Mật Mã Bài Tarot: Lá The Emperor - Lá Hoàng Đế (P5)

“I am the firm hand that tames creation’s chaos. I am the ever – virile seed, the fruids of cultivation. I am discipline, I am structure, I am the glorious kingdom and its leader. I am fire’s form, the radiant halo of luminescence. You may know my protection but those who cross me will wrath for I am the father Emperor of all.”
--- Emily Carding ---

Du hành xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các vị nam thần nắm giữ những vai trò, vị trí khác nhau ở thế giới thần linh, cũng như cai quản nhiều mặt trong cuộc sống loài người. Đấy là các hình tượng biểu trưng cho tính nam, sức mạnh, quyền lực và đặc biệt là người cha – mẫu hình gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến từng bước trưởng thành. Mang đầy đủ những nét đặc trưng đó, hóa thân vào Tarot, mẫu hình ấy trở thành quân bài thứ 5 trong bộ ẩn chính – major arcana, dưới tên gọi The Emperor – Hoàng Đế.

The Emperor trong Rider Waite Tarot. Ảnh: Internet
Với sự đối lập hoàn toàn, The Emperor xuất hiện ngay sau The Empress, vị Hoàng Đế bổ sung cho Nữ Hoàng. Nếu như The Empress đại diện cho Yin, tính nữ, tình yêu thương, người mẹ thì The Emperor lại biểu thị cho Yang, tính nam, sức mạnh, quyền lực, người cha. Thái độ lạnh lùng của ngài trái ngược hoàn toàn với vẻ mặt dịu dàng của vị Nữ Hoàng. Song, sự đối lập ấy không đấu tranh làm giảm đi ý nghĩa hay loại trừ nhau. Ngược lại, đặt lá bài này bên cạnh lá bài kia, với sự tương phản mạnh mẽ, nội dung của chúng như được nhấn mạnh, trở nên cô đọng và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Trong hành trình của The Fool, Chàng Khờ đến với thế giới của The Empress trước. Chàng được sinh ra từ mẹ, được bà yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc. Rồi sau đó mới du hành sang lãnh địa của The Emperor. Tại đây, chàng được người cha nghiêm khắc dạy bảo, rèn luyện qua từng bước trưởng thành, một cách khắc nghiệt và có phần khô khan. Như vậy, theo chu trình phát triển của mỗi con người, The Emperor được đặt ngay sau The Empress là hoàn toàn hợp lý. 

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nếu nhìn rộng ra tổng thể, ta có thể dễ dàng nhận thấy vị trí của hai lá bài này gắn liền với lịch sử nhân loại. The Empress là hiện thân cho chế độ Mẫu hệ - nơi người nữ nắm giữ vai trò trọng yếu trong xã hội. The Emperor lại đại diện cho chế độ Phụ hệ - giai đoạn mà mọi quyền lực tập trung trong tay người nam. Như vậy, nấc thang từ The Empress lên The Emperor chính là sự chuyển giao địa vị từ người nữ sang người nam, từ chế độ Mẫu hệ sang chế độ Phụ hệ.

The Emperor – Hoàng Đế trong Rider Waite đã được Pamela Smith phác họa với những chi tiết, hình ảnh chọn lọc cùng một hệ thống biểu tượng phong phú, giàu ý nghĩa. Nổi bật lên là vị Hoàng Đế ngồi trên chiếc ngai vàng, hướng trực diện về phía trước. Gương mặt thể hiện sự nghiêm nghị pha lẫn nét lạnh lùng, có phần gia trưởng và độc đoán. Bên trên, ngài đội chiếc vương miệng bằng vàng. Râu, tóc đều đã bạc phơ theo năm tháng. Hai tay ngài đặt vững chắc trên thành ghế. Một tay nắm giữ chiếc chìa khóa Ankh của người Ai Cập cổ đại, tay kia nắm giữ một quả cầu vàng. Vị Hoàng Đế mặc trên mình bộ giáp sắc được làm từ kim loại như các chiến binh ra trận. Bên ngoài, phủ lên trên lớp giáp ấy là chiếc áo choàng với hai màu chính là đỏ và cam. Chiếc ngai vàng của ngài được tạc nên từ đá chắc chắn, trang trí với 4 hình đầu cừu đực. Khung cảnh phía sau The Emperor trái ngược hoàn toàn với thế giới thiên nhiên trù phú, tốt tươi của The Empress. Ở lãnh địa của vị Hoàng Đế, ta chỉ thấy một bãi sa mạc mênh mông, khắc nghiệt với lớp lớp ngọn núi hùng vĩ. Bên dưới, một dòng suối nhỏ chảy qua vùng đất cằn cỗi ấy. Còn bên trên, bầu trời buông xuống một màu rực lửa.

BOTA Tarot: The Emperor. Ảnh: Internet
Đấy là cách vẽ The Emperor của Waite – Smith. Song về phần mình, tôi lại thích sự thể hiện lá bài ấy trong bộ Builders of the Adytum (BOTA) của Paul Fostr Case do Jessie Burns Parke minh họa hơn. Trong đấy, vị Hoàng Đế được vẽ dưới góc nhìn nghiêng. Ngài không ngồi trên chiếc ngai vàng mà thay vào đó là một khối lập phương. Khối lập phương có 12 cạnh, 6 mặt, 3 trục đối xứng với 1 trung tâm ở giữa, kết hợp lại tạo thành con số 22 – 22 lá major arcana, 22 kí tự Hebrew và 22 con đường của Cây Sự Sống. Như vậy, khối lập phương kia là biểu trưng cho cả vũ trụ bao la, rộng lớn. Vì thế, The Emperor không chỉ là hoàng đế của xã hội loài người, mà cao hơn hết thảy, ngài như vị chúa tể của vạn vật. 

Về tư thế của The Emperor, trong BOTA lại có nhiều nét cách điệu hơn so với Rider Waite. Đôi chân của vị Hoàng Đế bắt chéo tạo thành hình chữ thập. Hai tay và đầu của ngài lại tạo nên hình tam giác. Hình ảnh một tam giác đều hướng lên trên, bên dưới là một chữ thập chính là dấu hiệu giả kim của nguyên tố lửa – nguyên tố chính của lá bài. 

Trở lại với Rider Waite, tuy lá The Emperor không có một bảng màu sắc đa dạng, phong phú như The Empress. Song, không vì thế mà chúng làm ý nghĩa của lá bài kém đi. Mặt khác, như một dụng ý của Waite – Smith, bằng việc tập trung vào một số màu sắc chính, nội dung của lá bài được nhấn mạnh thêm nhiều lần. Nổi bật lên trên là hai màu chủ đạo: đỏ và cam. 

Màu đỏ, đấy là màu của rượu hoặc máu, tượng trưng cho đam mê, tình yêu, khát khao và tình dục. Màu đỏ còn đại diện cho cung Bạch Dương – dấu hiệu của chiến binh, và Mars, hành tinh của sức mạnh cũng như sự tấn công, xâm lược. Ngoài ra, nó còn đại diện cho hiểm nguy, sự tức giận và những điều cảnh báo. Bên cạnh đó là màu cam. Màu cam thường biểu thị cho tính sáng tạo, sức sống, thể chất khỏe mạnh, nhiệt huyết cùng sự hưởng thụ. Đồng thời, nó còn là màu của mặt trời. Việc đặt màu cam bên cạnh màu đỏ, như một lời nhắc nhở mặt trời sẽ được gia tăng sức mạnh khi ở cung Bạch Dương.

Tarot de Marseille: L'Empereur. Ảnh: Internet
Trong hệ thống bộ ẩn chính – major arcana, lá The Emperor được đánh số 4. Theo cuốn sách “A Dictionary of Symbols” của J.E. Cirlot. Số 4 là con số: “tượng trưng cho trái đất, cho không gian địa cầu, cho thân phận con người, cho những giới hạn bên ngoài và tự nhiên của nhận thức ‘tối thiểu’ về toàn thể tính và sau hết, về tổ chức thuần lý”; nó “đại diện cho bốn mùa và các phương địa bàn”. Quả thực như vậy, nhìn ra thế giới bên ngoài, ta dễ dàng bắt gặp con số 4 ở khắp nơi. Điển hình như 4 nguyên tố cổ đại, được xem là cấu thành nên vạn vật tự nhiên, bao gồm: lửa, khí, nước và đất; 4 phương hướng chính: đông, tây, nam, bắc; 4 mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông. Hay như đối với mỗi con người, đấy chính là đằng trước, đằng sau, bên trái và bên phải; con người cũng trải qua 4 giai đoạn của cuộc đời: sinh, lão, bệnh, tử.

Ngoài ra, số 4 còn “đồng đẳng với hình vuông, hình lập phương và chữ thập”. Điều này có thể giải thích phần nào sự cách điệu của một số bộ bài khi thay chiếc ngai vàng của vị Hoàng Đế bằng khối lập phương và đôi chân của ngài lại bắt chéo, tạo nên chữ thập một cách huyền bí. 

Mặt khác, khi gắn liền với tư tưởng huyền học và tarot, số 4 biểu thị cho 4 suits của bộ ẩn phụ - minor arcana: gậy, kiếm, cốc và pentacle. Đồng thời, nó còn đại diện cho tứ tượng – tetramorph.

Xét về mặt biểu tượng của lá bài, tôi sử dụng hình ảnh The Emperor của Rider Waite, bởi lẽ đây được xem là chuẩn cho sự biến hóa, cách điệu của nhiều bộ bài khác sau này. Ở đây, ta tập trung vào các biểu tượng chính như: bộ râu, tóc bạc phơ của vị Hoàng Đế, chiếc chìa khóa vàng Ankh và quả cầu trên tay ngài, bộ giáp sắt, chiếc ngai vàng bằng đá được trạm 4 hình đầu cừu đực; môi trường thiên nhiên khắc nghiệt và dòng suối nhỏ chảy qua bên dưới.

The Emperor có bộ râu trắng và dài. Đấy chính là biểu tượng cho sự trải nghiệm cuộc sống. Từ thời xa xưa, như một nguyên mẫu, bộ râu trắng của người đàn ông thường tượng trưng cho những đặc tính uy quyền và khả năng lãnh đạo. Nó cho chúng ta cảm giác rằng vị Hoàng Đế đã phải trải qua rất nhiều năm kinh nghiệm và lĩnh hội được trí tuệ, sự thông suốt hơn người. Ngài đã vượt qua tất cả những gian truân, thử thách khi còn trẻ để có thể đạt được vị trí tối cao như ngày hôm nay. Ngài là người đáng được lắng nghe, vì với sự hiểu biết uyên thâm, ngài có thể nhìn thấy trước được mọi kết quả từ những hành động của chính bản thân mình. Như vậy, dù đôi khi có phần độc đoán và gia trưởng song những quyết định của ngài xứng đáng được tôn trọng và thực hiện.

Lo Scarabeo Tarot. Ảnh: Internet
Một tay vị Hoàng Đế cầm chiếc chìa khóa Ankh của người Ai Cập cổ đại, tay còn lại nắm giữ một quả cầu vàng. Biểu tượng Ankh trong Tarot thể hiện sự thấu hiểu ở một tầm nhìn mới, một quan điểm mới. Trong biểu tượng chiếc chìa khóa, bên trên là vòng tròn, đại diện của mặt trời, còn đường ngang bên dưới nó biểu thị cho đường chân trời của trái đất. Hai hình ảnh này tác hợp tạo nên sự gắn kết thiêng liêng của trời và đất. Nhờ có sự liên kết này mà cuộc sống trên trái đất được đảm bảo, liên tục vì theo quan điểm của người Ai Cập cổ đại, mặt trời nuôi dưỡng trái đất, đem lại cuộc sống trù phú, tươi đẹp dọc bờ sông Nile thần thánh. Ở một khía cạnh khác, Ankh vừa là biểu tượng của sự sống vừa là cánh cửa mở ra cõi âm, vì thế nó đại diện vòng luân hồi. Ngoài ra, Ankh còn mang ý nghĩa là sự bảo vệ, hoàng gia, danh dự, sự khôn ngoan tiềm ẩn, sức mạnh và quyền lực. 

Còn trong tay kia của vị Hoàng Đế là một quả cầu vàng. Quả cầu thường là mô tả cho toàn thế giới. Nó đại diện cho cái tổng thể. Bằng việc cầm quả cầu ấy, vị Hoàng Đế như nắm giữ tất cả vạn vật trong tầm tay mình và ngài hoàn toàn có khả năng biến chuyển mọi thứ theo ý định của bản thân. Ngoài ra, xét về khía cạnh hình học, quả cầu còn tượng trưng cho sự vô cực, sự hoàn thành và các chu kỳ diễn ra trong cuộc sống.

Vị Hoàng Đế đang mặc trên mình một bộ giáp sắt. Đây là dấu hiệu cho thấy ngài đã, đang và sẽ là một vị chiến binh. Nếu như trước đây, khi còn trẻ, ngài tham gia chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ để chứng tỏ bản thân, hoàn thành thử thách. Thì giờ đây, trong một vai trò, vị trí tối cao, ngài vẫn không ngừng nghỉ thực hiện nghĩa vụ của mình đối với vương quốc. Bộ giáp sắt ấy chính là biểu trưng cho sự bảo vệ, sự chuẩn bị và sức mạnh.

Chiếc ngai vàng của ngài được làm từ đá, với kết cấu vuông vức, chắc chắn cùng màu xám trắng đã tô đậm thêm sự kiên định, vững chãi tuy có phần cứng nhắc, rập khuôn của vị Hoàng Đế. Trên chiếc ngai vàng ấy được điêu khắc 4 hình đầu cừu đực. Số 4 ở đây liên hệ với con số được gán cho lá bài, còn hình đầu cừu đực lại thể hiện cho cung hoàng đạo Bạch Dương. Biểu tượng đầu cừu đực thường được đại diện cho những người đứng đầu, các nhà lãnh đạo. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa về sự quyết tâm, hành động và sáng kiến.

Môi trường xung quanh The Emperor trái ngược hoàn toàn với The Empress. Nếu như khu vườn của vị Nữ Hoàng tràn ngập hoa thơm cỏ lạ phong phú, tốt tươi thì vị Hoàng Đế lại tại vị ở một vùng sa mạc khô cằn khắc nghiệt, lớp lớp núi non. Thế giới bên ngoài đó thể hiện phần nào nội tâm của The Emperor, khô khan, khốc liệt, bảo thủ và độc đoán. Vị Hoàng Đế có phần tiết chế, giảm thiểu tình cảm xuống mức tối đa. Điều đó thể hiện qua dòng suối nhỏ chảy qua bên dưới. Trong The Empress, dòng suối được chảy một cách tự do, lưu lượng nước dồi dào, tràn trề thì ở The Emperor, dòng suối chỉ như một dòng nước nhỏ, chảy thẳng tắp với một lưu lượng nước ít ỏi.

The Emperor trong Sun and Moon Tarot. Ảnh: Internet
Khi đặt The Emperor vào mối liên kết với hệ thống chữ Hebrew. A.E. Waite đã gán cho lá bài mẫu tự thứ 5 “Heh”, có nghĩa là cửa sổ. Tuy nhiên, Aleister Crowley lại không đồng ý với ý kiến đó. Trong tác phẩm “The Book of the Law”, ông đã phát biểu rằng “All these old letters of my Book are right but Tzaddi is not the Star”, tạm dịch “tất cả các ký tự trong sách của tôi đều đúng nhưng Tzaddi không phải là The Star”. Tức là, nếu việc gán các mẫu tự Hebrew theo thứ tự bộ ẩn chính thì lá The Emperor sẽ đi với “Heh” còn The Star là “Tzaddi” song Crowley cho rằng “Tzaddi” – lưỡi câu - phù hợp với vị Hoàng Đế hơn.

Như đã được đề cập đến ở trên, The Emperor tượng trưng cho cung hoàng đạo đầu tiên – Bạch Dương. Những người thuộc cung Bạch Dương thường linh động, mạnh mẽ, dễ bị kích động và bốc đồng, lạc quan, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với những điều mới mẻ. Hành tinh chi phối của cung Bạch Dương là Mars – Sao Hỏa, vị thần chiến tranh, hung hăng, thích xâm lược. Trong chiêm tinh học, sao Hỏa tượng trưng cho sự dũng cảm, đam mê và đua tranh. Ngoài ra, sao Hỏa cũng mang đến dấu hiệu của sự căng thẳng và tai biến.

Vì đại diện cho cung Bạch Dương nên nguyên tố của The Emperor là nguyên tố lửa. Điều này thể hiện rõ nét qua màu sắc chủ đạo của lá bài – đỏ và cam.

Tóm lại, The Emperor đại diện cho tính nam, sức mạnh, quyền lực, người cha. Ngài lãnh đạo tạo nên kết cấu ổn định, nền tảng vững chắc cho thế giới nơi ngài cai trị. Song, về mặt tiêu cực, The Emperor lại thể hiện cho sự thống trị, độc đoán, sự kiểm soát quá mức, cứng nhắc và không nhân nhượng.

Xem toàn bộ bài viết trong cuốn Mật Mã Bài Tarot.

Tài liệu tham khảo:
· Những bí ẩn triết lý và Đạo học của các con số, www.tarothuyenbi.info, Nguyễn Tiến Văn dịch và giới thiệu
· Tarot chú giải – Phùng Lâm – Thư viện Tarot Huyền Bí
· Seventy Eight Degrees of Wisdom (Rachel Pollack) – 78 Độ Minh Triết (Bản dịch của Pansy 88)
· Understanding Aleister Crowley’s Thoth Tarot (Lon Milo DuQuette)
· Wizards Tarot Handbook (Corrine Kenner)
· Tarot and Astrology (Corrine Kenner)
· Tarot of the Sidhe Companion (Emily Carding)
· Western Mysteries (David Allen Hulse) – Bí Mật Phương Tây (NXB Văn hóa Thông tin)
· Quy luật vũ trụ (Joanna Martine Woolfolk) – NXB Đồng Nai
· Website: www.tarotteaching.com 

Thảo Nguyễn, thành viên Tarot Huyền Bí. Bài viết mang quan điểm của tác giả. Viết dưới sự hướng dẫn của Phùng Lâm và Phillippe Ngo.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Mật Mã Bài Tarot: Lá The Emperor - Lá Hoàng Đế (P5)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ