Mật Mã Bài Tarot: Lá The Magician - Lá Pháp Sư (P2)

“I hold the balance between two worlds. I am the fire of the burning sun, I am the cool, dark waters of the deepest ocean. I am the roots and branches of the greatest tree, reaching deep into the realms of Annwn and high to the heavens. Do not fear the fall, for I have come to you on Mercury’s Wings, to show you that you too can fly.
I have the power to change myself, for all that I need is within me. Through changing myself, I change the world.
Do you hear my words? They come from within you. My voice is the gate way throungh which you may find your inner power. I am the Magician, and I am Magick.”
--- Emily Carding ---

Ba lá Pháp Sư trong Thoth Tarot. Ảnh: Internet.
Xuất hiện sau The Fool ngây thơ, khờ dại là một The Magician – Pháp Sư đầy quyền năng, uy lực và tràn đầy sức mạnh. Nếu như The Fool có nghĩa là không gì cả thì The Magician lại là tất cả. Quả thực như vậy, xuyên suốt hệ thống ẩn chính – major arcana, dường như không có lá bài nào mang nhiều hình ảnh biểu tượng và chứa đựng năng lượng cao đến thế! Vị pháp sư trong The Magician nắm giữ trong tay muôn vàn quy luật của vạn vật tự nhiên, ngài làm chủ không gian và thời gian. Với ngài, không gì là bất khả, ngài nhào nặng, biến hóa mọi thứ theo ý định của bản thân; điều khiển, sử dụng chúng cho những mục đích riêng của mình.

Emerault Table. Ảnh: Internet.
Ở The Magician ta bắt gặp câu thành ngữ quen thuộc “As above. So below”. Đây là câu nói được rút gọn từ một khái niệm được đề cập trong “The Emerald Tablet” (Bản Bích Ngọc) của Hermes Trismegistus: “That which is Below corresponds to that which is Above, and that which is Above, corresponds to that which is Below, to accomplish the miracles of the One Thing.” Có nghĩa là: “Cái gì ở Dưới tương ứng với cái gì ở Trên, và cái gì ởTrên tương ứng với cái gì ở Dưới, để đạt tới những phép nhiệm màu của Nhất Thể”. Hoặc theo một cách dịch khác: “Vũ trụ này được tạo dựng theo một cơ cấu chung. Trên dưới như nhau, để cho thấy điều huyền diệu này tất cả là một”.Quay trở lại vấn đề, tại sao The Magician lại gắn liền với câu thành ngữ này? Khía cạnh nào ở ngài thể hiện điều đó, phải chăng ngài chính là mạch dẫn giữa những điều thần bí, mầu nhiệm bên trên và thế giới thực tại bên dưới?Tất cả những điều ấy được thể hiện rõ nét qua hình ảnh và hệ thống biểu tượng của lá bài.

The Magician trong Maryel Tarot. Ảnh: Internet.
Hóa thân vào các bộ bài khác nhau, The Magician có nhiều nét riêng biệt mang đậm phong cách của tác giả và họa sĩ. Song, tựu chung, những lá bài ấy phần nhiều đều mô phỏng theo nguyên bản của Waite, do Pamela Smith phác họa. Trung tâm của lá bài nổi bật lên hình ảnh vị pháp sư, một tay cầm đũa phép giơ lên trời, tay kia chỉ xuống đất. Gương mặt ngài thể hiện sự tập trung cao độ. Phía bên trên là biểu tượng vô cực – infinity.Ngài mặc chiếc áo chùng màu trắng, bên ngoài choàng chiếc áo đỏ tươi. Trước mặt ngài là chiếc bàn đặt 4 bảo vật linh thiên: gậy, kiếm, cốc và pentacle – đây cũng chính là các biểu tượng xuất hiện trong bộ ẩn phụ minor arcana. Xung quanh là những đóa hoa hồng và hoa lily đang nở rộ sắc màu. Tất cả hòa lẫn, tạo nên bầu không khí tĩnh lặng, nghiêm trang nhưng không hề căng thẳng. Tại đó, chỉ có The Magician – ngài đang thực hiện một nghi thức, một phép thuật, thay đổi thế giới hay tạo ra thế giới!

The Magician. Ảnh: Internet
The Magician của chúng ta là vậy đấy! Nếu như trong The Fool, Chàng Khờ được đưa vào hành động cụ thể, mạnh mẽ, dứt khoát pha lẫn một chút điên rồ - thực hiện cú nhảy định mệnh vào thế giới. Thì ở đây, vị Pháp Sưlại đặt mình trong cái dáng dứng vô cùng đặc biệt, đơn giản mà hàm ý sâu sắc! Một tay ngài cầm đũa phép giơ cao lên trời, như thể đang tiếp nhận thiên ý, những lời thì thầm, phán truyền của các đấng bề trên. Rồi thông qua cơ thể vững chãi của mình, ngài truyền chúng xuống thế gian hiện hữu bằng cái chỉ tay xuống đất, nhẹ nhàng mà rắn chắc, cương quyết. Và khi làm công việc thiêng liêng ấy, ngài tự hóa mình thành chiếc cầu nối giữa trên và dưới, giữa trời và đất, hợp thức hóa câu thành ngữ mà chúng ta đã nhắc đến: “As above. So below”. 

Song, The Magician chỉ là một lá bài, người ta biết đến nó qua Tarot. Vậy ngoài đời thực thì sao? Liệu có mối liên kết nào đặc biệt như thế? Những người hoài nghi hay những nhà theo chủ nghĩa duy vật sẽ nói với tôi rằng, thế giới này chẳng có pháp sư hay phù thủy, phải chăng cái mà các tác giả tạo ra chỉ đơn thuần là một sự ngẫu nhiên hay một sự gán ghép gượng ép? Xin thưa là không! Nếu nhìn rộng ra thế giới bên ngoài, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của The Magician ở những con người bình thường, những việc làm giản đơn. Trong buổi lễ ngày Chúa nhật, các vị linh mục vẫn xem mình là một kênh truyền dẫn của Chúa trời. Họ thay mặt Chúa đọc Kinh Thánh, làm phép, chuyển sức mạnh tối cao vào bánh mì và rượu rồi ban phát Thánh Thể cho đàn chiên của Thiên Chúa. Hiện thực hơn là hình ảnh của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ. Đấy là những người dạt dào năng lượng, họ luôn tìm kiếm, nắm bắt những luồng tư tưởng để rồi thông qua đôi tay của mình họ tạo nên các tác phẩm đặc sắc – những thế giới riêng, nhỏ bé song có sức tồn tại mãnh liệt, lay động trái tim hàng triệu người. Hoặc đơn giản nhất, gần gũi nhất đấy chính là bản thân chúng ta. Hãy nhớ lại những lúc ta phấn khích, vui sướng, ý tưởng tràn ngập khắp cơ thể. Ta trò chuyện, tác động đến mọi người và môi trường xung quanh, niềm vui lây lan khắp mọi nơi, ta thay đổi một phần nhỏ của cuộc sống khi tự biến mình thành một mạch dẫn.Riêng về phần mình, là một người tìm hiểu và sử dụng Tarot. Tôi xem mỗi bộ bài là một minh chứng rõ nét cho câu thành ngữ “As above. So below”. Bởi lẽ, 78 khung ảnh đa màu, đa sắc ấy là sự phản chiếu, tập hợp của muôn vàn kiến thức từ cổ chí kim, nổi bật nhất là mối quan hệ chặt chẽ với chiêm tinh học. 7 hành tinh, 12 cung hoàng đạo kết hợp, xoay vần trong những lá bài, tạo nên những nét nghĩa riêng biệt, không thể hòa lẫn.

The Magician. Ảnh: Internet
Trong tác phẩm “Seventy – Eight Degrees of Wisdom”, Rachell Pollack lại ví von vị Pháp Sư với hình ảnh hết sức đặc biệt – cột thu lôi. Nếu đã học hay đọc qua vật lý cơ bản, chắc hẳn ai cũng biết, cột thu lôicung cấp một đường dẫn với điện trở thấp dẫn xuống mặt đất, có thể tạo ra dòng điện khi bị sét đánh. Nếu bị sét đánh, hệ thống sẽ thu lấy tia sét và truyền năng lượng vào lòng đất. Song, không chỉ dừng lại ở chỗ giải nghĩa bình thường. Bằng việc so sánh ấy, tác giả đã gợi lên một tầng nghĩa khác của The Magician. Cây cột thu lôi kia sẽ ra sao nếu không có tia sét ấy? Nếu chất lượng của chúng không chịu nổi luồng điện của tia sét hay việc dẫn truyền bị tắc nghẽn thì sẽ ra sao? Quả thực, nếu vị Pháp Sư không tiếp cận được nguồn tri thức ở cấp độ cao hơn thì ông ta sẽ trở nên một người vô dụng trong thế giới chúng ta. Song, nếu tiếp nhận nhưng không thể chịu đựng được hay truyền đạt chúng ra bên ngoài thì kết quả chỉ có thể hủy hoại bản thân mình, đôi khi còn thiêu rụi và phá hủy mọi thứ xung quanh. Tựa như vị linh mục sẽ trở thành người bình thường khi không rao giảng vào các ngày Chúa Nhật. Các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ sẽ phát điên khi ông ấy hay bà ấy không truyền tải được ý tưởng thành tác phẩm. Hay cảm giác bức bối mà bạn phải gánh chịu khi niềm vui, sức sống ngập tràn cơ thể nhưng không có ai để chia sẻ, không có việc gì để làm!

Như vậy, nếu nghĩa xuôi của The Magician là hành động, sự truyền dẫn năng lượng; đại diện cho sức mạnh tinh thần, cái ý chí thống nhất và hướng đến mục tiêu. Thì nghĩa ngược của lá bài lại cho thấy sự tắc nghẽn, trì trệ; lạm dụng sức mạnh; sự bất an về tinh thần, các ảo giác và nỗi sợ hãi.

Xuất hiện sau The Fool – số 0, The Magician được gắn liền với số 1 – con số khởi nguyên, bắt đầu cho tất cả các số còn lại. Trong tác phẩm “A Dictionary of Symbols” của J.E. Cirlot có đoạn viết “con số 1 là tượng trưng cho hữu thể và là sự vén mở cho con người về yếu tố tâm linh. Nó là nguyên lí hoạt động, khi vỡ thành phần mảnh, làm nảy sinh bội số”. Bên cạnh đó, “nó cũng đại diện cho sự nhất nguyên tâm linh – là nền tảng chung giữa vạn vật”. Quả thực như vậy, nếu như The Fool không là gì cả, chàng bước vào thế giới bằng cú nhảy định mệnh, là sự bắt đầu từ cái hư vô thì The Magician lại khác, ngài là điểm khởi đầu cho thế giới thực tại, cho hành trình tâm linh. Nói cách khác, The Magician chính là nền tảng mà từ đó mỗi người xây dựng lên thế giới của riêng mình.

Cũng theo J.E. Cirlot, số 1 “được đồng nhất với Trung tâm huyền học, Điểm bức xạ và Quyền năng tối thượng”. Hay trong phong thủy, người ta coi đấy là con số của các vị thần thánh, của hoành đồ, được biểu hiện như con trai của trời. Số 1 tượng trưng cho cái đỉnh tối thượng, đỉnh núi cao – độc nhất trời. Như vậy, việc gán cho The Magician con số 1 lại một lần nữa khẳng định vị thế độc tôn, sức mạnh, quyền năng và uy lực của ngài. Song, đôi khi nó cũng nhắc đến một khía cạnh khác, đấy là cái tôi quá lớn, có phần tự cao và ngạo mạn của The Magician!

Xét về hệ thống biểu tượng của lá bài, The Magician là một tập hợp nhiều biểu tượng mang ý nghĩa và sắc thái khác nhau. Từ nét mặt, cách cầm gậy phép của vị Pháp Sư, đến các món bảo vật linh thiêng cùng khu vườn hoa nở rộ dưới chân ngài.

The Magician trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Internet.
Hình ảnh cây gậy phép xuất hiện từ lá đầu tiên của bộ ẩn chính và lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt 22 lá còn lại. Trong The Fool, Chàng Khờ dùng cây gậy ấy một cách vô thức – để treo túi! Chàng tựa nhẹ cây gậy lên vai, mắt lơ đễnh hướng về bầu trời như thể không quan tâm đến sự hiện diện của nó. Còn với The Magician, ngài nhận thức được sức mạnh của cây gậy ấy, đưa nó vào thế giới thực và dùng nó để tạo nên phép màu, biến đổi không gian, thời gian, thay đổi và tạo ra thế giới. Sự trân trọng của ngài được thể hiện qua cách cầm tay vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ, cương quyết. Tay ngài hướng chiếc gậy thẳng lên trời cao, thu nhận những điều màu nhiệm của bề trên. Gương mặt lộ rõ sự tập trung cao độ. Ngài ý thức được tầm quan trọng của việc mình đã, đang và sẽ thực hiện. Và cũng vì thế, màu sắc của chiếc gậy chuyển từ đen sang trắng, tức năng lượng của nó không còn ở dạng tiềm năng nữa mà đã được sử dụng, phóng thích ra bên ngoài có mục tiêu và ý nghĩa!

Bốn món bảo vật: gậy, kiếm, cốc và pentacle hiện diện trong The Magician là các biểu tượng đại diện cho 4 bộ ẩn phụ - minor arcana. Gậy – sức mạnh của lửa – đại diện cho tinh thần, sự đam mê, truyền cảm hứng và hành động. Kiếm – sức mạnh của khí – đại diện cho trí tuệ, suy nghĩ, tư duy và sự giao tiếp. Cốc – sức mạnh của nước – đại diện cho cảm xúc, tình cảm, tâm linh. Cuối cùng là Pentacle – sức mạnh của đất – đại diện cho thế giới thực, tiền tài, vật chất.Cả 4 tụ hội và chịu sự điều khiển của vị Pháp Sư. Tuy nhiên, trong Rider Waitedo Pamela Smith phác họa, chúng vẫn ở trong trạng thái tĩnh – đặt trên bàn, còn trong một số phiên bản khác, 4 món ấy vận hành, xoay chuyển trong không trung, càng nhấn mạnh thêm quyền năng vô hạn của The Magician.

Song, với cách thể hiện của Pamela Smith, tôi lại có một hình dung khá thú vị về lá bài này. Còn nhớ, trong lá The Fool, tôi đã nhắc đến quan điểm của tác giả Corrine Kenner, cho rằng chúng ta chính là Chàng Khờ đang tiến bước vào thế giới ảo diệu của phép thuật, hành trang mang theo là bộ Tarot bé nhỏ. Nối tiếp dòng tư tưởng đó, tôi xem 4 món bảo vật được bày biện trên bàn kia không gì khác chính là bộ Tarot, nhưng không còn bị gói gọn nữa mà dàn trải ra phía trước, sẵn sàng cho chúng ta câu trả lời về cuộc sống. Còn ta lại hóa thân thành The Magician, tập trung thực hiện công việc của mình, đón nhận và giải đáp những lá bài được rút và lật lên một cách huyền diệu, để rồi sau đó như cái chỉ tay mạnh mẽ của vị Pháp Sư, ta đưa cho querent không chỉ là quá khứ, hiện tại hay tương lai mà còn là những sự động viên, lời khuyên chân thành để họ có thể bình tâm và tìm ra phương hướng giải quyết những rắc rối xảy đến!

Vị Pháp Sư đứng giữa vườn hoa hồng và lily nở rộ. Hoa hồng với màu đỏ thắm tượng trưng cho lý trí tuyệt đối, sự đam mê rạo rực, nồng cháy; kết hợp với hoa lily trắng đại diện cho tình yêu thuần khiết ngây thơ, khờ dại. Cả hai kết hợp, xuất hiện như lời nhắc nhớ rằng sức mạnh cảm xúc và sáng tạo mà chúng ta cảm thấy trong cuộc sống cần được chăm dưỡng trong thế giới vật chất thì mới có ngày gặt hái từ chúng. Nếu có tiềm năng nhưng không biến nó thành hiện thực thì cuối cùng sẽ chẳng có gì cả!

Ở đây, nếu để ý, ta dễ dàng nhận ra màu sắc trang phục mà The Magician mặc có nét tương đồng với màu của hoa hồng và hoa lily: đỏ và trắng. Màu đỏ - màu cổ xưa nhất trong lịch sử. Đấy là màu của của lửa, thiên về thái dương, thể hiện tính nam, của những tiềm năng nội lực. Nó biểu tượng cho bản nguyên sự sống, cả sức mạnh to lớn và tiềm năng vĩ đại. Bên cạnh đó, màu trắng là màu của mây trời, đại diện cho tâm hồn trong sạch, ngây thơ, trực giác cùng khả năng tâm linh. Ở đây, màu trắng được đặt vào trong lòng màu đỏ như một sự cân bằng mà nếu thiếu nó, ngọn lửa năng lượng có thể thiêu rụi tất cả. Mặt khác, tôi xem đó như lời khuyên, rằng đứng trước quyền năng vô hạn mà không làm chủ được tinh thần, giữ mình thanh khiết thì ắt sẽ hại người, hại mình!

Đặt The Magician vào mối tương quan giữa lá bài với bảng chữ Hebrew và chiêm tinh học thì ý nghĩa của nó lại càng nổi bật và sâu sắc hơn nữa.

Trong sự kết nối với Hebrew, The Fool sẽ nhận chữ cái đầu tiên “aleph” – đây là mẫu tự mang những nguyên âm câm nên nó biểu trưng cho hư vô, nó cũng là chữ cái đầu tiên của Mười Điều Răn. Điều này gán ký tự thứ hai, “beth”, chữ cái đầu tiên có âm, cho lá The Magician. “Beth” cũng là chữ cái đầu tiên của Sáng Thế Ký. Trong lá bài, hình ảnh dàn hoa bên trên và vườn hoa bên dưới chính là hình ảnh của mẫu tự này. “Beth” có nghĩa là nhà. Như vậy, bằng việc gán ký tự này cho The Magician, ta thấy được một sự vững chãi, chắc chắn, là nền tảng của tất cả mọi thứ. Bởi lẽ, mọi đứa trẻ đều được lớn lên, phát triển trong ngôi nhà trước khi bước tiếp cuộc hành trình của mình trong thế giới này.

Beth trong tiếng Do Thái. Ảnh: Internet
Về mặt chiêm tinh học, The Magician là hiện thân của sao Thủy – Mercury. Ngôi sao nhỏ nhất, gần mặt trời nhất và cũng chuyển động nhanh nhất – mỗi chu kỳ quay của nó chỉ kéo dài 88 ngày. Ngoài ra, trong thần thoại, ngôi sao này còn là tượng trưng cho vị thần Hermes – vị thần đi trên đôi giày có cánh, đội chiếc mũ cũng có cánh, ngài làm công việc đưa tin cho các vị thần, truyền đạt thông tin từ thế giới bên trên xuống thế giới bên dưới. Với vị trí và vai trò của mình, ngài đại diện cho tốc độ, sự giao tiếp, thương nhân, nhà diễn thuyết, kẻ lường gạt và những tên trộm. Ngài là cầu nối giữa thế giới của những ý niệm và thế giới thực tại.

Do được gán với sao Thủy – Mercury, nên The Magician thuộc hệ khí, ta có thể thấy rõ điều đó qua màu sắc chính của lá bài – màu vàng.

Ngoài ra, màu vàng trong lá The Magician cũng chính là màu ứng với ký tự “beth”, tương hợp với sao Thủy theo quan điểm của Golden Dawn.

Tóm lại, The Magician xuất hiện trực tiếp ngay sau The Fool. Vị Pháp Sư chính là một mạch dẫn nối liền giữa trời và đất, giữa cái bên trên và cái bên dưới. Ngài thay đổi và tạo ra thế giới bằng sức mạnh tồn tại bên ngoài và chính trong bản thân của mình!

The Magician trong Budha Tarot. Ảnh: Internet
“I am the mouthpiece of the elements, and throught the power of their words in my voice, all may become manifest. I know the power of the gods, I hold their fire within my hands. My will is absolute and bends the world around me, for I am the world and it is me.”
--- Emily Carding ---

Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Ý nghĩa của màu sắc trong Tarot de Marseille, www.tarothuyenbi.info, Hoàn Hiền thực hiện
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack)– 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· A Dictionary of Symbols (J.E.Cirlot) – Bản dịch tại website http://chiecnon.wordpress.com (Rose – Khoa Hiếu chuyển ngữ)
Thảo Nguyễn, thành viên của Tarot Huyền Bí, bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo 
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Mật Mã Bài Tarot: Lá The Magician - Lá Pháp Sư (P2)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ