảo Nguyễn. Thành Viên Hội Tarot Huyền Bí. Bài Viết Mang Quan Điểm Của Tác Giả.Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Mật Mã Bài Tarot: Lá The Fool - Lá Chàng Khờ (P1)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ