Đặc Trưng Nội Dung Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương IIII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)

Về mặt nội dung tiếng cười, C. Todd White, trong bài viết “The Anthropology of Fools”, đã chỉ ra bốn chủ đề gây cười mà hề hay sử dụng, dựa trên bốn chủ đề hài hước trong đời sống toàn cầu được đưa ra bởi nhà nhân chủng học Julian Steward vào cuối thập niên 1920.



Hề thường đùa cợt và nhạo báng những gì thiêng liêng. Cái thiêng ở đây không chỉ thu hẹp trong phạm vi tôn giáo. Nó còn có thể là tư cách chính trị, địa vị xã hội, những nhân vật nổi tiếng được xã hội trọng vọng. Những người có địa vị cao và có uy tín trong xã hội thường trở thành chủ đề cho những lời giễu cợt, đả kích. Có thể kể đến trường hợp những nhân vật hề chuyên nghiệp trong các hoàng cung xưa, ở một vài khía cạnh, những trò hề của họ gợi nhắc cho chủ nhân về sự nhất thời của quyền lực. Hề đại diện cho sự thật, và một cách nghịch lý, những trò đùa cợt ngu ngốc của hề can gián chủ nhân phạm vào những điều ngu ngốc. Mặt khác, những nhân vật trong triều đình thường bị hề giễu cợt, đùa vui để mang đến tiếng cười, giải tỏa căng thẳng liên quan đến các vấn đề trong triều chính. Ngay cả những nghi thức thiêng liêng cũng hàm chứa sự cười cợt. Trong nhiều nền văn hóa, một vài nghi thức và nghi lễ có bề ngoài chống lại trật tự, nhưng bên trong chính là một cách duy trì trật tự. Rất nhiều nghi lễ có các nghi thức nghịch đảo, nam mặc đồ nữ, nữ đóng vai trò của nam, con người đóng giả con vật… Bởi các mối quan hệ đùa giỡn thân tình có tác dụng nuôi dưỡng sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng. Max Gluckman, trong cuốn Custom and Conflict in Africa, đã đề cập đến một nghi lễ giữa các thị tộc khác nhau của người Tonga ở miền Bắc Rhodesia. Họ thiết lập một mối quan hệ đùa cợt có tính chất nghi thức giữa các thành viên trong các thị tộc khác nhau. Những thành viên trong các nhóm đùa cợt này thực hiện nghĩa vụ xã hội có tính chất qua lại, họ đùa cợt, trêu chọc và thông qua đó chỉ trích đối phương. Và như vậy, mỗi người tham gia nghi thức này đều đóng vai trò của người khuyên răn, can gián. Thực chất, mối quan hệ này là sự kết hợp giữa tình bạn và sự phản kháng, sự đóng giả và sự thù địch, trong khuôn khổ một bầu không khí thân thiện, có tác dụng duy trì khuôn khổ xã hội, sự tôn trọng lẫn nhau và sự liên minh vững chắc giữa các thị tộc.

Hề thường cười nhạo người ngoại quốc hoặc những người lạ. Todd cho rằng, việc nhạo báng và tuyên truyền có tính chất đùa cợt này nhằm mục đích hạ bệ uy tín đối phương và nâng nhuệ khí quốc gia. Một vài ví dụ hiện đại có thể kể đến những vai diễn trào phúng có tính chất chính trị của Bob Hope, và vai diễn của Joel Gray trong vở nhạc kịch Cabaret. Tiếng cười chính là một lối thoát, là một cách giải tỏa tâm trạng thù địch, sự đua tranh và tâm trạng vỡ mộng. Trong các màn chuyển tiếp trong lễ hội của người Kwwakiutl, xuất hiện các màn chuyển tiếp giễu nhại người da trắng. Những người thổ dân bản địa đóng vai cảnh sát, chánh án, thẩm phán. Một người phụ nữ bị bắt vì vắng mắt trong phần đầu của buổi lễ, bị xét xử và kết án 70 dollars, tương đương với những tấm chăn sẽ được phân phát cuối buổi lễ nhân danh người phụ nữ đó, như những món quà. Thật ra, tiếng cười có thể giảm thiểu hoặc khích động bạo lực. Mười ba trên hai mươi chín lần xuất hiện từ “laughter” (tiếng cười) trong Kinh Thánh đều liên quan đến bạo lực[1]. Những trò đùa cợt có thể duy trì tình bạn, hoặc cũng có thể cô lập những người lạ, tạo ra những cuộc tàn sát hay những trận chiến.



Nội dung liên quan đến tình dục và các nội dung có tính chất tục tĩu cũng thường được hề sử dụng. Bakhtin đã chỉ ra trong Gargantua và Pantagruel những biểu tượng của dương vật như những tháp chuông, những ống khói, cái mũi được phóng to. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy tục thờ dương vật rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa, ví dụ như tộc Pueblo ở phía tây Nam Mỹ. Một vài anh hề zuni sẽ đeo những dương vật giả mà anh ta dùng để chọc hay để vuốt ve. Những linh hồn kachina của người Hopi mang mặt nạ được trang trí bởi những biểu tượng có hình dương vật. Đây là những nghi thức xa xưa có tính chất phồn thực, nó gắn liền với tư duy nguyên hợp của người nguyên thủy, cho rằng con người là một phần của vũ trụ. Gắn với bộ phận sinh dục, các chất thải cũng là những yếu tố tục tĩu mà hề hay sử dụng. Bakhtin viết về phân: “Phân – đó là một thứ vật chất vui vẻ. Trong các hình tượng cổ xưa nhất về phân, như chúng tôi đã nói, phân gắn liền với sức sản xuất và độ phì nhiêu. Mặt khác, phân được tư duy như cái gì đó trung gian giữa đất và cơ thể con người, một cái gì đó có họ mạc với nhau. Phân cũng là cái gì đó trung gian giữa cơ thể sống và xác chết, cái đang phân hủy, biến thành đất, thành phân bón, cơ thể ban phân cho đất khi còn sống, phân, cũng như xác người chết, làm cho màu mỡ đất đai” (7, 281). “Hành động hất phân, xối nước tiểu, các câu chửi phủ dầy cứt đái dành cho thế giới cũ đang chết đi (đồng thời đang ra đời) – chính là đám tang vui vẻ cho nó, hoàn toàn tương ứng như việc ném xuống mồ những nấm đất âu yếm hoặc gieo hạt – ném những hạt giống xuống rãnh cày (vào lòng đất) (nhưng trên bình diện trào tiếu)” (7,282).

Hề giễu cợt những tổn hại, những bi kịch, bệnh tật, nhu cầu cả về thể xác lẫn tinh thần. Những nghi thức giễu cợt kể ở trên là hoàn toàn xa lạ với văn hóa Mỹ đương đại. Mỹ không có hiện tượng hề cung đình. Những trò đùa cợt, nhạo báng tình dục ở các hộp đêm, công viên thường bị cấm, và việc cười nhạo người lại dường như chống lại lý tưởng dân chủ của người Mỹ. Cho nên, sự giễu nhại những tổn hại về thể xác hay tinh thần, bệnh tật trở thành nội dung chủ yếu của những chú hề Mỹ. Những hình thức đánh đập rất phổ biến trong các bộ phim hài, từ Three Stooges đến Charlie Chaplin, chúng có tính châm biếm, hài hước, mang lại tiếng cười vui vẻ cho người xem. Sự giễu cợt cái chết cũng là một nội dung phổ biến của hề. Với người Hopi, khi anh hề (mà họ rất quý trọng) chết, họ hàng của anh ta sẽ di chuyển cái xác lên mái của một tòa nhà gần trung tâm làng. Vừa hét “Yaahay!”, họ vừa liên tục lắc lư phần thân trên của cái xác, đến lần thứ tư thì thả cái xác rơi huỵch xuống đất. Đây được xem là nghi thức diễn trò cuối cùng của anh hề, có ý nghĩa giễu cợt cái chết và sự hữu hạn thân xác của loài người. Tên hề carnaval cũng thường gắn với các hình tượng hội hè dân gian, trong đó có đám ngáo ộp vui vẻ, là những con quỷ giễu hành khắp nơi thông báo cho mọi người về sự khởi đầu của hội hè. Thực chất, đám ngáo ộp vui vẻ chính là sự cười nhạo cái chết. Cảm quan carnaval giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết, bởi cái chết hòa vào thân xác toàn dân không phải sự phủ nhận cuộc sống, mà chính là một phần của cuộc sống, cái chết là điều kiện tất yếu cho sự hồi sinh.



[1] Dẫn theo Tod White, “The Anthropology of Fools”, Fool and Jester in Liturater, Art and History, tr.35. 

Đọc toàn bộ các chương của tiểu luận văn học Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới của Duy Trần. 
Duy Trần, Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, một người nghiên cứu tarot tại Tp.HCM.
DMCA.com Protection Status
Bài viết "Đặc Trưng Nội Dung Của Biểu Tượng Thằng Hề (Chương IIII, Khái Luận Về Thằng Hề Trong Văn Hóa Thế Giới)" có bản quyền, được bảo vệ bởi DMCA. Bất kỳ hình thức sao chép lại ở các trang khác mà không tuân thủ các điều khoảng sử dụng của chúng tôi sẽ được thông báo đến DMCA để thực hiện gỡ bỏ khỏi hệ thống tìm kiếm của Google và Bing. Truy cập DMCA.COM để biết thêm về các biện pháp trừng phạt do vi phạm bản quyền nội dung số.
Trang chủ